Tuesday, September 3, 2013

KIỆN ĐÒI… NƯỚC

Túy Loan hay Thúy Loan tuy hai mà một. Danh xưng Thúy Loan xuất hiện trong “Ô châu cận lục” của Dương Văn An hồi giữa thế kỷ XV. Lúc bấy giờ, Thúy Loan là một trong 66 xã của huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong, Thuận Hóa. Còn Túy Loan từ Thúy Loan đọc trại mà ra. Ngày nay, Túy Loan trở thành địa danh chính thức thay vì Thúy Loan. Theo truyền thuyết, vào thời Lê Thánh Tông, đã có 5 tộc tiền hiền là Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê đến khai phá đất đai, khởi đầu sự nghiệp. Nhờ có vị trí thuận lợi, là giao điểm giữa đường thuỷ và đường bộ, Tuý Loan dần dần phát triển. Trong đó, chợ Tuý Loan mấy mươi năm về trước quy tụ hầu hết sản vật quanh vùng, từ lâm sản ở miền Tây xuống đến cá mắm từ Hội An, Đà Nẵng lên, chiếu nón, nong rổ Cẩm Nê, Yến Nê qua... Dân gian có câu: “Tuý Loan trăm thứ,trăm ngon/ Vừa vừa cái miệng kẻo chồng con hết nhờ”. Tuy nhiên, cũng vào thời xa xưa ấy, làng Túy Loan xảy ra vụ kiện khá hy hữu, kiện về… nguồn nước tưới đồng ruộng.

Chuyện kể rằng, ngay từ thời đi mở cõi ấy, khi đến Túy Loan lập nghiệp, các tộc họ làng Túy Loan không ngại khó khăn, ra sức khẩn hoang, từng bước biến vùng đầm lầy hoang vu, đầy thú dữ thành đồng ruộng. Kết quả, qua hàng chục năm cật lực chiến đấu với thiên nhiên khắc nghiệt, các tộc họ tiền hiền ở Túy Loan đã khai phá tổng cộng hơn hai trăm mười mấy mẫu. Có thể nói, số đất ruộng ấy hầu hết là đất ruộng tốt, là những cánh đồng phì nhiêu, rất thích hợp để trồng lúa. Đặc biệt, cũng lúc bấy giờ, họ mới nhận ra rằng tuy đất đai màu mỡ nhưng lại không có nguồn nước tại chỗ để đưa vào đồng ruộng. Người nhà nông, với quan niệm “nước- phân- cần- giống” thì nước chiếm vị trí đầu tiên. Vốn có tầm nhìn xa trông rộng, bà con bèn cử người lên tân vùng Ô Rây, nơi đầu nguồn Đồng Nghệ, đứng bộ tổng cộng bảy chục mẫu. Gọi đứng bộ, tức làm chủ sở hữu bảy chục mẫu, nhưng họ chẳng khai phá gì. Mục đích của bà con là để tạo nguồn nước dẫn về tưới dẫn đồng ruộng. Bởi, nếu mai đây trồng lúa mà không có nguồn nước, cứ chờ nước trời thì thất bại là điều không thể tránh khỏi.

Đình làng Túy Loan. Ảnh Đ.Đ

Thế rồi, những năm về sau, ở làng Cẩm Toại, không biết nguyên nhân từ đâu, có một phụ nữ trong làng lại đứng ra làm chủ một khe nước tự chảy về Cẩm Toại. Khe nước này tự trên nguồn chảy qua các làng Dương Lâm, Khương Mỹ, An Tân… trước khi đổ về Cẩm Toại. Đã làm chủ, dĩ nhiên, đất hai bên khe nước do bà này đứng bộ, tức đứng chủ sở hữu. Pháp luật bấy giờ dĩ nhiên bảo vệ quyền sở hữu của bà. Nói gì thì nói, với dân làng Cẩm Toại, bà trở thành ân nhân vì đã có công đưa nước về đồng ruộng. Lúa có lên xanh tốt, một phần cũng nhờ có nước của bà. Không những Cẩm Toại, dân các làng kế bên như Khương Mỹ, An Tân muốn có nước dẫn vào ruộng lúa, đành phải xin nguồn nước của bà. Họ không thể ngang nhiên lấy nước từ khe nước nói trên. Tất nhiên thôi. Chuyện này rất rành mạch, rõ ràng. Tự tiện lấy nước, bà ta kiện thì chết. Đã vướng vào vòng lao lý, lại khi thua, còn phải bồi thường này nọ, đâu phải chuyện dễ, muốn là làm, là lấy, không nghĩ đến luật lệ. Quan cũng khó lòng đổi trắng thay đen, biến không thành có, có thành không, được. Ông bà có câu “Phép vua thua lệ làng”. Đụng đến làng xã, chuyện đâu phải chuyện đùa. Kiện tổng không xong, lắm người kiện lên huyện, lên phủ, rồi lên tỉnh.

Dân làng Túy Loan thấy vậy, mới điều tra nguồn gốc của khe nước này. Họ cử người cứ đi dần, đi dần ngược khe nước. Thử xem nguồn nước ấy ở đâu mà ra. Chuyện cũng dễ như trở bàn tay. Cho nên, cuối cùng, họ cũng đạt được mục đích. Hóa ra, nguồn nước ấy chẳng đâu xa lạ mà nước từ Ô Rây chảy ra. “Nước của làng mình mà”. Họ reo lên, mừng rỡ. “Nước của làng mình, răng mình không được hưởng?”. Họ bảo nhau. Cũng chính đây là nơi dân làng Túy Loan đã đứng bộ bảy mươi mẫu đất. Nước mưa, nước từ trên cứ thế tụ lại ở bảy mươi mẫu đất của làng Túy Loan trước khi chảy về Cẩm Toại qua khe nước của người phụ nữ kia. Thế cho nên, sau khi nắm chắc được nguồn gốc, dân làng mới đâm đơn kiện, đòi được chia “nước” từ khe nước này. Lý do chính họ đưa ra là rõ ràng nguồn nước của họ, do họ, tức làng Túy Loan, làm chủ sở hữu, vậy thì hà cớ gì họ không được hưởng lợi? Vậy là xảy ra vụ kiện khá hy hữu giữa dân làng Túy Loan và người phụ nữ làm chủ khe nước ở làng Cẩm Toại.

Giữa chốn quan đường, không thể nói không không, phải có chứng cứ. Do đó, mỗi bên kiên và bên bị kiện đều đem sổ bộ ra làm chứng. Bà chủ khe nước đem sổ bộ ra trình quan trên thì làng Túy Loan cũng trưng sổ bộ để quan đồng thời xem xét. Trên giấy trắng mực đen, quan xem xét kỹ, thấy dân làng Túy Loan kiện đúng, kiện có cơ sở, mới phán quyết cho dân Túy Loan thắng kiện. Bên bị kiện thua kiện. Vậy là bà chủ khe nước ở Cẩm Toại phải để cho dân làng Túy Loan được quyền lấy nước tự chảy từ khe nước của mình. Vụ kiện, có thể nói “kết thúc” trong hòa bình vì bà ở Cẩm Toại rốt cuộc cũng thấy dân làng Túy Loan kiện có lý. Hơn thế nữa, Cẩm Toại và Túy Loan đâu có xa lạ gì cho cam, cũng gần gũi, hàng xóm láng giềng cả, thôi thì… giúp nhau trong chuyện làm ăn, sinh sống cũng là điều nên làm và cần làm[1].




[1] Ông Đặng Khôi, sinh năm 1933 và ông Đặng Kỳ, sinh năm 1930, làng Túy Loan, kể