Saturday, April 27, 2013

KỂ CHUYỆN BÀ THU BỒN…


Hàng năm, cứ đến ngày 12 tháng 2 âm lịch, người dân làng Thu Bồn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, lại tổ chức lễ hội gọi là Lễ hội Bà Thu Bồn, gọi tắt là Lệ Bà. Đặc biệt, xung quanh một trong những lễ hội nổi tiếng nhất, đình đám nhất của Quảng Nam có nhiều câu chuyện kể dân gian khá lý thú, hấp dẫn…
1. Về sự tích Bà Thu Bồn, có nhiều truyền thuyết khác nhau. Một truyền thuyết cho rằng Bà là nữ tướng Chăm, bị vua Lê đánh bại, phải chạy về làng Thu Bồn, bị ngã voi và chết. Lại có truyền thuyết kể Bà nguyên là công chúa con ông vua Mây, cháu bà chúa Lồi, khi bị giặc bao vây kinh thành, vua và công chúa cưỡi ngựa chạy lên Phường Rạng và ngã ngựa mất, xác công chúa trôi về làng Thu Bồn. Một truyền thuyết khác thuật rằng Bà là con của một phú hộ. Khi mới lọt lòng, Bà có một mái tóc dài ngang lưng, hai hàm răng ngọc ngà đẹp như hoa. Lên 5 tuổi, Bà biết dùng các loại lá, rễ cây trong vườn để chữa bệnh cho người và gia súc. Đến 50 tuổi, Bà mất… Có thể nói, đó là những truyền thuyết, huyền thoại được lưu truyền qua nhiều đời. Tuy mất, nhưng Bà rất hiển linh, nhiều lần ra tay cứu nhân độ thế. Bà cai quản một vùng rộng lớn nằm dọc theo sông Thu Bồn, từ Duy Xuyên đến Đại Lộc, kể cả vùng tây huyện Quế Sơn. Lâu Lâu, Bà mới về một lần. Khi bay về,  Bà bay ban đêm, trời lại có quầng sáng như ngọn lửa. Bà bay từ núi Chúa, tức Hòn Đền ở Quế Sơn qua đất Duy Xuyên, đến núi An Định ở vùng tây Đại Lộc. Hình dáng Bà lúc ấy như dải lụa, mềm mại uyển chuyển. Cũng theo chuyện kể, khi dân Việt từ đất Bắc kéo vào Thu Bồn, vùng đất này hãy còn hoang vu. Hồi đó, chỗ xây lăng Bà Thu Bồn có một cái hang rất sâu. Nghe nói không có nhà. Nhưng có trại lợp bằng lá kè. Đặc biệt, theo lưu truyền, thời xưa, ngay lúc mới đến lập nghiệp, ông bà thấy cứ đến ngày 12 tháng 2 âm lịch, người Chiêm tổ chức lấy nước từ sông Thu Bồn rước về Trà Kiệu để cúng nên khi đến lễ hội Lệ Bà, họ bắt chước làm theo, tức ngoài lễ vật, cũng tổ chức rước nước để cúng như người Chiêm[1].

Lăng Bà Thu Bồn. Ảnh Đ.Đ

2. Xong phần lễ, đến phần hội. Người ta tổ chức đua ghe, rồi hát bội. Sôi nổi nhất là đua ghe. Tùy theo “túi tiền” và tùy theo năm, làng tổ chức đua nhiều hay ít. Đua nhiều thì đua đến… 8 vòng đôi. Ít cũng 6 vòng đôi. Ngoài đội đua ghe ở địa phương, làng còn mời đội đua ghe ở một số địa phương khác như đội đua các vạn Nồi Rang, Bình Yên, Trà Linh, Chợ Được, Hội An… đến tham gia. Giải thưởng có tiền và cờ. Khi đua, có đặt bàn án, có trống lệnh. Không khí nhộn nhịp. Hai bên bờ sông, bên ni là làng Thu Bồn huyện Duy Xuyên, bên kia là làng Phú Thuận huyện Đại Lộc bà con xem đông nghịt, hò reo cổ vũ rầm trời. Hát bội gần như là sinh hoạt không thể thiếu ở lễ hội Bà Thu Bồn hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước. Làng tổ chức hát ban ngày, hiếm khi hát ban đêm. Nhiều khi dưới sông có đua ghe đồng thời trên bờ cũng tổ chức hát bội. Cho nên, mới có câu "Trên bờ hát bội dưói thuyền bơi đua". Lúc ấy, ai muốn “coi” hát bội thì “coi”, ai muốn “coi” đua ghe thì… “coi”.  Thường, chỉ hát vài ba ngày, sau khi hết “hợp đồng” thì thôi. Các gánh hát, ngoài tiền hát theo “hợp đồng”, họ còn có thêm tiền thưởng. Gánh nào hát hay thì được thưởng nhiều. Hình thức thưởng, xưa gọi là “thướn”, cũng khác. Hễ đến đoạn nào thấy quá “tuyệt”, dân mới ném thẻ để “thướn” lên sân khấu. Diễn viên đang hát nhặt thẻ. Thẻ có thẻ con và thẻ cái. Một thẻ cái bằng mười thẻ con. Chỗ hay vừa ném thẻ con, cưc hay mới ném thẻ cái. Người ta tính thẻ con bao nhiều tiền, thẻ cái bao nhiêu, cứ thế bao nhiêu thẻ đổi lấy bao nhiêu tiền. Thỉnh thoảng, cũng có đôi người không ném thẻ mà ném… tiền lên, diễn viên cũng nhặt. Nói chung, khán giả cho gì họ cũng nhận. Cho càng nhiều, chứng tỏ họ hát càng hay, có sao đâu! Ngoài đua ghe, hát bội, còn có  đánh cờ, đánh bài lú và cả đánh xóc dĩa ăn tiền. Nhưng đây là những trò chơi làng không đứng ra tổ chức, chẳng qua, một số người lợi dụng cơ hội bày trò ăn thua mà thôi.

Bia Lăng Bà. Ảnh Đ.Đ

3. Xung quanh Lệ Bà có chuyện lạ. Nguyên đất ruộng công ở làng nhiều. Thế cho nên, tiền hiền làng được tự một mẫu tư đất.  Đến ngày tế tiền hiền, làng lấy số hoa lợi từ mấu tư đất này để chi phí. Trong lúc đó, tiếng là làng có lễ hội Bà Thu Bồn lớn nhưng lại không có đất tự. Rốt cuộc, dân làng phải đóng góp. Mãi sau này, ở làng Phường Chào, có một người lên đồng bảo với người cháu của bà Phường Chào rằng Bà Thu Bồn không có đất tự. Người cháu bèn đem tiền qua mua đất cúng Bà Thu Bồn. Ông này mua mẫu bảy đất để “tý tự”[2] cho Bà Thu Bồn. Đó là nguyên do mà hàng năm, khi tổ chức lễ hội Bà Thu Bồn, làng mới mổ con trâu, lấy một miếng thịt vai to như cái khay với hai đòn bánh tét rồi sai anh Giáp, tức anh chuyên đi rao ở làng, đem qua kỉnh cho người cháu đã mua đất để “tí tự” cho Bà Thu Bồn. Khi đi kỉnh, làng viết một cái phiếu, trên đó ghi miếng thịt ấy dày bao nhiêu, dài bao nhiêu, cân nặng bao nhiêu. Người ta sợ anh giáp “lẻo” mất chút ít. Chuyện kỉnh thịt trâu ngày lễ hội diễn ra hàng mấy chục năm trời, sau này mới bỏ. Lại có truyền thuyết kể rằng xưa trong lăng Bà có hai con tít to bằng bắp vế (!?). Đặc biệt, hai con tít này miệng ngậm hai cục ngọc to như nắm tay. Bấy giờ, có thằng Tây nổi máu tham. Nó quyết lấy cho bằng được. Nó cũng không tin Lăng Bà linh thiêng. Thế là nó đan một cái mủng chai to, đổ nước vào, bắt con gà làm thịt, để con gà lên. Loài tít thấy gà thì bỏ cục ngọc, bò đến ăn. Cục ngọc rớt xuống nước, biến mất tăm. Cặp tít sau đó chết trong lăng.

Bên trong Lăng Bà. Ảnh Đ.Đ

4. Cũng vào quãng nửa cuối thế kỷ XIX, ở ngoài kinh đô Huế, có phu nhân của vị quan nọ bị bệnh đã lâu, chữa hòai không khỏi. Nghe tiếng lăng Bà Thu Bồn linh thiêng, bà mới lặn lội vào xin thuốc. Vậy mà khỏi. Vị quan nọ mừng quá, đem đôi xuyến vàng với hai cái trang dài thước năm Tây vào cúng lăng Bà. Thường thường, khi làm lễ, trên bàn thờ, người ta mới đem cặp xuyến ra treo lên để cúng. Còn những ngày khác, họ đục lỗ trong cây gỗ trên bàn thờ để cất cặp xuyến. Làng không ai giữ đôi xuyến vàng này. Cũng không ai dám lấy trộm. Họ tin Bà linh thiêng, không thể làm điều xằng bậy được. Bà mà nổi giận thì cầm chắc cái chết. Dân ta sợ, nhưng Tây không sợ. Thế cho nên năm nọ, có hai thằng Tây lên Thu Bồn với một thằng thông ngôn. Cả ba đi bằng ca-nô. Hai thằng Tây đậu ca-nô ngoài gành rồi vào lăng Bà, lén lấy cặp xuyến vàng. Kỳ lạ thay, khi ra gành, không hiểu sao tự nhiên cả hai như bị ai đó kéo mạnh, làm nhào đầu xuống nước mà chết. Làng mới báo lên quan trên. Lúc đó, cũng không ai biết hai thằng này lấy trộm cặp xuyến trong lăng. Sau này, khi thắp hương ở Lăng Bà, người ta mới rõ mọi chuyện. “Đáng đời, ai bảo đụng đến Bà!”. Họ bảo nhau. Và, với dân làng Thu Bồn nói riêng, Điện Bàn nói chung, cũng như người dân ở Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn và nhiều nơi khác đều tin vào sự linh thiêng của Bà thông qua những chuyện kể mang màu sắc huyền thoại của một thời chưa xa…


[1] Ông Trịnh Bốn, sinh năm 1931, làng Thu Bồn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, kể.
[2] Tý tự (畀祀),, tức ban cho để dùng vào việc cúng tế

Monday, April 22, 2013

TỪ TRIỀU THÁI ĐỨC NHÀ TÂY SƠN…


Mấy chục năm trở về trước, khách thương hồ quanh năm suốt tháng xuôi ngược trên sông Thu Bồn mấy ai không biết địa danh Phường Rạnh, nay là làng Trung An, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, một vùng đất nằm ở vùng cực tây Quảng Nam, bấy giờ còn hoang vu, núi đồi trùng điệp. Theo tư liệu còn lưu lại, Phường Rạnh được khai phá từ rất sớm, dưới triều Thái Đức nhà Tây Sơn…

Ở Trung An có ba tộc tiền hiền là các tộc Nguyễn, Trần và Trịnh. Các tộc đều đến lập nghiệp từ thời Tây Sơn. Trong đó, tộc Nguyễn đến đầu tiên. Nhưng, do nhiều nguyên nhân, hiện nay, tộc này không còn con cháu nối dõi. Sau tộc Nguyễn là tộc Trịnh và tộc Trần. Theo chuyện kể, hồi ấy, tộc Trịnh vào bằng đường biển. Khi đi, có ba anh em. Đầu tiên, họ lập nghiệp ở làng Hòa Mỹ nay thuộc quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Sau đó, không biết vì lý do gì, họ đi tiếp vào Quảng Nam. Một ông chọn mảnh đất nay là xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc; một ông đến làng Thu Bồn, nay thuộc xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên còn ông thứ ba vào tận Phường Rạnh, lập nghiệp. Còn tộc Trần, tương truyền, theo vua vào Nam, đến Bình Định lập nghiệp. Rồi, khi phong trào nông dân Tây Sơn bùng nổ, ba cha con tộc Trần gồm cha là Trần Văn Tam và hai con là Trần Văn Hiền và Trần Văn Huấn quay ra Quảng Nam, lên tận vùng đất sau này có danh xưng là Trung An, sinh sống. “Nghe truyền khẩu lại là họ đi theo lệnh của bà vợ ông Trần Văn Tam... Không biết bà ni răng có quyền hành to như rứa. Cũng nghe nói hồi đó, người cha Trần Văn Tam già rồi, còn người anh Trần Văn Hiền lại quá hiền. Cho nên, em là Trần Văn Huấn mới đứng ra làm giấy tờ. Kết cuộc, sau này chính người em đứng tên tiền hiền làng cùng với các tộc Nguyễn và Trịnh!”[1].

Gia phả tộc Trần. Ảnh Đ.Đ

Đặc biệt, không chỉ truyền khẩu, tộc Trần ở Trung An còn giữ bản gia phả khá đầy đủ. Bản gia phả bằng chữ Hán, được lập vào năm “Thành Thái tứ niên, thất nguyệt, nhị thập nhật, lục cung”, nghĩa là vào ngày 20 tháng 7, năm Thành Thái thứ tư, tức năm 1892. Như vậy, theo tư liệu, đây là bản gia phả được sao lại, chép lại từ một bản gia phả có từ trước. Điều đặc biệt, gia phả tộc Trần cũng ghi lại khá rõ nét nguồn gốc của tộc Trần. Và, đúng như lời kể, người đầu tiên tộc Trần vào Nam là ngài Trần Văn Tam. Thoạt tiên, ngài vào định cư tại Bình Định, trú ở xã Mộc Bài. Bấy giờ, ở Mộc Bài, tộc Trần là tộc lớn. Khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ, trước khói lửa chiến tranh, gây ra nhiều thảm cảnh đau lòng, theo lịnh từ người mẹ, tên là Nguyễn Thị, ngài dẫn gia quyến đi lánh nạn ở chỗ này. Bản gia phả viết “Tiên thế vi Bình Định tỉnh, Mộc Bài xã, nhứt cự tộc. Tiên linh húy Tam, nhân Tây Sơn binh tiễn chi tế dữ, lịnh từ Nguyễn Thị, khiết quyến tị cư vu thử nhân tịch”. Nhưng đến lập nghiệp ở vùng đất Trung An lúc bấy giờ không chỉ có mình tộc Trần mà còn có hai tộc khác là tộc Nguyễn và tộc Trịnh. Thế là ngài cùng với tiền hiền hai tộc Nguyễn, Trịnh, tức tam tộc, cùng xin lập bộ, nghĩa là lập sổ sách đất đai của làng “Thử thìn y ông dữ Nguyễn Trịnh tam tộc đồng thảo khất kiến bộ”… Có thể nói, qua những ghi chép nói trên, chúng ta có thể khẳng định vùng đất nay có danh xưng là Trung An, nằm trên địa bàn xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam được khai phá từ khá sớm, vào cuối thế kỷ XVIII. Đây cũng là thời điểm mà một số làng xã khác ở huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, hình thành.

Về nguồn gốc danh xưng Trung An, có câu chuyện kể khá lý thú và hấp dẫn rằng thời trước, khi người Việt đến lập nghiệp, ở đây đã có Dinh Bà Phường Rạnh, rất linh thiêng. Ngày nọ, trong làng có ông gọi là ông Trùm Tuất, người họ Nguyễn, khá giàu, nhà có của ăn của để, bị mất mấy con trâu. Tiếc của, ông mới quyết chí đi tìm cho bằng được. Nhưng, ông chưa kịp bước ra khỏi bìa làng thì Bà đã “đạp đầu ngang”, tức mượn xác người sống, hiện lên, nạt nộ: “Nhà người đi mô? Nhà ngươi đừng có dại, chết như chơi. Bọn cướp đã chuẩn bị sẵn dao kiếm, nhà ngươi đến chỉ thiệt thân. Nhà ngươi về đi. Còn về phần bọn cướp, nhà ngươi đừng lo. Hễ kẻ nào trung thì được an mà ai ngang bướng, đi trộm cướp, sẽ không ra chi”. Từ câu chuyện này, người dân mới lấy tên Trung An đặt tên cho làng với mong muốn bà con sống ở vùng đất này luôn là những người“trung thực” nên được hưởng sự “an lành”.

Một đoạn trong gia phả. Ảnh Đ.Đ

Danh xưng Trung An gần như chỉ tồn tại trên mặt giấy tờ, khế ước. Còn tên bình dân là Phường Rạnh. Cũng như Trung An, danh xưng Phường Rạnh cũng có nguồn gốc, xuất xứ khá đặc biệt. Theo đó, chữ “Rạnh” xuất phát từ con trạnh, một loại động vật có hình dáng như con rùa nhưng rất to, có con to bằng cái nong, sông dưới nước1. Nguyên hồi nửa đầu thế kỷ XIX trở về trước, du khách lẫn tầng lớp thương hồ ngược lên thượng nguồn sông Thu Bồn khi đi ngang đoạn sông chảy qua làng Trung An thỉnh thoảng hay bắt gặp con trạnh trồi lên, có lúc nhiều đến mức đặc kín sông, khiến ghe thuyền phải tránh. Thế cho nên, người ta mới gọi làng ven sông này là Phường Trạnh. Lâu ngày, họ mới đọc “chệch” là Phường Rạnh. Phường (坊), trong chữ Hán, còn có nghĩa là “làng”. Riêng “Rạnh”, tức từ trạnh mà ra. Thế cho nên, Phường Rạnh còn có thể gọi nôm na là làng Trạnh!

Di tích Lăng Bà ở làng Trung An. Ảnh Đ.Đ

Nhưng dù Trung An hay Phường Rạnh, mảnh đất này cũng bắt đầu được người Việt đặt chân lên lập nghiệp cách nay gần 250 năm, từ triều Thái Đức nhà Tây Sơn. Thế cho nên trong văn cúng tiền hiền nhằm tưởng nhớ những người đã có công khai sơn phá thạch, lập làng lập xóm, người dân làng Trung An ghi rõ Xưa đất Bắc dựng xây tổ nghiệp/ Nay trời Nam kiến trúc cơ ngơi/ Chí tang bồng ngang dọc bốn phương/ Tài thao lược kinh luân một cõi/ Đất Phường Rạnh thời xưa triều Thái Đức/ Ơn tiền nhân khai quốc thổ lắm công trình…”.


[1] Ông Trần Văn Hai, sinh năm 1948, thôn Trung An, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, kể.

Monday, April 15, 2013

GÁNH HÁT LÀNG PHƯỚC TÍCH

Mấy chục năm trở về trước, mỗi khi Tết đến, xuân về, một trong những hình thức thưởng thức văn hóa văn nghệ dân gian không thể thiếu của người dân xứ Quảng là đi xem hát bội, tức hát bộ hay hát tuồng: “Tai nghe trống chiến trống chầu/ Xếp ba hột đậu phụng lộn đầu lộn đuôi”; “Tai nghe trống chiến/ Không khiến cũng đi”.

Nghệ sĩ hát bội ở miền Trung năm 1889. Ảnh T.L 

 Hát bội ngày thường đã vui, ngày Tết càng vui gấp bội. Đặc biệt, người dân Quảng mê đến mức dù xa đến mấy, thậm chí cả hàng chục cây số, cũng băng rừng lội suối mà đi. Hồi nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước, ở làng Phước Tích, nay thuộc xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, người dân ai ai cũng mê hát bội. Đặc biệt, trong những ngày Tết cổ truyền, thể nào họ cũng xem vài ba đêm hát bội. Nghe làng nào tổ chức hát bội, dù xa hàng chục cây số, dân làng Phước Tích cũng rủ nhau mà đi. Nhưng, không chỉ ngày Tết, ngay cả ngày thường, thỉnh thoảng trong làng, khi có việc gì, như mừng nhà mới hay sinh con trai chẳng hạn... họ cũng mời ba người biết hát bội về hát cho vui. Thường, những gia đình này phải giàu có. Người nghèo, lấy tiền đâu ra để chi phí, đài thọ? Còn lý do sao chỉ mời vỏn vẹn... ba người thì tương đối dễ hiểu, bởi theo quan niệm của người dân địa phương thì số ba là chữ số may mắn, bởi nó tượng trưng cho Phước - Lộc - Thọ. Dĩ nhiên, trong lúc hát phải có trống đánh, đờn vang mới rôm rả. Lúc bấy giờ, trong làng có lập một trường hát lấy tên là Trường hát ông Bổn, do ông Tạ Bổn, người Hoa, giàu nức tiếng, bỏ tiền ra để lập. Khi mời gánh hát đến biểu diễn, ông bán vé thu tiền. Về nguyên nhân ra đời của gánh hát làng Phước Tích, theo lời ông Nguyễn Văn Xưng, sinh năm 1928, thì sau ngày giải phóng miền Nam, ông Cột, chủ tịch xã, vốn máu mê hát bội, trực tiếp gặp ông Nguyễn Lân, nghệ sĩ tuồng, từng theo các đoàn hát bội chuyên nghiệp đi diễn ở nhiều nơi tại Đà Lạt, Nha Trang, Bình Định, nói rõ ý định muốn lập gánh hát. Thống nhất chủ trương xong, ông Nguyễn Lân mời những người biết hát, hát hay như các ông Nguyễn Đình Lê, Nguyễn Văn Thi, Nguyễn Đình Xưng, Trèn Cần, Nguyễn Kỷ, Nguyễn Cẩm và các bà Nguyễn Thị Đào, Võ Thị Bích, Phí Thị Tâm, Võ Thị Xanh... gia nhập. Như vậy, “biên chế” đầu tiên của gánh hát gồm 12 người, cả nam lẫn nữ. Ông Nguyễn Lân và Nguyễn Văn Xưng, những hạt nhân đầu tiên của gánh hát, đứng ra luyện tập. Các vở tuồng hồi ấy là Ngọc Lan, Ngọn lửa Hồng Sơn, Ngũ hổ bình Liêu, Hoa rừng đẫm máu... Đặc biệt, nghệ nhân Tư Bửu, một nghệ sĩ tuồng nổi tiếng của Quảng Nam, cũng được trên cử về dạy tuồng cho anh chị em diễn viên trong hai tháng ròng, mà chỉ dạy riết một vở là vở Trần Bình Trọng. Tập nhuần nhuyễn xong, gánh hát bắt đầu biểu diễn. Thôi thì trên địa bàn huyện Tiên Phước, không đâu không in dấu chân của anh chị em diễn viên, từ Tiên Lộc đến Tiên Cảnh, Tiên Lập, Tiên Lãnh, Tiên Mỹ, Tiên Cẩm... Một đôi lần, họ đi hát ở Trà My, Chu Lai. Đó là vào giữa những năm 1980, thời kỳ tạm gọi là vàng son của gánh hát làng Phước Tích. Cũng trong khoảng thời gian này, để thu hút khán giả, ông Nguyễn Lân phải mời thêm vài diễn viên ở ngoài như ông Tú ở Hội An, ông Lục ở An Hải, Đà Nẵng, bà Thông ở Tam Kỳ... Hơn thế nữa, ông còn lặn lội vào tận Nha Trang mời bà Sáu Chân, vợ chồng ông Thao ở Bình Định. Thông thường, họ đến biểu diễn chừng mươi ngày, nửa tháng rồi về. Nếu cần, phải kêu lại. Trong suốt hơn mười năm tồn tại, gánh hát làng Phước Tích gần như đi hát quanh năm. Nói chung, đi đến đâu, anh chị em diễn viên cũng được tiếp đón ân cần, đãi đằng chu đáo. Có nhiều nơi hợp đồng chỉ hát 3 đêm nhưng hát đến... 8 đêm liền. Nguyên nhân vì bà con xem đông quá.

Ông Nguyễn Văn Xưng, kép gánh hát làng Phước Tích 
Vé bán được. Tính ra có lãi. Thế là họ yêu cầu hát tiếp.  Trong các vở, gánh hát làng Phước Tích diễn đạt nhất là vở Tiêu Anh Phụng loạn trào. Có lần diễn vở này tại xã nhà Tiên Lộc, đến đoạn thái tử Minh Châu viết tờ để vợ, thấy ông Nguyễn Văn Xưng, kép chính, thủ vai thái tử Minh Châu đạt quá, ông Khuê cầm mấy chục đồng (một số tiền không nhỏ lúc ấy) lên thưởng. Ngoài ông Nguyễn Văn Xưng thì bà Nguyễn Thị Đào, đào chính, đóng cũng rất có hồn. Vai nổi nhất của bà là Thoại Khanh trong vở Thoại Khanh - Châu Tuấn. Rồi vai Trịnh Nương trong vở Hồ Mạnh Quế ly thê. Vai anh hề đã có ông Trần Cần... Nói chung, các diễn viên trong gánh hát đều diễn hết mình. Ai cũng có thế mạnh riêng. Nhờ đó, gánh hát Phước Tích tương đối có tiếng tăm. Cho nên, gánh hát được xem như của huyện, lấy tên chung là Đoàn tuồng Tiên Phước. Nhưng, với bà con trong làng, họ gọi bằng tên dân dã, quen thuộc là gánh hát Phước Tích. Đáng tiếc, gánh hát Phước Tích không tồn tại lâu. Nguyên năm 1992, khi ông Nguyễn Lân, bầu gánh, mất đi thì không còn ai có đủ khả năng và nhiệt tình để thay thế. Anh chị em nghệ sĩ ai nấy trở về với đồng ruộng. Hiện nay, lớp diễn viên này nhiều người đã già yếu. Một số không còn nữa. Nhưng, với lớp người cao tuổi làng Phước Tích, mỗi lần Tết đến xuân về, họ lại nhớ đến gánh hát của làng từng tung hoàng ngang dọc vừa tròn hai mươi năm về trước. Mà, hát bội ngày thường đã vui, ngày Tết càng vui lên gấp bội lần. Đêm nào có hát đêm ấy không khác gì đêm hội. Trong đó, có những năm gánh hát đi hát cả tháng liền. Có thể nói, đối với dân làng, gánh hát Phước Tích, một gánh hát dân dã, với nghệ sĩ là những người nông dân thực thụ chân lấm tay bùn, thực sự đã đi vào dĩ vãng, trở thành kỷ niệm không thể nào xóa nhòa trong ký ức

Monday, April 8, 2013

CHUYỆN ÔNG BIỂU


Làng Chiên Đàn, hay còn có danh xưng dân dã là Chơn Đờn, hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước thuộc tổng Chiên Đàn, huyện Hà Đông, nay thuộc xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, có một nhân vật gọi là ông Nguyễn Tấn Biểu. Ông tuy không học giỏi, đỗ dạt cao, nhưng khá nổi tiếng vì tính khí hay nói ngông, chơi ngông. Đối tượng mà ông thường châm chọc là những gã nhà giàu, hợm hĩnh, hay bọn ở làng, ở xã ỷ thế hiếp đáp dân lành thân cô thế cô. Sinh thời, ông để lại một số câu chuyện kể khá thú vị, được lưu truyền khá phổ biến trong dân gian. Số là, ở làng Chiên Đàn xưa, có nhiều ruộng đất công, gọi là công điền. Đây là số ruộng đất thuộc quyền sở hữu của làng, do làng quyết định. Thường thì làng cho thuê, tức cho bà con làm rẻ, đến mùa nộp thóc lúa, hoa lợi, để làng dùng vào việc chung như cúng tế, lễ lạt này nọ. Mà, thời trước, chuyện cúng tế, lễ lạt nhiều, không nhờ số ruộng đất này, làng lấy đâu ra tiền để chi tiêu? Ông Nguyễn Tấn Biểu cũng là dân nghèo, cũng thuê ruộng của làng làm rẻ, đến mùa nộp thóc lúa cho làng. Chuyện thường thôi, chẳng có gì đáng bàn. Việc cho nông dân nghèo thuê đất lấy hoa lợi chi tiêu vào việc cúng tế diễn ra từ năm này sang năm khác. Được mùa không nói làm gì, những năm đói kém, mất mùa, dân nghèo đã khổ càng khổ hơn. Ông Nguyễn Tấn Biểu thấy dân đói khổ quá, mới tính “chơi khăm” làng một vố. Thé cho nên, năm ấy, ông cố ý chay ì không nộp thuế. Làng cho người mời năm lần bảy lượt, ông cứ khất lần. “Nhà tui chưa có tiền nộp, để ít bữa nữa… khó quá, khó quá…”. Ông năn nỉ. Lần nào cũng vậy. Lý trưởng tức lắm “Thằng ni ù lì. Phải có cách gì trị nó chớ? Không ai cũng như nó làng làm răng thu thuế được?”. Lời lý trưởng đã phán ai dám cãi? Thế là làng làm căng. Ông Nguyễn Tấn Biểu thấy vậy, mới bảo “Tui nói thiệt, nhà tui không có gì mà… Chỉ còn có con trâu, nhưng là trâu cái… Nếu làng đòi hung quá thì bắt nó đi. Khi mô tui có tiền tui đem đến chuộc lại”. Không còn cách nào khác, làng liền lùa ngay con trâu cái về, cột ngay ở đình làng. Thói đời,… trâu chung không ai khóc. Cột trâu vào đình, làng có phân người trông coi nhưng trâu… làng sao bằng trâu nhà. Họ cho ăn qua quýt, chủ yếu để cho trâu khỏi đói, chết mà thôi. Hơi sức đâu cho trâu ăn cho no. Kết quả, chỉ vài ba bữa, trâu ốm đi trông thấy. Đợi đến lúc đó, ông Nguyễn Tấn Biểu mới lựa lúc làng đang họp ở đình làng, liền rảo đi rảo lại quanh con trâu, nói oang oang, cốt để mấy ông làng nghe “Chua choa, ở với ông con mập mạp mà ở với làng có mấy bữa, làng làm chi con ốm kinh rứa”. Mấy ông có chức tước ở làng cứ nghe đi nghe lại, nhột quá, nhưng không biết làm gì, nói gì để “trả đũa” cho bõ tức. Cuối cùng, họ chẳng còn cách nào khác là cho người ra, bảo với ông Nguyễn Tấn Biểu “Thôi, mi dắt về đi, khi mô có tiền thì trả cũng được, răng cứ nói chi nói miết, mệt lắm!”. Một chuyện khác. Nguyên xưa kia làng nào cũng có bót gác, gọi là điếm canh hay chòi canh. Ở đó có sẵn cái mõ, dụng cụ làm bằng tre, dùng để gõ, phát ra tiếng khá to, cốt để báo động khi có trộm cướp hay có việc gì khẩn cấp cần báo cho làng biết để dân làng đến hỗ trợ... Ngày nọ, ông Nguyễn Tấn Biểu biết làng sẽ kiểm tra chuyện canh gác ở điếm canh. Hốm ấy, ông xung phong trực. Nhưng, ông chẳng thèm trực gì, chỉ thắp ngọn đền hiu hắt cho… có. Khi ông xã đến, thấy điếm canh vắng hiu, chẳng tìm ra ai là người gác, mới nóng máu, xách mõ đánh để báo động. Ông Nguyễn Tấn Biểu, như từ trên trời rơi xuống, tay giựt cái mõ, tay nhè ông xã mà vả vào mồm. Ông xã hoảng hốt, la lên “Ớ Biểu, răng mi nhè tao mi đánh?”. Ông Biểu giả đò “Ủa, ông xã hả? Rứa mà tui tưởng thằng mô ngỗ ngịch lấy cái mõ đánh tầm bậy”. Ông xã vặn vẹo “Rứa lính canh ở mô?”. Ông Biểu đáp “Tui canh chớ ai. Nhưng tui dại chi ngồi đó cho nó biết hả? Tui ngồi trong bụi. Mà cũng tạit ông, ông ra ông nhè lấy cái mõ đánh, tui không biết, tưởng thằng nào to gan, mới vả vô miệng. Tui xin lỗi nghe”. Ông xã tức lắm, nhưng đành chịu. Chuyện thứ ba mới… độc đáo. Số là xưa kia theo quy định của làng Chiên Đàn, mỗi năm một ông trùm chịu trách nhiệm lo việc cúng tế ở làng. Hết ông này sang ông khác. Luân phiên với nhau. Năm nọ, đến lượt ông Nguyễn Tấn Biểu. Đó cũng là năm làng tổ chức long trọng hơn mọi năm, có mời tổng về dự. Lệ thường, làng phải mua đến 7 con heo, mà là heo đực. Ông Nguyễn Tấn Biểu làm khác. Ông mua toàn heo cái rồi dặn mọi người kín tiếng. Mặt khác, ông lén mua một lúc 7 con… cặt heo, giao cho 7 thanh niên thân tín, dặn làm như ri, như ri… Y như ông tiên đoán, chuyện mua heo cái cúng tế đã dặn kỹ phải giữ kín nhưng rốt cuộc rồi cũng lộ ra. Đám quan khách xì xầm “Cái thằng Biểu ni coi khinh làng, làm heo cái đãi khách”. Lý trưởng nghe được, hầm hầm nổi giận, kêu ông lại, nạt nộ “Mi xấc lắm. Ai biểu mi làm heo cái đãi làng?”. Ông bình tĩnh thưa lại “Dạ, làm chi có chuyện đó? Chẳng qua người ta ghen ghét, đặt điều nói bậy thôi, oan cho tui quá! Mà, ai bói tầm bậy rứa?”. Ông lý trưởng giọng gay gắt “Tao nghe người ta nói râm kìa, mi còn chối hả?”. Ông vẫn bình tĩnh “Làng nói rứa thì để tui chứng minh chớ, không tui bị oan”. Vừa nói, ông vừa quay lại, bảo mấy thanh niên “Sắp bay, bưng ra đây!”. Đám thanh niên chỉ chờ có vậy, liền nhanh nhẩu bưng mỗi người bưng lên mỗi mâm. Trên mâm chỉ có mỗi con… cặt heo. Ông lần lượt dẫn từng anh thanh niên đến từng bàn, đặt cái mâm lên, nói “Dạ, con cặt đây làng”. Mâm nào ổng cũng làm vậy. Lý trưởng và đám quan chức biết bị ông chơi xỏ, tức lắm nhưng cũng đành chào thua mưu trí của ông .