Friday, July 22, 2011

NGƯỜI HOA Ở TRÀ MY XƯA

Do đặc điểm về địa lý, lịch sử, Hoa kiều đến Việt Nam từ rất lâu đời. Còn ở Quảng Nam, họ tập trung đông ở đô thị cổ Hội An. Thế nhưng, Hoa kiều không chỉ tập trung ở Hội An mà còn toả đi nhiều nơi khác, kể cả mảnh đất xa xôi, ngay cả huyện Trà My xưa. Có thể nói, sau Hội An, Tiên Phước, Tam Kỳ thì Trà My là địa phương thu hút khá đông Hoa kiều lập nghiệp. Họ đến đây sinh sống bằng nhiều nghề, chủ yếu là những nghề “ruột” từ bốc thuốc Bắc chữa bệnh  đến mở hiệu tạp hoá, bán những đồ dùng cần thiết hàng ngày cho cư dân địa phương và đặc biệt nhất là kinh doanh lâm thổ sản...  

Hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, Trà My, nay chia ra làm hai huyện là Bắc Trà My và Nam Trà My, là mảnh đất có thể nói được liệt vào nơi “rừng thiêng nước độc”. Thị trấn Trà My tương đối đông đúc ngày nay trước kia nhà cửa chỉ lưa thưa, lẫn khuất sau những ngọn đồi, những đồi cây. Để cai trị vùng đất hẻo lánh này, thực dân Pháp có xây dựng một đồn gọi là đồn Trà My, có cả lính Tây lẫn lính người Việt. Tuy xa xôi, hiểm trở nhưng Trà My có sức thu hút Hoa kiều là do đây là địa phương có nguồn đặc sản quý hiếm. Đó là quế. Vỏ quế là mặt hàng xuất khẩu đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Thế cho nên, bấy giờ có đến vài hiệu buôn Hoa kiều. Lớn nhất là hiệu Phước Ký rồi đến Hồng An, Thoại An, Phước Hưng... Dĩ nhiên, mặt hàng buôn bán chính và có khả năng thu lợi nhiều nhất của nhưng hiệu buôn này là quế!

Nguoi Hoa o Cho lon xwua. Anh tu lieu

Cũng như người Hoa ở nhiều địa phương khác, người Hoa ở Trà My không trực tiếp mua quế mà thông qua “các lái”[1] người Việt sinh sống tại Trà My để làm đại lý thu mua. Hằng năm, cứ đến mùa quế, khung cảnh núi rừng Trà My lại nhộn nhịp khác thường. Điểm khởi đầu là đồng bào các dân tộc vùng trung du và vùng cao của huyện Trà My tìm các lái người Việt để tạm ứng trước đồ dùng cần thiết trong cuộc sống hàng ngày như mắm, muối, vải, nồi đồng, mâm đồng... Sau đó, khi có quế, các lái người Việt, cũng không đông lắm, độ hai ba chục người, lên tận các bản để lấy quế.
Theo tục lệ, họ không vào nhà dân mà dựng tạm trại nhỏ phía ngoài rìa làng để ăn ở trong một hai tháng theo theo thời gian ghi trong giấy phép do người Pháp ở đồn Trà My cấp. Đồng bào đem quế về bỏ ở trại của người Việt nào mà họ đã ứng trước đồ dùng. Khi thấy đủ số lượng hoặc thấy quế quá nhiều, các lái người Việt mới thuê người địa phương gùi xuống để ở nhà họ tại thị trấn Trà My. Công gùi tính riêng, cũng được trả bằng hiện vật. Việc đổi quế lấy đồ dùng giữa đồng bào các dân tộc miền núi với các lái người Kinh cứ diễn ra quanh năm, dai dẳng từ mùa này sang mùa khác, tạo thành mối quan hệ khăng khít, chặt chẽ.
Các hiệu người Hoa mua lại quế của các lái người Việt. Quế lúc này vẫn còn là quế tươi. Do đó, họ phải thuê thợ gia công, uốn quế. Mỗi hiệu, tuỳ theo số lượng quế ít nhiều mà thuê thợ. Có thể đôi ba người nhưng cũng có thể vài ba chục người. Thợ uốn quế chia làm hai loại. Loại làm tháng chiếm đa số, làm hết tháng này sang tháng khác, khi nào hết quế thì thôi. Loại làm khoán tình theo số lượng quế đã uốn mà hưởng tiền công. Thời ấy, quế uốn nhỏ hơn bây giờ. Dụng cụ uốn đơn giản chỉ ba thanh gỗ nhỏ gác dọc và tám thanh tre gác ngang. Mỗi lần phơi quế là mỗi lần uốn. Uốn thế nào để thân vỏ quế tạo thành hình số 3. Thường thì quế nhỏ uốn bốn lần, quế lớn phải năm, sáu lần. Và, cứ 100 miếng quế làm thành một kẹp. Sau khi uốn xong, các hiệu buôn người Hoa như Thuận An, Hồng An, Phước Hưng...mang trực tiếp đi Hồng Kông bán. Còn quế xô, các hãng Hồng Kông có chi nhánh ở Hội An, Đà Nẵng thu mua và chở đi. Nguồn cung cấp qiế xô là các lái buôn người Việt ở Trà My. Riêng hiệu Phước Ký cũng có kinh doanh quế xô. Được bao nhiêu, họ đều bán lại cho đại diện các hãng Hồng Kông.

Cho Da Nang. Anh tu lieu

Ngoài kinh doanh quế, mặt hàng chiến lược ở Trà My, Hoa kiều còn làm nhiều nghề khác như bốc thuốc Bắc chữa bệnh, bán các mặt hàng thiết yếu như mắm muối, các loại lương thực, thực phẩm... Có thể nói, đây là những sản phẩm họ buôn bán quanh năm, mùa mưa cũng như mùa nắng. Nhìn chung, trong kinh doanh, cũng như Hoa kiều ở các nơi khác, Hoa kiều ở Trà My luôn biết cách tạo “thương hiệu”, “uy tín” cho mình. Cụ thể, trong quá trình kinh doanh, buôn bán, bên cạnh sự khôn ngoan,  họ rất coi trọng chữ tín. Không bao giờ họ nuốt lời hứa với bất cứ ai. Và, đã hứa, họ làm cho bằng được. Làm ăn với Hoa Kiều thường thì Tết nhứt hay lễ lạc quan trọng nào đó, họ hay có quà biếu. Tuỳ theo độ đậm nhạt trong quan hệ buôn bán mà món quà “nặng” hay “nhẹ”. Đây là “nghệ thuật” giữ bạn hàng của họ. Thật ra, chút quà ấy chẳng thấm vào đâu so với món lợi họ thu cả năm trời nhưng rõ ràng, họ đã biết cách đánh vào tâm lý để bảo đảm sang năm mới, công việc kinh doanh của họ sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến hơn[2]. 
          Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ lâu dài và ác liệt, do nhiều lý do khác nhau, người Hoa lần lượt ra Đà Nẵng, đến Hội An hay vào tận Sài Gòn sinh sống. Đó là nguyên nhân khiến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng không còn bóng dáng thương nhân Hoa Kiều nói riêng hay người Hoa nói chung trên đất Trà My.
                                                          


[1] Theo lời kể của ông Trịnh Hiếu An, sinh năm 1916, ở thị trấn Trà My, huyện Trà My, nay huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam
[2] Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Khương, sinh năm 1905, ở thị trấn Trà My, huyện Trà My, nay huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam

No comments: