Saturday, September 3, 2011

CHUYỆN LÀNG TÂN THÁI

Làng Tân Thái thời sơ khai có tên gọi là Tân An, được lập vào năm 1740 dưới đời vua Lê Hiển Tông. Theo tài liệu cũ còn lưu lại thì quyền xã trưởng lúc ấy là ông Nguyễn Văn Ái. Bấy giờ làng Tân An thuộc tổng Hòa Mỹ, huyện Tân Phúc, phủ Điện Bàn, xứ Quảng Nam. Đến đầu thế kỷ XX, làng đổi danh xưng từ Tân An sang Tân Thái. Hiện nay, làng Tân Thái và làng Cổ Mân được nhập lại thành Phường Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

Chung quanh việc lập làng ở Mân Thái có câu chuyện kể khá lý thú và hấp dẫn. Nguyên dưới đời vua Tự Đức, ở Tân Thái có một thầy thuốc tộc Trần. Đó là ông Trần Đăng Khoa, ông trị bệnh giỏi có tiếng trong vùng.

Lúc bấy giờ, ở ngoài Huế có vợ một vị quan thượng thư đã chuyển dạ hai, ba ngày nhưng không sinh được. Thế là vị quan này lập tức gửi công văn khẩn đi các tỉnh lân cận nhờ quan địa phương tìm thầy thuốc giỏi sinh giúp.




Biết tiếng ông, quan huyện sở tại mới cho người khẩn cấp mời ra Huế. Khi ông đến nhà vị quan nọ, đã có ba ông thầy thuốc khác túc trực sẵn. Thấy ông họ liền thú thật là mình đã bó tay. Ông bình tĩnh bảo: “Mấy ông đầu hàng, để đó tui”. Dứt lời, ông bắt tay ngay vào công việc của một thầy thuốc. Quả nhiên, danh bất hư truyền, chỉ một hai tiếng đồng hồ sau, sản phụ sinh được một em bé bụ bẫm. Quan thượng thư mừng quá, giữ lại chơi vài ngày rồi thành thực bảo ông: “Chừ ông ưng chức quan chi, tui giúp cho”. Nghĩ mình đã lớn tuổi, ông Trần Đăng Khoa bèn trả lời: “Bẩm quan lớn, tui già rồi, làm quan không nổi mô. Quan lớn có lòng, xin quan lớn cho dân làng tui ít đất. Làng tui dân đông,đất ruộng lại ít. Có thêm chút đất, bà con làm ăn đỡ khổ hơn”.

Dĩ nhiên, vị quan nọ đồng ý ngay. Nhờ vậy, sau khi về được ít lâu, được vị quan kia giúp đỡ, dân làng Tân An được dân làng An Hải nhường lại hai mươi mốt mẫu chin sào mười một thước. Văn bản nhượng đất được lập dưới đời vua Tự Đức thứ 14, tức vào năm 1861.

Như vậy, nhờ thầy thuốc Trần Đăng Khoa nên vào đời Tự Đức, dân làng Tân An được thêm hơn hai mươi mẫu đất để làm ăn, sinh sống. Xuất phát từ nguyên nhân này, dân làng Tân An biết ơn dân làng An Hải. Cho nên, khi làng An Hải tế lễ, năm nào bà con dân làng Tân Thái cũng đem những sản vật mình đánh bắt được như tôm, cá… vào cúng tiền hiền làng An Hải.




Chuyện thứ hai là chuyện liên quan đến khu vực đánh bắt cá xảy ra vào khoảng những năm đầu thế kỷ XX. Nguyên thời trước, hầu hết bà con Tân Thái đều lấy nghề biển làm nghề sinh sống chính. Cũng có một số gia đình chuyên về nông nghiệp. Làm nông phải có đất ruộng, nghĩa là phải có “Điền bộ”. Còn làm biển, nhất thiết phải có “Đầm bộ”. Ngày xưa, không phải dân đánh bắt cá đánh bắt ở đâu cũng được. Cho nên, “Đầm bộ” của mỗi làng quy định khu vực dân làng có thể tự do đánh bắt. Do đó,các làng như Mỹ Khê, Phước Trường, Nam Thọ…đều có “Đầm bộ”.

Lúc bấy giờ, trong các khu vực đánh bắt cá của ngư dân Sơn Trà, đặc biệt có Vũng Úc, còn gọi là Vũng Nờm nơi có cá rất nhiều, nhất là về mùa thu, mùa đông. Bởi thế mới xảy ra việc xô xát giữa dân làm nghề biển hai làng Tân Thái và Mỹ Khê khi tranh giành khu vực đánh bắt cá này. Họ kiện lên tận huyện, tận tỉnh và vụ kiện đến triều đình Huế. Rốt cuộc, làng Tân Thái thắng kiện, “Đầm bộ” làng Tân Thái có ghi rõ khu vực đánh bắt cá của dân làng là “Con Nghê – Sơn Trà đầm – Vũng Úc” trong lúc “Đầm bộ” của làng Mỹ Khê chỉ ghi “Con Nghê – Sơn Trà đầm” mà thôi.

Tuy thắng kiện, nhưng sau này, dân làng Tân Thái vẫn cho dân làng Mỹ Khê được khai thác cá theo một số ngày nhất định ở Vũng Úc. Ngày nay, chuyện phân chia ranh giới đánh bắt cá không còn nữa, khu vực Vũng Úc đã trở thành khu dịch vụ du lịch biển. Nhưng, với lớp người cao tuổi những câu chuyện kể về tài trị bệnh của ông Trần Đăng Khoa hay chuyện xích mích, xô xát, tranh giành khu vực đánh bắt cá chỉ còn là kỷ niệm của một thời đã quá xa trong quá khứ.

No comments: