Saturday, September 17, 2011

KHIÊNG KIỆU Ở BÀ NÀ XƯA

Khi phương tiện giao thông chưa phát triển, người ta thường dùng ngựa, ghe thuyền hoặc võng, cáng, kiệu... để đi lại. Ghe, thuyền được dùng ở những vùng có nhiều sông ngòi hoặc ven bờ biển. Ngựa dũng trên đưỡng cái quan hay những con đường nối liền xã này với xã kia, huyện này với huyện khác. Nếu không có ngựa, người ta phải dùng võng, cáng, kiệu hoặc... cuốc bộ. Từ thế kì XIX về trước, đoạn đường thường sử dụng cáng có lẽ là đoạn đường qua đèo Hải Vân, nối liền hai tỉnh, thành là tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng. Thật ra, nằm trên cáng cũng chắng sướng ích gì. Ngặt nỗi trong mùa mưa bão, đi thuyền sẽ không an toàn. Sóng to, gió lớn có thể làm lật thuyền và cướp đi mạng sống. Ấy là nguyên nhân khiến vua quan hoặc những gia đình giàu có muốn qua lại giữa hai tỉnh, thành không dám liều lĩnh bước lên thuyền trong mùa mưa bão. Giải pháp tối ưu là dùng cáng, kiệu... tuy chậm mà chắc.
Không chỉ ở Hải Vân¸ đầu thế kỷ XX, khi con đường bộ lên Bà Nà chưa thông, ở Hòa Ninh nói chung và các làng An Sơn, Phước Đông, nằm ở khu vực Bà Nà, rộ lên dịch vụ khiêng những ông Tây, bà đầm lên đỉnh núi lấy tiền công. Bấy giờ, người ta khiêng bằng kiệu hoặc bằng cáng. Kiệu khác cáng ở chỗ có ghế để ngồi. Nhưng khiêng kiệu chỉ đi trên những chỗ đất bằng phẳng. Đến chân núi, chủ yếu phải đi cáng, khó có thể khiêng kiệu nổi. Riêng đi cáng, khách phải nằm. Thoạt đầu, đọan đường đi xa, từ làng An Ngãi qua Phước Đông, đến An Sơn rồi mới lên Bà Nà. Cho nên, số người tham gia khiêng đông, lên đến mấy trăm người. Nhưng, không phải ai muốn ra khiêng là khiêng ngay được. Trước tiên, họ phải đăng ký với lý trưởng các làng để lý trưởng phân theo thứ tự, có kẻ trước, người sau. Cứ thế, hết tốp này đến tốp khác, cuốn chiếu với nhau. 

KHIÊNG KIỆU Ở ĐỒ SƠN. ẢNH TƯ LIỆU

Thường thường, cách khoảng cây số, họ lập một trạm. Phu khiêng kiệu, khiêng cáng phải chờ sẵn ở trạm. Khi có khách, đúng phiên ai người nấy ra khiêng. Hoàn toàn không có sự tranh giành, cãi cọ. Nói chung, công việc rất cực nhọc, vất vả, đòi hỏi phải là người có sức có vóc. Người yếu rõ ràng không thể khiêng những ông Tây bà đầm to cao, nặng đến bảy, tám chục kg nổi! Những năm sau, khi tuyến đường từ An Ngãi vào chân núi Bà Nà đã thông thương, xe có thể chạy đến nơi thì số người khiêng kiệu, khiêng cáng giảm xuống. Lúc này, phu khiêng chủ yếu người làng An Sơn và một số làng lân cận  khác.
Xung quanh việc khiêng kiệu, cáng, có chuyện kể khá lý thú rằng ở làng An Sơn có các ông Hương Tám, ông Ba Tàu, ông Ba Tùng, ông Ba Ưa, ông Tư Cải, ông Ba Hoặc... hành nghề. Họ là những người rất khỏe, khiêng không biết mệt. Đường từ chân núi lên đỉnh dài khoảng 15 cây số mà hầu hết là những con đường nhỏ hẹp, khúc khuỷu, quanh co, nhiều chỗ dốc cao, trông rất chênh vênh. Người khiêng đầu trước, nếu đang đi lên, phải khom xuống. Ngược lại, người khiêng sau, phải nhón chân lên. Hoàn toàn không thoải mái chút nào. Đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được ít đồng  chứ chẳng chơi. Trường hợp khiêng ông Tây, bà đầm nào nặng quá, họ kêu thêm ít người để giữa đường mệt quá có kẻ thay thế. Trẻ em nhẹ hơn thì dễ rồi.
Hồi trước năm 1945, một lần, ông Hương Tám cùng một số phu khác khiêng một bà đầm người Pháp rất trẻ và đẹp. Đã thế, bà ta lại mặc váy, trông cứ lồ lộ, xem rất đã con mắt. Vốn tính hay đùa cợt, ông Hương Tám buột miệng nói oang oang "Tui bây ơi, ráng khiêng lên rồi tìm chỗ nào kín kín bọn mình làm một cái cho sướng nghe!". Cả bốn người thích chí cười ầm lên. Riêng bà đầm cứ nằm im, không tỏ thái độ gì. Nghĩ bà ta không biết tiếng Việt, họ thi nhau nói tục. Chẳng mấy chốc, đã đến nơi.
Trong lúc ông Hương Tám và ba người phu kia tranh thủ rửa tay, rửa mặt qua loa thì bà đầm vội vàng vào thì thầm điều gì đó với chồng là sĩ quan Pháp đóng trên đỉnh Bà Nà. Thế rồi, khi ông Hương Tám vào xin tiền công, tên sĩ quan lẫn bà đầm vừa xí lô xí là vừa rượt đánh bằng ba-tông và cả... guốc nữa khiến họ bỏ chạy thí mạng. Thì ra, lúc ông Hương Tám nói tục, bà ta biết nhưng sợ, im thin thít làm cả bọn tưởng lầm bà ta không rành tiếng Việt. Cho nên, chuyến ấy, ông Hương Tám bị anh em chửi cho một trận. Biết lỗi, ông nín khe. Cãi lại, nào có ích lợi gì?

Monday, September 12, 2011

CHUYỆN... CỞI TRUỒNG XƯA

Về An Bằng, một ngôi làng nhỏ thuộc xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, tôi được nghe kể chuyện.... cởi truồng. Đây là chuyện mà theo ông Lê Văn Pháp, sinh năm 1927, một trong những lão làng am hiểu lắm chuyện xưa tích cũ, đoan chắc với tôi rằng thật 100%. Đặc biệt, chung quanh chuyện ở truồng, lại có nhiều tình tiết... cười ra nước mắt. Xin ghi lại câu chuyện này, trước là để chúng ta có thể phần nào hình dung sự nghèo khổ, khốn khó của một vùng quê Quảng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sau cũng là để cho con cháu hiểu cuộc sống tươi đẹp ngày hôm nay của chúng ta bắt đầu từ đâu!

Làng An Bằng hiện nay. Ảnh Đ.Đ

Làng An Bằng xưa là một làng nghèo nằm tiếp giáp với dãy Trường Sơn hùng vĩ. Tuy diện tích khá rộng, lên đến 400 ha nhưng hầu hết là đồi núi. Người dân trong làng chủ yếu sinh sống bằng nghề hái chè thuê, đi lấy mật ong rừng, khai thác dầu rái cho chủ dầu hoặc đốn củi đốt than... Do vậy, đa phần bà con đều nghèo khổ, khốn khó trăm bề. Ăn uống thiếu thốn đã đành, áo quần nhiều gia đình cũng rách nát, mặc không đủ che, chưa nói chuyện ấm. Nhiều người vẫn còn nhớ trường hợp vợ chồng ông Thái nghèo đến mức một dạo cả hai vợ chồng chỉ có độc một cái quần. Thế nên khi ổng có việc đi mô. bả phải ở nhà đắp chiếu. Còn bả đi mô, ổng cũng phải đắp chiếu nằm. Mới biết, cái khổ của dân nghèo chẳng thời nào giống thời nào. Cũng cần nhắc lại là hồi bấy giờ, vải ta rất dễ hỏng. Ai giữ giỏi lắm cũng không quá ba tháng. Khi giặt, thậm chí người ta cũng không dám vắt, chỉ nhúng nước, lấy hai tay dập dập lại, xong giũ giũ cho ráo nước rồi phơi. Đàn ông đi làm, chủ yếu ở trần. Chỉ đi đâu, mới mặc áo.
Không chỉ vải quý, áo quần quý mà ngay cả... giẻ rách cũng quý. Bởi vì, không dễ gì có miếng giẻ rách để vá áo quần. Lấy giẻ ở đâu ra? Dân nghèo nhiều khi tìm miếng giẻ đỏ con mắt cũng không có, phải đi xin những gia đình khá giả, có của ăn của để. Cho nên, ra đường, lắm người mặc áo hở cổ, hở vai, vá chùm vá đụp. Từ chỗ nghèo quá, khó quá, người ta giữ quần áo cực kỳ thận trọng. Giữ đến mức khi đi làm, xa nơi ở, chỗ tương đối vắng vẻ, cánh đàn ông thanh niên nhà nghèo cứ... tự nhiên cởi truồng, cốt quần khỏi rách. Bấy giờ, nhiều người khi đi úp cá, nước mới lưng đầu gối thôi, cũng đã cởi quần, cứ tồng ngồng mà làm, còn quần thì bỏ vô mo cau, chẳng sợ người ta dòm ngó, xì xầm bàn tán gì cả. Nhưng, không chỉ vậy, lúc tát cá, thấy nhiều cá quá, có lúc mấy bà, mấy chị cứ ào đến xúc... tự nhiên, không ai để ý đến chuyện cánh đàn ông thanh niên đều ở truồng. Thế mới lạ!


Cảnh làng quê trước năm 1945. Ảnh Tư liệu

Nói thế để thấy rằng ở làng An Bằng, hồi trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chuyện đàn ông cởi truồng là chuyện hết sức bình thường. Chỗ vắng vẻ ở truồng đã bình thường thì khi lên núi đốn củi, đốt than, khai thác dầu rái... tất nhiên, họ đều ở truồng. Bấy giờ, An Bằng là mảnh đất lắm cọp, nhiều voi, chưa kể các loài thú dữ khác. Cho nên, khi lên núi, bà con có nhiều thứ phải kiêng kỵ. Từ đó, mới lưu truyền chuyện kể khá lý thú và hấp dẫn. Số là năm nọ, trong làng, có đôi vợ chồng kia gả con gái cho gia đình nọ. Chàng rể lại xin ở rể. Sau đám cưới, cháng rể mới theo ông gia lên rừng hành nghề.
Do biết con rể mới chân ướt chân ráo vào “sơn tràng”, tất cả moị chuyện đều bỡ ngỡ nên ông gia dặn rất kỹ. Con rể một dạ hai dạ. Sáng hôm ấy, hai cha con xuất hành. Đây là buổi “ra quân” đầu tiên của chàng rể nên theo thông lệ, phải có lễ cúng “sơn thần”, xin “người khuất mặt” cho phép vào làm ăn. Khi vào đến khe, người con rể bắc ấm, nấu nước chè rồi đem gói cơm ra, lấy rựa vót đũa, bày tất cả lên một tàng đá to, quỳ lạy, lầm rầm khấn vái. Nội dung đại khái “Hôm nay, ngày.... tháng.... năm, tui tên là....., quê quán ở.... Nay xin vào đốn củi, đốt than, kiếm miếng cơm, manh áo. Theo lệ thường, tui có chút lòng thành, xin làm mâm cơm đạm bạc, xin cô bác ai thấy nấy ăn, phù hộ cho tui vào ra thông suốt, tai qua nạn khỏi, may mắn trăm bề.. Kính cẩn.”.
Khấn xong, người con rể đợi một lát, vái lại, rồi đem cơm xuống, ăn để lấy sức đi tiếp. Đây cũng là lúc hai cha con cởi quần ra, bỏ vào mo cau, lên dốc. Cứ cha đi trước, con rể theo sau. Đi một đoạn, con rể thấy đít ông già vợ sao teo riết, mới vô tình buột miệng, hỏi “Cha ơi, răng đít cha beo riết rứa?”. Ông gia nghe đến tiếng “beo” thì sợ điếng hồn. Beo với cọp thì có gì khác?. Đã dặn kỹ, thế mà... Ông gia vừa nghĩ vừa ngoái đầu lại, trừng trừng nhìn con rể, tỏ ý không bằng lòng. Anh con rể thấy thái độ ông gia, thấy sờ sợ, mới nói tiếp, như để chữa thẹn, nhưng càng nói lại càng sai “Chi mình nói giỡn mà ổng trở mặt hùm!”. Lần này, ông gia giận lắm nhưng cũng không nói gì. Tối về, ông gia hoàn hồn, kể với gia đình “Tui về rồi mới tỉnh, hết sợ. Thú thật, sáng nay, nghe thằng rể nói nổi da gà. Ai đời nó quở đít tui beo, tui trừng mắt thì nó bảo mới giỡn chút mà tui trở mặt hùm... Nói như rứa có ngày chết như chơi!”.
Chuyện cởi truồng khi đi núi ở An Bằng thật sự chấm dứt sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Bây giờ, những người già, ít ra cũng ở lứa tuổi “thất thập cổ lai hi” mới còn nhớ và nhắc chuyện ở truồng thời xa xưa đầy khó khăn, gian khổ ấy. Và, ngay trong làng, cũng có khối người ngẫn tò te, cứ bán tín bán nghi... Nhưng, đó là chuyện thật trăm phần trăm. Mà, bấy giờ, do ai cũng ở truồng hết nên chẳng ai thấy dị, thấy ngượng[1] 


[1] Ông Lê Văn Pháp, sinh năm 1927, thôn An Bằng, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc,  tỉnh Quảng Nam, kể.

Saturday, September 3, 2011

CHUYỆN LÀNG TÂN THÁI

Làng Tân Thái thời sơ khai có tên gọi là Tân An, được lập vào năm 1740 dưới đời vua Lê Hiển Tông. Theo tài liệu cũ còn lưu lại thì quyền xã trưởng lúc ấy là ông Nguyễn Văn Ái. Bấy giờ làng Tân An thuộc tổng Hòa Mỹ, huyện Tân Phúc, phủ Điện Bàn, xứ Quảng Nam. Đến đầu thế kỷ XX, làng đổi danh xưng từ Tân An sang Tân Thái. Hiện nay, làng Tân Thái và làng Cổ Mân được nhập lại thành Phường Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

Chung quanh việc lập làng ở Mân Thái có câu chuyện kể khá lý thú và hấp dẫn. Nguyên dưới đời vua Tự Đức, ở Tân Thái có một thầy thuốc tộc Trần. Đó là ông Trần Đăng Khoa, ông trị bệnh giỏi có tiếng trong vùng.

Lúc bấy giờ, ở ngoài Huế có vợ một vị quan thượng thư đã chuyển dạ hai, ba ngày nhưng không sinh được. Thế là vị quan này lập tức gửi công văn khẩn đi các tỉnh lân cận nhờ quan địa phương tìm thầy thuốc giỏi sinh giúp.




Biết tiếng ông, quan huyện sở tại mới cho người khẩn cấp mời ra Huế. Khi ông đến nhà vị quan nọ, đã có ba ông thầy thuốc khác túc trực sẵn. Thấy ông họ liền thú thật là mình đã bó tay. Ông bình tĩnh bảo: “Mấy ông đầu hàng, để đó tui”. Dứt lời, ông bắt tay ngay vào công việc của một thầy thuốc. Quả nhiên, danh bất hư truyền, chỉ một hai tiếng đồng hồ sau, sản phụ sinh được một em bé bụ bẫm. Quan thượng thư mừng quá, giữ lại chơi vài ngày rồi thành thực bảo ông: “Chừ ông ưng chức quan chi, tui giúp cho”. Nghĩ mình đã lớn tuổi, ông Trần Đăng Khoa bèn trả lời: “Bẩm quan lớn, tui già rồi, làm quan không nổi mô. Quan lớn có lòng, xin quan lớn cho dân làng tui ít đất. Làng tui dân đông,đất ruộng lại ít. Có thêm chút đất, bà con làm ăn đỡ khổ hơn”.

Dĩ nhiên, vị quan nọ đồng ý ngay. Nhờ vậy, sau khi về được ít lâu, được vị quan kia giúp đỡ, dân làng Tân An được dân làng An Hải nhường lại hai mươi mốt mẫu chin sào mười một thước. Văn bản nhượng đất được lập dưới đời vua Tự Đức thứ 14, tức vào năm 1861.

Như vậy, nhờ thầy thuốc Trần Đăng Khoa nên vào đời Tự Đức, dân làng Tân An được thêm hơn hai mươi mẫu đất để làm ăn, sinh sống. Xuất phát từ nguyên nhân này, dân làng Tân An biết ơn dân làng An Hải. Cho nên, khi làng An Hải tế lễ, năm nào bà con dân làng Tân Thái cũng đem những sản vật mình đánh bắt được như tôm, cá… vào cúng tiền hiền làng An Hải.




Chuyện thứ hai là chuyện liên quan đến khu vực đánh bắt cá xảy ra vào khoảng những năm đầu thế kỷ XX. Nguyên thời trước, hầu hết bà con Tân Thái đều lấy nghề biển làm nghề sinh sống chính. Cũng có một số gia đình chuyên về nông nghiệp. Làm nông phải có đất ruộng, nghĩa là phải có “Điền bộ”. Còn làm biển, nhất thiết phải có “Đầm bộ”. Ngày xưa, không phải dân đánh bắt cá đánh bắt ở đâu cũng được. Cho nên, “Đầm bộ” của mỗi làng quy định khu vực dân làng có thể tự do đánh bắt. Do đó,các làng như Mỹ Khê, Phước Trường, Nam Thọ…đều có “Đầm bộ”.

Lúc bấy giờ, trong các khu vực đánh bắt cá của ngư dân Sơn Trà, đặc biệt có Vũng Úc, còn gọi là Vũng Nờm nơi có cá rất nhiều, nhất là về mùa thu, mùa đông. Bởi thế mới xảy ra việc xô xát giữa dân làm nghề biển hai làng Tân Thái và Mỹ Khê khi tranh giành khu vực đánh bắt cá này. Họ kiện lên tận huyện, tận tỉnh và vụ kiện đến triều đình Huế. Rốt cuộc, làng Tân Thái thắng kiện, “Đầm bộ” làng Tân Thái có ghi rõ khu vực đánh bắt cá của dân làng là “Con Nghê – Sơn Trà đầm – Vũng Úc” trong lúc “Đầm bộ” của làng Mỹ Khê chỉ ghi “Con Nghê – Sơn Trà đầm” mà thôi.

Tuy thắng kiện, nhưng sau này, dân làng Tân Thái vẫn cho dân làng Mỹ Khê được khai thác cá theo một số ngày nhất định ở Vũng Úc. Ngày nay, chuyện phân chia ranh giới đánh bắt cá không còn nữa, khu vực Vũng Úc đã trở thành khu dịch vụ du lịch biển. Nhưng, với lớp người cao tuổi những câu chuyện kể về tài trị bệnh của ông Trần Đăng Khoa hay chuyện xích mích, xô xát, tranh giành khu vực đánh bắt cá chỉ còn là kỷ niệm của một thời đã quá xa trong quá khứ.

Thursday, August 4, 2011

SỰ TÍCH CHỢ ĐÔNG PHÚ

Chợ Đông Phú, nay thuộc thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, gắn liền với sự tích khá lý thú. Nguyên hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ở phía trên đầu cầu sông Con có một cây si khá to. Bấy giờ, những thương nhân người Hoa buôn bán ở Hội An thường qua lại nơi đây.
Là những người có con mắt nhà nghề nên họ thấy Đông Phú là địa điểm khá lý tưởng. Bởi từ đây, họ có thể lên Quế Phong, Quế Long và nhiều làng xã khác để mua tiêu, quế, chè và nhiều mặt hàng lâm thổ sản của địa phương rồi chở xuống, tập kết hàng hoá ngay tại cây si này.

Cũng vào lúc bấy giờ, có một người tên gọi là ông Phú. Ông này chuyên bán dép gọi là dép mo cau. Dép mo cau dĩ nhiên làm bằng... mo cau nhưng quai lại bằng dây, làm như dép Nhựt. Ông này buôn bán rất lâu nên những người dân ở trên các xã phía tây Quế Sơn gần như không ai không biết. Cho nên, khi mua xong hàng hoá, thương nhân người Hoa thường thuê người Việt gánh giúp. Họ bảo với dân gánh thuê là "Cứ gánh xuống quán ông Phú đó!". Mà, người Hoa nói tiếng Việt đa phần nói không rõ. Thậm chí có người nói lơ lớ. Cho nên, lâu dần, có người lại tưởng "gánh xuống Đông Phú", thay vì "ông Phú". Danh xưng "Đông Phú" ra đời một cách rất ngẫu nhiên và buồn cười. Những năm về sau, do Đông Phú ngày càng thịnh, người qua kẻ lại nhiều nên một số Hoa kiều bèn mở tiệm thuốc Bắc. Tiếp theo, những người khác đem cái này, cái kia đến bán. Chợ Đông Phú ra đời. Nó nằm trên phần đất thuộc thôn Thuận An, thị trấn Đông Phú.

Sau ngày giải phóng, chợ Đông Phú đã di dời. Cho nên, chợ Đông Phú hiện nay không phải là chợ Đông Phú khi xưa. Và, cũng trải qua thời gian, chợ Đông Phú trở thành chợ lớn nhất trên địa bàn huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Tuesday, August 2, 2011

Ở XỨ SỞ… CHÈ XANH

Con người đã biết trồng và thưởng thức loại nước chè uống từ cây chè rất lâu, kể ra hàng ngàn năm trong lịch sử.  Ở Việt Nam từ xa xưa, đã có nhiều địa danh chè nổi tiếng như chè Thái Nguyên, chè Tuyên Quang... Riêng tại Quảng Nam, có một vùng nổi tiếng trồng chè xanh. Đó là Tiên Phước. Hơn thế nữa, chè xanh Tiên Phước là một trong những loại chè được ưa chuộng. Giữa trưa hè nóng bức hay buổi sáng tinh mơ, có một bát nước chè đậm đặc còn hôi hổi nóng, húp một ngụm thì thật thú vị biết nhường nào! Mùi vị chè tươi với những hương vị đặc biệt sẽ thấm dần qua đầu lưỡi vào trong và kích thích mọi tế bào làm ta khoan khoái vô ngần.
Từ xa xưa, chè là một trong những loại cây trồng chính của người dân trong vùng đất trung du Tiên Phước. Ở đây, người ta trồng hai loại chè là chè bộp và chè sẻ. Chè bộp lá to, năng suất cao hơn chè sẻ. Chè sẻ lá nhỏ, nhưng thơm ngon. Việc trồng chè tốn nhiều công sức. Nó đòi hỏi người trồng phải tỉ mỉ, cẩn thận trong quá trình ươm, trồng và chăm sóc cây. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch, mùa đầu, kéo dài bộ ba năm. Mỗi năm có ba mùa thu hoạch: tháng hai là mùa chính, sản lượng cao nhất. Kế đến là tháng tư và tháng tám, lá ít hơn. Khi thu hoạch, người ta chỉ cắt ngọn chứ không hái lá non. Chè vườn trồng ngay trong vườn ngày xưa rất phổ biến ở Tiên Phước. Nhà nào cũng trồng, dù ít hay nhiều. Chè trồng trên đồi gọi là chè đồi.  Nhiều gia đình trồng cả mấy ngàn cây chè, thậm chí mười mấy ngàn cây. Đặc biệt, trước năm 1945, người nổi tiếng nhiều chè nhất đất Tiên Phước là ông Nguyễn Đình Khải, còn gọi là xã Khải. Do nhiều chè, ông phải thuê người làm. Một ngày hồi ấy được trả vài lon gạo, cơm ăn ba bữa không kể.  Ông Nguyễn Đình Khải có con là Nguyễn Đình Triết từng học cùng lớp với cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Đường làng Tiên Phước. Ảnh Đ.Đ

Mùa thu hoạch chè ở Tiên Phước diễn ra nhộn nhịp khác thường. Tờ mờ sáng, người dân địa phương đã hối hả chuẩn bị cơm nước rồi ra các vườn chè, đồi chè. Bằng đôi tay khéo léo, nhanh nhẹn, những lá chè, búp chè được hái gọn, bỏ vào giỏ tre. Tiếng cười, tiếng nói râm ran. Chẳng mấy chốc đã đầy giỏ. Họ kĩu kịt gánh về nhà. Hình ảnh những đoàn người nối đuôi nhau gánh những gánh chè đầy ắp, tươi rói từ trên những ngọn đồi đi xuống, vừa đi vừa kể chuyện tiếu lâm hay chọc ghẹo lẫn nhau còn ghi dấu ấn khá đậm nét trong tâm khảm của lớp người cao tuổi trên vùng đất trung du này. Chè hái về rồi, từng gia đình lại bận rộn chế biến thành chè xanh, chè đen. Lúc này, mùi thơm của chè lan tỏa khắp thôn xóm, làng mạc. Những bát nước chè xanh đậm đà, còn hôi hổi nóng khiến họ chốc chốc dừng tay để thưởng thức hương vị thơm ngon của chè xanh đầu mùa.
Xưa, ở Tiên Phước có nhiều người Hoa lên lập nghiệp. Tiên Mỹ có Trần Hòa Bình, Tiên Cảnh có chú Mới, Tiên Hiệp có chú Kiền, chú Đáo chú Lạc. Tiên Minh có Mậu Cà, ông Bang Xiều... Tập thể người Hoa rất đoàn kết giúp đỡ nhau trong làm ăn, buôn bán.  Họ chung tiền xây dựng ngôi chùa ngũ bang có bang trưởng hẳn hoi. Đó là bang Gia Ứng, Triều Châu, Hải Nam, Phúc Kiến, Quảng Đông. Để dễ dàng kinh doanh, đa số họ lấy vợ người Việt Nam làm chỗ dựa về luật pháp thời bấy giờ. Ở Tiên Phước, ngoài việc mua quế, tiêu, họ còn kinh doanh cả chè. Ngày xưa, giữa Tam Kỳ và Tiên Phước chưa có đường nhựa. Do đó những hiệu buôn Hoa Kiều sau khi mua chè của người dân địa phương, liền đóng gói vô bao cẩn thận, rồi thuê nhân công gánh xuống quốc lộ 1 để đưa lên xe chở ra Đà Nẵng, Hội An. Người Việt lúc ấy có buôn chè nhưng đều bán lại cho đại lý người Hoa. Mỗi người quen với một hiệu buôn và mua ở đâu họ cũng đem đến chỗ quen mà bán. Nhằm tạo mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau, hàng năm, nhân ngày lễ, Tết cổ truyền, các đại lý buôn sỉ người Hoa hay biếu quà lặt vặt. Mặt khác, trong mua bán, họ tỏ ra sòng phẳng nên có uy tín, giữ được mối hàng.
Cây chè gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt của người dân Tiên Phước nói riêng, người dân xứ Quảng nói chung. Ngày xưa, chè xanh hay còn gọi là chè tươi là một loại thức uống thông dụng của mọi tầng lớp cư dân. Chè hái về, đem rửa sạch, bỏ vào ấm đun sôi. Đun thế nào để nước ngả màu xanh đậm đặc quánh, mới đúng cách. Lúc ấy, người ta rót ra bát sành, uống khi còn nong nóng. Nếu để nguội sẽ mất ngon. Buổi sáng thức dậy, rót một ấm chè thật đặc, uống lúc còn nóng rồi thong thả vấn một điếu thuốc Cẩm Lệ chính  hiệu... trở thành thói quen của các cụ già cao tuổi. Trước khi ra đồng hoặc lúc nghỉ giữa buổi, có bát nước chè xanh giải khát thì thật là tuyệt. Bạn bè thân hữu gặp nhau có chè tươi ngon, đặc biệt là chè Tiên Phước, để mở đầu câu chuyện càng làm không  khí thêm vui vẻ, chân tình. Tóm lại, người Quảng Nam có thể uống chè ở mọi nơi, mọi lúc. Ngày xưa, chè xanh được bày bán khắp nơi như tại các ngã ba, ngã tư đường đông đúc người qua kẻ lại, các khu chợ tấp nập kẻ bán người mua hoặc ở những bến đò, bến sông với hành khách nhộn nhịp lên xuống ghe thuyền... Hiện nay thú uống chè xanh dường như chỉ còn tồn tại trong lớp người cao tuổi.  Ở thành phố, thị xã, thị trấn...người ta đã có thói quen dùng trà gói, với đủ loại nhãn hiệu và kiểu dáng khác nhau.  Tuy nhiên không vì thế mà thú uống chè xanh mất hẳn đi.  Vẫn có nhiều nơi, nhiều vùng, đặc biệt ở nông thôn người ta ưa chuộng món chè xanh với hương vị đậm đà thơm ngon của nó.

Friday, July 29, 2011

NÓI LÁI Ở... QUẢNG NAM!

Trong giao lưu, sinh hoạt thường ngày, người Quảng Nam hay nói lái. Không chỉ vậy, nói lái còn đi vào dòng văn học dân gian với một số câu đố, giai thoại thú vị được lưu truyền qua nhiều đời!

Ở làng Dùi Chiêng, nay thuộc xã Quế Phước, huyện Quế Sơn, hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX có một nhân vật nổi tiếng về bắt cọp, bẫy cọp. Đó là ông Bá Doãn, tên thật là ông Phạm Doãn. Danh tiếng của ông không chỉ bó hẹp ở địa bàn Quế Sơn mà còn lan rộng ở nhiều huyện khác, nhất là những huyện miền núi, nhiều thú dữ như Đại Lộc, Tiên Phước... Ông là người giỏi nấu cao hổ cốt và làm giàu nhờ "ngón nghề" độc đáo này. Cứ ai nhờ bẫy cọp, phần công của ông chỉ là bộ xương. Bấy giờ, cọp rất nhiều nên nhà ông luôn luôn có sẵn cao hổ cốt thứ thiệt. Ông giàu lên nhanh chóng. Tuy giàu, nhưng ông nổi tiếng là người trượng nghĩa nên được dân làng yêu mến. Cũng theo tương truyền, ông giàu đến mức đủ sức xây một lúc bốn nhà lầu cho chính ông và ba đứa con trai ở ngay vùng núi heo hút này. Khi ông chết đi, nhà thơ trào phúng Tú Quỳ, danh sĩ Quảng Nam, có làm bài thơ phúng điếu ông, rằng "Ông về chín suối thôi bắt cọp/ Bỏ lại ba con bốn cái lầu". Rõ ràng, bài thơ tả thật. Thế nhưng, ông vận dụng cách nói lái rất tài tình ở ba từ cuối, tức "bốn cái lầu", khiến người Quảng ai đọc bất giác phải bật cười.

Hòn Đền, tức Núi Chúa Quế Sơn. Ảnh Đ.Đ

Trong dòng văn học dân gian thể loại hát hò khoan đối đáp ở Quảng Nam cũng để lại một số câu chuyện nói lái khá độc đáo. Chuyện kể rằng hồi trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tại xã Quế Lộc, có một cô gái khá đẹp, giỏi hát hò khoan tên là cô Sính. Bữa nọ, cô đi ngang qua làng kia, gặp đám thanh niên. Vừa thấy cô, một thanh niên liền cất cao giọng:“Hò… ớ…ơ/ Mình hết gạo ba bốn bữa ni/ Mình ních lấy sắn có chuyện chi không hỡi nàng?”. Nghe câu hát tưởng như bình thường này, cô gái giật mình, mặt đỏ rần lên. Ba chữ “ních lấy sắn” quả thật làm cô gái ngượng hết chỗ nói. Rõ ràng, người thanh niên tỏ ra rất thông minh khi khéo léo vận dụng cách nói lái của người Quảng để “bắt bí”. Tuy nhiên, vốn là người thạo hát hò khoan và cũng nhiều lần “thoát hiểm”, cô gái nghĩ ngợi trong giây lát rồi cất giọng: “Hò… ớ… ơ/ Thuốc Nam, thuốc Bắc gia vị tía tô/ Chàng lở ních lấy sắn có cứt chó khô thậm tài”. Nghe câu hát đối lại của cô gái, chàng trai cứng họng, không biết hát tiếp ra sao, đành lủi nhanh. Mà hát tiếp sao được khi anh ta bị bà “chửi” khéo là nếu đã lở “ních lấy sắn” thì phải ăn “cứt” chó khô mới… hết bệnh. Quả vỏ quýt dày có móng tay nhọn!
Còn tại làng Thu Bồn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, khoảng năm 1940, xảy ra một vụ kiện nổi đình nổi đám. Số là năm ấy, làng tổ chức đo lại diện tích đất. Do làng tham, các vị chức sắc bấy giờ muốn "ăn" bớt đất của dân nên cứ mỗi hộ đo thiếu 4 thước. Dân phẫn nộ, đồng lòng đứng lên đấu tranh, nhất tề... bỏ cấy vụ lúa năm ấy rồi cử người làm đơn lên kiện quan tổng, rồi quan huyện. Trong đó, người đứng đơn đại diện cho dân kiện là ông Võ Tùng. Thấy tình hình quá căng thẳng,  tri huyện Duy Xuyên mới đưa ông Thất Hoanh xuống đo lại ruộng đất. Ông này chặt một cây tre thật thẳng, lấy thước ngoài Huế làm chuẩn, rồi cứ thế mà đo. Lý trưởng và cả bà con thấy ông Thất Hoanh làm đúng quá, không ai có ý kiến gì. Đặc biệt, nếu người lý trưởng đo dân mất 4 tất, lần này, ông Thất Hoanh đo, dân lại lời ra đúng... 4 tất!

Thượng nguồn sông Thu Bồn. Ảnh Đ.Đ

Nhân vụ kiện này, ông Phạm Khôi, một người hay chữ trong làng đặt bài vè rằng  "Chuyên tùng, dám kiện, quấy ơi anh?/ Thức cóc giá cao ruộng bỏ đành / Ưng cắt năm sào liền một bọc/ Giựt quằn bốn thước xé đồng canh/ Đề mô sổ cấp làm cao lý/ Mực đặc đồng dân ký thuận tình". Bài vè này, ông vận dụng toàn cách nói lái "Truyền thống"  của dân Quảng Nam. Câu đầu, "Chuyên tùng, dám kiện, quấy ơi anh?". Ở đây  ý nói "Chuyên tùng" tức "Chung tiền" để đi kiện và đi kiện thì chẳng phải chuyện sai quấy gì hết. "Thức cóc giá cao ruộng bỏ đành".  "Thức cóc" tức "Thóc cức", ông muốn ám chỉ bọn cường hào làm bậy, làm những chuyện thối tha, khiến dân làng đành phải bỏ cả ruộng đất, không thể cày cấy được. Do đó, ông chửi khéo "Ưng cắt năm sào liền một bọc". "Ưng cắt"  ở đây rõ ràng ông ám chỉ bọn làm chuyện xấu ấy đều đáng "ăn cức". Đến câu "Giựt quằn bốn thước xé đồng canh" nghĩa "Giựt quằn" tức "Giặt quần", còn bốn thước xé đồng canh tức mấy ổng lấy bốn thước để mà chia nhau. "Đề mô sổ cấp làm cao lý"  tức "Đề mô" nói ngược lại là "Đồ mê", tiếng chửi khéo bọn tham lam, ngu muội mới làm chuyện bậy bạ như thế. "Mực đặc đồng dân ký thuận tình" ở đây "Mực đặc" tức "mặt đực" chỉ bọn người làm việc trái đạo lý này là những người không biết phải trái, cứ thấy lợi là làm. Thế cho nên, dân phải đồng lòng mà ký đơn đi kiện!

Tuesday, July 26, 2011

CHUYỆN MỘT NGÔI ĐỀN...

Tại thôn An Thọ, xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, có di tích khá đặc biệt. Đó là một ngôi đền nằm lọt thỏm giữa những rặng tre râm mát, hướng ra đường quốc lộ số 1. Đền không lớn, bề ngang khoảng ba mét, rộng khoảng hơn hai mét. Bên trong đền có bức trướng bằng gỗ, được sơn màu đỏ, nổi lên dòng chữ Hán màu gụ sắc sảo "Tướng quân tự", được làm từ năm "Tự Đức nhị thập tam niên, cát nguyệt nhật tạo", nghĩa là năm Tự Đức thứ 23, tức năm 1870. Như vậy, có thể ước đoán ngôi đền ra đời muộn nhất cũng vào nửa cuối thế kỷ XIX, cách nay gần 150 năm trong lịch sử!

Đền Tướng quân từ. Ảnh Đ.Đ

Như tên gọi, “Tướng quân tự” là nơi thờ một vị tướng có công với nước, với  dân. Theo lời các bậc cao niên của thôn An Thọ, tương truyền, vị tướng này họ Nhan, tên Văn Sùng, không biết là tướng của vua nào, cũng không rõ sống cụ thể vào thời nào. Tuy nhiên, xung quanh ngôi đền có giai thoại khá lý thú và hấp dẫn về vị tướng này. Giai thoại thuật lại rằng, sau khi thắng trận ở biên ải phía Nam, trên đường trở về, khi đến làng An Thọ, không biết vì lý do gì, vị tướng quân nọ đột nhiên lâm trọng bệnh và qua đời ở đây. Để tưởng nhớ công đức Ngài, dân làng bèn lập đền thờ. Là vùng quê nghèo nên ngôi đền ban đầu cũng chỉ là ngôi nhà tranh tre sơ sài nhưng cũng không kém phần trang nghiêm, trân trọng.
Từ khi có ngôi đền mang tên “Tướng quân tự”, hàng ngày, ngoài việc hương khói cho vị tướng quân, cứ đến ngày mồng năm tháng năm âm lịch hàng năm, gọi là ngày tết Đoan Ngọ, dân làng tổ chức cúng tế. Lễ vật cũng đơn giản, tuỳ vào khả năng kinh tế của từng gia đình. Nhiều thì xôi gà, ít thì nải chuối, hương đèn… Việc cúng tế diễn ra từ năm này sang năm khác. Cũng theo tương truyền, cạnh ngôi đền còn có mả voi. Nguyên, khi vị tướng quân chết, con voi nhiều năm theo ngài chinh chiến, trải qua không biết bao nhiêu trận đánh lẫy lừng, cũng chết theo. Voi cũng được chôn, gọi là mả voi. Theo các cụ già kể lại, mả voi xưa lớn lắm, to bằng cả cái nhà. Sau giải phóng vẫn còn. Đến thập niên 1980, người ta lấn dần để trồng cà, ớt…Rồi khi cải tạo đồng ruộng, người ta ủi luôn. Cho nên, bây giờ di tích mả voi coi như không còn nữa. Nhưng ngôi đền vẫn tồn tại với thời gian.
Bên trong đền. Ảnh Đ.Đ

Chuyện đền thờ “Tướng quân tự” nguyên là đền nhỏ bằng tranh tre biến thành đền có mái bằng gỗ mít khá vững chắc gắn lại liền với truyền thuyết khá ly kỳ. Người ta kể lại rằng  dưới thời Pháp thuộc, ngày nọ, ở An Thọ xuất hiện một phụ nữ đứng tuổi dẫn một người con đi trốn lính. Cả hai vào làng xin tá túc. Một bô lão thương tình, mới bảo người mẹ mua ít hương đèn vào “Tướng quân từ” khấn vái xin ở nhờ. Tiếng là ở nhờ nhưng chỉ ở một bên ngôi đền. Người mẹ nghe theo. Lúc khấn vái, bà buột miệng hứa nếu "Ngài có linh thiêng, xin hãy phù hộ hai mẹ con tai qua nạn khỏi. Nếu được, sau khi về, con nguyện sẽ không quên công ơn". Đặc biệt, trong đó, bà xin ủng hộ một giàn mái bằng gỗ mít. Ở vài ngày, một đêm, đang trong giấc ngủ, bà nghe có tiếng ai đó nói vào tai mình “Thôi, mẹ con lo về đi. Chuyện bắt bớ qua rồi..”. Bà giật mình tỉnh giấc. Giữa đêm khuya vắng lặng, chỉ có bà và con. Có lẽ đó là giấc mơ. Và, giấc mơ ấy, bà nghĩ, là vị tướng quân nọ, thương hoàn cảnh bà, nghe bà khấn vái, đã hiện về, mách bảo.
Thế cho nên, sáng hôm sau, hai mẹ con bà thu dọn đồ đạc, vội vã về lại quê nhà, tại tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng, lời hứa trước ngôi đền bà không bao giờ quên. Do đó, chỉ một thời gian ngắn sau, khi hoàn cảnh và điều kiện tài chính cho phép, bà lùng mua một giàn mái bằng gỗ mít. Tiếp đến, bà lại thuê người vận chuyển ra An Thọ, “hợp đồng” người xây dựng lại ngôi đền. Vậy là, từ tranh tre đơn sơ, giản dị, một ngôi đền mới bằng gỗ mít, tương đối chắc chắn hơn đã thành hình, tạo điều kiện cho bà con tiếp tục hương khói, tế lễ vào ngày Tết Đoan Ngọ. Tuy nhiên, đến năm 1964, trận lụt khủng khiếp năm Thìn đã tàn phá nặng nề. Ngôi đền tan hoang. Lần này, dân làng tổ chức vận động, quên góp tiền của, công sức để trùng tu. Và, đó là cũng lần trùng tu cuối cùng cho đến nay.
Và, trải qua thời gian, sự tàn phá của thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng ngôi đền nhỏ bé, khiêm tốn gần như vẫn giữ được những đường nét kiến trúc cổ, với mái lợp ngói âm dương cổ kính, ẩn mình dưới những rặng tre xanh mát, hướng ra cánh đồng làng… Hơn thế nữa,“Tướng quân tự” không chỉ là một ngôi đền mà còn là một di tích văn hóa, di tích lịch sử, mang  ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Việc lập đền, thờ phụng một vị tướng quân vì nước quên thân rõ ràng đã thể hiện đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của người dân xứ Quảng.

Friday, July 22, 2011

NGƯỜI HOA Ở TRÀ MY XƯA

Do đặc điểm về địa lý, lịch sử, Hoa kiều đến Việt Nam từ rất lâu đời. Còn ở Quảng Nam, họ tập trung đông ở đô thị cổ Hội An. Thế nhưng, Hoa kiều không chỉ tập trung ở Hội An mà còn toả đi nhiều nơi khác, kể cả mảnh đất xa xôi, ngay cả huyện Trà My xưa. Có thể nói, sau Hội An, Tiên Phước, Tam Kỳ thì Trà My là địa phương thu hút khá đông Hoa kiều lập nghiệp. Họ đến đây sinh sống bằng nhiều nghề, chủ yếu là những nghề “ruột” từ bốc thuốc Bắc chữa bệnh  đến mở hiệu tạp hoá, bán những đồ dùng cần thiết hàng ngày cho cư dân địa phương và đặc biệt nhất là kinh doanh lâm thổ sản...  

Hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, Trà My, nay chia ra làm hai huyện là Bắc Trà My và Nam Trà My, là mảnh đất có thể nói được liệt vào nơi “rừng thiêng nước độc”. Thị trấn Trà My tương đối đông đúc ngày nay trước kia nhà cửa chỉ lưa thưa, lẫn khuất sau những ngọn đồi, những đồi cây. Để cai trị vùng đất hẻo lánh này, thực dân Pháp có xây dựng một đồn gọi là đồn Trà My, có cả lính Tây lẫn lính người Việt. Tuy xa xôi, hiểm trở nhưng Trà My có sức thu hút Hoa kiều là do đây là địa phương có nguồn đặc sản quý hiếm. Đó là quế. Vỏ quế là mặt hàng xuất khẩu đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Thế cho nên, bấy giờ có đến vài hiệu buôn Hoa kiều. Lớn nhất là hiệu Phước Ký rồi đến Hồng An, Thoại An, Phước Hưng... Dĩ nhiên, mặt hàng buôn bán chính và có khả năng thu lợi nhiều nhất của nhưng hiệu buôn này là quế!

Nguoi Hoa o Cho lon xwua. Anh tu lieu

Cũng như người Hoa ở nhiều địa phương khác, người Hoa ở Trà My không trực tiếp mua quế mà thông qua “các lái”[1] người Việt sinh sống tại Trà My để làm đại lý thu mua. Hằng năm, cứ đến mùa quế, khung cảnh núi rừng Trà My lại nhộn nhịp khác thường. Điểm khởi đầu là đồng bào các dân tộc vùng trung du và vùng cao của huyện Trà My tìm các lái người Việt để tạm ứng trước đồ dùng cần thiết trong cuộc sống hàng ngày như mắm, muối, vải, nồi đồng, mâm đồng... Sau đó, khi có quế, các lái người Việt, cũng không đông lắm, độ hai ba chục người, lên tận các bản để lấy quế.
Theo tục lệ, họ không vào nhà dân mà dựng tạm trại nhỏ phía ngoài rìa làng để ăn ở trong một hai tháng theo theo thời gian ghi trong giấy phép do người Pháp ở đồn Trà My cấp. Đồng bào đem quế về bỏ ở trại của người Việt nào mà họ đã ứng trước đồ dùng. Khi thấy đủ số lượng hoặc thấy quế quá nhiều, các lái người Việt mới thuê người địa phương gùi xuống để ở nhà họ tại thị trấn Trà My. Công gùi tính riêng, cũng được trả bằng hiện vật. Việc đổi quế lấy đồ dùng giữa đồng bào các dân tộc miền núi với các lái người Kinh cứ diễn ra quanh năm, dai dẳng từ mùa này sang mùa khác, tạo thành mối quan hệ khăng khít, chặt chẽ.
Các hiệu người Hoa mua lại quế của các lái người Việt. Quế lúc này vẫn còn là quế tươi. Do đó, họ phải thuê thợ gia công, uốn quế. Mỗi hiệu, tuỳ theo số lượng quế ít nhiều mà thuê thợ. Có thể đôi ba người nhưng cũng có thể vài ba chục người. Thợ uốn quế chia làm hai loại. Loại làm tháng chiếm đa số, làm hết tháng này sang tháng khác, khi nào hết quế thì thôi. Loại làm khoán tình theo số lượng quế đã uốn mà hưởng tiền công. Thời ấy, quế uốn nhỏ hơn bây giờ. Dụng cụ uốn đơn giản chỉ ba thanh gỗ nhỏ gác dọc và tám thanh tre gác ngang. Mỗi lần phơi quế là mỗi lần uốn. Uốn thế nào để thân vỏ quế tạo thành hình số 3. Thường thì quế nhỏ uốn bốn lần, quế lớn phải năm, sáu lần. Và, cứ 100 miếng quế làm thành một kẹp. Sau khi uốn xong, các hiệu buôn người Hoa như Thuận An, Hồng An, Phước Hưng...mang trực tiếp đi Hồng Kông bán. Còn quế xô, các hãng Hồng Kông có chi nhánh ở Hội An, Đà Nẵng thu mua và chở đi. Nguồn cung cấp qiế xô là các lái buôn người Việt ở Trà My. Riêng hiệu Phước Ký cũng có kinh doanh quế xô. Được bao nhiêu, họ đều bán lại cho đại diện các hãng Hồng Kông.

Cho Da Nang. Anh tu lieu

Ngoài kinh doanh quế, mặt hàng chiến lược ở Trà My, Hoa kiều còn làm nhiều nghề khác như bốc thuốc Bắc chữa bệnh, bán các mặt hàng thiết yếu như mắm muối, các loại lương thực, thực phẩm... Có thể nói, đây là những sản phẩm họ buôn bán quanh năm, mùa mưa cũng như mùa nắng. Nhìn chung, trong kinh doanh, cũng như Hoa kiều ở các nơi khác, Hoa kiều ở Trà My luôn biết cách tạo “thương hiệu”, “uy tín” cho mình. Cụ thể, trong quá trình kinh doanh, buôn bán, bên cạnh sự khôn ngoan,  họ rất coi trọng chữ tín. Không bao giờ họ nuốt lời hứa với bất cứ ai. Và, đã hứa, họ làm cho bằng được. Làm ăn với Hoa Kiều thường thì Tết nhứt hay lễ lạc quan trọng nào đó, họ hay có quà biếu. Tuỳ theo độ đậm nhạt trong quan hệ buôn bán mà món quà “nặng” hay “nhẹ”. Đây là “nghệ thuật” giữ bạn hàng của họ. Thật ra, chút quà ấy chẳng thấm vào đâu so với món lợi họ thu cả năm trời nhưng rõ ràng, họ đã biết cách đánh vào tâm lý để bảo đảm sang năm mới, công việc kinh doanh của họ sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến hơn[2]. 
          Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ lâu dài và ác liệt, do nhiều lý do khác nhau, người Hoa lần lượt ra Đà Nẵng, đến Hội An hay vào tận Sài Gòn sinh sống. Đó là nguyên nhân khiến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng không còn bóng dáng thương nhân Hoa Kiều nói riêng hay người Hoa nói chung trên đất Trà My.
                                                          


[1] Theo lời kể của ông Trịnh Hiếu An, sinh năm 1916, ở thị trấn Trà My, huyện Trà My, nay huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam
[2] Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Khương, sinh năm 1905, ở thị trấn Trà My, huyện Trà My, nay huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam

Monday, July 18, 2011

LẬT NGƯỢC THẾ CỜ...

Hồi trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ở làng Cổ Mân, tổng An Lưu, huyện Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam, nay thuộc phường Hoà Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, có xảy ra vụ kiện về đất đai khá hi hữu. Nguyên hai làng Cổ Mân và Tùng Lâm cách nhau một con sông gọi là sông Cái. Do lũ lụt hàng năm, đất bên làng Tùng Lâm bị xói lở. Chuyện đất ven sông bên lở bên bồi là chuyện thường. Bên lở, làng Tùng Lâm, thấy cứ mỗi năm mất thêm tí đất trong khi bên kia, làng Cổ Mân, đất cứ bồi mãi, nên mới sinh chuyện.
Xưa có câu “Công sản công trưng, tư sản tư trưng”, nghĩa là cái gì thuộc sở hữu của làng, làng phải thu về cho làng. Cho nên, đất làng Tùng Lâm xói lở, lại bồi phía làng Cổ Mân. Do vậy, đất bồi của làng Cổ Mân đích thị là đất của làng Tùng Lâm. Đó là lý lẽ của dân làng Tùng Lâm khi đâm đơn đi kiện làng Cổ Mân. Thật ra, nói làng Tùng Lâm kiện nhưng thật ra là đám thân hào, nhân sĩ ở làng mới là những người khởi xướng vụ kiện tụng này. Nguyên Tùng Lâm bấy giờ có mấy người như ông Thông Chương, ông Phó Liễn làm cho Pháp. Họ có thế lực. Còn làng Cổ Mân thân cô thế cô. Người trong làng chẳng có ai làm quan cho Nam triều hay cho Pháp. Vậy nên, kiện đến đâu, dù là tổng, huyện hay tỉnh, thậm chí ra đến bộ, Cổ Mân cũng thua.
Vua Khai Dinh

Đã thua, Cổ Mân phải giao đất lại cho Tùng Lâm. Nhưng, dân làng Cổ Mân không  ai chịu, tìm mọi cách “phá đám”. Cứ đến ngày quan trên cử người đến đo đạc đất, thể nào cũng sinh chuyện. Làng cứ để đo... cả ngày. Rồi chờ đến xế chiều, thừa lúc người ghi chép sơ hở, dân làng Cổ Mân mới chạy ra, giựt lấy cuốn sổ, vọt chạy. Xung quanh chuyện giựt sổ đo đạc, lại có câu chuyện kể khá lý thú rằng bấy giờ có ông Kiều Bạn người làng Cổ Mân, làm rễ ông Tri bộ làng Tùng Lâm. Chính ông này có nhiệm vụ giữ sổ bộ làng và cũng là người đi ghi chép vào cuốn sổ nói trên. Năm ấy, sau khi được phân công “giựt sổ”, ông Kiều Bạn chờ cho cha vợ đo đạc xong, mới lại gần, bảo “Cha hút thuốc, để con mồi lửa cho!”. Ông trị bộ Tùng Lam tưởng con rễ mồi lửa như mọi khi, chẳng nghi ngờ chi. Thế là ông con rễ vừa mồi xong, liền giựt lấy cuốn sổ. Ông tri bộ la lên “Giảng, răng mi giựt sổ tao? Giảng? Mi làm chi lạ rứa? Đưa sổ đây!”. Ông con rễ vừa thưa lại vừa bỏ chạy “Phần cha là phần cha, phần con là phần con. Con là người Cổ Mân, con phải giành quyền lợi lại cho Cổ Mân!”. Ông gia kêu trời, nhưng cũng đành chịu.
Dĩ nhiên, chuyện phân công chính con rễ đi giựt sổ cũng diễn ra một lần. Lần thứ hai, không thể áp dụng vì ông gia đã cảnh giác. Cho nên, Cổ Mân phải bố trí những người khác, công phu và tỉ mỉ hơn. Thường thường, khi tiến hành đo đạc, chính quyền đương thời có cử mấy người lính đi bảo vệ. Nhưng, bảo vệ làm sao được khi dân làng Cổ Mân quyết phá. Ngay trước khi chính quyền tổ chức đo đạc, lý trưởng đã huy động đàn bà chuẩn bị một loại cây gọi là cây găng, loại cây có mắc, cất giấu ngay bờ sông, phòng khi hữu sự. Theo hiệu lệnh đã thông báo trước, ngay sau khi người được phân công giựt cuốn sổ đo đạc đã giựt xong, làng đánh trống. Tức thì, đàn bà núp sẵn ở đâu đó tất cả đều chạy ùa ra, đến ngay chỗ cất giấu cây, gậy, thủ trong tay, rồi chạy xuống đuổi viên tri bộ Tùng Lâm. Trong đó, người hăng nhất là bà giáo Thận. Thấy khí thế bừng bừng của dân làng, tri bộ, rồi cả quan lẫn lính Tây cũng hoảng sợ, vội vàng xuống tàu đã đậu sẵn mà chạy.
Và, năm nào cũng như năm nào, sự việc cứ lặp đi lặp lại, qua hai đời lý trưởng làng Cổ Mân là ông Cửu Toản và ông Kiều Đạo. Thấy chuyện đo đạc vừa phức tạp, tốn nhiều công sức những lần nào cũng biến thành công cốc, làng Tùng Lâm mới thôi, không tiến hành đo đạc nữa mà chuyển qua cắm mốc cho... chắc ăn. Gì thì gì chứ nếu Tùng Lâm cắm mốc thì Cổ Mân thua chắc. Làng mới tổ chức họp bàn cách đối phó. Trong lúc mọi người bóp trán suy nghĩ, bỗng có ai đó nhắc đến bà Hoài[1], người tộc Phạm, là vợ thứ của vua Khải Định, cha vua Bảo Đại. Tương truyền, thuở hàn vi, do gia cảnh khó khăn, bà mới ra Huế bán chè cho khách qua đường. Một lần, vua Khải Định ngang qua, thấy bà đẹp quá, bèn lấy làm thiếp. Thế là làng mới cử người ra tận Huế, tìm mọi cách gặp cho bằng được bà Hoài, trình bày đầu đuôi vụ kiện, nhờ giúp đỡ. Bà Hoài nhận lời ngay. Thông qua bà, vua Bảo Đại bèn phê vào lá đơn. Có lời phê của vua, con dấu đỏ chót, vụ kiện coi như chấm dứt. Làng Cổ Mân đã lật ngược thế cờ, từ thua trở thành thắng!



[1] Được biết, sau  cách mạng tháng tám năm 1945, bà Hoài, thiếp của vua Khải Định, có về sống ở Nam Ô. Ông Kiều Ký, sinh năm 1922, người kể lại câu chuyện, có ra thăm bà Hoài. Bà không có con.

Friday, July 15, 2011

BÔNG MIÊU HAY BỒNG MIÊU

                                        "Kể từ ngày Tây lại cửa Hàn

                     Đào sông Câu Nhí đắp đàng Bông Miêu" 

Đây là câu hát khá quen thuộc của người dân Quảng Nam, Đà Nẵng. Nó đánh dấu một sự kiện lịch sử khi thực dân Pháp đánh chiếm Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ XIX và tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa ở miền Trung nói riêng và cả nước ta nói chung. Nhưng, Bông Miêu hay Bồng Miêu ? Quảng Nam có địa danh Bông Miêu, thôn Bông Miêu, mỏ vàng Bông Miêu không ? Hay đó chỉ là sự nhầm lẫn từ địa danh Bồng Miêu ? Quả thật, vấn đề không đơn giản.

Một góc Bồng Miêu. Ảnh Đ.Đ

Trong nhiều tác phẩm, bài viết,  bài nghiên cứu, nhiều tác giả dùng "Bông Miêu" thay vì "Bồng Miêu”. Ông Nguyễn Văn Bổn trong "Văn học  dân gian  Quảng Nam - Đà Nẵng” do Sở Văn hoá Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng xuất bản năm 1983, ở trang 54, khi dẫn câu hát nói trên cũng dùng danh xưng "Bông Miêu”. Trong bài viết "Đất Quảng quê tôi” đăng trong "Quảng Nam - Đà Nẵng xưa và nay” do Nhà Xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 1996, trang 219, học giả Nguyễn Văn Xuân cũng trích câu hát ấy với cụm từ "Bông Miêu" chứ không phải "Bồng Miêu”. Gần đây nhất, trong công trình nghiên cứu có nhan đề "Tìm hiểu con người Xứ Quảng” do nhà văn Nguyên Ngọc làm chủ biên, được Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Nam ấn hành năm 2004, trang 205, các tác giả có dẫn câu:
"Kể từ ngày Tây lại Cửa Hàn
 Đào sông Câu Nhí đắp đàng Bông Miêu”
  Loại trử lỗi do nhà in, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng hầu hết các tác giả đều dùng địa danh Bông Miêu. Không chỉ tài liệu tiếng Việt, một số tài liệu tiếng Pháp hiện lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II ở thành phố Hồ Chí Minh đa phần cũng sử dụng danh xưng "Bông Miêu” thay vì "Bồng Miêu”. Tất nhiên, tiếng Pháp là thứ tiếng hầu như không có dấu. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, khi viết về địa danh ở Việt Nam, cũng không ít tài liệu viết có dấu. Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi phát hiện ít ra có đến hai tài liệu thời Pháp dùng "Bồng Miêu” thay vì "Bông Miêu”. Đó là tài liệu có nhan đề là "Tableau Faisant connaitre le mouvement de la statistique minière dans la province de Quang Nam - au Juin 1919" có số ký hiệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II là 1098 RSA/HC. Tại mục "Noms et domicile des explorateurs” (Tên và nơi ở của những nhà thăm dò) ghi "Compagnie minière de Bồng Miêu" (tức Công ty mỏ Bồng Miêu). Tài liệu thứ hai là "Lettre du Conseil Secret à M.le Résident Supérieur en Annam au sujet des décisions à prendre relativement aux mines à Quang Nam” (Tạm dịch "Thư của Hội đồng Cơ mật gửi ngài Khâm sứ Trung Kỳ về những quyết định liên quan đến mỏ ở Quảng Nam”) đề ngày 14 tháng 4 năm 1896 có số ký hiệu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II là RSA - 119 cũng viết rõ Bồng Miêu chứ không phải Bông Miêu

Dòng sông Vàng nổi tiếng ở Bồng Miêu. Ảnh Đ.Đ

Tuy nhiên, chứng cứ có sức thuyết phục nhất là những ghi chép ở tập sách "Đồng Khánh dư địa chí lược”. Trong tác phẩm "Từ điển di tích văn hoá Việt Nam” do ông Ngô Đức Thọ làm chủ biên, Nhà Xuất bản Văn Hoá xuất bản năm 2003, ở trang 111, có dẫn ra một ngôi miếu được nêu trong "Đồng Khánh dư địa chí lược" . Đó là "Bồng Miêu miếu”. Đặc biệt, các tác giả của tập sách này có viết lại Bồng Miêu miếu bằng chữ Hán. Đó là các chữ 芃苗 Chữ Bồng có bộ thảo ở trên bộ kỷ. Bên trong bộ kỷ có một nét ngang. Chữ Miêu có bộ thảo phía trên, dưới là bộ điền. Hai chữ 芃苗 chỉ có thể dịch sang tiếng Việt là Bồng Miêu, hoàn toàn không thể dịch là Bông Miêu. Từ cứ liệu ấy, chúng ta có thể khẳng định Quảng Nam chỉ có địa danh Bồng Miêu, mỏ vàng Bồng Miêu chứ không hề có địa danh Bông Miêu, mỏ vàng Bông Miêu. Hơn thế nữa, hiện vẫn còn một thôn gọi là thôn Bồng Miêu, nơi có mỏ vàng Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh, huyện mới Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Như thế, câu hát đã trích đúng ra phải sửa lại là :

"Kể từ ngày Tây lại cửa Hàn

Đào sông Câu Nhí đắp đàng Bồng Miêu” 

Wednesday, July 13, 2011

XE GIÓ LỤC BẮC…

Đến Lục Bắc, thuộc địa bàn Lục châu Hà Dục xưa, nay thuộc địa bàn các xã Đại Lãnh, Đại Hưng… huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, du khách sẽ ngỡ ngàng, thích thú khi phát hiện hình ảnh tưởng đã lùi vào quá vãng. Đó là hình ảnh những chiếc xe gió, hay còn gọi là xe nước đưa nước từ khe lên ruộng. Và, mấy ai được biết, sự ra đời của xe gió Lục Bắc nói riêng và vùng Lục châu Hà Dục gắn liền với câu chuyện kể khá lý thú…
Thời trước, cũng như nhiều vùng khác ở Quảng Nam, người dân địa phương vùng Lục Châu Hà Dục, sống về nghề nông. Tuy nhiên, do chưa có công trình thuỷ lợi, họ chủ yếu nhờ nước trời, năng suất bấp bênh. Năm được mùa, mỗi sào chỉ mươi ang lúa. Năm mất, chỉ vài ba ang. Thế nên, đời sống người dân rất cơ cực. Trước thực trạng ấy, có thể nói, sự xuất hiện của xe gió, một loại xe hoàn toàn làm bằng thủ công, có khả năng đưa nước từ dưới sông, dưới suối lên đồng ruộng, là một cuộc “cách mạng” trong sản xuất nông nghiệp thời bấy giờ. Và, người có công đưa xe gió về Lục Bắc là ông Quách Đại Thụ[1]. Tương truyền, vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, một lần ông đi chơi, tình cờ phát hiện ở vùng hạ lưu sông Vu Gia, bà con đã biết chế tạo xe gió. Thấy hay quá, ông mới lặn lội đến làng Thanh Đơn, nay thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, rước ông Hứa Thiệu và ông Hương Lưỡng, về làng Hà Dục Tây, làm xe gió. Là thợ cả, ông Hứa Thiệu, ông Hương Lưỡng đứng ra nhận thầu, rồi kêu thợ, chủ yếu thanh niên trai tráng trong làng, những người có sức khoẻ, lên rừng đốn gỗ, chặt mây... Các ông vừa hướng dẫn, vừa trực tiếp làm xe gió. Đầu tiên, ông Quách Đại Thụ thuê họ làm xe gió lấy nước tưới ruộng của ông và ruộng của bà con gần đó. Ngay mùa đầu tiên, nhờ có xe gió, năng suất lúa tăng lên gấp hai, gấp ba lần so với trước.

Xe gió lục Bắc. Ảnh Đ.Đ

Thế là một đồn mười, mười dồn trăm, đến mùa sau, những hộ có khả năng, tiền của thi nhau làm xe gió. Thời kỳ cao điểm, vào những năm 1960 trở về trước, cả vùng Đại Lãnh có không dưới ba, bón chục xe gió, cả loại xe lớn đưa nước từ sông Vu Gia lên và cả xe nhỏ đưa nước từ sông con, rồi nước từ khe lên đồng ruộng. Xe gió đưa nước từ sông cái lên, loại to nhất có 8 bánh, thông thường 4 bánh, hay 3 bánh. Xe gió ở sông con chủ yếu 2 bánh. Xe gió đặt ở các khe, suối, đường kính nhỏ, chỉ một bánh. Xe gió khi làm xong, coi như nước “trường lưu”, tức lúc nào cũng có nước đổ vào đồng ruộng. Thợ cả, thợ phụ làm xong, nhận một cục tiền coi như... xong nhiệm vụ, hoàn tất hợp đồng. Công làm xe gió tính theo lúa. Xe nhỏ khoán vài chục ang. Xe lớn có khi khoán cả trăm ang. Bên cạnh lúa, còn có tiền mặt, ít nhiều tuỳ theo thoả thuận của hai bên.
Sau khi hoàn thành, chạy thử, đạt yêu cầu, chủ xe gió trả tiền theo hợp đồng rồi phải thuê hai người: một người giữ xe và người kia làm tri đề. Người gữ xe có nhiệm vụ hàng ngày phải chăm sóc xe. Mùa lụt lội, phải tính nếu lụt lớn, phải báo với chủ kêu thêm người tháo xe ra, đem cất vào chỗ cao. Hết lụt, tiến hành lắp xe lại. Riêng anh tri đề có nhiệm vụ bảo dưỡng kênh mương, đưa nước vào từng đám ruộng. Về dân, ai lấy nuớc từ xe gió nào, đến mùa, phải trả lúa cho chủ xe gió đó. Thông thuờng, họ phải nộp 30% tổng sản lượng thu hoạch. Hễ thu hoạch đám ruộng nào, thợ cũng gặt hết, sắp sẵn trên bờ. Khi xong xuôi, chủ điền và chủ xe gió đều có mặt, cứ 10 bó, chủ điền cắt ra 3 bó cho chủ xe gió. Cứ đếm cho đến khi hết mới thôi. Thợ gặt phải gánh về cho chủ. Trong tổng số lúa thu hoạch được, chủ xe gió phải chi nhiều thứ, nhất là chi cho việc bảo dưỡng xe, tức mua tre, gỗ... thay thế những bộ phận hư hỏng. Rồi chi 10% cho người giữ xe và 5% cho anh tri đề. Còn lại phần chủ xe gió. Nhiều hay ít tuỳ vào chiếc xe ấy có mấy bánh, to hay nhỏ, tưới được bao nhiêu thửa ruộng.



Phong cảnh vùng quê xưa. Ảnh tư liệu
 

Từ chủ xe gió đầu tiên ở vùng Lục Bắc và cũng là người có nhiều xe gió nhất hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là ông Quách Đại Thụ. Kế đến là con ông, ông Quách Thái. Họ cũng là những gia đình giàu nức tiếng vùng Hà Dục xưa. Không chỉ gia đình họ Quách, Lục Bắc cũng xuất hiện hàng chục chủ xe gió như ông Xã Thao, ông Cửu Thoan, ông Hội Lầu, ông Hội Thơ, ông Cửu Phiếu, ông Hương Nha và cả ông... Hứa Thiệu, nguyên là thợ cả chế tạo xe gió đầu tiên ở Lục Bắc. Đặc biệt, ông Hứa Thiệu làm xe gió, chủ xe gió và cũng là người... chết vì xe gió. Nguyên năm ấy, có xảy ra trận lụt khá lớn. Do chủ quan, chưa tháo xe gió kịp nên nó bị nước lũ cuốn trôi. Tiếc của, ông mới boơ ghe, xuoi theo sông Vu Gia, xem thử xe gió tấp chỗ nào. Không ngờ, nước chảy xiết, ghe bị lật, ông trôi theo dòng nước. Người ta bảo, có khi ông... sinh nghề tử nghiệp. Cũng theo tương truyền, vào thời kỳ cao điểm của xe gió, vũng Đại Lãnh có không dưới ba mươi xe, cả lớn và nhỏ.
Có một câu chuyện người dân vùng Hà Dục nhớ mãi là hồi kháng chiến chống Mỹ, phát hiện chiếc xe gió không động cơ nhưng cứ chạy bất kể ngày đêm, lại đưa nước lên đồng ruộng, bọn Mỹ thấy lạ quá, mới đem máy ảnh lên chụp lại. Nhưng, đó cũng là thời kỳ máy nước dần dần thay thế xe gió. Sau ngày giải phóng, do khó khăn chung, hợp tác xã chủ trương làm lại xe gió. Nhiều bờ xe gió được phục hồi và phát triển. Hiện nay, máy bơm hoàn toàn thay thế xe gió. Tuy nhiên, ở nhiều thửa ruộng các công trình thuỷ lợi không thể vươn đến, người dân vẫn tiếp tục dùng xe gió, chủ yếu là những chiếc xe gió một bánh, nhỏ, còn gọi là xe khe, xe suối, chủ yếu đưa nước dưới các khe, suối lên tưới đôi ba sào ruộng. Có thể nói, đó là những chiếc xe gió cuối cùng còn sót lại trên vùng đất nổi tiếng với những chiếc xe gió đã đi vào... lịch sử này!



[1] Theo gia phả tộc Quách ở Hà Dục, ông Quách Đại Thụ sinh năm 1862 và mất năm 1942. Ông này nhà giàu, có một lúc đến... 5 bà vợ!