Wednesday, July 17, 2013

AN THANH, CHUYỆN XƯA TÍCH CŨ…



1.Làng An Thanh, nay thuộc xã Điện Thắng Bắc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có nhiều xứ đất như Thanh Loa xứ, Thanh Ly xứ, Bàu Đưng xứ, Gò An xứ... Gọi là gọi thế thôi nhưng ranh giới giữa xứ đất này và xứ đất kia còn mù mờ lắm. Thế cho nên chuyện lấn chiếm đất giữa làng này với làng khác không phải không xảy ra. An Thanh cũng không là ngoại lệ. Và, trong ký ức của lớp người cao tuổi trong làng còn lưu truyền chuyện kể rằng danh xưng Gò An xứ, thật ra là Gò Gian, tức gò... ăn gian mà ra! Nguyên gò này ngày trước thuộc làng Thanh Tú. Dân làng Thanh Quýt đông, thấy gò này hoang vắng quá, toàn là cây với cối, dân làng Thanh Tú mấy khi dòm ngó đến nên lợi dụng cơ hội, họ cứ “xách” cột mốc lấn dần. Cứ mỗi năm lấn một ít, theo kiểu “kiến tha lâu đầy tổ”. Dân Thanh Tú tức lắm. Nhưng dân Thanh Quýt đông, đánh không lại, đành chịu, mới gọi là “Gò Gian”. Đó là họ nói kháy. Chứ danh chính ngôn thuận người ta vẫn gọi là Gò An. Nghĩa là mong muốn sao cho mọi người ai cũng an cư lạc nghiệp. Mới hay, ngay chuyện danh xưng một vùng đất đều có nguyên do của nó. Tìm hiểu cặn kẽ, có khi là một câu chuyện xưa chất chứa những tầng sâu văn hóa.
Còn Bàu Đưng xứ là ruộng, nơi người dân trồng lúa. Sở dĩ có tên “Bàu Đưng” vì vào mùa mưa, nước cứ đầy lần, đầy lần mà không chảy. Mưa nhiều quá, xảy ra nạn lụt. Nhưng về mùa nắng, nước khô cạn. Bàu Đưng rất rộng. Xem ra, Bàu Đưng tuy gọi là bàu nhưng không đúng nghĩa là bàu. Vì nó rộng quá. Còn một cái bàu khác lớn hơn là Bàu Nậy. Bàu này cũng rất rộng. Mùa mưa, nước mênh mông. Dân làng chuyên câu cá, đánh bắt cá ở Bàu Nậy chủ yếu bằng đó. Giống như Bàu Đưng, về mùa nắng, Bàu Nậy cạn nước. Người dân cấy lúa trên bàu. Hễ tháng tư cấy thì tháng bảy gặt. Thời gian còn lại, dân làng lại đánh bắt cá, kiếm thêm thu nhập, chí ít cũng cải thiện bữa cơm gia đình.

2.Ngoài hai bàu, An Thanh còn một cái lạch. Xưa, người ta gọi là Lạch Ông Lịnh. Lịnh là tên của một ông ở tộc Lê Tất làng An Thanh. Tính từ đời ông Lê Tất Lịnh xuống đời ông Lê Tất Lữ, sinh năm 1924, cũng đã 4 đời. Ông này giữ “bộ”, tức giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu lạch của làng. Không biết vì sao, ông Lịnh lại làm mất “bộ”. Thế nên khi biết được, dân làng Thanh Quýt mới nhân cơ hội đi kiện. Trước khi kiện, họ âm thầm lấy một tảng đá, làm dấu cẩn thậm, rồi thả xuống lạch. Khi ra công đường, hai bên không ai có bằng chứng gì cả. Quan bối rối. Bí quá, quan mới hỏi “Các ngươi nói lạch của mình, rứa ta hỏi các ngươi biết dưới lạch có cái chi không?”. Dân làng Thanh Quýt bảo đưới lạch có cục đá rất to, to như cái lu. Quan cho kiểm tra thì đúng y như vậy, mới xử cho Thanh Quýt thắng. Từ đó, lạch mang tên là lạch Thanh Quýt. Chuyện kiện tụng lạch Thanh Quýt, còn gọi là lạch Lịnh, rồi chuyện Gò An, hay Gò Gian, tương truyền xảy ra từ lâu lắm rồi. Muộn nhất cũng vào nửa cuối thế kỷ XIX. Cho nên, chuyện đúng sai, phải trái, thật ra, khó mà xác định nổi.
3.Cũng theo tương truyền, thời kỳ Ông Ích Khiêm chống Tây, trong làng có ông Nguyễn Vĩnh Trinh vận động thanh niên trai tráng gia nhập nghĩa quân. Khi thua trận, họ bèn hái dừa thả trôi trên biển để Pháp tưởng người, bắn cho... hết đạn. Rồi chuyện ăn trộm. Xưa, đói khổ nhiều nên ăn trộm cũng nhiều, y như câu nói củng ông bà “Bần cùng sinh đạo tặc”. Trong đó, đối tượng bị trộm viếng thăm nhiều nhất là... bà góa. Tất nhiên thôi. Gia đình không có đàn ông, trộm ít sợ hơn là có đàn ông. Bấy giờ, nhà thường làm bằng vách phên tre hay vách đất. Nhà giàu mới đủ sức lợp ngói, vách vôi. Vách bằng vôi, chỉ có nước... đào ngạch. Nhưng, dù đào ngạch hay vạch vách phên, vách đất, tên trộm nào cũng đem theo cái nồi đất. Sau khi đào hay vạch để có chỗ chui vào, trộm không vào ngay mà... đưa cái nồi đất vào trước nhằm thăm dò. Bọn trộm nghĩ rằng, nếu gia chủ thức, trong đêm tối, mắt nhắm mắt mở, sẽ tưởng nối đất là đầu tên ăn trộm. Đưa lần một, không thấy gì, têm trôm chưa vào ngay mà đưa tiếp lần thứ hai, lại im re, đến khi ấy, tên trộm chắc mẫm gia chủ đã ngủ say, liền chui đầu vào thật. 

Nghè đan lát ở An Thanh nay chỉ còn là ký ức. Ảnh Đ.Đ

Chỉ chờ có vậy, gia chủ đã chờ sẵn, dùng rựa hay gậy khõ vào đầu. Tên trộm đau quá, la thất thanh, ôm đầu máu mà chạy. May mà gia chủ còn nhẹ tay. Nếu không, chẳng có thuốc tiên gì cứu mạng nổi. Ấy là trường hợp khá đặc biệt. Còn nói chung, đã đi ăn trộm, phải nhanh tay, lẹ mắt, thường thì kẻ trộm nắm thế chủ động trước. Bấy giờ, dân thường để cối đá sau hè. Nhiều tên trộm cả gan... khiêng cả cối đá mà đi. Chiều hôm qua, cối đá còn mà sáng dậy, nó biến đi đâu mất tiêu. Đành chịu, biết đường nào mà lần. Cũng lắm lúc, chủ thức giấc, phát hiện ra trộm, rượt theo. Có điều, mấy tên trộm này rất ranh ma. Trước khi vào ngõ, nó đặt gai tre giữa đường. Hễ gia chủ đuổi theo, thế nào cũng bị gai đâm, phải chùn chân. Thế là nó chạy thoát. Nhưng, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, làng cũng có nhiều ông hung dữ có tiếng, như ông Nguyễn Vĩnh Xương, phát hiện nhà bị trộm heo, không thèm đuổi, cứ ra ngoài đường đứng chờ, tay cầm đòn gánh. Khi mấy thằng trộm khiêng heo, lấy đòn gánh phang thẳng khiến chúng bỏ heo, co giò chạy trối chết[1]!



[1] Ông Lê Tất Lữ, sinh năm 1924, làng An Thanh, xã Điện Thắng Bắc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, kể.