Wednesday, August 20, 2014

Năm Mực làm thơ

Đương thời, do có tài ứng khẩu thành thơ, kèm thêm tài kể chuyện tiếu lâm, nên khi trong làng có người làm nhà mới, họ thường mượn ông Năm Mực đến để kể chuyện tiếu lâm, giúp thợ có những giây phút cười sảng khoái, quên đi mệt nhọc.

Làng Bình Xá, nay thuộc xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, có nhân vật khá đặc biệt tên là Năm Mực (Mực là tên cha sinh mẹ đẻ còn Năm là người con thứ năm trong gia đình). Thuở nhỏ, do gia cảnh khó khăn nên Năm Mực không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn. Nhưng bù lại, ông có khiếu văn chương bẩm sinh và có biệt tài không một ai trong làng có thể sánh kịp. Đó là tài... xuất khẩu thành thơ. Cái gì qua ông cũng thành thơ. Thơ ông tuy không xuất chúng nhưng có vần có điệu, đọc nghe rất xuôi tai.

Người ta vẫn còn nhớ như in rằng thời kỳ Việt Minh, tức khoảng những năm đầu thập niên 1940 đến nửa đầu thập niên 1950, do tác động trực tiếp của cuộc kháng chiến chống Pháp, đời sống bà con rất nghèo khổ, chật vật. Miếng ăn đã khó huống hồ chuyện rượu chè... Cho nên, bấy giờ rượu trở thành thứ cực kỳ xa xỉ. Muốn có rượu để uống không phải chuyện dễ. Nấu rượu cũng phải lén lút, không thể công khai. Cho nên, giá rượu rất đắt. Nhưng riêng ông Năm Mực cứ chiều chiều lại có rượu để uống, mới ghê. Bà con bảo nhau, cái ông này, không biết lấy tiền đâu ra mà ngày nào cũng rượu với rượu? Nghĩ cũng tài thiệtNhững lời xầm xì, to nhỏ ấy, rốt cuộc rồi cũng đến tai ông. 

Vậy là ông làm ngay một bài thơ để... giải đáp thắc mắc của bà con, xua đi nỗi nghi nghi hoặc hoặc. Bài thơ như vầy: “Giàu như Hai Lự với Cả Khuê/ Thành phần trung phú đủ nghề cũng đói to/ Còn như Năm Mực giữ rẻ mấy con bò/ Lâu lâu họ bán họ cho ít đồng/ Rượu đâu có đủ bi-đông/ Cơm đâu lại có cơm không ăn hoài”.

Khi đất nước thống nhất, chủ trương của Nhà nước bấy giờ là đưa bà con vào hợp tác xã, làm chung, ăn chung. Thóc lúa khi gặt về đều phải nhập kho hợp tác xã. Sau đó, người ta tùy theo công điểm ít nhiều mà chia ra. Dĩ nhiên, khi vào hợp tác xã đã diễn ra tình trạng cha chung không ai khóc nên sản lượng nhiều năm không đạt, thu nhập thực tế của người dân giảm đi rõ rệt. Lúc bấy giờ, người dân tuy chán ngán kiểu làm ăn của hợp tác xã nhưng ai cũng sợ, không dám nói.

Ông Năm Mực cũng chẳng dại gì hé miệng. Nhưng, ông vẫn cứ ấm ức. Thế cho nên, mới có chuyện là lần nọ, nhân đi ngang qua đám lúa người ta đang gặt, lại có con cu đang gáy, tức cảnh, ông đọc ngay bài thơ: “Cu hỡi cu/ Sung sướng chi mi gáy mi gù/ Ruộng đồng lúa thóc có người thu/ Có phải của mày, mày đứng giữ/ Cong lưng mà gáy rụng lông cu”

Bài thơ được mấy ông thợ gặt khen hay, rồi khi rảnh thì đọc ngâm nga. Chẳng mấy chốc, lan ra cả xã.Do có tài ứng khẩu thành thơ, kèm thêm tài kể chuyện tiếu lâm, nên khi trong làng có người làm nhà mới, họ thường mượn ông đến để kể chuyện tiếu lâm, giúp thợ có những giây phút cười sảng khoái, quên đi mệt nhọc. 

Hồi ấy, trong thực tế cuộc sống, có nhiều khi chủ trương chính sách đúng nhưng xuống đến làng xã lại thực hiện sai khiến dân vô cùng bức xúc nhưng chẳng biết kiện ai, đấu tranh với ai. Vì dân quê ít học, tầm hiểu biết còn hạn hẹp, kiến thức pháp luật gần như không có nên kiện làm sao được, nhất là trong thời kỳ bao cấp đầy khó khăn.Thế cho nên nhân lúc rảnh rỗi, ông Năm Mực mới làm bài thơ tả con ong, nhưng thực ra có ý chê bai một số cán bộ địa phương không sâu sát thực tế, khiến dân tình phải khổ: “Tai nghe trong bụi vù vù/ Rờ lên trên trán thấy cục u/ Mới biết eo eo là giống độc/ Đầu đầu không độc mà độc đầu khu”

Cũng như những bài thơ khác, bài thơ này lan khắp làng trên, xóm dưới. Đặc biệt, trong lúc uống rượu, uống trà, người ta hay nhắc đến những bài thơ độc đáo nói trên của ông.Chuyện đến tai xã. Người ta cho mời ông Năm Mực lên trụ sở để hỏi cho ra lẽ. Sáng hôm ấy, ông quần áo chỉnh tề, đến thật sớm, trước giờ hẹn. Cán bộ hỏi tại sao ông làm thơ nói xấu hợp tác xã? Ông bảo ông ít học, có biết chi mà nói xấu. Chẳng qua, ông thấy gì nói nấy thôi. Rồi ông trình bày rằng mình đi đường, thấy dân đang gặt, lại có con cu đang gáy nên tức cảnh làm thơ tả như rứa như rứa... Y sì chuyện xảy ra trước mắt. Có mấy ông thợ gặt làm chứng. Nào có nói xúc phạm ai đâu, có nói xấu hợp tác xã đâu? Còn trong bài thơ tả con ong, cái câu “Đầu đầu không độc mà độc đầu khu” là ông ca ngợi cấp trên làm đúng nhưng ở dưới thực hiện sai, dân mới khổ, chứ có ý gì khác đâu…". Xã vặn vẹo một hồi, không lấy cớ gì bắt bẻ được, đành phải cho ông về.

Friday, January 3, 2014

TỪ MỘT GIẤC MƠ…

Làng Thái Đông, xưa còn có tên là An Thái xã, rồi An Khương xã, thuộc An Thái trung tổng, Lễ Dương huyện, Thăng Bình phủ, nay thuộc xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, được khai phá từ khá sớm. Theo những tài liệu còn lưu lại thì năm 1558 các bậc tiền hiền của làng từ miền đất Nghệ An theo chân chúa Nguyễn Hoàng vượt đèo Hải Vân đến đây khẩn hoang, lập ấp. Những người có công đầu trong quá trình khai sơn phá thạch, theo gia phả còn lưu lại, là các ông Trần Công Lặng, Hồ Công Khiêm, Phan Phước Tiên, Nguyễn Đình Tân. Ngay từ thời… mở cõi, việc khai khẩn ruộng đất gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ. Họ đã hao tốn bao mồ hôi, công sức để phát quang lau lách, cây cối, đẩy lùi thú dữ… biến vùng đất hoang vu, vắng bóng người, thành xóm, thành làng đông đúc người qua kẻ lại.

Đình tiền hiền Thái Đông. Ảnh Đ.Đ

Để ghi nhớ công đức những người khai sơn phá thạch, dân làng Thái Đông mới bỏ tiền của, công sức xây dựng ngôi đình, gọi là đình tiền hiền Thái Đông. Gọi là đình tiền hiền tất nhiên để thờ tiền hiền và thờ cả thành hoàng bổn xứ. Đồng thời, đến đời Gia Long thập bát niên, tức năm Gia Long thứ 18, năm 1819, các vị chức sắc cùng với thân hào nhân sĩ của Thái Đông, bấy giờ gọi là An Thái xã, mới làm một bản phổ hệ của làng, gọi là “Tôn hiền phối ý” (尊賢配意), nôm na là bản gia phả của những vị tiền hiền, hậu hiền, với mục đích “cố niệm tiền hiền hữu công khai khẩn/ hậu hiền thuật tác sáng tạo cơ đồ”. Bản phối ý nêu tên những bậc tiền hiền, hậu hiền có nhiều công đức trrong quá trình dựng làng, lập ấp, số ruộng công của làng, ghi nhớ ngày tháng giỗ chạp… Tương truyền, bản phối ý được làm thành 4 bản cho 4 tộc tiền hiền, hậu hiền là các tộc Trần, Hồ, Phan, Nguyễn giữ. Ý của ông bà là đề phòng khi tộc này vì lý do gì đó, bị mất hay thất lạc phối ý, vẫn còn có phối ý của tộc khác. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, bản phối ý của các tộc Trần, Hồ, Nguyễn giữ không còn.
Tuy nhiên, hồi nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, tộc Phan, một trong bốn tộc tiền hiền ở Thái Đông, lại là tộc nghèo nhất. Bấy giờ, cháu đích tôn của tộc Phan nghèo đến mức phải.. di dân. Tức đi làm ăn xa. Trước khi đi, người cháu bèn bắc thang lên lấy cái ống giang, tức cái ống bằng tre, ngoài quấn dây, bên trong có chứa tài liệu gì mà chính người cháu cũng không biết. Thì có gì đâu, đời cha thất học vì nghèo, đời con cũng thất học nốt. Thế cho nên, dẫu có lấy ra thì chỉ thấy chữ mà không biết chữ làm sao đọc? Cứ cha để lại thì con giữ kỹ. Vậy thôi. Rồi, đến lúc nghèo quá, phải đi di dân, người cháu không còn cách nào khác là mang ống giang đi gửi nhà ông Xã Vịnh, lý trưởng Thái Đông lúc bấy giờ.

Tôn hiền phối ý. Ảnh Đ.Đ

Người cháu đưa ống giang, thú thật với ông Xã Vịnh, rằng “không biết ông bà để lại cái chi đây. Có chi tui cũng không biết. Mà tui chừ nhà nghèo quá, lại phải đi xa, để trong nhà sợ dột, hư mất, mang tội với ông bà. Thôi tui gửi nhờ chú, chú cất giùm rồi chừng mô tui về được hẳn hay”. Gửi gắm rồi, người cháu vào miền trong làm ăn. Ông xã Vịnh nhận xong, cẩn thận để lên kèo, cất. Chính ổng cũng không chú ý, xem thử cái gì. Hơn thế nữa, với ông,chuyện đó chẳng can hệ, tìm hiểu làm gì cho phí sức.
Sau khi ông cháu tộc Phan đi di dân rồi, bận bụi nhiều chuyện đời thường, ông Xã Vịnh lại quên khuất mất ống giang kia. Đến chừng năm ba bữa sau, đang ngủ ngon, ông thấy có một ông già già, râu tóc bạc phơ, ra dáng tiên phong đạo cốt, mặc áo sọc xanh vào, nói với ông rằng “Họ gửi đồ mi, mi không được cất”. Nói vậy rồi ông đi mất. Sáng mai ngủ dậy, nhớ lại giấc chiêm bao kỳ lạ đêm qua, ông mới kể cho bà vợ. Nghe xong, vợ ông phì cười mà rằng “Ông già rồi máu nó biến đi, thấy tầm bậy, chứ ông giữ chi của ai?”. Nghe vợ nói vậy, ông thấy cũng có lý, ừ, máu mình đã… già rồi, làm sao bằng máu bọn trẻ, thấy tầm bậy, thấy lung tung là phải. Và, ông cũng nhanh chóng quên đi, không để ý đến nữa.
Nhưng, khoảng chừng năm ba bữa sau nữa, cũng vào lúc đang ngủ, không hiểu sao, ông lại thấy chính ông già bữa trước vào nhà, nói lại y như lời hôm trước rằng “Họ gửi đồ cho mi, mi không được cất”. Sáng mai, tỉnh dậy, ông có cảm giác hơi sờ  sợ. Lần một không nói làm gì. Lần hai ắt có chuyện. Không thể trùng hợp được. Ông bèn kể lại vợ. “Tui lại thấy lần nữa bà ơi. Mà tui nghĩ cũng không ai gửi chi hết, chỉ có thằng nớ gửi cái ống giang, để tui đem xuống coi thử thử, chứ tui có giữ cái chi của ai mô”. Bà vợ gật gù, cho là phải. Ông lấy ống giang đem xuống, mở ra thì thấy giấy tờ của ông bà để lại. Xem kỹ, hóa ra là bản “Tôn hiền phối ý” các tộc họ ở Thái Đông mà tộc Phan còn giữ được.
Mừng quá, ông mới đem xuống đưa cho ông Trần Bộ giữ. Ông Trần Bộ người tộc Trần, cao tuổi nhất và cũng là người thông hiểu chuyện làng, chuyện xóm, lại giỏi chữ Nho. Bấy giờ, ông già lắm nhưng trí óc còn minh mẫn. Tương truyền, ông sống đến… 130 tuổi. Và, từ cổ chí kim, ở làng Thái Đông, chưa ai sống lâu như ông, thọ như ông. Trên cơ sở bản gia phả còn lưu lại, các tộc mới sao ra. Vậy là, từ một giấc mơ kỳ lạ, ông Trần Vịnh đã phát hiện ra bản  “Tôn hiền phối ý” quý giá, tưởng đã thất lạc từ lậu.