Saturday, April 27, 2013

KỂ CHUYỆN BÀ THU BỒN…


Hàng năm, cứ đến ngày 12 tháng 2 âm lịch, người dân làng Thu Bồn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, lại tổ chức lễ hội gọi là Lễ hội Bà Thu Bồn, gọi tắt là Lệ Bà. Đặc biệt, xung quanh một trong những lễ hội nổi tiếng nhất, đình đám nhất của Quảng Nam có nhiều câu chuyện kể dân gian khá lý thú, hấp dẫn…
1. Về sự tích Bà Thu Bồn, có nhiều truyền thuyết khác nhau. Một truyền thuyết cho rằng Bà là nữ tướng Chăm, bị vua Lê đánh bại, phải chạy về làng Thu Bồn, bị ngã voi và chết. Lại có truyền thuyết kể Bà nguyên là công chúa con ông vua Mây, cháu bà chúa Lồi, khi bị giặc bao vây kinh thành, vua và công chúa cưỡi ngựa chạy lên Phường Rạng và ngã ngựa mất, xác công chúa trôi về làng Thu Bồn. Một truyền thuyết khác thuật rằng Bà là con của một phú hộ. Khi mới lọt lòng, Bà có một mái tóc dài ngang lưng, hai hàm răng ngọc ngà đẹp như hoa. Lên 5 tuổi, Bà biết dùng các loại lá, rễ cây trong vườn để chữa bệnh cho người và gia súc. Đến 50 tuổi, Bà mất… Có thể nói, đó là những truyền thuyết, huyền thoại được lưu truyền qua nhiều đời. Tuy mất, nhưng Bà rất hiển linh, nhiều lần ra tay cứu nhân độ thế. Bà cai quản một vùng rộng lớn nằm dọc theo sông Thu Bồn, từ Duy Xuyên đến Đại Lộc, kể cả vùng tây huyện Quế Sơn. Lâu Lâu, Bà mới về một lần. Khi bay về,  Bà bay ban đêm, trời lại có quầng sáng như ngọn lửa. Bà bay từ núi Chúa, tức Hòn Đền ở Quế Sơn qua đất Duy Xuyên, đến núi An Định ở vùng tây Đại Lộc. Hình dáng Bà lúc ấy như dải lụa, mềm mại uyển chuyển. Cũng theo chuyện kể, khi dân Việt từ đất Bắc kéo vào Thu Bồn, vùng đất này hãy còn hoang vu. Hồi đó, chỗ xây lăng Bà Thu Bồn có một cái hang rất sâu. Nghe nói không có nhà. Nhưng có trại lợp bằng lá kè. Đặc biệt, theo lưu truyền, thời xưa, ngay lúc mới đến lập nghiệp, ông bà thấy cứ đến ngày 12 tháng 2 âm lịch, người Chiêm tổ chức lấy nước từ sông Thu Bồn rước về Trà Kiệu để cúng nên khi đến lễ hội Lệ Bà, họ bắt chước làm theo, tức ngoài lễ vật, cũng tổ chức rước nước để cúng như người Chiêm[1].

Lăng Bà Thu Bồn. Ảnh Đ.Đ

2. Xong phần lễ, đến phần hội. Người ta tổ chức đua ghe, rồi hát bội. Sôi nổi nhất là đua ghe. Tùy theo “túi tiền” và tùy theo năm, làng tổ chức đua nhiều hay ít. Đua nhiều thì đua đến… 8 vòng đôi. Ít cũng 6 vòng đôi. Ngoài đội đua ghe ở địa phương, làng còn mời đội đua ghe ở một số địa phương khác như đội đua các vạn Nồi Rang, Bình Yên, Trà Linh, Chợ Được, Hội An… đến tham gia. Giải thưởng có tiền và cờ. Khi đua, có đặt bàn án, có trống lệnh. Không khí nhộn nhịp. Hai bên bờ sông, bên ni là làng Thu Bồn huyện Duy Xuyên, bên kia là làng Phú Thuận huyện Đại Lộc bà con xem đông nghịt, hò reo cổ vũ rầm trời. Hát bội gần như là sinh hoạt không thể thiếu ở lễ hội Bà Thu Bồn hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước. Làng tổ chức hát ban ngày, hiếm khi hát ban đêm. Nhiều khi dưới sông có đua ghe đồng thời trên bờ cũng tổ chức hát bội. Cho nên, mới có câu "Trên bờ hát bội dưói thuyền bơi đua". Lúc ấy, ai muốn “coi” hát bội thì “coi”, ai muốn “coi” đua ghe thì… “coi”.  Thường, chỉ hát vài ba ngày, sau khi hết “hợp đồng” thì thôi. Các gánh hát, ngoài tiền hát theo “hợp đồng”, họ còn có thêm tiền thưởng. Gánh nào hát hay thì được thưởng nhiều. Hình thức thưởng, xưa gọi là “thướn”, cũng khác. Hễ đến đoạn nào thấy quá “tuyệt”, dân mới ném thẻ để “thướn” lên sân khấu. Diễn viên đang hát nhặt thẻ. Thẻ có thẻ con và thẻ cái. Một thẻ cái bằng mười thẻ con. Chỗ hay vừa ném thẻ con, cưc hay mới ném thẻ cái. Người ta tính thẻ con bao nhiều tiền, thẻ cái bao nhiêu, cứ thế bao nhiêu thẻ đổi lấy bao nhiêu tiền. Thỉnh thoảng, cũng có đôi người không ném thẻ mà ném… tiền lên, diễn viên cũng nhặt. Nói chung, khán giả cho gì họ cũng nhận. Cho càng nhiều, chứng tỏ họ hát càng hay, có sao đâu! Ngoài đua ghe, hát bội, còn có  đánh cờ, đánh bài lú và cả đánh xóc dĩa ăn tiền. Nhưng đây là những trò chơi làng không đứng ra tổ chức, chẳng qua, một số người lợi dụng cơ hội bày trò ăn thua mà thôi.

Bia Lăng Bà. Ảnh Đ.Đ

3. Xung quanh Lệ Bà có chuyện lạ. Nguyên đất ruộng công ở làng nhiều. Thế cho nên, tiền hiền làng được tự một mẫu tư đất.  Đến ngày tế tiền hiền, làng lấy số hoa lợi từ mấu tư đất này để chi phí. Trong lúc đó, tiếng là làng có lễ hội Bà Thu Bồn lớn nhưng lại không có đất tự. Rốt cuộc, dân làng phải đóng góp. Mãi sau này, ở làng Phường Chào, có một người lên đồng bảo với người cháu của bà Phường Chào rằng Bà Thu Bồn không có đất tự. Người cháu bèn đem tiền qua mua đất cúng Bà Thu Bồn. Ông này mua mẫu bảy đất để “tý tự”[2] cho Bà Thu Bồn. Đó là nguyên do mà hàng năm, khi tổ chức lễ hội Bà Thu Bồn, làng mới mổ con trâu, lấy một miếng thịt vai to như cái khay với hai đòn bánh tét rồi sai anh Giáp, tức anh chuyên đi rao ở làng, đem qua kỉnh cho người cháu đã mua đất để “tí tự” cho Bà Thu Bồn. Khi đi kỉnh, làng viết một cái phiếu, trên đó ghi miếng thịt ấy dày bao nhiêu, dài bao nhiêu, cân nặng bao nhiêu. Người ta sợ anh giáp “lẻo” mất chút ít. Chuyện kỉnh thịt trâu ngày lễ hội diễn ra hàng mấy chục năm trời, sau này mới bỏ. Lại có truyền thuyết kể rằng xưa trong lăng Bà có hai con tít to bằng bắp vế (!?). Đặc biệt, hai con tít này miệng ngậm hai cục ngọc to như nắm tay. Bấy giờ, có thằng Tây nổi máu tham. Nó quyết lấy cho bằng được. Nó cũng không tin Lăng Bà linh thiêng. Thế là nó đan một cái mủng chai to, đổ nước vào, bắt con gà làm thịt, để con gà lên. Loài tít thấy gà thì bỏ cục ngọc, bò đến ăn. Cục ngọc rớt xuống nước, biến mất tăm. Cặp tít sau đó chết trong lăng.

Bên trong Lăng Bà. Ảnh Đ.Đ

4. Cũng vào quãng nửa cuối thế kỷ XIX, ở ngoài kinh đô Huế, có phu nhân của vị quan nọ bị bệnh đã lâu, chữa hòai không khỏi. Nghe tiếng lăng Bà Thu Bồn linh thiêng, bà mới lặn lội vào xin thuốc. Vậy mà khỏi. Vị quan nọ mừng quá, đem đôi xuyến vàng với hai cái trang dài thước năm Tây vào cúng lăng Bà. Thường thường, khi làm lễ, trên bàn thờ, người ta mới đem cặp xuyến ra treo lên để cúng. Còn những ngày khác, họ đục lỗ trong cây gỗ trên bàn thờ để cất cặp xuyến. Làng không ai giữ đôi xuyến vàng này. Cũng không ai dám lấy trộm. Họ tin Bà linh thiêng, không thể làm điều xằng bậy được. Bà mà nổi giận thì cầm chắc cái chết. Dân ta sợ, nhưng Tây không sợ. Thế cho nên năm nọ, có hai thằng Tây lên Thu Bồn với một thằng thông ngôn. Cả ba đi bằng ca-nô. Hai thằng Tây đậu ca-nô ngoài gành rồi vào lăng Bà, lén lấy cặp xuyến vàng. Kỳ lạ thay, khi ra gành, không hiểu sao tự nhiên cả hai như bị ai đó kéo mạnh, làm nhào đầu xuống nước mà chết. Làng mới báo lên quan trên. Lúc đó, cũng không ai biết hai thằng này lấy trộm cặp xuyến trong lăng. Sau này, khi thắp hương ở Lăng Bà, người ta mới rõ mọi chuyện. “Đáng đời, ai bảo đụng đến Bà!”. Họ bảo nhau. Và, với dân làng Thu Bồn nói riêng, Điện Bàn nói chung, cũng như người dân ở Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn và nhiều nơi khác đều tin vào sự linh thiêng của Bà thông qua những chuyện kể mang màu sắc huyền thoại của một thời chưa xa…


[1] Ông Trịnh Bốn, sinh năm 1931, làng Thu Bồn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, kể.
[2] Tý tự (畀祀),, tức ban cho để dùng vào việc cúng tế

No comments: