Saturday, April 14, 2012

SỰ TÍCH MỘT BÀI VÈ


Hồi nửa đầu thế kỷ XX, ở làng Thu Bồn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam có lưu truyền một bài vè mà theo truyền khẩu là của ông Phạm Khôi, một người nổi tiếng hay chữ, khéo đặt vè, sáng tác. Đặc biệt, bài vè này toàn sử dụng cách nói “ngược” truyền thống của dân Quảng. Về nguyên nhân ra đời, cũng theo tương truyền, bài vè mô tả một vụ kiện về đất đai xảy ra ngay những năm trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Có thể nói, đó cũng là vụ kiện "nổi đình nổi đám" nhất ở làng Thu Bồn. Thời điểm xảy ra vụ kiện là năm 1940, lúc Nhật qua xâm chiếm Việt Nam. Không rõ lý do vì sao làng tổ chức đo đạc lại diện tích ruộng đất. Các vị chức sắc bấy giờ muốn "ăn" bớt đất của dân nên cứ mỗi hộ đo thiếu 4 thước. “Tất đất tấc vàng”.
 Người mất đất dĩ nhiên tức sôi máu. Họ bàn nhau đồng tâm hiệp lực phản đối đến cùng. Thế cho nên, khi lý trưởng dẫn đám thuộc hà đi do đất, moị người kéo nhau ra phản đối, cãi cọ, đánh lý trưởng và bọn tuỳ tùng chạy thục mạng.
<!--[if !vml]--><!--[endif]-->
Đường làng Thu Bồn. Ảnh Đ.Đ



Đặc biệt, do đất đai chưa đo đạc xong, dân cả làng nhất tề... bỏ cấy vụ lúa năm ấy, cùng nhau xách đơn lên kiện tổng, rồi huyện. Trong đó, người đứng đơn đại diện cho dân kiện là ông Võ Tùng. Bấy giờ, quan tri huyện Duy Xuyên thấy tình hình quá căng thẳng, mới đưa ông Thất Hoanh, xuống đo lại ruộng đất. Ông này chặt một cây tre thật thẳng, lấy thước ngoài Huế chặt đúng thước, đúng tấc, rồi cứ thế mà đo. Lý trưởng và cả bà con thấy ông Thất Hoanh làm đúng quá, không ai có ý kiến gì. Đặc biệt, nếu người lý trưởng đo dân mất 4 tấc, lần này, ông Thất Hoanh đo, dân lại lời ra đúng... 4 tấc!
Nhân vụ kiện này, ông Phạm Khôi, một người hay chữ, đặt bài vè khá nổi tiếng rằng "Chuyên tùng, dám kiện, quấy ơi anh?/ Thức cóc giá cao ruộng bỏ đành / Ưng cắt năm sào liền một bọc/ Giựt quằn bốn thước xé đồng canh/ Đề mô sổ cấp làm cao lý/ Mực đặc đồng dân ký thuận tình…”.
Bài vè này, ông vận dụng toàn cách nói ngược "Truyền thống” của dân Quảng Nam. Câu đầu, "Chuyên tùng, dám kiện, quấy ơi anh?”. Ở đây  ý nói "Chuyên tùng” tức "Chung tiền” để đi kiện và đi kiện thì chẳng phải chuyện sai quấy gì hết. "Thức cóc giá cao ruộng bỏ đành”.  "Thức cóc” tức "Thóc cức”, ông muốn ám chỉ bọn cường hào làm bậy, làm những chuyện thối tha, khiến dân làng đành phải bỏ cả ruộng đất, không thể cày cấy được. Do đó, ông chửi khéo "Ưng cắt năm sào liền một bọc”. "Ưng cắt”  ở đây rõ ràng ông ám chỉ bọn làm chuyện xấu ấy đều đáng "ăn cức”.
Đến câu "Giựt quằn bốn thước xé đồng canh” nghĩa "Giựt quằn” tức "Giặt quần”, còn bốn thước xé đồng canh tức mấy ổng lấy bốn thước để mà chia nhau. "Đề mô sổ cấp làm cao lý”  tức "Đề mô” nói ngược lại là "Đồ mê”, tiếng chửi khéo bọn tham lam, ngu muội mới làm chuyện bậy bạ như thế. "Mực đặc đồng dân ký thuận tình” ở đây "Mực đặc” tức "mặt đực” chỉ bọn người làm việc trái đạo lý này là những người không biết phải trái, cứ thấy lợi là làm. Thế cho nên, dân phải đồng lòng mà ký đơn đi kiện


1.Ông Trịnh Bốn, sinh năm 1931, người làng Thu Bồn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, kể.

