Thursday, August 4, 2011

SỰ TÍCH CHỢ ĐÔNG PHÚ

Chợ Đông Phú, nay thuộc thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, gắn liền với sự tích khá lý thú. Nguyên hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ở phía trên đầu cầu sông Con có một cây si khá to. Bấy giờ, những thương nhân người Hoa buôn bán ở Hội An thường qua lại nơi đây.
Là những người có con mắt nhà nghề nên họ thấy Đông Phú là địa điểm khá lý tưởng. Bởi từ đây, họ có thể lên Quế Phong, Quế Long và nhiều làng xã khác để mua tiêu, quế, chè và nhiều mặt hàng lâm thổ sản của địa phương rồi chở xuống, tập kết hàng hoá ngay tại cây si này.

Cũng vào lúc bấy giờ, có một người tên gọi là ông Phú. Ông này chuyên bán dép gọi là dép mo cau. Dép mo cau dĩ nhiên làm bằng... mo cau nhưng quai lại bằng dây, làm như dép Nhựt. Ông này buôn bán rất lâu nên những người dân ở trên các xã phía tây Quế Sơn gần như không ai không biết. Cho nên, khi mua xong hàng hoá, thương nhân người Hoa thường thuê người Việt gánh giúp. Họ bảo với dân gánh thuê là "Cứ gánh xuống quán ông Phú đó!". Mà, người Hoa nói tiếng Việt đa phần nói không rõ. Thậm chí có người nói lơ lớ. Cho nên, lâu dần, có người lại tưởng "gánh xuống Đông Phú", thay vì "ông Phú". Danh xưng "Đông Phú" ra đời một cách rất ngẫu nhiên và buồn cười. Những năm về sau, do Đông Phú ngày càng thịnh, người qua kẻ lại nhiều nên một số Hoa kiều bèn mở tiệm thuốc Bắc. Tiếp theo, những người khác đem cái này, cái kia đến bán. Chợ Đông Phú ra đời. Nó nằm trên phần đất thuộc thôn Thuận An, thị trấn Đông Phú.

Sau ngày giải phóng, chợ Đông Phú đã di dời. Cho nên, chợ Đông Phú hiện nay không phải là chợ Đông Phú khi xưa. Và, cũng trải qua thời gian, chợ Đông Phú trở thành chợ lớn nhất trên địa bàn huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Tuesday, August 2, 2011

Ở XỨ SỞ… CHÈ XANH

Con người đã biết trồng và thưởng thức loại nước chè uống từ cây chè rất lâu, kể ra hàng ngàn năm trong lịch sử.  Ở Việt Nam từ xa xưa, đã có nhiều địa danh chè nổi tiếng như chè Thái Nguyên, chè Tuyên Quang... Riêng tại Quảng Nam, có một vùng nổi tiếng trồng chè xanh. Đó là Tiên Phước. Hơn thế nữa, chè xanh Tiên Phước là một trong những loại chè được ưa chuộng. Giữa trưa hè nóng bức hay buổi sáng tinh mơ, có một bát nước chè đậm đặc còn hôi hổi nóng, húp một ngụm thì thật thú vị biết nhường nào! Mùi vị chè tươi với những hương vị đặc biệt sẽ thấm dần qua đầu lưỡi vào trong và kích thích mọi tế bào làm ta khoan khoái vô ngần.
Từ xa xưa, chè là một trong những loại cây trồng chính của người dân trong vùng đất trung du Tiên Phước. Ở đây, người ta trồng hai loại chè là chè bộp và chè sẻ. Chè bộp lá to, năng suất cao hơn chè sẻ. Chè sẻ lá nhỏ, nhưng thơm ngon. Việc trồng chè tốn nhiều công sức. Nó đòi hỏi người trồng phải tỉ mỉ, cẩn thận trong quá trình ươm, trồng và chăm sóc cây. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch, mùa đầu, kéo dài bộ ba năm. Mỗi năm có ba mùa thu hoạch: tháng hai là mùa chính, sản lượng cao nhất. Kế đến là tháng tư và tháng tám, lá ít hơn. Khi thu hoạch, người ta chỉ cắt ngọn chứ không hái lá non. Chè vườn trồng ngay trong vườn ngày xưa rất phổ biến ở Tiên Phước. Nhà nào cũng trồng, dù ít hay nhiều. Chè trồng trên đồi gọi là chè đồi.  Nhiều gia đình trồng cả mấy ngàn cây chè, thậm chí mười mấy ngàn cây. Đặc biệt, trước năm 1945, người nổi tiếng nhiều chè nhất đất Tiên Phước là ông Nguyễn Đình Khải, còn gọi là xã Khải. Do nhiều chè, ông phải thuê người làm. Một ngày hồi ấy được trả vài lon gạo, cơm ăn ba bữa không kể.  Ông Nguyễn Đình Khải có con là Nguyễn Đình Triết từng học cùng lớp với cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Đường làng Tiên Phước. Ảnh Đ.Đ

Mùa thu hoạch chè ở Tiên Phước diễn ra nhộn nhịp khác thường. Tờ mờ sáng, người dân địa phương đã hối hả chuẩn bị cơm nước rồi ra các vườn chè, đồi chè. Bằng đôi tay khéo léo, nhanh nhẹn, những lá chè, búp chè được hái gọn, bỏ vào giỏ tre. Tiếng cười, tiếng nói râm ran. Chẳng mấy chốc đã đầy giỏ. Họ kĩu kịt gánh về nhà. Hình ảnh những đoàn người nối đuôi nhau gánh những gánh chè đầy ắp, tươi rói từ trên những ngọn đồi đi xuống, vừa đi vừa kể chuyện tiếu lâm hay chọc ghẹo lẫn nhau còn ghi dấu ấn khá đậm nét trong tâm khảm của lớp người cao tuổi trên vùng đất trung du này. Chè hái về rồi, từng gia đình lại bận rộn chế biến thành chè xanh, chè đen. Lúc này, mùi thơm của chè lan tỏa khắp thôn xóm, làng mạc. Những bát nước chè xanh đậm đà, còn hôi hổi nóng khiến họ chốc chốc dừng tay để thưởng thức hương vị thơm ngon của chè xanh đầu mùa.
Xưa, ở Tiên Phước có nhiều người Hoa lên lập nghiệp. Tiên Mỹ có Trần Hòa Bình, Tiên Cảnh có chú Mới, Tiên Hiệp có chú Kiền, chú Đáo chú Lạc. Tiên Minh có Mậu Cà, ông Bang Xiều... Tập thể người Hoa rất đoàn kết giúp đỡ nhau trong làm ăn, buôn bán.  Họ chung tiền xây dựng ngôi chùa ngũ bang có bang trưởng hẳn hoi. Đó là bang Gia Ứng, Triều Châu, Hải Nam, Phúc Kiến, Quảng Đông. Để dễ dàng kinh doanh, đa số họ lấy vợ người Việt Nam làm chỗ dựa về luật pháp thời bấy giờ. Ở Tiên Phước, ngoài việc mua quế, tiêu, họ còn kinh doanh cả chè. Ngày xưa, giữa Tam Kỳ và Tiên Phước chưa có đường nhựa. Do đó những hiệu buôn Hoa Kiều sau khi mua chè của người dân địa phương, liền đóng gói vô bao cẩn thận, rồi thuê nhân công gánh xuống quốc lộ 1 để đưa lên xe chở ra Đà Nẵng, Hội An. Người Việt lúc ấy có buôn chè nhưng đều bán lại cho đại lý người Hoa. Mỗi người quen với một hiệu buôn và mua ở đâu họ cũng đem đến chỗ quen mà bán. Nhằm tạo mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau, hàng năm, nhân ngày lễ, Tết cổ truyền, các đại lý buôn sỉ người Hoa hay biếu quà lặt vặt. Mặt khác, trong mua bán, họ tỏ ra sòng phẳng nên có uy tín, giữ được mối hàng.
Cây chè gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt của người dân Tiên Phước nói riêng, người dân xứ Quảng nói chung. Ngày xưa, chè xanh hay còn gọi là chè tươi là một loại thức uống thông dụng của mọi tầng lớp cư dân. Chè hái về, đem rửa sạch, bỏ vào ấm đun sôi. Đun thế nào để nước ngả màu xanh đậm đặc quánh, mới đúng cách. Lúc ấy, người ta rót ra bát sành, uống khi còn nong nóng. Nếu để nguội sẽ mất ngon. Buổi sáng thức dậy, rót một ấm chè thật đặc, uống lúc còn nóng rồi thong thả vấn một điếu thuốc Cẩm Lệ chính  hiệu... trở thành thói quen của các cụ già cao tuổi. Trước khi ra đồng hoặc lúc nghỉ giữa buổi, có bát nước chè xanh giải khát thì thật là tuyệt. Bạn bè thân hữu gặp nhau có chè tươi ngon, đặc biệt là chè Tiên Phước, để mở đầu câu chuyện càng làm không  khí thêm vui vẻ, chân tình. Tóm lại, người Quảng Nam có thể uống chè ở mọi nơi, mọi lúc. Ngày xưa, chè xanh được bày bán khắp nơi như tại các ngã ba, ngã tư đường đông đúc người qua kẻ lại, các khu chợ tấp nập kẻ bán người mua hoặc ở những bến đò, bến sông với hành khách nhộn nhịp lên xuống ghe thuyền... Hiện nay thú uống chè xanh dường như chỉ còn tồn tại trong lớp người cao tuổi.  Ở thành phố, thị xã, thị trấn...người ta đã có thói quen dùng trà gói, với đủ loại nhãn hiệu và kiểu dáng khác nhau.  Tuy nhiên không vì thế mà thú uống chè xanh mất hẳn đi.  Vẫn có nhiều nơi, nhiều vùng, đặc biệt ở nông thôn người ta ưa chuộng món chè xanh với hương vị đậm đà thơm ngon của nó.