Friday, June 22, 2012

THẮNG NHỜ.. KHÉO LÉO


"Nhất thợ mộc Vân Hà
Nhì đàn bà Phước Lâm"

Vân Hà là một ngôi làng nhỏ thuộc xã Tam Thành, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Tuy cách thị xã chừng tám cây số nhưng đây lại là miền quê xa xôi, hẻo lánh, nằm tương đối tách biệt với những vùng dân cư đông đúc, chốn phố thị phồn hoa. Tương truyền, ngay trước, tuy có khai phá đất ruộng nhưng cánh đàn ông Vân Hà không chú trọng nông nghiệp, chẳng thiết tha với cây lúa, củ khoai mà chỉ gắn bó với nghề mộc truyền thống. Họ cho nông là nghề của...đàn bà và phó mặc vợ con gánh vác. Quanh năm suốt tháng, họ xách một chiếc rương gỗ đựng nào cưa, đục, chàng, khoan... lặng lẽ đi các nơi hành nghề mộc, nghề của... cánh đàn ông Vân Hà!
Nghề mộc. Ảnh Đ.Đ

Ở Quảng Nam, nhắc đến nghề mộc, không ai không biết làng mộc Kim Bồng. Chính bàn tay tài hoa, khéo léo của người thợ ở làng mộc danh tiếng này đã góp phần công sức không nhỏ tạo ra những ngôi nhà gỗ với những đường nét chạm trổ tinh vi, độc đáo của đô thị cổ Hội An, nơi được liệt vào hàng Di sản Văn hoá Thế giới. 
Tuy không tiếng tăm bằng thọ Kim Bồng nhưng người thợ làng mộc Vân Hà cũng rất tài hoa, khéo léo. Bởi thế, mới có câu chuyện kể khá lý thú rằng thời Pháp thuộc, khi Vân Hà còn thuộc tổng Chiên Đàn, huyện Hà Đông, triều đình Huế có mở cuộc thi làm trụ đèn bằng gỗ. Biết tiếng thợ mộc Kim Bồng cũng như thợ mộc Vân Hà, nhà vua bèn giao mỗi nơi làm một cái xem thử ai đẹp hơn ai. Ông Trần Thưởng, sinh năm 1925, một trong những người hành nghề thợ mộc hơn nửa thế kỷ, nhớ lại rằng cuộc thi xảy ra dưới thời ông Phủ Lê, tên thật là ông Lê Trung Khuẩn, tri phủ huyện Hà Đông, tức vùng đất nay thuộc thành phố Tam Kỳ, huyện Phú Ninh, huyện Núi Thành… hiện nay.
Bấy giờ, ông Phủ Lê triệu tập cả làng, đưa kiểu trụ đèn ra và bảo với những người thợ mộc giỏi nhất nghiên cứu, làm thế nào để  trụ đèn khi thành hình phải đẹp hơn, độc đáo hơn trụ đèn của thợ Kim Bồng. Có như vậy, người dân làng mới ngẩng cao đầu, mới ăn nói với thiên hạ được... Kết quả cuộc thi thành công ngoài sự mong đợi. Trụ đèn thợ Vân Hà làm ăn đứt trụ đèn thợ Kim Bồng. Nguyên do là vì thợ mộc Vân Hà làm trụ đèn bằng một khúc gỗ liền, đục rỗng ở giữa cả khúc cây. Trong khí đó, thợ Kim Bồng làm trụ ở giữa riêng, rồi làm vỏ trụ riêng.  Cũng theo ông Trần Thưởng, người thợ có công chính hồi ấy là ông Đinh Khúa. Không thi thì thôi. Nhưng đã thi phải có phần thưởng. Phần thưởng là một con ngựa bằng gỗ, một bằng khen có đóng triện đỏ chói của vua.
Câu chuyện trở thành niềm tự hào của dân làng Vân Hà. Nhưng, sự tài hoa, khéo léo của họ không chỉ thể hiện trong cuộc thi để đời ấy mà còn bộc lộ rõ nét thông qua những công trình cổ được chạm khắc công phu, đẹp mắt, có giá trị nghệ thuật và lịch sử khắp nhiều nơi trong và ngoài huyện như Khổng Miếu, đình Chiên Đàn, đình Phương Hoà, đình Mỹ Thạch ở thị xã Tam Kỳ, ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Huỳnh Anh ở Tiên Phước và nhiều công trình khác nữa[1]




[1] Ghi theo lời kể của ông Trần Thưởng, sinh năm 1925, trú tại làng Vân Hà,xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.

Sunday, June 17, 2012

LÀNG NẠI HIÊN ĐÔNG


Theo lời kể của những bậc cao niên thì xưa kia ở làng Nại Hiên Đông, nay thuộc phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, có hai tộc tiền hiền là tộc Huỳnh và tộc Trương. Người đầu tiên tộc Huỳnh vào Nại Hiên Đông là ông Huỳnh Văn Muộn, gốc Nam Định, đến đây đã 11 đời. Còn tộc Trương vốn gốc xã Đại Việt, tỉnh Thanh Hoá. Lúc bấy giờ, ông tổ tộc Trương vào đánh Chiêm Thành, lấy vợ là bà Trương Thị Giác, sinh ra một người con trai là ông Trương Văn Sáo. Rồi, không biết vì lý do gì, ông lại về Thanh Hoá. Cho nên, gia phả chỉ có tên bà mà không có tên ông (?). Tính từ đời ông Trương Văn Sáo những năm đầu thế kỷ XXI cũng đã 10 đời. Sau hai tộc Huỳnh và Trương là các tộc Lê, Nguyễn, Trần... Nhưng, dù dến trước hay đến sau, các tộc họ ở Nại Hiên Đông vẫn luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương trợ lẫn nhau trên tình làng nghĩa xóm.
Khởi thuỷ, Nại Hiên Đông còn có tên dân dã là xứ Cồn Nhàn. Có người cho rằng không phải Cồn Nhàn mà là Cồn Nhạn. Chữ “Nhàn” do chữ “Nhạn” đọc trệch mà ra. Nguyên xưa kia, đây là vúng đầm lầy nước đọng, chịu ảnh hưởng nặng nề của dòng nước thuỷ triều. Khi thuỷ triều xuống, bầy chim nhạn và một số loài chim khác thường bay tới kiếm mồi. Mồi phổ biến là những con tôm, cua, cá khi thuỷ triều lên, theo dòng nước trào vào và khi thuỷ triều xuống, chúng bị bị mắc cạn, không theo ra kịp. “Mồi” nhiều nên chim nhạn tập trung kiếm mồi khá đông, đặc kín cả cồn. Thế là, dân trong làng nhiều người khi rảnh rỗi thường đi bẫy chim bán kiếm tiền cải thiện cuộc sống gia đình.
Hồi đầu thế kỷ XX trở về trước, số người đi bẫy chim khá đông. Càng về sau, càng ít đi. Có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là đất cồn càng ngày càng bị thu hẹp, không có chỗ cho chim về, kiếm mồi. Và, cho đến nay, một số người còn nhớ như in rằng ở Nại Hiên Đông, người đi bẫy chim cuối cùng là ông Thủ Oai, người tộc Mai. Cứ chiều chiều, dân làng thường thấy ông cầm bộ giò đi bẫy. Chim bẫy được chủ yếu là chim mía. Đến tối, được bao nhiều, ông đem bỏ mối cho các quán. Chuyện bẫy chim ở Nại Hiên Đông chấm dứt vào khoảng đầu những năm 1980 của thế kỷ trước, khi ông Thủ Oai, người bẫy chim cuối cùng nghỉ đi bẫy vì già yếu, vì sức nặng của tuổi tác.
Đánh cá trên sông Hàn năm 1951.Ảnh tu liệu

Nhưng, bẫy chim chỉ là nghề phụ, nghề làm chơi. Còn nghề nghiệp chính của người dân trong làng là nghề đánh bắt cá sông, cá biển, tuy số ghe tàu xưa không nhiều. Đầu thế kỷ trước, cả làng có khoảng hơn chục chiếc. Cá đánh bắt chủ yếu cá chim, cá nục. Được bao nhiêu, bà con đem ra chợ bán, mua gạo mắm... sống qua ngày. Ngoài nghề đánh bắt cá sông, cá biển, người dân Nại Hiên Đông còn sinh sống bằng nghề nông. Họ trồng lúa, trồng khoai, đậu phụng, rau màu. Cứ thế cũng tạm đủ sống qua ngày. Ngoài nghề đánh cá sông, cá biển và nghề nông... theo ông Trương Văn Ngò, sinh năm 1941 cho biết thì ở Nại Hiên Đông xưa còn có thêm nghề làm muối. Cánh đồng muối của làng hiện giờ thuộc khu vực Đài Phát thanh phường. Khi thực dân Pháp chiếm Đà Nẵng, thành lập khu nhượng địa Tourane, chúng mới làm một con đường bằng đất đỏ nối đường Ngô Quyền ra bờ sông Hàn khiến nước mặn không thể vào được. Nghề làm muối coi như không còn tồn tại nữa.
Đặc biệt, ở Nại Hiên Đông còn có một ngôi mộ cổ bằng đá. Ngôi mộ nằm về phía tây, chỉ cách đình làng chừng 50 mét, hình vuông, mỗi cạnh 4 mét. Xung quanh mộ có thành bằng đá bao bọc. Chính giữa là phần mộ. Trên đầu mộ có khắc phù điêu hình con dơi. Dưới chân mộ có văn bia chữ Hán, nguyên văn như sau : "Việt cố. Thái tuế Ất Sửu niên mạnh thu cốc nhật. Hiển khảo thuộc thứ đội trưởng Phan quí công Thuỵ linh trí Chi linh mộ. Hiếu tử nhị thứ Phan (... ) lập”.
Bia cổ ở làng Nại Hiên Đông. Ảnh Đ.Đ
Theo những cụ già thông hiểu Hán văn, từ dòng chữ “Thái tuế Ất Sửu niên mạnh thu cốc nhật”, có thể suy ra rằng mộ được xây dựng từ thời chúa Nguyễn, ước vào tháng 7 năm Ất Sửu, tức năm 1625. Chủ ngôi mộ là một vị quan họ Phan, với chức vụ là “thứ đội trưởng”. Người khắc bía là con của vị quan nói trên “Hiếu tử nhị thứ Phan...”. Còn hai chữ “Việt cố” được khắc trên văn bia nhằm tưởng nhớ quê hương. “Việt” ở đây là nước Việt, tức Việt Nam ngày nay. Còn “cố” là cố hương. “Việt cố” có nghĩa nhớ về quê cũ. Rõ ràng, với những phát hiện và lý giải trên, làng Nại Hiên Đông là một trong những làng ra đời sớm nhất ở Đà Nẵng nói chung và quận Sơn Trà nói riêng.
Cũng như nhiều làng quê khác, Nại Hiên Đông có đình từ rất sớm. Đình làng là nơi hàng năm người dân tổ chức lễ tế Xuân và tế Thu. Tế Xuân nhằm ngày 12 tháng 2, tế Thu vào ngày 20 tháng 8 âm lịch. Tế Xuân là tế sống, nghĩa là khi cúng, phải cúng bằng heo sống. Cúng nguyên cả con. Cúng xong, Hội chủ, tức người chủ tế có bổn phận phải ăn một miếng thịt sống, uống một ly rượu. Sau đó, mới đem heo xuống xẻ thịt, xào nấu. Mùa thu, là lễ cúng âm linh nhằm vào ngày 12 tháng 7 và tế tiền hiền vào ngày 20 tháng 8 âm lịch. Tế Xuân, tế Thu là dịp dân làng tụ tập lại, vừa tưởng nhớ ông bà tổ tiên, những người đã có công lập làng, lập xóm... vừa là dịp bà con được ăn uống no say, hàn huyên tâm sự, hàn gắn những rạn nứt trong cuộc sống đời thường, thắt chặt sự đoàn kết giữa các tộc họ với nhau.
Từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc trung ương, cũng như nhiều phường, xã khác, Nại Hiên Đông nhanh chóng thay da đổi thịt. Những ngôi nhà tranh tre sơ sài hồi đầu thế kỷ XX, những ngôi nhà chồ dọc bờ đông sông Hàn, những ngôi nhà tôn, vách ván thời Mỹ nguỵ còn sót lại, những con đường nhỏ hẹp ngoằn ngoèo, những con đường đất đỏ đầy bụi... đã dần dần biến mất. Vùng đất ngày xưa được gọi là “Cồn Nhạn” với những câu chuyện kể về bầy chim nhạn bay về kiếm mồi, về những người đi bẫy chim thế kỷ trước chỉ còn là ký ức. Thay vào đó là những ngôi nhà mới xây, khang trang và sạch đẹp, những đường phố dọc ngang hình bàn cờ được tráng nhựa phẳng lì.
Cùng với quá trình chỉnh trang đô thị, đời sống kinh tế của người dân cũng không ngừng được cải thiện. Tình trạng nghèo, đói từng bước được đẩy lùi... Tất cả đều thể hiện sinh động sự phát triển không ngừng của phường Nại Hiên Đông, nhất là trong những năm đầu của thế kỷ XXI. 
                                 

Friday, June 8, 2012

CỌP CŨNG BIẾT… TRẢ THÙ?


Nằm tiếp giáp với dãy Trường Sơn hùng vĩ, ngay từ thời xa xưa, khi đến khai canh, khai cư, người dân làng An Bằng, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, phải thường xuyên đối phó với nhiều loại thú dữ, nhất là cọp, vị chúa tể sơn lâm. Và, trong thời kỳ gần như “sống chung với thú dữ ấy”, người dân làng An Bằng đã để lại nhiều câu chuyện kể khá lý thú, hấp dẫn về việc bắt cọp, bẫy cọp, bắn voi, rồi cả chuyện bị... cọp bắt hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước! Và, ly kỳ nhất là chuyện ông Lê Văn Sính, người bắt cọp giỏi nhất… làng!
Cũng xin nói thêm, Làng An Bằng bấy giờ dân cư thưa thớt, chưa đến 60 nóc nhà, lại ở rải rác, nhà nọ cách nhà kia nhiều khi hàng mấy trăm mét, thậm chí tính bằng cây số. Còn cây cối thì um tùm, rậm rạp. Lý do thật dễ hiểu. Bấy giờ, người ta mới đến khai phá An Bằng. Cho nên, làng với rừng cứ đan xen. Mớii có chuyện khi đến rìa làng, đã thấy núi, thấy rừng, có thể nghe cả tiếng chim kêu, vượn hú ở phía xa xa. Đi một mình, nhiều khi nghe tiếng cọp gầm, tự dưng rợn tóc gáy chứ chẳng chơi. Dĩ nhiên, chuyện thú dữ, đặc biệt chuyện cọp, vị chúa tể sơn lâm, thì... nhiều vô kể. Thỉnh thoảng, lại xảy ra việc trâu, bò của ai đó bị cọp bắt ăn thịt. Hồi ấy, trâu bò bị cọp rình bắt không có gì lạ.
Có thể nói, cọp trở thành nỗi ám ảnh của dân làng An Bằng. Và, những người ở tuổi quá “thất thập cổ lai hi” thường nhắc đến một nhân vật bắt cọp giỏi, có tiếng của làng là ông Lê Văn Sính. Ông này rất giỏi võ, có những đòn thế rất hay, tương truyền có sức mạnh ghe người, mạnh đến mức thừa sức đấu tay không với cọp. Người ta kể rằng có lần, cọp vồ trâu ông Lê Văn Sính. Ông ta nhảy ra đánh cọp khiến cọp thua, chạy thẳng một hơi.

Một con cọp bị giết. Ảnh tư liệu

Nhiều lần cọp vào bắt heo ở làng Lộc Phước kế bên. Mỗi khi nghe dân làng nổi trống, gõ mõ, la làng, ông Lê Văn Sính nhanh chân chạy vào Hóc Lách, đứng rình ngay khu vực Đá Chồng. Theo kinh nghiệm của ông, đây là nơi mỗi lần cọp lẻn vào bắt heo, bò... thường đi ngang. Đúng y như ông dự kiến, ngay sau đó, cọp cắp con heo qua. Đợi cọp vừa đi sát, thình lình, ông hét một tiếng. Là con nhà võ, tiếng hét ông rất to, dứt khoát, đanh thép, rồi nhắm ngay lưng con cọp, lấy hết sức bình sinh quất một roi mạnh. Cọp lại nghe tiếng hét vang dội, lại nghe lưng đau điếng, hoảng sợ, bỏ heo mà chạy thẳng vào rừng. Thế là ông Lê Văn Sính đem heo về, hễ có ai đến xin thì cho lại. Bằng không, ông xẻ thịt mà ăn.
Người dân làng An Bằng không biết ông Lê Văn Sính có bao nhiêu lần “hớt tay trên” cọp như thế. Chắc nhiều vô kể. Nhưng cọp cũng tinh khôn. Mà, ai dám bảo loài cọp không tinh khôn, riêng dân làng An Bằng lại nghĩ khác. Bằng chứng là không ít lần, “cắp” heo đến Hóc Lách, cọp thả heo xuống, rồi thình lình vồ ngay đúng lùm cây lần trước ông Lê Văn Sính đứng rình. Cọp nghĩ chắc lần trước ông Lê Văn Sính núp ở đây thì giờ này cũng vậy. Có điều trí khôn của cọp sao bằng trí khôn của người? Ông Lê Văn Sính có cách đề phòng. Hễ lần này núp lùm cây kia thì lần khác núp lùm cây nọ. Cọp dù tinh khôn nhưng cuối cùng cũng chịu thua ông. Cho nên, không lần nào cọp vồ được ông. Người ta còn kể câu chuyện khá kỳ quặc và cũng rất đáng ngờ là lần nọ, ông Lê Văn Sính ngồi trong bụi rậm quan sát bầy trâu. Bất ngờ, có ông cọp từ đâu xộc tới, ngồi... ngay trên hai bắp đùi ổng. Thế là ổng dùng hai tay đánh khiến cọp chạy thẳng một mạch vô rừng... Chuyện tưởng như đùa.
Nhưng, như người ta nói “sinh nghề tử nghiệp”, cuối cùng, ông Lê Văn Sính cũng chết vì bị cọp “bấm”, tức bị cọp vồ. Số là hôm nọ, ông thức dậy nấu cơm để chuẩn bị đi núi thì bị cọp rình sẵn, thừa cơ hội ông không phòng bị, vồ chết ngay. Dân làng bảo con cọp vồ ông Lê Văn Sính là con cọp thù dai. Thì có chi, cứ bắt được “con mồi” nào cũng bị ông Lê Văn Sính “hớt tay trên” nên nó tức, ra tay “trả thù”. Rình một lần không được, nó rình lần thứ hai, rồi thứ ba… Con người, ai không có lúc sơ sẩy. Thế là lợi dụng cơ hội, cọp ra tay. Cũng nghe kể, sau khi ông chết, chúng kéo nhau đến nhà ông, “ăn” cho hết 7 con trâu trong chuồng[1]! Ai bảo cọp không biết… trả thù?


[1] Ông Lê Văn Pháp,  sinh năm 1927, làng An Bằng, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, kể

Tuesday, June 5, 2012

KHI CỌP VÀO LÀNG

Trong ký ức những cụ cao niên tại vùng tây Đại Lộc, chuyện động rừng và cọp về làng vẫn còn là nỗi ám ảnh đối với cuộc sống bình yên của người dân…

LÀNG Hà Dục Tây nay thuộc xã Đại Lãnh (Đại Lộc) được khai phá từ khá sớm. Theo gia phả tộc Quách, vào thế kỷ XVII có 5 anh em họ Quách từ Thái Thụy (Thái Bình) vào Nam lập nghiệp, định cư tại ngã ba sông Vu Gia và sông Con. Ban đầu làng được đặt tên là là Thái Nguyên ấp, sau đổi thành Hà Dục Tây châu. Là một trong những vùng tiếp giáp với núi rừng, hồi trước Cách mạng Tháng Tám thỉnh thoảng cọp lẻn về làng bắt trâu bò và đe dọa đến đời sống người dân trong vùng. Cho đến nay, nhiều cụ già cao tuổi vẫn còn nhớ lần cuối cùng cọp về làng.


Một con cọp bị giết. Ảnh tư liệu



Bấy giờ, trong làng có ông Quách Đăng Thái là một phú gia. Ông không những có nhiều đất ruộng, chủ một số xe gió mà còn mở truông khai thác gỗ với 32 con trâu kéo và thường đóng trại trâu trong rừng. Đùng một cái, tháng ba âm lịch năm 1945 bỗng dưng trâu nhà ông Thái bị cọp bắt. Ngày xưa, nghe nói chuyện động rừng, ai cũng sợ. Đã động rừng, tất nhiên cọp sẽ về làng. Thế là người đi than không dám đi, kẻ đốn củi cũng chẳng có gan vào rừng. Trước tình hình ấy, ông Thái bảo bọn trai kéo dẫn trâu từ trại trong núi về làng ngay trong chiều ngày mùng 9. Chiều hôm ấy trời lại kéo mây đen, mưa ùn ùn đổ xuống như trút nước. Đường rừng gặp mưa to trơn nhẫy rất khó đi, nên mãi đến 10 giờ đêm bầy trâu kéo của ông mới về tới làng.

Và chuyện không ai ngờ đã xảy ra: một con cọp to đã lẻn đi theo bầy trâu rồi núp ngoài vườn khiến dân làng một phen khiếp hãi. Thời ấy, nhà cửa còn thưa thớt, vườn rộng có khi đến ba, bốn sào ruộng. Sáng sớm hôm sau, vợ ông Thái ra vườn thì phát hiện ra “ông ba mươi” bèn chạy vào nhà báo chồng. Ông Cửu Thái hoảng hồn, gì chứ cọp về làng không phải chuyện đùa, phải báo dân các làng lân cận biết tìm cách đối phó. Sau khi dặn người nhà chốt cửa cẩn thận, ông liền thông báo cho các làng ở chung quanh, chủ yếu dân ở 6 xã lân cận (thường được gọi là vùng sáu xã Lục Bắc). Nghe hung tin, lý trưởng các làng cấp tốc huy động những người khỏe mạnh, nhất là thanh niên trai tráng, ai có gậy dùng gậy, có giáo dùng giáo. Mọi người tổ chức thành từng đoàn, sử dụng tất cả những gì có thể gây tiếng động, từ trống, mõ đến thùng để gõ nhằm làm cho cọp hoảng mà chạy lên rừng.

Bẫy cọp. Ảnh tư liệu



Tuy nghe tiếng trống, mõ, thùng... nhưng cọp cứ lòng vòng trong vườn mà chưa chạy. Người đầu tiên bị cọp tấn công là ông Quách Đăng Phấn (làng Hà Dục Tây), anh ruột ông Quách Đăng Thái. Thấy vậy, ông Thái đang cầm mõ xảy đập vào tai con cọp. Nó đau quá, chạy đi chỗ khác. Từ Hà Dục Tây, cọp qua làng Tịnh Yên Đông Tây, vồ ông Cửu Phùng. Nguyên ông này nghe nói có cọp dữ về làng, vội cầm chiếc dụ (một thứ vũ khí đầu bịt sắt nhọn, dùng để đi săn hươu, nai hoặc heo rừng) đi ra, liền bị cọp vồ. Ở làng Tịnh Yên Đông Tây, ngoài ông Cửu Phùng, cọp còn vồ tiếp ông Hương Bốn, rồi ông Thạnh. Trước tình hình có quá nhiều người bị cọp vồ, dân làng bèn cử người lên báo bọn Nhật nhờ giúp đỡ.

Hồi ấy, sau khi lật đổ Pháp, bọn Nhật có đóng một đồn gọi là đồn Nhật ở Hà Tân (Đại Lãnh). Nói là dân làng báo bọn Nhật, thực ra người đi báo không biết tiếng Nhật nên chỉ dùng tay ra hiệu. Bọn Nhật rốt cuộc cũng hiểu, liền cử 3 tên lính mang theo súng đi đuổi cọp. Lúc đó, cọp từ làng Tịnh Yên Đông Tây đã vòng lại làng Hà Dục Tây, vồ ông Hương A. Nạn nhân kế tiếp là bà Hai Trúc khi đang từ nhà trên xuống nhà dưới thì bị vồ. Mọi người phát hiện kịp thời la lên, cọp mới bỏ đi chỗ khác. Lúc này 3 tên lính Nhật vừa đến làng Hà Dục Tây. Tên thứ nhất biết cọp đang ở góc vườn liền nhảy vào, nhưng chưa kịp bắn đã bị cọp vồ. Tên thứ hai thấy vậy, bắn liền một phát ngay tai cọp. Rồi tên thứ 3 bắn theo, cọp chết tại chỗ.

Khi cọp chết, nhiều người không đến xem được do phải đưa nạn nhân đi cấp cứu. Cũng may hầu hết họ chỉ bị cọp vồ sơ bên ngoài nên không nguy hiểm đến tính mạng. Chuyện cọp về làng với bà con ở vùng giáp ranh núi rừng hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, có thể nói là chuyện thường. Người ta bảo cọp ra là do động rừng. Mà đã động rừng, không chỉ cọp, nhiều khi có cả hươu, nai và voi rừng vào làng. Vì vậy, trong dân gian đến nay vẫn còn lưu truyền chuyện vây cọp được tổ chức vào những ngày xuân như một lễ hội độc đáo. Đây được xem là “hội lạ” mà cố học giả Nguyễn Văn Xuân từng gọi là “Vây Hội” - hội làng vây bắt “ông ba mươi” vào tháng giêng hằng năm…

Tuesday, May 29, 2012

CHUYỆN GHI Ở MỘT VẠN CHÀI


Đó là vạn chài Nồi Rang, nay thuộc xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Đây là vạn chài có bề dày lịch sử hàng trăm năm. Cũng như nhiều vạn chài khác ở Quảng Nam, vạn chài Nồi Rang có những bước thăng trầm…
Theo các bậc cao niên, vạn chài Nồi Rang hình thành muộn nhất cũng vào nửa đầu thế kỷ XIX. Hầu hết các tộc họ đến vạn Nồi Rang đều là ngư dân ở nhiều địa phương, từ Duy Xuyên, Điện Bàn đến Hội An, Đại Lộc… Như tộc Nguyễn của ông Nguyễn Bụi, sinh năm 1939, nguyên gốc ở làng Thăng lộc, nay thuộc xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên. Ông cho biết “Thật ra, từ đời xửa đời xưa, tổ tiên tui người Thanh Hoá. Khi vào Quảng Nam, mới chọn mảnh đất Thăng Lộc làm nơi sinh sống. Tổ tiên tui cũng là những người góp phần lập nên đình làng Thăng Lộc. Nhưng họ lại sinh sống bằng nghề chươm nò trên sông. Mãi đến đời ông cố tui, thấy nghề chươm nò cực quá, lại không đủ sống, mới qua làng Hội Sơn Nghĩa Lệ làm nghề mói. Đó là nghề lưới trích. Dĩ nhiên, tiếng là qua nhưng cũng như nhiều ngư dân ở vạn chài Nồi Rang lúc bấy giờ đều phải ở trên ghe. Vì đất trên bờ là đất của dân chính cư…”. Có thể nói, đó là bức tranh chung về quá trình tụ cư của ngư dân vạn chài Nồi Rang.



Mot goc lang van Noi Rang.  D.D

Ngư dân phải làm nhiều nghề, từ nghề lưới trích, đến nghề câu, nghề giã cào, nghề rớ… Xưa, chưa có máy nổ nên họ phải gồng sức để chèo. Lưới hồi ấy bằng tơ. Giá tơ đắt nên lưới cũng rất đắt. Trong các nghề thì hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nghề lưới trích là nghề khá phát triển. Mỗi ghe thường đi khoảng năm, bảy người, đem theo chừng ấy tấm lưới. Mỗi tấm dài độ 30 sải tay, rộng 1 sải. Cứ chiều tối, cả đoàn khoảng sáu, bảy chiếc ghe chèo ra biển, cùng thả lưới mà đánh. Thời trước, cá trích ở gần bờ nhiều nên họ không cần phải đi xa. Khi đến nơi, bà con phân nhau thả lưới dày, chặn các lối đi nên cá không mắc lưới này thì mắc lưới khác. Hễ cá dính lưới nào thì chủ lưới hưởng. Ngoài cá trích, nghề lưới trích còn bắt được cả cá trỏng. Con cá này có hình thức gần giống với cá cơm nhưng đầu cá có khác chút ít. Hôm nào cá nhiều, đánh đến nửa khuya, còn không, phải đến 6 giờ sáng hôm sau chèo về cho kịp buổi chợ mai. Bà con thường đánh lưới trích ở Khô Đôi Nghê, một địa điểm gần hòn Khô, mũi Nghê. Đó cũng là đại điểm có nhiều mực, nên mới có danh xưng là Cồn Mực. Ai đánh mực thì hành nghề ở đây.


Tren song Han, Da nang. Anh tu lieu

Khi nghề lưới trích gặp khó khăn, bà con chuyển qua nghề câu. Nghề này đòi hỏi phải có mồi. Mùa nào mồi nấy. Nhưng gần như làm quanh năm, mùa nắng cũng như mùa mưa. Chỉ trừ trường hợp mua to, gió lớn. Ngư dân chủ yếu bủa cau trên biển, hiếm khi bủa sông. Nghề câu bắt nhiều loại cá ngừ, cá rựa, cá đổng, cá hồ, cá mối… Ở Duy Nghĩa, nghề câu tương đối nổi bật nên vạn Nồi Rang còn có danh xưng là vạn câu Nồi Rang. Ngay ở thôn Hồng Triều cũng có không dưới ba chục hộ hành nghề câu. Bên cạnh nghề câu, còn có nghề rớ, nghề giã cào. Nghề rớ bắt nhiều loại cá. Nhưng nghề giã cào chủ yếu bắt tôm vì tôm thường năm im. Trước đây, cá tôm nhiều, tuy đánh bắt thủ công nhưng ngư dân vẫn có ăn. Ở vạn câu Nồi Rang, người bủa câu giỏi nhất là ông Nguyễn Có. Sau đó, là các ông Nguyễn Bưng, Nguyễn Đủ… Cùng với nghề câu, ngư dân địa phương còn phát triển nghề mành. Xưa, nghề mành xưa khi chưa có đèn. Ngư dân phải đánh thầm. Cứ đêm đến, giong thuyền ra biển mà đánh. Mãi đến đầu thế kỷ XX, bà con mới sử dụng đèn măng xông đánh bắt. Sau năm 1975, người ta bắt đầu dùng thêm đèn điện.
Đặc biệt, ở đây cũng có nghề câu cá mập. Lưỡi câu cá mập lớn nhất, có thể bắt được những con nặng hàng trăm ký. Thường, câu cá mập, mỗi ghe đi năm, bảy người. Người đông nhưng lắm lúc gặp con cá to quá kéo cũng không nổi, phải mượn người ghe khác kéo giùm. Xưa câu cá mập câu ban ngày. Sau, không hiểu sao cá mập không ăn mồi ban ngày mà ăn ban đêm nên phải chuyển qua bủa câu vào ban đêm. Chờ đến sáng mới kéo. Có hôm một giàn câu ăn đôi ba con. Nhiều con còn sống quẫy đập rất mạnh. Nó vừa quẫy, vừa cố sức kéo ghe đi. Nhưng ngư dân có cách khống chế nó. Họ dùng một dụng cụ gọi là chằm. Đó là một cây dài hai ba sải, phía trước có lưỡi bằng sắt để bấu vào thân cá, không cho nó quẫy. Chằm có chằm nhứt, chằm nhì, chằm ba. Cứ ba cái chằm này bấu vào thân cá mập, kèm chặt, khiến nó khó có thể quẫy. Càng quẫy mạnh, lưỡi chằm càng “ăn” vào thân, khiến nó đau thắt. Thế là ngư dân mới dần dần đưa nó vào gần ghe, rồi lấy vồ đập cho chết. Ấy là những con cá hàng trung. Gặp cá to quá, phải có thêm người phụ giúp. Xưa, những ngư dân đi câu cá mập thường đem theo cờ. Khi có cá to quá, phất cờ lên, làm dấu. Ghe khác, thấy phất cờ, biết có chuyện, chạy đến giúp. Nay tôi giúp anh, mai anh giúp lại, nên không phải trả tiền công cán gì.
Cá đánh được, nếu cá lớn, thường là cá biển, bán cho chủ các lò kho. Nguyên những đầu thập kỷ 1960 trở về trước, ngư dân đánh bắt ngoài Cửa Đại. Họ chèo ghe ra. Ghe là ghe lớn nên đi rất lâu. Cá đánh được rồi, nếu chèo về Duy Nghĩa, sẽ ươn mất. Bởi làm gì có đá để ướp. Và, chì có nước… đổ đi. Cũng may không biết từ bao giờ, ở làng Nhân Bồi, nay thuộc xã Duy Thành, có nhiều gia đình làm lò để… kho cá, đem lên cung cấp cho dân ở các làng, xã miền núi. Thế cho nên, làng Nhân Bồi còn có tên dân dã là… Làng Kho. Cứ mỗi lò kho ngày ngày cử hai người đi mua cá. Họ đi ghe con con, dùng mái chèo nhỏ mà chèo. Người ta gọi là “bơi”. Ghe đi nhanh lắm. Cứ men theo hai bên bờ sông lướt đi thoăn thoắt. Đến nơi, họ mua các chủ ghe quen. Tươi ươn gì cũng mua. Xong, quay đầu ghe “bơi” về. Ở nhà, chủ lò kho đã nhen lửa sẵn, chỉ việc bỏ cá vào… hấp cách thủy. Nhưng, trong nồi nước hấp, họ bỏ muối. Cho nên, hơi nước đã mang theo muối. Vậy là cá cứng ngắt. Con ươn cũng cứng. Cá sẽ để được lâu. “Kho” rồi, ngay sáng sơm ngày mai sẽ có bạn hàng mua cá lên cung cấp cho bà con ở miền núi. Từ sau năm 1975, những lò kho cá ở làng Nhân Bồi không còn hoạt động. Riêng cá tươi, chủ yếu cá nhỏ, đánh bắt trên sông, được bà con bán ở chợ Nồi Rang. Có một chi tiết khá đặc biệt. Bất cứ mùa nào, nếu là cá nhỏ, còn tươi, người dân có một cách để “ướp” cá mà không cần đá. Đó là muối đất. Cứ trải một lớp cá, phủ lên lớp đất. Coi như đất thay đá. Theo bà con, muối như vậy có thể giữ cá khỏi ương qua đêm. Sáng mai, rửa sạch cá, con cá vẫn còn tươi, dù không được đẹp
Cũng như nhiều làng cá khác, nghề cá hiếm ai giàu có, chủ yếu đắp đổi qua ngày là chính. Số hộ khá lên chỉ đém trên đầu ngón tay. Cho nên, hồi nửa đầu thế ký XX, cả vạn Nồi Rang, không có ai đủ sức mua đất làm nhà. Tất cả đều ở dưới ghe. Nhà kha khá một chút, có ba bốn chiếc ghe. Nhà nghèo, cũng hai, ba chiếc. Tùy theo túi tiền mà sắm ghe to, ghe nhỏ. Rồi, cả gia đình, vợ con… chen chúc trên ghe. Đám cưới, đám hỏi, tiệc tùng, giỗ chạp cũng ở trên ghe. Bấy giờ, cứ đến vạn Nồi Rang, sẽ thấy ghe đậu chật cả bến sông. Thời trước, ngư dân làm đến tháng 7 thì nghỉ vì mưa bão. Đồ nghề họ cất đi, năm sau làm tiếp. Thời gian chủ yếu họ tán dóc. Còn vợ con đi thu hoạch khoai mùa tháng tám giùm cho gia chủ rồi họ cho bao nhiêu thì cho. Cũng có người đi mót khoai mụt, khoai chạc còn sót lại để ăn hoặc bán. “Xưa cực đắng chứ không phải như bây giờ”. Ông Nguyễn Bụi vừa vá lưới vừa kể. Cho nên, mãi đến năm  1954, trong làng vạn mới có người mua đất lên bờ. Trong đó, người đầu tiên là ông Nguyễn Thơm. Ông này mua đất được là nhờ bà vợ đi buôn bán ở vạn Nồi Rang. Kế đến là các ông Đinh Trải, Đinh Xây và một số gia đình khác.
 Từ sau ngày giải phóng, bà con làng vạn lần lượt lên bờ, chấm dứt cuộc sống dưới ghe. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ về nhiều mặt của chính quyền các cấp, đời sống của bà con từng bước được cải thiện. Hầu hết bà con đều xây được nhà kiên cố. Trong hàng trăm hộ ngư dân ở làng cá Duy Nghĩa, đã có trên 30 hộ sắm tàu lớn, có khả năng đi đánh bắt cá xa bờ. Những hộ còn lại làm nhiều nghề, từ nghề câu, nghề rớ, giã cào đến nghề mành… Và, cũng khác xưa, họ áp dụng nhiều phương tiện đánh bắt cá tiên tiến. Sản lượng khai thác cũng nhiều hơn. Đặc biệt, bà con gần như làm quanh năm. Trời yên, biển lặng thì ra khơi. Không thì làm những nghề ven bờ. Hoặc đánh bắt cá trên sông. Nói như ông Nguyễn Bụi, chỉ trừ những khi trời mưa to, gió lớn, sóng biển dữ dội, còn những ngày còn lại, phải bám biển, bám sông mà sống. Như ông chẳng hạn, dù không có tàu lớn đi xa, nhưng mỗi ngày đi câu, cũng kiếm bình quân ba, bốn trăm ngàn. Còn, với những hộ đánh bắt cá xa bờ, mỗi chuyến đi kiếm vài triệu là chuyện thường. Cũng theo ông, nhờ vậy mà“đời sống dân làng chài chúng tôi so với trước đỡ hơn nhiều….”

Friday, May 18, 2012

TRUYỀN THUYẾT MỘT LÀNG RAU

Ghé thăm đô thị cổ Hội An, Di sản văn hoá thế giới của tỉnh Quảng Nam, một trong những địa chỉ tham quan không thể thiếu với du khách trong và ngoài nước là ghé thăm làng rau truyền thống Trà Quế. Đến đây, du khách không những có thể tận mắt chứng kiến khung cảnh sinh hoạt quen thuộc hàng ngày của người dân làng rau truyền thống, trực tiếp “thử” làm cư dân Trà Quế mà trong dịp hãn hữu nào đó, còn được các cụ già kể một số truyền thuyết khá lý thú và hấp dẫn…


Truyền thuyết kể rằng, thuở sơ khai, ông bà tổ tiên của cư dân Trà Quế vốn là những ngư dân thực thụ. Họ sinh sống bằng nghề lưới bén, chuyên đánh bắt cá tôm trên sông Đế Võng kiếm ăn qua ngày. Thế rồi, càng về sau, việc đánh bắt ngày càng khó khăn. Cuộc sống của ngư dân làng vạn rơi vào chỗ lao đao. Nhiều gia đình bữa đói, bữa no. Trong lúc bị dồn vào chân tường, một số bà con mới nghĩ đến việc thử khai phá thêm đất. Thôi thì nếu không thể trồng lúa, ta trồng thứ khác. Như rau chẳng hạn. Trước mắt là có rau ăn. Dư thừa bán cũng có tiền.
Lang rau Tra Que. Anh D.D


Từ suy nghĩ đơn giản ấy, họ bắt tay vào thực hiện. Những vạt ngò, rau húng rồi đến rau é, hành, cải, hẹ... lần lượt mọc lên trên vùng đất mới khai phá. Và, cũng thật bất ngờ, các loại rau kể trên không những lên xanh tốt mà còn có hương vị đặc biệt thơm ngon, không đâu sánh bằng.
Thế là một đồn mười, mười đồn trăm, cây rau Trà Quế từng bước nổi danh dần. Chẳng mấy chốc, các chợ lớn, chợ nhỏ trong vùng Hội An và lân cận trở thành thị trường tiêu thụ chính  của rau Trà Quế. Thấy có thể sống được từ nghề mới mẻ này, những hộ còn lại bắt chước làm theo. Chẳng ai đủ sức trụ lại với nghề đánh bắt cá tôm bấp bênh, bữa đực bữa cái nữa. Từ một làng vạn thuở ban đầu, Trà Quế dần dần biến thành một làng rau.
Cũng theo truyền thuyết, thuở sơ khai, khi mới đến lập làng, Trà Quế có tên là Nhự Quế, nghĩa nôm na là nhà nhà đều trồng rau thơm. Thế rồi, hồi đầu thập niên 1800, sau khi lên ngôi, nhân một lần đến Hội An, nghe các quan địa phương giới thiệu ở đây có một ngôi làng nhỏ bốn bề sông nước, chuyên trồng rau làm kế sinh nhai. Lại nghe nói rau ở đây hương vị rất thơm ngon tuyệt vời, không đâu sánh kịp, vua Gia Long lấy làm lạ. Thế là ngài mới ngự đến xem.



Vua Gia Long. Anh tu lieu

Được tin vua “ngự”, các bô lão trong làng hớn hở chọn những loại rau ngon nhất,  thơm nhất để dâng lên, gọi là rau “tiến vua”. Tất nhiên, phải là những thứ rau thượng hảo hạng. Gia Long thưởng thức, tấm tắc khen. Rồi ngài hỏi tên làng. Các bô lão bẩm rằng tên làng là Nhự Quế. Vua Gia Long trầm ngâm trong chốc lát. Sau đó, ngài phán rằng tên Nhự Quế cũng hay. Thế nhưng, tên Trà Quế hay hơn. “Vì “trà” chỉ một loại thức uống không kém phần thơm ngon, quen thuộc của người Việt. Cho nên, Gia Long mới cải sửa lại, từ Nhự Quế thành Trà Quế. Và, cũng theo tương truyền, danh xưng Trà Quế tồn tại mãi đến ngày nay…”[1]
Truyền thuyết vẫn là truyền thuyết, thật hư khó mà đoán định nổi. Điều chắc chắn là xưa nay, người Trà Quế luôn lấy nghề trồng rau làm nghề sinh sống chính.  Xưa, cư dân Trà Quế thường thức dậy từ lúc hai, ba giờ sáng, ăn uống qua loa rồi gánh gánh rau nặng ì ra tận Đà Nẵng. Khi tới An Hải, họ qua đò Hà Thân rồi bán sỉ ngay tại chợ Hàn. Xong, cũng theo đường biển mà về. Cả đi và về mất ngót năm sáu chục cây số, đâu ít ỏi gì. Mãi đến thập kỷ 1960, khi tuyến đường Đà Nẵng - Hội An có xe đò chạy thường xuyên, họ mới chuyển qua đi xe đò.
             Hiện nay, phương tiện giao thông phát triển, rau Trà Quế là loại rau được thị trường trong và ngoải tỉnh ưa chuộng. Nhờ vậy, nó có mặt ở nhiều nơi, từ Hội An, Tam Kỳ đến Đà Nẵng, có lúc còn vươn ra cả Huế. Và, thật thú vị biết nhường nào nếu có dịp hãn hữu nào đó, khách ghé thăm làng rau truyền thống nổi tiếng Trà Quế, vừa thưởng thức món ăn có sự góp mặt của rau thơm nổi tiếng địa phương, vừa nghe các cụ già xưa kể lại chuyện xưa, giữa buổi trưa hè, lại nghe giọng hát của ai đó từ xa vọng lại “Ai về Trà Quế thì về/ Trà Quế có nghề nấm giá đậu xanh/ Sớm mai đi bán rau hành/ Chiều về tưới nước suốt canh chưa nằm/ Khuya thì dậy sớm cắt rau/ Sáng lo đi bán suốt năm không nhàn”


[1] Ông Nguyễn Chấn, sinh năm 1937, một trong những bô lão làng Trà Quế, kể.

Sunday, May 13, 2012

SẮC BÙA NGÀY TẾT


Mỗi khi Tết đến, Xuân về, hình ảnh đội sắc bùa với khăn đóng áo dài, đem theo trống cơm, sinh tiền, phách tre, phía trước có một người xách chiếc lồng đèn bằng giấy, hình tam giác, thắp bằng dầu phụng, dưới có bốn tua đủ màu sắc, đi chúc Tết khắp làng trên xóm dưới trở thành hình ảnh quen thuộc với người dân ở làng Chấn Sơn: "Sắc bùa là sắc bùa âu/ Mong cho năm mới ăn xôi với chè/ Sắc bùa là sắc bùa hoè/ Mong cho năm mới ăn chè với xôi!".

Không chỉ làng Đại Sơn, hồi trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hát sắc bùa còn là loại hình sinh hoạt văn hoá văn nghệ dân gian khá phổ biến ở ở nhiều làng xã ở Đại Lộc, Quế Sơn, Điện Bàn, Duy Xuyên, nhất là tại Giảng Hoà, Cổ Tháp, Thanh Châu, Bảo An, Đại Bình.... Có làng có một đội nhưng cũng có làng có đến... hai đội hắt sắc bùa. Môĩ đội ít cũng 5 người, nhiều có khi trên mười thành viên. Trong đó,  làng Chấn Sơn, nay thuộc xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, là một trong những địa phương có truyền thống lâu đời về hát sắc bùa.

Tết cuối cùng làng Chấn Sơn còn hát sắc bùa là Tết năm 1953[1]. Lúc đó, ông Lê Nhì còn trẻ lắm, chỉ hai mưới tám tuổi. Hồi ấy, ông nghe các cụ thuật lại rằng  trong cuộc hành trình từ Bắc vào Nam, ông bà tổ tiên làng Chấn Sơn đã mang theo loại hình sinh hoạt văn nghệ truyền thống này. Và, từ đó, hát sắc bùa được lưu truyền qua nhiều đời. Lớp trước dạy lớp sau. Mãi đến đầu thế kỷ XX thì đến thế hệ của ông Lê Nhì, thế hệ cuối cùng còn  duy trì hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc này.

Hat bai chuc mung gia chu. Anh D.D


Hát sắc bùa xưa thình hành vì nó có “đất sống”, được người dân yêu thích. Cho nên, Tết đến, người ta cứ háo hức trông chờ đội đi hát. Người lớn trông một thì đám con nít trông mười. Bấy giờ, tiếng trống cơm, tiếng sinh tiền, tiếng phách tre hoà lẫn tiếng hát của cả đôi sắc bùa.... có sức lôi cuốn diệu kỳ, trở thành một hình thức sinh hoạt văn hoá văn nghệ dân gian phổ biến không chỉ trong mà còn ở ngoài làng, ngoài tổng.
Không vui sao được khi những bài hát kháng chiến, có sức động viên, cổ vũ, nhưng cũng có sự lôi cuốn mạnh mẽ nhờ nhịp điệu sôi nổi, hào hứng, phù hợp với không khí rộn ràng của những ngày đầu năm mới“Ngoại hoá ngoại hoá/ Thứ gì xa lạ/ Vải ú hồng mao/ Vải phin hồng đào/ Những hàng xa xỉ/ Xà bông lược Mỹ/ Phấn sáp nước hoa/ Kẹp tóc sáng loà/ Xì gà thuốc điếu/ Thứ gì không thiếu/ Bán hết khắp nơi/ Xanh đỏ rợp trời/ Cũng đồ vải địch/ Trong lúc ham thích/ Chẳng biết rèn mình/ Vì đã vô tình/ Làm giàu cho giặc...”.
Doi sac bua Le Trach. Anh D.D


Nhưng, đó chỉ là bài trong chín năm chống Pháp. Riêng những bài hát xưa nhiều lắm. Nào là bài hát chúc nghề làm ruộng, nghề dệt, nghề mộc, nghề rèn, nghề buôn... Trong đó, nhiều bài hát hay đến mức dù đã hơn năm mươi năm nhưng ông vẫn còn nhớ một số đoạn, như bài chúc người trồng thuốc lá “Ngày xưa hái một nhắm bông hoa/ Tháng chín vãi ra/ Hột còn lút chút/ Tháng mười hết lụt/ Thuốc đã mọc lên/ Kêu trai đắp nền/ Nhổ ra mà cấy/ Thuốc xanh dẫy dẫy/ Thuốc xanh dầy dầy/ Ông trở đất này/ Kêu trai trồng thuốc/ Trồng thuốc trồng thuốc/ Kẻ thời đất cuốc/ Người lại đất cày/ Kẻ thời no may/ Người thời no rủi...”.
Đến hẹn lại lên, năm nào, đội sắc bùa cũng tập trung khoảng hai mươi tháng chạp để luyện tập, ôn bài cũ, học bài mới. Thế nhưng, trong quá trình biểu diễn, họ cũng không thể tránh được vài "tai nạn" nho nhỏ. Điển hình vào Tết năm 1938, đội của ông Lê Nhì được ông Hội Mẹo, người làng An Mỹ, mời đến hát. Bấy giờ, ông Hội Mẹo giàu có tiếng ở tổng Đức Thượng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ổng không những đất ruộng nhiều mà còn có trâu bầy, nhà ngói. Đêm hội sắc bùa biểu diễn là đêm mồng hai Tết. Sau khi hát bài “Mở ngõ”, “Mở cửa”… đến phần hát chúc gia chủ, không hiểu sao đội lại hát bài “…Thợ rèn thợ rèn/ Nghề nghiệp đã quen/ Lưu truyền con cháu/ Rèn gươm rèn giáo/ Rèn mác rèn chàng / Của để ngàn trùng/ Rèn riều rèn rựa/ Nào ai khéo nữa/ Đánh cuốc đánh cưa...”.
Mới hát nửa chừng, ông Hội Mẹo bỗng đứng lên, cao giọng “Mời các ông ra cho!”. Cả hội kinh ngạc, nhao nhao hỏi “Ủa, làm răng ông lại đuổi tụi tui?Tụi tui có làm chi sai mô mà đuổi”. Ông Hội Mẹo “Nhà tui đâu phải mạt đến mức gia đình phải đi làm thợ rèn mà các ông chúc. Bộ các ông muốn tui làm thợ rèn hay răng ?”. Đến lúc này, đội sắc bùa mới hiểu ra, vội vàng xin lỗi và xin chuyển sang bài khác. Kỳ thực, ông Hội Mẹo bắt bẻ chủ yếu để hội rút kinh nghiệm chứ không hề có ác ý gì. Cho nên, ông giảng giải một hồi để anh em hiểu và bỏ qua lỗi, cho tiếp tục hát, bồi dưỡng đầy đủ.
Điều đáng tiếc là từ năm 1954, do ảnh hưởng của chiếu tranh, đội sắc bùa Chấn Sơn phải giải tán. Những người nằm trong đội hát sắc bùa mỗi người mỗi nơi. Sau ngày giải phóng, do cuộc sống khó khăn, không ai nghĩ đến chuyện lập lại đội hát sắc bùa. Hình thức sinh hoạt văn hoá văn nghệ dân gian khá sặc sắc này từng bước mai một dần.
Và, đã mấy chục năm qua, mỗi khi Tết đến, Xuân về, những người ở lớp tuổi lại nhớ đến hát sắc bùa xưa. Không khí sôi động trên các ngả đường làng, nơi đội sắc bùa đi qua như hiển hiện trong tâm trí họ: "Sắc bùa là sắc bùa âu/ Mong cho năm mới ăn xôi với chè/ Sắc bùa là sắc bùa hoè/ Mong cho năm mới ăn chè với xôi!". Nó trở thành những kỷ niệm không thể nào quên.


[1] Theo ông Lê Nhì, sinh năm 1923, làng Chấn Sơn, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, kể.

Saturday, May 12, 2012

NGƯỜI HOA Ở TRÀ MY XƯA


Do đặc điểm về địa lý, lịch sử, Hoa kiều đến Việt Nam từ rất lâu đời. Còn ở Quảng Nam, họ tập trung đông ở đô thị cổ Hội An. Thế nhưng, Hoa kiều không chỉ tập trung ở Hội An mà còn toả đi nhiều nơi khác, kể cả mảnh đất xa xôi, ngay cả huyện Trà My xưa. Có thể nói, sau Hội An, Tiên Phước, Tam Kỳ thì Trà My là địa phương thu hút khá đông Hoa kiều lập nghiệp. Họ đến đây sinh sống bằng nhiều nghề,chủ yếu là những nghề “ruột” từ bốc thuốc Bắc chữa bệnh  đến mở hiệu tạp hoá, bán những đồ dùng cần thiết hàng ngày cho cư dân địa phương và đặc biệt nhất là kinh doanh lâm thổ sản...  

Hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, Trà My, nay chia ra làm hai huyện là Bắc Trà My và Nam Trà My, là mảnh đất có thể nói được liệt vào nơi “rừng thiêng nước độc”. Thị trấn Trà My tương đối đông đúc ngày nay trước kia nhà cửa chỉ lưa thưa, lẫn khuất sau những ngọn đồi, những đồi cây. Để cai trị vùng đất hẻo lánh này, thực dân Pháp có xây dựng một đồn gọi là đồn Trà My, có cả lính Tây lẫn lính người Việt.
Người Hoa ở Việt Nam. Ảnh tư liệu.

Tuy xa xôi, hiểm trở nhưng Trà My có sức thu hút Hoa kiều là do đây là địa phương có nguồn đặc sản quý hiếm. Đó là quế. Vỏ quế là mặt hàng xuất khẩu đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Thế cho nên, bấy giờ có đến vài hiệu buôn Hoa kiều. Lớn nhất là hiệu Phước Ký rồi đến Hồng An, Thoại An, Phước Hưng... Dĩ nhiên, mặt hàng buôn bán chính và có khả năng thu lợi nhiều nhất của nhưng hiệu buôn này là quế!
Cũng như người Hoa ở nhiều địa phương khác, người Hoa ở Trà My không trực tiếp mua quế mà thông qua “các lái”[1] người Việt sinh sống tại Trà My để làm đại lý thu mua. Hằng năm, cứ đến mùa quế, khung cảnh núi rừng Trà My lại nhộn nhịp khác thường. Điểm khởi đầu là đồng bào các dân tộc vùng trung du và vùng cao của huyện Trà My tìm các lái người Việt để tạm ứng trước đồ dùng cần thiết trong cuộc sống hàng ngày như mắm, muối, vải, nồi đồng, mâm đồng... Sau đó, khi có quế, các lái người Việt, cũng không đông lắm, độ hai ba chục người, lên tận các bản để lấy quế.
Theo tục lệ, họ không vào nhà dân mà dựng tạm trại nhỏ phía ngoài rìa làng để ăn ở trong một hai tháng theo theo thời gian ghi trong giấy phép do người Pháp ở đồn Trà My cấp. Đồng bào đem quế về bỏ ở trại của người Việt nào mà họ đã ứng trước đồ dùng. Khi thấy đủ số lượng hoặc thấy quế quá nhiều, các lái người Việt mới thuê người địa phương gùi xuống để ở nhà họ tại thị trấn Trà My. Công gùi tính riêng, cũng được trả bằng hiện vật. Việc đổi quế lấy đồ dùng giữa đồng bào các dân tộc miền núi với các lái người Kinh cứ diễn ra quanh năm, dai dẳng từ mùa này sang mùa khác, tạo thành mối quan hệ khăng khít, chặt chẽ.
Các hiệu người Hoa mua lại quế của các lái người Việt. Quế lúc này vẫn còn là quế tươi. Do đó, họ phải thuê thợ gia công, uốn quế. Mỗi hiệu, tuỳ theo số lượng quế ít nhiều mà thuê thợ. Có thể đôi ba người nhưng cũng có thể vài ba chục người. Thợ uốn quế chia làm hai loại. Loại làm tháng chiếm đa số, làm hết tháng này sang tháng khác, khi nào hết quế thì thôi.
Loại làm khoán tình theo số lượng quế đã uốn mà hưởng tiền công. Thời ấy, quế uốn nhỏ hơn bây giờ. Dụng cụ uốn đơn giản chỉ ba thanh gỗ nhỏ gác dọc và tám thanh tre gác ngang. Mỗi lần phơi quế là mỗi lần uốn. Uốn thế nào để thân vỏ quế tạo thành hình số 3. Thường thì quế nhỏ uốn bốn lần, quế lớn phải năm, sáu lần. Và, cứ 100 miếng quế làm thành một kẹp.
Chợ Hàn Đà Nẵng hồi đầu thế kỷ XX. Ảnh tư liệu

Sau khi uốn xong, các hiệu buôn người Hoa như Thuận An, Hồng An, Phước Hưng...mang trực tiếp đi Hồng Kông bán. Còn quế xô, các hãng Hồng Kông có chi nhánh ở Hội An, Đà Nẵng thu mua và chở đi. Nguồn cung cấp qiế xô là các lái buôn người Việt ở Trà My. Riêng hiệu Phước Ký cũng có kinh doanh quế xô. Được bao nhiêu, họ đều bán lại cho đại diện các hãng Hồng Kông.
Ngoài kinh doanh quế, mặt hàng chiến lược ở Trà My, Hoa kiều còn làm nhiều nghề khác như bốc thuốc Bắc chữa bệnh, bán các mặt hàng thiết yếu như mắm muối, các loại lương thực, thực phẩm... Có thể nói, đây là những sản phẩm họ buôn bán quanh năm, mùa mưa cũng như mùa nắng.
Nhìn chung, trong kinh doanh, cũng như Hoa kiều ở các nơi khác, Hoa kiều ở Trà My luôn biết cách tạo “thương hiệu”, “uy tín” cho mình. Cụ thể, trong quá trình kinh doanh, buôn bán, bên cạnh sự khôn ngoan,  họ rất coi trọng chữ tín. Không bao giờ họ nuốt lời hứa với bất cứ ai. Và, đã hứa, họ làm cho bằng được. Làm ăn với Hoa Kiều thường thì Tết nhứt hay lễ lạc quan trọng nào đó, họ hay có quà biếu. Tuỳ theo độ đậm nhạt trong quan hệ buôn bán mà món quà “nặng” hay “nhẹ”. Đây là “nghệ thuật” giữ bạn hàng của họ. Thật ra, chút quà ấy chẳng thấm vào đâu so với món lợi họ thu cả năm trời nhưng rõ ràng, họ đã biết cách đánh vào tâm lý để bảo đảm sang năm mới, công việc kinh doanh của họ sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến hơn[2]. 




[1] Theo lời kể của ông Trịnh Hiếu An, sinh năm 1916, ở thị trấn Trà My, huyện Trà My, nay huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam
[2] Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Khương, sinh năm 1905, ở thị trấn Trà My, huyện Trà My, nay huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam

Wednesday, May 9, 2012

TẬP SÁCH "CHUYỆN XƯA ĐẤT QUẢNG" SẮP RA MẮT BẠN ĐỌC


                                                                                                                                   "Dời chợ dời chợ
      Lời nói nên nợ
      Lở chợ phải dời..."
Tương truyền, hồi cuối thế kỷ XIX, ở làng Thu Bồn, nay là thuộc xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, có cha con ông Phạm Tự Điện chuyên đi buôn vải. Quanh năm suốt tháng, họ cứ gánh vải đi khắp nơi, từ Duy Xuyên, qua Đại Lộc đến Quế Sơn... để bán. Bấy giờ, do người ít, đường vắng nên bọn cướp thường tổ chức trấn lột. Nhiều phen bị mất vải, mất hồn, suýt mất cả mạng, ông Phạm Tự Điện kinh hãi, thấy gánh vải đi bán quá bất tiện, khó đối phó với những hiểm nguy trên đường, bèn nghĩ cách xin lý trưởng cho phép lập quán bán vải ngay ở đuôi làng. Do là dân buôn vải chuyên nghiệp, quen biết nhiều nên chẳng bao lâu sau người trong làng, rồi ngoài làng đến chỗ ông mua vải khá đông. Thấy vậy, một số bà con kẻ bán thêm cái này, người bán thêm món kia, đông dần lên thành ra chợ..."

Đó là một đoạn trích trong tập sách "Chuyện xưa đất Quảng" sắp ra mắt bạn đọc. Đây là tập sách được tác giả điền dã, ghi chép những mẩu chuyện nho nhỏ về làng quê, từ chuyện lập chợ đến chuyện Dinh bà Phường Rạnh, chuyện săn cọp, chuyện về một số nhân vật như huyền thoại... Có thể nói, là truyện kể mang tình chất truyện kể dân gian nên có thể tam sao thất bổn. Âu, đó cũng là lẽ thường tình. Mục đích của tác giả là cố gắng vẽ lại, hình dung lại một phần nhỏ nào đó cuộc sống tinh thần, tâm linh... của người Quảng xưa.
Được như vậy, đã quý hóa lắm rồi!
PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT

Saturday, April 14, 2012

SỰ TÍCH MỘT BÀI VÈ


Hồi nửa đầu thế kỷ XX, ở làng Thu Bồn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam có lưu truyền một bài vè mà theo truyền khẩu là của ông Phạm Khôi, một người nổi tiếng hay chữ, khéo đặt vè, sáng tác. Đặc biệt, bài vè này toàn sử dụng cách nói “ngược” truyền thống của dân Quảng. Về nguyên nhân ra đời, cũng theo tương truyền, bài vè mô tả một vụ kiện về đất đai xảy ra ngay những năm trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Có thể nói, đó cũng là vụ kiện "nổi đình nổi đám" nhất ở làng Thu Bồn. Thời điểm xảy ra vụ kiện là năm 1940, lúc Nhật qua xâm chiếm Việt Nam. Không rõ lý do vì sao làng tổ chức đo đạc lại diện tích ruộng đất. Các vị chức sắc bấy giờ muốn "ăn" bớt đất của dân nên cứ mỗi hộ đo thiếu 4 thước. “Tất đất tấc vàng”.
 Người mất đất dĩ nhiên tức sôi máu. Họ bàn nhau đồng tâm hiệp lực phản đối đến cùng. Thế cho nên, khi lý trưởng dẫn đám thuộc hà đi do đất, moị người kéo nhau ra phản đối, cãi cọ, đánh lý trưởng và bọn tuỳ tùng chạy thục mạng.
<!--[if !vml]--><!--[endif]-->
Đường làng Thu Bồn. Ảnh Đ.Đ



Đặc biệt, do đất đai chưa đo đạc xong, dân cả làng nhất tề... bỏ cấy vụ lúa năm ấy, cùng nhau xách đơn lên kiện tổng, rồi huyện. Trong đó, người đứng đơn đại diện cho dân kiện là ông Võ Tùng. Bấy giờ, quan tri huyện Duy Xuyên thấy tình hình quá căng thẳng, mới đưa ông Thất Hoanh, xuống đo lại ruộng đất. Ông này chặt một cây tre thật thẳng, lấy thước ngoài Huế chặt đúng thước, đúng tấc, rồi cứ thế mà đo. Lý trưởng và cả bà con thấy ông Thất Hoanh làm đúng quá, không ai có ý kiến gì. Đặc biệt, nếu người lý trưởng đo dân mất 4 tấc, lần này, ông Thất Hoanh đo, dân lại lời ra đúng... 4 tấc!
Nhân vụ kiện này, ông Phạm Khôi, một người hay chữ, đặt bài vè khá nổi tiếng rằng "Chuyên tùng, dám kiện, quấy ơi anh?/ Thức cóc giá cao ruộng bỏ đành / Ưng cắt năm sào liền một bọc/ Giựt quằn bốn thước xé đồng canh/ Đề mô sổ cấp làm cao lý/ Mực đặc đồng dân ký thuận tình…”.
Bài vè này, ông vận dụng toàn cách nói ngược "Truyền thống” của dân Quảng Nam. Câu đầu, "Chuyên tùng, dám kiện, quấy ơi anh?”. Ở đây  ý nói "Chuyên tùng” tức "Chung tiền” để đi kiện và đi kiện thì chẳng phải chuyện sai quấy gì hết. "Thức cóc giá cao ruộng bỏ đành”.  "Thức cóc” tức "Thóc cức”, ông muốn ám chỉ bọn cường hào làm bậy, làm những chuyện thối tha, khiến dân làng đành phải bỏ cả ruộng đất, không thể cày cấy được. Do đó, ông chửi khéo "Ưng cắt năm sào liền một bọc”. "Ưng cắt”  ở đây rõ ràng ông ám chỉ bọn làm chuyện xấu ấy đều đáng "ăn cức”.
Đến câu "Giựt quằn bốn thước xé đồng canh” nghĩa "Giựt quằn” tức "Giặt quần”, còn bốn thước xé đồng canh tức mấy ổng lấy bốn thước để mà chia nhau. "Đề mô sổ cấp làm cao lý”  tức "Đề mô” nói ngược lại là "Đồ mê”, tiếng chửi khéo bọn tham lam, ngu muội mới làm chuyện bậy bạ như thế. "Mực đặc đồng dân ký thuận tình” ở đây "Mực đặc” tức "mặt đực” chỉ bọn người làm việc trái đạo lý này là những người không biết phải trái, cứ thấy lợi là làm. Thế cho nên, dân phải đồng lòng mà ký đơn đi kiện


1.Ông Trịnh Bốn, sinh năm 1931, người làng Thu Bồn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, kể.

Tập sách "Chuyện xưa Đất Quảng" của tác giả Phạm Hữu Đăng Đạt sắp ra mắt. Mời các bạn đón xem!


Sunday, April 8, 2012

NGƯ DÂN VẠN PHƯỜNG ĐÔNG


Hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, trên đoạn sông Vu Gia chảy qua xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, có một vạn chài đông đúc ghe thuyền. Đó là vạn Phường Đông. Theo ký ức của lớp người cao tuổi lúc bấy giờ, van Phường Đông có không dưới năm mươi gia đình nhưng làm đủ thứ nghề, từ chài lưới đến buôn bán mắm muối, gạo chuối đến chở hàng thuê, rồi đánh bắt cá trên sông. Mỗi gia đình mỗi nghề, sinh sống từ đời này sang đời khác…


Đánh cá ở Đà Nẵng hồi nửa đầu thế kỷ trước. Ảnh tư liệu

Người ta không biết vạn Phường Đông xuất hiện từ bao giờ. Có lẽ là khi mảnh đất dọc theo hai bên bờ sông Vu Gia được lưu dân Việt đến lập nghiệp, khai phá đất đai, tạo dựng xóm thôn trù phú. Cùng với việc lập các ấp Nam, ấp Bắc… thì chợ chiều Phường Đông ra đời, tạo điều kiện cư dân địa phương có nơi để mua bán, trao đổi hàng hóa.
Theo ước đoán, vạn Phường Đông xuất hiện muộn nhất cũng vào nửa đầu thế kỷ XIX. với ba tộc sinh sống là Võ, Lê, Trần. Trong đó, tộc Trần vốn có nguồn gốc là dân vạn chài ở làng Phong Thử, gặp mẹ ông, cũng là dân vạn chài ở Phường Đông. Thế là thương nhau rồi lấy nhau. Sau đó, cha ông ở rể luôn... Do vậy, tộc Trần, so với nhiều tộc khác, có thể gọi là tộc “ngụ cư”. Tuy nhiên, khác với dân trên bờ, hầu như không có sự phân biệt đối xử giữa dân chính với dân ngụ ở vạn Phường Đông[1].
Khác với tộc Trần, hai tộc còn lại đều lập nghiệp từ rất lâu. Đáng chú ý, tộc Võ đầu tiên họ vào Nam, lập nghiệp ở Quảng Ngãi và cũng là dân hành nghề sông nước. Theo truyền khẩu, khi giặc giã nổi lên, ông tiền hiền tộc Võ của vạn Phường Đông trước kia và làng Mỹ Hảo ngày nay mới mang gia phả mà chạy. Cũng không biết nguyên nhân vì sao lại chạy mãi vào Mỹ Hảo, rồi “định cư” ở vạn Phường Đông.
Hồi ấy, gia đình ông cđi theo đường bộ. Thời kỳ chống Mỹ, gia phả bị cháy, mất luôn. Cho nên, hiện tộc Võ không biết từ đời ông tiền hiền tộc đến đời ông Võ Khuê đã bao nhiêu đời. Chỉ biết, gia phả xưa, theo ông Võ Khuê, có cả ấn của vua.
Một khúc sông Vu Gia. Ảnh Đ.Đ


Ở vạn Phường Đông, chỉ có khoảng hơn mười gia đình sinh sống bằng nghề đánh bắt cá. Xưa, người ta dùng lưới bằng gai. Gai trước là gai trồng, tới lứa mới lột vỏ, đập, nhồi, làm thành từng cuộn. Mỗi cuộn nặng khoảng một lạng. Bà con mua về, tước ra rồi đánh cho săn lại để đan thành lưới. Đan xong, bỏ vô nấu với vôi cho “chín” gai đi… Nói chung, muốn làm lưới không đơn giản, phải qua nhiều công đoạn. Lưới gai dĩ nhiên không đẹp và chắc bằng lưới cước nhưng ngày trước, cá nhiều nên việc đánh bắt khá dễ dàng. Những gia đình làm nghề đánh bắt cá có hai ghe, một ghe nhỏ để hành nghề và một ghe lớn để vợ con ăn ở, sinh hoạt hàng ngày.
Ngư dân vạn Phường Đông làm một số nghề từ nghề bủa lưới, chươm, bủa câu đến nghề đắp. Nghề bủa lưới chỉ sử dụng trong mùa nước lụt, diễn ra vào khỏang tháng bảy, tháng tám âm lịch hàng năm. Đây là lúc cá từ trên nguồn theo dòng nước lụt về để trong nà dọc bờ sông Vu Gia.
Xưa, trong “bộ nhớ” của các bô lão quen nghề sông nước, cá trên sông Vu Gia nhiều vô kể. Chúng đi thành từng đàn. Lắm lúc lội xuống nà, cá đụng “chưn”. Nghe sướng lắm... Lưới có bề rộng mét năm, dài đến ba, bốn chục mét. Người ta mạnh ai nấy bủa. Có người bủa ngang, lại có người bủa dọc. Cá trôi mắc lưới, quẫy mạnh. Khi phát hiện, ngư dân chèo ghe đến, nhấc lên, lấy vợt… xúc cá. Cá mùa lụt chủ yếu cá trôi. Có nhiều con nặng năm, sáu ký.
Công cụ đánh bắt cá của ngư dân vạn Phường Đông. Ảnh Đ.Đ 


Thường, bắt cá xong, bà con phải lấy dây… xâu môi con cá rồi thả xuống dưới nước để cá tự do bơi qua bơi lại. Khi muốn bán, chỉ cần kéo dây lên, gỡ ra. Nhờ vậy, mỗi lần lụt, bắt cá xong, họ bán phải đôi ba ngày mới hết cá.
Trong các loại cá, cá to nhất là loại cá mà ngư dân vạn Phường Đông gọi là cá chiên. Cá này cũng ở trên nguồn nhân mùa lụt trôi xuống. Nhưng hiếm khi bắt được. Cá chiên dài gần mét, ngang hơn gang tay, miệng to như cá nhám. Khi biết loại cá này mắc lưới, phải thủ thế cẩn thận. Chân đạp lưới, tay nắm hai vi cá rồi hất nó lên ghe. Hết nghề bủa lưới đến nghề bủa câu, thường  trùng vào các tháng cuối năm. Có câu sưa và câu dày. Câu sưa lưỡi câu to, câu dày lưỡi câu nhỏ. Nghề bủa câu chuyên bắt các loại cá như cá lấu, cá leo, cá chạp, cá mương, cá chày… Nhưng cá bắt được nhiều nhất là cá bống. Ở van Phường Đông thời trước người bủa câu giỏi nhất là ông Lợi. Ông này có nhiều kinh nghiệm. Bất kỳ bủa ở đâu, ông cũng kiếm được nhiều cá hơn người khác.
Cuối năm, bà con lại giong buồm ngược lên Thạnh Mỹ chặt một loại cây chuyên mọc ở gành sông, chủ yếu loại cây có tên là cây “rì nính”. Chặt xong, bó lại, phơi thật khô rồi chở về. Nói thì dễ nhưng thực tế rất nhọc công, phải chịu khó đi lùng. Chỗ này không có thì chuyển sang tìm chỗ khác. Và, trong quá trình chặt cây, có đôi người như ông Trần Tự, ngư dân vạn Phường Đông, cũng tranh thủ bủa câu kiếm thêm ít cá để bán kiếm tiền mua mắm muối, gạo thóc. Cá bắt được chủ yếu cá ngạnh, cá rói, cá chày… và đôi loại cá khác.
Nghề “chươm” bắt đầu từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 6, tháng 7 âm lịch năm sau. Khi cắm bổi xuống sông, phải có cọc giữ cẩn thận. Khi cá vào ở, người ta mới dùng đăng, tức một tấm đan bằng tre, dài khoảng 20 thước mộc, cao khoảng 4 thước mộc, bao lại. Xong, bà con vừa lấy bổi ra, dồn cá vào một chỗ rồi xúc.
Cá bắt được đủ loại, từ cá lấu, cá bống, cá chày đến cá leo, cá diếc và cả tôm. Nhưng, nhiều nhất vẫn là cá diếc. Ngoài ra, ngư dân vạn Phường Đông còn hành nghề đắp. Nghề này chỉ làm được ở những đoạn có lạch sông, tức một đoạn sông ăn vào trong bờ, thành “lạch”. Người ta dùng đăng tấn ngay cửa lạch, phía trong để sẵn đó, hai bên có tấn bằng đăng, làm sao để khi tấn lại, nước đứng, cá tự đi vào đó. Cá bắt được thường là cá chạc, cá bống.
Vào nửa cuối thập kỷ 1970, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, địch tăng cường bắn phá bằng máy bay. Một trong những mục tiêu chúng thả bom là ghe, thuyền đi lại trên sông. Nhiều ghe thuyền của ngư dân vạn Phường Đông bị máy bay bắn nát, chìm xuống đáy sông. Thế cho nên, dù không muốn lên bờ, tình thế bắt buộc họ cũng phải lên bờ. Danh xưng van Phường Đông dần dần mất đi. Người dân ly tán, mỗi người mỗi ngả.
Và, cũng bắt đầu từ đó, bà con dần dần chuyển đổi ngành nghề. nhất là từ sau ngày giải phóng, khi Nhà nước cấp đất cho bà con làng vạn. Hiện nay, chỉ còn duy nhất một trường hợp còn hành nghề đánh bắt cá. Đó là ông Trần Hựu. Hầu hết bà con có truyền thống nhiều đời đánh bắt cá chỉ đánh bắt vào mùa lụt, khi cá trôi từ trên nguồn về đẻ ở nà dọc bờ sông.
Nguyên nhân chính khiến h không mặn mà với nghề cũ là do nạn chích điện tràn làn khiến cả cá con cũng chết. Môi trường bị hủy diệt. Cá đã ít, lại bị đánh bắt theo kiểu tận diệt, ai còn đủ sức bám lấy nghề đánh bắt quá bấp bênh này? Hệ quả là nghề đánh bắt cá truyền thống của bà con vạn Phường Đông xưa nay chỉ còn trong ký ức mà thôi…[2]


[1] Ông Trần Tự, sinh năm 1923, ngư dân vạn Phường Đông, xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, kể.
[2] Ông Võ Khuê, sinh năm 1926 và ông Trần Tự, sinh năm 1923, cùng trú thôn Mỹ Hảo, xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, kể.