Tập sách "Chuyện xưa Đất Quảng" của tác giả Phạm Hữu Đăng Đạt sắp ra mắt. Mời các bạn đón xem!


Sunday, April 8, 2012

NGƯ DÂN VẠN PHƯỜNG ĐÔNG


Hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, trên đoạn sông Vu Gia chảy qua xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, có một vạn chài đông đúc ghe thuyền. Đó là vạn Phường Đông. Theo ký ức của lớp người cao tuổi lúc bấy giờ, van Phường Đông có không dưới năm mươi gia đình nhưng làm đủ thứ nghề, từ chài lưới đến buôn bán mắm muối, gạo chuối đến chở hàng thuê, rồi đánh bắt cá trên sông. Mỗi gia đình mỗi nghề, sinh sống từ đời này sang đời khác…


Đánh cá ở Đà Nẵng hồi nửa đầu thế kỷ trước. Ảnh tư liệu

Người ta không biết vạn Phường Đông xuất hiện từ bao giờ. Có lẽ là khi mảnh đất dọc theo hai bên bờ sông Vu Gia được lưu dân Việt đến lập nghiệp, khai phá đất đai, tạo dựng xóm thôn trù phú. Cùng với việc lập các ấp Nam, ấp Bắc… thì chợ chiều Phường Đông ra đời, tạo điều kiện cư dân địa phương có nơi để mua bán, trao đổi hàng hóa.
Theo ước đoán, vạn Phường Đông xuất hiện muộn nhất cũng vào nửa đầu thế kỷ XIX. với ba tộc sinh sống là Võ, Lê, Trần. Trong đó, tộc Trần vốn có nguồn gốc là dân vạn chài ở làng Phong Thử, gặp mẹ ông, cũng là dân vạn chài ở Phường Đông. Thế là thương nhau rồi lấy nhau. Sau đó, cha ông ở rể luôn... Do vậy, tộc Trần, so với nhiều tộc khác, có thể gọi là tộc “ngụ cư”. Tuy nhiên, khác với dân trên bờ, hầu như không có sự phân biệt đối xử giữa dân chính với dân ngụ ở vạn Phường Đông[1].
Khác với tộc Trần, hai tộc còn lại đều lập nghiệp từ rất lâu. Đáng chú ý, tộc Võ đầu tiên họ vào Nam, lập nghiệp ở Quảng Ngãi và cũng là dân hành nghề sông nước. Theo truyền khẩu, khi giặc giã nổi lên, ông tiền hiền tộc Võ của vạn Phường Đông trước kia và làng Mỹ Hảo ngày nay mới mang gia phả mà chạy. Cũng không biết nguyên nhân vì sao lại chạy mãi vào Mỹ Hảo, rồi “định cư” ở vạn Phường Đông.
Hồi ấy, gia đình ông cđi theo đường bộ. Thời kỳ chống Mỹ, gia phả bị cháy, mất luôn. Cho nên, hiện tộc Võ không biết từ đời ông tiền hiền tộc đến đời ông Võ Khuê đã bao nhiêu đời. Chỉ biết, gia phả xưa, theo ông Võ Khuê, có cả ấn của vua.
Một khúc sông Vu Gia. Ảnh Đ.Đ


Ở vạn Phường Đông, chỉ có khoảng hơn mười gia đình sinh sống bằng nghề đánh bắt cá. Xưa, người ta dùng lưới bằng gai. Gai trước là gai trồng, tới lứa mới lột vỏ, đập, nhồi, làm thành từng cuộn. Mỗi cuộn nặng khoảng một lạng. Bà con mua về, tước ra rồi đánh cho săn lại để đan thành lưới. Đan xong, bỏ vô nấu với vôi cho “chín” gai đi… Nói chung, muốn làm lưới không đơn giản, phải qua nhiều công đoạn. Lưới gai dĩ nhiên không đẹp và chắc bằng lưới cước nhưng ngày trước, cá nhiều nên việc đánh bắt khá dễ dàng. Những gia đình làm nghề đánh bắt cá có hai ghe, một ghe nhỏ để hành nghề và một ghe lớn để vợ con ăn ở, sinh hoạt hàng ngày.
Ngư dân vạn Phường Đông làm một số nghề từ nghề bủa lưới, chươm, bủa câu đến nghề đắp. Nghề bủa lưới chỉ sử dụng trong mùa nước lụt, diễn ra vào khỏang tháng bảy, tháng tám âm lịch hàng năm. Đây là lúc cá từ trên nguồn theo dòng nước lụt về để trong nà dọc bờ sông Vu Gia.
Xưa, trong “bộ nhớ” của các bô lão quen nghề sông nước, cá trên sông Vu Gia nhiều vô kể. Chúng đi thành từng đàn. Lắm lúc lội xuống nà, cá đụng “chưn”. Nghe sướng lắm... Lưới có bề rộng mét năm, dài đến ba, bốn chục mét. Người ta mạnh ai nấy bủa. Có người bủa ngang, lại có người bủa dọc. Cá trôi mắc lưới, quẫy mạnh. Khi phát hiện, ngư dân chèo ghe đến, nhấc lên, lấy vợt… xúc cá. Cá mùa lụt chủ yếu cá trôi. Có nhiều con nặng năm, sáu ký.
Công cụ đánh bắt cá của ngư dân vạn Phường Đông. Ảnh Đ.Đ 


Thường, bắt cá xong, bà con phải lấy dây… xâu môi con cá rồi thả xuống dưới nước để cá tự do bơi qua bơi lại. Khi muốn bán, chỉ cần kéo dây lên, gỡ ra. Nhờ vậy, mỗi lần lụt, bắt cá xong, họ bán phải đôi ba ngày mới hết cá.
Trong các loại cá, cá to nhất là loại cá mà ngư dân vạn Phường Đông gọi là cá chiên. Cá này cũng ở trên nguồn nhân mùa lụt trôi xuống. Nhưng hiếm khi bắt được. Cá chiên dài gần mét, ngang hơn gang tay, miệng to như cá nhám. Khi biết loại cá này mắc lưới, phải thủ thế cẩn thận. Chân đạp lưới, tay nắm hai vi cá rồi hất nó lên ghe. Hết nghề bủa lưới đến nghề bủa câu, thường  trùng vào các tháng cuối năm. Có câu sưa và câu dày. Câu sưa lưỡi câu to, câu dày lưỡi câu nhỏ. Nghề bủa câu chuyên bắt các loại cá như cá lấu, cá leo, cá chạp, cá mương, cá chày… Nhưng cá bắt được nhiều nhất là cá bống. Ở van Phường Đông thời trước người bủa câu giỏi nhất là ông Lợi. Ông này có nhiều kinh nghiệm. Bất kỳ bủa ở đâu, ông cũng kiếm được nhiều cá hơn người khác.
Cuối năm, bà con lại giong buồm ngược lên Thạnh Mỹ chặt một loại cây chuyên mọc ở gành sông, chủ yếu loại cây có tên là cây “rì nính”. Chặt xong, bó lại, phơi thật khô rồi chở về. Nói thì dễ nhưng thực tế rất nhọc công, phải chịu khó đi lùng. Chỗ này không có thì chuyển sang tìm chỗ khác. Và, trong quá trình chặt cây, có đôi người như ông Trần Tự, ngư dân vạn Phường Đông, cũng tranh thủ bủa câu kiếm thêm ít cá để bán kiếm tiền mua mắm muối, gạo thóc. Cá bắt được chủ yếu cá ngạnh, cá rói, cá chày… và đôi loại cá khác.
Nghề “chươm” bắt đầu từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 6, tháng 7 âm lịch năm sau. Khi cắm bổi xuống sông, phải có cọc giữ cẩn thận. Khi cá vào ở, người ta mới dùng đăng, tức một tấm đan bằng tre, dài khoảng 20 thước mộc, cao khoảng 4 thước mộc, bao lại. Xong, bà con vừa lấy bổi ra, dồn cá vào một chỗ rồi xúc.
Cá bắt được đủ loại, từ cá lấu, cá bống, cá chày đến cá leo, cá diếc và cả tôm. Nhưng, nhiều nhất vẫn là cá diếc. Ngoài ra, ngư dân vạn Phường Đông còn hành nghề đắp. Nghề này chỉ làm được ở những đoạn có lạch sông, tức một đoạn sông ăn vào trong bờ, thành “lạch”. Người ta dùng đăng tấn ngay cửa lạch, phía trong để sẵn đó, hai bên có tấn bằng đăng, làm sao để khi tấn lại, nước đứng, cá tự đi vào đó. Cá bắt được thường là cá chạc, cá bống.
Vào nửa cuối thập kỷ 1970, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, địch tăng cường bắn phá bằng máy bay. Một trong những mục tiêu chúng thả bom là ghe, thuyền đi lại trên sông. Nhiều ghe thuyền của ngư dân vạn Phường Đông bị máy bay bắn nát, chìm xuống đáy sông. Thế cho nên, dù không muốn lên bờ, tình thế bắt buộc họ cũng phải lên bờ. Danh xưng van Phường Đông dần dần mất đi. Người dân ly tán, mỗi người mỗi ngả.
Và, cũng bắt đầu từ đó, bà con dần dần chuyển đổi ngành nghề. nhất là từ sau ngày giải phóng, khi Nhà nước cấp đất cho bà con làng vạn. Hiện nay, chỉ còn duy nhất một trường hợp còn hành nghề đánh bắt cá. Đó là ông Trần Hựu. Hầu hết bà con có truyền thống nhiều đời đánh bắt cá chỉ đánh bắt vào mùa lụt, khi cá trôi từ trên nguồn về đẻ ở nà dọc bờ sông.
Nguyên nhân chính khiến h không mặn mà với nghề cũ là do nạn chích điện tràn làn khiến cả cá con cũng chết. Môi trường bị hủy diệt. Cá đã ít, lại bị đánh bắt theo kiểu tận diệt, ai còn đủ sức bám lấy nghề đánh bắt quá bấp bênh này? Hệ quả là nghề đánh bắt cá truyền thống của bà con vạn Phường Đông xưa nay chỉ còn trong ký ức mà thôi…[2]


