Monday, April 8, 2013

CHUYỆN ÔNG BIỂU


Làng Chiên Đàn, hay còn có danh xưng dân dã là Chơn Đờn, hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước thuộc tổng Chiên Đàn, huyện Hà Đông, nay thuộc xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, có một nhân vật gọi là ông Nguyễn Tấn Biểu. Ông tuy không học giỏi, đỗ dạt cao, nhưng khá nổi tiếng vì tính khí hay nói ngông, chơi ngông. Đối tượng mà ông thường châm chọc là những gã nhà giàu, hợm hĩnh, hay bọn ở làng, ở xã ỷ thế hiếp đáp dân lành thân cô thế cô. Sinh thời, ông để lại một số câu chuyện kể khá thú vị, được lưu truyền khá phổ biến trong dân gian. Số là, ở làng Chiên Đàn xưa, có nhiều ruộng đất công, gọi là công điền. Đây là số ruộng đất thuộc quyền sở hữu của làng, do làng quyết định. Thường thì làng cho thuê, tức cho bà con làm rẻ, đến mùa nộp thóc lúa, hoa lợi, để làng dùng vào việc chung như cúng tế, lễ lạt này nọ. Mà, thời trước, chuyện cúng tế, lễ lạt nhiều, không nhờ số ruộng đất này, làng lấy đâu ra tiền để chi tiêu? Ông Nguyễn Tấn Biểu cũng là dân nghèo, cũng thuê ruộng của làng làm rẻ, đến mùa nộp thóc lúa cho làng. Chuyện thường thôi, chẳng có gì đáng bàn. Việc cho nông dân nghèo thuê đất lấy hoa lợi chi tiêu vào việc cúng tế diễn ra từ năm này sang năm khác. Được mùa không nói làm gì, những năm đói kém, mất mùa, dân nghèo đã khổ càng khổ hơn. Ông Nguyễn Tấn Biểu thấy dân đói khổ quá, mới tính “chơi khăm” làng một vố. Thé cho nên, năm ấy, ông cố ý chay ì không nộp thuế. Làng cho người mời năm lần bảy lượt, ông cứ khất lần. “Nhà tui chưa có tiền nộp, để ít bữa nữa… khó quá, khó quá…”. Ông năn nỉ. Lần nào cũng vậy. Lý trưởng tức lắm “Thằng ni ù lì. Phải có cách gì trị nó chớ? Không ai cũng như nó làng làm răng thu thuế được?”. Lời lý trưởng đã phán ai dám cãi? Thế là làng làm căng. Ông Nguyễn Tấn Biểu thấy vậy, mới bảo “Tui nói thiệt, nhà tui không có gì mà… Chỉ còn có con trâu, nhưng là trâu cái… Nếu làng đòi hung quá thì bắt nó đi. Khi mô tui có tiền tui đem đến chuộc lại”. Không còn cách nào khác, làng liền lùa ngay con trâu cái về, cột ngay ở đình làng. Thói đời,… trâu chung không ai khóc. Cột trâu vào đình, làng có phân người trông coi nhưng trâu… làng sao bằng trâu nhà. Họ cho ăn qua quýt, chủ yếu để cho trâu khỏi đói, chết mà thôi. Hơi sức đâu cho trâu ăn cho no. Kết quả, chỉ vài ba bữa, trâu ốm đi trông thấy. Đợi đến lúc đó, ông Nguyễn Tấn Biểu mới lựa lúc làng đang họp ở đình làng, liền rảo đi rảo lại quanh con trâu, nói oang oang, cốt để mấy ông làng nghe “Chua choa, ở với ông con mập mạp mà ở với làng có mấy bữa, làng làm chi con ốm kinh rứa”. Mấy ông có chức tước ở làng cứ nghe đi nghe lại, nhột quá, nhưng không biết làm gì, nói gì để “trả đũa” cho bõ tức. Cuối cùng, họ chẳng còn cách nào khác là cho người ra, bảo với ông Nguyễn Tấn Biểu “Thôi, mi dắt về đi, khi mô có tiền thì trả cũng được, răng cứ nói chi nói miết, mệt lắm!”. Một chuyện khác. Nguyên xưa kia làng nào cũng có bót gác, gọi là điếm canh hay chòi canh. Ở đó có sẵn cái mõ, dụng cụ làm bằng tre, dùng để gõ, phát ra tiếng khá to, cốt để báo động khi có trộm cướp hay có việc gì khẩn cấp cần báo cho làng biết để dân làng đến hỗ trợ... Ngày nọ, ông Nguyễn Tấn Biểu biết làng sẽ kiểm tra chuyện canh gác ở điếm canh. Hốm ấy, ông xung phong trực. Nhưng, ông chẳng thèm trực gì, chỉ thắp ngọn đền hiu hắt cho… có. Khi ông xã đến, thấy điếm canh vắng hiu, chẳng tìm ra ai là người gác, mới nóng máu, xách mõ đánh để báo động. Ông Nguyễn Tấn Biểu, như từ trên trời rơi xuống, tay giựt cái mõ, tay nhè ông xã mà vả vào mồm. Ông xã hoảng hốt, la lên “Ớ Biểu, răng mi nhè tao mi đánh?”. Ông Biểu giả đò “Ủa, ông xã hả? Rứa mà tui tưởng thằng mô ngỗ ngịch lấy cái mõ đánh tầm bậy”. Ông xã vặn vẹo “Rứa lính canh ở mô?”. Ông Biểu đáp “Tui canh chớ ai. Nhưng tui dại chi ngồi đó cho nó biết hả? Tui ngồi trong bụi. Mà cũng tạit ông, ông ra ông nhè lấy cái mõ đánh, tui không biết, tưởng thằng nào to gan, mới vả vô miệng. Tui xin lỗi nghe”. Ông xã tức lắm, nhưng đành chịu. Chuyện thứ ba mới… độc đáo. Số là xưa kia theo quy định của làng Chiên Đàn, mỗi năm một ông trùm chịu trách nhiệm lo việc cúng tế ở làng. Hết ông này sang ông khác. Luân phiên với nhau. Năm nọ, đến lượt ông Nguyễn Tấn Biểu. Đó cũng là năm làng tổ chức long trọng hơn mọi năm, có mời tổng về dự. Lệ thường, làng phải mua đến 7 con heo, mà là heo đực. Ông Nguyễn Tấn Biểu làm khác. Ông mua toàn heo cái rồi dặn mọi người kín tiếng. Mặt khác, ông lén mua một lúc 7 con… cặt heo, giao cho 7 thanh niên thân tín, dặn làm như ri, như ri… Y như ông tiên đoán, chuyện mua heo cái cúng tế đã dặn kỹ phải giữ kín nhưng rốt cuộc rồi cũng lộ ra. Đám quan khách xì xầm “Cái thằng Biểu ni coi khinh làng, làm heo cái đãi khách”. Lý trưởng nghe được, hầm hầm nổi giận, kêu ông lại, nạt nộ “Mi xấc lắm. Ai biểu mi làm heo cái đãi làng?”. Ông bình tĩnh thưa lại “Dạ, làm chi có chuyện đó? Chẳng qua người ta ghen ghét, đặt điều nói bậy thôi, oan cho tui quá! Mà, ai bói tầm bậy rứa?”. Ông lý trưởng giọng gay gắt “Tao nghe người ta nói râm kìa, mi còn chối hả?”. Ông vẫn bình tĩnh “Làng nói rứa thì để tui chứng minh chớ, không tui bị oan”. Vừa nói, ông vừa quay lại, bảo mấy thanh niên “Sắp bay, bưng ra đây!”. Đám thanh niên chỉ chờ có vậy, liền nhanh nhẩu bưng mỗi người bưng lên mỗi mâm. Trên mâm chỉ có mỗi con… cặt heo. Ông lần lượt dẫn từng anh thanh niên đến từng bàn, đặt cái mâm lên, nói “Dạ, con cặt đây làng”. Mâm nào ổng cũng làm vậy. Lý trưởng và đám quan chức biết bị ông chơi xỏ, tức lắm nhưng cũng đành chào thua mưu trí của ông .

No comments: