Tuesday, January 31, 2012

KÝ ỨC DÙI CHIÊNG...

Tương truyền, thôn Dùi Chiêng, xã Quế Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, hồi nửa đầu thế kỷ XX, hãy còn là vùng rừng thiêng nước độc, chỉ lèo tèo vài chục ngôi nhà tranh đơn sơ, giản dị nằm cheo leo, men theo vách núi. Khung cảnh thâm u hoang vắng. Rừng gần sát với nhà. Sát đến mức nhiều khi người ta ngỡ là nhà ở trong rừng. Bởi từ nhà, chỉ  vài bước chân là thấy núi, thấy rừng, nghe tiếng chim kêu, vượn hú. Đặc biệt, Dùi Chiêng xưa có nhiều cọp và sớm nổi tiếng là làng bắt… cọp. Cọp nhiều vô kể. Cho nên, chúng hay lẻn vào làng bắt trâu, bắt cả người. Và, trong cuộc đấu tranh sinh tồn, cũng giống như chuyện cổ tích, người bao giờ cũng thắng, cũng chế ngự được cọp dữ. Trong đó, nhân vật làm nên kỳ tích ở vùng đất núi non trùng điệp này là ông Phạm Bá Doãn. Kế đến là ông Hội Hồng, con ông Bá Doãn.

Đường lên Dùi Chiêng, chập chùng đồi núi. Ảnh Đ.Đ

Bấy giờ, khi trời vừa tắt nắng, không khí lạnh từ rừng sâu, núi cao bắt đầu tràn xuống, nhà nào nhà nấy cửa đóng kín mít. Không ai dám ra ngõ. Người ta sợ đến mức đêm đến phải để bẹ lá chuối từ trong nhà ra ngoài để lỡ có mắc tiểu thì khỏi ra ngoài, cứ nhè bẹ cuối mà tiểu tiện. Còn đại tiện cũng trong nhà, sáng mai phần ai nấy lo "giải quyết hậu quả". Nhiều đêm nghe tiếng cọp đi qua đi lại mà lạnh cả xương sống. Nhớ chuyện cũ, lớp người ở tuổi xưa nay hiếm tại làng Dùi Chiêng vẫn còn chưa hết rùng mình. Khi ấy, họ hãy còn nhỏ, thấy cũng thấy, rồi cũng nghe người lớn kể lại. Đủ hết. Trong đó, có lắm chuyện sởn tóc gáy. Nhất là chuyện nửa đêm cọp về, lấy chân cạ cạ vào vách phên bằng đất. Bấy giờ, cọp nhiều, dân lại ít, chúng dạn dĩ lắm, về luôn. Người ta nói rừng động. Chẳng si biết rừng động hay không. Nhưng nhiều năm cọp về nhiều hơn. Rồi họ bảo do “động rừng”.
Cũng chính tại làng Dùi Chiêng, đã bao đời nay có một cái miếu thờ mà người dân địa phương quen gọi là dinh Ông Trùm. Về sự tích dinh, có câu chuyện khá lý thú và hấp dẫn, được lưu truyền trong dân gian qua nhiều đời rằng hồi làng mới lập, có một ông gọi là ông Trùm Hò. Không ai biết ông họ chi và từ đâu đến. Cũng theo tương truyền, ông Trùm Hò có dáng người cao lớn, vạm vỡ, giỏi võ nghệ, sức địch muôn người. Thế cho nên, dân làng sợ cọp nhưng ông thì không. Ngày ngày, ông  vác cái rựa, cái rìu lên núi chặt cây gỗ về bán kiếm cơm. Ông thường đi một mình. Hôm đó, ông đang trên đưòng vác cây về thì gặp cọp. Ông bèn bỏ rìu, tay cầm rựa thủ thế. Cọp gầm lêm một tiếng long trời lở đất trước khi nhảy vồ "con mồi".  Ông nhanh nhẹn lách qua bên kia, tránh được. Ngay sau đó, cả hai, cọp và người, quần nhau đánh suốt một ngày ròng rã. Cứ cọp nhảy sang bên trái thì ông nhảy qua bên phải và ngược lại. Ông vừa nhảy vừa lợi dụng thời cơ chém cọp. Chiều dần tắt nắng. Cuối cùng, cả hai vừa khát nước vừa kiệt sức rồi chết.

Dùi Chiêng. Ảnh Đ.Đ

Sự kiện ông Trùm Hò đánh nhau với cọp dân làng không ai biết. Bấy giờ, khu vực sau này trở thành Dinh Ông Trùm là cửa rừng, cây cối rậm rạp, heo hút, vắng bóng người qua lại. Mãi đến sáng hôm sau, khi đi lên núi, bà con mới phát hiện. Lúc đó, xác cọp và người đều đã đông cứng. Dân làng bèn lập miếu thờ. Đặc biệt, trên bàn thờ có để hai cái đầu. Một đầu người và một đầu cọp. Đầu người là của ông Trùm Hò. Còn đầu kia là của con cọp nọ. Hàng năm, cứ đúng vào ngày lễ "khai truông", cũng là lễ "khai hạ" , dân làng tổ chức cúng thần núi. Người ta mổ 1 con heo, để y nguyên cả đầu cẳng, lòng… đầy đủ, cúng cùng với những lễ vật khác như chè, xôi, hương đèn. Sau khi cúng, họ cắt đầu heo ra, giao cho anh giáp làng nhiệm vụ bưng vào Dinh Ông, để đầu heo lại. Cứ để đúng ba ngày ba đêm. Nếu sau đó cọp không xuống núi để ăn thì anh giáp được hưởng đầu heo này. "Tui nghe kể có năm cọp xuống ăn nhưng cũng có năm không xuống". Năm 1964, khi trận lụt khủng khiếp năm Thìn xảy ra, hai đầu để thờ, đầu cọp và đầu người đã bị nước lũ cuốn trôi. Dinh cũng bi hư hại nhiều. Hiện nay, dinh chỉ  còn trơ "xác", tức ba bức tường nham nhở, phần mái đã tốc, được che chắn tạm bợ. 
Có thể nói, chuyện ông Trùm Hò đấu nhau với cọp là chuyện hi hữu. Làng Dùi Chiêng duy nhất chỉ có ông dám làm chuyện "động trời" này. Còn những gia đình khác đối phó với cọp bằng cách đánh thanh la, gõ mõ, gõ… nồi và bất cứ vật dụng nào phát ra âm thanh để xua đuổi chúng. Tuy nhiên, đã là làng… bắt cọp tất nhiên, gõ chỉ là cách đối phó bị động, còn phải có người giỏi bắt cọp. Nhưng bắt bằng mưu trí, chứ không ai dám "đánh"  nhau với cọp như ông Trùm Hò, để cả người và cọp đều cùng chung số phận. Người giỏi "bắt" cọp và bắt cọp có tiếng đầu tiên là ông Phạm Bá Doãn. Để bắt cọp, ông làm một thứ bẫy mà người địa phương quen gọi là "chùa". Dấu tích còn lại của những cái "chùa" bắt cọp này là một địa danh người ta gọi là kiệt Chùa, tức kiệt có "chùa" bắt cọp. "Chùa" không to, ngang gần 1 mét, dài khoảng 5 mét, hoàn toàn bằng cây săn, chắc, được chôn sâu xuống đất, phía trên cũng được cột kỹ, chèn đá to, làm sao để một khi cọp đã vào bẫy không thể vùng ra nổi. Trong chùa nhốt một con chó, ngăn lại. Cọp đi, nghe tiếng chó sủa, mò đến. Khi nó vừa vào thì bẫy sụp sụp xuống. Người ta chỉ  việc dùng giáo nhọn mà đâm cho đến lúc cọp chết mới thôi.
"Chùa" bắt cọp biến mất hồi cuối thập kỷ 1920, đầu thập kỷ 1930. Đó cũng là lúc ông Bá Doãn nghiên cứu làm cái kẹp gài cọp. Kẹp bằng sắt, nặng đến bốn, năm mươi ký, thường phải hai người khiêng. Bấy giờ, theo thói quen, dân làng Dùi Chiêng thường chăn thả trâu. Lúc đói mồi, cọp hay bắt trâu. Khi vồ được, nó tha vào rừng, ăn bộ lòng. Còn lại, nó giấu một nơi, chờ lúc đói, lại đến ăn tiếp. Nắm rõ thói quen "chết người" này, mỗi khi bị cọp bắt trâu bò, dân làng liền theo dõi, xem cọp giấu xác trâu ở đâu. Sau đó, họ đến nhờ ông Bá Doãn gài kẹp giùm. Để chắc ăn, ông Bá Doãn cho gài hai, ba cái kẹp. Gài xong, họ cột chặt kẹp vào gốc cây to với mục đích cọp khi đã bị mắc kẹp, không thể lôi kẹp đi mất. Chuyện cọp bị kẹp kẹp cứng vào chân, không đi được, chỉ  nằm một chỗ chờ chết thì lớp người như ông Nguyễn Tửu từng chứng kiến quá nhiều lần. Ở làng Dùi Chiêng, hồi trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, năm nào cũng có cọp bị mắc kẹp. Năm nhiều có thể lên đến ba, bốn con.
Có thể nói, sau ông Bá Doãn, ông Hội Hồng, con ông Bá Doãn cũng là người nổi tiếng cả vùng tây Quảng Nam về khả năng dùng kẹp gài cọp. Không chỉ  gài ở Dùi Chiêng mà ở đâu có cọp, có người đến mời, ông đều nhiệt tình giúp đỡ. Có lần cọp bị mắc kẹp ở Sé, giờ gọi là làng Phước Hội, xã Quế Lâm. Nguyên hồi đó, có con cọp ra bắt trâu. Gia chủ theo dõi, rồi cho người lên báo với ông Hội Hồng. Khi cọp dĩ nhiên dính kẹp, bà con rủ nhau đi xem rất đông. Có ông nọ cũng vào. Bất thình lình, cọp gầm lên, nhảy vồ trúng, làm chết ngay tại chỗ, máu me đầy người. Dân làng hốt hoảng nhưng mạnh ai nấy la, không ai dám vào. Được tin, ông Hội Hồng xách súng lên ngay. Ông bảo giờ án mạng đã xảy ra, phải báo quan trước đã. Sau đó, ông yêu cầu làng lập biên bản, cam đoan rằng ông bắn cọp khi cọp đã vồ chết người. Ông sợ lỡ bắn có viên đạn nào trúng nạn nhân thì sẽ bị quy tội giết người. Khi biên bản làm xong, mọi người ký tên vào làm chứng, ông mới bắn. Cọp chết ngay tại chỗ.
Sinh thời, cả ông Phạm Bá Doãn và ông Hội Hồng đều là những người nổi tiếng "sát cọp". Cũng vì vậy mà danh xưng làng bắt cọp, tức làng Dùi Chiêng, chẳng qua chỉ để nói đến hai cha con họ. Đặc biệt, khi bắt được con cọp nào, họ thường lấy "công" là bộ xương cọp. Tương truyền, gia đình ông Bá Doãn giàu nức tiếng ban đầu nhờ nấu cao hổ cốt. Ông có nhiều sáng kiến bắt cọp, từ sử dụng "chùa" đến kẹp gài cọp. Khi ông mất đi, con ông, tức ông Hội Hồng lên thay thế. Nhờ nấu cao hổ cốt, ông nhanh chóng giàu lên, mua ruộng đất, phát canh thu tô. Bấy giờ, vay ang lúa, chỉ  qua một mùa, trả thành ang rưỡi. Nghĩa là lời đến… 50% chỉ qua mấy tháng. Thế nên, người giàu càng giàu thêm. Còn dân nghèo, lỡ vay, nhiều khi trả hoài vẫn còn nợ. Sẵn tiền sắn bạc, ông Bá Doãn bỏ tiền ra xây đến ba ngôi nhà lầu. Tuy giàu, nhưng ông Bá Doãn và sau này là ông Hội Hồng, may thay, lại được dân làng cho rằng có lòng hào hiệp chứ không keo kiệt như những người khác!

Saturday, January 28, 2012

CÁ THẦN ĐẠI LÃNH

Cách đây gần 50 năm, vào mùa hè năm 1963, ở một cái bàu nằm trên một cái gò thuộc xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, xuất hiện một con cá lớn, dài khoảng 1,2 mét, mình thon như con cá chình, màu đen, trên lưng cá có viền màu đỏ, cả đuôi cá cũng xoè ra, màu đỏ. Không  ai biết nguồn gốc của con cá lạ này. Nó không giống với nhiều con cá khác. Một đồn mười, mười đồn trăm. Dân trong và ngoài làng kéo nhau đi xem cá. Bấy giờ, Đại Lãnh còn thuộc vùng kiểm soát của chính quyền Sài Gòn. Và, trong thanh niên, chúng lập ra cái gọi là “thanh niên chiến đấu”. Chúng trang bị cả súng, lựu đạn. Nghe bà con kháo nhau về cá lạ, bọn thanh niên chiến đấu mới nổi máu, muốn… thịt con cá lạ. Thế là cả tốp thanh niên chiến đấu mới đem lựu đạn đến bàu Quyền, cứ phát hiện cá lạ trồi lên chỗ nào là ném lựu đạn chỗ ấy. Nhưng, kỳ lạ thay, cả mấy chục trái lựu đạn đều ném hết nhưng cá lạ vẫn không… trầy vi tróc vỏ mới lạ. Thỉnh thoảng, cá lạ cứ nổi như khiêu khích đám thanh niên chiến đấu.
Bàu Quyền ở gò Trao nơi có cá thần. Ảnh Đ.Đ

“Chơi” lựu đạn không được thì dùng súng. Đám thanh niên chiến đấu bảo nhau. Thế là cứ ba khẩu súng garant chúng nhắm một chỗ. Mười lăm thanh niên nhắm năm chỗ. Nghĩa là gần như hết cả cái bàu rộng. Mỗi khi cá lờ đờ nổi lên chỗ nào, chúng bắn chỗ ấy. Súng nổ như đinh tai nhức óc. Cá cứ tự nhiên, nổi lên, bơi chừng năm thước, rồi lặn xuống hồ. Mười phút sau lại nổi lên, rồi bơi, rồi lặn… Cuối cùng, đám thanh niên đang “hăng máu vịt” này cũng đành chịu thua, không làm gì được, phải thất thểu bỏ về. Ừ, lạ thật là lạ. Còn dân làng cho rằng  cá mà ném lựu đạn không chết, bắn không  thủng, tất nhiên là cá thần. Chỉ có cá thần mới có khả năng đó. Thế là tiếng đồn thoáng chốc vang xa. Nhiều bà con mới đến bàu Quyền, chờ cá thần lên để “xin” nước về uống trị bệnh. Không rõ tác dụng ra sao nhưng càng ngày, dân kéo đến càng đông. Bấy giờ, không chỉ dân ở nội tỉnh mà có rất nhiều bà con ngoại tỉnh, thậm chí ở ngoài Huế, Quảng Trị, đến tận Sài Gòn cũng có nhiều người lặn lội vào tận Đại Lãnh, tìm đúng bàu Quyền, nơi có con cá họ gọi là cá thần để “xin” nước. Có ngày, khách thập phương đến quá đông, xe cộ để chật đường.
Ngô Đình Diệm dự lễ khánh thành đường Bà Nà  Bạch Mã do Ngô Đình Cẩn chủ xướng xây dựng. Ảnh tư liệu.

Sự việc chẳng mấy chốc đến tai quận trưởng quận Thượng Đức là Lê Trung Hiền. Vốn là người theo Công giáo, nghe bà con bàn tán xôn xao, Lê Trung Hiền không tin, cho là mê tín, bịa đặt, làm sao có chuyện con cá mà ném lựu đạn không chết, bắn không thủng? Hoang đường quá. Chưa kể chuyện người dân đến “xin” nước chữa bệnh tụ tập đông quá, chính quyền không quản lý nổi. Hơn thế nữa, cũng không thiếu những thành phần bất hảo, thừa lúc lộn xộn để móc túi, gây tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự. Thế là quận trưởng Lê Trung Hiền sai lính đem xuống 5 quả mìn làm bằng thuốc nổ TNT, quyết giết chết kỳ được con cá. Mìn nổ long trời lở đất nhưng lạ thay, cá hình như có phép… thần, cứ nhởn nhơ như trêu chọc. Tức quá, Lê Trung Hiền mới lệnh cho bọn lính mượn lưới của bà con quanh vùng đem đến giăng ra mà bắt. Rốt cuộc, bọn lính hì hục giăng, kéo suốt cả buổi, con cá lạ vẫn thoát. Đến nước ấy, Lê Trung Hiền chào thua. Ông ta cũng không thể cấm bà con đến “xin” nước thần từ bàu Quyền. Làm sao cấm nổi?
Chuyện xin nước từ cá thần Đại Lãnh cứ diễn ra hết ngày này sang ngày khác. Có ngày ít, ngày nhiều. Mãi đến tháng 11 năm 1963, mưa như trút nước. Trời lụt khá to. Nước mênh mông. Cá thần cũng biến đi mất. Đó cũng là thời điểm Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Người dân làng Hà Dục nói riêng và Đại Lãnh nói chung bảo đó là điềm báo. Thế cho nên, họ mới đặt cái gò ấy là gò Trao, còn cái bàu ấy là bàu Quyền. Tức là gò Trao bàu Quyền, ghép lại với nhau thành “trao quyền”. Tức khi cá thần xuất hiện ở gò Trao bàu Quyền thì Ngô Đình Diệm phải “trao quyền” lại cho người khác. Và, từ khi cá thần đi mất, không ai còn bén mảng đến gò Trao bàu Quyền “xin” nước thần chữa bệnh nữa. Nhưng, câu chuyện về sự xuất hiện của con cá thần vẫn được các thế hệ người dân Đại Lãnh kể nhau nghe như một câu chuyện mang tính chất huyền thoại từ đời xửa đời xưa nào đó[1]


[1] Ông Trương Tâm Cang, sinh năm 1931, người làng Hà Dục, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, kể.

Monday, January 16, 2012

HOÀI NIỆM TẾT XƯA…

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo bánh chưng xanh”

Trong ký ức xa mờ của tuổi thơ, Tết, với tôi, đến sớm. Ngay từ hai mươi tháng chạp trở đi, cái làng quê nhỏ của tôi đã sực mùi… Tết. Ấn tượng đầu tiên là pháo Tết. Thỉnh thoảng, lại có vài tiếng pháo nổ đì đẹt. Chỉ là pháp tép, loại pháo nhỏ, rẻ tiền. Quê nghèo, làm gì có pháo to, tiếng nổ giòn? Nhưng, tiếng pháo, dù là loại pháo tép, nổ đì đẹt, lại quan trọng biết nhường nào. Nó là tín hiệu như nhắc nhở, rằng Tết đã cận kề. Nghe pháo Tết, tôi thấy tâm trạng mình sao bồi hồi, háo hức lạ thường. Rồi, vào những hôm trời có nắng, nhà nhà lại rộn ràng tráng bánh tráng. Tôi nhớ như in rằng bánh tráng Tết dĩ nhiên khác với bánh tráng thường. Chiếc bánh dày hơn, lại có thêm mè, chút đường, tí gừng, trông thật đã con mắt. Ngày Tết, mẹ tôi thường nướng loại bánh này. Chỉ nghe cái mùi bánh thơm muốn nứt mũi, tôi đã nghe cồn cào trong bụng. Đó là chưa kể ở khắp làng trên, xóm dưới, người ta lại tất bật chuẩn bị bánh trái Tết. Dọc đường, lại không thiếu người rang… nếp thuê làm bánh nổ, làm những hạt nếp no tròn nhảy múa trong những chiếc chảo to, bung ra như những cánh hoa máu trắng nõn, tỏa mùi thơm lừng trong không gian. Rồi, trong những ngày này, đi đâu tôi cũng nghe các mẹ, các chị hỏi nhau, đại loại “Này, nhà bà làm bánh nổ chưa? Nhà tui năm ni làm sớm lắm…”. Vậy đấy, cái không khí Tết như tràn ngập, như phủ đầy xuống làng tôi, khiến bọn trẻ như tôi luôn có cảm giác chộn rộn khác thường. Tôi mong Tết sao không đến sớm thêm chút nữa, để tôi được ăn ngon, mặc đẹp. Và, thỏa thích đắm mình trong không khí Tết.
Tet que

Càng gần đến hai chín, ba mươi tháng chạp, nhà nhà càng chuẩn bị Tết khẩn trương hơn. Bởi, Tết, nói như mẹ tôi thường nói, đã “đuổi sát đít rồi!”. Đây cũng là thời điểm cứ đôi ba nhà, lại có nhà mổ heo ăn Tết. Mổ heo Tết, chia heo Tết, hớn hở xách rổ thịt heo Tết, xâu thịt heo Tết về nhà trở thành hình ảnh không thể thiếu ở làng tôi mỗi dịp Tết đến, xuân về. Tôi nhớ mỗi sáng, khi vẫn còn chìm trong giấc điệp, tôi thường bị đánh thức sớm bởi tiếng heo bị thọc tiết kêu eng éc khắp đầu trên xóm dưới. Nhà tôi, cũng như nhiều nhà khác, năm nào cũng làm heo ăn Tết. Heo Tết, theo thói thường, được mẹ tôi nuôi để dành từ gữa năm. Mẹ thường bảo “Heo ni là heo Tết”. Trong nhà, tiếng nói của mẹ có “trọng lượng” nhất vì mẹ tay hòm chìa khóa. Mẹ bảo heo Tết tức thị là heo… Tết. Ba tôi, thường chỉ cười, gượng nói, như chữa thẹn “Heo mô chẳng là heo, miễn rằng có heo mà ăn Tết”. Đã gọi là heo Tết nên dù túng bấn mấy, mẹ tôi cũng cương quyết không bán. Tết, không có thịt heo, còn ra thể thống gì. Đặc biệt, khi mổ heo, ba tôi là người “chủ công”. Ông lo chuẩn bị mọi thứ. Dao ngay từ hôm trước ông đã mài sao cho thật bén. Rồi, ông cắt lá chuối để lót trên chiếc nong. Sáng hôm mổ heo, tôi không thể nào ngủ yên vì tôi nghe tiếng ông và chú Bảy bên nhà qua làm giúp bắt heo sau chuồng, rồi tiếng heo kêu nghe kinh tai nhức óc. Nhưng, tôi vẫn nằm lì trên giường. Gần Tết, nhiều năm, trời lạnh như cắt da, tôi thu lu trong chăn, nằm ráng. Và, khi tôi dậy, trời đã sáng tỏ. Nhà tôi bấy giờ đông người lắm. Họ đến để chia thịt heo Tết. Này chú Bảy, rồi chú Bốn, thím Hai… Năm ít, cũng bốn, năm người. Nhiều, có khi lên sáu, bảy người. Cứ heo lớn, cứ ai hỏi chia, mẹ tôi cũng gật. Còn heo nhỏ, không thể chia nhiều.
Không chỉ chia thịt heo Tết, họ còn đến để kể nhiều chuyện thượng vàng hạ cám. Nào là nhà bà Ba năm nay làm con heo mỡ ơi là mỡ, trông phát ngấy. Nào là chú Tám vừa đón thắng con ở xa về, nghe nói làm ăn phát đạt lắm, Tết năm nay chắc ăn Tết to đây… Trong đó, kể hăng say nhất chú Năm Rô, nhà ở bên kia bàu. Chú là người trong tộc, ốm tong teo nhưng có bà vợ mập. Nhà chú có thể nói nghèo… rớt mồng tơi. Ba tôi, lúc vui miệng, kể rằng do không có ruộng đất tư nên nghề nghiệp chính của ông là đi củi, đốt than đổi cơm. “Ổng quanh năm nợ. Cứ nợ chồng nợ, nợ đến mức ngóc đầu không nổi, trỗi đầu không dậy. Đến bữa, cơm cũng không có để  ăn…”.  Tôi nghe nói liền tròn xoe mắt. Ừ, ổng nghèo thế, chia thịt, lấy tiền mô mà trả? Tôi tự vấn nhưng không dám hỏi. Hỏi, không chừng còn bị la. “Con nít biết chi mà hỏi”. Câu này tôi nghe đã nhàm tai rồi. Và, tôi sợ. Còn mẹ tôi, lại bảo nhà chú nghèo một phần cũng vì bà vợ. Bà này hễ không đi chợ thì thôi, mỗi lần đi, làm chi cũng ăn tô mì Quảng. “Đàn bà rứa thì chết”. Mẹ tôi chì chiết. Trong ký ức non nớt của tuổi thơ, tôi không thể hình dung nổi chú Năm Rô nghèo do không có đất ruộng, phải quanh năm suốt tháng đốn củi đốt than hay chủ yếu do bà vợ ăn vặt? Tôi nhớ, trong những người đến chia thịt, chú Năm Rô là người luôn luôn chia… ít nhất. Nhận phần thịt của mình xong, chú te te xách về, khuôn mặt hớn hở trông thấy. Cứ nhìn ánh mắt, thái độ của chú, tôi mường tượng rằng lúc đó, chú như vừa hoàn thành xong một sứ mệnh tuy khó khăn mà có ý nghĩa… trọng đại, sống còn hay sao ấy!
Đã gần bốn mươi năm trôi qua với biết bao vật đổi sao dời. Thế nhưng,  mỗi lần Tết đến, Xuân về, những ký ức, hoài niệm về Tết xưa, Tết ở một làng quê nhỏ của Quảng Nam thương yêu, luôn sống mãi trong tôi. Thảng hoặc, tôi như nghe đâu đây tiếng pháo tép đì đẹt, rồi mùi thơm ngào ngạt của bánh nổ, của bánh tráng Tết nướng giòn… Không khí Tết, bầu không khí rộn ràng, háo hức như trở lại bên tôi, hiện hữu trong tôi. Và, nhất là hình ảnh chú Năm Rô te te xách xâu thịt heo Tết hớn hở về nhà như ghi đậm trong tiềm thức. Mẹ tôi giờ đã già, lụm cụm. Tuy nhiên, khi nhắc đến Tết quê xưa, bà hay nhắc nhiều thứ. Có lần tôi hỏi chuyện chú Năm Rô, bà bảo hồi ấy, nhà chú ấy nghèo quá, chia thịt heo Tết là chia thế, nhưng nhiều lần đi đòi tiền, mới đến nhà, bà không thể mở miệng “Có năm mẹ cho luôn. Rồi, cũng có năm, nhà có việc cần, nhờ chú làm giúp, coi như trả nợ. Ở đời, còn có chữ tình…”.  Bà nói, giọng nhỏ nhẹ, như nhắc nhở tôi về đạo lý muôn thuở của đời người. Bây giờ, dù ở phố, nhưng thỉnh thoảng, tôi có về thăm quê. Điều đáng mừng là chú Năm Rô không còn nghèo… rớt mồng tơi như xưa nữa. Chú không giàu nhưng cũng có của ăn của để. Tết, chú có thể đàng hoàng chia thịt heo Tết và ăn một cái Tết cho ra… Tết!

Thursday, January 5, 2012

BÁNH TRÁNG TẾT XỨ QUẢNG

Tết thì có nhiều thứ để sắm. Nào thịt Tết, bánh Tết, áo quần Tết và cả... bánh tráng Tết. Vâng, đã là ngày Tết, nhất là Tết trên đất Quảng Nam mà thiếu bóng dáng của những chiếc bánh tráng nướng dòn trông thật ngon để ăn Tết thì.. chả ra làm sao cả. Cho nên, dù gì thì gì, năm hết, Tết đến, không nhà nào không kiếm ít bánh tráng Tết. Có người, nhất là các mẹ, các chị ở quê, thường tự tay mình tráng ít bánh tráng Tết thật đặc biệt. Cũng có người đặt mua ở chỗ quen biết, có uy tín, ít ràng bánh tráng thượng hảo hạng để dành cho… Tết!

Thật ra, bánh tráng đâu không có. Người Bắc gọi bánh tráng là bánh đa. Bánh đa nướng dĩ nhiên thơm ngon, dòn rụm hết chỗ chê. Còn ở Bình Định, xứ sở của cây dừa, lại có bánh tráng dừa được liệt vào hàng đặc sản. Loại bánh này nướng lên, cứ nhìn chiếc bánh cong phồng, toả mùi thơm ngạt mũi, đã thèm ăn lắm rồi. Riêng bánh tráng Quảng Nam, tuy không nổi tiếng bằng bánh đa ngoài Bắc, bánh tráng dừa Bình Định nhưng là địa phương có nhiều loại bánh tráng, từ bánh tráng gạo đến bánh tráng sắn, bánh tráng bắp, bánh tráng khoai. Trong đó, phổ biến nhất vẫn là bánh tráng làm bằng bột gạo. Bánh tráng bột gạo cũng chia ra làm nhiều loại, từ bánh tráng mỏng đến bánh tráng dày, bánh tráng đường, bánh tráng mè, rồi bánh tráng lề. Riêng loại bánh tráng lề là loại bánh mỏng, chỉ dùng để cuốn bánh tráng thịt heo, món ăn đặc sản của người Quảng. Nhiều người cho rằng bánh tráng dày, ngon nhất nổi tiếng nhất là bánh tráng dày có xuất xứ từ Đại Lộc. Còn bánh lề, không đâu sánh bằng bánh lề Phú Chiêm, một làng nghề tráng bánh lề nổi tiếng nhất của Quảng Nam.
Cảnh làng quê xưa. Ảnh tư liệu

Đã thành lệ, cứ vào cỡ tháng chạp âm lịch hàng năm, khắp các vùng quê Quảng Nam, rồi đến vùng ngoại ô Đà Nẵng, đâu đâu bà con cũng dựng lò tráng bánh.Tết. Người nhà quê xưa nay vốn nghèo, kiếm ra đồng tiền, bát gạo không phải chuyện dễ. Các chị, các mẹ lại khéo tay, muốn tự mình tráng bánh Tết, trước là khỏi phải tốn tiền mua ngoài chợ, hai là dành tiền mua các thứ khác. Thôi thì năm hết, Tết đến, có cả ngàn thứ phải mua sắm, tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy. Cho nên, vào khoảng thời gian này, khi trời hanh nắng, rảo khắp xóm thôn, sẽ thấy khung cảnh khá vui mắt với hình ảnh những vĩ bánh tráng phơi đầy trước sân, ngoài ngõ như báo hiệu mùa xuân mới đã cận kề.
Ngày Tết, người xứ Quảng hay dùng hai loại bánh chính là bánh dày và bánh mỏng. Bánh tráng dày thường được các mẹ, các chị gia thêm chút đường, rắc ít mè để khi nướng lên, chiếc bánh sẽ tăng thêm sự thơm ngon, ngọt. Bánh tráng dày ngày Tết thường được nướng giòn, trông rất hấp dẫn luôn hiện diện ở vị trí trang trọng nhất trên mâm cỗ ngày xuân. Để rồi, khi cúng xong, ngồi vào bàn, công việc đầu tiên là...bẻ những chiếc bánh tráng dòn rụm ấy thành từng miếng nhỏ để cả gia đình, anh em ăn mỗi người vài miếng “khai vị”. Bánh tráng Tết ngon đã đành nhưng âm thanh rào rạo phát ra khiến không khí Tết càng... Tết thêm. Còn bánh mỏng, chủ yếu dùng để cuốn bánh tráng thịt heo, món ăn được liệt vào hàng đặc sản của người xứ Quảng. Ngày thường, lâu lâu người Quảng mới ăn bánh tráng thịt heo nhưng ngày Tết hầu như bữa nào cũng có. Khách ghé nhà, khi gặp bữa, bánh tráng thịt heo là thứ không thể thiếu.
Bánh Tết không chỉ ăn trong Tết. Và, với nhiều người, Tết không chỉ có ba ngày. Cho nên, bánh tráng Tết theo lệ thường bà con tráng khá nhiều. Ra Tết, số bánh còn không ít. Thế là người Quảng cứ ăn... lai rai. Vì chỉ ăn... lai rai nên nhiều gia đình đến hết tháng giêng cũng còn... vài chiếc. Dĩ nhiên, ấy là những chiếc bánh tráng dày. Ngoài chuyện ăn chơi, ăn lúc thèm ăn, cũng không hiếm gia đình dùng loại bánh nướng thơm ngon này kẹp với bánh tổ chiên dòn, loại bánh đặc sản Quảng Nam còn lại trong ngày Tết để ăn thì sự thơm ngon, ý vị càng tăng lên gấp bội lần. Bánh tráng, ngày thường trong nhà có hay không cũng chẳng chết ai. Nhưng ngày Tết, với người Quảng không thể không có. Thế cho nên, đến hẹn lại lên, khi mùa đông rét lạnh bắt đầu chuyển sang tiết xuân ấm áp, báo hiệu năm mới sắp về, người dân xứ Quảng, dù ở đồng bằng, nông thôn hay chốn đô thành nhộn nhịp, gia đình nào cũng chuẩn bị những ràng bánh Tết thật bắt mắt. Để rồi, ngày mồng một, mồng hai… trong mâm cỗ đầu xuân, giữa tiết trời se lạnh, nướng vài chiếc bánh tráng loại đặc biệt sao cho dòn rụm, trước cúng ông bà tổ tiên, sau thưởng thức hương vị đậm đà, thơm ngon giữa không khí hân hoan của những ngày nguyên đán quả thật tuyệt diệu biết nhường nào!


Wednesday, January 4, 2012

SỰ TÍCH HÀ KIỀU

Ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, có một địa điểm khá nổi tiếng. Đó là Hà Kiều. Hà Kiều nay thuộc khối phố Hà Kiều, thị trấn Hà Lam. Hà Kiều, theo ông Nguyễn Công Xuân, sinh năm 1925, một trong những bậc lão làng của đất Hà Lam, ý chỉ một cây cầu ở Hà Lam.  Chữ “Hà” ý chỉ Hà Lam, còn “Kiều”, theo chữ Hán là cầu. Nghĩa là cầu ở Hà Lam. Cây cầu này bắc ngang qua bàu sen. Bàu sen lại có tên chữ là Hà Trì. “Hà” có bộ thảo ở trên cùng, nghĩa là sen. Còn “Trì” nghĩa là bàu nước. Nôm na là bàu nước có sen. Tương truyền, xưa kia, ở làng Hà Lam có một khe nước chảy, có sen mọc ở dưới khe, nên mới có tên chữ là Hà Khê. Ngoài chữ “Hà” như đã nói thì chữ “Khê” có nghĩa là khe nước. Khe nước này ngăn cách hai ấp là ấp Trung và ấp Thị. Để dễ dàng qua lại, dân làng mới bắt một cây cầu bằng tre ngang qua khe. Làm bắng tre, tức cây cầu trông rất đơn sơ, giản dị. Thế cho nên trong tấm bia Hà Kiều có khắc dòng chữ “Ngô hương Hà Khê hữu kiều cổ hý”, tức “Khe sen làng ta có một cây cầu”. Và, xung quanh Hà Kiều có sự tích khá hấp dẫn và lý thú.
Cầu Hà Kiều đã góp phần làm nên cảnh quan thơ mộng của một vùng quê. (Ảnh: tieulathangbinh.com)

Như đã nói, khởi thuỷ, làng Hà Lam có khe nước có sen mọc gọi là Hà Khê. Khe nước muôn đời vẫn là khe nước, nếu không có sự tác động của thiên nhiên hay của bàn tay con người. Hà Khê cũng vậy. Thế cho nên, Hà Khê biến thành Hà Trì là nhờ hai nhân vật khá đặc biệt. Đó là cụ Hà Đình Nguyễn Thuật và cụ Sơn Phòng Nguyễn Tạo. Từ nhỏ, hai cụ đã nổi tiếng học giỏi. Lớn lên, khi đi thi, hai cụ đều đỗ đạt cao, làm rạng danh làng xóm. Trong lúc cụ Nguyễn Tạo đỗ cử nhân thì cụ Nguyễn Thuật đỗ phó bảng. Cả hai được ra làm quan trải qua nhiều đời vua... Trong đó, cụ Hà Đình Nguyễn Thuật làm đến chức Đông Các Đại học sĩ, một chức vụ được xem như tứ trụ của triều đình Huế. Tuy làm quan lớn, nhưng với quê hương, hai cụ cũng rất có nghĩa với bà con, làng xóm. Tương truyền, cả hai cụ là những người khởi xướng, vận động bà con xây dựng công trình thuỷ lợi, dẫn nước tưới cho đồng ruộng, xây cầu khá chắc chắn để nhân dân dễ dàng qua lại.
Nguyên thời trước, để trồng lúa, người dân Hà Lam phải lấy nước ở khe nước tự nhiên chảy qua làng. Đó là Hà Khê. Nhưng nước khe làm sao đủ để tưới, nhất là trong những năm hạn hán? Không có nước, họ đành đứng nhìn cây lúa héo dần, chết dần. Hiểu được tình cảnh của dân làng, các cụ f ĐìnhHàmới khởi xướng đào khe sâu và rộng để dẫn nước từ sông Ly Ly vào, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Dân làng ai nấy đều hăng hái tham gia. Kẻ góp sức, người góp công. Chẳng bao lâu sau, từ khe nước nhỏ có tên Hà Khê, khe đã biến thành bàu, tên chữ là Hà Trì, tức bàu sen. Gọi là bàu nhưng bàu này khá dài, lại uốn lượn thành chín khúc, nên người xưa còn gọi là cửu khúc Hà Trì. Từ khi công trình đào khe Hà Khê hoàn thành, nước từ sông Ly Ly chảy vào nhiều, tạo điều kiện cho người dân đưa nước vào đồng ruộng, góp phần cứu lúa, nhất là những năm khô hạn.
Bên cạnh việc vận động nhân dân xây dựng công trình thuỷ lợi, các cụ còn vận động nhân dân xây cầu. Theo tài liệu còn lưu lại thì vào năm Thành Thái thứ hai, tức năm 1890, cụ Sơn Phòng Nguyễn Tạo và cụ Hà Đình Nguyễn Thuật đề xướng lạc quyên để xây dựng lại cây cầu bắc ngang qua ấp Trung và ấp Thị. Nguyên cầu cũ là cầu tre, rất tạm bợ, lại xuống cấp, gây nguy hiểm cho người dân qua lại, đặc biệt trong mùa mưa bão. Cây cầu mới có ba nhịp, được xây dựng khá chắc chắn, xây cuốn, ở giữa lót ván nên có tên là cầu ván. Cũng từ đó, danh xưng Hà Kiều mới được hình thành. Đặc biệt, cụ Sơn Phòng Nguyễn Tảo đã góp tổng cộng 300 quan tiền, một số tiền khá lớn lúc bấy giờ để xây dựng công trình thủy lợi ở Hà Trì và bắt cầu Hà Kiều.
Hiện nay, cầu gỗ Hà Kiều không còn. Thay vào đó đó là chiếc cầu xi măng khá vững chắc. Tuy nhiên, ở Hà Kiều vẫn còn di tích quý còn lưu lại là tấm bia được lập thời Thành Thái thứ 12, tức năm 1900. Bia nói về việc làm cầu, ghi lại công  sức đóng góp của bà con, làng xóm, như ghi lại một dấu ấn lịch sử. Và, cũng cần chú ý, theo các bô lão làng Hà Lam, thời xưa, nhà cụ Hà Đình Nguyễn Thuật, còn gọi là cụ Thượng Hà Đình, một danh nhân nổi tiếng của xứ Quảng quay hướng ra cầu. Cổng nhà xây kháng trang cổ kính, bên bờ có hàng trúc ngày ngày soi bóng xuống bàu sen. Trước cảnh đẹp Hà Kiều, sinh thời, cụ Hà có sáng tác hai câu thơ “Thập lý  hà phong hương bất đoạn/ Bản kiều tây bạn thị ngô gia”. Nghĩa là “Mười dặm hương sen mùi còn thoảng/ Bờ tây cầu ván  ấy nhà ta”. Thế cho nên, xưa, theo cách nói dân gian, người ta thường gọi bàu sen, tức Hà Trì, là bàu cụ Thượng. Cụ Thượng ở đây là cụ Thượng Hà Đình!

Sunday, January 1, 2012

CHƠI NGÔNG

Ở Quảng Nam, có nhiều nhân vật chơi ngông có tiếng[1]. Một trong những nhân vật đó là ông Hương Lý, sống vào cuối thế kỷ XIX, đầu  thế kỷ XX, người xã Tam Thanh, nay thuộc thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam[2]. Ông họ Châu, tên Lý, sinh thời có làm hương chức ở làng nên mới được gọi là ông Hương Lý. Tương truyền, ông là kẻ đa tài, vừa giỏi đàn hát, lại thạo chữ nho, cũng biết bốc thuốc chữa bệnh… Tuy nhiên, ông nổi tiếng nhất là tính chơi không giống ai. Trong suốt cuộc đời mình, ông để lại một số giai thoại, câu chuyện khá lý thú mà người trong cuộc nhiều khi phải thót tim vì lo sợ cho ông. Nhưng cuối cùng, sự việc suôn sẻ. Thế mới lạ. Trong những chuyện chơi ngông của ông, có hai câu chuyện đáng chú ý hơn cả.
Chuyện thứ nhất là chuyện mua gỗ. Tiếng là mua nhưng điều kỳ lạ, ông chẳng mất xu nào. Nguyên bấy giờ người dân ở Tam Thanh muốn làm nhà phải lên miền núi mua gỗ. Thời xưa, phương tiện giao thông phổ biến và thuận tiện nhất là đi đường sông. Người ta thương đi hướng Quế Phong, Trung Đàn, đến vùng giáp Bông Miêu, xứ sở được mệnh danh là xứ sở… vàng, và cũng là nơi rừng thiêng nước độc. Khi đi, ông Hương Lý kêu một số bạn đi cùng. Ông mặc bộ đồ bà ba, giắt cây viết… ra vẻ nhà nho, uyên thâm chữ nghĩa. Lúc đến nơi, ông không mua gỗ ngay mà đi dạo, kiểu như đi chơi, đi dạo. Bấy giờ, nhà vùng núi, giáp núi rừng, làm nhà toàn gỗ tốt, phổ biến gỗ mít, gỗ lim… Ông phát hiện nhà kia đang làm nhà. Nhưng vườn mít lại còn rất nhiều cây dạng cổ thụ. Đặc biệt, chủ nhà đang ốm, nằm chèo queo ở một góc. Hỏi bà vợ, chị ta thật thà “Không biết ổng bịnh chi mà chữa ba bốn năm ni không hết”. Ông Hương Lý xem thần  sắc người bệnh, tiện tay bắt mạch, rồi nói như đinh đóng cột “Bịnh ni tui chữa khỏi”. Chị vợ như bắt được vàng “Nếu thầy chữa hết, xin thầy chữa giùm, bao nhiêu tiền tui cũng chịu”.
Xưa, dân còn mê muội, tin chuyện cúng bái, ma quỷ lắm. Vùng đồng bằng đã thế, vùng núi còn mê muội hơn. Cứ ai đau, ai ngã bệnh cũng nghĩ bị ma, quỷ ám, phải mời thầy pháp chữa. Thuốc thang thì lem nhem. Chủ nhà cũng không là ngoại lệ. Thế nên, khám xong, ông Hương Lý mới ra vườn bứt mấy loại cây, rể, rồi vào nhà, đốt mấy nén nhang, nhảy múa, ếm bùa này nọ, mục đích làm cho gia chủ tin ông là pháp sư, có thể trừ tà. Xong, mới bảo chị chủ nhà lấy cây rể sắc thuốc cho người bệnh uống. “Chị cứ sắc thế ni… thế ni… bảo đảm bịnh sẽ thuyên giảm. Ba ngày sau, tui trở lại, nếu chữa khỏi hẳn bịnh cho ông nhà, tui không lấy tiền, chỉ lấy gỗ mít thôi.”. Ông Hương Lý bảo. Khi ông Hương Lý đi rồi, chị chủ nhà mới mời anh em thân tộc đến trình bày đầu đuôi câu chuyện. “Rứa hay quá, để cho ổng chữa đi. Không khỏi thì cũng chẳng răng. Gỗ mình còn ở đó. Mà khỏi thì tốt, mất chừng ấy gỗ nhằm nhò chi!”. Ai cũng nói vào. Mọi chuyện coi như đã được quyết định. Đúng hẹn, ông Hương Lý quay trở lại. Không biết ông mát tay hay thế này mà lúc ấy, bệnh của gia chủ mười phần đã đỡ một, hai phần. Chị chủ nhà mừng rỡ, báo tin chị đồng ý điều kiện do ông đưa ra. Thế là hai bên làm giấy cam đoan, có điểm chỉ, có cả người làm chứng.
Xong, ông Hương Lý sai thợ đốn cây, ra gỗ cẩn thận. Phần ông vẫn bứt lá, rể cây rồi… làm phép để chữa bệnh cho gia chủ. Mấy người thợ thấy vậy, hỏi “Thầy ơi, thầy có chữa hết không mà nói kinh rứa thầy!”. Ông tỉnh bơ “Tụi bay biết chi. Tao có làm được mới nói”. Tối hôm ấy, nhà chủ làm lễ gát đòn đông, tức đặt cây gỗ vào đỉnh nhà. Ông nói với chị chủ nhà “Gát đòn đông xong, thể nào cũng có con cú đến đậu ngay trên cây đòn đông, hót ba tiếng. Nó hót, ông nhà sẽ khỏi bệnh hẳn, ngồi dậy được”. Ai nghe ông nói cũng ngạc nhiên, hồi hộp, để xem thử. Mà, ông đoán như thần, y như rằng thợ gát đòn đông xong, không biết từ đâu có con cú đậu ngay trên cây đòn đông, hót… hai tiếng. “Chưa được mô, phải ba tiếng kêu”. Ông Hương Lý bảo. Ông vừa nói xong, con cú lại tiếp tục kêu ba tiếng. Nhưng lần này, nó kêu tiếng lạ lắm, không phải “cú cú cú” mà gần như “phú phú phú”. Ông chủ nghe cú kêu, liền ngồi bật dậy, hết cả bệnh. Chuyện đâu đã hết. Ông bảo chị chủ nhà nấu nồi xôi to, mấy con gà, để cúng dọc đường ông về, không thì… con quỷ nó theo, mệt lắm. Chị chủ tin răm rắp. Vậy là trên đường thả bè trôi sông về lại Tam Thanh, ông không phải tốn tiền mua lương thực, thức ăn. Cũng trên đường về, thợ cứ hỏi ông sao đoán tài thế. Ông cười, chỉ nói gọn “Bí mật nghề nghiệp, bay làm răng biết!”.
Chuyện thứ hai là chuyện đi mua phân, tiếng địa phương gọi là đi phân dinh. Không ai cắt nghĩa tại sao gọi là phân dinh, chữ “dinh” đó ở đâu mà ra, chỉ biết đi phân dinh tức đi chợ mua phân về bón tỉa đậu phụng. Đơn giản thế thôi[3]. Trước khi đi, ông đi “tiền trạm trước”. Nhờ vậy, ông Hương Lý biết chắc có một làng tổ chức cúng đình, nhưng làm to lắm, nghe nói có nhạc nữa. Sau khi nắm chắc, ông mới về, bảo mọi người trong đội nhạc mượn ba chiếc ghe to đi phân dinh cùng ông, đem theo cả nhạc cụ. Ông canh sao đi đến địa phận làng đó ngay giữa đêm, rồi chống ghe giữa sông, nổi nhạc… chơi. Đội nhạc ông chơi rất hay. Giữa đêm khuya, nghe càng hay bội lần. Mấy ông lý trưởng, lý hương làng đó thấy vậy, ai cũng mê, cũng muốn mời họ chơi nhạc cho làng. Thế là họ bàn nhau vội chèo ghe ra giữa sông, mời ông Hương Lý và đội nhạc chơi nhạc cho làng. Ông Hương Lý cười, nhỏ nhẹ nói “Tụi tui chỉ chơi cho vui rứa thôi. Đi đâu cũng đem theo nhạc cụ, rảnh thì chơi. Còn chơi nhạc cho các ông răng được, phân mô chở về tỉa đậu… Thôi, các ông đã mời đội nhạc mô thì để đội nhạc đó chơi, còn tụi tui đi mua phân đã”.  
Nghe vậy, lý trưởng, lý hương làng đó hội ý lại một lần nữa. Sau khi thống nhất, họ đề nghị “Thôi, nếu các ông đã đi mua phân thì các ông đừng lo. Làng sẽ lo đầy đủ phân cho các ông. Muốn bao nhiêu có bấy nấy. Các ông chỉ cần chơi nhạc trong mấy ngày lễ cho làng”. Để cho họ nài nỉ một lát, ông Hương Lý mới đồng ý. Thế là hai bên tiến hành làm giấy cam đoan, có điểm chỉ. Tiếp theo, ông Hương Lý và anh em neo ghe, lên bờ, đánh nhạc cho làng suốt ba ngày ba đêm. Trong suốt thời gian đó, dĩ nhiên, đội nhạc được làng tiếp đãi cẩn thận, bữa nào cũng rượu thịt tươm tất. Xong việc, đúng như thỏa thuận, làng cung cấp đủ số phân theo như cam kết. Vậy là, ông Hương Lý và anh em không những khỏi cần mua phân mà còn được ăn uống no say, thế mới tài!



[1] “Ngông”, theo đại tự điển tiếng Việt là tỏ ra bất cần, có cách nói năng, cử chỉ khác với lẽ thường một cách quá quắc. Trích theo “Đại Từ điển tiếng Việt”. Nguyễn Như Ý chủ biên. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam xb. – Nxb. Văn hoá Thông tin, 1998. – Tr. 1210.
[2] Nhưng ông quê gốc làng Đông Tác, nay thuộc xã Bình Nam, huyện Thăng Bình. Cũng không biết lý do vì sao từ Bình Nam, ông vào Tam Thanh lập nghiệp.
[3] Đi mua phân dinh là đi về hường Bắc, đến địa phận huyện Duy Xuyên, Điện Bàn. Theo chúng tôi, chữ “dinh” ở đây ý chỉ dinh Quảng Nam thời chúa Nguyễn.