Tuesday, February 28, 2012

CHUYỆN ÔNG THẦY THỪA

Trong quá trình sưu tầm văn hóa dân gian, tôi được nghe bà con kể nhiều chuyện rất ly kỳ. Trong đó, có chuyện ông thầy Thừa, một nhân vật sống vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, người làng An Bằng, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Tương truyền, ông rất giỏi phép thuật, thạo cúng bái, có biệt tài trừ tà ma, trừ quỷ dữ. Ông nổi tiếng đến mức cho đến nay, các cụ già trong làng vẫn thường kể cho con cháu nghe những biệt tài có một không hai của ông. Trong đó, có hai chuyện khá hấp dẫn. Chuyện kể rằng…
1. Ngày nọ, có ghe bán mắm ghé vào làng. Thời trước, ghe chủ yếu là ghe đi bằng buồm, không phải ghe máy như bây giờ. Còn mắm cái, món ăn “khoái khẩu” của người Quảng, được các lái buôn mắm chở lên bán ở An Bằng quanh năm. Gì thì gì, An Bằng thời xa xưa vẫn còn là vùng núi heo hút. Củi gỗ, lâm thổ sản nhiều, nhưng cá mắm vừa đắt vừa hiếm. Thế cho nên, mắm cái là mặt hàng bán rất chạy. Mắm cái được đựng trong cái hũ sành, còn được gọi là cái tỉn. Tỉn đựng mắm nên có tên là tỉn mắm. Tỉn nhiều loại. Có tỉn to, tỉn nhỏ. Người có tiền, mua mắm xong, trả ngay. Người không có, cũng mua nhưng trả bằng tre hay các thứ lâm thổ sản cần thiết khác. Khi nghe tin có người vừa chở ghe mắm đến bán, ông thầy Thừa thèm quá, mới ra bến, chỉ một tỉn mắm, hỏi “Chứ các chú đổi tỉn mắm lấy bao nhiêu tre?”. Thằng bé, con trai ông chủ mắm, trạc trên mươi lăm tuổi, nghe hỏi, liền nhanh nhảu đáp “Ba cây!”. Ông thầy Thừa bảo “Hai cây tao đổi, chịu hông?”. Thằng bé cười nhạo “Ông ơi, tre ông to bao nhiêu mà đòi hai cây? Tìn mắm đổi hai cây, làm chi có. Thôi, ông về chấm muối ăn đi!”.
Làng quê xưa. Ảnh tư liệu

Nghe thằng bé mỉa mai, ông thầy Thừa tức lắm. Chừng ấy tuổi đầu mà dám nói móc ông, hỏi ông không tức sao được? Nhưng lúc ấy, ông nén giận, cứ làm thinh bỏ về, xem như không có chuyện gì xảy ra. Sáng hôm sau, chủ buôn mắm thức giấc, đưa mắt nhìn ra ngoài và dựng tóc gáy. Chiếc ghe rõ ràng tối hôm qua đang ở dưới nước, giờ bỗng dưng đậu trên bờ, như có ai khiêng lên vậy. "Chết cha rồi, chắc có ai thù oán, làm phép đưa ghe lên bờ, làm răng bây giờ!”. Ông chủ ghe than trời. Không còn cách nào khác, ông đi hỏi khắp làng. Cuối cùng, ông cũng gặp được ông Xã Tịnh. Sau khi nghe chủ ghe trình bày, ông Xã Tịnh hỏi “Chớ bọn bay đến bán mắm ở đây có gặp ai mua mắm không?”. Chủ ghe thật thà khai “Có gặp ông già già. Ổng đi mua mắm. Thằng con tui có nói bậy, bảo ổng về giã muối ăn chớ tre chi hai cây đổi lấy tỉn mắm!”. Ông Xã Tịnh vỗ đùi cái đét “Đúng rồi, ổng đó rồi! Thôi, bọn bay mua chút rượu, miếng trầu đến nhà ông thầy Thừa, nói tiếng, ổng sẽ giải cho”. Rồi, ông Xã Tịnh chỉ nhà cặn kẽ. Nghe lời, ông chủ ghe mua sắm lễ vật đầy đủ, đem đến nhà ông thầy Thừa, xin lỗi chuyện vừa qua và nhờ ông đưa ghe xuống sông giùm. Ông thầy Thừa cười cười “Bay nói chi tao không biết. Ghe bay để mô, trên bờ hay dưới sông, tao cũng chịu. Chừ bay nói rứa tau hay rứa. Bay về đi, không chuyện chi mô!”. Ông chủ ghe nghe lời, đi về. Lại ngủ qua một đêm. Sáng hôm sau, ghe tự nhiên lại xuống sông, như có phép màu. Và, cũng kể từ đó, nghe nói, ông chủ ghe bán mắm này không dám đem mắm đến bán ở làng An Bằng nữa vì… sợ.
2. Chuyện thứ hai, cũng kỳ lạ không kém. Nguyên ngày kia, ông thầy Thừa có việc, phải đi ngang qua cánh đồng nọ. Vào mùa cấy nên người ta đi cấy rất đông. Không biết đi đứng thế nào, ông bị trượt chân xuống đám ruộng, bùn dính đầy. Khi đến chỗ thửa ruộng đang cấy, nước lênh láng, ông bèn thò chân chao nước cho sạch. Bà chủ ruộng thấy ông chao mạnh quá, nước trong ruộng nổi sóng, làm những cây lúa vừa mới cấy ngả nghiêng, nóng ruột quá, liền mắng sa sả như tát nước vào mặt “Cái ông ni thiệt không có mắt, hay bị đui mù răng không thấy lúa người ta mới cấy mà cứ chao cho lúa nghiêng? Người chi mà ác rứa?...”. Bà ta mắng liền một hơi không nghỉ, toàn dúng những từ ngữ khó nghe. Thấy bà ta quá hỗn, mặc bà ta nói gì thì nói, chửi gì thì chửi, ông vẫn làm thinh, giả câm giả điếc, không thèm đáp lại một câu. Thế nhưng, khi ông đi qua rồi, có một chị đang cắm cúi cấy ở đám ruộng đó “tình cờ” phát hiện một con cá gáy to cứ lượn lờ trước mặt. Con cá to quá, lại bơi chậm, rất dễ bắt. Chị liền nhón chân chụp, bị trượt, cá chạy thóat.
Khi ấy, các chị các cũng thấy, la to “Có cá gáy! Có con cá gáy kìa!”. Và, ngay lập tức, các chị quên cả chuyện cấy lúa, mỗi chị một góc để bắt con cá lạc này. Mấy chị cấy lúa gần bên thấy vậy cũng ào đến đuổi bắt. Nhưng, kỳ lạ thay, cá cứ lượn lờ, khi sắp chụp được thì nó lại trườn đi, bắt cả buổi nhưng cuối cùng chẳng ai bắt được. Tưởng dễ hoá khó. Còn con cá gáy sau đó cũng lặn mất tăm. Kết cuộc, đám ruộng mới cấy cứ đổ nghiêng ngửa vì các chị lo bắt cá, dẫm chân lên, khiến bà chủ ruộng cứ phải la trời. Sau này, khi các chị về kể lại sự tình, người ta mới té ngửa ra rằng con cá gáy ấy không thực, chẳng qua do ông thầy Thừa tức bà chủ ruộng chửi ác quá nên làm phép, làm ngả cây lúa cho... bõ ghét!

Saturday, February 25, 2012

BẪY…CỌP Ở TIÊN PHƯỚC XƯA



“Hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, đất Tiên Phước, Quảng Nam, cọp nhiều lắm. Chuyện cọp vào làng rình bắt trâu bò là chuyện như cơm bữa. Nhưng, bắt trâu bò còn đỡ, cọp bắt cả người nữa..”. Ông Huỳnh Toản, sinh năm 1917, cháu ruột cụ Huỳnh Thúc Kháng, người làng Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, nhớ lại.
Về chuyện cọp, ông Huỳnh Toản lại có kỷ niệm khó quên. Nguyên vào khoảng năm 1935, ông cùng với các ông Nguyễn Ngọc, Nguyễn Chước, Nguyễn Nhàn rủ nhau lên tận hòn É, giáp với địa phận huyện Quế Sơn, đi “soi” nai. Họ mang theo 3 khẩu súng. Súng nhà có mà súng mượn cũng có. Khi đi, bà già ông gói một gói xôi thật to, tám chín người ăn không hết. “Nhà tui lúc đó khá lắm. Ông già tui làm chánh tổng mà!”. Ông Huỳnh Toản kể. Ngày đi thì chiều đến nơi. Họ rất mừng vì thấy chỗ đó nai xuống ăn cây có chớm hết. Sau khi xuống hố nước, họ nằm im, chờ đợi. Lúc đó, trời đã chạng vạng tối. Không khí núi rừng vắng vẻ đến lạnh người. “Chúng tôi chỉ một người cầm đuốc. Khi gặp nai, nó sẽ nhìn theo ánh đuốc, khi ấy, chúng tôi sẽ nổ súng. Bỗng, không hẹn mà cả bốn người thấy phía xa xa hình như có bóng dáng cọp.Rồi, tiếp sau, lại nghe tiếng nó gầm ghê lắm, rung chuyển cả khu rừng chứ chẳng chơi. Chúng tôi sảng, mới tắt hết đuốc. Mà, không hiểu răng, cọp thấy đuốc, thấy đèn gầm càng dữ. Rồi, chẳng ai bảo ai, cả bốn người bình tĩnh đi. Cứ đi lần lần. May là cọp không đuổi”.

Cọp (hổ) lẻn vào làng. Ảnh tư liệu

Cũng ở Tiên Phước có ngọn núi gọi là núi Sơn Ve. Ngay chính người bản địa thấy nó không cao nhưng nghe nói hồi xưa thuyền buồm ở biển cứ ngó núi Sơn Ve mà đi Nghĩa là lấy đó làm chuẩn. Thấy Sơn Ve là thấy mạn Tiên Phước. “Tui nghe kể nhưng chẳng biết có đúng hay không. Hơn thế nữa, Tiên Phước quá xa biển…”.  Ông Huỳnh Toản cho biết. Sơn Ve cũng là ngọn núi cọp hay xuống. Các bậc cao niên ở Tiên Phước vẫn nhớ như in những năm 1945, 1946, từ mạn núi Sơn Ve cọp còn xuống bắt heo, bắt trâu ăn thịt. Thế cho nên, để đối phó với cọp, ngoài việc tổ chức hội vây, người dân Tiên Phước còn đặt kẹp hay làm bẫy bẫy cọp. Tại làng Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh,  Chánh tổng tổng Tiên Giang là Huỳnh Khiêm là người bỏ công đến tận làng Lỗ Gián, huyện Quế Sơn đặt làm kẹp nhử cọp. “Kẹp cọp rất nặng, không dưới 50 ký, phải hai người khiêng. Rứa mà đụng mấy con cọp to như còn bò thì kẹp chẳng nhằm nhò chi. Nó có thể rê đi vài cây số. Cho nên, khi gài, người tá phải buộc nó vào một gốc cây cho chắc ăn. Cọp lớn cớ mô cũng khó có sức lôi kẹp và… cả gốc cây đi”. Ông Huỳnh Toản kể
Sở dĩ cọp thường mắc kẹp là do chúng có thói quen nếu ăn chưa hết mồi thì chúng giấu vào nơi nào đó, đợi lúc đói mò đến mà ăn. Do đó, không gài thì thôi, đã gài, gần như chắc chắn cọp dính bẫy. Có lần, chánh tổng Tiên Giang Huỳnh Khiêm được tin có con cọp về bắt trâu ở Trà Khân, nay thuộc xã Tiên Hiệp. Chánh tổng liền cho người khiêng kẹp vào đúng ngay chỗ cọp để phần thân con trâu còn sót lại để gài. Như thường lệ, sau khi đóng cây nọc sắt dài hơn thước tây xuống đất, ông cột cây nọc vào gốc cây bên cạnh. Gài xong, ông về, đợi tin. Nhưng, ba ngày sau vẫn chưa nghe người ta báo lại. Chánh tổng Huỳnh Khiêm bèn mượn cây súng của ông Lại Khánh. Ông này làm chức Đề lại, đã về hưu, có cây súng.
Khi đến Trà Khân, ông mới cùng gia chủ và bảy, tám người cùng thôn vào tận nơi xem thứ tình hình ra sao. Lúc vào, thấy mọi chuyện bình thường.. Nhưng lúc ra thì bị cọp “hù”. Gọi “hù” là gọi thế thôi chứ thật ra cọp vừa gầm vừa nhảy tới, định vồ người nhưng chân vướng kẹp, vướng nọc sắt lẫn… gốc cây cột vào nọc nên không thể thực hiện được ý định. Nghe tiếng gầm, mọi người mặt cắt không còn hạt máu, theo phản xạ tự nhiên phải lùi lại. Hoá ra, con cọp này to đến mức dù đã bị mắc kẹp, nó còn đủ sức lôi kẹp lẫn nọc sắt, rồi lôi luôn cả gốc cây cột vào nọc mà đi cách chỗ gài kẹp khoảng cây số đường núi. Lúc này, mọi người mới hoàn hồn. Chánh tổng Tiên Giang Huỳnh Kiêm bình tĩnh giương súng, bắn hạ. Thông thường, những con cọp lớn nhất cũng chỉ năm đòn khiêng, tức mười người. Riêng con cọp này, phải mười hai người, tức sáu đòn khiêng. Họ khiêng từ Trà Khân về đến làng Thạnh Bình. Ông Bùi Ký, lý trưởng làng thấy cọp to quá, mới sai người đóng 4 cây nọc tre xuống đất, “dựng” cọp lên đo thử dài đến đâu. Khi dựng, xem con cọp chẳng khác chi con trâu, tính ra đến 12 thước mộc. Khủng khiếp thật!
Còn nhớ năm nọ, ở làng Gia Quế, một làng nhỏ chỉ có 32 nóc nhà, nằm trên địa bàn nay là xã Dương Yên, huyện Tiên Phước, cũng xảy ra chuyện cọp về lẻn bắt trâu của dân. Được dân báo, ông Xã Kiên mới lặn lội đến nhà Chánh tổng Huỳnh Khiêm mượn kẹp gài cọp. Biết ông này không rành, Chánh tổng căn dặn kỹ “Chú cho người khiêng kẹp về, nói với thằng con trai tui gài giùm cho. Chú tự ý gài, không khéo thì nguy hiểm lắm”.  Ông Xã Kiên vâng vâng dạ dạ cho qua chuyện chứ về tự mình gài. Không biết ông gài thế nào mà chỉ có móng chân cọp mắc kẹp. Lúc bị dính kẹp, không biết cọp giãy giụa thế nào để lưng bị kẹp cứng giữa hai vồng của luống khoai, giơ cả bốn chân lên trời, không thể trở mình lên được. Khi xác định cọp đã mắc kẹp, ông Xã Kiên bèn cho người nhắn rằng “đem người lên mổ cọp”. Ông Chánh tổng nghĩ chắc cọp đã bị giết rồi, liền sai người gánh đồ lên chuẩn bị làm thịt cọp. Tới nơi, mới ngẫn người. Cọp vẫn còn sống. Nó rất dữ. Người ta đâm mác, nó quơ lấy, bẻ gãy hết. Cuối cùng, người ta phải chặt cây to, dài, cứ đứng từ xa mà đánh cho đến chết.

Cọp và thợ săn. Ảnh TL.

Lần khác, lại có con cọp cũng lẻn vào bắt trâu ở Tiên An. Khi phát hiện, bà con lần theo dấu vết xem thử cọp ăn no rồi giấu phần thừa đi chỗ nào. Sau đó, chủ mất trâu nhờ ông Bùi Thược mượn kẹp để gài. Gài kẹp rồi, đợi ba, bốn ngày, ông Bùi Thược vào xem thử. Con cọp này nhỏ nhưng khôn. Bị mắc kẹp, cọp rúc vào bụi, nằm im. Khi thấy đám người lò dò đi vào, nó gầm một tiếng long trời lở đất rồi chồm lên, định vồ. Nhưng, vốn là con nhà võ, ông Bùi Thược giơ búa lên, giáng một cái thật mạnh, cọp chết tươi ngay tại chỗ. Thường thường, khi mượn kẹp bắt được cọp, dù to hay nhỏ, chủ kẹp được hưởng phần xương. Chủ có trâu, bò bị cọp bắt hưởng hết phần còn lại. Có thể nói, kẹp gài cọp của ông Chánh tổng Huỳnh Khiêm đã giúp bà con giết được hàng chục con cọp, trừ hoạ cho biết bao dân lành ở Tiên Phước hồi nửa đầu thế kỷ XX, khi cọp vẫn còn nhiều, gây ra nỗi khiếp sợ cho bà con.
Nói về việc bẫy cọp, cũng vào thời bấy giờ, có một nhân vật nổi tiếng bẫy cọp giỏi nhất vùng Tiên Phước. Đó là ông Trần Kiên. Ông này người gốc làng Lộc Yên, nay thuộc xã Tiên Cảnh. Nhưng, ông không bẫy cọp ở Tiên Cảnh hay Tiên Phước mà ở… Trà My. Bấy giờ, Trà My được xem như là vùng rừng thiêng nước độc, vắng bóng người. Thị trấn Trà My xưa có một cái đồn do quân Pháp đóng. Xung quanh đồn chỉ lác đác vài chục nóc nhà. Xung quanh là núi, là rừng nổi tiếng có nhiều cọp dữ. Chuyện cọp bắt trâu bò và bắt cả người không phải là chuyện hiếm. Dân sợ đã đành mà ngay cả Tây cũng sợ. Tây có súng nhưng đi rừng, lội suối, biết cọp ở đâu mà đề phòng. Nhưng, dù có đề phòng đến đâu, cũng khó chu toàn. Cho nên, thời bấy giờ, người ta khuyến khích việc săn cọp, gài cọp, bẫy cọp… Thậm chí, cứ mỗi con cọp dân bẫy đều được bọn Pháp thưởng.

Kẹp gài cọp có hình thức như thế này nhưng lớn hơn. Ảnh Đ.Đ

Ông Trần Văn Hoè, 54 tuổi, con của ông Trần Kiên, kể “Hồi còn sống, cha tui thường nói rằng mỗi khi bắt được cọp, Tây thường đến xem và thưởng cho ông 10 đồng. Mà, 10 đồng bạc Đông Dương bấy giờ to lắm. Đó là chưa kể nó còn mua bộ da cọp thêm 10 đồng nữa. Tất cả là 20 đồng. Riêng da và xương cọp thì mình hưởng, nghĩa là toàn quyền sử dụng, muốn bán cho ai thì bán”. Được biết, ông Trần Kiên xuất thân trong gia đình khá giả. Sinh thời, ông chủ yếu đi săn heo, bẫy cọp làm thú vui nhàn nhã. Để bẫy cọp, ông lên Trà Dương, Trà My làm “chùa”. Ông đào hai rãnh sâu khoảng 0,5 mét để chôn tre gốc. Phía trên, ông cũng dùng tre để gác ngang qua rồi dùng đã tảng chặn cho thật chặt. Hai bên có hai khúc gỗ. Chính giữa, nơi đặt chó mồi, ông cũng dùng tre già ngăn hai bên. Cọp nghe chó sủa, mới mò vào, khi bước vào “chùa”, cọp sẽ làm tấm ván phía trên sụp xuống, Khi đó, cọp chỉ có nước chờ chết vì không thể thoát ra được. Cũng theo lời ông Trần Văn Hoè, ông Trần Kiên đã bẫy được tất cả… 24 con cọp thì… nghỉ luôn. “Hồi xưa, gần như có luật bất thành văn là bẫy được 12 con, gọi là đủ một hội, thì tổ chức hát bội một lần. Cha tui tổ chức cả thảy hai lần nên ông phải bẫy 24 con. Không chỉ cọp, dân đi săn hươu, nai hay heo rừng cũng thế. Nghĩa là săn được 12 con phải làm thịt một con heo cúng…”. Ông Trần Văn Hoè cho biết thêm. Có lẽ do thấy mình sát sinh quá nhiều nên đến con thứ 24, ông Trần Kiên… bỏ nghề.

Friday, February 24, 2012

SĂN... HEO RỪNG



Là nơi tiếp giáp với dãy Trường Sơn hùng vĩ, thời xa xưa, làng Đại Bình,  một ngôi làng nhỏ nằm dọc theo bờ sông Thu Bồn, thuộc địa phận xã Quế Trung, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, trở thành vùng đất mà heo rừng thường xuống để phá hoa màu. “Hồi đầu thế kỷ XX, heo rừng rất nhiều. Có khi chúng kéo thành đàn mười mấy hai chục con. Cho nên, không đặt bẫy, không sắn bắt thì tai họa lắm, chú à...”. Ông Trần Kim Thuế, năm nay đã 81 tuổi, một trong những lão làng đất Đại Bình, bộc bạch.


Heo rừng. Ảnh tư liệu
Tuy nhiên, để đi săn, thợ săn thường phải sắm bộ đồ nghề gồm lưới săn, chó săn rồi cây giáo. Lưới săn được đan bằng dây cói to bằng đầu ngón tay cái, rất chắc  chắn. Mỗi tay lưới dài khoảng 150 mét, khá nặng, phải hai người khiêng mới nổi. Bên cạnh lưới là chó săn. Xưa gọi là mun săn. Hồi đầu thế kỷ XX, ông Thủ Bộ, một tay săn nổi tiếng là săn giỏi, nhiều kinh nghiệm “trận mạc”, có bầy chó săn đông, đến ... 13 con. Trong đó, có con chó săn đầu đàn cực khôn. Kế đến là giáo, tức loại vũ khí dài khoảng mét sáu, mét bảy, đầu bịt sắt nhọn, dùng để đâm khi thú mắc lưới. Xem ra, để sắm đủ lưới, nuôi bầy chó săn thiện chiến ấy, cả giáo, thợ săn mất khá bộn tiền. Trong đó, việc mua chó săn, nuôi bầy chó săn không đơn giản, phải là những gia đình có “máu mặt”, ít ta họ cũng xuất thân từ tầng lớp trung nông, phú nông.
Thường mùa săn heo rừng hàng năm bắt đầu từ tháng chạp đến tháng giêng âm lịch, trùng thời điểm trước và sau tết cổ truyền. Nhưng, rộ nhất là trong kỳ thu hoạch khoai sắn, khi có nhiều heo rừng từ trong rừng sâu lẻn ra kiếm thức ăn. Tuy nhiên, cũng lắm lúc phát hiện thấy có dấu chân heo là người ta tổ chức đi săn, bất kể ngày giờ. Địa điểm đi săn là Hố Chuối. Ông Trần Kim Thuế nhớ lại "Mỗi lần đi, ông tui nhớ ông Thủ Bộ, người thợ săn giỏi nhất ở Đại Bình, hay sau này là ông Trần Kim Vạn, huy động khoảng hai chục người chứ không phải ít. Ngoài mấy đứa con ổng như các ông Mười Cái, Mười Chuột... ông kêu luôn trai tráng trong làng. Sau khi âm thầm giăng lưới ở bìa rừng, nơi heo rừng thường lẻn vào, ông mới thả chó. Rôi thợ săn, mỗi người một hướng cũng xông đến. Trên tay mỗi người là một chiếc giáo nhọn hoắt...".
Heo rừng nghe tiếng hò reo, hoảng quá, cứ nhè hướng không có người mà lao tới. Kết cuộc, chũng tông nhào vào lưới săn làm tụt trụ đỡ khiến hai dây chiêng hai đầu của lưới kẹp cứng lại. Heo nằm gọn trong lưới. Nhiệm vụ đơn giản của đám thợ săn lúc này là dùng giáo đâm heo. Mỗi lần săn, nếu được nhiều, có thể bốn, năm con. Ít thì một, hai con. Cũng rất nhiều lúc tốn mồ hôi, sôi nước mắt mà chẳng được con nào. Nhưng, heo rừng một số con rất khôn, rất hung hãn, nhất là loại heo độc chiếc, tức heo có răng nanh. Trong lúc mắc vào lưới, có con cắn lưới, vùng chạy thóat. Có con cùng đường, húc cả vào thợ săn. Rất may, người ta ít gặp heo độc chiếc. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là trường hợp hãn hữu. Hầu như con nào mắc vào lưới cũng không thể thóat.


Không chỉ săn heo rừng, người dân Đại Bình còn tổ chức bẫy heo rừng bằng hầm. Muốn bẫy, người ta đào một cái hố hình chữ nhật, sâu đến mức làm sao để heo rừng khi bị sa xuống hố không thể nhảy lên chạy thoát được. Hai bên hầm được rào kỹ. Hầm có cửa, có dây dương. Heo rừng đi bên nào cũng đụng phải dây dương. Khi đụng, cánh cửa đánh sầm một cái. Cả bầy heo nằm gọn dưới hầm. "Tui nhớ xưa có lần ông Nhứt, một thợ bẫy heo rừng kỳ cựu ở Đại Bình, bẫy được một bầy heo đến... bảy con. Kỷ lục đó chú à. Một vài con thì nhiều nhưng một lần đến bảy con quả thực thì... hiếm lắm!". Ông Trần Kim Thuế bật cười nói. Cũng theo lời ông, xung quanh chuyện bẫy heo rừng, có một hiện tượng mà theo lời ông "khó tin nhưng có thật". Đó là khi phát hiện cửa đã sụp, tức heo rừng đã mắc bẫy, nằm gọn dưới hầm, nếu chạy về huy động thêm người ra bắt heo thì chủ hầm phải cởi ngay chiếc áo đang mặc hoặc cái mũ đang đội treo ngay trước miệng hầm. Có như vậy, lúc ra lại, heo vẫn còn dưới hầm. Còn ngược lại, chúng sẽ chạy hết (!).
Chuyện săn heo rừng ở Đại Bình, làng quê Quảng nổi tiếng với các loại cây trái ba miền, gần như đã lùi vào dĩ vãng. Bắt đầu từ giữa thập niên 1980 của thế kỷ trước, trong làng không còn ai tổ chức đi săn heo rừng. Kế đến, tuy một vài gia đình vẫn còn duy trì đặt bẫy dọc rìa làng, nơi tiếp giáp với dãy Trường Sơn hùng vĩ nhưng cũng hiếm khi heo sập bẫy. Nguyên nhân chính là số lượng heo rừng ngày càng ít, chúng cũng không còn mò xuống phá hoại hoa màu của người dân như trước nữa...

Wednesday, February 22, 2012

THỢ RÈN GIA CÁT



Ở Quảng Nam, có một làng nghề truyền thống với bề dày lịch sử hàng mấy trăm năm. Đó là làng Gia Cát, nay thuộc xã Quế Phong, huyện Quế Sơn. Đây là vùng đất có địa hình bán sơn địa, ruộng lúa nhấp nhô theo hình bậc thang, hoàn toàn nhờ nước trời nên năng suất thấp. Năm được mùa, cao nhất cũng không quá 20 ang mỗi sào. Bình quân chỉ mười bốn, mười lăm ang. “Thế cho nên, hồi mới lập làng, ông bà đã có nghề rèn... Đặc biệt, thợ rèn Gia Cát nổi tiếng khắp trong và ngoài huyện Quế Sơn. Đây là nơi sản sinh ra nhiều thợ rèn có tay nghề cao, được khách hàng tín nhiệm. Trong đó, người rèn giỏi nhất, theo tuơng truyền, là ông Lê Diêm”. Ông Phạm Mô, sinh năm 1924, một trong những bậc cao niên của làng Gia Cát, kể.
Cũng theo ông, xưa, thợ rèn khổ hơn nay nhiều. Muốn có sắt để rèn, họ phải nấu quặng. Đặc biệt, một trong bốn ngọn núi ở làng là Hòn Ngang, Bàn Than, Dương Quánh, Dương Sơn, chỉ có núi Dương Quánh có quặng sắt lẫn quặng đồng. Muốn lấy, người ta phải đào xuống, gánh về. Sau đó, họ đổ quặng vào hầm, có hình thức y như hầm vôi. Rồi họ “thổi” bằng  than củi, làm sao để nhiệt độ càng lúc càng cao, quặng bị nung chảy. Bấy giờ, sắt ra sắt, đất ra đất. Lại còn một thứ có chứa sắt lẫn với đất, người ta gọi là “cứt sắt”, cũng ra “riêng”. Cách lấy đồng cũng tương tự như lấy sắt. Có thể khẳng đình trình độ luyện quặng của thợ rèn Gia Cát khá cao. Tất cả đều từ kinh nghiệm được truyền từ đời này sang đời khác. Và, trải qua thời gian, cứt sắt đổ thành đống, thành... đồi, cứ lớp nọ chồng lên lớp kia,  nhiều không kể xiết. Bây giờ, cứt sắt phế thải, “dấu rích” của một thời luyện sắt, đồng của thợ rèn Gia Cát năm xưa, vẫn còn. “Sau năm 1945, người ta thôi không lấy quặng nữa. Thay vào đó họ chủ yếu làm từ phế liệu”. Ông Võ Xử, sinh năm 1933, cho biết.

Ở làng rèn Gia Cát. Ảnh Đ.Đ

Là làng rèn truyền thống nên từ xưa đến nay, cả làng ít ra cũng có ba, bốn lò rèn trở lên. Hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở Gia Cát có một số lò rèn của các ông Diêm, ông Võ, ông Lạc... Lớp sau, có các ông Chánh, ông Vui, ông Song... Hiện nay, Gia Cát có các lò rèn của các ông Nguyễn Lê Tám, Nguyễn May, Giang Trình, Trần Liên, Trần Đồ, Nguyễn Chánh, Lê Mốt. Họ đều là con, cháu của lớp thợ thế hệ trước và là “học trò” học nghề ngay ở làng, tại những lò rèn nổi tiếng một thời như lò các ông Lê Diêm, Nguyễn Tuất... Nghề rèn không khó cũng chẳng dễ. Tuy nhiên, muốn học, trước tiên phải là người mạnh khỏe, có sức vóc, giỏi chịu đựng. Thứ nữa, phải sáng dạ, tinh ý. Bởi, nghề gần như chẳng có thước tấc, chẳng thể cân đong đo đếm rõ ràng. Học chủ yếu bằng mắt, thấy thầy làm sao bắt chước làm vậy. Làm riết rồi quen tay, thạo việc. Thế nhưng, cũng có người học nghề lâu mà không bao giờ thành thợ, nghĩa là họ không thể một mình mở lò rèn. Cho nên, người học cần có chút thông minh, nhanh nhạy mới thành tài được. Thời gian học khoảng chừng một năm. Sau khi nắm vững tay nghề, tự tin lúc mở lò riêng, họ xem như đã thành thợ.
Có điều, làm thợ đã khó nhưng để trở thành một người thợ giỏi, càng khó gấp bội lần. Tuy vậy, thời nào cũng có thợ giỏi. Trong đó, người giỏi nhất, có tiếng nhất xưa nay ở Gia Cát, theo tương truyền, là ông Lê Diêm. Về ông, có mấy câu chuyện kể khá lý thú về bàn tay tài hoa, khéo léo của ông. Nguyên dưới thời Pháp thuộc, có lần bọn Pháp đi xe ngang qua đây. Chẳng may, xe bị hỏng. Biết ở địa phương này có  ông là thợ rèn giỏi, chúng đến bảo ông sửa giùm. Ông đem bộ phận bị hư về nhà, nhìn kỹ và rèn một cái y chang. Bọn Pháp lắp vào, nổ máy, thật kỳ diệu, xe chạy ngon ơ. Một lần khác, ông nổi hứng, rèn một khẩu súng. Hồi ấy, chính quyền cấm rèn súng. Không chỉ súng, các lò rèn cũng không được rèn gươm, kiếm. Cho nên, ông giấu kỹ. Sau khi rèn xong, ông lắp vào, rồi lén đi mua đạn mà bắn. Ông chỉ dùng súng để bắn cọp, nai, hươu... Nhưng, không hiểu sao, sự việc bại lộ. Ông bị bắt, ở tù mấy năm. Ngoài ra, ông Lê Diêm cũng là người rèn “kẹp” để gài cọp có tiếng ở đất Quế Sơn. Lý do là hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cọp dữ hoành hành nhiều nơi trong tỉnh, nhất là vùng tây các huyện Tiên Phước, Quế Sơn, Nông Sơn, Trà My... Không có kẹp, làm sao có thể “triệt hạ” những con cọp dữ hại dân lành?

Thợ rèn xưa. Ảnh tư liệu

Đặc biệt, hồi trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, cũng nhưy nhiều nơi khác ở tỉnh Quảng Nam, Gia Cát có phong trào rèn gươm, kiếm. Ông Phạm Mô nhớ lại “Bấy giờ, các lò rèn gần như hoạt động suốt ngày đêm. Thường, khi rèn, chính quyền cho người đến theo dõi cẩn thận. Rèn xong, họ đem đi ngay. Kiếm rèn rất công phu. Trong đó, người làm kiếm trường đẹp nhất là ông Chánh. Cây kiếm khi thành hình láng bóng, có thể “soi gương” được. Rèn xong, họ “chùi” kiếm trường bằng đất. Người giỏi rèn kiếm, chùi xong, mặt kiếm không có dấu “sọc”, y như được đúc từ khuôn ra...”.  Nhưng, để cây kiếm thành hình, không thể thiếu bàn tay của thợ mộc. Bấy giờ, thợ mộc từ Duy Xuyên vào có các ông Nhơn, ông Triền... Họ thạo làm vỏ kiếm. Để làm, họ phải vào núi, chọn loại cây thích hợp nhất là loại cây có tên cây sơn tra. Sau khi đốn, họ cưa bằng tay, bào tròn như cán cuốc. Rồi, họ lại rọc một đường dài để tách ra làm hai mặt. Công đoạn tiếp theo là làm “mương” ở giữa. Đến lượt thợ rèn lắp hai mặt gỗ lại bằng những khâu đồng đã chuẩn bị trước. Cứ mỗi đoạn vỏ kiếm, bịt một khâu đồng. Chiếc kiếm khi thành hình rất đẹp, có hình hạt xoài.
Rèn... súng, kẹp hay kiếm chỉ là việc đột xuất. Chủ yếu thợ rèn Gia Cát rèn nông cụ như cuốc, dao, rựa... là chính. Lò rèn nhiều, sản phẩm dĩ nhiên cũng không ít. Cho nên, đã xuất hiện một số người chuyên đi buôn dao, cuốc, rựa, liềm... như ông Luận, ông Sáu Thức. Tùy theo mùa, như mùa gặt, họ mua nhiều liềm, mùa làm đất họ mua lưỡi cuốc, rựa bờ, cận tết mua các loại dao đem đi bán các nơi ở huyện Quế Sơn, Hiệp Đức và đôi khi lên cả Tiên Phước, Trà My, đến tận vùng đồng bào các dân tộc. Nếu đi gần, mỗi tuần đi một chuyến. Đi xa hơn, mươi, mười lăm ngày. Khi bán hết, họ mới về. Bắt đầu từ năm 1980 trở về sau, đồ rèn Gia Cát còn được mua đi bán ở các tỉnh miền Nam và Tây nguyên. Hiện nay, nghề rèn không còn thịnh như xưa. Đặc biệt, thanh niên hiếm ai thích nghề này, dù thu nhập của thợ giỏi mỗi ngày bình quân có thể lên đến 100.000 đồng, một số tiền không nhỏ ở miền quê nghèo khó như Gia Cát.
Thế nhưng, số thợ giỏi, như anh Nguyễn Lê Tám, thật ra, không nhiều. Hơn thế nữa, do lao động nặng nhọc, thợ cần bồi dưỡng. Cho nên, số tiền còn lại dành cho vợ con, gia đình ít hơn. Thêm vào đó, làm thợ rèn, tất nhiên không “danh giá” bằng nhiều nghề khác. Đó là những lý do khiến người theo học nghề ngày càng hiếm. Hệ quả tất yếu không những số lò rèn trong làng có khả năng teo lại mà số thợ trẻ nối nghiệp chủ yếu chỉ là con cái của các chủ lò rèn. Nhưng, nghề sẽ không mất đi một khi người dân còn cần cuốc, liềm, hái, rựa... Rồi các loại dao lớn nhỏ nữa. Ai sẽ cung cấp họ những công cụ tối cần ấy nếu mai này các lò rèn không còn nữa? Và, nghề rèn truyền thống Gia Cát, suy cho cùng, vẫn còn được lớp thợ... giữ lửa, bất chấp những tác động trong thời buổi kinh tế thị trường đầy sôi động!

Tuesday, February 21, 2012

CHUYỆN XƯA PHƯỜNG RẠNH…



Mấy chục năm trở về trước, khách thương hồ quanh năm suốt tháng xuôi ngược trên sông Thu Bồn mấy ai không biết địa danh Phường Rạnh, miền đất ở vùng cực tây Quảng Nam, bấy giờ còn hoang vu, núi đồi trùng điệp.
Phường Rạnh có tên chính thức là làng Trung An, nằm trên địa bàn xã Quế Trung, huyện mới Nông Sơn. Về nguồn gốc danh xưng Trung An, có câu chuyện kể khá lý thú và hấp dẫn rằng thời trước, khi người Việt đến lập nghiệp, ở đây đã có Dinh Bà Phường Rạnh, rất linh thiêng. Ngày nọ, trong làng có ông gọi là ông Trùm Tuất, người họ Nguyễn, khá giàu, nhà có của ăn của để, bị mất mấy con trâu. Tiếc của, ông mới quyết chí đi tìm cho bằng được. Nhưng, ông chưa kịp bước ra khỏi bìa làng thì Bà đã “đạp đầu ngang”, tức mượn xác người sống, hiện lên, nạt nộ: “Nhà người đi mô? Nhà ngươi đừng có dại, chết như chơi. Bọn cướp đã chuẩn bị sẵn dao kiếm, nhà ngươi đến chỉ thiệt thân. Nhà ngươi về đi. Còn về phần bọn cướp, nhà ngươi đừng lo. Hễ kẻ nào trung thì được an mà ai ngang bướng, đi trộm cướp, sẽ không ra chi”. Từ câu chuyện này, người dân mới lấy tên Trung An đặt tên cho làng với mong muốn bà con sống ở vùng đất này luôn là những người“trung thực” nên được hưởng sự “an lành”.

Làng Phường Rạnh nằm bên bờ sông Thu Bồn. Ảnh Đ.Đ

Danh xưng Trung An gần như chỉ tồn tại trên mặt giấy tờ, khế ước. Còn tên bình dân là Phường Rạnh. Ông Trịnh Thanh Long, sinh năm 1928, cho biết chữ “Rạnh” xuất phát từ con trạnh, một loại động vật có hình dáng như con rùa nhưng rất to, có con to bằng cái nong, sông dưới nước. Nguyên hồi nửa đầu thế kỷ XIX trở về trước, du khách lẫn tầng lớp thương hồ ngược lên thượng nguồn sông Thu Bồn khi đi ngang đoạn sông chảy qua làng Trung An thỉnh thoảng hay bắt gặp con trạnh trồi lên, có lúc nhiều đến mức đặc kín sông, khiến ghe thuyền phải tránh. Thế cho nên, người ta mới gọi làng ven sông này là Phường Trạnh. Lâu ngày, họ mới đọc “chệch” là Phường Rạnh. Phường (坊), trong chữ Hán, còn có nghĩa là “làng”. Riêng “Rạnh”, tức từ trạnh mà ra. Cũng theo bà con, hiện nay, con trạnh tuy không còn nhiều như trước nhưng thỉnh thoảng dân làng có người cũng phát hiện chúng trồi lên, lặn xuống trên khúc sông Thu Bồn chảy qua làng. Lại có quan niệm cho rằng, lúc trời đang nắng chang chang mà trạnh từ dưới nước sâu tự nhiên trồi lên thì thể nào trời cũng chuyển mưa. Ngược lại, trời đang mưa tầm tã, dầm dề nhưng đột nhiên nó trồi lên, nhất định trời sẽ hết mưa (!?)
Dinh Ba Phường Rạnh. Ảnh Đ.Đ


Ở Trung An có ba tộc tiền hiền là các tộc Nguyễn, Trần và Trịnh. Đặc biệt, tộc Nguyễn đến đầu tiên nhưng do nhiều nguyên nhân hiện nay không còn con cháu nối dõi. Riêng hai tộc đến sau là Trần và Trịnh đều đến lập nghiệp từ thời Tây Sơn. Tộc Trần theo vua vào Nam. Đầu tiên, họ vào Bình Định lập nghiệp. Khi phong trào nông dân Tây Sơn bùng nổ, không biết vì sao, có ba cha con tộc Trần là Trần Văn Tam, Trần Văn Hiền và Trần Văn Huấn lại quay ra Quảng Nam, lên tận vùng đất này sinh sống. Anh Trần Nam, sinh năm 1948, kể “Nghe truyền khẩu lại là họ đi theo lệnh của bà vợ ông Trần Văn Tam... Không biết bà ni răng có quyền hành to như rứa. Cũng nghe nói hồi đó, người cha Trần Văn Tam già rồi, còn người anh Trần Văn Hiền lại quá hiền. Cho nên, em là Trần Văn Huấn mới đứng ra làm giấy tờ. Kết cuộc, sau này chính người em đứng tên tiền hiền làng cùng với các tộc Nguyễn và Trịnh!”. Khác với tộc Trần, tộc Trịnh vào bằng đường biển. Khi đi, có ba anh em. Đầu tiên, họ lập nghiệp ở làng Hòa Mỹ nay thuộc quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Sau đó, không biết vì lý do gì, họ đi tiếp vào Quảng Nam. Một ông chọn mảnh đất nay là xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc; một ông đến làng Thu Bồn, nay thuộc xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên còn ông thứ ba vào tận Phường Rạnh, lập nghiệp.
Hồi nửa cuối thế kỷ XIX, làng Trung An cũng như các xã, thôn nằm bên kia đèo Le, là vùng căn cứ địa trong phong trào Cần Vương của lãnh tụ Nguyễn Duy Hiệu. Thế nên, mới có câu chuyện khá lý thú rằng hồi nửa cuối thế kỷ XIX, tộc Trần có một người tham gia nghĩa quân. Đó là ông Trần Tịch. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, thực dân Pháp tổ chức lùng bắt. Ông Trần Tịch biết được, trốn mất. Bọn lính không biết, mới bắt nhầm ông em. “Ông em bị ngọng, nói không rõ, cứ ú a ú ớ, bị đánh dữ… Tuy sau đó, bọn Pháp biết bắt lầm người nhưng dù sao, chuyện cũng đã muộn”. Ông Trần Chức, người gọi ông Trần Tịch bằng ông cố, nhớ lại. Cũng theo lời bà con, mươi năm trước, Phường Rạnh là nơi vẫn còn một số “hiện vật” của cuộc khởi nghĩa Nguyễn Duy Hiệu như nòng súng và đạn to cỡ bằng trái bòng. Sau, có người đem bán.
Phường Rạnh còn nổi tiếng với cọp. Các bô lão thuật lại xưa cọp cứ đi “nghêng ngang, chẳng sợ người là gì!”. Cứ chiều đến, người ta không dám qua lại. Tối, phải đóng kín cửa. Đi tiểu cũng phải cắt bẹ chuối, lót từ trong nhà ra ngoài để đi. Ra ngoài lớ ngờ bị cọp rình, bắt như trở bàn tay. Còn cọp bắt heo, bò xảy ra thường xuyên. Nếu biết đầu trên cọp xuất hiện và nghe tiếng gõ mõ thì cả làng gõ mõ theo để xua đuổi cọp. Hồi cuối thế kỷ XIX, trong làng có người làm đến phó tổng. Đó là ông Phó Thiện, người tộc Trần, phó tổng tổng Quảng Đại Thượng, huyện Quế Sơn, phủ Thăng Ba. Cọp Phường Rạnh nhiều đến mức, hễ đi đâu xa, ông sợ, phải huy động dân đinh đi theo. Khi đi, có đánh chiêng, đánh trống rầm trời. Chuyện đến tai quan huyện. Có một lần, quan huyện hỏi “Chớ ông chỉ làm phó tổng, răng đi mô cũng chiêng trống dữ rứa?”. Ông Phó Thiện thật thà nói “Bẩm quan, do đường truông nhiều cọp quá. nếu không có chiêng trống đuổi cọp, ai dám đi?”. Quan huyện mới chợt nhớ khi đi, phó tổng phải qua truông Ba Gò, nơi cọp nhất nhì đất Quế Sơn. Cho nên, quan mới cho qua.
Cọp nhiều, chuyện người bị cọp bắt không hiếm. Lại có chuyện hai anh em, là ông Trùm Niên và ông Trùm Cẩn cùng đi núi. Ông Trùm Cẩn người cao to, có tí võ nghệ. Cọp vồ người em. Ông Trùm Cẩn sẵn tay cầm rựa, phóng người đuổi theo, quên cả hiểm nguy. Vừa đuổi, ông vừa la hét đến mức cọp hoảng, phải bỏ xác lại. Sau đó, nước nắt giàn giụa, ông vừa khóc vừa cõng xác em về chôn. Rồi chuyện ông Hồ Kiệm rủ ông Tri, trước có đi lính cho Pháp, đem khẩu súng đi săn. Hai người vào rừng, định bụng kiếm con nai, con mang “cải thiện” một bữa. Đến ngọn núi kia, ông Hồ Kiệm phát hiện ngay bụi rậm phía trước có tiếng sột soạt. Ông  nhắm ngay chỗ ấy, bóp cò. “Đoàng”. Một tiếng nổ chát chúa như xé toạc sự tĩnh lặng giữa bốn bề rừng núi thâm u. Đồng thời, ngay liền sau đó, có tiếng vật gì lao đến với tộc độ kinh khủng. “Á!”. Ông Hồ Kiệm la lên. Hóa ra, không phải con mang hay con nai mà là… cọp. Thế mới khiếp. Nhưng khi ông Hồ Kiệm biết thì sự việc đã rồi. Không còn cách nào khác, ông dùng tay đánh cọp. Dĩ nhiên, tay không đánh cọp thì… thua là cái chắc. May nhờ ông Tri nhanh tay chụp khẩu súng, bắn chết cọp. Ông Hồ Kiệm thóat chết nhưng bị đau một trận thập tử nhất sinh. Tương truyền, ông “ăn” hết bảy nong tằm mới thóat khỏi lưỡi hái của tử thần.


Sunday, February 19, 2012

HÒ KHOAN ĐỐI ĐÁP

            Mấy chục năm trở về trước, hò khoan là loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian phổi biến của người dân xứ Quảng. Thế nhưng, hò khoan có nhiều thể loại. Trong đó,  hấp dẫn nhất và để lại nhiều câu chuyện kể ly kỳ, hấp dẫn hơn cả là hát kiến tại, tức hát đối đáp tại chỗ, hay còn gọi là hát xạo. Thời bấy giờ, ở một làng có lúc có nhiều nhóm hát đối đáp, thi thố tài năng với nhau. Nhưng thường là làng này hát đối đáp với làng kia. Đã hát đối đáp, thường, nhóm nào thua thì tức anh ách, tìm cách hát cho “thắng” đối thủ. Nghĩa là hát sao đó để đối phương “bí”, không hát đối lại được. Đặc biệt, mỗi vùng, mỗi địa phương lại lưu giữ những giai thoại khác nhau, làm phong phú thêm kho tàng văn học dân gian xứ Quảng trải qua hàng mấy trăm năm trong lịch sử.
Một khúc sông Thu Bồn. Ảnh Đ.Đ

Tại xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, có chuyện rằng hồi nửa đầu thế kỷ XX, thanh niên Bình Nam thường qua làm quen với nhóm nữ làng Trà Sơn. Cứ chiều tối, họ rủ nhau băng qua một ngọn núi cũng có tên Trà Sơn để đến làng Trà Sơn. Thế rồi,  không biết ai bày biểu thế nào, trong một đêm hát hò khoan đối đáp nọ, có một cô gái ở Trà Sơn ra câu đố khá độc:“Hò… ơi!/ Chớ trai Trà Sơn gánh củi Trà Sơn/ Sơn sơn xuất anh hùng hào kiệt/ Anh đối đặng rày nhật nguyệt giao cho/ Hố hợi là hò khoan…”. Trong tiếng Hán, hai chữ “sơn” viết chồng lên nhau thành ra chữ “xuất”. Cho nên, mới có câu “Sơn sơn xuất anh hùng hào kiệt”. Câu hát đố khó là khó chỗ đó. Nó bắt người giải phải tìm ra chữ nào tương tự để đối lại. Mà, đối được, con gái Trà Sơn mới “…rày nhật nguyệt giao cho”, nghĩa là chấp nhận làm quen với trai xã Bình Nam. Nhưng đối được rõ ràng không phải là chuyện dễ. Dĩ nhiên, đám thanh niên Bình Nam thua. Đã thua, họ tức lắm. Mà thua “mưu” con gái thì ra thể thống gì, ăn nói làm sao, rồi tán tỉnh sao được?.
Thế nên họ quyết chí “phục hận”. Họ mới nhờ “quân sư” là người học giỏi, thành thạo hát đối đáp để giúp đỡ. Đó là ông thầy Bảy, thầy dạy chữ Hán trong làng. Tối hôm sau, họ “cõng” thầy đến làng Trà Sơn để thầy mách nước. Y như răng, mấy cô gái kia hát lại câu cũ. Nghe xong, thầy ghé tai nói nhỏ với đám thanh niên Bình Nam. Nghe xong, một anh thanh niên Bình Nam hát hay nhất mới đứng lên cất giọng:“Hò… ơi!/ Gái ba nguyệt dạo chơi ba nguyệt/ Nguyệt nguyệt bằng quỷ khóc thần sầu/ Anh mà đối đặng thì thiếp làm dâu nhà chàng/ Hố hợi là hò khoan”. Câu đói quá hay. Khi anh thanh niên hát vừa xong, mọi người vỗ tay rầm rầm. Thì ra, để đối lại câu “Sơn sơn xuất anh hùng hào kiệt”, ông thầy Bảy liền ứng câu “Nguyệt nguyệt bằng quỷ khóc thần sầu”. Trong chữ Hán, hai chữ nguyệt viết liền kề nhau thành ra chữ bằng. Bằng ở đây có nghĩa là bằng hữu. Có thể nói, câu đối lại khá hoàn chỉnh. Đám trai làng hỉ hả vì đối được vế đối của con gái làng Trà Sơn.
Lại có chuyện kể ở làng nọ, có đám thanh niên qua hát hò khoan với nhóm nữ làng kia. Thấy nhiều anh em trêu ghẹo mình thái quá, một cô gái muốn “dạy” cho đám thanh niên một… bài học, mới cất tiếng hát: “Hò… ơi!/ Thân em như bộ lư đồng đỏ bên Tàu/ Chở qua Nam Việt lựa nhà giàu bán chơi. Hố hợi là hò khoan”. Câu ra đối này khá đơn giản. Nhưng, để ứng lại tức thì không phải ai cũng làm được. Đòi hỏi người đối lại phải nhanh trí, thông minh. Xưa, nồi đồng, mâm đồng và đặc biệt lư đồng, nhất là lư đồng bên Tàu đem sang rất quý. Nhà giàu có, dư ăn dử để mới sắm nổi. Còn dân thường chủ yếu dùng nồi đất là chính. Mượn lư đồng, lại là lư đồng bên Tàu, ý người nữ ở đây đề cao mình, cho mình cao sang, đám trai làng không dễ gì “tán tỉnh” nổi đâu. May mà trong số đó, có một anh đối lại được: “Hò… ơi!/ Thân anh như thằng ăn trộm cắt rào/ Đụng lê anh cũng bẻ gặp đào anh cũng quơ/ Anh đánh ngạch vô thấu bàn thờ/ Trước anh quơ đồ lặt vặt sau anh rờ bộ lư/ Hố hợi là hò khoan”.
Một lớp học chữ nho xưa. Ảnh tư liệu

Một câu chuyện khác cũng không kém phần lý thú. Chuyện rằng thấy đám trai làng bên cứ qua tán hoài, nhóm nữ làng nọ không ưa, liền mượn chuyện hát đối đáp để “tống khứ” mấy anh này đi. Vậy là một cô cất giọng hát: “Hò… ơi!/ Anh ra làm chi mỗi tháng mỗi ra/ Anh ra một lượt cực em ba bốn ngày. Hố hợi là hò khoan”. Chúng ta cũng biết, chị em mỗi thánh có… kinh một lần. Mỗi lần “bị”, dĩ nhiên chị em rất mệt. Chuyện hoàn toàn có thực. Nhưng, cái độc của chị em là mượn sự việc có thật đó để ám chỉ sự việc khác. Tức mấy anh đến chơi làm phiền tụi tui quá, giống như mỗi tháng tui đều có… kinh, mệt muốn chết. Quả thật, nhóm nữ làng nọ không phải tay vừa. Hơn thế nữa, lại coi mấy anh em nhà ta chẳng ra gì. Ai lại có sự ví von ác mồm ác miệng như thế chứ? Tưởng đám thanh niên thua một bàn trắng. Nhưng không, bỗng có một thanh niên đứng lên, dõng dạc đối lại: “Hò… ơi!/ Tam Kỳ, Đại Lộc, Phú Yên, khánh Hòa/ Chốn kinh kỳ là chốn nhạc gia qua ở thường/ Không đi  thì ổng nhớ bả thương/ Còn phận anh là rể xa đường quản chi/ Đi thời phải sắm lễ nghi/ Có lần ổng trả có kỳ ổng ăn luôn/ Không đi cha ông nghỉ mẹ ổng buồn/ Ổng có ra thăm cháu em nhớ chống chiếc xuồng cho cha vô/ Cha vô năm ba bữa cha buồn/ Ổng có trở về nhạc mẫu em nhớ chống chiếc xuồng cho ổng ra/  Hố hợi là hò khoan”.
Đến nước này, dĩ nhiên, nhóm nữ cũng đành… thua!

Saturday, February 18, 2012

ĐẤU VỚI... CỌP!




Câu chuyện "Võ Tòng" thứ nhất xuất phát từ truyền thuyết khá hấp dẫn, thú vị. Theo truyền thuyết thì thời xa xưa làng Đồng Dương, nay thuộc xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam là đất của người Chiêm. Khi xảy ra chiến tranh giữa hai nước Chiêm - Việt xảy ra, quân Chiêm thua trận, bị bắt làm tù binh. Trong số đó, có một công chúa xinh đẹp, được gả cho hoàng tử Việt. Lúc ấy, nàng đã có mang. Sau khi theo chồng ra Bắc, công chúa sinh hạ một con trai. Không hiểu chàng trai tên thật là gì. Chỉ biết, khi lớn lên, chàng tìm về Quảng Nam, đến sinh sống tại làng La Huân thuộc huyện Điện Bàn, làm “nghề” pháp sư, dưới cái tên dân dã là ông Hai Lánh. Do thương dân làng ao ước có một ngôi đình ngói, ông Hai Lánh“hoá phép” đổi đình tranh La Huân lấy đình ngói La Qua nên mắc tội và bị giam vào ngục. Nhờ tài giỏi, nhân cơ hội làm "phường môn", ông tìm cách thoát ra, về làng Đồng Dương, lấy vợ, sinh hai người con đặt tên là ông Chóng và ông Đụn. Ông Trà Dúi, năm nay đã 78 tuổi, một trong số ít lão làng nắm giữ kho “tư liệu sống” khá phong phú về lịch sử mảnh đất và con người Đồng Dương nhớ lại "Ông Chóng và ông Đụn tứcTrà Huyền An và Trà Huyền Chân.Chính hai ông này cùng với các ông Châu Văn Tuý và Trịnh Khắc Thiệt là những người đứng bộ thành lập làng Đồng Dương"



Cọp và thợ săn. Ảnh TL.
Sau đó, ông Hai Lánh lại tiếp tục lên Hòn Tàu lập nghiệp. Bấy giờ, Hòn Tàu là nơi nhiều thú dữ, lại là vùng rừng thiêng nước độc, rừng xanh núi thẳm, vắng bóng người. Một lần, trên đường đi, ông gặp một con cọp chặn đường. Bí thế, ông không còn cách náo khác là "đấu" với cọp. Vốn là người mạnh khoẻ, nhanh nhẹn, lại giỏi võ, biết ít nhiều phép thuật nên ông cũng không ngán. Thế nhưng, khốn khổ thay, ông gặp phải con cọp quá to, quá hung dữ. Ông bèn trổ hết tàu nghệ, ngón nghề, đánh nhau với vị chúa tể sơn lâm này. Cọp dữ, những thấy người càng "dữ dằn", cọp vồ không lại, mới bỏ chạy lên tận Trà Linh. Ông Hai Lánh rượt theo, quyết giết cọp, trừ mối hoạ cho dân. Cả hai quần nhau suốt hai ngày hai đêm. Cuối cùng, cọp chết, người cũng kiệt sức chết theo. Người dân địa phương cảm phục sự dũng cảm của ông Hai Lánh, mới tổ chức chôn xác ông cẩn thận. Hiện nay, theo ông Trà Díu, mộ ông Hai Lánh vẫn còn trên Trà Linh, nay thuộc xã Quế Tân, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam.



Dinh ông Trùm Hò. Anh Đ.Đ

Chuyện "Võ Tòng" thứ hai xảy ra ở làng Dùi Chiêng, một ngôi làng đặc biệt vì nằm ở nơi heo hút, cheo leo ngay tại thượng nguồn sông Thu Bồn, nay thuộc xã Quế Phước, một xã vùng cực tây huyện Quế Sơn. Hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, đây có thể được xem như vùng rừng cao núi thẳm của Quảng Nam, nổi tiếng nhiều thú dữ. Ông Nguyễn Tửu, một trong những bậc lão làng ở Dùi Chiêng, kể lắm chuyện sởn tóc gáy. Nhất là chuyện nửa đêm cọp về, lấy chân cạ cạ vào vách phên bằng đất. "Bấy giờ, cọp nhiều, dân lại ít, chúng dạn dĩ lắm, về luôn. Người ta nói rừng động.Tui chẳng biết rừng động hay không. Nhưng nhiều năm không biết răng cọp về nhiều. Ông nội tui, cha tui từng kể, từng chứng kiến…".  Còn "Võ Tòng" ở làng Dùi Chiêng là một người Việt, có tên dân dã là ông Trùm Hò. Không ai biết ông họ chi và từ đâu đến. Ông dáng người cao lớn, vạm vỡ, giỏi võ nghệ, sức địch muôn người. Thế cho nên, dân làng sợ cọp nhưng ông thì không.
Nghề nghiệp chính của ông Trùm Hò, cũng như nhiều người khác ở làng Dùi Chiêng là đốn gỗ đổi cơm. Ngày ngày, ông vác cái rựa, cái rìu, một nình lên núi hành nghề. Ông bà bảo "Đi đêm có ngày gặp ma" quả không sai. Thế nhưng, ông không gặp mà mà gặp... cọp. Số là, ngày hôm đó, ông đang trên đưòng vác cây về thì thấy một con cọp to lù lù chắn ngang đường. Ông nghiêng người, thả cây gỗ xuống, rồi nhanh tay cầm rựa thủ thế. Cọp gầm lêm một tiếng long trời lở đất trước khi nhảy vồ "con mồi".  Ông nhanh nhẹn lách qua bên kia, tránh được. Ngay sau đó, cả hai, cọp và người, quần nhau đánh suốt một ngày ròng rã. Cứ cọp nhảy sang bên trái thì ông nhảy qua bên phải và ngược lại. Ông vừa nhảy vừa lợi dụng thời cơ chém cọp. Chiều dần tắt nắng. Cuối cùng, cả hai vừa khát nước vừa kiệt sức rồi chết. Bấy giờ, khu vực ông Trùm Hò đấu với... cọp sau này trở thành Dinh Ông Trùm là cửa rừng, cây cối rậm rạp, heo hút, vắng bóng người qua lại, xưa nổi tiếng linh thiêng. Hiện nay, di tích Dinh Ông Trùm, tức ông Trùm Hò vẫn còn, nhưng đã bị tàn phá bởi thời gian. Nhưng, hàng năm, vào ngày lễ, nhất là trong những ngày Tết cổ truyền, nhân dân làng Dùi Chiêng vẫn thắp hương, tưởng nhớ đến chiến tích của ông Trùm Hò, một nhân vật kỳ bí, mấy trăm năm trở về trước.

Tuesday, February 14, 2012

ÔNG ĐỘI THỨC VÀ TƯỚNG CƯỚP THẰNG RÈN...

Làng Mỹ Nam, nay thuộc xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, hồi đầu thế kỷ XX có người được phong chức đội, một chức nhỏ dưới thời phong kiến. Đó là ông Võ Thức. Chuyện một người được phong chức đội là chuyện rất bình thường nhưng trường hợp ông Võ Thức, sau này gọi là ông Đội Thức, rất đặc biệt bởi ông không phải là lính. Nguyên nhân khá đơn giản: ông có công bắt sống một tên cướp nổi tiếng ở Quảng Nam hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đó là tướng cướp thằng Rèn…



Làng quê Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX. Ảnh tư liệu

Thật ra, gọi tướng cướp là gọi thế thôi chứ tên tướng cướp thằng Rèn này chẳng có... “quân” gì ráo. Hắn chuyên đi cướp một mình. Nhưng hành động hắn rất táo tợn nên người ta mới gọi hắn là tướng cướp. Lai lịch của thằng Rèn ra sao, cha mẹ ở đâu, hình như không ai tỏ tường. Nhưng, theo truyền khẩu, tướng cướp thằng Rèn rất cao lớn, hung hãn, đặc biệt rất giỏi võ nghệ. Khi hành động, hắn như có phép tàng hình, đi lại gần như xuất quỷ nhập thần, không ai đoán định nổi. Bấy giờ, dân lành vô tội hễ nghe đến “uy danh” thằng Rèn là sợ xanh mặt. Mà, nói theo ngôn ngữ của người Quảng Nam là sợ đến mức.... “thốn đái trong quần”. Không chỉ người dân Đại Lộc, Duy Xuyên mà cả bà còn ở Quế Sơn, Điện Bàn... cũng khiếp hắn. Ngoài chuyện ăn cướp, tướng cướp thằng Rèn còn có đặc điểm là háu gái. Hễ thấy anh nào có vợ đẹp, thể nào nửa đêm, thậm chí cả ban ngày, hắn cũng mò đến, dùng uy lực trói anh chồng, rồi buộc cô vợ phải quan hệ với hắn cho bằng được.
Xưa, ở quê, nhà cửa thưa thớt. Cả làng có khi  chỉ mười mấy, hai mươi gia đình. Cứ đi cả mấy trăm mét, thậm chí lưng nửa cây số mới có cái nhà. Cái này khuất với cái kia. Cho nên, gia đình nào gia đình nấy gần như sống biệt lập, không hỗ trợ nhau được. Bọn cướp có cơ hội lộng hành, nhất là những tên lì lợm, giỏi võ nghệ như tướng cướp thằng Rèn. Cho nên, mấy anh chồng có vợ đẹp bị hiếp đành chịu. Kháng cự tất nhiên không nổi rồi, lại bị đánh thương tích, thiệt đơn lẫn thiệt kép chứ chẳng chơi. Đành phải nhắm mắt đưa chân. Dĩ nhiên, chính quyền phong kiến đương thời nắm rất rõ. Phủ và huyện đều có trác xuống các làng thông báo lệnh truy nã tướng cướp thằng Rèn. Nhưng, lệnh là lệnh, còn bắt hắn được hay không là chuyện khác. Vì tiếp cận hắn đã khó, bắt được hắn càng khó hơn, đâu dễ dàng gì. Mà, ngày nào không bắt được hắn, người dân còn ăn không ngon, ngủ không yên. Hắn xuất hiện ở đâu là gây tai hoạ ở đó.
Một lần nọ, tướng cướp thằng Rèn lẻn về ấp Tây, làng Tân Mỹ, nay thuộc thôn Thuận Mỹ, xã Đại Phong. Còn nguyên nhân vì sao hắn đến ấp Tây khá đơn giản, bởi hắn phát hiện tại ấp Tây, làng Tân Mỹ, anh Phòng Tác có cô vợ rất đẹp. Như mọi khi, hắn bắt anh Phòng Tác trói gô lại, để thoả sức mây mưa với cô vợ xinh như mộng này. Lúc đó, ông Võ Thiệt, người ấp Nam, biết được. Vốn hồi nhỏ từng học võ nghệ, lại thấy thằng Rèn tác yêu tác quái dữ quá, ông quyết chí diệt cho bằng được. Nếu không, nó sẽ tiếp tục gây tội ác với dân lành. Là thợ săn, ông có sẵn bầy chó săn “thiện nghệ”. Nhà ông lại có nhiều con cái, rể dâu, sẵn sàng hỗ trợ. Thế là ông dẫn cả đoàn gồm bảy, tám người, vờ săn nai ở Thuận Mỹ. Thời ấy, giữa ban ngày ban mặt, lại là vùng giáp với núi, có nhiều man, nai, chuyện một đoàn người đi săn là thuyền thường tình. Cho nên, tuy bản tính cảnh giác cao, nhưng thằng Rèn cũng bị lầm, không ngờ đám thợ săn “quèn” ở vùng này lại là những kẻ dám tấn công mình.
Trước khi đi, để chắc ăn, ông Võ Thức đã nghiên cứu tường tân và “bày binh bố trận” rõ ràng. Ai ở đâu, mấy người, chuẩn bị ra sao đều rõ ràng, cụ thể từng chi tiết một. Đến nơi, cứ thế lẳng lặng vào vị trí, sẵn sàng đánh thằng Rèn. Riêng ông, ông mang bộ “xỉ”, tức hai miếng lót bằng sắt, lót từ khuỷ tay đến bàn tay. Đầu bộ “xỉ” có mũi nhọn, có thể dùng làm vũ khí được. Khi bị đối phương đâm, chém, cũng có thể giơ tay lên đỡ mà không hề hấn gì. Khi đoàn người ngang qua nhà anh Phòng Tác, tất cả đều nhanh chóng vào vị trí. Riêng ông, chỉ mấy bước ngắn là đứng ngay trước ngôi nhà tranh. Khi ông hé cửa bước vào, thằng Rèn đang đứng trong nhà. Nhận ra ông, hắn thoáng chút ngạc nhiên rồi với linh cảm của một tên cướp dày dạn, hắn chợt hiểu và nhanh chóng rút thanh kiếm ra khỏi vỏ, thủ thế. Hắn nhìn ông Võ Thiệt đăm đăm. Là dân võ, hắn đoan chắc người đàn ông đang đứng trước mặt rất giỏi võ.
Thế rồi, do ý thức được thế yếu, trong ba sáu kế, tên cướp chọn kế thứ ba sáu. Nhanh như chớp, thằng Rèn lao ra ngoài, nhảy qua hàng rào. Chẳng may, trong lúc vội vã, dây lưng hắn bị mắc vào hàng rào. Ngay lập tức, người hắn gần như bị treo, đầu thòng xuống. Ông Xự, người được phân công chặn ngay lối đi này, lấy cây giáo mang theo gõ mạnh vào ống quyển hắn. Rồi, tất cả mọi người xúm vào cột trói thằng Rèn. Tin tướng cướp thằng Rèn bị bắt chẳng mấy chốc loan ra toàn làng Tân Mỹ và cả mấy làng lân cận khiến bà con đến xem rất đông. Rồi, người ta giải hắn lên huyện, rồi lên phủ. Còn ông Võ Thức, do có công bắt được tướng cướp khét tiếng thằng Rèn nên được nhà nước đương thời phong chức đội. Từ đó, danh xưng ông Thức mới được bà con đổi lại là ông Đội Thức. Nhưng, phong chức là phong để lấy “oai” chứ không có tiền bạc gì. Xưa, chức tước rất quan trọng, dù là chức nho nhỏ, chủ yếu để được người ta tôn trọng. Tế xuân, thế thu hoặc ngày hội làng được ăn trên ngồi trước cũng các vị chức sắc, hào mục khác. Riêng tướng cướp thằng Rèn, sau đó bị xử tội chém đầu. Quả là ác giả ác báo!

Saturday, February 11, 2012

LÀNG SĂN THẮNG LỘC

Nằm ở cực tây huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, làng Thắng Lộc, nay thuộc thôn Thạnh Phú, xã Đại Chánh là vùng giáp với đại ngàn Trường Sơn. Hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, đây là nơi khá hoang vu, nhà cửa thưa thớt, bước ra đầu làng đã thấy núi cao, rừng thẳm, nghe cả tiếng chim kêu, vượn hú, thỉnh thoảng, lại có cả tiếng mang toác, hổ gầm…


Lưới săn. Ảnh Đ.Đ


Theo truyền khẩu, mấy trăm năm trở về trước, trong quá trình vào khai phá đất hoang, lập làng lập xóm, làng đã có nhiều người chết vì thú dữ, nhất là cọp, vị chúa tể sơn lâm. Cũng theo truyền khẩu, hơn trăm năm trước, cọp nhiều nên mới có địa danh Gò Chùa, tức gò có cái “chùa”, tức cái bẫy, để gài cọp. Khi cọp đi vào chùa, mắc bẫy, coi như không thể thoát ra đuợc. Đặc biệt, cũng có chuyện xưa cọp bắt heo ăn bỏ đầu nên có chố chất đầy đầu.[1]
Xuất phát từ địa hình gò đồi, gần núi cao, rừng thẳm nên hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, để bảo vệ hoa màu, người dân trong làng thường tổ chức đi săn bắt thú. Nhưng, muốn đi săn bắt, phải có công cụ, chí ít phải có dáo để đâm, khá hơn chút thì sắm lưới săn, rồi chó săn, rồi còi để “truyền tin”.
Còi xưa được làm bằng sừng trâu hoặc sừng hươu. Loại còi này vang xa, hàng cây số cũng có thể nghe. Đặc biệt, mỗi tiếng còi có độ dài ngắn, kiểu cách khác nhau chứa nội dung khác nhau. Người dân, chỉ cần nghe tiếng còi, đã biết đám thợ săn đang làm gì, hoặc kết quả ra sao. Như khi chuẩn bị đi săn, tiếng còi khác, đang thúc chó đuổi thú, tiếng còi khác, tập trung lại, tiếng còi khác… Đó là phương pháp thông tin rất hữu hiệu trong điều kiện, hoàn cảnh lúc bấy giờ.



Đầu man, chiến tích của thợ săn xưa. Ảnh Đăng Đạt
Lưới được đan bằng cây đay, to ngang chiếc đũa, có loại dài sáu mét và loại mười mét tây, cao khoảng mét rưỡi. Phía trên và dưới lưới đều có dây mây. Lưới khá nặng nên người ta phải khiêng. Mỗi lưới có bốn cây chống, gọi là cây đày, được làm bằng gỗ kiền kiền, dài chừng hai mét rưỡi.
Còn chó, đã gọi chó săn thì cho săn ăn con gì cũng được. Tuy nhiên, chó săn mang, nai, thỏ có khác đôi chút với chó săn heo rừng. Đặc biệt, chó săn heo rừng, nhiều con chó bị heo húc nhiều lần mà thoát thì rất “cừ khôi” . Nó cứ đuổi theo heo rồi sủa. Xong, bỏ qua khỗ khác ngay, heo có lao tới để tấn công cũng như húc vào chỗ trống. Có thể nói chó càng săn nhiều càng tinh khôn, biết lúc nào sửa để đuổi thú, lúc nào nên tránh.
Trên thực tế, có nhiều con chó đánh mùi mang nai rất giỏi. Ví dụ, mang nai tối hôm qua đi ngọn đồi đó nhưng sáng mai chó vẫn đánh hơi được, rồi bám theo. Thế nên, dân làng Thắng Lộc có thói quen khi thả chó thường thả những con thường thường, còn con chó hay người ta cột dây, không cho đuổi. Đợi cho bầy chó đuổi thú lên đồi, xuống đồi nhiều lần thấm mệt, họ mới thả chó hay ra. Lúc này, mang, nai khó mà thoát nổi.
Là làng săn có truyền thống nên phường đi săn cũng có quy định rõ ràng trong việc ăn chia. Cụ thể, chủ nhà và người bao dấu[2] được hưởng một đùi. Chủ lưới, dù ba hay bốn tay lưới cũng vậy, được chia nhau một đùi. Chó săn được hưởng bộ xương. Dáo tiên, tức anh đâm heo đầu tiên, được ăn hai phần của cái nọng. Dáo bồi, tức anh đâm sau, được phần còn lại. Còn hai đùi, tức nửa con còn lại, chia đều cho người đi săn.
Theo quy định, anh khiêng lưới ba phần, anh vác cây đày và vác dáo được hai phần. Riêng những người đi theo tất cả được một phần. Đầu và bộ lòng nấu cháo, trước cúng sau mọi người cùng ăn. Nhìn chung, việc ăn chia rất tỉ mỉ. Săn được con to còn đỡ. Heo hay mang, nai nhỏ quá, mỗi người một chút cũng phải chia. Đáng chú ý, hội săn không bao giờ cho phụ nữ tham gia. Mỗi hội đông nhất có thể lên đến hai mươi người. Ít cũng mười, mười lăm người.
Theo kinh nghiệm của những thợ săn “dày dạn trận mạc” là đã đâm heo, không bao giờ đâm lưng. Bởi lưng heo rất dày. Người ta còn kể heo rừng khi đi ăn, thường cạ cạ lưng vào cây dầu rái nên da lưng dày còn hơn da trâu, cứng như đá. Dáo có sắc, có cứng mấy chăng nữa cũng không chịu nổi, oằn như chơi. Thế nên, người ta thường đâm chỗ ức nằm trên bụng.
Mà, đã đâm dính, một trong những kinh nghiệm xương máu của thợ săn heo là giữ chặt cây dáo. Heo có quậy, có vùng dậy cũng mặc. Bởi, nếu lỏng tay một chút, heo vùng ra được, nó húc thì nguy. Hơn thế nữa, heo bị đâm, dữ lắm. Dân gọi là heo đã “say máu ngà”, cực kỳ hung hãn. Do đó, ông Hai Xưng giữ chặt dáo. Không ngờ, khi heo đã thôi rục rịch, mọi người soi đuốc xem thử thì hỡi ôi, cán dáo đâm quá sâu, từ phía dưới ức ra tận sau mông!
Cũng như những nơi khác, hàng năm, sau Tết nguyên đán, làng săn Thắng Lộc đều tổ chức cúng ông tổ nghề săn. Ngày cúng không nhất định, thường cứ chọn ngày tốt. Lễ vật có xôi, gà, chuối, hương đèn, hoa quả… Cúng tổ phải cúng ngoài sân. Tiền mua đồ cúng do tất cả những người đi săn đóng góp.
Trong hội săn, lại có tục cứ săn 12 con heo phải cúng, gọi là cúng hội, một lần. Cách tính cũng lạ lắm. Ví dụ bắt được con heo mẹ, khi mổ bụng ra, có năm con heo con trong bụng, cũng kể luôn. Tức đã săn được sáu con. Ấy là về heo. Còn săn mang, nai chỉ cúng đầu năm, không cúng hội. Lễ vật có gà, xôi, hương đèn.
Không chỉ săn mấy ngọn đồi, núi giáp quanh địa bàn, một số người ham đi săn, thích đi săn, có máu mê săn bắt cũng thường tổ chức đi xa, từ Tân Đợi Hội Khách thuộc Đại Lộc, qua cả huyện Nam Giang và lắm lúc lên đến Dùi Chiêng ở tận miền tây huyện Nông Sơn, nơi nổi tiếng có nhiều heo rừng, chưa kể mang, nai.
Thật ra, chỉ lớp người sống cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, như các ông Thủ Cang, ông Hương Kiểu, ông Xã Lùng… mới đi xa như thế. Đây là những người có thú đam mê săn bắt. Đến lớp ông Trần Văn Long và các ông như ông Phan Vận, Phan Ni, Nguyễn Chiên… chủ yếu săn bắt ở mấy khu vực quanh làng.
Hội săn Thắng Lộc hết… săn bắt chính thức từ những năm cuối thập kỷ 1980. Nguyên nhân chính là do nạn săn bắt, kể cả săn bắn bằng súng, rồi bẫy thú bằng các loại bẫy hiện đại, diễn ra tràn lan nên thú rừng dần dần cạn kiệt. Hơn thế nữa, bà con cũng dần dần ý thức tác hại của việc tận diệt động vật hoang dã. Thế cho nên, chuyện săn bắt thú rừng với người dân làng Thắng Lộc, xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc, cũng như nhiều vùng khác ở Quảng Nam,  nay chỉ còn là ký ức của một thời!





[1] Ông Trần Văn Long, sinh năm 1930, thôn Thắng Lộc, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, kể.
[2] Người bao dấu tức người theo dõi, phát hiện có heo rừng hay mang, nai ở ngọn đồi nào để báo cho phường đi săn biết mà tổ chức đi săn.