Saturday, September 17, 2011

KHIÊNG KIỆU Ở BÀ NÀ XƯA

Khi phương tiện giao thông chưa phát triển, người ta thường dùng ngựa, ghe thuyền hoặc võng, cáng, kiệu... để đi lại. Ghe, thuyền được dùng ở những vùng có nhiều sông ngòi hoặc ven bờ biển. Ngựa dũng trên đưỡng cái quan hay những con đường nối liền xã này với xã kia, huyện này với huyện khác. Nếu không có ngựa, người ta phải dùng võng, cáng, kiệu hoặc... cuốc bộ. Từ thế kì XIX về trước, đoạn đường thường sử dụng cáng có lẽ là đoạn đường qua đèo Hải Vân, nối liền hai tỉnh, thành là tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng. Thật ra, nằm trên cáng cũng chắng sướng ích gì. Ngặt nỗi trong mùa mưa bão, đi thuyền sẽ không an toàn. Sóng to, gió lớn có thể làm lật thuyền và cướp đi mạng sống. Ấy là nguyên nhân khiến vua quan hoặc những gia đình giàu có muốn qua lại giữa hai tỉnh, thành không dám liều lĩnh bước lên thuyền trong mùa mưa bão. Giải pháp tối ưu là dùng cáng, kiệu... tuy chậm mà chắc.
Không chỉ ở Hải Vân¸ đầu thế kỷ XX, khi con đường bộ lên Bà Nà chưa thông, ở Hòa Ninh nói chung và các làng An Sơn, Phước Đông, nằm ở khu vực Bà Nà, rộ lên dịch vụ khiêng những ông Tây, bà đầm lên đỉnh núi lấy tiền công. Bấy giờ, người ta khiêng bằng kiệu hoặc bằng cáng. Kiệu khác cáng ở chỗ có ghế để ngồi. Nhưng khiêng kiệu chỉ đi trên những chỗ đất bằng phẳng. Đến chân núi, chủ yếu phải đi cáng, khó có thể khiêng kiệu nổi. Riêng đi cáng, khách phải nằm. Thoạt đầu, đọan đường đi xa, từ làng An Ngãi qua Phước Đông, đến An Sơn rồi mới lên Bà Nà. Cho nên, số người tham gia khiêng đông, lên đến mấy trăm người. Nhưng, không phải ai muốn ra khiêng là khiêng ngay được. Trước tiên, họ phải đăng ký với lý trưởng các làng để lý trưởng phân theo thứ tự, có kẻ trước, người sau. Cứ thế, hết tốp này đến tốp khác, cuốn chiếu với nhau. 

KHIÊNG KIỆU Ở ĐỒ SƠN. ẢNH TƯ LIỆU

Thường thường, cách khoảng cây số, họ lập một trạm. Phu khiêng kiệu, khiêng cáng phải chờ sẵn ở trạm. Khi có khách, đúng phiên ai người nấy ra khiêng. Hoàn toàn không có sự tranh giành, cãi cọ. Nói chung, công việc rất cực nhọc, vất vả, đòi hỏi phải là người có sức có vóc. Người yếu rõ ràng không thể khiêng những ông Tây bà đầm to cao, nặng đến bảy, tám chục kg nổi! Những năm sau, khi tuyến đường từ An Ngãi vào chân núi Bà Nà đã thông thương, xe có thể chạy đến nơi thì số người khiêng kiệu, khiêng cáng giảm xuống. Lúc này, phu khiêng chủ yếu người làng An Sơn và một số làng lân cận  khác.
Xung quanh việc khiêng kiệu, cáng, có chuyện kể khá lý thú rằng ở làng An Sơn có các ông Hương Tám, ông Ba Tàu, ông Ba Tùng, ông Ba Ưa, ông Tư Cải, ông Ba Hoặc... hành nghề. Họ là những người rất khỏe, khiêng không biết mệt. Đường từ chân núi lên đỉnh dài khoảng 15 cây số mà hầu hết là những con đường nhỏ hẹp, khúc khuỷu, quanh co, nhiều chỗ dốc cao, trông rất chênh vênh. Người khiêng đầu trước, nếu đang đi lên, phải khom xuống. Ngược lại, người khiêng sau, phải nhón chân lên. Hoàn toàn không thoải mái chút nào. Đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được ít đồng  chứ chẳng chơi. Trường hợp khiêng ông Tây, bà đầm nào nặng quá, họ kêu thêm ít người để giữa đường mệt quá có kẻ thay thế. Trẻ em nhẹ hơn thì dễ rồi.
Hồi trước năm 1945, một lần, ông Hương Tám cùng một số phu khác khiêng một bà đầm người Pháp rất trẻ và đẹp. Đã thế, bà ta lại mặc váy, trông cứ lồ lộ, xem rất đã con mắt. Vốn tính hay đùa cợt, ông Hương Tám buột miệng nói oang oang "Tui bây ơi, ráng khiêng lên rồi tìm chỗ nào kín kín bọn mình làm một cái cho sướng nghe!". Cả bốn người thích chí cười ầm lên. Riêng bà đầm cứ nằm im, không tỏ thái độ gì. Nghĩ bà ta không biết tiếng Việt, họ thi nhau nói tục. Chẳng mấy chốc, đã đến nơi.
Trong lúc ông Hương Tám và ba người phu kia tranh thủ rửa tay, rửa mặt qua loa thì bà đầm vội vàng vào thì thầm điều gì đó với chồng là sĩ quan Pháp đóng trên đỉnh Bà Nà. Thế rồi, khi ông Hương Tám vào xin tiền công, tên sĩ quan lẫn bà đầm vừa xí lô xí là vừa rượt đánh bằng ba-tông và cả... guốc nữa khiến họ bỏ chạy thí mạng. Thì ra, lúc ông Hương Tám nói tục, bà ta biết nhưng sợ, im thin thít làm cả bọn tưởng lầm bà ta không rành tiếng Việt. Cho nên, chuyến ấy, ông Hương Tám bị anh em chửi cho một trận. Biết lỗi, ông nín khe. Cãi lại, nào có ích lợi gì?

No comments: