Friday, July 15, 2011

BÔNG MIÊU HAY BỒNG MIÊU

                                        "Kể từ ngày Tây lại cửa Hàn

                     Đào sông Câu Nhí đắp đàng Bông Miêu" 

Đây là câu hát khá quen thuộc của người dân Quảng Nam, Đà Nẵng. Nó đánh dấu một sự kiện lịch sử khi thực dân Pháp đánh chiếm Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ XIX và tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa ở miền Trung nói riêng và cả nước ta nói chung. Nhưng, Bông Miêu hay Bồng Miêu ? Quảng Nam có địa danh Bông Miêu, thôn Bông Miêu, mỏ vàng Bông Miêu không ? Hay đó chỉ là sự nhầm lẫn từ địa danh Bồng Miêu ? Quả thật, vấn đề không đơn giản.

Một góc Bồng Miêu. Ảnh Đ.Đ

Trong nhiều tác phẩm, bài viết,  bài nghiên cứu, nhiều tác giả dùng "Bông Miêu" thay vì "Bồng Miêu”. Ông Nguyễn Văn Bổn trong "Văn học  dân gian  Quảng Nam - Đà Nẵng” do Sở Văn hoá Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng xuất bản năm 1983, ở trang 54, khi dẫn câu hát nói trên cũng dùng danh xưng "Bông Miêu”. Trong bài viết "Đất Quảng quê tôi” đăng trong "Quảng Nam - Đà Nẵng xưa và nay” do Nhà Xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 1996, trang 219, học giả Nguyễn Văn Xuân cũng trích câu hát ấy với cụm từ "Bông Miêu" chứ không phải "Bồng Miêu”. Gần đây nhất, trong công trình nghiên cứu có nhan đề "Tìm hiểu con người Xứ Quảng” do nhà văn Nguyên Ngọc làm chủ biên, được Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Nam ấn hành năm 2004, trang 205, các tác giả có dẫn câu:
"Kể từ ngày Tây lại Cửa Hàn
 Đào sông Câu Nhí đắp đàng Bông Miêu”
  Loại trử lỗi do nhà in, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng hầu hết các tác giả đều dùng địa danh Bông Miêu. Không chỉ tài liệu tiếng Việt, một số tài liệu tiếng Pháp hiện lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II ở thành phố Hồ Chí Minh đa phần cũng sử dụng danh xưng "Bông Miêu” thay vì "Bồng Miêu”. Tất nhiên, tiếng Pháp là thứ tiếng hầu như không có dấu. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, khi viết về địa danh ở Việt Nam, cũng không ít tài liệu viết có dấu. Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi phát hiện ít ra có đến hai tài liệu thời Pháp dùng "Bồng Miêu” thay vì "Bông Miêu”. Đó là tài liệu có nhan đề là "Tableau Faisant connaitre le mouvement de la statistique minière dans la province de Quang Nam - au Juin 1919" có số ký hiệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II là 1098 RSA/HC. Tại mục "Noms et domicile des explorateurs” (Tên và nơi ở của những nhà thăm dò) ghi "Compagnie minière de Bồng Miêu" (tức Công ty mỏ Bồng Miêu). Tài liệu thứ hai là "Lettre du Conseil Secret à M.le Résident Supérieur en Annam au sujet des décisions à prendre relativement aux mines à Quang Nam” (Tạm dịch "Thư của Hội đồng Cơ mật gửi ngài Khâm sứ Trung Kỳ về những quyết định liên quan đến mỏ ở Quảng Nam”) đề ngày 14 tháng 4 năm 1896 có số ký hiệu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II là RSA - 119 cũng viết rõ Bồng Miêu chứ không phải Bông Miêu

Dòng sông Vàng nổi tiếng ở Bồng Miêu. Ảnh Đ.Đ

Tuy nhiên, chứng cứ có sức thuyết phục nhất là những ghi chép ở tập sách "Đồng Khánh dư địa chí lược”. Trong tác phẩm "Từ điển di tích văn hoá Việt Nam” do ông Ngô Đức Thọ làm chủ biên, Nhà Xuất bản Văn Hoá xuất bản năm 2003, ở trang 111, có dẫn ra một ngôi miếu được nêu trong "Đồng Khánh dư địa chí lược" . Đó là "Bồng Miêu miếu”. Đặc biệt, các tác giả của tập sách này có viết lại Bồng Miêu miếu bằng chữ Hán. Đó là các chữ 芃苗 Chữ Bồng có bộ thảo ở trên bộ kỷ. Bên trong bộ kỷ có một nét ngang. Chữ Miêu có bộ thảo phía trên, dưới là bộ điền. Hai chữ 芃苗 chỉ có thể dịch sang tiếng Việt là Bồng Miêu, hoàn toàn không thể dịch là Bông Miêu. Từ cứ liệu ấy, chúng ta có thể khẳng định Quảng Nam chỉ có địa danh Bồng Miêu, mỏ vàng Bồng Miêu chứ không hề có địa danh Bông Miêu, mỏ vàng Bông Miêu. Hơn thế nữa, hiện vẫn còn một thôn gọi là thôn Bồng Miêu, nơi có mỏ vàng Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh, huyện mới Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Như thế, câu hát đã trích đúng ra phải sửa lại là :

"Kể từ ngày Tây lại cửa Hàn

Đào sông Câu Nhí đắp đàng Bồng Miêu” 

No comments: