Friday, June 22, 2012

THẮNG NHỜ.. KHÉO LÉO


"Nhất thợ mộc Vân Hà
Nhì đàn bà Phước Lâm"

Vân Hà là một ngôi làng nhỏ thuộc xã Tam Thành, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Tuy cách thị xã chừng tám cây số nhưng đây lại là miền quê xa xôi, hẻo lánh, nằm tương đối tách biệt với những vùng dân cư đông đúc, chốn phố thị phồn hoa. Tương truyền, ngay trước, tuy có khai phá đất ruộng nhưng cánh đàn ông Vân Hà không chú trọng nông nghiệp, chẳng thiết tha với cây lúa, củ khoai mà chỉ gắn bó với nghề mộc truyền thống. Họ cho nông là nghề của...đàn bà và phó mặc vợ con gánh vác. Quanh năm suốt tháng, họ xách một chiếc rương gỗ đựng nào cưa, đục, chàng, khoan... lặng lẽ đi các nơi hành nghề mộc, nghề của... cánh đàn ông Vân Hà!
Nghề mộc. Ảnh Đ.Đ

Ở Quảng Nam, nhắc đến nghề mộc, không ai không biết làng mộc Kim Bồng. Chính bàn tay tài hoa, khéo léo của người thợ ở làng mộc danh tiếng này đã góp phần công sức không nhỏ tạo ra những ngôi nhà gỗ với những đường nét chạm trổ tinh vi, độc đáo của đô thị cổ Hội An, nơi được liệt vào hàng Di sản Văn hoá Thế giới. 
Tuy không tiếng tăm bằng thọ Kim Bồng nhưng người thợ làng mộc Vân Hà cũng rất tài hoa, khéo léo. Bởi thế, mới có câu chuyện kể khá lý thú rằng thời Pháp thuộc, khi Vân Hà còn thuộc tổng Chiên Đàn, huyện Hà Đông, triều đình Huế có mở cuộc thi làm trụ đèn bằng gỗ. Biết tiếng thợ mộc Kim Bồng cũng như thợ mộc Vân Hà, nhà vua bèn giao mỗi nơi làm một cái xem thử ai đẹp hơn ai. Ông Trần Thưởng, sinh năm 1925, một trong những người hành nghề thợ mộc hơn nửa thế kỷ, nhớ lại rằng cuộc thi xảy ra dưới thời ông Phủ Lê, tên thật là ông Lê Trung Khuẩn, tri phủ huyện Hà Đông, tức vùng đất nay thuộc thành phố Tam Kỳ, huyện Phú Ninh, huyện Núi Thành… hiện nay.
Bấy giờ, ông Phủ Lê triệu tập cả làng, đưa kiểu trụ đèn ra và bảo với những người thợ mộc giỏi nhất nghiên cứu, làm thế nào để  trụ đèn khi thành hình phải đẹp hơn, độc đáo hơn trụ đèn của thợ Kim Bồng. Có như vậy, người dân làng mới ngẩng cao đầu, mới ăn nói với thiên hạ được... Kết quả cuộc thi thành công ngoài sự mong đợi. Trụ đèn thợ Vân Hà làm ăn đứt trụ đèn thợ Kim Bồng. Nguyên do là vì thợ mộc Vân Hà làm trụ đèn bằng một khúc gỗ liền, đục rỗng ở giữa cả khúc cây. Trong khí đó, thợ Kim Bồng làm trụ ở giữa riêng, rồi làm vỏ trụ riêng.  Cũng theo ông Trần Thưởng, người thợ có công chính hồi ấy là ông Đinh Khúa. Không thi thì thôi. Nhưng đã thi phải có phần thưởng. Phần thưởng là một con ngựa bằng gỗ, một bằng khen có đóng triện đỏ chói của vua.
Câu chuyện trở thành niềm tự hào của dân làng Vân Hà. Nhưng, sự tài hoa, khéo léo của họ không chỉ thể hiện trong cuộc thi để đời ấy mà còn bộc lộ rõ nét thông qua những công trình cổ được chạm khắc công phu, đẹp mắt, có giá trị nghệ thuật và lịch sử khắp nhiều nơi trong và ngoài huyện như Khổng Miếu, đình Chiên Đàn, đình Phương Hoà, đình Mỹ Thạch ở thị xã Tam Kỳ, ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Huỳnh Anh ở Tiên Phước và nhiều công trình khác nữa[1]




[1] Ghi theo lời kể của ông Trần Thưởng, sinh năm 1925, trú tại làng Vân Hà,xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.

Sunday, June 17, 2012

LÀNG NẠI HIÊN ĐÔNG


Theo lời kể của những bậc cao niên thì xưa kia ở làng Nại Hiên Đông, nay thuộc phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, có hai tộc tiền hiền là tộc Huỳnh và tộc Trương. Người đầu tiên tộc Huỳnh vào Nại Hiên Đông là ông Huỳnh Văn Muộn, gốc Nam Định, đến đây đã 11 đời. Còn tộc Trương vốn gốc xã Đại Việt, tỉnh Thanh Hoá. Lúc bấy giờ, ông tổ tộc Trương vào đánh Chiêm Thành, lấy vợ là bà Trương Thị Giác, sinh ra một người con trai là ông Trương Văn Sáo. Rồi, không biết vì lý do gì, ông lại về Thanh Hoá. Cho nên, gia phả chỉ có tên bà mà không có tên ông (?). Tính từ đời ông Trương Văn Sáo những năm đầu thế kỷ XXI cũng đã 10 đời. Sau hai tộc Huỳnh và Trương là các tộc Lê, Nguyễn, Trần... Nhưng, dù dến trước hay đến sau, các tộc họ ở Nại Hiên Đông vẫn luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương trợ lẫn nhau trên tình làng nghĩa xóm.
Khởi thuỷ, Nại Hiên Đông còn có tên dân dã là xứ Cồn Nhàn. Có người cho rằng không phải Cồn Nhàn mà là Cồn Nhạn. Chữ “Nhàn” do chữ “Nhạn” đọc trệch mà ra. Nguyên xưa kia, đây là vúng đầm lầy nước đọng, chịu ảnh hưởng nặng nề của dòng nước thuỷ triều. Khi thuỷ triều xuống, bầy chim nhạn và một số loài chim khác thường bay tới kiếm mồi. Mồi phổ biến là những con tôm, cua, cá khi thuỷ triều lên, theo dòng nước trào vào và khi thuỷ triều xuống, chúng bị bị mắc cạn, không theo ra kịp. “Mồi” nhiều nên chim nhạn tập trung kiếm mồi khá đông, đặc kín cả cồn. Thế là, dân trong làng nhiều người khi rảnh rỗi thường đi bẫy chim bán kiếm tiền cải thiện cuộc sống gia đình.
Hồi đầu thế kỷ XX trở về trước, số người đi bẫy chim khá đông. Càng về sau, càng ít đi. Có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là đất cồn càng ngày càng bị thu hẹp, không có chỗ cho chim về, kiếm mồi. Và, cho đến nay, một số người còn nhớ như in rằng ở Nại Hiên Đông, người đi bẫy chim cuối cùng là ông Thủ Oai, người tộc Mai. Cứ chiều chiều, dân làng thường thấy ông cầm bộ giò đi bẫy. Chim bẫy được chủ yếu là chim mía. Đến tối, được bao nhiều, ông đem bỏ mối cho các quán. Chuyện bẫy chim ở Nại Hiên Đông chấm dứt vào khoảng đầu những năm 1980 của thế kỷ trước, khi ông Thủ Oai, người bẫy chim cuối cùng nghỉ đi bẫy vì già yếu, vì sức nặng của tuổi tác.
Đánh cá trên sông Hàn năm 1951.Ảnh tu liệu

Nhưng, bẫy chim chỉ là nghề phụ, nghề làm chơi. Còn nghề nghiệp chính của người dân trong làng là nghề đánh bắt cá sông, cá biển, tuy số ghe tàu xưa không nhiều. Đầu thế kỷ trước, cả làng có khoảng hơn chục chiếc. Cá đánh bắt chủ yếu cá chim, cá nục. Được bao nhiêu, bà con đem ra chợ bán, mua gạo mắm... sống qua ngày. Ngoài nghề đánh bắt cá sông, cá biển, người dân Nại Hiên Đông còn sinh sống bằng nghề nông. Họ trồng lúa, trồng khoai, đậu phụng, rau màu. Cứ thế cũng tạm đủ sống qua ngày. Ngoài nghề đánh cá sông, cá biển và nghề nông... theo ông Trương Văn Ngò, sinh năm 1941 cho biết thì ở Nại Hiên Đông xưa còn có thêm nghề làm muối. Cánh đồng muối của làng hiện giờ thuộc khu vực Đài Phát thanh phường. Khi thực dân Pháp chiếm Đà Nẵng, thành lập khu nhượng địa Tourane, chúng mới làm một con đường bằng đất đỏ nối đường Ngô Quyền ra bờ sông Hàn khiến nước mặn không thể vào được. Nghề làm muối coi như không còn tồn tại nữa.
Đặc biệt, ở Nại Hiên Đông còn có một ngôi mộ cổ bằng đá. Ngôi mộ nằm về phía tây, chỉ cách đình làng chừng 50 mét, hình vuông, mỗi cạnh 4 mét. Xung quanh mộ có thành bằng đá bao bọc. Chính giữa là phần mộ. Trên đầu mộ có khắc phù điêu hình con dơi. Dưới chân mộ có văn bia chữ Hán, nguyên văn như sau : "Việt cố. Thái tuế Ất Sửu niên mạnh thu cốc nhật. Hiển khảo thuộc thứ đội trưởng Phan quí công Thuỵ linh trí Chi linh mộ. Hiếu tử nhị thứ Phan (... ) lập”.
Bia cổ ở làng Nại Hiên Đông. Ảnh Đ.Đ
Theo những cụ già thông hiểu Hán văn, từ dòng chữ “Thái tuế Ất Sửu niên mạnh thu cốc nhật”, có thể suy ra rằng mộ được xây dựng từ thời chúa Nguyễn, ước vào tháng 7 năm Ất Sửu, tức năm 1625. Chủ ngôi mộ là một vị quan họ Phan, với chức vụ là “thứ đội trưởng”. Người khắc bía là con của vị quan nói trên “Hiếu tử nhị thứ Phan...”. Còn hai chữ “Việt cố” được khắc trên văn bia nhằm tưởng nhớ quê hương. “Việt” ở đây là nước Việt, tức Việt Nam ngày nay. Còn “cố” là cố hương. “Việt cố” có nghĩa nhớ về quê cũ. Rõ ràng, với những phát hiện và lý giải trên, làng Nại Hiên Đông là một trong những làng ra đời sớm nhất ở Đà Nẵng nói chung và quận Sơn Trà nói riêng.
Cũng như nhiều làng quê khác, Nại Hiên Đông có đình từ rất sớm. Đình làng là nơi hàng năm người dân tổ chức lễ tế Xuân và tế Thu. Tế Xuân nhằm ngày 12 tháng 2, tế Thu vào ngày 20 tháng 8 âm lịch. Tế Xuân là tế sống, nghĩa là khi cúng, phải cúng bằng heo sống. Cúng nguyên cả con. Cúng xong, Hội chủ, tức người chủ tế có bổn phận phải ăn một miếng thịt sống, uống một ly rượu. Sau đó, mới đem heo xuống xẻ thịt, xào nấu. Mùa thu, là lễ cúng âm linh nhằm vào ngày 12 tháng 7 và tế tiền hiền vào ngày 20 tháng 8 âm lịch. Tế Xuân, tế Thu là dịp dân làng tụ tập lại, vừa tưởng nhớ ông bà tổ tiên, những người đã có công lập làng, lập xóm... vừa là dịp bà con được ăn uống no say, hàn huyên tâm sự, hàn gắn những rạn nứt trong cuộc sống đời thường, thắt chặt sự đoàn kết giữa các tộc họ với nhau.
Từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc trung ương, cũng như nhiều phường, xã khác, Nại Hiên Đông nhanh chóng thay da đổi thịt. Những ngôi nhà tranh tre sơ sài hồi đầu thế kỷ XX, những ngôi nhà chồ dọc bờ đông sông Hàn, những ngôi nhà tôn, vách ván thời Mỹ nguỵ còn sót lại, những con đường nhỏ hẹp ngoằn ngoèo, những con đường đất đỏ đầy bụi... đã dần dần biến mất. Vùng đất ngày xưa được gọi là “Cồn Nhạn” với những câu chuyện kể về bầy chim nhạn bay về kiếm mồi, về những người đi bẫy chim thế kỷ trước chỉ còn là ký ức. Thay vào đó là những ngôi nhà mới xây, khang trang và sạch đẹp, những đường phố dọc ngang hình bàn cờ được tráng nhựa phẳng lì.
Cùng với quá trình chỉnh trang đô thị, đời sống kinh tế của người dân cũng không ngừng được cải thiện. Tình trạng nghèo, đói từng bước được đẩy lùi... Tất cả đều thể hiện sinh động sự phát triển không ngừng của phường Nại Hiên Đông, nhất là trong những năm đầu của thế kỷ XXI. 
                                 

Friday, June 8, 2012

CỌP CŨNG BIẾT… TRẢ THÙ?


Nằm tiếp giáp với dãy Trường Sơn hùng vĩ, ngay từ thời xa xưa, khi đến khai canh, khai cư, người dân làng An Bằng, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, phải thường xuyên đối phó với nhiều loại thú dữ, nhất là cọp, vị chúa tể sơn lâm. Và, trong thời kỳ gần như “sống chung với thú dữ ấy”, người dân làng An Bằng đã để lại nhiều câu chuyện kể khá lý thú, hấp dẫn về việc bắt cọp, bẫy cọp, bắn voi, rồi cả chuyện bị... cọp bắt hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước! Và, ly kỳ nhất là chuyện ông Lê Văn Sính, người bắt cọp giỏi nhất… làng!
Cũng xin nói thêm, Làng An Bằng bấy giờ dân cư thưa thớt, chưa đến 60 nóc nhà, lại ở rải rác, nhà nọ cách nhà kia nhiều khi hàng mấy trăm mét, thậm chí tính bằng cây số. Còn cây cối thì um tùm, rậm rạp. Lý do thật dễ hiểu. Bấy giờ, người ta mới đến khai phá An Bằng. Cho nên, làng với rừng cứ đan xen. Mớii có chuyện khi đến rìa làng, đã thấy núi, thấy rừng, có thể nghe cả tiếng chim kêu, vượn hú ở phía xa xa. Đi một mình, nhiều khi nghe tiếng cọp gầm, tự dưng rợn tóc gáy chứ chẳng chơi. Dĩ nhiên, chuyện thú dữ, đặc biệt chuyện cọp, vị chúa tể sơn lâm, thì... nhiều vô kể. Thỉnh thoảng, lại xảy ra việc trâu, bò của ai đó bị cọp bắt ăn thịt. Hồi ấy, trâu bò bị cọp rình bắt không có gì lạ.
Có thể nói, cọp trở thành nỗi ám ảnh của dân làng An Bằng. Và, những người ở tuổi quá “thất thập cổ lai hi” thường nhắc đến một nhân vật bắt cọp giỏi, có tiếng của làng là ông Lê Văn Sính. Ông này rất giỏi võ, có những đòn thế rất hay, tương truyền có sức mạnh ghe người, mạnh đến mức thừa sức đấu tay không với cọp. Người ta kể rằng có lần, cọp vồ trâu ông Lê Văn Sính. Ông ta nhảy ra đánh cọp khiến cọp thua, chạy thẳng một hơi.

Một con cọp bị giết. Ảnh tư liệu

Nhiều lần cọp vào bắt heo ở làng Lộc Phước kế bên. Mỗi khi nghe dân làng nổi trống, gõ mõ, la làng, ông Lê Văn Sính nhanh chân chạy vào Hóc Lách, đứng rình ngay khu vực Đá Chồng. Theo kinh nghiệm của ông, đây là nơi mỗi lần cọp lẻn vào bắt heo, bò... thường đi ngang. Đúng y như ông dự kiến, ngay sau đó, cọp cắp con heo qua. Đợi cọp vừa đi sát, thình lình, ông hét một tiếng. Là con nhà võ, tiếng hét ông rất to, dứt khoát, đanh thép, rồi nhắm ngay lưng con cọp, lấy hết sức bình sinh quất một roi mạnh. Cọp lại nghe tiếng hét vang dội, lại nghe lưng đau điếng, hoảng sợ, bỏ heo mà chạy thẳng vào rừng. Thế là ông Lê Văn Sính đem heo về, hễ có ai đến xin thì cho lại. Bằng không, ông xẻ thịt mà ăn.
Người dân làng An Bằng không biết ông Lê Văn Sính có bao nhiêu lần “hớt tay trên” cọp như thế. Chắc nhiều vô kể. Nhưng cọp cũng tinh khôn. Mà, ai dám bảo loài cọp không tinh khôn, riêng dân làng An Bằng lại nghĩ khác. Bằng chứng là không ít lần, “cắp” heo đến Hóc Lách, cọp thả heo xuống, rồi thình lình vồ ngay đúng lùm cây lần trước ông Lê Văn Sính đứng rình. Cọp nghĩ chắc lần trước ông Lê Văn Sính núp ở đây thì giờ này cũng vậy. Có điều trí khôn của cọp sao bằng trí khôn của người? Ông Lê Văn Sính có cách đề phòng. Hễ lần này núp lùm cây kia thì lần khác núp lùm cây nọ. Cọp dù tinh khôn nhưng cuối cùng cũng chịu thua ông. Cho nên, không lần nào cọp vồ được ông. Người ta còn kể câu chuyện khá kỳ quặc và cũng rất đáng ngờ là lần nọ, ông Lê Văn Sính ngồi trong bụi rậm quan sát bầy trâu. Bất ngờ, có ông cọp từ đâu xộc tới, ngồi... ngay trên hai bắp đùi ổng. Thế là ổng dùng hai tay đánh khiến cọp chạy thẳng một mạch vô rừng... Chuyện tưởng như đùa.
Nhưng, như người ta nói “sinh nghề tử nghiệp”, cuối cùng, ông Lê Văn Sính cũng chết vì bị cọp “bấm”, tức bị cọp vồ. Số là hôm nọ, ông thức dậy nấu cơm để chuẩn bị đi núi thì bị cọp rình sẵn, thừa cơ hội ông không phòng bị, vồ chết ngay. Dân làng bảo con cọp vồ ông Lê Văn Sính là con cọp thù dai. Thì có chi, cứ bắt được “con mồi” nào cũng bị ông Lê Văn Sính “hớt tay trên” nên nó tức, ra tay “trả thù”. Rình một lần không được, nó rình lần thứ hai, rồi thứ ba… Con người, ai không có lúc sơ sẩy. Thế là lợi dụng cơ hội, cọp ra tay. Cũng nghe kể, sau khi ông chết, chúng kéo nhau đến nhà ông, “ăn” cho hết 7 con trâu trong chuồng[1]! Ai bảo cọp không biết… trả thù?


[1] Ông Lê Văn Pháp,  sinh năm 1927, làng An Bằng, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, kể

Tuesday, June 5, 2012

KHI CỌP VÀO LÀNG

Trong ký ức những cụ cao niên tại vùng tây Đại Lộc, chuyện động rừng và cọp về làng vẫn còn là nỗi ám ảnh đối với cuộc sống bình yên của người dân…

LÀNG Hà Dục Tây nay thuộc xã Đại Lãnh (Đại Lộc) được khai phá từ khá sớm. Theo gia phả tộc Quách, vào thế kỷ XVII có 5 anh em họ Quách từ Thái Thụy (Thái Bình) vào Nam lập nghiệp, định cư tại ngã ba sông Vu Gia và sông Con. Ban đầu làng được đặt tên là là Thái Nguyên ấp, sau đổi thành Hà Dục Tây châu. Là một trong những vùng tiếp giáp với núi rừng, hồi trước Cách mạng Tháng Tám thỉnh thoảng cọp lẻn về làng bắt trâu bò và đe dọa đến đời sống người dân trong vùng. Cho đến nay, nhiều cụ già cao tuổi vẫn còn nhớ lần cuối cùng cọp về làng.


Một con cọp bị giết. Ảnh tư liệu



Bấy giờ, trong làng có ông Quách Đăng Thái là một phú gia. Ông không những có nhiều đất ruộng, chủ một số xe gió mà còn mở truông khai thác gỗ với 32 con trâu kéo và thường đóng trại trâu trong rừng. Đùng một cái, tháng ba âm lịch năm 1945 bỗng dưng trâu nhà ông Thái bị cọp bắt. Ngày xưa, nghe nói chuyện động rừng, ai cũng sợ. Đã động rừng, tất nhiên cọp sẽ về làng. Thế là người đi than không dám đi, kẻ đốn củi cũng chẳng có gan vào rừng. Trước tình hình ấy, ông Thái bảo bọn trai kéo dẫn trâu từ trại trong núi về làng ngay trong chiều ngày mùng 9. Chiều hôm ấy trời lại kéo mây đen, mưa ùn ùn đổ xuống như trút nước. Đường rừng gặp mưa to trơn nhẫy rất khó đi, nên mãi đến 10 giờ đêm bầy trâu kéo của ông mới về tới làng.

Và chuyện không ai ngờ đã xảy ra: một con cọp to đã lẻn đi theo bầy trâu rồi núp ngoài vườn khiến dân làng một phen khiếp hãi. Thời ấy, nhà cửa còn thưa thớt, vườn rộng có khi đến ba, bốn sào ruộng. Sáng sớm hôm sau, vợ ông Thái ra vườn thì phát hiện ra “ông ba mươi” bèn chạy vào nhà báo chồng. Ông Cửu Thái hoảng hồn, gì chứ cọp về làng không phải chuyện đùa, phải báo dân các làng lân cận biết tìm cách đối phó. Sau khi dặn người nhà chốt cửa cẩn thận, ông liền thông báo cho các làng ở chung quanh, chủ yếu dân ở 6 xã lân cận (thường được gọi là vùng sáu xã Lục Bắc). Nghe hung tin, lý trưởng các làng cấp tốc huy động những người khỏe mạnh, nhất là thanh niên trai tráng, ai có gậy dùng gậy, có giáo dùng giáo. Mọi người tổ chức thành từng đoàn, sử dụng tất cả những gì có thể gây tiếng động, từ trống, mõ đến thùng để gõ nhằm làm cho cọp hoảng mà chạy lên rừng.

Bẫy cọp. Ảnh tư liệu



Tuy nghe tiếng trống, mõ, thùng... nhưng cọp cứ lòng vòng trong vườn mà chưa chạy. Người đầu tiên bị cọp tấn công là ông Quách Đăng Phấn (làng Hà Dục Tây), anh ruột ông Quách Đăng Thái. Thấy vậy, ông Thái đang cầm mõ xảy đập vào tai con cọp. Nó đau quá, chạy đi chỗ khác. Từ Hà Dục Tây, cọp qua làng Tịnh Yên Đông Tây, vồ ông Cửu Phùng. Nguyên ông này nghe nói có cọp dữ về làng, vội cầm chiếc dụ (một thứ vũ khí đầu bịt sắt nhọn, dùng để đi săn hươu, nai hoặc heo rừng) đi ra, liền bị cọp vồ. Ở làng Tịnh Yên Đông Tây, ngoài ông Cửu Phùng, cọp còn vồ tiếp ông Hương Bốn, rồi ông Thạnh. Trước tình hình có quá nhiều người bị cọp vồ, dân làng bèn cử người lên báo bọn Nhật nhờ giúp đỡ.

Hồi ấy, sau khi lật đổ Pháp, bọn Nhật có đóng một đồn gọi là đồn Nhật ở Hà Tân (Đại Lãnh). Nói là dân làng báo bọn Nhật, thực ra người đi báo không biết tiếng Nhật nên chỉ dùng tay ra hiệu. Bọn Nhật rốt cuộc cũng hiểu, liền cử 3 tên lính mang theo súng đi đuổi cọp. Lúc đó, cọp từ làng Tịnh Yên Đông Tây đã vòng lại làng Hà Dục Tây, vồ ông Hương A. Nạn nhân kế tiếp là bà Hai Trúc khi đang từ nhà trên xuống nhà dưới thì bị vồ. Mọi người phát hiện kịp thời la lên, cọp mới bỏ đi chỗ khác. Lúc này 3 tên lính Nhật vừa đến làng Hà Dục Tây. Tên thứ nhất biết cọp đang ở góc vườn liền nhảy vào, nhưng chưa kịp bắn đã bị cọp vồ. Tên thứ hai thấy vậy, bắn liền một phát ngay tai cọp. Rồi tên thứ 3 bắn theo, cọp chết tại chỗ.

Khi cọp chết, nhiều người không đến xem được do phải đưa nạn nhân đi cấp cứu. Cũng may hầu hết họ chỉ bị cọp vồ sơ bên ngoài nên không nguy hiểm đến tính mạng. Chuyện cọp về làng với bà con ở vùng giáp ranh núi rừng hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, có thể nói là chuyện thường. Người ta bảo cọp ra là do động rừng. Mà đã động rừng, không chỉ cọp, nhiều khi có cả hươu, nai và voi rừng vào làng. Vì vậy, trong dân gian đến nay vẫn còn lưu truyền chuyện vây cọp được tổ chức vào những ngày xuân như một lễ hội độc đáo. Đây được xem là “hội lạ” mà cố học giả Nguyễn Văn Xuân từng gọi là “Vây Hội” - hội làng vây bắt “ông ba mươi” vào tháng giêng hằng năm…