Monday, April 22, 2013

TỪ TRIỀU THÁI ĐỨC NHÀ TÂY SƠN…


Mấy chục năm trở về trước, khách thương hồ quanh năm suốt tháng xuôi ngược trên sông Thu Bồn mấy ai không biết địa danh Phường Rạnh, nay là làng Trung An, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, một vùng đất nằm ở vùng cực tây Quảng Nam, bấy giờ còn hoang vu, núi đồi trùng điệp. Theo tư liệu còn lưu lại, Phường Rạnh được khai phá từ rất sớm, dưới triều Thái Đức nhà Tây Sơn…

Ở Trung An có ba tộc tiền hiền là các tộc Nguyễn, Trần và Trịnh. Các tộc đều đến lập nghiệp từ thời Tây Sơn. Trong đó, tộc Nguyễn đến đầu tiên. Nhưng, do nhiều nguyên nhân, hiện nay, tộc này không còn con cháu nối dõi. Sau tộc Nguyễn là tộc Trịnh và tộc Trần. Theo chuyện kể, hồi ấy, tộc Trịnh vào bằng đường biển. Khi đi, có ba anh em. Đầu tiên, họ lập nghiệp ở làng Hòa Mỹ nay thuộc quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Sau đó, không biết vì lý do gì, họ đi tiếp vào Quảng Nam. Một ông chọn mảnh đất nay là xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc; một ông đến làng Thu Bồn, nay thuộc xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên còn ông thứ ba vào tận Phường Rạnh, lập nghiệp. Còn tộc Trần, tương truyền, theo vua vào Nam, đến Bình Định lập nghiệp. Rồi, khi phong trào nông dân Tây Sơn bùng nổ, ba cha con tộc Trần gồm cha là Trần Văn Tam và hai con là Trần Văn Hiền và Trần Văn Huấn quay ra Quảng Nam, lên tận vùng đất sau này có danh xưng là Trung An, sinh sống. “Nghe truyền khẩu lại là họ đi theo lệnh của bà vợ ông Trần Văn Tam... Không biết bà ni răng có quyền hành to như rứa. Cũng nghe nói hồi đó, người cha Trần Văn Tam già rồi, còn người anh Trần Văn Hiền lại quá hiền. Cho nên, em là Trần Văn Huấn mới đứng ra làm giấy tờ. Kết cuộc, sau này chính người em đứng tên tiền hiền làng cùng với các tộc Nguyễn và Trịnh!”[1].

Gia phả tộc Trần. Ảnh Đ.Đ

Đặc biệt, không chỉ truyền khẩu, tộc Trần ở Trung An còn giữ bản gia phả khá đầy đủ. Bản gia phả bằng chữ Hán, được lập vào năm “Thành Thái tứ niên, thất nguyệt, nhị thập nhật, lục cung”, nghĩa là vào ngày 20 tháng 7, năm Thành Thái thứ tư, tức năm 1892. Như vậy, theo tư liệu, đây là bản gia phả được sao lại, chép lại từ một bản gia phả có từ trước. Điều đặc biệt, gia phả tộc Trần cũng ghi lại khá rõ nét nguồn gốc của tộc Trần. Và, đúng như lời kể, người đầu tiên tộc Trần vào Nam là ngài Trần Văn Tam. Thoạt tiên, ngài vào định cư tại Bình Định, trú ở xã Mộc Bài. Bấy giờ, ở Mộc Bài, tộc Trần là tộc lớn. Khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ, trước khói lửa chiến tranh, gây ra nhiều thảm cảnh đau lòng, theo lịnh từ người mẹ, tên là Nguyễn Thị, ngài dẫn gia quyến đi lánh nạn ở chỗ này. Bản gia phả viết “Tiên thế vi Bình Định tỉnh, Mộc Bài xã, nhứt cự tộc. Tiên linh húy Tam, nhân Tây Sơn binh tiễn chi tế dữ, lịnh từ Nguyễn Thị, khiết quyến tị cư vu thử nhân tịch”. Nhưng đến lập nghiệp ở vùng đất Trung An lúc bấy giờ không chỉ có mình tộc Trần mà còn có hai tộc khác là tộc Nguyễn và tộc Trịnh. Thế là ngài cùng với tiền hiền hai tộc Nguyễn, Trịnh, tức tam tộc, cùng xin lập bộ, nghĩa là lập sổ sách đất đai của làng “Thử thìn y ông dữ Nguyễn Trịnh tam tộc đồng thảo khất kiến bộ”… Có thể nói, qua những ghi chép nói trên, chúng ta có thể khẳng định vùng đất nay có danh xưng là Trung An, nằm trên địa bàn xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam được khai phá từ khá sớm, vào cuối thế kỷ XVIII. Đây cũng là thời điểm mà một số làng xã khác ở huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, hình thành.

Về nguồn gốc danh xưng Trung An, có câu chuyện kể khá lý thú và hấp dẫn rằng thời trước, khi người Việt đến lập nghiệp, ở đây đã có Dinh Bà Phường Rạnh, rất linh thiêng. Ngày nọ, trong làng có ông gọi là ông Trùm Tuất, người họ Nguyễn, khá giàu, nhà có của ăn của để, bị mất mấy con trâu. Tiếc của, ông mới quyết chí đi tìm cho bằng được. Nhưng, ông chưa kịp bước ra khỏi bìa làng thì Bà đã “đạp đầu ngang”, tức mượn xác người sống, hiện lên, nạt nộ: “Nhà người đi mô? Nhà ngươi đừng có dại, chết như chơi. Bọn cướp đã chuẩn bị sẵn dao kiếm, nhà ngươi đến chỉ thiệt thân. Nhà ngươi về đi. Còn về phần bọn cướp, nhà ngươi đừng lo. Hễ kẻ nào trung thì được an mà ai ngang bướng, đi trộm cướp, sẽ không ra chi”. Từ câu chuyện này, người dân mới lấy tên Trung An đặt tên cho làng với mong muốn bà con sống ở vùng đất này luôn là những người“trung thực” nên được hưởng sự “an lành”.

Một đoạn trong gia phả. Ảnh Đ.Đ

Danh xưng Trung An gần như chỉ tồn tại trên mặt giấy tờ, khế ước. Còn tên bình dân là Phường Rạnh. Cũng như Trung An, danh xưng Phường Rạnh cũng có nguồn gốc, xuất xứ khá đặc biệt. Theo đó, chữ “Rạnh” xuất phát từ con trạnh, một loại động vật có hình dáng như con rùa nhưng rất to, có con to bằng cái nong, sông dưới nước1. Nguyên hồi nửa đầu thế kỷ XIX trở về trước, du khách lẫn tầng lớp thương hồ ngược lên thượng nguồn sông Thu Bồn khi đi ngang đoạn sông chảy qua làng Trung An thỉnh thoảng hay bắt gặp con trạnh trồi lên, có lúc nhiều đến mức đặc kín sông, khiến ghe thuyền phải tránh. Thế cho nên, người ta mới gọi làng ven sông này là Phường Trạnh. Lâu ngày, họ mới đọc “chệch” là Phường Rạnh. Phường (坊), trong chữ Hán, còn có nghĩa là “làng”. Riêng “Rạnh”, tức từ trạnh mà ra. Thế cho nên, Phường Rạnh còn có thể gọi nôm na là làng Trạnh!

Di tích Lăng Bà ở làng Trung An. Ảnh Đ.Đ

Nhưng dù Trung An hay Phường Rạnh, mảnh đất này cũng bắt đầu được người Việt đặt chân lên lập nghiệp cách nay gần 250 năm, từ triều Thái Đức nhà Tây Sơn. Thế cho nên trong văn cúng tiền hiền nhằm tưởng nhớ những người đã có công khai sơn phá thạch, lập làng lập xóm, người dân làng Trung An ghi rõ Xưa đất Bắc dựng xây tổ nghiệp/ Nay trời Nam kiến trúc cơ ngơi/ Chí tang bồng ngang dọc bốn phương/ Tài thao lược kinh luân một cõi/ Đất Phường Rạnh thời xưa triều Thái Đức/ Ơn tiền nhân khai quốc thổ lắm công trình…”.


[1] Ông Trần Văn Hai, sinh năm 1948, thôn Trung An, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, kể.

No comments: