Wednesday, March 28, 2012

LÀNG NHÀ CỔ HỘI AN Ở… TIÊN PHƯỚC


Làng Hội An, nay thuộc xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam được gọi là… làng cổ vì trong làng hiện có 10 nhà cổ. Trong số đó, cổ nhất, đẹp nhất là nhà của bà Nguyễn Thị Tuần và nhà ông Nguyễn Đình Đồng
Ở Hội An, nói về nhà cổ, có câu chuyện được lưu truyền khá hấp dẫn rằng hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong làng có một người phụ nữ goá chồng nhưng giàu nức tiếng. Đó là bà Nguyễn Thị Đáng. Không ai biết bà giàu có bằng cách nào, giàu nhờ người chồng đã quá cố, do ông bà để lại hay tự mình xoay xở. Chỉ biết khi chồng mất, bà có đến 6 người con.
Nhờ giàu có, dư dả, nhiều tiền lắm bạc, khi các con đã khôn lớn, bà mới cho gọi các con, hỏi muốn bà cho cái gì, ruộng đất hay nhà cửa, thậm chí của cải. Con có đứa thích ruộng tốt, có đứa lại nghiêng về nhà cửa đàng hoàng. Thích ruộng tốt bà cho ruộng tốt. Còn muốn nhà đàng hoàng bà cũng chiều. Dĩ nhiên, dù có chọn ruộng tốt, bà cũng cho tiền làm nhà, dù không thể to và đẹp bằng đứa con thích nhà đẹp. Và, trong số 10 ngôi nhà cổ ở Hội An có hai ngôi nhà đẹp nhất do bà Nguyễn Thị Đáng cho tiền để con mình xây dựng. Đó là nhà Nguyễn Thị Tuần và nhà ông Nguyễn Đình Đồng.
 Nhà bà Nguyễn Thị Tuần. Ảnh Đ.Đ            
Nhà bà Nguyễn Thị Tuần, sinh năm 1940, và là cháu dâu kêu bà Nguyễn Thị Đáng bằng bà cố bên chồng, có đường nét kiến trúc cũng như nghệ thuật điêu khắc sắc sảo. Nhà có tất cả 6 hàng cột, mỗi hàng 6 cột, tổng cột 36 cột. Cũng như nhiều ngôi nhà cổ khác, tất cả cột đều bằng gỗ mít láng bóng. Trên các vì kèo đều được chạm khắc hình đầu lân tinh xảo và sắc nét. 
Đặc biệt, trên hai tấm gia thu hai bên vừa làm tấm gỗ đỡ kèo nóc vừa dùng để trang trí, tăng thêm vẻ đẹp của ngôi nhà được khắc chạm nhiều hình thù đẹp mắt. Bộ phận trỏng quả có đế đặt trên lóng trính có hình trái bí.
Căn trung và hai bên căn trung đều có khung gỗ trang trí với nhiều hình thù như hình bát quái, hình chữ thọ được làm cách điệu, trang trí bằng song gỗ, miếng gỗ…  Hai  gian đầu hồi, rồi gian trước, gian sau đều có vách ngăn bằng ván gọi là phên lụa nhằm chia ra gian thờ cúng, tiếp khách với các gian chứa đồ đạc, vật dụng trong nhà.
 Được biết, khi bà Nguyễn Thị Tuần về làm dâu thì bà Nguyễn Thị Đáng mất đã lâu. Nhưng, theo truyền khẩu, ngôi nhà được thợ mộc làng Vân Hà nổi tiếng thi công ròng rã ba năm mới xong. Nguyên thuỷ, cửa nhà bằng tranh. Loại cửa này làm rất công phu. Mỗi cánh cửa, thợ làm cả tháng mới xong.
Bên trong nhà bà Nguyễn Thị Tuần. Ảnh Đ.Đ
Còn nhà ông Nguyễn Đình Đồng, sinh năm 1943, cũng được làm từ rất lâu. Ông cho biết ngôi nhà do ông cố ông, người có thời làm lý trưởng làng Hội An, thuê thợ làm. Nhà ông Nguyễn Đình Đồng về cơ bản không khác nhiều so với nhà bà Nguyễn Thị Tuần. Tuy nhiên, nếu nhà bà Nguyễn Thị Tuần có nhiều chạm trổ, điều khắc cầu kỳ, sắc sảo thì nhà ông Nguyễn Đình Đồng trang trí với những hoa văn, hoạ tiết khá đơn giản12.
Theo các bô lão, lúc bấy giờ, gần như những nhà giàu có trên đất Tiên Phước khi làm nhà đều bằng mọi cách phải lặn lội xuống tận làng mộc Vân Hà để mời cho bằng được thợ giỏi lên xây nhà. Nhà nào làm lâu, có khi thợ đem cả vợ con lên ăn ở hàng tháng, hàng năm liền.
Ngôi nhà ông Nguyễn Đình Đồng đang ở, theo tương truyền, cũng làm đến... 3 năm mới xong. Chuyện dựng nhà thì dễ rồi. Khó ở chỗ làm sao để cột kèo, trính, đòn tay... và biết bao thứ nữa phải ăn khít với nhau. Rồi công chạm trổ, rất tỉ mỉ và tinh vi.
Ngói, nguyên xưa là thứ ngói rồng, mua ở Hội An, chính xuất xứ từ làng gốm Thanh Hà nổi tiếng của phố cổ. Vâng, đã làm nhà, với nhà giàu đất Tiên Phước xưa, toàn là hàng "xịn", đồ "xịn" đương thời. Nhà xây rồi, còn có cái để nở mày nở mặt với thiên hạ. Không thì... mang tiếng giàu làm gì!

Có một điều khá đặc biệt là khi xây nhà xong thì ông cố ông Nguyễn Đình Đồng mất. Ấy là năm Bảo Đại thứ mười một, tức năm 1936. Như vậy, nhà làm ba năm, năm 1936 hoàn thành. Nghĩa là khởi công năm 1934. Hơn bảy mươi năm. Vậy mà nhìn ngôi nhà như xưa lắm, xa lắm. Quả thật, nhà ông có tấm hoành phi ghi bốn chữ "Quang thái sinh môn" được trích ra từ câu thơ rất hay "Khả liên quang thái sinh môn hộ" trong tập "Trường hận ca" bất hủ của thi sĩ nổi tiếng Bạch Cư Dị đời nhà Đường nhằm ca ngợi những người con gái làm rạng rỡ gia tộc.

           Nhà ông Nguyễn Đình Đồng. Ảnh Đ.Đ
Bên cạnh ngôi nhà có lối kiến trúc độc đáo, theo kiểu nhà của tầng lớp trung lưu hồi nửa đầu thế kỷ XX, trong nhà còn lưu giữ một số đồ dùng lúc bấy giờ như cái ảng ngâm giống khá to, rồi hồ cá. Cả hai thứ này đều làm bằng vôi.

Riêng ảng ngâm giống có ghi năm đúc là năm 1928, được để trước hiên nhà. Nét chữ in nổi còn khá rõ. Ngoài ra, cũng còn một số hiện vật thời trước còn lưu lại như ba tấm phản gỗ, chiếc tủ đựng đồ, bình vôi, rồi mấy tủ thờ được chạm khắc khá công phu.

Có thể nói, nhà của bà Tuần, ông Đồng là hai trong 10 ngôi nhà cổ lâu đời nhất, đẹp nhất trong làng nhà cổ Hội An trên đất Tiên Phước. Có thể kể ra đây một số ngôi nhà cổ khác như  nhà  ông  Cả  Thông,  ông   Kháng,  ông Vình, ông Trương Tế, ông Hiền, bà Lanh. Nhìn chung, mỗi ngôi nhà rõ ràng có một nét đẹp riêng, có nét khác biệt riêng. Và, những ngôi nhà này thực sự là “bảo tàng” sống, lưu giữ nghệ thuật kiến trúc độc đáo của người Quảng xưa[1].

Ảng ngâm giống được đúc năm 1935 hiện ở nhà ông Nguyễn Đình Đồng. Ảnh Đ.Đ
            Trên mặt nào đó, làng nhà cổ Hội An ở miền đất trung du Tiên Phước, Quảng Nam, là tài sản quý giá, cần được các cấp, các ngành có liên quan quan tâm hỗ trợ về nhiều mặt, góp phần bảo tồn những giá trị về lịch sử cũng như về nghệ thuật kiến trúc của người xưa để lại.





[1] Ông Nguyễn Đình Đồng, sinh năm 1943, làng Hội An, xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, kể



Saturday, March 24, 2012

TRÒ CHƠI TẾT Ở HỘI SƠN XƯA


Ở Quảng Nam, Tết xưa, không chỉ có "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bán chưng xanh" mà còn có những hình thức sinh hoạt văn hoá tinh thần khá phong phú từ hát bội, chơi bài chòi, hát sắc bùa đến các trò chơi Tết  Đặc biệt, với các cụ già cao tuổi làng Hội Sơn, nay thuộc xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, trò chơi Tết hồi đầu thế kỷ XX trở thành ký ức Tết khó quên…
 Để chuẩn bị trò chơi Tết, ngay từ tháng chạp âm lịch, làng Hội Sơn đã thành lập ban tổ chức, phân công phân nhiệm rõ ràng. Mỗi người, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh, phụ trách một mặt nào đó. Theo tương truyền, hồi trước năm 1945, Tết nào làng Hội Sơn cũng tổ chức vui Tết với nhiều hình thức phong phú từ trò chơi nấu cơm thi, trò chơi cục bòng, trò chơi đánh đu, trò chơi bịt mắt bắt heo đến trò chơi đốt pháo… Mỗi trò chơi đều thu hút khá đông bà con, nhất là tầng lớp thanh niên nam nữ, rồi đến các em thiếu niên, nhi đồng… Nó trở thành một ón ăn tinh thần bổ ích, không thể thiếu mối khi Tết đến Xuân về. Khán giả không chỉ bà con trong làng mà còn có cả bà con các làng xã lân cận, rồi đến khách vãng lai.

Trò chơi kéo co

Một trong những trò chơi khá thú vị, hấp dẫn là trò chơi "trái bòng". Để tổ chức trò chơi này, người ta treo một trái bòng lên cây, cách mặt đất khoảng mét sáu, sao cho vị trí trái bòng ở ngay trên đầu. Giữa trái bòng, ở phía dưới, họ bôi nhọ nồi thật nhiều rồi đút một đồng tiền vào bên trong, sao cho nó chỉ lòi ra một chút thôi.
 Những ai tham gia trò chơi này đều phải ngửa mặt lên trời, dùng răng cắn để lôi đồng tiền ra. Ai lôi ra được, phần thưởng dĩ nhiên là đồng tiền nọ. Nói thì dễ nhưng thực tế năm, bảy người mới có người thành công. Còn phần đông thì... chỉ tổ dính nhọ nồi. Này nhé, trái bòng treo bằng một sợi dây cho nên khi ngửa mặt, dùng răng cắn đồng tiền, chỉ cần sơ ý một chút, trái bòng sẽ đung đưa, nhọ nồi ngay lập tức dính vào mặt, vào mũi.
Cho nên, không hiếm người, khi lấy được đồng tiền, mặt mũi lấm lem, chỉ còn chừa mỗi... cặp mắt mà thôi. Khi gặp những trường hợp ấy, khán giả là người lợi nhất vì họ được một trận cười vỡ bụng. Nhìn chung, trò chơi thu hút chủ yếu thanh thiếu niên. Nhưng, cũng có không ít người bốn, năm mươi thấy vui quá cũng "tình nguyện" tham gia với mục đích nhằm lấy "hên" nhân những ngày đầu năm mới
Bên cạnh trò chơi "trái bòng" là trò chơi đốt pháo. Người ta trồng một cây tre dài, phía trước, treo một dây pháo. Người chơi phải đi bộ trên cây tre, tay cầm cây hương đã đốt sẵn, cứ thế đi đến đầu cây tre, châm hương vào dây pháo, làm sao để dây pháo nổ thì… thắng. Đi trên cây tre, cây tre cứ rung rung. Đi đoạn ngắn thì rung ít, khoảng hơn mét thì rung nhiều. Càng xa càng rung dữ. Đi không khéo sẽ lăn quay xuống đất. Ấy là chưa kể có nhiều trường hợp ra gần đến nơi thì bỗng nhiên hương bị tắt. Thế là phải xuống, phải thắp lại hương và đi lại từ đầu.

Trò chơi Bịt mắt bắt dê 

Nhưng, dù có cẩn thận, có khéo léo mấy thì mười người chơi, thắng cuộc chỉ khoảng một người. Chín người còn lại đều thua, đều… té lăn quay. Cứ mỗi lần như vậy, bà con được một phen cười thoả thích. Nhưng, khi nghe có tiếng pháo nổ đùng đùng, tất có người đã thắng cuộc. Lúc ấy, tiếng pháo hoà lẫn tiếng hoan hô vang dội của bà con đang xem khiến không khí ngày Tết càng Tết hơn.
Ngoài ra, Hội Sơn còn tổ chức nhiều trò chơi dân dã khác như nấu cơm thi, bịt mắt bắt heo, đánh đu... Nhìn chung, hấu hết những trò chơi "cây nhà lá vườn" này đều thu hút khá đông nam nữ thanh niên tham gia, gây không khí sôi nổi, phấn khởi trong những ngày Tết cổ truyền. Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong bối cảnh tình hình chung của cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ đầy hy sinh và gian khổ, dân làng không có điều kiện để tổ chức. Đó là nguyên nhân khiến trò chơi Tết ở Hội Sơn mai một dần. Đến nay, nó chỉ còn là ký ức trong lớp người cao tuổi mà thôi...[1] 



[1] Ông Huỳnh Huy, sinh năm 1933, làng Hội Sơn, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, kể

Tuesday, March 20, 2012

HAI TRĂM NĂM XÓM... LÒ RÈN!


Ở Quảng Nam, có một địa danh nổi tiếng khắp vùng tây Đại Lộc. Đó là xóm lò rèn Phú Nhiêu, nay thuộc thôn Thạnh Phú, xã Đại Chánh. Theo các bô lão, đây là một trong những xóm lò rèn có lịch sử tồn tại ít ra cũng gần hai trăm năm, tính từ thời điểm lò rèn đầu tiên ra đời cho đến nay! 

Nghề nông hồi đầu thế kỷ XX ở Việt Nam. Ảnh tư liệu
 Người đầu tiên hành nghề thợ rèn ở xóm lò rèn Phú Nhiêu là ông Tiết, người họ Nguyễn. Đây là họ có nguồn gốc từ làng Phụng Loan, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Theo ông Nguyễn Xoa, sinh năm 1912, và là cháu gọi ông Nguyễn Tiết bằng ông cố, kể rằng thời ông Nguyễn Tiết, do chiến tranh loạn lạc nên bà nội ông Nguyễn Tiết mới cõng cha ông về quê ngoại, làng Phú Nhiêu, để lánh nạn rồi... ở lại và lập nghiệp.

Khi lớn lên, ông Nguyễn Tiết mới học nghề rèn từ ông anh rể và lập lò rèn, quanh năm suốt tháng rèn dao, mác, rựa, liềm... cho bà con khắp vùng. Tuy ông làm nghề rèn nhưng chỉ làm có...một đời rồi thôi. Lớp con cháu sau này không ai làm thợ rèn. Như vậy, tính từ đời ông Nguyễn Tiết xuống đời ông Nguyễn Xoa đã 4 đời. Trên cơ sở đó, có thể ước đoán lò rèn đầu tiên ở Phú Nhiêu xuất hiện muộn nhất cũng vào nửa đầu thế kỷ XIX, cách nay gần hai trăm năm![1]

Sau khi ông Nguyễn Tiết nghỉ rèn, lại có một thợ rèn khác tên là ông Xú người Ngọc Kinh đến dựng lều hành nghề. Có điều, ông này không lập nghiệp tại Phú Nhiêu nên khi ông nghỉ làm, không có ai là con cháu ông nối nghiệp. Xóm lò rèn Phú Nhiêu chính thức được duy trì và phát triển mạnh bắt đầu từ ông Hề, người tộc Ngô, một tộc được xem như đến sau và là dân ngụ cư ở địa phương.

Chuyện kể rằng vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX, triều đình Huế có quy định gia đình nào có ba con trai thì một người phải sung vào quân ngũ, gọi là chế độ “tam đinh thủ nhất”. Xuất phát từ nguyên nhân đó, ông nội của ông Ngô Văn Hề, vốn người Thanh Hoá, vào định cư ở thôn Tiệm Rượu, huyện Duy Xuyên đã nhiều đời, bèn dẫn một người con đi vào tận Cao Cang Trường Gà ở Quảng Ngãi một thời gian.

Rồi, không biết vì lý do gì, ông lại tiếp tục dẫn người con trai này đi theo chiều ngược lại, tức đến làng Phú Nhiêu lập nghiệp. Do từng học nghề ở thôn Tiệm Rượu nên khai vào Phú Nhiêu, ông Ngô Văn Hề vào làm phụ cho lò rèn của ông Xú, người Ngọc Kinh, đang hành nghề tại đây. Cũng theo tương truyền, cùng chạy một lần với ông Ngô Văn Hề là ông Kính, người tộc Trương. Ông này cũng phụ ở lò rèn ông Xù.[2]

Thông thạo nghề rèn, rèn giỏi nhưng trong bối cảnh những năm 1945 trở về trước, để mở một lò rèn không phải chuyện dễ. Vấn đề là phải có tiền, có bạc để có thể sắm đủ một bộ đồ nghề gồm một đôi bệ bằng gỗ sơn để thổi lửa, một bộ kèm, hai cái búa cái, hai búa con, một bộ nòng để làm cán cuốc... Do không đủ tiền nên trong tình thế bất đắc dĩ, ông Ngô Văn Hề đành phải... xin vào làm công cho ông Xú để kiếm miếng cơm manh áo hàng ngày.

Và, trong quá trình làm công ấy, ông quen biết các ông Thủ Ngữ ở làng Nam Phước, ông Tạo ở làng Thắng Lộc. Hai ông này xuất thân trong gia đình giàu có. Mỗi lần đi rèn nông cụ như cuốc, cày, liềm...các ông đều đi bằng ngựa, phương tiện đi lại dành cho giới lắm tiền nhiều bạc ở vùng nông thôn Quảng Nam hồi bấy giờ. Thấy ông Ngô Văn Hề siêng năng, lại thạo công việc, hai ông thương tình, bèn đứng ra giúp đỡ, cho mượn gạo tiền để mở lò rèn riêng.

Vậy là cả làng Phú Nhiêu lại có một lúc hai lò rèn, một của ông Xú và một cái nữa của ông Ngô Văn Hề. Sinh thời, ông Ngô Văn Hề không những truyền nghề cho con là ông Ngô Văn Quốc mà còn thu nhận con của người bạn chí cốt Trương Kính là ông Trương Nguyên làm học trò. Đồng thời, sau khi lấy bà vợ người tộc Võ trong làng, ông cũng truyền nghề cho ông Võ Đa.

Và, theo cách ấy, nghề rèn Phú Nhiêu phát triển dần. Cho nên, đến đời ông Ngô Văn Quốc, xóm lò rèn đã có tổng cộng 5 lò của các ông Ngô Văn Quốc, Trương Nguyên, Võ Đa, Võ Nhơn và Ngô Thức.

Ấy là lớp thợ rèn hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Còn đến lớp ông Ngô Văn Thành thì đông. Ngoài lò rèn của ông Ngô Văn Thành, còn có lò rèn của các ông Trương Đình Long, Trương Như Sơn, Trương Bảy, Trương Xong, Võ An, Tô Phấn và Phạm Giáo... Dĩ nhiên, sự phân chia thế hệ này, thế hệ khác suy cho cùng cũng chỉ mang tính chất tương đối.

Sản phẩm của xóm lò rèn Phú Nhiêu khá phong phú, từ rựa, rìu, dao đến  liềm, mác... đủ loại to nhỏ, với nhiều kích cỡ khác nhau. Giá tiền cũng theo đó mà ít hay nhiều.

Cảnh thường ngày ở  xóm log rèn Phú Nhiêu. Ảnh Đ.Đ
Trong quá trình duy trì và phát triển, nghề rèn Phú Nhiêu từng bước khẳng định mình. Sản phẩm của các lò rèn ở đây không những được bà con nông dân các làng ở vùng tây Đại Lộc, một số làng ở Duy Xuyên tín nhiệm mà còn được đồng bào người Cơ-tu ở huyện Nam Giang biết tiếng. Hồi ấy, rèn rựa mấu dài, rìu loại nhỏ nhằm cung cấp cho nhu cầu của đồng bào người Cơ-tu tụi tui gọi là rèn “đồ khách”. Còn rèn cho bà con người Kinh gọi là rèn “đồ thường”.

Về thương lái, trong những năm từ 1965 trở về trước, xuất hiện các ông Hai Khiết, ông Ba Tình người làng Hà Nha, nay thuộc xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, chuyên đến đặt hàng đồ khách, chủ yếu là rìu, rựa. Làm xong, khoảng từ hai chục đến ba chục cái, họ vác lên miền ngược đổi đồ về bán lại kiếm lời. Thường mỗi chuyến họ đi chừng nửa tháng rồi về để tiếp tục đi chuyến khác.

Không chỉ xuất hiện thương lái buôn bán miền ngược, số thương lái buôn bán ở miền xuôi cũng không hiếm. Có thể kể ra đây một số thương lái cụ thể như bà Trợ Sanh ở Đại Đồng, ông Khế ở Đại Tân, ông Trương Khôi ở Đại Cường... Họ thường đặt các chủ lò rèn rèn rựa, dao, liềm... rồi gánh bộ đi bán khắp nơi, từ Đại Lộc, Duy Xuyên đến Điện Bàn, Hội An... Tiếng tăm của sản phẩm lò rèn Phú Nhiêu vì thế càng vươn xa hơn[3].

Trong gần hai trăm năm duy trì và phát triển, xóm lò rèn Phú Nhiêu đã sản sinh ra không ít thợ bậc thầy. Tuy nhiên, người nổi tiếng nhất, tài hoa nhất là ông Trương Xong. Ông thuộc lớp thợ trưởng thành những năm 1940. Sản phẩm do ông chế tác độc đáo nhất là rìu. Theo tương truyền, ông Trương Xong làm rìu không những bén ngọt mà điều quan trọng nhất là lưỡi rìu chịu chẳng, tức khi tra vào không hư và nhất là “chịu chẳng”. “Chịu chẳng” ở đây là chỗ khuyết trên lưỡi rìu dùng để tra cái gọng bằng gỗ vào lưỡi rìu... Người thợ làm rìu giỏi là làm sao để khi tra cán rìu vào, lưỡi rìu không phá cán cũng như cán rìu không làm nứt lưỡi rìu.

Để làm thạo, hoàn toàn không phải chuyện dễ. Cho nên, ở xóm lò rèn, làm vật dụng thông thường thì thợ nào cũng làm được nhưng rất ít thợ chế tác rìu điêu luyện như ông Trương Xong.

Sau ông Trương Xong, ông Ngô Văn Thành trở thành người làm lưỡi rìu giỏi nhất Phú Nhiêu. Tuy có thể làm lưỡi rìu, làm ngon và cũng “chịu chẳng” như ông Trương Xong. Nhưng, chính bản thân ông Ngô Văn Thành cũng thú nhận rằng mình không giỏi bằng ông Trương Xong. Sinh thời, ông Trương Xong là người thường xuyên làm rìu loại nhỏ, rựa mấu dài... cho đồng bào dân tộc ở Nam Giang. Sản phẩm ông làm ra bao nhiêu được tiêu thụ hết bấy nhiêu.

Từ sau ngày giải phóng đến nay, nghề rèn Phú Nhiêu vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển. Theo anh Trần Văn Ảnh, thôn trưởng thôn Thạnh Phú, hiện nay cả xóm lò rèn Phú Nhiêu có tổng cộng 13 lò rèn, thu hút 39 lao động, từ thợ chính đến thợ phụ. Bên cạnh thợ chính lớp trước còn hành nghề như các ông Ngô Văn Thành, Phạm Giáo, Trương Bảy thì hầu hết là lớp sau, tuổi đời từ 40 đến 50 như các ông Phạm Đình Thanh, Tô Phương, Tô Mười, Phạm Bảy...Trong đó, thợ trẻ nhất là anh Ngô Văn Bảy, chỉ mới 34 tuổi.

Cũng như trước kia, các lò rèn gần như hoạt động quanh năm. Sản phẩm chính vẫn là các loại cuốc, rựa, dao, rìu...truyền thống.  Thông thường, nghề rèn phải từ tháng tư trở lên mới dần dần đắt khách. Tháng chạp, tháng giáp Tết lại ế... Mà ế đến ra Tết còn... ế!

Về thu nhập, bình quân mỗi thợ, cả thợ chính lẫn thợ phụ, nhìn chung từ xưa đến nay không nhiều, nhưng cũng đủ sống.. Đó là ý kiến của hầu hết thợ xóm lò rèn Phú Nhiêu. Có điều, làm việc gì cũng có cái giá của nó. Thợ rèn không tránh khỏi quy luật ấy. Mùa đắt nhất là mùa nắng. Đã nắng, nóng, họ lại phải thường xuyên phải tiếp xúc với lửa nên người rất mệt mỏi. Đó là chưa kể vì lò rèn lúc nào cũng có bụi nên nhiều người bị bệnh phổi, rồi một số khác bị bệnh về mắt. Thợ rèn nhưng mắt yếu thì hỏng, không thể tiếp tục làm được.

Có một chi tiết khá thú vị là ở Quảng Nam, cứ đến ngày mười bảy tháng hai âm lịch là ngày giỗ... tổ thợ rèn. Lễ giỗ tổ được tổ chức tại làng La Qua, nay thuộc thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn. Đó là ngày mà thợ rèn ở Quảng Nam, Đà Nẵng phải tề tựu để dự lễ.

 Lại nghe nói ông tổ thợ rèn tên là ông Lư Cao Sơn. Ông này chết đúng ngày này nên thợ rèn mới lấy đó làm ngày giỗ tổ. Ấy là chuyện trước năm 1945. Còn nay, mọi chuyện đã thay đổi. Tuy nhiên, ở xóm lò rèn Phú Nhiêu hầu hết thợ rèn chỉ cũng tổ vào đúng ngày mồng một Tết hàng năm, ngay tại nhà. Bàn thờ ông tổ thợ rèn cũng nằm ở ngay bàn thờ tổ tiên, nhưng được làm cao hơn. 





[1] Ông Nguyễn Xoa, sinh năm 1912, làng Phú Nhiêu, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, kể.


[2] Ông Ngô Văn Thành, sinh năm 1927, làng Phú Nhiêu, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, kể.


[3] Ông Trương Như Sơn, sinh năm 1925, làng Phú Nhiêu, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, kể.


Thursday, March 15, 2012

DẤU XƯA CÒN MỘT CHÚT NÀY…

Làng Diên Lộc, nay thuộc xã Quế Minh, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, còn một di tích khá đặc biệt. Đó là nhà thờ tiền hiền. Nhà thờ tuy không lớn, nhưng mang dáng vẻ cổ xưa, đầy rêu phong, cổ kính. Theo truyền khẩu, thời trước, khi ông bà tổ tiên vào khai canh, lập làng lập xóm, Diên Lộc, nay được chia thành hai thôn là Diên Lộc Bắc và Diên Lộc Nam, đã có nhà thờ tiền hiền làng. Có thể nói, đây là di tích văn hóa khá quý giá còn sót lại trên vùng đất này. 
 Cũng như nhiều nhà thờ khác, nhà thờ tiền hiền Diên Lộc ban đầu chỉ bằng tranh tre sơ sài. Vào năm 1932, được sự vận động của các chư tộc phái, bà con trong làng kẻ ít người nhiều đã đóng góp tiền của, công sức, xây dựng nhà thờ thành hình như ngày nay. So với nhiều nhà thờ khác, nhà thờ tiền hiền Diên Lộc khá khiêm tốn với bề ngang khoảng tám mét, ngang độ năm mét, được chia làm ba gian. Gian giữa là bàn thờ chính, thờ tiền hiền, có viết dòng chữ “Tiền hiền nguyên vị”. Hai bên, tả ban hữu ban, thờ các vị hậu hiền. Mái lợp ngói âm dương. Phía trước nhà thờ có bình phong, có cổng. Đặc biệt, ở hai bên trụ cổng có câu đối bằng chữ Hán. Đó là câu “Thử địa thử nhân dân vãng vô bất lợi/ Kỳ thượng kỳ tả hữu hiển nhược hiểu phù”.

                                                 Nhà thờ tiền hiền Diên Lộc. Ảnh Đ.Đ

Hồi trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đây là nơi hàng năm làng tổ chức tế xuân khá linh đình, kéo dài trong ba ngày, từ mười bốn đến mười sáu tháng ba âm lịch. Chính lễ là ngày mười lăm. Trong ngày này, làng tế sống một con heo. Sau khi cúng, người đứng ra làm chánh bái, thường là những bậc cao niên, có uy tín trong làng, ăn một miếng thịt sống và uống một hớp rượu. Tiếp theo, dân làng mới đem con heo tế sống xuống xẻ thịt, làm các món ăn. Trong những ngày tế lễ, mỗi gia đình góp một con gà, một mâm xôi. Riêng làng năm nằo cũng mổ heo, mổ bò… Ngân quỹ tổ chức được trích từ tiền thuế của hơn một mẫu ruộng công dành cho nhà thờ và tiền bán củi của rừng miếu Tam Vị và rừng Sen. 


Nói chung, đây là dịp bà con trong làng, từ người già đến trẻ con tụ tập đông đủ, ôn lại quá khứ của các bậc tiền nhân, thắt chặt sự đoàn kết của bà con các tộc họ trong làng. Hiện nay, người dân vẫn tổ chức tế xuân nhưng không bày biện tốn kém như trước. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, rất may mắn là nhà thờ vẫn không hề bị bom đạn tàn phá như nhiều nhà thờ của các tộc họ khác. Tuy nhiên, trải qua gần thế kỷ, nhà thờ tiền hiền làng Diên Lộc đã xuống cấp trầm trọng. Một số cây cột có dấu hiệu bị mối mọt xâm hại. Mái ngói bị hư không ít… Bức xúc trước thực trạng ấy, người dân đã nhiều lần sửa chữa.


Cổng vào Nhà thờ và bình phong. Ảnh Đ.Đ

 Nhưng đó chỉ là những lần sửa chữa nhỏ, chủ yếu chống đổ sập là chính. Cho nên, nhà thờ gần như vẫn giữ nguyên hình dáng ban đầu, tức từ khi xây dựng quy mô, vào năm 1932. Đặc biệt, cổng và bình phong trước mặt nhà thờ còn gần như nguyên vẹn với những đường nét cổ xưa, thể hiện sinh động nghệ thuật kiến trúc dân gian phổ biến của đất Quảng hồi đầu thế kỷ trước.
Có thể nói, nhà thờ tiền hiền Diên Lộc là một trong những di tích văn hóa đặc sắc của Quảng Nam. Càng quý báu hơn khi hình dáng, kích thước và đường nét tạo hình…của nhà thờ Diên Lộc, một trong những nhà thờ khá tiêu biểu của Quảng Nam hồi đầu thế kỷ XX, vẫn còn gần như nguyên vẹn. Ngắm nhìn ngôi nhà thờ này, ta có thể phần nào liên tưởng đến sinh hoạt văn hoá tinh thần của người dân địa phương lúc bấy giờ. Có thể gọi đó là dấu xưa, ghi đậm nét qua thời gian với bề dài gần một thế kỷ với biết bao vật đổi sao dời[1]


[1] Ông Vũ Văn Thống, sinh năm 1928, làng Diên Lộc, xã Quế Minh, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, kể.

Monday, March 12, 2012

CỌP… AN BẰNG!



Nằm tiếp giáp với dãy Trường Sơn hùng vĩ, ngay từ thời xa xưa, khi đến khai canh, khai cư, người dân làng An Bằng, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, phải thường xuyên đối phó với nhiều loại thú dữ, nhất là cọp, vị chúa tể sơn lâm. Và, trong thời kỳ gần như “sống chung với thú dữ ấy”, người dân làng An Bằng đã để lại nhiều câu chuyện kể khá lý thú, hấp dẫn về việc bắt cọp, bẫy cọp, bắn voi, rồi cả chuyện bị... cọp bắt hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước! 


Đường làng An Bằng. Ảnh Đ.Đ
Làng An Bằng bấy giờ dân số thưa thớt, chưa đến 60 nóc nhà, lại ở rải rác, nhà nọ cách nhà kia nhiều khi hàng mấy trăm mét, thậm chí tính bằng cây số. Còn cây cối thì um tùm, rậm rạp. Đặc biệt, khi đến rìa làng, đã thấy núi, thấy rừng, có thể nghe cả tiếng chim kêu, vượn hú ở phía xa xa. Còn chuyện thú dữ, đặc biệt chuyện cọp thì... nhiều vô kể. Thỉnh thoảng, lại xảy ra việc trâu, bò của ai đó bị cọp bắt ăn thịt.
Không chỉ trâu, bò, cả người cũng bị chúng làm hại. Thế cho nên, ngày xưa các cụ rất kiêng cữ khi vào rừng. Nhất là không được nói chuyện bậy bạ. Mà hễ nói thì… có, linh thiêng lắm(!?). Người ta còn kể chuyện ông Chánh An, người chuyên đi than, đốt than đổi cơm, bữa nọ, xảy ra việc la lộn với hàng xóm. Trong lúc tức giận, ổng mới nói ổng làm bậy bạ thì vô núi cọp ăn... Thế mà sau đó, ổng bị cọp vồ thật. Cả đoàn đi, cọp không vồ ai cứ nhè ổng mà vồ. May mà ổng tránh được. Bà con sợ quá, phải hộ tống ổng về đến tận nhà. Nhưng về rồi, ông cứ bị ám ảnh hoài, phải bỏ xứ mà đi. Ông không dám ở lại, sợ cọp rình bắt[1].
Hiện nay, trong làng An Bằng vẫn còn một địa danh gọi là Ông Đầu. Nguyên xưa, cọp An Bằng nổi tiếng là nhiều và hung dữ ở vùng tây Đại Lộc. Người ta không biết bầy cọp bao nhiêu con nhưng hễ chúng vồ được hươu, nai hay trâu, bò đều kéo về đây ăn thịt, đầu thú cứ đầy, chỗ nào cũng có. Cho nên, người ta mới bảo đó là địa danh Ông Đầu. Rồi chuyện này nghe mới kinh khủng. Số là bữa nọ, ông Xã Nhược ra ngoài làng mua cây tre vác về nhà.
Đang vác ngon ơ, ông thấy đầu cây sao nặng như chì. Lấy làm lạ, ông nhìn lại và thất kinh khi nhận ra một con cọp đang đu cây tre. Ông sợ lắm nhưng cố giữ bình tĩnh, cố sức vác cây tre, đến ngay trước nhà, ông lớn tiếng hô “Hé cửa lên cái Lộ!”. Lộ là tên con gái ông. Nghe cha gọi, cô con gái vội vàng hé cửa. Nhanh như chớp, ông Xã Nhạn mới quăng cây tre, chạy tọt vào nhà. “Cọp đó! Cọp đó!”. Ông nói với con gái. Ở phía ngoài, con cọp nhảy xuống, bỏ chạy. Lúc này, hai cha con ông mới hoàn hồn. Chuyện thật mà như bịa.
Trong làng, cũng có một cái cửa truông gọi là truông Đò Chìm. Các cụ kể hễ ai bị cọp “bấm”, nói theo ngôn ngữ địa phương, tức bị cọp vồ, mà chết thì được đem về chôn ở truông Đò Chìm. Người ta không dám nói thật, phải nói lái. Hễ truông Đò Chìm có bao nhiêu mả thì có bấy nhiêu trường hợp bị cọp vồ. Đi củi bị vồ, đi than bị vồ, đi lấy mật ông rừng bị vồ... Vồ đủ kiểu, đàn ông có mà đàn bà cũng không ít. Và, không có cái chết nào giống nhau. Thời ấy, bị cọp vồ không phải là chuyện hiếm. Cho nên, trong cuộc sống thường ngày, ngưới ta rất đề cao cảnh giác.
Ngay cả địa danh, ngoài các dịa danh như gò Bòng, gò Lấp Sánh, gò Hóc Niêm... còn có địa danh khá đặc biệt là gò Ông Nhớ...  Gò này cọp thường phục, hễ gặp trâu bắt trâu, gặp bò bắt bò, phát hiện người đi lẻ cũng bắt nốt... Cho nên, dân làng mới đặt tên là gò Ông Nhớ, nghĩa là đến đó phải NHỚ, không nhớ thì chết. Nhớ đây là nhớ có ông cọp. Nhớ để đề phòng. Hễ cùng đi củi, cùng đi than, mà ai cất tiếng “Sắp đến gò Ông Nhớ rồi đó” là y như rằng mọi người đang chuyện trò vui vẻ ngay lập tức im bặt, mắt láo liên vì sợ.
Để phần nào hạn chế cọp vồ, dân làng An Bằng có kinh nghiệm khi vào rừng,  họ có cây chống. Cây này luôn cao quá đầu người. Phần phía trên phải vót thật nhọn. Cọp thấy đầu nhọn ấy sợ, không dám vồ, sợ cọc nhọn đâm. Nhưng, dù cẩn thận mấy, cũng có lúc phải sơ hở. Nên mới có chuyện một ông vào rừng nấu nước chè uống. Khi nước đã sôi sùng sục, ông mới dùng hai khúc cây cặp om chè lên, chẳng may, om chè bị lật úp, đổ hết xuống đất. Ổng bèn xách om xuống dưới khe Đá Nẻ định múc nước khác nấu lại. Đang lom khom múc thì bị cọp rình “bấm”. Bà con nghe tiếng la thất thanh của ông, mới bổ nhau đi tìm, truy đuổi theo dấu chân cọp. Họ không cứu được ông nhưng cũng giành được xác đem về, chôn ở truông Đò Chìm.
Cọp nhiều, lại hung dữ, nên hồi trước Cách mạng Tháng Tám, dân làng An Bằng kiêng kỵ lắm. Người ta thấy gì thì thấy, không nói bậy, không quở, cứ lẳng lặng mà đi. Có một chi tiết khá thú vị rằng xưa, người dân rất nghèo, miếng cơm hàng ngày đã khó nói gì đến các thứ khác. Thế mà, áo quần lúc ấy bằng thứ vải ta, rất xấu. Người nào giỏi giữ, cùng lắm là ba tháng sau vải cũng tự nhiên rạn, rách.
Thế cho nên, hầu hết đàn ông khi đến bìa rừng, chuẩn bị lên núi đốt củi đốt than, làm gỗ, lấy mật ong hoặc khai thác dầu rái... đều cởi truồng, tồng ngồng mà đi. Riêng đàn bà mặc yếm. Nhiều khi trong đoàn có cả đàn ông, đàn bà nhưng người ta cứ tự nhiên... cởi quần mà không cảm thấy ngượng vì từ nhỏ đến lớn, đàn ông ai ai cũng như vậy hết. Để giữ quần áo lâu rách, khi giặt, họ không “vặn” cho ráo nước như bây giờ mà lấy hai tay chập chập lại, rồi bóp mạnh. Chỉ thế thôi.
Về việc cởi truồng, làng An Bằng còn lưu truyền chuyện kể khá lý thú và hấp dẫn. Nguyên thời trước có đôi vợ chồng kia gả con gái cho gia đình nọ ở làng khác, chuyên sống về nông nghiệp, không quen đi núi, đi rừng. Chàng rể lại xin ở rể. Thời xưa, hầu hết gia đình nghèo ở An Bằng đều sống dựa vào rừng. Riêng nhà nọ lại lấy đốn củi, đốt than kiếm cơm.
Thế là, sau đám cưới, cháng rể mới theo ông gia lên rừng hành nghề. Do biết con rể mới chân ướt chân ráo vào “sơn tràng”, tất cả moị chuyện đều bỡ ngỡ nên ông gia dặn rất kỹ. Con rể một dạ hai dạ. Sáng hôm ấy, hai cha con xuất hành. Đây là buổi “ra quân” đầu tiên của chàng rể nên theo thông lệ, phải có lễ cúng “sơn thần”, xin “người khuất mặt” cho phép vào làm ăn.
Khi vào đến khe, người con rể bắc ấm, nấu nước chè rồi đem gói cơm ra, lấy rựa vót đũa, bày tất cả lên một tàng đá to, quỳ lạy, lầm rầm khấn vái. Nội dung đại khái “Hôm nay, ngày.... tháng.... năm, tui tên là....., quê quán ở...... Nay xin vào đốn củi, đốt than, kiếm miếng cơm, manh áo. Theo lệ thường, tui có chút lòng thành, xin làm mâm cơm đạm bạc, xin cô bác ai thấy nấy ăn, phù hộ cho tui vào ra thông suốt, tai qua nạn khỏi, may mắn trăm bề...”.
Khấn xong, người con rể đợi một lát, vái lại, rồi đem cơm xuống, ăn để lấy sức đi tiếp. Đây cũng là lúc hai cha con cởi quần ra, bỏ vào mo cau, lên dốc. Cứ cha đi trước, con rể theo sau. Đi một đoạn, con rể thấy đít ông già vợ sao teo riết, mới buột miệng, hỏi “Cha ơi, răng đít cha beo riết rứa?”. Ông gia nghe đến tiếng “beo” thì sợ điếng hồn. Beo với cọp thì có gì khác?. Đã dặn kỹ, thế mà... Ông gia vừa nghĩ vừa ngoái đầu lại, trừng trừng nhìn con rể, tỏ ý không bằng lòng.
Anh con rể thấy thái độ ông gia, mới nói tiếp “Chi mình nói giỡn mà ổng trở mặt hùm!”. Lần này, ông gia giận lắm nhưng cũng không nói gì. Tối về, ông gia hoàn hồn, kể với gia đình “Tui về rồi mới tỉnh, hết sợ. Thú thật, sáng nay, nghe thằng rể nói nổi da gà. Ai đời nó quở đít tui beo, tui trừng mắt thì nó bảo mới giỡn chút mà tui trở mặt hùm... Nói như rứa có ngày chết như chơi!”.
Có thể nói, cọp trở thành nỗi ám ảnh của dân làng An Bằng thời trước. Và, những người ở tuổi quá “thất thập cổ lai hi” thường nhắc đến một nhân vật bắt cọp giỏi, có tiếng của làng là ông Lê Văn Sính. Ông này rất giỏi võ, có những đòn thế rất hay, đủ sức tay không đấu với cọp. Người ta kể rằng có lần, cọp vồ trâu ông Lê Văn Sính. Ông ta nhảy ra đánh cọp khiến cọp thua, chạy thẳng một hơi.
Nhiều lần cọp vào bắt heo ở làng Lộc Phước kế bên. Mỗi khi nghe dân làng nổi mõ, la làng, ông Lê Văn Sính nhanh chân chạy vào Hóc Lách, đứng rình ngay khu vực Đá Chồng. Theo kinh nghiệm của ông, đây là nơi mỗi lần cọp lẻn vào bắt heo, bò... thường đi ngang.
Đúng y như dự kiến, ngay sau đó, cọp cắp con heo qua. Đợi cọp vừa đi sát, thình lình, ông hét một tiếng thật to, rung chuyển cả góc rừng, rồi nhắm ngay lưng con cọp, quất một roi hết sức bình sinh. Cọp trúng đòn, lại nghe tiếng hét vang dội, hoảng sợ, bỏ heo mà chạy. Ông Lê Văn Sính đem heo về, hễ có ai đến xin thì cho lại. Bằng không, ông xẻ thịt mà ăn.
Không chỉ một lần mà nhiều lần ông đã “hớt tay trên” cọp như thế. Ai bảo loài cọp không tinh khôn, riêng dân làng An Bằng lại nghĩ khác. Bằng chứng là không ít lần, “cắp” heo đến Hóc Lách, cọp thả heo xuống, rồi thình lình vồ ngay đúng lùm cây lần trước ông Lê Văn Sính đứng rình. Nhưng, ông cũng khôn ngoan hơn, hễ lần này núp lùm cây kia thì lần khác núp lùm cây nọ. Cho nên, không lần nào cọp vồ được ông.
Người ta còn kể câu chuyện khá kỳ quặc và cũng rất đáng ngờ là lần nọ, ông Lê Văn Sính ngồi trong bụi rậm quan sát bầy trâu. Bất ngờ, có ông cọp từ đâu xộc tới, ngồi... ngay trên hai bắp đùi ổng. Thế là ổng dùng hai tay đánh khiến cọp chạy thẳng một mạch vô rừng... Chuyện tưởng như đùa.
Nhưng, như người ta nói “sinh nghề tử nghiệp”, cuối cùng, ông Lê Văn Sính cũng chết vì bị cọp “bấm”. Số là hôm nọ, ông thức dậy nấu cơm để chuẩn bị đi núi thì bị cọp rình sẵn, thừa cơ hội ông không phòng bị, vồ chết ngay. Dân làng bảo con cọp vồ ông Lê Văn Sính là con cọp thù dai. Thì có chi, cứ bắt được “con mồi” nào cũng bị ông Lê Văn Sính “hớt tay trên” nên nó tức, ra tay “trả thù”. Cũng nghe kể, sau khi ông chết, chúng kép nhau đến nhà ông, “ăn” cho hết 7 con trâu trong chuồng!
Không bằng ông Lê Văn Sính, nhưng ông Xã Nhược tộc Trần cũng là người giỏi võ. Hôm nọ, có ông Du, người trong làng, bị cọp bấm, tha vào Nà Tre, một khu rừng có rất nhiều tre. Dân làng được tin, báo động, gõ mõ, la làng rầm trời.
Bấy giờ, An Bằng và An Thinh là hai làng riêng, dù mỗi làng chỉ vài mươi nóc nhà, chủ yếu tranh tre sơ sài. Như giao hẹn trước, dân hai làng khi nghe báo động, trai đinh gậy gộc, dáo mác đầy đủ tập hợp lại cứu người. Sau khi xác định nơi cọp tha, ông Xã Nhược tổ chức dân làng bao quanh. Vòng vây cứ thế siết dần lại.
Cọp hình như có linh tính, “biết” ông là người “chỉ huy”, nó rình và bất ngờ vồ ông. Nhanh như chớp, ông Xã Nhược cúi đầu, thụt người lại. Trong thoáng chốc, đầu ông ở dưới đầu cọp, hai tay ông giữ chặt hai chân trước của con cọp. Tình thế rất hiểm nguy.
Thấy thế, ông Xã Trường, con ông Xã Nhược, mới hét lên “Cha cúi đầu xuống! Cúi xuống đi!”. Ngay tức khắc, ông Xã Nhựơc cúi đầu xuống, ông Xã Trường dùng hết sức bình sinh đâm một cái thật mạnh vào họng cọp. Máu từ họng cọp phọt ra. Cọp rống lên và chết ngay tại chỗ. Thật ra, mọi việc diễn biến rất nhanh, chỉ trong tích tắc ngắn ngủi. Dù đâm chết cọp nhưng ông Xã Nhược cũng bị thương nặng và mất sau đó ít lâu.
Suy cho cùng, việc tay không đánh cọp, dùng số lượng người đông đảo để hù dọa, thậm chí rình nơi cọp thường xuyên qua lại khi bắt heo, bò... như ông Lê Văn Sính, ông Xã Nhược chỉ là biện pháp tình thế, sử dụng trong lúc cấp bách nhằm để cứu người hoặc giành lại trâu, bò bị cọp tha đi. Còn biện pháp căn cơ, chủ động hơn bảo vệ vật nuôi là làm bẫy cọp.
Ở An Bằng, ngày nay vẫn còn địa danh là Hóc Chùa, Vũng Chùa đều là nơi xưa dân làng thường xuyên đặt bẫy bẫy cọp dữ. Bẫy ở đây là những cái chòi, được làn bằng ba gốc tre già dựng lại, trong đặt con chó. Họ “thiết kế” sao cho khi cọp nghe tiếng cho sủa, lần mò vào tận nơi, thò đầu vào trong định vồ chó thì bị “dính” vào thòng lọng đã chờ sẵn. Hễ cọp càng vùng vẫy mạnh thì thòng lọng càng siết chặt lại.
Khi đó, dân làng đến, cứ việc nắm hai đầu dây siết chặt lại là xong. Chắc nhất, không bao giờ đứt là loại bằng dây được làm từ cây tre vừa sẫm lá, người ta chặt đi, rồi chẻ ra, thui và “dún” cho thật dẽo thì không bao giờ đứt được. Thường, lúc bắt cọp, dân làng xẻ thịt ra ăn chứ không nấu cao hổ cốt làm thuốc.
Cũng hồi nửa đầu thế kỷ XX, ở An Bằng xuất hiện một con cọp đực hung dữ và khôn ngoan có tiếng. Con cọp này vào bắt không biết bao nhiêu trâu, bò... mà không ai có thể “trị” nổi. Thế cho nên, khi cọp dữ hoành hành, cứ chiều, khoảng bốn giờ, dân làng ai nấy đóng cửa kỹ, không dám ra ngoài, sợ gặp phải con cọp này. Sau, nó mò xuống bắt trâu ông Xã Nhạn. Tức mình vì mất của, ông Xã Nhạn đi rình, biết được chỗ ở của nó.
Ngay lập tức, ông đi báo cho làng. Lý trưởng mới cho người đi vào tận Dùi Chiêng ở vùng cực tây huyện mới Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, mời cho bằng được ông Hội Hồng, một nhân vật nổi tiếng săn bắt cọp khắp Quảng Nam thời bấy giờ. Ông Hội Hồng nhận lời, đến điều tra tình hình, quy luật đi lại của cọp.
Tiếp theo, ông gài bẫy. Gài hôm nay nhưng mãi đến trưa hôm sau, cọp mới mắc bẫy. Đầu tiên, nó mắc một chân. Cọp định mang luôn bẫy đi nhưng bẫy nặng quá, loạng quạng thế nào, lại mắc tiếp bẫy thứ hai. Nó gầm vang, rúng động cả vùng. Dân làng biết tin, kéo đến xem rất đông.
Tương truyền, cọp dữ to như con bò. Hai chân, một chân bên phải, một chân bên trái dính chặt bẫy. Thế mà khi ông Lê Văn Lộc, người làng An Bằng, tò mò, chồm người tới dòm thử, nó gầm lên, định nhảy chồm vào người ông. May mà cú vồ ấy bị hụt. Ông Lê Văn Lộc hoảng sợ, mặt tái dại, không còn hạt máu.
Thường thường, mỗi khi gài, ông Hội Hồng gài nhiều bẫy cho chắc ăn. Hễ không trúng bẫy này thì trúng bẫy kia, không thể thóat được. Hồi ấy, sau khi cọp mắc bẫy, ông Hội Hồng để dân các làng lên thoải mái xem cọp. Sau khi bà con xem “đã thèm”, ông Hội Hồng liền vác khẩu súng hai lòng, xưa gọi là súng “cơ-líp-đu”, đến trước con cọp, nói “Thôi, mi há miệng ra, để tau giải thóat cho”.
Thật tình, ông chỉ nói vậy thôi chứ cọp lúc này vừa khát nước, vừa mệt vì trời nóng nên hai mồm đã há sẵn. Ông nhằm ngay cổ họng cọp, nổ súng. “Đoàng!”. Một tiếng nổ như đinh tai nhức óc vang lên. Cọp chết ngay tại chỗ. 
Không chỉ cọp, voi cũng từng vào phá hoa màu ở An Bằng. Một năm, bỗng từ đâu xuất hiện một con voi dữ thường xuyên vào làng tàn phá hết hoa màu của bà con. Chịu không thấu, dân làng An Bằng buộc phải đi mời ông Hội Hồng nhờ trừ khử giúp. Ông Hội Hồng bám sát voi. Cứ đến chỗ nào thuận lơị, ông leo lên cây, nhắm voi bắn. Nhưng, đã mười một phát súng nhưng voi vẫn không chịu ngã.
Voi cứ đi miết. Ông Hội Hồng lẽo đẽo theo sau. Như đi rình. Khi voi tới Khe Rèn nằm trên địa phần làng Hữu Niên, do máu ra nhiều, voi khát nước, mới lần xuống dưới suối, uống nước. Lần này, ông Hội Hồng leo lên hòn đá to, nhắm ngay lỗ tai voi nã thêm phát súng. Một tiếng nổ chát chúa như xé toang bầu không khí im ắng của khu rừng. Con vọi bật ngửa ra, nằm chết ngay tại chỗ.
Tin voi chết chẳng mấy chốc đồn khắp nhiều làng ở vùng tây Đại Lộc. Người ta ùn ùn kéo đến xem rất đông. Riêng ông Hội Hồng, sau khi bắn chết voi, ông chỉ cắt lấy đầu và cặp ngà voi khiêng đi, còn để lại tất cả phần thịt đùi, thịt mông… cho bà con.
Hồi ấy, chỉ tính thịt voi, người ta cắt đựng đến ba, bốn nong không hết. Thịt voi cũng đỏ tươi. Voi to quá nên lúc cắt, có khi người ta phải đứng vào trong bụng voi. Thế mà đầu cũng không đụng xương sườn phía trên đầu của voi. Đủ biết con voi to như thế nào.
Theo lời kể, mỗi khúc xương sườn voi phải dài đến ba thước tây, to bằng cây kèo nhà, cong cong. Vì vậy, họ phải dùng rìu mà bửa. Cứ người nào cắt thịt cứ cắt, người nào bửa xương sườn... cứ bửa, loạn xạ cả lên. Sau đó, bà con ai muốn lấy bao nhiều thì lấy. Chỉ loáng sau, cả ba nong thịt đều sạch trơn. Của trời cho mà, ai hơi sức đâu phân chia cặn kẽ!





[1] Ông Lê Văn Pháp,  sinh năm 1927, làng An Bằng, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, kể

Sunday, March 11, 2012

CHỢ TRUNG PHƯỚC


 Có thể nói, chợ Trung Phước, nay thuộc xã Quế Trung, huyện mới Nông Sơn, là một trong những chợ có lịch sử khá lâu đời của vùng tây tỉnh Quảng Nam. Theo nguồn tư liệu điền dã, người Việt bắt đầu đến sinh sống ở vùng đất này muộn nhất cũng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, dưới triều Thái Đức nhà Tây Sơn.

Có dân là có chợ. Chợ Trung Phước, chợ lớn nhất và cũng là chợ trung tâm của huyện Nông Sơn, cũng ra đời vào lúc ấy nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân địa phương. Hơn thế nữa, với vị trí đặc biệt, chợ Trung Phước trở thành chợ trung chuyển giữa miền xuôi với miền ngượcNghiên cứu về chợ xưa, người ta rút ra một điều gần như trở thành “quy luật” bất thành văn trong lịch sử hình thành và phát triển của các chợ ở Quảng Nam: hầu hết chợ nguyên thủy đều được lập trên chỗ đất cạnh bến sông. Nguyên nhân rất đơn giản vì thời xưa, việc giao thông đi lại rất khó khăn.
Chợ Hội An xưa. Ảnh tư liệu
Để đi xa, phương tiện thuận lợi nhất là đi ghe. Chuyên chở hàng hóa giữa miền xuôi với miền ngược tất nhiên cũng bằng ghe. Thế cho nên, dọc theo tuyến đường sông Thu Bồn có không biết bao nhiêu là chợ cạnh bến sông từ chợ Hội An đến chợ Bàn Thạch, chợ Thu Bồn… Chợ Trung Phước cũng không ngoài quy luật đó. Đầu tiên, chợ họp ngay ở bến đò, gọi là bến Trung Phước. Bến này nổi tiếng đến mức khách buôn xa gần đều biết. Đặc biệt, hồi nửa đầu thế kỷ XX, bên cạnh người Việt, người Tàu cũng đến kinh doanh từ rất sớm. Họ chủ yếu là bán thuốc Bắc. Có thể kể ra đây ông Phó Ký và bà Tàu, mẹ ông Phó Ký, cũng buôn bán mặt hàng này. Kinh doanh mắm muối có bà Thủ Cang và bà Nhỏ, người địa phương.
Trong chợ, ngoài kinh doanh thuốc Bắc, mắm muối, còn có nhiều người khác buôn bán mặt hàng thịt, cá và một số mặt hàng thiết yếu khác. Hồi ấy, buôn bán nổi nhất ở chợ Trung Phước là mấy tiệm thuốc Bắc của người Tàu. Có thể nói, trong vùng, họ thuộc dạng có máu mặt, nổi tiếng giàu có. Hầu hết họ đều xây nhà, mặt hướng ra chợ, vừa để ở, vừa buôn bán. Nhà xây bằng vôi, lợp ngói. Lại có nhà xây lầu. Riêng bà Tàu, ngoài ngôi nhà xây kháng trang, bề thế, bà còn trồng cả cây cà phê. Tuy nhiên, bà chỉ trồng làm cảnh là chính. Cho nên, bà trồng trong vườn. Khi cà phế ra trái, chin, bà cũng hiếm khi ngó ngàng đến. Bởi cà phê chẳng đem lại lợi lộc gì. Đó là cơ hội để bọn trẻ con trong xóm chợ cứ lẻn vào vườn hái trôm, đem về phơi khô, rang, rồi… giã, hòa với nước sôi, bỏ tí đường đen, gọi là uống cà phê. 

Chợ miền núi Trung Phước. Ảnh Đ.Đ
Nói về nhà xây, không chỉ người Tàu, trong làng còn có một số người Việt giàu có nhờ nhiều ruộng đất như các ông Chánh Bảy, ông Cửu Long, ông Thạnh, ông Rân, ông Kế… Họ cũng xây nhà xây kiên cố như người Tàu. Gắn liền với chợ là đội ngũ những người chuyên chở hàng hóa trên tuyến đường sông. Bấy giờ, có đoàn ghe mạnh nhất là ghe của ông Trùm Đèo, người tộc Trần. Ông ở vạn Quế Trung. Ông sở hữu mấy chiếc ghe. 
Ghe chở hàng hóa, hầu hết đi tuyến đường dài, thong dụng nhất là ghe bầu. Người ta chèo bằng tay. Khi có gió, lại kéo buồm, lợi dụng sức gió tự nhiên mà đi, khỏi phải chèo tay. Mặt hàng chở từ chợ Trung Phước đi về xuôi chủ yếu lâm thổ sản như chuối xanh, thơm, củi… Mặt hàng chở lên có cá, mắm muối, vải, dầu thắp, thuốc men và một số mặt hàng tiêu dung khác. Đặc biệt, ở Trung Phước có bến sông gọi là Bến Tranh. Bến này chuyên bán toàn tranh lợp nhà. Nhu cầu mặt hàng này ở Đà Nẵng rất cao. Thế cho nên, trước năm 1945, nhiều hộ dân ở huyện Nông Sơn lại có nghề… cắt tranh, đánh thành tấm để đem ra Bến Tranh mà bán. 
            Sau Cách mạng Tháng Tám, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Quế Trung nằm ở vùng tự do và là nơi địch hay tiến hành bắn phá ác liệt. Những ngôi nhà xây kiên cố ở chợ Trung Phước trở thành mục tiêu của chúng. Thế nên, cùng với việc cho đập phá những ngôi nhà này, ta cũng tổ chức dời chợ, cách chợ cũ chừng 200 mét. Chợ mới thời chiến không đông đúc như xưa. Đặc biệt, những nhà buôn người Tàu đều ra Đà Nẵng. Lúc này, đội ngũ những người buôn bán ở chợ hầu hết là người địa phương. Là chợ tạm, chợ thời chiến nên cũng như nhiều chợ ở vùng tự do, chợ Trung Phước không đông đúc như trước.
Khi Hiệp định Genève được ký kết, chính quyền Ngô Đình Diệm chia huyện Quế Sơn ra làm nhiều khu. Quế Trung được đổi thành xã Sơn Khương và thuộc khu Sơn Ninh. Chúng cũng tiến hành dời chợ ra vị trí hiện nay. Ban đầu chợ xây toàn bằng nhà tranh. Sau, khi làm ăn khấm khá, bà con buôn bán ở chợ mới xây nhà xây.
Buôn bán mạnh nhất ở chợ Trung Phước bấy giờ là bà Cửu Long với mặt hàng tạp hóa. Buôn bán mắm muối có ông Trình. Ông này là trở thành đại lý, vừa bán sỉ vừa bán lẻ. Nhưng chủ yếu là bán sỉ. Ghe chở mắm từ Hội An hay Đà Nẵng lên đều bỏ mắm chỗ ông. Rồi, bà con buôn bán mắm ở khu Sơn Ninh, tên gọi mấy xã ở huyện Nông Sơn bấy giờ, hều hết đều lấy mắm của ông về bán lại.
Cũng vào thập niên 1960, trong chợ xuất hiện ông Trần Mỹ buôn bán xe đạp. Ban đầu, ông chỉ bán vài chiếc. Sau phát triển thành đại lý lớn, trong nhà có hàng trăm chiếc. Khách hàng chính của ông, ngoài những hộ có của ăn của để, là công chức ngụy, rồi công nhân mỏ than Nông Sơn. Không chỉ bán lấy tiền ngay, ông còn bán… trả góp. Do đó, xe đạp bán rất chạy. Bên cạnh cửa hàng xe đạp của ông Trần Mỹ là cửa hàng xe đạp của ông Phùng Xuân, nhưng nhỏ hơn.
Hiện nay, chợ Trung Phước được đầu tư, xây dựng khang trang. Đội ngũ những người buôn bán ở chợ, cả buôn bán lớn và buôn bán nhỏ kể có hàng trăm người. Mươi năm trở lại đây, nhờ đẩy mạnh xây dựng giao thông đường bộ, hầu hết hàng hóa mua bán trong chợ đều được chở bằng ô tô, nhanh chóng và thuận lợi.
Đặc biệt, với việc ra đời huyện mới Nông Sơn, chợ Trung Phước chắc chắn sẽ khởi sắc, sẽ trở thành chợ trung tâm của huyện. Nó sẽ phát huy hết vị trí, vai trò của mình trong quá trình đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa cũng như kích thích sản xuất, tiêu dùng của nhân dân trong vùng[1]. 



[1] Ông Trần Ý, sinh năm 1938, thôn Trung Phước, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, kể.

Tuesday, March 6, 2012

BÔNG MIÊU HAY BỒNG MIÊU ?



                                       "Kể từ ngày Tây lại cửa Hàn
                    Đào sông Câu Nhí đắp đàng Bông Miêu" 
Đây là câu hát khá quen thuộc của người dân Quảng Nam, Đà Nẵng. Nó đánh dấu một sự kiện lịch sử khi thực dân Pháp đánh chiếm Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ XIX và tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa ở miền Trung nói riêng và cả nước ta nói chung. Nhưng, Bông Miêu hay Bồng Miêu ? Quảng Nam có địa danh Bông Miêu, thôn Bông Miêu, mỏ vàng Bông Miêu không ? Hay đó chỉ là sự nhầm lẫn từ địa danh Bồng Miêu ? Quả thật, vấn đề không đơn giản.
Trong nhiều tác phẩm, bài viết,  bài nghiên cứu, nhiều tác giả dùng "Bông Miêu" thay vì "Bồng Miêu”. Ông Nguyễn Văn Bổn trong "Văn học  dân gian  Quảng Nam - Đà Nẵng” do Sở Văn hoá Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng xuất bản năm 1983, ở trang 54, khi dẫn câu hát nói trên cũng dùng danh xưng "Bông Miêu”. Trong bài viết "Đất Quảng quê tôi” đăng trong "Quảng Nam - Đà Nẵng xưa và nay” do Nhà Xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 1996, trang 219, học giả Nguyễn Văn Xuân cũng trích câu hát ấy với cụm từ "Bông Miêu" chứ không phải "Bồng Miêu”. Gần đây nhất, trong công trình nghiên cứu có nhan đề "Tìm hiểu con người Xứ Quảng” do nhà văn Nguyên Ngọc làm chủ biên, được Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Nam ấn hành năm 2004, trang 205, các tác giả có dẫn câu:
"Kể từ ngày Tây lại Cửa Hàn
 Đào sông Câu Nhí đắp đàng Bông Miêu”

Một góc Bồng Miêu. Ảnh Đ.Đ
  Loại trử lỗi do nhà in, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng hầu hết các tác giả đều dùng địa danh Bông Miêu. Không chỉ tài liệu tiếng Việt, một số tài liệu tiếng Pháp hiện lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II ở thành phố Hồ Chí Minh đa phần cũng sử dụng danh xưng "Bông Miêu” thay vì "Bồng Miêu”. Tất nhiên, tiếng Pháp là thứ tiếng hầu như không có dấu. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, khi viết về địa danh ở Việt Nam, cũng không ít tài liệu viết có dấu.
Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi phát hiện ít ra có đến hai tài liệu thời Pháp dùng "Bồng Miêu” thay vì "Bông Miêu”. Đó là tài liệu có nhan đề là "Tableau Faisant connaitre le mouvement de la statistique minière dans la province de Quang Nam - au Juin 1919" có số ký hiệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II là 1098 RSA/HC. Tại mục "Noms et domicile des explorateurs” (Tên và nơi ở của những nhà thăm dò) ghi "Compagnie minière de Bồng Miêu" (tức Công ty mỏ Bồng Miêu).
Sông Vàng, con sông huyền thoại ở mỏ vàng Bồng Miêu. Ảnh Đ.Đ
Tài liệu thứ hai là "Lettre du Conseil Secret à M.le Résident Supérieur en Annam au sujet des décisions à prendre relativement aux mines à Quang Nam” (Tạm dịch "Thư của Hội đồng Cơ mật gửi ngài Khâm sứ Trung Kỳ về những quyết định liên quan đến mỏ ở Quảng Nam”) đề ngày 14 tháng 4 năm 1896 có số ký hiệu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II là RSA - 119 cũng viết rõ Bồng Miêu chứ không phải Bông Miêu
Tuy nhiên, chứng cứ có sức thuyết phục nhất là những ghi chép ở tập sách "Đồng Khánh dư địa chí lược”. Trong tác phẩm "Từ điển di tích văn hoá Việt Nam” do ông Ngô Đức Thọ làm chủ biên, Nhà Xuất bản Văn Hoá xuất bản năm 2003, ở trang 111, có dẫn ra một ngôi miếu được nêu trong "Đồng Khánh dư địa chí lược". Đó là "Bồng Miêu miếu”. Đặc biệt, các tác giả của tập sách này có viết lại Bồng Miêu miếu bằng chữ Hán. Đó là các chữ 芃苗 Chữ Bồng có bộ thảo ở trên bộ kỷ. Bên trong bộ kỷ có một nét ngang. Chữ Miêu có bộ thảo phía trên, dưới là bộ điền. Hai chữ 芃苗 chỉ có thể dịch sang tiếng Việt là Bồng Miêu, hoàn toàn không thể dịch là Bông Miêu.
 Từ cứ liệu ấy, chúng ta có thể khẳng định Quảng Nam chỉ có địa danh Bồng Miêu, mỏ vàng Bồng Miêu chứ không hề có địa danh Bông Miêu, mỏ vàng Bông Miêu. Hơn thế nữa, hiện vẫn còn một thôn gọi là thôn Bồng Miêu, nơi có mỏ vàng Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh, huyện mới Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Như thế, câu hát đã trích đúng ra phải sửa lại là:

"Kể từ ngày Tây lại cửa Hàn

Đào sông Câu Nhí đắp đàng Bồng Miêu”