Tuesday, September 3, 2013

KIỆN ĐÒI… NƯỚC

Túy Loan hay Thúy Loan tuy hai mà một. Danh xưng Thúy Loan xuất hiện trong “Ô châu cận lục” của Dương Văn An hồi giữa thế kỷ XV. Lúc bấy giờ, Thúy Loan là một trong 66 xã của huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong, Thuận Hóa. Còn Túy Loan từ Thúy Loan đọc trại mà ra. Ngày nay, Túy Loan trở thành địa danh chính thức thay vì Thúy Loan. Theo truyền thuyết, vào thời Lê Thánh Tông, đã có 5 tộc tiền hiền là Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê đến khai phá đất đai, khởi đầu sự nghiệp. Nhờ có vị trí thuận lợi, là giao điểm giữa đường thuỷ và đường bộ, Tuý Loan dần dần phát triển. Trong đó, chợ Tuý Loan mấy mươi năm về trước quy tụ hầu hết sản vật quanh vùng, từ lâm sản ở miền Tây xuống đến cá mắm từ Hội An, Đà Nẵng lên, chiếu nón, nong rổ Cẩm Nê, Yến Nê qua... Dân gian có câu: “Tuý Loan trăm thứ,trăm ngon/ Vừa vừa cái miệng kẻo chồng con hết nhờ”. Tuy nhiên, cũng vào thời xa xưa ấy, làng Túy Loan xảy ra vụ kiện khá hy hữu, kiện về… nguồn nước tưới đồng ruộng.

Chuyện kể rằng, ngay từ thời đi mở cõi ấy, khi đến Túy Loan lập nghiệp, các tộc họ làng Túy Loan không ngại khó khăn, ra sức khẩn hoang, từng bước biến vùng đầm lầy hoang vu, đầy thú dữ thành đồng ruộng. Kết quả, qua hàng chục năm cật lực chiến đấu với thiên nhiên khắc nghiệt, các tộc họ tiền hiền ở Túy Loan đã khai phá tổng cộng hơn hai trăm mười mấy mẫu. Có thể nói, số đất ruộng ấy hầu hết là đất ruộng tốt, là những cánh đồng phì nhiêu, rất thích hợp để trồng lúa. Đặc biệt, cũng lúc bấy giờ, họ mới nhận ra rằng tuy đất đai màu mỡ nhưng lại không có nguồn nước tại chỗ để đưa vào đồng ruộng. Người nhà nông, với quan niệm “nước- phân- cần- giống” thì nước chiếm vị trí đầu tiên. Vốn có tầm nhìn xa trông rộng, bà con bèn cử người lên tân vùng Ô Rây, nơi đầu nguồn Đồng Nghệ, đứng bộ tổng cộng bảy chục mẫu. Gọi đứng bộ, tức làm chủ sở hữu bảy chục mẫu, nhưng họ chẳng khai phá gì. Mục đích của bà con là để tạo nguồn nước dẫn về tưới dẫn đồng ruộng. Bởi, nếu mai đây trồng lúa mà không có nguồn nước, cứ chờ nước trời thì thất bại là điều không thể tránh khỏi.

Đình làng Túy Loan. Ảnh Đ.Đ

Thế rồi, những năm về sau, ở làng Cẩm Toại, không biết nguyên nhân từ đâu, có một phụ nữ trong làng lại đứng ra làm chủ một khe nước tự chảy về Cẩm Toại. Khe nước này tự trên nguồn chảy qua các làng Dương Lâm, Khương Mỹ, An Tân… trước khi đổ về Cẩm Toại. Đã làm chủ, dĩ nhiên, đất hai bên khe nước do bà này đứng bộ, tức đứng chủ sở hữu. Pháp luật bấy giờ dĩ nhiên bảo vệ quyền sở hữu của bà. Nói gì thì nói, với dân làng Cẩm Toại, bà trở thành ân nhân vì đã có công đưa nước về đồng ruộng. Lúa có lên xanh tốt, một phần cũng nhờ có nước của bà. Không những Cẩm Toại, dân các làng kế bên như Khương Mỹ, An Tân muốn có nước dẫn vào ruộng lúa, đành phải xin nguồn nước của bà. Họ không thể ngang nhiên lấy nước từ khe nước nói trên. Tất nhiên thôi. Chuyện này rất rành mạch, rõ ràng. Tự tiện lấy nước, bà ta kiện thì chết. Đã vướng vào vòng lao lý, lại khi thua, còn phải bồi thường này nọ, đâu phải chuyện dễ, muốn là làm, là lấy, không nghĩ đến luật lệ. Quan cũng khó lòng đổi trắng thay đen, biến không thành có, có thành không, được. Ông bà có câu “Phép vua thua lệ làng”. Đụng đến làng xã, chuyện đâu phải chuyện đùa. Kiện tổng không xong, lắm người kiện lên huyện, lên phủ, rồi lên tỉnh.

Dân làng Túy Loan thấy vậy, mới điều tra nguồn gốc của khe nước này. Họ cử người cứ đi dần, đi dần ngược khe nước. Thử xem nguồn nước ấy ở đâu mà ra. Chuyện cũng dễ như trở bàn tay. Cho nên, cuối cùng, họ cũng đạt được mục đích. Hóa ra, nguồn nước ấy chẳng đâu xa lạ mà nước từ Ô Rây chảy ra. “Nước của làng mình mà”. Họ reo lên, mừng rỡ. “Nước của làng mình, răng mình không được hưởng?”. Họ bảo nhau. Cũng chính đây là nơi dân làng Túy Loan đã đứng bộ bảy mươi mẫu đất. Nước mưa, nước từ trên cứ thế tụ lại ở bảy mươi mẫu đất của làng Túy Loan trước khi chảy về Cẩm Toại qua khe nước của người phụ nữ kia. Thế cho nên, sau khi nắm chắc được nguồn gốc, dân làng mới đâm đơn kiện, đòi được chia “nước” từ khe nước này. Lý do chính họ đưa ra là rõ ràng nguồn nước của họ, do họ, tức làng Túy Loan, làm chủ sở hữu, vậy thì hà cớ gì họ không được hưởng lợi? Vậy là xảy ra vụ kiện khá hy hữu giữa dân làng Túy Loan và người phụ nữ làm chủ khe nước ở làng Cẩm Toại.

Giữa chốn quan đường, không thể nói không không, phải có chứng cứ. Do đó, mỗi bên kiên và bên bị kiện đều đem sổ bộ ra làm chứng. Bà chủ khe nước đem sổ bộ ra trình quan trên thì làng Túy Loan cũng trưng sổ bộ để quan đồng thời xem xét. Trên giấy trắng mực đen, quan xem xét kỹ, thấy dân làng Túy Loan kiện đúng, kiện có cơ sở, mới phán quyết cho dân Túy Loan thắng kiện. Bên bị kiện thua kiện. Vậy là bà chủ khe nước ở Cẩm Toại phải để cho dân làng Túy Loan được quyền lấy nước tự chảy từ khe nước của mình. Vụ kiện, có thể nói “kết thúc” trong hòa bình vì bà ở Cẩm Toại rốt cuộc cũng thấy dân làng Túy Loan kiện có lý. Hơn thế nữa, Cẩm Toại và Túy Loan đâu có xa lạ gì cho cam, cũng gần gũi, hàng xóm láng giềng cả, thôi thì… giúp nhau trong chuyện làm ăn, sinh sống cũng là điều nên làm và cần làm[1].




[1] Ông Đặng Khôi, sinh năm 1933 và ông Đặng Kỳ, sinh năm 1930, làng Túy Loan, kể

Wednesday, July 17, 2013

AN THANH, CHUYỆN XƯA TÍCH CŨ…



1.Làng An Thanh, nay thuộc xã Điện Thắng Bắc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có nhiều xứ đất như Thanh Loa xứ, Thanh Ly xứ, Bàu Đưng xứ, Gò An xứ... Gọi là gọi thế thôi nhưng ranh giới giữa xứ đất này và xứ đất kia còn mù mờ lắm. Thế cho nên chuyện lấn chiếm đất giữa làng này với làng khác không phải không xảy ra. An Thanh cũng không là ngoại lệ. Và, trong ký ức của lớp người cao tuổi trong làng còn lưu truyền chuyện kể rằng danh xưng Gò An xứ, thật ra là Gò Gian, tức gò... ăn gian mà ra! Nguyên gò này ngày trước thuộc làng Thanh Tú. Dân làng Thanh Quýt đông, thấy gò này hoang vắng quá, toàn là cây với cối, dân làng Thanh Tú mấy khi dòm ngó đến nên lợi dụng cơ hội, họ cứ “xách” cột mốc lấn dần. Cứ mỗi năm lấn một ít, theo kiểu “kiến tha lâu đầy tổ”. Dân Thanh Tú tức lắm. Nhưng dân Thanh Quýt đông, đánh không lại, đành chịu, mới gọi là “Gò Gian”. Đó là họ nói kháy. Chứ danh chính ngôn thuận người ta vẫn gọi là Gò An. Nghĩa là mong muốn sao cho mọi người ai cũng an cư lạc nghiệp. Mới hay, ngay chuyện danh xưng một vùng đất đều có nguyên do của nó. Tìm hiểu cặn kẽ, có khi là một câu chuyện xưa chất chứa những tầng sâu văn hóa.
Còn Bàu Đưng xứ là ruộng, nơi người dân trồng lúa. Sở dĩ có tên “Bàu Đưng” vì vào mùa mưa, nước cứ đầy lần, đầy lần mà không chảy. Mưa nhiều quá, xảy ra nạn lụt. Nhưng về mùa nắng, nước khô cạn. Bàu Đưng rất rộng. Xem ra, Bàu Đưng tuy gọi là bàu nhưng không đúng nghĩa là bàu. Vì nó rộng quá. Còn một cái bàu khác lớn hơn là Bàu Nậy. Bàu này cũng rất rộng. Mùa mưa, nước mênh mông. Dân làng chuyên câu cá, đánh bắt cá ở Bàu Nậy chủ yếu bằng đó. Giống như Bàu Đưng, về mùa nắng, Bàu Nậy cạn nước. Người dân cấy lúa trên bàu. Hễ tháng tư cấy thì tháng bảy gặt. Thời gian còn lại, dân làng lại đánh bắt cá, kiếm thêm thu nhập, chí ít cũng cải thiện bữa cơm gia đình.

2.Ngoài hai bàu, An Thanh còn một cái lạch. Xưa, người ta gọi là Lạch Ông Lịnh. Lịnh là tên của một ông ở tộc Lê Tất làng An Thanh. Tính từ đời ông Lê Tất Lịnh xuống đời ông Lê Tất Lữ, sinh năm 1924, cũng đã 4 đời. Ông này giữ “bộ”, tức giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu lạch của làng. Không biết vì sao, ông Lịnh lại làm mất “bộ”. Thế nên khi biết được, dân làng Thanh Quýt mới nhân cơ hội đi kiện. Trước khi kiện, họ âm thầm lấy một tảng đá, làm dấu cẩn thậm, rồi thả xuống lạch. Khi ra công đường, hai bên không ai có bằng chứng gì cả. Quan bối rối. Bí quá, quan mới hỏi “Các ngươi nói lạch của mình, rứa ta hỏi các ngươi biết dưới lạch có cái chi không?”. Dân làng Thanh Quýt bảo đưới lạch có cục đá rất to, to như cái lu. Quan cho kiểm tra thì đúng y như vậy, mới xử cho Thanh Quýt thắng. Từ đó, lạch mang tên là lạch Thanh Quýt. Chuyện kiện tụng lạch Thanh Quýt, còn gọi là lạch Lịnh, rồi chuyện Gò An, hay Gò Gian, tương truyền xảy ra từ lâu lắm rồi. Muộn nhất cũng vào nửa cuối thế kỷ XIX. Cho nên, chuyện đúng sai, phải trái, thật ra, khó mà xác định nổi.
3.Cũng theo tương truyền, thời kỳ Ông Ích Khiêm chống Tây, trong làng có ông Nguyễn Vĩnh Trinh vận động thanh niên trai tráng gia nhập nghĩa quân. Khi thua trận, họ bèn hái dừa thả trôi trên biển để Pháp tưởng người, bắn cho... hết đạn. Rồi chuyện ăn trộm. Xưa, đói khổ nhiều nên ăn trộm cũng nhiều, y như câu nói củng ông bà “Bần cùng sinh đạo tặc”. Trong đó, đối tượng bị trộm viếng thăm nhiều nhất là... bà góa. Tất nhiên thôi. Gia đình không có đàn ông, trộm ít sợ hơn là có đàn ông. Bấy giờ, nhà thường làm bằng vách phên tre hay vách đất. Nhà giàu mới đủ sức lợp ngói, vách vôi. Vách bằng vôi, chỉ có nước... đào ngạch. Nhưng, dù đào ngạch hay vạch vách phên, vách đất, tên trộm nào cũng đem theo cái nồi đất. Sau khi đào hay vạch để có chỗ chui vào, trộm không vào ngay mà... đưa cái nồi đất vào trước nhằm thăm dò. Bọn trộm nghĩ rằng, nếu gia chủ thức, trong đêm tối, mắt nhắm mắt mở, sẽ tưởng nối đất là đầu tên ăn trộm. Đưa lần một, không thấy gì, têm trôm chưa vào ngay mà đưa tiếp lần thứ hai, lại im re, đến khi ấy, tên trộm chắc mẫm gia chủ đã ngủ say, liền chui đầu vào thật. 

Nghè đan lát ở An Thanh nay chỉ còn là ký ức. Ảnh Đ.Đ

Chỉ chờ có vậy, gia chủ đã chờ sẵn, dùng rựa hay gậy khõ vào đầu. Tên trộm đau quá, la thất thanh, ôm đầu máu mà chạy. May mà gia chủ còn nhẹ tay. Nếu không, chẳng có thuốc tiên gì cứu mạng nổi. Ấy là trường hợp khá đặc biệt. Còn nói chung, đã đi ăn trộm, phải nhanh tay, lẹ mắt, thường thì kẻ trộm nắm thế chủ động trước. Bấy giờ, dân thường để cối đá sau hè. Nhiều tên trộm cả gan... khiêng cả cối đá mà đi. Chiều hôm qua, cối đá còn mà sáng dậy, nó biến đi đâu mất tiêu. Đành chịu, biết đường nào mà lần. Cũng lắm lúc, chủ thức giấc, phát hiện ra trộm, rượt theo. Có điều, mấy tên trộm này rất ranh ma. Trước khi vào ngõ, nó đặt gai tre giữa đường. Hễ gia chủ đuổi theo, thế nào cũng bị gai đâm, phải chùn chân. Thế là nó chạy thoát. Nhưng, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, làng cũng có nhiều ông hung dữ có tiếng, như ông Nguyễn Vĩnh Xương, phát hiện nhà bị trộm heo, không thèm đuổi, cứ ra ngoài đường đứng chờ, tay cầm đòn gánh. Khi mấy thằng trộm khiêng heo, lấy đòn gánh phang thẳng khiến chúng bỏ heo, co giò chạy trối chết[1]!



[1] Ông Lê Tất Lữ, sinh năm 1924, làng An Thanh, xã Điện Thắng Bắc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, kể.

Saturday, June 15, 2013

XÓM BÚN GIÁNG NAM

1- Tại làng Giáng Nam, nay thuộc xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, mấy chục năm về trước, có nghề thủ công truyền thống. Đó là nghề làm bún. Những người hành nghề này tập trung ở một xóm nhỏ có tên dân dã là xóm Bún Giáng Nam. Trong quá trình hình thành và phát triển, xóm Bún có thời kỳ thịnh đạt với hàng chục hộ hành nghề. Sản phẩm làm ra cũng nhiều. Tuy nhiên, không ai biết nghề làm bún ở Giáng Nam xuất hiện từ bao giờ. Có một chi tiết đáng suy ngẫm. Hồi nửa cuối thế kỷ XIX, đất làng Nhân Thọ rộng nhưng ít người ở. Ở Quá Giáng, đất lại chật, người lại đông.  Trước tình hình ấy, một số bà con Quá Giáng qua Nhơn Thọ mua đất. Người này mua được, người kia cũng mua được. Riết rồi một phần đất làng Nhơn Thọ tiếp giáp với Quá Giáng toàn là người Quá Giáng ở. Thế cho nên, xóm Bún xưa, nay thuộc thôn Giáng Nam, xã Hòa Phước, là đất làng Nhơn Thọ. Và, hầu hết những người sinh sống ở xóm Bún là những gia đình nghèo, đất ruộng ít. Đất ở là đất mua, lấy đâu ra nhiều đất? Nguyên nhân rất đơn giản, dân Nhơn Thọ bán đất. Nhưng họ chỉ bán đất để ở. Riêng đất làm ruộng, trồng hoa màu, nhưng đất xấu, họ mới bán với giả rẻ. Đất tốt, giá đắt, dân nghèo làng Quá Giáng lấy tiền đâu để mua? Thế là họ có mua thì cũng mua đất xấu, không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, vì những loại đất này hầu hết đều nhờ nước trời. Nhiều năm han hán, mất trắng, đói mờ mắt.

Ông bà nói, đói thì đầu gối phải bò. Vậy nên họ chuyển qua nghề làm bún, dù biết rằng nghề đòi hỏi phải thức khuya dậy sớm, vất vả không kể xiết. Theo các bậc cao niên của làng, xóm Bún Giáng Nam hình thành muộn nhất cũng vào nửa cuối thế kỷ XIX, cách nay hơn 150 năm trong lịch sử. Nhưng, cũng như nhiều làng nghề khác, lúc ấy, xóm nghề còn tản mạn, manh mún. Cả xóm chỉ có rải rác đôi ba nhà hành nghề. Đến đầu thế kỷ XX, cả làng có 5 gia đình làm bún, gồm gia đình các ông Lữ Bàng, Phan Do, Phan Lọ, Phan Miền và ông Tương[1]. Và, cũng thật tự nhiên, đến đầu những năm 1930, nghề làm bún có bước phát triển. Chuyện dễ hiểu. Người dân trong làng thấy những gia đình làm bún có thể sống được, có đồng ra đồng vào, mới bắt chước làm theo. Đó là chưa kể con cái những gia đình làm bún, sau khi lập gia đình, nối nghiệp cha mẹ. Nhờ vậy, bấy giờ, cả xóm có hơn 15 gia đình hành nghề. Đến thời kỳ cực thịnh, từ đầu thập niên 1940 đến những năm 1960, số gia đình làm bún lên đến 40 gia đình. Trong số đó, có khoảng một nửa hành nghề có tính chất chuyên nghiệp. Hầu hết họ không có đất ruộng, phải lấy nghề này làm kế sinh nhai. Đó là gia đình các ông Sĩ, ông Sa, ông Lê, ông Phụng… Số còn lại vừa làm bún, vừa làm nông. Họ chỉ làm bún lúc nông nhàn, mùa màng rảnh rỗi. Nhưng, dù là bún chuyên hay không chuyên, thường thường, mỗi gia đình mỗi ngày cũng chỉ đủ sức làm chừng 30 đến 40 lon gạo. Thảng hoặc, khi nhà nào có đám giỗ hay kỵ chạp, đặt trước, họ mới làm thêm.

Ông Lê Sau, sinh năm 1930, làng Giàng Nam. Ảnh Đ.Đ

3- Làm bún xưa rất cực vì tất cả các khâu đều làm bằng tay, đều sử dụng lực của cơ bắp là chính. Thế cho nên, hễ gia đình nào làm bún thì gia đình, con cái phải quần quật cả ngày lẫn đêm. Cứ tối đổ gạo vào ngâm. Khoảng 1 giờ sáng, các mẹ, các chị phải thức dậy, vuốt gạo để cho ráo. Sau đó, ăn uống qua loa rồi gánh bộ gánh bún nặng ì đi bán. Người ở nhà, thường là đàn ông, sáng hôm ấy đổ gạo vào cối xay bằng tay. Cối tốt, xay một lần là nhuyễn. Cối cũ, phải xay lần thứ hai. Xay xong, họ đổ nước bột vào bọc vải. Phía ngoài bọc có khung đan bằng tre để giữ bọc không bị đổ. Sau đó, chặn cục đá lên trên. Nước từ trong bọc rỉ ra. Cuối cùng, trong bọc chỉ còn bột nhão. Lấy bột nhão ra lăn thành từng quả tròn tròn, bằng trái dừa, gọi là quả “bột”. Tiếp theo, bỏ quả “bột” vào nồi nước sôi cho chín lớp vỏ ngoài rồi đem “ủ”, để một, hai ngày mới làm, bún mới ngon. Thường mỗi ang gạo làm khoảng 3 quả “bột”. Nếu 40 lon thì 4 quả. Khi xong việc, cũng đã 10 đến 11 giờ. Đó cũng là lúc bà vợ bán bún đã về. Cơm trưa xong, khoảng 1 giờ chiều, vợ chồng lại bắt tay vào làm bún.
Lúc này, họ lấy những quả “bột” đã ủ cách đó hai ngày, bỏ từng quả vào cối mà quết. Cứ vợ một chày, chồng một chày. Quết khoảng 15 phút, thế nào cho tan lớp “da” ở ngoài thì được. Quết không tan lớp “da” ngoài, khi vặn, bột sẽ mắc, không xuống được. Quết xong, bỏ vào chậu nhồi khoảng 15 phút. Khi nhồi, đổ thêm một lượng nước nhất định vào. Sau đó, lấy tay bốc chút bột để bột nhỏ xuống chậu. Theo kinh nghiệm, bột nhỏ từ từ là được. Công đoạn tiếp theo, đổ thứ bột đã nhồi đó vào túi vải có gắn khuôn gồm nhiều lỗ nhỏ ở dưới, rồi vặn lần xuống, làm sao để bột trong túi bị dồn ép phải chui qua lỗ, chảy thành sợi xuống nồi nước đang sôi. Một người đã chờ sẵn, lấy gáo dừa múc tí nước lạnh, đợi khi bún nổi lên, tạt sơ qua, lật con bún lại cho bún chín đều, rồi dùng vợt vớt ra, bỏ vào chậu gần bên. Bún lúc này đang nóng nên họ phải chế thêm chút nước lạnh để bùn nguội bớt. Sau đó, họ mới bắt bún bằng tay thành từng lớp mỏng cho đẹp. Bún ngon là loại bún không có vị chua, sợi trắng và không đục.

Chiếc cối xay bột. Ảnh Đ.Đ

4- Có thể nói, công việc của những gia đình làm bún gần như “khép kín”, giờ nào việc nấy, không có thời gian rảnh rỗi. Những năm 1954 trở về trước, khi chưa có tuyến xe đò chạy ra Đà Nẵng, họ phải gánh bộ. Theo thông lệ, một giờ sáng họ dậy, ăn uống qua loa, rồi gánh gánh bún nặng ì, rủ nhau hàng chục người, nhắm Đà Nẵng mà đi. Trời nắng ráo còn dễ, trời mưa dầm, đường trơn trượt, sơ ý một chút có thể té ngã, cực nhọc không kể xiết. Khi đến Đà Nẵng, có người vào các chợ bán. Nhưng phần đông đi bán dạo. Mệt mỏi mấy đi nữa cũng gánh gánh bún rảo quanh các làng, bán cho hết mới về. Đặc biệt, do bán bún phải gánh bộ gần như liên tục, đòi hỏi phải có sức nên hồi ấy, hầu hết đàn ông đi, còn phụ nữ ở nhà lo chuyện bếp núc. Sau này, khi tuyến đường Hòa Châu – Đà Nẵng có xe đò, phụ nữ đi bán nhiều hơn nam giới. Số người bán dạo cũng ít đi. Đa số họ bán ở các chợ như chợ Hàn, chợ Cồn và một số chợ khác. Ai bán hết sớm, về sớm. Bán trễ về trễ. Nhưng, trễ nhất cỡ mười một, mười hai giờ trưa cũng về. Ăn  uống xong, chưa kịp nghỉ ngơi, họ lại bắt tay vào làm bún cho phiên chợ ngày mai.

 “Vòng quay” của những gia đình làm bún cứ lặp đi lặp lại, từ năm này sang năm khác. Nghề không giàu, chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Thế rồi, vào đầu những năm 1970, phong trào làm bún bằng khuôn ép có cần, còn gọi là làm bún ép, phát triển. Người thợ làm bún bỏ ít công sức hơn. Đây cũng là thời điểm ngay tại Đà Nẵng, nhiều lò bún ép thi nhau ra đời, từng bước giành thị phần. Nghề làm bún bằng thủ công ở xóm Bún Giáng Nam lừng lẫy một thời bước vào giai đoạn suy tàn. Nhiều gia đình bỏ nghề. Họ quay sang làm nông. Số khác làm thợ hồ, thợ mộc… Dĩ nhiên, họ phải xoay chuyển tình thế để sống, để kiếm miếng cơm manh áo hàng ngày. Đến năm 1974, cả xóm chỉ còn một gia đình làm bún, nhưng chuyển qua làm bún ép. Đó là gia đình ông Tỵ. Năm 2010, gia đình ông Tỵ cũng nghỉ làm. Thế là, tuy cả xóm không còn ai hành nghề nhưng danh xưng xóm Bún Giáng Nam vẫn còn. Và, danh xưng ấy có thể nói là “dấu tích” cuối cùng của một xóm nghề có giai đoạn phát triển rực rỡ ở mảnh đất ven đô Đà thành thời xa xưa ấy.


[1] Ông Lê Sau, sinh năm 1930, làng Giàng Nam, kể.

Tuesday, June 4, 2013

SỰ TÍCH LĂNG BÀ, CHỢ BÀ


Lăng Bà và chợ Bà, nay thuộc thôn Bình Hòa, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, gắn liền với truyền thuyết dân gian khá hấp dẫn. Theo truyền thuyết, thời xa xưa, làng Bình Hòa chưa có chợ. Rồi, một ngày kia, ngay bên bờ sông Trường Giang chảy qua làng, không biết ở đâu tấp vào xác chết của một phụ nữ. Nghe dân làng báo tin, viên lý trưởng làng, dĩ nhiên, vội ba chân bốn cẳng báo lên trên. Gì thì gì, có người chết, tức có án mạng, không báo quan không được. Quy định là vậy. Lý trưởng phải chấp hành. Sau khi được tin báo, quan xuống khám. Rồi, quan kết luận xác chết là của một phụ nữ người Tàu. Mọi người đoán giá đoán non có lẽ bà này qua tìm chồng, chẳng may bị sóng to, gió lớn làm lật thuyền, tàu chìm nên bị chết chứ không ai giết hại cả. Thế là dân làng đem xác chôn ở cạnh bến sông. Điều kỳ lạ từ khi có mộ của người phụ nữ xấu số này trong làng, ai có việc gì, nếu đến “xin” đều được bà giúp đỡ, phù hộ. Tiếng “lành” đồn xa. Không chỉ người trong làng, người ngoài làng cũng đến khấn vái. Thấy bà quá linh thiêng, dân làng mới góp tiền làm lăng, gọi là Lăng Bà. Hàng năm đều có tổ chức tế lễ.


KHU VỰC TRƯỚC LÀ CHỢ BÀ NẰM ĐỐI DIỆN VỚI LĂNG BÀ. ẢNH Đ.Đ

Có thể nói, từ khi có Lăng Bà, người ta đến “xin” Bà giúp đỡ ngày càng đông. Điều tất nhiên, khi đến “xin” Bà giúp, người ta phải mua sắm tí lễ vật, nhiều thì bánh trái, hoa quả, ít cũng nải chuối, hương đèn… Thế là mấy nhà xung quanh lăng bà có sáng kiến đứng ra bán hương đèn, hoa quả, bánh trái. Mà, Bà càng thiêng thì bánh trái, hoa quả bán càng đắt. Không những vậy, những người ở xa, có khi đi nửa ngày đường mới đến, cần có chỗ ăn. Mấy quán ăn nhờ vậy cũng ra đời. Lý trưởng làng thấy việc buôn bán ở Lăng Bà phát đạt, mới nhân cơ hội đứng ra lập chợ, gọi là chợ Bà. Lăng Bà và chợ Bà đều ở cùng một địa điểm. Chợ Bà ở sát bến sông thì Lăng Bà cũng ngay ở đó. Xưa, chợ Bà là chợ lớn của khu vực. Chợ Được ở gần đó tuy có tiếng tăm nhưng hàng hoá buôn bán còn thua chợ Bà. Chợ thu hút không chỉ ghe thuyền ở Hội An, Duy Xuyên mà còn một số địa phương khác ở Quế Sơn, Tam Kỳ... Là chợ lớn, có tính chất trung chuyển nên chợ “họp” rất sớm, bắt đầu từ bốn giờ sáng, đông nhất 5 giờ, đến 6 giờ sáng chợ bắt đầu “tan”. Lúc này, chợ chủ yếu phục vụ người dân trong và ngoài làng đến mua thức ăn, hàng tiêu dùng hàng ngày. Gần trưa, người ta dọn dẹp, về nhà. Chợ Bà, do vậy, còn có thể gọi là chợ mai.
Xưa, ghe thuyền ghé bến chợ Bà tấp nập, có lúc lên hàng chục chiếc, đậu chật cả bến sông. Hàng mua đi chủ yếu nông sản như khoai lang, đậu phụng. Hàng đến bán là vải vóc, mắm muối, dầu thắp... Đặc biệt, ở Bình Hoà có xóm đánh bắt cá, tôm trên khúc sông Trường Giang chảy qua làng có tên gọi xóm Nò. Thế cho nên, đây cũng là một trong những mặt hàng chính của “thương hiệu” chợ Bà thời trước. Người ta không những mua hàng rồi chuyển xuống ghe đi các nơi mà còn... gánh bộ ra bán các chợ ở Thăng Bình, Quế Sơn, nhất là chợ Hương An. Ở chợ Bà, hồi trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có hai người Tàu. Đó là ông Khách Nấu và ông Bảy Gián. Trong đó, mặt hàng ông khách Nấu kinh doanh mạnh nhất là vải vóc. Riêng ông Bảy Gián chủ yếu kinh doanh rượu. Ngoài hai hiệu buôn người Tàu, số còn lại là người Việt. Buôn bán “bề thế” một chút có bà Đảng, ông Nguyễn A rồi ông Hoàng, ông Tổng Ngự, ông Duyên... Ngoài bà Đảng, ông Nguyễn A bán hàng tạp hoá, về hàng ăn uống có ông Tổng Ngự bán bún thịt bò, bà Diên bán mì Quảng. Mì Quảng là mì có nước nhưn cá. Hàng ăn bán cả ngày.
Trong số những người kinh doanh ở chợ Bà, ông Nguyễn A nổi tiếng là người giàu có, và là một trong số rất ít hộ ở Bình Hoà xây được nhà lầu đầu tiên. Ông còn có cả một chiếc ghe chạy tuyến đường đến Hội An. Sinh thời, ai túng thiếu, ông đều bán, nhưng phải chấp nhận giá cao hơn. Người ta bảo do ông ăn ở “căn ke”, không được hào phóng, rộng rãi nên khi mất, số phận khá hẩm hiu. Riêng ông Hoàng có đến hai bà vợ. Nguyên bà Đảng, người Kim Bồng, vào buôn bán ở chợ Bà. Bà có người con trai tên Tùng. Ông này lấy con gái ông Xoài. Khi ông Tùng mất, vợ ông Hoàng mới thúc giục chồng vào lấy con gái ông Xoài “Ông mà không lấy, hắn về làm dâu họ, tài sản coi như về tay người ta”. Nhờ đó, ông Hoàng vừa có cơ sở kinh doanh ở chợ Bà vừa có cơ sở kinh doanh ở chợ Việt An. Đáng chú ý, bà vợ ở Việt An có thuận lợi trong việc mua một số mặt hàng dùng làm thuốc Bắc như sa nhân, sâm, quế... Bấy giờ, bà con các dân tộc sau khi đào, mang xuống chợ Việt An. Ngay tại đây, vợ ông Hoàng tổ chức cơm ăn, có cả rượu. Ăn uống no say xong, lúc họ về, ông mới bảo “Này, các ông lấy ít nhiều chi chớ?”. Bà con cười, đáp “Thôi mà, mi cho tao ăn, tao cho lại mi mấy thứ đó, tiền nong chi!”. Có thể nói, nhờ lợi thế đó, ông Hoàng phất lên nhanh chóng.

LĂNG BÀ HIỆN NAY. ẢNH Đ.Đ

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, cũng như nhiều chợ khác ở Quảng Nam, chợ Bà phải giải tán. Để tránh máy bay Pháp phát hiện, thả bom, người ta chỉ “họp chợ” nhỏ lẻ, chủ yếu ở các xóm. Sau năm 1954, chợ Bà mới được lập lại. Lúc này, chợ toàn người Việt. Số bà con Hoa kiều đã tản đi các nơi. Có người ra Hội An, có người ra Đà Nẵng. Thời kỳ này, ở chợ Bà, buôn bán nổi nhất có ông Năm Đức. Ông này chuyên buôn thóc gạo, các loại đậu. Kế đến là bà Hoàng bán tạp hoá, bà Bảy Ta bán mì Quảng... Đặc biệt, có ông Lương Năm bán cơm. Nhưng sau, cơm ế nên ông  quay sang bán mì Quảng.  Nhìn chung, trong thời kỳ này, chợ Bà không còn giữ được vị trí là chợ khu vực, đóng vai trò trung chuyển hàng hoá trong vùng nữa. Chợ Bà dần dần trở thành một ngôi chợ quê, như hàng trăm ngôi chợ quê ở xứ Quảng.
Đầu những năm 2000, chính quyền xây dựng chợ mới nằm cách xa địa điểm cũ chừng 500 mét. Vậy là lần đầu tiên, Lăng Bà và chợ Bà nằm cách xa nhau nửa cây số. Nhưng dù xa hay gần, Lăng Bà và chợ Bà ở Bình Hòa mãi mãi lưu giữ trong dân gian những ký ức, những câu chuyện kể lý thú về một thời quá vãng khó phai mờ trong ký ức…




Saturday, May 11, 2013

SỰ TÍCH MỘT LÀNG HƯƠNG


Ngày Tết, bên cạnh thịt thà, bánh trái, người dân còn phải mua một vài thẻ hương, bó hương thắp ba ngày đầu năm mới. Hơn thế nữa, Tết mà không có hương trầm, hương thơm thì… chả ra làm sao cả. Ở xứ Quảng, có nhiều địa phương làm hương, sản xuất hương phục vụ nhu cầu hương Tết cho bà con. Đặc biệt, làng hương Phú Lộc, nay thuộc khối Trung An, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, là một trong những làng hương truyền thống nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam. Làng hương đã đi vào dòng văn học dân gian với những câu hát mộc mạc, trữ tình “"Phú Lộc ngan ngát hương thơm/ Mời anh ghé lại nghe đồn câu ca". Và, xung quanh sự ra đời của làng hương Phú Lộc, có sự tích khá lý thú và hấp dẫn
Chuyện kể rằng làng Phú Lộc xưa có tên dân dã là Bàu Tròn Châu. Nguyên cạnh làng có một bàu nước được tạo thành bởi một nhánh sông chết tách ra từ sông Vu Gia. Nó trải ra theo chiều dài của làng, ăn sâu xuống, giáp với các làng Ái Nghĩa Nam, Mỹ Tây và Quảng Hóa Phú. Góp công khai phá mảnh đất này là tứ tộc tiền hiền gồm Lê, Đỗ, Trương và Hứa. Họ vừa phát bói dựng nhà làm ruộng vừa trồng bói để giữ phù sa, thúc đẩy quá trình bồi tụ, biến bãi đất bồi ven sông, lau bói um tùm thành xóm làng trù phú, đất ruộng màu mỡ tốt tươi. Về thời điểm ra đời, theo Địa bạ Thái Đức giáp niên, một tài liệu cổ còn ghi lại thì đến năm 1785, làng Phú Lộc đã khai khẩn được 60 mẫu đất hoang, tạo điều kiện định canh định cư, ổn định cuộc sống lâu dài. Như vậy, ước tính ngay nửa đầu thế kỷ XVIII, những cư dân Việt đầu tiên đã đặt chân lên làng Phú Lộc, chọn đây làm nơi lập nghiệp của mình.

Cảnh thường ngày ở làng hương Phú Lộc. Ảnh Đ.Đ

Về nguyên nhân xuất hiện nghề làm hương ở Phú Lộc, lại có câu chuyện kể gắn liền với thời kỳ... mang gươm đi mở cõi. Nguyên, trong tứ tộc tiền hiền, tộc Hứa không có đất ruộng ghi trong sổ bộ của Địa bạ Thái Đức giáp niên. Lúc bấy giờ, tiền hiền của tộc Hứa là ông Hứa Tàu thường đi đây đi đó. Trong những chuyến làm ăn xa, ông có dịp tiếp xúc, học hỏi nhiều. Thế rồi, một ngày kia, dân làng thấy ông bắt tay vào việc sản xuất hương thắp. Tò mò, mọi người kéo đến xem. Hóa ra, ông đã học được nghề làm hương và quyết tâm lấy đó làm nghề sinh sống chính của mình. Từ ngày có nghề mới này, người ta thấy ông chỉ cặm cụi làm hương mà kinh tế gia đình ông khá hơn trước nhiều. Nghĩa là nghề có đất dụng võ, có môi trường hoạt động. Cho nên, dân làng để ý học hỏi làm theo. Làng nghề ra đời. Tính ra, tuổi của làng nghề trùng với tuổi của làng, nghĩa là cách nay đã trên hai trăm năm. Tương truyền, hồi mới tập tò làm hương, ông Hứa Tàu tỏ ra rất công phu, cẩn thận. Nguyên liệu chính để làm là lá bời lời, một loại lá mọc trên rừng. Để bứt lá, ông phải lặn lội lên núi. Lá hái về, ông dùng nước rửa thật sạch, sao cho bụi, đất không còn bám vào lá. Xong xuôi, ông phơi lá cho ráo nước trước khi hong bằng than cho giòn rụm. Tiếp theo, lá được bỏ vào cối giã nhuyễn thành bột mịn, trộn với ít bột lá quế cho thơm rồi nhào với nước thật dẽo để bắt vào que tre đã vót sẵn bằng tay. Cuối cùng, trước khi phơi, que hương được lăn thêm một lần nữa để bột bị ép chặt vào que, không rời ra lúc di chuyển. Cứ thế, làm từ que này đến que khác đến khi hết bột mới thôi.
Thật ra, không chỉ lá bời lời, người dân Phú Lộc còn có thể làm hương bằng nhiều loại lá rừng khác như lá mô, lá trường, lá bướm, lá giỏ giẻ… là những thứ lá có chất dẻo, tạo độ kết dính tốt, thích hợp dùng làm nguyên liệu để sản xuất hương. Ngày xưa, dân làng chỉ làm một loại màu là màu đà vốn sẵn có trong tự nhiên. Còn hiện nay, với đà phát triển của khoa học kỹ thuật, họ có thể dễ dàng làm các gam màu. Chỉ cần bỏ ra chút ít tiền là có thể mua các loại bột màu tùy thích. Bên cạnh bột màu, lại xuất hiện hóa chất tạo mùi. Mấy chục năm trở về trước, cũng như ông Hứa Tàu, muốn có bột, họ phải lên núi bứt lá. Độ ba, bốn giờ sáng, bà con đã thức giấc, í ới gọi nhau, chuẩn bị cơm đùm cơm nắm, nhắm mấy ngọn núi vùng Đại Quang, Đại Nghĩa mà đi. Đến nơi, phần ai người nấy luồn rừng, tìm cây bứt lá. Trưa, họ đã xuống núi, tìm chỗ râm mát nghỉ ngơi, ăn uống cho lại sức rồi tiếp tục về nhà. Sau đó, nếu trời nắng thì trải lá ra phơi. Trời mưa, phải hong lá. Khổ nhất, khi lá hong giòn, là giã ra bột. Cứ chồng một chày, vợ một chày, gĩa hết cối này sang cối khác. Lúc giã, bụi bay lên bám vào mặt, vào người, hòa với mồ hôi túa ra như vẽ rồng, vẽ rắn. Xong xuôi, việc nhào bột, bắt vào que tre và lăn tương đối nhẹ nhàng hơn. Trẻ em mươi tuổi đến cụ già sáu bảy mươi cũng có thể làm. Bởi, nó không đòi hỏi nhiều sức lực. Chỉ cần siêng năng và có chút ít kinh nghiệm mà thôi.
Có thể nói, qua hàng trăm năm với bao vật đổi sao dời nhưng nghề làm hương truyền thống Phú Lộc vẫn được duy trì và phát triển. Ghé thăm làng nghề, đặc biệt vào tháng mười một, tháng chạp âm lịch, thời điểm cận Tết âm lịch hàng năm, du khách gần xa sẽ vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi thấy dọc hai bên đường hương phơi đầy trước sân, ngoài ngõ. Có nhà phơi bằng nong, lại có nhà phơi bằng giàn. Khách như lạc vào thế giới khác, thế giới đầy sắc và hương. Rồi mai đây, những cây hương, bó hương… thơm ngát sẽ theo chân họ đi khắp các nẻo đường, từ quê ra phố, đáp ứng nhu cầu hương Tết của bà con xa gần.

Saturday, May 4, 2013

SỰ TÍCH “ĐƯỜNG” CẦU VỒNG



Ở Đà Nẵng xưa có một con đường khá đặc biệt. Đó là đường… Cầu Vồng, tức đoạn đường kéo dài từ ngã tư Ngô Gia Tự, Lê Duẩn đến ngã tư Lê Duẩn, Ông Ích Khiêm hiện nay. Thật ra, gọi đường Cầu Vồng là cách gọi dân dã chứ Đà Nẵng không có con đường nào mang tên đường Cầu Vồng. Danh xưng chính thức của con đường có đoạn đường Cầu Vồng thay đổi qua nhiều giai doạn trong lịch sử. Tên xưa nhất là Rue Pigneau de Béhaine, tức đường Bá Đa Lộc. Tên này do thực dân Pháp đặt. Năm 1954, chính quyền Sài Gòn đổi lại là đường Thống Nhất. Năm 1987, đường Thống Nhất được đổi tên thành đường Lê Duẩn. Còn sự xuất hiện của đoạn đường mà dân gian thường gọi là đường Cầu Vồng, xóm Cầu Vồng vì đó là đoạn đường có dốc khá cao, giống như độ dốc của cầu vượt Hòa Cầm hiện nay.


Cầu Vồng xưa, hình ảnh giờ không còn. Ảnh: Ông Văn Sinh

Và, mươi năm trở về trước, khi đoạn đường có danh xưng dân dã đường Cầu Vồng chưa bị san bằng để tiến hành thi công đường Lê Duẩn thẳng tắp, khang trang, những ai đi xe đạp đều có tâm lý… tránh đoạn đường này. Bởi, mười người như một rất ngại đạp xe lên Cầu Vồng. Lên đóc và xuống dốc đâu phải dễ. Đạp lên đã mệt nhưng khi xuống, luôn phải cẩn thận, vì độ dốc khá lớn, rất nguy hiểm. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp bất đắc dĩ, họ cũng phải đi.

 Thật ra, địa điểm xưa gọi là Cầu Vồng hoàn toàn không có đồi, cũng không có nỗng đất cao nào cả. Đó là chỗ đất bằng phẳng. Thế rồi, khi thực dân Pháp tiến hành làm con đường xe lửa nối ga xe lửa Đà Nẵng, bấy giờ gọi là Gare de Tourane Central, và hoàn thiện hệ thống đưởng xe lửa, thì có một con đường sắt băng ngang qua đường mà Pháp đặt tên là Rue Pigneau de Béhaine, tức Bá Đa Lộc, một nhân vật rất quen thuộc trong lịch sử Việt Nam. Tại Đà Nẵng thời thuộc Pháp Rue Pigneau de Béhaine là một trong những tuyến đường quan trọng, là một trong những cửa ngõ chính vào thành phố nên luôn có nhiều người qua kẻ lại. Để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, thực dân Pháp cũng cho xây một cái barière để đóng lại khi có tàu lửa đi ngang qua. Thế rồi, có một lần nọ, một vị quan đầu tỉnh có công chuyện phải đi ngang qua đoạn đường có cái barière ấy. Quan đi bằng xe ô tô, bấy giờ gọi là xe đít vịt, sơn màu đen, nhỏ nhắn. Đã là xe quan thì sang trọng, ai không biết, ai không sợ. Quan mà, hét ra lửa, đâu phải chuyện chơi. Thêm vào đó, quan đi xe ô tô, phải là quan lớn, quyền hành ghê gớm lắm.

Chẳng may, khi xe ô tô chở quan lớn từ ngã ba Huế vừa đến nơi thì tàu cũng hụ còi, báo hiệu sắp đi qua. Để thực hiện nhiệm vụ của mình, nhân viên gác barière vội vàng cho đóng cổng lại, nhằm ngăn tất cả người băng qua, bảo vệ tính mạng của họ. Viên quan ngồi trong xe thấy vậy, tỏ ra hậm hực. Đường đường là quan lớn mà cái gã nhân viên gác barière quèn cũng không nể mặt cho. Ít ra, gã phải để cho quan qua đã chứ? Thế mới phải lẽ. Tàu hú còn xa, đâu phải đã sắp đến mà không nể mặt quan, cứ thản nhiên đóng cổng lại. Hỏi thử không tức sao được. Quan nghĩ vậy. Ông ta bảo thắng lính theo hầu phải nạt gã nhân viên gác cổng một hơi cho hả giận. Sau khi tàu lửa đi khỏi, thằng lính đi theo hầu theo lệnh quan, hùng hổ đi tới, trừng trừng nhìn nhân viên gác cổng, quát rằng sao thấy xe quan đi qua mà đóng cổng, bộ không sợ sao? Người gác cổng thưa lại “Tui không đóng cổng thì giờ ni quan đã chết mất rồi. Tàu lửa qua, nó có biết quan mô mà tránh. Lúc đó, ai chịu tội? Quan chớ vua qua tui cũng đóng”. Lý lẽ nhân viên gác cổng nghe qua thật có lý. Ông bà thường nói “Nói thật cục đất cũng nghe”. Thằng lình hầu lúc ấy cứng họng, ngẫn tò te, không biết nói sao. Hắn đành quay lại, bẩm sự tình với quan.


Một vị quan xưa. Ảnh tư liệu

Viên quan nghe qua, im, không nói gì. Nhưng thời gian sau, quan “sức”[1] dân các xã Hải Châu, Thạch Thang, Thạc Gián và Tân Chính gánh đất đổ cao lên, làm Cầu Vồng. Thực chất, đây là một chiếc cầu tránh xe lửa. Quan nghĩ, khi cầu hoàn thành, xe lửa chạy mặc xe lửa, người ta vẫn đi được. Cầu tránh xe lửa mà! Tiện lợi đôi đường. Không những tiện cho quan khi đi công vụ mà người dân cũng được hưởng lợi. Dù gì, đây cũng là công trình công ích. Bấy giờ, không khí lao động thi công đoạn đượng có danh xưng là Cầu Vồng nhiều khi rất náo nhiệt. Hầu như tất cả đều làm bằng tay nên đòi hỏi sức lực ghê gớm. Thôi thì đầu này kẻ gánh, đầu kia kẻ xúc. Trưa, cát bụi bay mù mịt. Tuy gọi là “sức” cho dân nhưng khi thi công, quan cũng xuất công quỹ. Mỗi người khi làm đoạn đường nói trên được hưởng một ít tiền công. Thế cho nên, trong dân gian mới có câu hát vui rằng “Đẩy ông Lô/ Ngày năm bảy giác/ Cũng vô bánh bèo”. Số là, thi công đường hồi đó chưa có xe lăn, xe đầm. Người ta phải sử dụng gốc tre gốc, đục lỗ, chế tạo ra cái đầm bằng tay, gọi là ông lô. Đẩy ông lô tức đẩy cái đầm qua lại để nén đất cho thật chặt. Tương truyền người ta đầm cả mấy tháng trời. Tất cả đều bằng sức người là chính. Công việc nặng nhọc, vất vả, người dân máu đói bụng. Cho nên, với mấy giác bạc tiền công, chỉ đủ cho họ ăn… bánh bèo đỡ đói, chẳng nhằm nhò gì![2] 

Và, trong một lần lang thang trên internet, tôi bắt gặp một đoạn văn của một người từng sống ở Đà Nẵng vào những năm 1950 - 1960 hồi tưởng về đoạn đường này như sau 


"Ba tôi đã thuê một căn nhà nằm trên đường Thống Nhất. Con đường này trước năm 1950 mang tên một vị giáo sĩ người pháp, Linh mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc). Theo lịch sử, ông là người từng thay chúa Nguyễn Ánh ký hiệp ước Versailles năm 1779 với triều đình Louis XVI. Con đường rất rộng, có thể lên đến chín, mười thước. Mặt đường nhựa bóng đen và bằng phẳng. Nhà chúng tôi thuê ở gần một cái dốc cao, được gọi là dốc Cầu Vồng.

          Một bên chân dốc, đường Thống Nhất đổ xuống gặp con đường Edouard de L’Horlet, tạo thành một ngã tư. Tại ngã tư này có một cái giếng gạch bị bể miệng, nên được gọi là Giếng Bể.  Giếng Bể nằm bên trái đường Edouard de L’Horlet, hướng ra bãi biển. Nếu kể từ ngã tư này lên đỉnh dốc, nhà chúng tôi ở vào vị trị một phần ba đoạn dốc, về phía bên phải. (Đường Edouard de L’Horlet được đổi thành đường Khải Định vào năm 1954. Và sau 1975, tên Khải Định bị xóa, con đường mang cùng tên với đoạn nối dài: Ông Ích Khiêm)
          Ở chân dốc bên kia, đường Thống Nhất chạy song song với thành rào sân vận động Chi Lăng nằm bên phải, rồi gặp đường Yersin, tạo thêm một ngã tư. Bắt đầu từ ngã tư này, chạy xuống bờ sông, hai bên đường Thống Nhất có những cây kiềng kiềng rất cao lớn, được trồng cách khoảng đều nhau, đem lại cho con đường nhiều bóng mát. Một địa điểm cũng nên biết, cách ngã tư này không xa, nằm phía bên phải con đường, là một căn nhà rộng mái tôn. Đây có lẽ là cái bordel lớn nhất của thành phố Tourane. Người-đẹp-thanh-lâu ở đây có thể lên đến cả trăm không chừng. Bởi nhiều lúc, tôi thấy có hàng năm, bảy chiếc GMC đổ lính Pháp xuống đây. Minh hoạt lại cảnh xưa của dốc Cầu Vồng sẽ thiếu sót, nếu quên nhắc đến con đường sắt chạy xuyên qua đỉnh dốc. Con đường sắt này thời tôi ở gần, có xảy ra một vụ tàu hỏa cán người thật bi thảm. Đó là một người đàn ông đi tìm cái chết vì tình yêu. Tôi không dám chạy đến xem, nhưng nghe nói trái tim người si tình ấy, khi chết, rớt nằm trên tà vẹt vẫn không ngớt co bóp"

Dĩ nhiên, những kỷ niệm và hồi ức về Cầu Vồng không chỉ dừng lại ở đó...






[1] 飭: Sức, tức mệnh lệnh của quan truyền xuống cho dân biết gọi là sức.
[2] Ông Trần Khai, sinh năm 1927, làng Tân Trà, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, kể.

Saturday, April 27, 2013

KỂ CHUYỆN BÀ THU BỒN…


Hàng năm, cứ đến ngày 12 tháng 2 âm lịch, người dân làng Thu Bồn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, lại tổ chức lễ hội gọi là Lễ hội Bà Thu Bồn, gọi tắt là Lệ Bà. Đặc biệt, xung quanh một trong những lễ hội nổi tiếng nhất, đình đám nhất của Quảng Nam có nhiều câu chuyện kể dân gian khá lý thú, hấp dẫn…
1. Về sự tích Bà Thu Bồn, có nhiều truyền thuyết khác nhau. Một truyền thuyết cho rằng Bà là nữ tướng Chăm, bị vua Lê đánh bại, phải chạy về làng Thu Bồn, bị ngã voi và chết. Lại có truyền thuyết kể Bà nguyên là công chúa con ông vua Mây, cháu bà chúa Lồi, khi bị giặc bao vây kinh thành, vua và công chúa cưỡi ngựa chạy lên Phường Rạng và ngã ngựa mất, xác công chúa trôi về làng Thu Bồn. Một truyền thuyết khác thuật rằng Bà là con của một phú hộ. Khi mới lọt lòng, Bà có một mái tóc dài ngang lưng, hai hàm răng ngọc ngà đẹp như hoa. Lên 5 tuổi, Bà biết dùng các loại lá, rễ cây trong vườn để chữa bệnh cho người và gia súc. Đến 50 tuổi, Bà mất… Có thể nói, đó là những truyền thuyết, huyền thoại được lưu truyền qua nhiều đời. Tuy mất, nhưng Bà rất hiển linh, nhiều lần ra tay cứu nhân độ thế. Bà cai quản một vùng rộng lớn nằm dọc theo sông Thu Bồn, từ Duy Xuyên đến Đại Lộc, kể cả vùng tây huyện Quế Sơn. Lâu Lâu, Bà mới về một lần. Khi bay về,  Bà bay ban đêm, trời lại có quầng sáng như ngọn lửa. Bà bay từ núi Chúa, tức Hòn Đền ở Quế Sơn qua đất Duy Xuyên, đến núi An Định ở vùng tây Đại Lộc. Hình dáng Bà lúc ấy như dải lụa, mềm mại uyển chuyển. Cũng theo chuyện kể, khi dân Việt từ đất Bắc kéo vào Thu Bồn, vùng đất này hãy còn hoang vu. Hồi đó, chỗ xây lăng Bà Thu Bồn có một cái hang rất sâu. Nghe nói không có nhà. Nhưng có trại lợp bằng lá kè. Đặc biệt, theo lưu truyền, thời xưa, ngay lúc mới đến lập nghiệp, ông bà thấy cứ đến ngày 12 tháng 2 âm lịch, người Chiêm tổ chức lấy nước từ sông Thu Bồn rước về Trà Kiệu để cúng nên khi đến lễ hội Lệ Bà, họ bắt chước làm theo, tức ngoài lễ vật, cũng tổ chức rước nước để cúng như người Chiêm[1].

Lăng Bà Thu Bồn. Ảnh Đ.Đ

2. Xong phần lễ, đến phần hội. Người ta tổ chức đua ghe, rồi hát bội. Sôi nổi nhất là đua ghe. Tùy theo “túi tiền” và tùy theo năm, làng tổ chức đua nhiều hay ít. Đua nhiều thì đua đến… 8 vòng đôi. Ít cũng 6 vòng đôi. Ngoài đội đua ghe ở địa phương, làng còn mời đội đua ghe ở một số địa phương khác như đội đua các vạn Nồi Rang, Bình Yên, Trà Linh, Chợ Được, Hội An… đến tham gia. Giải thưởng có tiền và cờ. Khi đua, có đặt bàn án, có trống lệnh. Không khí nhộn nhịp. Hai bên bờ sông, bên ni là làng Thu Bồn huyện Duy Xuyên, bên kia là làng Phú Thuận huyện Đại Lộc bà con xem đông nghịt, hò reo cổ vũ rầm trời. Hát bội gần như là sinh hoạt không thể thiếu ở lễ hội Bà Thu Bồn hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước. Làng tổ chức hát ban ngày, hiếm khi hát ban đêm. Nhiều khi dưới sông có đua ghe đồng thời trên bờ cũng tổ chức hát bội. Cho nên, mới có câu "Trên bờ hát bội dưói thuyền bơi đua". Lúc ấy, ai muốn “coi” hát bội thì “coi”, ai muốn “coi” đua ghe thì… “coi”.  Thường, chỉ hát vài ba ngày, sau khi hết “hợp đồng” thì thôi. Các gánh hát, ngoài tiền hát theo “hợp đồng”, họ còn có thêm tiền thưởng. Gánh nào hát hay thì được thưởng nhiều. Hình thức thưởng, xưa gọi là “thướn”, cũng khác. Hễ đến đoạn nào thấy quá “tuyệt”, dân mới ném thẻ để “thướn” lên sân khấu. Diễn viên đang hát nhặt thẻ. Thẻ có thẻ con và thẻ cái. Một thẻ cái bằng mười thẻ con. Chỗ hay vừa ném thẻ con, cưc hay mới ném thẻ cái. Người ta tính thẻ con bao nhiều tiền, thẻ cái bao nhiêu, cứ thế bao nhiêu thẻ đổi lấy bao nhiêu tiền. Thỉnh thoảng, cũng có đôi người không ném thẻ mà ném… tiền lên, diễn viên cũng nhặt. Nói chung, khán giả cho gì họ cũng nhận. Cho càng nhiều, chứng tỏ họ hát càng hay, có sao đâu! Ngoài đua ghe, hát bội, còn có  đánh cờ, đánh bài lú và cả đánh xóc dĩa ăn tiền. Nhưng đây là những trò chơi làng không đứng ra tổ chức, chẳng qua, một số người lợi dụng cơ hội bày trò ăn thua mà thôi.

Bia Lăng Bà. Ảnh Đ.Đ

3. Xung quanh Lệ Bà có chuyện lạ. Nguyên đất ruộng công ở làng nhiều. Thế cho nên, tiền hiền làng được tự một mẫu tư đất.  Đến ngày tế tiền hiền, làng lấy số hoa lợi từ mấu tư đất này để chi phí. Trong lúc đó, tiếng là làng có lễ hội Bà Thu Bồn lớn nhưng lại không có đất tự. Rốt cuộc, dân làng phải đóng góp. Mãi sau này, ở làng Phường Chào, có một người lên đồng bảo với người cháu của bà Phường Chào rằng Bà Thu Bồn không có đất tự. Người cháu bèn đem tiền qua mua đất cúng Bà Thu Bồn. Ông này mua mẫu bảy đất để “tý tự”[2] cho Bà Thu Bồn. Đó là nguyên do mà hàng năm, khi tổ chức lễ hội Bà Thu Bồn, làng mới mổ con trâu, lấy một miếng thịt vai to như cái khay với hai đòn bánh tét rồi sai anh Giáp, tức anh chuyên đi rao ở làng, đem qua kỉnh cho người cháu đã mua đất để “tí tự” cho Bà Thu Bồn. Khi đi kỉnh, làng viết một cái phiếu, trên đó ghi miếng thịt ấy dày bao nhiêu, dài bao nhiêu, cân nặng bao nhiêu. Người ta sợ anh giáp “lẻo” mất chút ít. Chuyện kỉnh thịt trâu ngày lễ hội diễn ra hàng mấy chục năm trời, sau này mới bỏ. Lại có truyền thuyết kể rằng xưa trong lăng Bà có hai con tít to bằng bắp vế (!?). Đặc biệt, hai con tít này miệng ngậm hai cục ngọc to như nắm tay. Bấy giờ, có thằng Tây nổi máu tham. Nó quyết lấy cho bằng được. Nó cũng không tin Lăng Bà linh thiêng. Thế là nó đan một cái mủng chai to, đổ nước vào, bắt con gà làm thịt, để con gà lên. Loài tít thấy gà thì bỏ cục ngọc, bò đến ăn. Cục ngọc rớt xuống nước, biến mất tăm. Cặp tít sau đó chết trong lăng.

Bên trong Lăng Bà. Ảnh Đ.Đ

4. Cũng vào quãng nửa cuối thế kỷ XIX, ở ngoài kinh đô Huế, có phu nhân của vị quan nọ bị bệnh đã lâu, chữa hòai không khỏi. Nghe tiếng lăng Bà Thu Bồn linh thiêng, bà mới lặn lội vào xin thuốc. Vậy mà khỏi. Vị quan nọ mừng quá, đem đôi xuyến vàng với hai cái trang dài thước năm Tây vào cúng lăng Bà. Thường thường, khi làm lễ, trên bàn thờ, người ta mới đem cặp xuyến ra treo lên để cúng. Còn những ngày khác, họ đục lỗ trong cây gỗ trên bàn thờ để cất cặp xuyến. Làng không ai giữ đôi xuyến vàng này. Cũng không ai dám lấy trộm. Họ tin Bà linh thiêng, không thể làm điều xằng bậy được. Bà mà nổi giận thì cầm chắc cái chết. Dân ta sợ, nhưng Tây không sợ. Thế cho nên năm nọ, có hai thằng Tây lên Thu Bồn với một thằng thông ngôn. Cả ba đi bằng ca-nô. Hai thằng Tây đậu ca-nô ngoài gành rồi vào lăng Bà, lén lấy cặp xuyến vàng. Kỳ lạ thay, khi ra gành, không hiểu sao tự nhiên cả hai như bị ai đó kéo mạnh, làm nhào đầu xuống nước mà chết. Làng mới báo lên quan trên. Lúc đó, cũng không ai biết hai thằng này lấy trộm cặp xuyến trong lăng. Sau này, khi thắp hương ở Lăng Bà, người ta mới rõ mọi chuyện. “Đáng đời, ai bảo đụng đến Bà!”. Họ bảo nhau. Và, với dân làng Thu Bồn nói riêng, Điện Bàn nói chung, cũng như người dân ở Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn và nhiều nơi khác đều tin vào sự linh thiêng của Bà thông qua những chuyện kể mang màu sắc huyền thoại của một thời chưa xa…


[1] Ông Trịnh Bốn, sinh năm 1931, làng Thu Bồn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, kể.
[2] Tý tự (畀祀),, tức ban cho để dùng vào việc cúng tế

Monday, April 22, 2013

TỪ TRIỀU THÁI ĐỨC NHÀ TÂY SƠN…


Mấy chục năm trở về trước, khách thương hồ quanh năm suốt tháng xuôi ngược trên sông Thu Bồn mấy ai không biết địa danh Phường Rạnh, nay là làng Trung An, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, một vùng đất nằm ở vùng cực tây Quảng Nam, bấy giờ còn hoang vu, núi đồi trùng điệp. Theo tư liệu còn lưu lại, Phường Rạnh được khai phá từ rất sớm, dưới triều Thái Đức nhà Tây Sơn…

Ở Trung An có ba tộc tiền hiền là các tộc Nguyễn, Trần và Trịnh. Các tộc đều đến lập nghiệp từ thời Tây Sơn. Trong đó, tộc Nguyễn đến đầu tiên. Nhưng, do nhiều nguyên nhân, hiện nay, tộc này không còn con cháu nối dõi. Sau tộc Nguyễn là tộc Trịnh và tộc Trần. Theo chuyện kể, hồi ấy, tộc Trịnh vào bằng đường biển. Khi đi, có ba anh em. Đầu tiên, họ lập nghiệp ở làng Hòa Mỹ nay thuộc quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Sau đó, không biết vì lý do gì, họ đi tiếp vào Quảng Nam. Một ông chọn mảnh đất nay là xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc; một ông đến làng Thu Bồn, nay thuộc xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên còn ông thứ ba vào tận Phường Rạnh, lập nghiệp. Còn tộc Trần, tương truyền, theo vua vào Nam, đến Bình Định lập nghiệp. Rồi, khi phong trào nông dân Tây Sơn bùng nổ, ba cha con tộc Trần gồm cha là Trần Văn Tam và hai con là Trần Văn Hiền và Trần Văn Huấn quay ra Quảng Nam, lên tận vùng đất sau này có danh xưng là Trung An, sinh sống. “Nghe truyền khẩu lại là họ đi theo lệnh của bà vợ ông Trần Văn Tam... Không biết bà ni răng có quyền hành to như rứa. Cũng nghe nói hồi đó, người cha Trần Văn Tam già rồi, còn người anh Trần Văn Hiền lại quá hiền. Cho nên, em là Trần Văn Huấn mới đứng ra làm giấy tờ. Kết cuộc, sau này chính người em đứng tên tiền hiền làng cùng với các tộc Nguyễn và Trịnh!”[1].

Gia phả tộc Trần. Ảnh Đ.Đ

Đặc biệt, không chỉ truyền khẩu, tộc Trần ở Trung An còn giữ bản gia phả khá đầy đủ. Bản gia phả bằng chữ Hán, được lập vào năm “Thành Thái tứ niên, thất nguyệt, nhị thập nhật, lục cung”, nghĩa là vào ngày 20 tháng 7, năm Thành Thái thứ tư, tức năm 1892. Như vậy, theo tư liệu, đây là bản gia phả được sao lại, chép lại từ một bản gia phả có từ trước. Điều đặc biệt, gia phả tộc Trần cũng ghi lại khá rõ nét nguồn gốc của tộc Trần. Và, đúng như lời kể, người đầu tiên tộc Trần vào Nam là ngài Trần Văn Tam. Thoạt tiên, ngài vào định cư tại Bình Định, trú ở xã Mộc Bài. Bấy giờ, ở Mộc Bài, tộc Trần là tộc lớn. Khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ, trước khói lửa chiến tranh, gây ra nhiều thảm cảnh đau lòng, theo lịnh từ người mẹ, tên là Nguyễn Thị, ngài dẫn gia quyến đi lánh nạn ở chỗ này. Bản gia phả viết “Tiên thế vi Bình Định tỉnh, Mộc Bài xã, nhứt cự tộc. Tiên linh húy Tam, nhân Tây Sơn binh tiễn chi tế dữ, lịnh từ Nguyễn Thị, khiết quyến tị cư vu thử nhân tịch”. Nhưng đến lập nghiệp ở vùng đất Trung An lúc bấy giờ không chỉ có mình tộc Trần mà còn có hai tộc khác là tộc Nguyễn và tộc Trịnh. Thế là ngài cùng với tiền hiền hai tộc Nguyễn, Trịnh, tức tam tộc, cùng xin lập bộ, nghĩa là lập sổ sách đất đai của làng “Thử thìn y ông dữ Nguyễn Trịnh tam tộc đồng thảo khất kiến bộ”… Có thể nói, qua những ghi chép nói trên, chúng ta có thể khẳng định vùng đất nay có danh xưng là Trung An, nằm trên địa bàn xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam được khai phá từ khá sớm, vào cuối thế kỷ XVIII. Đây cũng là thời điểm mà một số làng xã khác ở huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, hình thành.

Về nguồn gốc danh xưng Trung An, có câu chuyện kể khá lý thú và hấp dẫn rằng thời trước, khi người Việt đến lập nghiệp, ở đây đã có Dinh Bà Phường Rạnh, rất linh thiêng. Ngày nọ, trong làng có ông gọi là ông Trùm Tuất, người họ Nguyễn, khá giàu, nhà có của ăn của để, bị mất mấy con trâu. Tiếc của, ông mới quyết chí đi tìm cho bằng được. Nhưng, ông chưa kịp bước ra khỏi bìa làng thì Bà đã “đạp đầu ngang”, tức mượn xác người sống, hiện lên, nạt nộ: “Nhà người đi mô? Nhà ngươi đừng có dại, chết như chơi. Bọn cướp đã chuẩn bị sẵn dao kiếm, nhà ngươi đến chỉ thiệt thân. Nhà ngươi về đi. Còn về phần bọn cướp, nhà ngươi đừng lo. Hễ kẻ nào trung thì được an mà ai ngang bướng, đi trộm cướp, sẽ không ra chi”. Từ câu chuyện này, người dân mới lấy tên Trung An đặt tên cho làng với mong muốn bà con sống ở vùng đất này luôn là những người“trung thực” nên được hưởng sự “an lành”.

Một đoạn trong gia phả. Ảnh Đ.Đ

Danh xưng Trung An gần như chỉ tồn tại trên mặt giấy tờ, khế ước. Còn tên bình dân là Phường Rạnh. Cũng như Trung An, danh xưng Phường Rạnh cũng có nguồn gốc, xuất xứ khá đặc biệt. Theo đó, chữ “Rạnh” xuất phát từ con trạnh, một loại động vật có hình dáng như con rùa nhưng rất to, có con to bằng cái nong, sông dưới nước1. Nguyên hồi nửa đầu thế kỷ XIX trở về trước, du khách lẫn tầng lớp thương hồ ngược lên thượng nguồn sông Thu Bồn khi đi ngang đoạn sông chảy qua làng Trung An thỉnh thoảng hay bắt gặp con trạnh trồi lên, có lúc nhiều đến mức đặc kín sông, khiến ghe thuyền phải tránh. Thế cho nên, người ta mới gọi làng ven sông này là Phường Trạnh. Lâu ngày, họ mới đọc “chệch” là Phường Rạnh. Phường (坊), trong chữ Hán, còn có nghĩa là “làng”. Riêng “Rạnh”, tức từ trạnh mà ra. Thế cho nên, Phường Rạnh còn có thể gọi nôm na là làng Trạnh!

Di tích Lăng Bà ở làng Trung An. Ảnh Đ.Đ

Nhưng dù Trung An hay Phường Rạnh, mảnh đất này cũng bắt đầu được người Việt đặt chân lên lập nghiệp cách nay gần 250 năm, từ triều Thái Đức nhà Tây Sơn. Thế cho nên trong văn cúng tiền hiền nhằm tưởng nhớ những người đã có công khai sơn phá thạch, lập làng lập xóm, người dân làng Trung An ghi rõ Xưa đất Bắc dựng xây tổ nghiệp/ Nay trời Nam kiến trúc cơ ngơi/ Chí tang bồng ngang dọc bốn phương/ Tài thao lược kinh luân một cõi/ Đất Phường Rạnh thời xưa triều Thái Đức/ Ơn tiền nhân khai quốc thổ lắm công trình…”.


[1] Ông Trần Văn Hai, sinh năm 1948, thôn Trung An, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, kể.

Monday, April 15, 2013

GÁNH HÁT LÀNG PHƯỚC TÍCH

Mấy chục năm trở về trước, mỗi khi Tết đến, xuân về, một trong những hình thức thưởng thức văn hóa văn nghệ dân gian không thể thiếu của người dân xứ Quảng là đi xem hát bội, tức hát bộ hay hát tuồng: “Tai nghe trống chiến trống chầu/ Xếp ba hột đậu phụng lộn đầu lộn đuôi”; “Tai nghe trống chiến/ Không khiến cũng đi”.

Nghệ sĩ hát bội ở miền Trung năm 1889. Ảnh T.L 

 Hát bội ngày thường đã vui, ngày Tết càng vui gấp bội. Đặc biệt, người dân Quảng mê đến mức dù xa đến mấy, thậm chí cả hàng chục cây số, cũng băng rừng lội suối mà đi. Hồi nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước, ở làng Phước Tích, nay thuộc xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, người dân ai ai cũng mê hát bội. Đặc biệt, trong những ngày Tết cổ truyền, thể nào họ cũng xem vài ba đêm hát bội. Nghe làng nào tổ chức hát bội, dù xa hàng chục cây số, dân làng Phước Tích cũng rủ nhau mà đi. Nhưng, không chỉ ngày Tết, ngay cả ngày thường, thỉnh thoảng trong làng, khi có việc gì, như mừng nhà mới hay sinh con trai chẳng hạn... họ cũng mời ba người biết hát bội về hát cho vui. Thường, những gia đình này phải giàu có. Người nghèo, lấy tiền đâu ra để chi phí, đài thọ? Còn lý do sao chỉ mời vỏn vẹn... ba người thì tương đối dễ hiểu, bởi theo quan niệm của người dân địa phương thì số ba là chữ số may mắn, bởi nó tượng trưng cho Phước - Lộc - Thọ. Dĩ nhiên, trong lúc hát phải có trống đánh, đờn vang mới rôm rả. Lúc bấy giờ, trong làng có lập một trường hát lấy tên là Trường hát ông Bổn, do ông Tạ Bổn, người Hoa, giàu nức tiếng, bỏ tiền ra để lập. Khi mời gánh hát đến biểu diễn, ông bán vé thu tiền. Về nguyên nhân ra đời của gánh hát làng Phước Tích, theo lời ông Nguyễn Văn Xưng, sinh năm 1928, thì sau ngày giải phóng miền Nam, ông Cột, chủ tịch xã, vốn máu mê hát bội, trực tiếp gặp ông Nguyễn Lân, nghệ sĩ tuồng, từng theo các đoàn hát bội chuyên nghiệp đi diễn ở nhiều nơi tại Đà Lạt, Nha Trang, Bình Định, nói rõ ý định muốn lập gánh hát. Thống nhất chủ trương xong, ông Nguyễn Lân mời những người biết hát, hát hay như các ông Nguyễn Đình Lê, Nguyễn Văn Thi, Nguyễn Đình Xưng, Trèn Cần, Nguyễn Kỷ, Nguyễn Cẩm và các bà Nguyễn Thị Đào, Võ Thị Bích, Phí Thị Tâm, Võ Thị Xanh... gia nhập. Như vậy, “biên chế” đầu tiên của gánh hát gồm 12 người, cả nam lẫn nữ. Ông Nguyễn Lân và Nguyễn Văn Xưng, những hạt nhân đầu tiên của gánh hát, đứng ra luyện tập. Các vở tuồng hồi ấy là Ngọc Lan, Ngọn lửa Hồng Sơn, Ngũ hổ bình Liêu, Hoa rừng đẫm máu... Đặc biệt, nghệ nhân Tư Bửu, một nghệ sĩ tuồng nổi tiếng của Quảng Nam, cũng được trên cử về dạy tuồng cho anh chị em diễn viên trong hai tháng ròng, mà chỉ dạy riết một vở là vở Trần Bình Trọng. Tập nhuần nhuyễn xong, gánh hát bắt đầu biểu diễn. Thôi thì trên địa bàn huyện Tiên Phước, không đâu không in dấu chân của anh chị em diễn viên, từ Tiên Lộc đến Tiên Cảnh, Tiên Lập, Tiên Lãnh, Tiên Mỹ, Tiên Cẩm... Một đôi lần, họ đi hát ở Trà My, Chu Lai. Đó là vào giữa những năm 1980, thời kỳ tạm gọi là vàng son của gánh hát làng Phước Tích. Cũng trong khoảng thời gian này, để thu hút khán giả, ông Nguyễn Lân phải mời thêm vài diễn viên ở ngoài như ông Tú ở Hội An, ông Lục ở An Hải, Đà Nẵng, bà Thông ở Tam Kỳ... Hơn thế nữa, ông còn lặn lội vào tận Nha Trang mời bà Sáu Chân, vợ chồng ông Thao ở Bình Định. Thông thường, họ đến biểu diễn chừng mươi ngày, nửa tháng rồi về. Nếu cần, phải kêu lại. Trong suốt hơn mười năm tồn tại, gánh hát làng Phước Tích gần như đi hát quanh năm. Nói chung, đi đến đâu, anh chị em diễn viên cũng được tiếp đón ân cần, đãi đằng chu đáo. Có nhiều nơi hợp đồng chỉ hát 3 đêm nhưng hát đến... 8 đêm liền. Nguyên nhân vì bà con xem đông quá.

Ông Nguyễn Văn Xưng, kép gánh hát làng Phước Tích 
Vé bán được. Tính ra có lãi. Thế là họ yêu cầu hát tiếp.  Trong các vở, gánh hát làng Phước Tích diễn đạt nhất là vở Tiêu Anh Phụng loạn trào. Có lần diễn vở này tại xã nhà Tiên Lộc, đến đoạn thái tử Minh Châu viết tờ để vợ, thấy ông Nguyễn Văn Xưng, kép chính, thủ vai thái tử Minh Châu đạt quá, ông Khuê cầm mấy chục đồng (một số tiền không nhỏ lúc ấy) lên thưởng. Ngoài ông Nguyễn Văn Xưng thì bà Nguyễn Thị Đào, đào chính, đóng cũng rất có hồn. Vai nổi nhất của bà là Thoại Khanh trong vở Thoại Khanh - Châu Tuấn. Rồi vai Trịnh Nương trong vở Hồ Mạnh Quế ly thê. Vai anh hề đã có ông Trần Cần... Nói chung, các diễn viên trong gánh hát đều diễn hết mình. Ai cũng có thế mạnh riêng. Nhờ đó, gánh hát Phước Tích tương đối có tiếng tăm. Cho nên, gánh hát được xem như của huyện, lấy tên chung là Đoàn tuồng Tiên Phước. Nhưng, với bà con trong làng, họ gọi bằng tên dân dã, quen thuộc là gánh hát Phước Tích. Đáng tiếc, gánh hát Phước Tích không tồn tại lâu. Nguyên năm 1992, khi ông Nguyễn Lân, bầu gánh, mất đi thì không còn ai có đủ khả năng và nhiệt tình để thay thế. Anh chị em nghệ sĩ ai nấy trở về với đồng ruộng. Hiện nay, lớp diễn viên này nhiều người đã già yếu. Một số không còn nữa. Nhưng, với lớp người cao tuổi làng Phước Tích, mỗi lần Tết đến xuân về, họ lại nhớ đến gánh hát của làng từng tung hoàng ngang dọc vừa tròn hai mươi năm về trước. Mà, hát bội ngày thường đã vui, ngày Tết càng vui lên gấp bội lần. Đêm nào có hát đêm ấy không khác gì đêm hội. Trong đó, có những năm gánh hát đi hát cả tháng liền. Có thể nói, đối với dân làng, gánh hát Phước Tích, một gánh hát dân dã, với nghệ sĩ là những người nông dân thực thụ chân lấm tay bùn, thực sự đã đi vào dĩ vãng, trở thành kỷ niệm không thể nào xóa nhòa trong ký ức

Monday, April 8, 2013

CHUYỆN ÔNG BIỂU


Làng Chiên Đàn, hay còn có danh xưng dân dã là Chơn Đờn, hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước thuộc tổng Chiên Đàn, huyện Hà Đông, nay thuộc xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, có một nhân vật gọi là ông Nguyễn Tấn Biểu. Ông tuy không học giỏi, đỗ dạt cao, nhưng khá nổi tiếng vì tính khí hay nói ngông, chơi ngông. Đối tượng mà ông thường châm chọc là những gã nhà giàu, hợm hĩnh, hay bọn ở làng, ở xã ỷ thế hiếp đáp dân lành thân cô thế cô. Sinh thời, ông để lại một số câu chuyện kể khá thú vị, được lưu truyền khá phổ biến trong dân gian. Số là, ở làng Chiên Đàn xưa, có nhiều ruộng đất công, gọi là công điền. Đây là số ruộng đất thuộc quyền sở hữu của làng, do làng quyết định. Thường thì làng cho thuê, tức cho bà con làm rẻ, đến mùa nộp thóc lúa, hoa lợi, để làng dùng vào việc chung như cúng tế, lễ lạt này nọ. Mà, thời trước, chuyện cúng tế, lễ lạt nhiều, không nhờ số ruộng đất này, làng lấy đâu ra tiền để chi tiêu? Ông Nguyễn Tấn Biểu cũng là dân nghèo, cũng thuê ruộng của làng làm rẻ, đến mùa nộp thóc lúa cho làng. Chuyện thường thôi, chẳng có gì đáng bàn. Việc cho nông dân nghèo thuê đất lấy hoa lợi chi tiêu vào việc cúng tế diễn ra từ năm này sang năm khác. Được mùa không nói làm gì, những năm đói kém, mất mùa, dân nghèo đã khổ càng khổ hơn. Ông Nguyễn Tấn Biểu thấy dân đói khổ quá, mới tính “chơi khăm” làng một vố. Thé cho nên, năm ấy, ông cố ý chay ì không nộp thuế. Làng cho người mời năm lần bảy lượt, ông cứ khất lần. “Nhà tui chưa có tiền nộp, để ít bữa nữa… khó quá, khó quá…”. Ông năn nỉ. Lần nào cũng vậy. Lý trưởng tức lắm “Thằng ni ù lì. Phải có cách gì trị nó chớ? Không ai cũng như nó làng làm răng thu thuế được?”. Lời lý trưởng đã phán ai dám cãi? Thế là làng làm căng. Ông Nguyễn Tấn Biểu thấy vậy, mới bảo “Tui nói thiệt, nhà tui không có gì mà… Chỉ còn có con trâu, nhưng là trâu cái… Nếu làng đòi hung quá thì bắt nó đi. Khi mô tui có tiền tui đem đến chuộc lại”. Không còn cách nào khác, làng liền lùa ngay con trâu cái về, cột ngay ở đình làng. Thói đời,… trâu chung không ai khóc. Cột trâu vào đình, làng có phân người trông coi nhưng trâu… làng sao bằng trâu nhà. Họ cho ăn qua quýt, chủ yếu để cho trâu khỏi đói, chết mà thôi. Hơi sức đâu cho trâu ăn cho no. Kết quả, chỉ vài ba bữa, trâu ốm đi trông thấy. Đợi đến lúc đó, ông Nguyễn Tấn Biểu mới lựa lúc làng đang họp ở đình làng, liền rảo đi rảo lại quanh con trâu, nói oang oang, cốt để mấy ông làng nghe “Chua choa, ở với ông con mập mạp mà ở với làng có mấy bữa, làng làm chi con ốm kinh rứa”. Mấy ông có chức tước ở làng cứ nghe đi nghe lại, nhột quá, nhưng không biết làm gì, nói gì để “trả đũa” cho bõ tức. Cuối cùng, họ chẳng còn cách nào khác là cho người ra, bảo với ông Nguyễn Tấn Biểu “Thôi, mi dắt về đi, khi mô có tiền thì trả cũng được, răng cứ nói chi nói miết, mệt lắm!”. Một chuyện khác. Nguyên xưa kia làng nào cũng có bót gác, gọi là điếm canh hay chòi canh. Ở đó có sẵn cái mõ, dụng cụ làm bằng tre, dùng để gõ, phát ra tiếng khá to, cốt để báo động khi có trộm cướp hay có việc gì khẩn cấp cần báo cho làng biết để dân làng đến hỗ trợ... Ngày nọ, ông Nguyễn Tấn Biểu biết làng sẽ kiểm tra chuyện canh gác ở điếm canh. Hốm ấy, ông xung phong trực. Nhưng, ông chẳng thèm trực gì, chỉ thắp ngọn đền hiu hắt cho… có. Khi ông xã đến, thấy điếm canh vắng hiu, chẳng tìm ra ai là người gác, mới nóng máu, xách mõ đánh để báo động. Ông Nguyễn Tấn Biểu, như từ trên trời rơi xuống, tay giựt cái mõ, tay nhè ông xã mà vả vào mồm. Ông xã hoảng hốt, la lên “Ớ Biểu, răng mi nhè tao mi đánh?”. Ông Biểu giả đò “Ủa, ông xã hả? Rứa mà tui tưởng thằng mô ngỗ ngịch lấy cái mõ đánh tầm bậy”. Ông xã vặn vẹo “Rứa lính canh ở mô?”. Ông Biểu đáp “Tui canh chớ ai. Nhưng tui dại chi ngồi đó cho nó biết hả? Tui ngồi trong bụi. Mà cũng tạit ông, ông ra ông nhè lấy cái mõ đánh, tui không biết, tưởng thằng nào to gan, mới vả vô miệng. Tui xin lỗi nghe”. Ông xã tức lắm, nhưng đành chịu. Chuyện thứ ba mới… độc đáo. Số là xưa kia theo quy định của làng Chiên Đàn, mỗi năm một ông trùm chịu trách nhiệm lo việc cúng tế ở làng. Hết ông này sang ông khác. Luân phiên với nhau. Năm nọ, đến lượt ông Nguyễn Tấn Biểu. Đó cũng là năm làng tổ chức long trọng hơn mọi năm, có mời tổng về dự. Lệ thường, làng phải mua đến 7 con heo, mà là heo đực. Ông Nguyễn Tấn Biểu làm khác. Ông mua toàn heo cái rồi dặn mọi người kín tiếng. Mặt khác, ông lén mua một lúc 7 con… cặt heo, giao cho 7 thanh niên thân tín, dặn làm như ri, như ri… Y như ông tiên đoán, chuyện mua heo cái cúng tế đã dặn kỹ phải giữ kín nhưng rốt cuộc rồi cũng lộ ra. Đám quan khách xì xầm “Cái thằng Biểu ni coi khinh làng, làm heo cái đãi khách”. Lý trưởng nghe được, hầm hầm nổi giận, kêu ông lại, nạt nộ “Mi xấc lắm. Ai biểu mi làm heo cái đãi làng?”. Ông bình tĩnh thưa lại “Dạ, làm chi có chuyện đó? Chẳng qua người ta ghen ghét, đặt điều nói bậy thôi, oan cho tui quá! Mà, ai bói tầm bậy rứa?”. Ông lý trưởng giọng gay gắt “Tao nghe người ta nói râm kìa, mi còn chối hả?”. Ông vẫn bình tĩnh “Làng nói rứa thì để tui chứng minh chớ, không tui bị oan”. Vừa nói, ông vừa quay lại, bảo mấy thanh niên “Sắp bay, bưng ra đây!”. Đám thanh niên chỉ chờ có vậy, liền nhanh nhẩu bưng mỗi người bưng lên mỗi mâm. Trên mâm chỉ có mỗi con… cặt heo. Ông lần lượt dẫn từng anh thanh niên đến từng bàn, đặt cái mâm lên, nói “Dạ, con cặt đây làng”. Mâm nào ổng cũng làm vậy. Lý trưởng và đám quan chức biết bị ông chơi xỏ, tức lắm nhưng cũng đành chào thua mưu trí của ông .