Saturday, September 17, 2011

KHIÊNG KIỆU Ở BÀ NÀ XƯA

Khi phương tiện giao thông chưa phát triển, người ta thường dùng ngựa, ghe thuyền hoặc võng, cáng, kiệu... để đi lại. Ghe, thuyền được dùng ở những vùng có nhiều sông ngòi hoặc ven bờ biển. Ngựa dũng trên đưỡng cái quan hay những con đường nối liền xã này với xã kia, huyện này với huyện khác. Nếu không có ngựa, người ta phải dùng võng, cáng, kiệu hoặc... cuốc bộ. Từ thế kì XIX về trước, đoạn đường thường sử dụng cáng có lẽ là đoạn đường qua đèo Hải Vân, nối liền hai tỉnh, thành là tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng. Thật ra, nằm trên cáng cũng chắng sướng ích gì. Ngặt nỗi trong mùa mưa bão, đi thuyền sẽ không an toàn. Sóng to, gió lớn có thể làm lật thuyền và cướp đi mạng sống. Ấy là nguyên nhân khiến vua quan hoặc những gia đình giàu có muốn qua lại giữa hai tỉnh, thành không dám liều lĩnh bước lên thuyền trong mùa mưa bão. Giải pháp tối ưu là dùng cáng, kiệu... tuy chậm mà chắc.
Không chỉ ở Hải Vân¸ đầu thế kỷ XX, khi con đường bộ lên Bà Nà chưa thông, ở Hòa Ninh nói chung và các làng An Sơn, Phước Đông, nằm ở khu vực Bà Nà, rộ lên dịch vụ khiêng những ông Tây, bà đầm lên đỉnh núi lấy tiền công. Bấy giờ, người ta khiêng bằng kiệu hoặc bằng cáng. Kiệu khác cáng ở chỗ có ghế để ngồi. Nhưng khiêng kiệu chỉ đi trên những chỗ đất bằng phẳng. Đến chân núi, chủ yếu phải đi cáng, khó có thể khiêng kiệu nổi. Riêng đi cáng, khách phải nằm. Thoạt đầu, đọan đường đi xa, từ làng An Ngãi qua Phước Đông, đến An Sơn rồi mới lên Bà Nà. Cho nên, số người tham gia khiêng đông, lên đến mấy trăm người. Nhưng, không phải ai muốn ra khiêng là khiêng ngay được. Trước tiên, họ phải đăng ký với lý trưởng các làng để lý trưởng phân theo thứ tự, có kẻ trước, người sau. Cứ thế, hết tốp này đến tốp khác, cuốn chiếu với nhau. 

KHIÊNG KIỆU Ở ĐỒ SƠN. ẢNH TƯ LIỆU

Thường thường, cách khoảng cây số, họ lập một trạm. Phu khiêng kiệu, khiêng cáng phải chờ sẵn ở trạm. Khi có khách, đúng phiên ai người nấy ra khiêng. Hoàn toàn không có sự tranh giành, cãi cọ. Nói chung, công việc rất cực nhọc, vất vả, đòi hỏi phải là người có sức có vóc. Người yếu rõ ràng không thể khiêng những ông Tây bà đầm to cao, nặng đến bảy, tám chục kg nổi! Những năm sau, khi tuyến đường từ An Ngãi vào chân núi Bà Nà đã thông thương, xe có thể chạy đến nơi thì số người khiêng kiệu, khiêng cáng giảm xuống. Lúc này, phu khiêng chủ yếu người làng An Sơn và một số làng lân cận  khác.
Xung quanh việc khiêng kiệu, cáng, có chuyện kể khá lý thú rằng ở làng An Sơn có các ông Hương Tám, ông Ba Tàu, ông Ba Tùng, ông Ba Ưa, ông Tư Cải, ông Ba Hoặc... hành nghề. Họ là những người rất khỏe, khiêng không biết mệt. Đường từ chân núi lên đỉnh dài khoảng 15 cây số mà hầu hết là những con đường nhỏ hẹp, khúc khuỷu, quanh co, nhiều chỗ dốc cao, trông rất chênh vênh. Người khiêng đầu trước, nếu đang đi lên, phải khom xuống. Ngược lại, người khiêng sau, phải nhón chân lên. Hoàn toàn không thoải mái chút nào. Đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được ít đồng  chứ chẳng chơi. Trường hợp khiêng ông Tây, bà đầm nào nặng quá, họ kêu thêm ít người để giữa đường mệt quá có kẻ thay thế. Trẻ em nhẹ hơn thì dễ rồi.
Hồi trước năm 1945, một lần, ông Hương Tám cùng một số phu khác khiêng một bà đầm người Pháp rất trẻ và đẹp. Đã thế, bà ta lại mặc váy, trông cứ lồ lộ, xem rất đã con mắt. Vốn tính hay đùa cợt, ông Hương Tám buột miệng nói oang oang "Tui bây ơi, ráng khiêng lên rồi tìm chỗ nào kín kín bọn mình làm một cái cho sướng nghe!". Cả bốn người thích chí cười ầm lên. Riêng bà đầm cứ nằm im, không tỏ thái độ gì. Nghĩ bà ta không biết tiếng Việt, họ thi nhau nói tục. Chẳng mấy chốc, đã đến nơi.
Trong lúc ông Hương Tám và ba người phu kia tranh thủ rửa tay, rửa mặt qua loa thì bà đầm vội vàng vào thì thầm điều gì đó với chồng là sĩ quan Pháp đóng trên đỉnh Bà Nà. Thế rồi, khi ông Hương Tám vào xin tiền công, tên sĩ quan lẫn bà đầm vừa xí lô xí là vừa rượt đánh bằng ba-tông và cả... guốc nữa khiến họ bỏ chạy thí mạng. Thì ra, lúc ông Hương Tám nói tục, bà ta biết nhưng sợ, im thin thít làm cả bọn tưởng lầm bà ta không rành tiếng Việt. Cho nên, chuyến ấy, ông Hương Tám bị anh em chửi cho một trận. Biết lỗi, ông nín khe. Cãi lại, nào có ích lợi gì?

Monday, September 12, 2011

CHUYỆN... CỞI TRUỒNG XƯA

Về An Bằng, một ngôi làng nhỏ thuộc xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, tôi được nghe kể chuyện.... cởi truồng. Đây là chuyện mà theo ông Lê Văn Pháp, sinh năm 1927, một trong những lão làng am hiểu lắm chuyện xưa tích cũ, đoan chắc với tôi rằng thật 100%. Đặc biệt, chung quanh chuyện ở truồng, lại có nhiều tình tiết... cười ra nước mắt. Xin ghi lại câu chuyện này, trước là để chúng ta có thể phần nào hình dung sự nghèo khổ, khốn khó của một vùng quê Quảng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sau cũng là để cho con cháu hiểu cuộc sống tươi đẹp ngày hôm nay của chúng ta bắt đầu từ đâu!

Làng An Bằng hiện nay. Ảnh Đ.Đ

Làng An Bằng xưa là một làng nghèo nằm tiếp giáp với dãy Trường Sơn hùng vĩ. Tuy diện tích khá rộng, lên đến 400 ha nhưng hầu hết là đồi núi. Người dân trong làng chủ yếu sinh sống bằng nghề hái chè thuê, đi lấy mật ong rừng, khai thác dầu rái cho chủ dầu hoặc đốn củi đốt than... Do vậy, đa phần bà con đều nghèo khổ, khốn khó trăm bề. Ăn uống thiếu thốn đã đành, áo quần nhiều gia đình cũng rách nát, mặc không đủ che, chưa nói chuyện ấm. Nhiều người vẫn còn nhớ trường hợp vợ chồng ông Thái nghèo đến mức một dạo cả hai vợ chồng chỉ có độc một cái quần. Thế nên khi ổng có việc đi mô. bả phải ở nhà đắp chiếu. Còn bả đi mô, ổng cũng phải đắp chiếu nằm. Mới biết, cái khổ của dân nghèo chẳng thời nào giống thời nào. Cũng cần nhắc lại là hồi bấy giờ, vải ta rất dễ hỏng. Ai giữ giỏi lắm cũng không quá ba tháng. Khi giặt, thậm chí người ta cũng không dám vắt, chỉ nhúng nước, lấy hai tay dập dập lại, xong giũ giũ cho ráo nước rồi phơi. Đàn ông đi làm, chủ yếu ở trần. Chỉ đi đâu, mới mặc áo.
Không chỉ vải quý, áo quần quý mà ngay cả... giẻ rách cũng quý. Bởi vì, không dễ gì có miếng giẻ rách để vá áo quần. Lấy giẻ ở đâu ra? Dân nghèo nhiều khi tìm miếng giẻ đỏ con mắt cũng không có, phải đi xin những gia đình khá giả, có của ăn của để. Cho nên, ra đường, lắm người mặc áo hở cổ, hở vai, vá chùm vá đụp. Từ chỗ nghèo quá, khó quá, người ta giữ quần áo cực kỳ thận trọng. Giữ đến mức khi đi làm, xa nơi ở, chỗ tương đối vắng vẻ, cánh đàn ông thanh niên nhà nghèo cứ... tự nhiên cởi truồng, cốt quần khỏi rách. Bấy giờ, nhiều người khi đi úp cá, nước mới lưng đầu gối thôi, cũng đã cởi quần, cứ tồng ngồng mà làm, còn quần thì bỏ vô mo cau, chẳng sợ người ta dòm ngó, xì xầm bàn tán gì cả. Nhưng, không chỉ vậy, lúc tát cá, thấy nhiều cá quá, có lúc mấy bà, mấy chị cứ ào đến xúc... tự nhiên, không ai để ý đến chuyện cánh đàn ông thanh niên đều ở truồng. Thế mới lạ!


Cảnh làng quê trước năm 1945. Ảnh Tư liệu

Nói thế để thấy rằng ở làng An Bằng, hồi trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chuyện đàn ông cởi truồng là chuyện hết sức bình thường. Chỗ vắng vẻ ở truồng đã bình thường thì khi lên núi đốn củi, đốt than, khai thác dầu rái... tất nhiên, họ đều ở truồng. Bấy giờ, An Bằng là mảnh đất lắm cọp, nhiều voi, chưa kể các loài thú dữ khác. Cho nên, khi lên núi, bà con có nhiều thứ phải kiêng kỵ. Từ đó, mới lưu truyền chuyện kể khá lý thú và hấp dẫn. Số là năm nọ, trong làng, có đôi vợ chồng kia gả con gái cho gia đình nọ. Chàng rể lại xin ở rể. Sau đám cưới, cháng rể mới theo ông gia lên rừng hành nghề.
Do biết con rể mới chân ướt chân ráo vào “sơn tràng”, tất cả moị chuyện đều bỡ ngỡ nên ông gia dặn rất kỹ. Con rể một dạ hai dạ. Sáng hôm ấy, hai cha con xuất hành. Đây là buổi “ra quân” đầu tiên của chàng rể nên theo thông lệ, phải có lễ cúng “sơn thần”, xin “người khuất mặt” cho phép vào làm ăn. Khi vào đến khe, người con rể bắc ấm, nấu nước chè rồi đem gói cơm ra, lấy rựa vót đũa, bày tất cả lên một tàng đá to, quỳ lạy, lầm rầm khấn vái. Nội dung đại khái “Hôm nay, ngày.... tháng.... năm, tui tên là....., quê quán ở.... Nay xin vào đốn củi, đốt than, kiếm miếng cơm, manh áo. Theo lệ thường, tui có chút lòng thành, xin làm mâm cơm đạm bạc, xin cô bác ai thấy nấy ăn, phù hộ cho tui vào ra thông suốt, tai qua nạn khỏi, may mắn trăm bề.. Kính cẩn.”.
Khấn xong, người con rể đợi một lát, vái lại, rồi đem cơm xuống, ăn để lấy sức đi tiếp. Đây cũng là lúc hai cha con cởi quần ra, bỏ vào mo cau, lên dốc. Cứ cha đi trước, con rể theo sau. Đi một đoạn, con rể thấy đít ông già vợ sao teo riết, mới vô tình buột miệng, hỏi “Cha ơi, răng đít cha beo riết rứa?”. Ông gia nghe đến tiếng “beo” thì sợ điếng hồn. Beo với cọp thì có gì khác?. Đã dặn kỹ, thế mà... Ông gia vừa nghĩ vừa ngoái đầu lại, trừng trừng nhìn con rể, tỏ ý không bằng lòng. Anh con rể thấy thái độ ông gia, thấy sờ sợ, mới nói tiếp, như để chữa thẹn, nhưng càng nói lại càng sai “Chi mình nói giỡn mà ổng trở mặt hùm!”. Lần này, ông gia giận lắm nhưng cũng không nói gì. Tối về, ông gia hoàn hồn, kể với gia đình “Tui về rồi mới tỉnh, hết sợ. Thú thật, sáng nay, nghe thằng rể nói nổi da gà. Ai đời nó quở đít tui beo, tui trừng mắt thì nó bảo mới giỡn chút mà tui trở mặt hùm... Nói như rứa có ngày chết như chơi!”.
Chuyện cởi truồng khi đi núi ở An Bằng thật sự chấm dứt sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Bây giờ, những người già, ít ra cũng ở lứa tuổi “thất thập cổ lai hi” mới còn nhớ và nhắc chuyện ở truồng thời xa xưa đầy khó khăn, gian khổ ấy. Và, ngay trong làng, cũng có khối người ngẫn tò te, cứ bán tín bán nghi... Nhưng, đó là chuyện thật trăm phần trăm. Mà, bấy giờ, do ai cũng ở truồng hết nên chẳng ai thấy dị, thấy ngượng[1] 


[1] Ông Lê Văn Pháp, sinh năm 1927, thôn An Bằng, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc,  tỉnh Quảng Nam, kể.

Saturday, September 3, 2011

CHUYỆN LÀNG TÂN THÁI

Làng Tân Thái thời sơ khai có tên gọi là Tân An, được lập vào năm 1740 dưới đời vua Lê Hiển Tông. Theo tài liệu cũ còn lưu lại thì quyền xã trưởng lúc ấy là ông Nguyễn Văn Ái. Bấy giờ làng Tân An thuộc tổng Hòa Mỹ, huyện Tân Phúc, phủ Điện Bàn, xứ Quảng Nam. Đến đầu thế kỷ XX, làng đổi danh xưng từ Tân An sang Tân Thái. Hiện nay, làng Tân Thái và làng Cổ Mân được nhập lại thành Phường Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

Chung quanh việc lập làng ở Mân Thái có câu chuyện kể khá lý thú và hấp dẫn. Nguyên dưới đời vua Tự Đức, ở Tân Thái có một thầy thuốc tộc Trần. Đó là ông Trần Đăng Khoa, ông trị bệnh giỏi có tiếng trong vùng.

Lúc bấy giờ, ở ngoài Huế có vợ một vị quan thượng thư đã chuyển dạ hai, ba ngày nhưng không sinh được. Thế là vị quan này lập tức gửi công văn khẩn đi các tỉnh lân cận nhờ quan địa phương tìm thầy thuốc giỏi sinh giúp.




Biết tiếng ông, quan huyện sở tại mới cho người khẩn cấp mời ra Huế. Khi ông đến nhà vị quan nọ, đã có ba ông thầy thuốc khác túc trực sẵn. Thấy ông họ liền thú thật là mình đã bó tay. Ông bình tĩnh bảo: “Mấy ông đầu hàng, để đó tui”. Dứt lời, ông bắt tay ngay vào công việc của một thầy thuốc. Quả nhiên, danh bất hư truyền, chỉ một hai tiếng đồng hồ sau, sản phụ sinh được một em bé bụ bẫm. Quan thượng thư mừng quá, giữ lại chơi vài ngày rồi thành thực bảo ông: “Chừ ông ưng chức quan chi, tui giúp cho”. Nghĩ mình đã lớn tuổi, ông Trần Đăng Khoa bèn trả lời: “Bẩm quan lớn, tui già rồi, làm quan không nổi mô. Quan lớn có lòng, xin quan lớn cho dân làng tui ít đất. Làng tui dân đông,đất ruộng lại ít. Có thêm chút đất, bà con làm ăn đỡ khổ hơn”.

Dĩ nhiên, vị quan nọ đồng ý ngay. Nhờ vậy, sau khi về được ít lâu, được vị quan kia giúp đỡ, dân làng Tân An được dân làng An Hải nhường lại hai mươi mốt mẫu chin sào mười một thước. Văn bản nhượng đất được lập dưới đời vua Tự Đức thứ 14, tức vào năm 1861.

Như vậy, nhờ thầy thuốc Trần Đăng Khoa nên vào đời Tự Đức, dân làng Tân An được thêm hơn hai mươi mẫu đất để làm ăn, sinh sống. Xuất phát từ nguyên nhân này, dân làng Tân An biết ơn dân làng An Hải. Cho nên, khi làng An Hải tế lễ, năm nào bà con dân làng Tân Thái cũng đem những sản vật mình đánh bắt được như tôm, cá… vào cúng tiền hiền làng An Hải.




Chuyện thứ hai là chuyện liên quan đến khu vực đánh bắt cá xảy ra vào khoảng những năm đầu thế kỷ XX. Nguyên thời trước, hầu hết bà con Tân Thái đều lấy nghề biển làm nghề sinh sống chính. Cũng có một số gia đình chuyên về nông nghiệp. Làm nông phải có đất ruộng, nghĩa là phải có “Điền bộ”. Còn làm biển, nhất thiết phải có “Đầm bộ”. Ngày xưa, không phải dân đánh bắt cá đánh bắt ở đâu cũng được. Cho nên, “Đầm bộ” của mỗi làng quy định khu vực dân làng có thể tự do đánh bắt. Do đó,các làng như Mỹ Khê, Phước Trường, Nam Thọ…đều có “Đầm bộ”.

Lúc bấy giờ, trong các khu vực đánh bắt cá của ngư dân Sơn Trà, đặc biệt có Vũng Úc, còn gọi là Vũng Nờm nơi có cá rất nhiều, nhất là về mùa thu, mùa đông. Bởi thế mới xảy ra việc xô xát giữa dân làm nghề biển hai làng Tân Thái và Mỹ Khê khi tranh giành khu vực đánh bắt cá này. Họ kiện lên tận huyện, tận tỉnh và vụ kiện đến triều đình Huế. Rốt cuộc, làng Tân Thái thắng kiện, “Đầm bộ” làng Tân Thái có ghi rõ khu vực đánh bắt cá của dân làng là “Con Nghê – Sơn Trà đầm – Vũng Úc” trong lúc “Đầm bộ” của làng Mỹ Khê chỉ ghi “Con Nghê – Sơn Trà đầm” mà thôi.

Tuy thắng kiện, nhưng sau này, dân làng Tân Thái vẫn cho dân làng Mỹ Khê được khai thác cá theo một số ngày nhất định ở Vũng Úc. Ngày nay, chuyện phân chia ranh giới đánh bắt cá không còn nữa, khu vực Vũng Úc đã trở thành khu dịch vụ du lịch biển. Nhưng, với lớp người cao tuổi những câu chuyện kể về tài trị bệnh của ông Trần Đăng Khoa hay chuyện xích mích, xô xát, tranh giành khu vực đánh bắt cá chỉ còn là kỷ niệm của một thời đã quá xa trong quá khứ.