Sunday, June 17, 2012

LÀNG NẠI HIÊN ĐÔNG


Theo lời kể của những bậc cao niên thì xưa kia ở làng Nại Hiên Đông, nay thuộc phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, có hai tộc tiền hiền là tộc Huỳnh và tộc Trương. Người đầu tiên tộc Huỳnh vào Nại Hiên Đông là ông Huỳnh Văn Muộn, gốc Nam Định, đến đây đã 11 đời. Còn tộc Trương vốn gốc xã Đại Việt, tỉnh Thanh Hoá. Lúc bấy giờ, ông tổ tộc Trương vào đánh Chiêm Thành, lấy vợ là bà Trương Thị Giác, sinh ra một người con trai là ông Trương Văn Sáo. Rồi, không biết vì lý do gì, ông lại về Thanh Hoá. Cho nên, gia phả chỉ có tên bà mà không có tên ông (?). Tính từ đời ông Trương Văn Sáo những năm đầu thế kỷ XXI cũng đã 10 đời. Sau hai tộc Huỳnh và Trương là các tộc Lê, Nguyễn, Trần... Nhưng, dù dến trước hay đến sau, các tộc họ ở Nại Hiên Đông vẫn luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương trợ lẫn nhau trên tình làng nghĩa xóm.
Khởi thuỷ, Nại Hiên Đông còn có tên dân dã là xứ Cồn Nhàn. Có người cho rằng không phải Cồn Nhàn mà là Cồn Nhạn. Chữ “Nhàn” do chữ “Nhạn” đọc trệch mà ra. Nguyên xưa kia, đây là vúng đầm lầy nước đọng, chịu ảnh hưởng nặng nề của dòng nước thuỷ triều. Khi thuỷ triều xuống, bầy chim nhạn và một số loài chim khác thường bay tới kiếm mồi. Mồi phổ biến là những con tôm, cua, cá khi thuỷ triều lên, theo dòng nước trào vào và khi thuỷ triều xuống, chúng bị bị mắc cạn, không theo ra kịp. “Mồi” nhiều nên chim nhạn tập trung kiếm mồi khá đông, đặc kín cả cồn. Thế là, dân trong làng nhiều người khi rảnh rỗi thường đi bẫy chim bán kiếm tiền cải thiện cuộc sống gia đình.
Hồi đầu thế kỷ XX trở về trước, số người đi bẫy chim khá đông. Càng về sau, càng ít đi. Có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là đất cồn càng ngày càng bị thu hẹp, không có chỗ cho chim về, kiếm mồi. Và, cho đến nay, một số người còn nhớ như in rằng ở Nại Hiên Đông, người đi bẫy chim cuối cùng là ông Thủ Oai, người tộc Mai. Cứ chiều chiều, dân làng thường thấy ông cầm bộ giò đi bẫy. Chim bẫy được chủ yếu là chim mía. Đến tối, được bao nhiều, ông đem bỏ mối cho các quán. Chuyện bẫy chim ở Nại Hiên Đông chấm dứt vào khoảng đầu những năm 1980 của thế kỷ trước, khi ông Thủ Oai, người bẫy chim cuối cùng nghỉ đi bẫy vì già yếu, vì sức nặng của tuổi tác.
Đánh cá trên sông Hàn năm 1951.Ảnh tu liệu

Nhưng, bẫy chim chỉ là nghề phụ, nghề làm chơi. Còn nghề nghiệp chính của người dân trong làng là nghề đánh bắt cá sông, cá biển, tuy số ghe tàu xưa không nhiều. Đầu thế kỷ trước, cả làng có khoảng hơn chục chiếc. Cá đánh bắt chủ yếu cá chim, cá nục. Được bao nhiêu, bà con đem ra chợ bán, mua gạo mắm... sống qua ngày. Ngoài nghề đánh bắt cá sông, cá biển, người dân Nại Hiên Đông còn sinh sống bằng nghề nông. Họ trồng lúa, trồng khoai, đậu phụng, rau màu. Cứ thế cũng tạm đủ sống qua ngày. Ngoài nghề đánh cá sông, cá biển và nghề nông... theo ông Trương Văn Ngò, sinh năm 1941 cho biết thì ở Nại Hiên Đông xưa còn có thêm nghề làm muối. Cánh đồng muối của làng hiện giờ thuộc khu vực Đài Phát thanh phường. Khi thực dân Pháp chiếm Đà Nẵng, thành lập khu nhượng địa Tourane, chúng mới làm một con đường bằng đất đỏ nối đường Ngô Quyền ra bờ sông Hàn khiến nước mặn không thể vào được. Nghề làm muối coi như không còn tồn tại nữa.
Đặc biệt, ở Nại Hiên Đông còn có một ngôi mộ cổ bằng đá. Ngôi mộ nằm về phía tây, chỉ cách đình làng chừng 50 mét, hình vuông, mỗi cạnh 4 mét. Xung quanh mộ có thành bằng đá bao bọc. Chính giữa là phần mộ. Trên đầu mộ có khắc phù điêu hình con dơi. Dưới chân mộ có văn bia chữ Hán, nguyên văn như sau : "Việt cố. Thái tuế Ất Sửu niên mạnh thu cốc nhật. Hiển khảo thuộc thứ đội trưởng Phan quí công Thuỵ linh trí Chi linh mộ. Hiếu tử nhị thứ Phan (... ) lập”.
Bia cổ ở làng Nại Hiên Đông. Ảnh Đ.Đ
Theo những cụ già thông hiểu Hán văn, từ dòng chữ “Thái tuế Ất Sửu niên mạnh thu cốc nhật”, có thể suy ra rằng mộ được xây dựng từ thời chúa Nguyễn, ước vào tháng 7 năm Ất Sửu, tức năm 1625. Chủ ngôi mộ là một vị quan họ Phan, với chức vụ là “thứ đội trưởng”. Người khắc bía là con của vị quan nói trên “Hiếu tử nhị thứ Phan...”. Còn hai chữ “Việt cố” được khắc trên văn bia nhằm tưởng nhớ quê hương. “Việt” ở đây là nước Việt, tức Việt Nam ngày nay. Còn “cố” là cố hương. “Việt cố” có nghĩa nhớ về quê cũ. Rõ ràng, với những phát hiện và lý giải trên, làng Nại Hiên Đông là một trong những làng ra đời sớm nhất ở Đà Nẵng nói chung và quận Sơn Trà nói riêng.
Cũng như nhiều làng quê khác, Nại Hiên Đông có đình từ rất sớm. Đình làng là nơi hàng năm người dân tổ chức lễ tế Xuân và tế Thu. Tế Xuân nhằm ngày 12 tháng 2, tế Thu vào ngày 20 tháng 8 âm lịch. Tế Xuân là tế sống, nghĩa là khi cúng, phải cúng bằng heo sống. Cúng nguyên cả con. Cúng xong, Hội chủ, tức người chủ tế có bổn phận phải ăn một miếng thịt sống, uống một ly rượu. Sau đó, mới đem heo xuống xẻ thịt, xào nấu. Mùa thu, là lễ cúng âm linh nhằm vào ngày 12 tháng 7 và tế tiền hiền vào ngày 20 tháng 8 âm lịch. Tế Xuân, tế Thu là dịp dân làng tụ tập lại, vừa tưởng nhớ ông bà tổ tiên, những người đã có công lập làng, lập xóm... vừa là dịp bà con được ăn uống no say, hàn huyên tâm sự, hàn gắn những rạn nứt trong cuộc sống đời thường, thắt chặt sự đoàn kết giữa các tộc họ với nhau.
Từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc trung ương, cũng như nhiều phường, xã khác, Nại Hiên Đông nhanh chóng thay da đổi thịt. Những ngôi nhà tranh tre sơ sài hồi đầu thế kỷ XX, những ngôi nhà chồ dọc bờ đông sông Hàn, những ngôi nhà tôn, vách ván thời Mỹ nguỵ còn sót lại, những con đường nhỏ hẹp ngoằn ngoèo, những con đường đất đỏ đầy bụi... đã dần dần biến mất. Vùng đất ngày xưa được gọi là “Cồn Nhạn” với những câu chuyện kể về bầy chim nhạn bay về kiếm mồi, về những người đi bẫy chim thế kỷ trước chỉ còn là ký ức. Thay vào đó là những ngôi nhà mới xây, khang trang và sạch đẹp, những đường phố dọc ngang hình bàn cờ được tráng nhựa phẳng lì.
Cùng với quá trình chỉnh trang đô thị, đời sống kinh tế của người dân cũng không ngừng được cải thiện. Tình trạng nghèo, đói từng bước được đẩy lùi... Tất cả đều thể hiện sinh động sự phát triển không ngừng của phường Nại Hiên Đông, nhất là trong những năm đầu của thế kỷ XXI. 
                                 

No comments: