Friday, July 29, 2011

NÓI LÁI Ở... QUẢNG NAM!

Trong giao lưu, sinh hoạt thường ngày, người Quảng Nam hay nói lái. Không chỉ vậy, nói lái còn đi vào dòng văn học dân gian với một số câu đố, giai thoại thú vị được lưu truyền qua nhiều đời!

Ở làng Dùi Chiêng, nay thuộc xã Quế Phước, huyện Quế Sơn, hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX có một nhân vật nổi tiếng về bắt cọp, bẫy cọp. Đó là ông Bá Doãn, tên thật là ông Phạm Doãn. Danh tiếng của ông không chỉ bó hẹp ở địa bàn Quế Sơn mà còn lan rộng ở nhiều huyện khác, nhất là những huyện miền núi, nhiều thú dữ như Đại Lộc, Tiên Phước... Ông là người giỏi nấu cao hổ cốt và làm giàu nhờ "ngón nghề" độc đáo này. Cứ ai nhờ bẫy cọp, phần công của ông chỉ là bộ xương. Bấy giờ, cọp rất nhiều nên nhà ông luôn luôn có sẵn cao hổ cốt thứ thiệt. Ông giàu lên nhanh chóng. Tuy giàu, nhưng ông nổi tiếng là người trượng nghĩa nên được dân làng yêu mến. Cũng theo tương truyền, ông giàu đến mức đủ sức xây một lúc bốn nhà lầu cho chính ông và ba đứa con trai ở ngay vùng núi heo hút này. Khi ông chết đi, nhà thơ trào phúng Tú Quỳ, danh sĩ Quảng Nam, có làm bài thơ phúng điếu ông, rằng "Ông về chín suối thôi bắt cọp/ Bỏ lại ba con bốn cái lầu". Rõ ràng, bài thơ tả thật. Thế nhưng, ông vận dụng cách nói lái rất tài tình ở ba từ cuối, tức "bốn cái lầu", khiến người Quảng ai đọc bất giác phải bật cười.

Hòn Đền, tức Núi Chúa Quế Sơn. Ảnh Đ.Đ

Trong dòng văn học dân gian thể loại hát hò khoan đối đáp ở Quảng Nam cũng để lại một số câu chuyện nói lái khá độc đáo. Chuyện kể rằng hồi trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tại xã Quế Lộc, có một cô gái khá đẹp, giỏi hát hò khoan tên là cô Sính. Bữa nọ, cô đi ngang qua làng kia, gặp đám thanh niên. Vừa thấy cô, một thanh niên liền cất cao giọng:“Hò… ớ…ơ/ Mình hết gạo ba bốn bữa ni/ Mình ních lấy sắn có chuyện chi không hỡi nàng?”. Nghe câu hát tưởng như bình thường này, cô gái giật mình, mặt đỏ rần lên. Ba chữ “ních lấy sắn” quả thật làm cô gái ngượng hết chỗ nói. Rõ ràng, người thanh niên tỏ ra rất thông minh khi khéo léo vận dụng cách nói lái của người Quảng để “bắt bí”. Tuy nhiên, vốn là người thạo hát hò khoan và cũng nhiều lần “thoát hiểm”, cô gái nghĩ ngợi trong giây lát rồi cất giọng: “Hò… ớ… ơ/ Thuốc Nam, thuốc Bắc gia vị tía tô/ Chàng lở ních lấy sắn có cứt chó khô thậm tài”. Nghe câu hát đối lại của cô gái, chàng trai cứng họng, không biết hát tiếp ra sao, đành lủi nhanh. Mà hát tiếp sao được khi anh ta bị bà “chửi” khéo là nếu đã lở “ních lấy sắn” thì phải ăn “cứt” chó khô mới… hết bệnh. Quả vỏ quýt dày có móng tay nhọn!
Còn tại làng Thu Bồn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, khoảng năm 1940, xảy ra một vụ kiện nổi đình nổi đám. Số là năm ấy, làng tổ chức đo lại diện tích đất. Do làng tham, các vị chức sắc bấy giờ muốn "ăn" bớt đất của dân nên cứ mỗi hộ đo thiếu 4 thước. Dân phẫn nộ, đồng lòng đứng lên đấu tranh, nhất tề... bỏ cấy vụ lúa năm ấy rồi cử người làm đơn lên kiện quan tổng, rồi quan huyện. Trong đó, người đứng đơn đại diện cho dân kiện là ông Võ Tùng. Thấy tình hình quá căng thẳng,  tri huyện Duy Xuyên mới đưa ông Thất Hoanh xuống đo lại ruộng đất. Ông này chặt một cây tre thật thẳng, lấy thước ngoài Huế làm chuẩn, rồi cứ thế mà đo. Lý trưởng và cả bà con thấy ông Thất Hoanh làm đúng quá, không ai có ý kiến gì. Đặc biệt, nếu người lý trưởng đo dân mất 4 tất, lần này, ông Thất Hoanh đo, dân lại lời ra đúng... 4 tất!

Thượng nguồn sông Thu Bồn. Ảnh Đ.Đ

Nhân vụ kiện này, ông Phạm Khôi, một người hay chữ trong làng đặt bài vè rằng  "Chuyên tùng, dám kiện, quấy ơi anh?/ Thức cóc giá cao ruộng bỏ đành / Ưng cắt năm sào liền một bọc/ Giựt quằn bốn thước xé đồng canh/ Đề mô sổ cấp làm cao lý/ Mực đặc đồng dân ký thuận tình". Bài vè này, ông vận dụng toàn cách nói lái "Truyền thống"  của dân Quảng Nam. Câu đầu, "Chuyên tùng, dám kiện, quấy ơi anh?". Ở đây  ý nói "Chuyên tùng" tức "Chung tiền" để đi kiện và đi kiện thì chẳng phải chuyện sai quấy gì hết. "Thức cóc giá cao ruộng bỏ đành".  "Thức cóc" tức "Thóc cức", ông muốn ám chỉ bọn cường hào làm bậy, làm những chuyện thối tha, khiến dân làng đành phải bỏ cả ruộng đất, không thể cày cấy được. Do đó, ông chửi khéo "Ưng cắt năm sào liền một bọc". "Ưng cắt"  ở đây rõ ràng ông ám chỉ bọn làm chuyện xấu ấy đều đáng "ăn cức". Đến câu "Giựt quằn bốn thước xé đồng canh" nghĩa "Giựt quằn" tức "Giặt quần", còn bốn thước xé đồng canh tức mấy ổng lấy bốn thước để mà chia nhau. "Đề mô sổ cấp làm cao lý"  tức "Đề mô" nói ngược lại là "Đồ mê", tiếng chửi khéo bọn tham lam, ngu muội mới làm chuyện bậy bạ như thế. "Mực đặc đồng dân ký thuận tình" ở đây "Mực đặc" tức "mặt đực" chỉ bọn người làm việc trái đạo lý này là những người không biết phải trái, cứ thấy lợi là làm. Thế cho nên, dân phải đồng lòng mà ký đơn đi kiện!

1 comment:

Lam Huynh said...

Có chi tiết chưa đúng nhé. Ông Bá Doãn là ông cố ngoại của tôi, tên thật là Phạm Tích Quang (không phải Phạm Doãn), sinh năm 1861, con ông Phạm Văn Cần và bà Trương Thị Tùng.
Cảm ơn