[1] Ông Trần Tự, sinh năm 1923, ngư dân vạn Phường Đông, xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, kể.
[2] Ông Võ Khuê, sinh năm 1926 và ông Trần Tự, sinh năm 1923, cùng trú thôn Mỹ Hảo, xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, kể.

Monday, April 2, 2012

NGHỀ LÀM XE GIÓ Ở THANH ĐƠN


Chuyện kể rằng mấy trăm năm trước, khi từ đất Bắc vào đây khai canh khai cư, lập làng lập xóm, bà con các tộc họ làng Thanh Đơn, nay thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, chủ yếu sinh sống bằng nghề nông. Tuy nhiên, do đất ruộng ít, hầu hết đều tập trung vào tay một số gia đình giàu có như gia đình các ông Như, ông Huyến, ông Xã Thể, ông Xã Liễn nên đại đa số phải làm thuê, làm rẻ và làm đủ các nghề khác để kiếm miếng cơm manh áo hàng ngày.
 Trong những nghề khác ấy, phổ biến nhất là đi cây. Muốn đi cây, họ phải thực dậy từ ba, bốn giờ sáng đã, ăn một bụng… thật no rồi đùm thêm một ít cơm độn toàn khoai, sắn đem theo. Cứ thế, cả đoàn độ bảy, tám người rủ nhau âm thầm đi xuyên bóng đêm, làm sao để trời vừa sáng thì đã đến chân rừng, bắt đầu luồn suối, băng rừng, tìm cây mà chặt, mà hạ. Xong xuôi, nghỉ ngơi ăn uống rồi cứ thế, vác gỗ về.
Thế rồi, vào khoảng giữa thế kỷ XIX, có một người thợ quê gốc Quảng Ngãi được thuê làm xe gió ngay trên khúc sông Vu Gia chảy qua xã Đại Cường. Rồi, không biết lý do gì, ông ở luôn tại Thanh Đơn, truyền nghề cho dân làng. Từ đời ông đến đời ông Hứa Minh, sinh năm 1923 cũng đã ba đời. Còn tính cả thế hệ con cháu nữa thì cũng lên đến năm, sáu đời.
Như vậy, nghề làm xe gió ở Thanh Đơn hình thành cách nay khoảng 150 năm trong lịch sử. Thời gian đầu, còn “lạ nước lạ cái”, trong làng chỉ có đôi người theo nghề làm xe gió. Khi họ làm được, gây chút ít tiếng tăm, thoát khỏi cảnh ngày ngày phải trèo đèo lội suối, sợ cọp rừng, ngại thú dữ rập rình… thì số người tình nguyện gia nhập đội quân “xe gió” mỗi lúc một đông thêm. Tính đến đầu thế kỷ XX, đã có hàng chục thợ làm xe gió.
Thường thường, trong nghề làm xe gió, phải có một ông chuyên nhận thầu, gọi là ông Thủ mực13. Khi ai đến đặt vấn đề, ông Thủ mực sẽ tính toán tiền công một cách rõ ràng, rồi ra giá. Nếu đối tác đồng ý, ông sẽ tập trung thợ lại, phổ biến kế hoạch để bắt tay vào làm.
Tại Thanh Đơn, cũng trong khoảng thời gian ấy, trong làng có ba ông Thủ mực. Đó là các ông Hương Lưỡng, ông Hương Thu và ông Hương Nhứt. Nhiều công trình xe gió được thợ Thanh Đơn thi công và hoàn thành như các công trình xe gió ở Hà Nha, Phước Yên, Bồ Khoan, Tân Đợi, Phúc Hương. Đó là những công trình nằm trên địa bàn huyện, chưa kể nhiều công trình khác ở các huyện chung quanh.

                                  Xe gió hay còn gọi là xe nước xưa. Ảnh tư liệu.
Khoảng nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, cũng như nhiều địa phương khác, khi các vùng nông thôn chưa có máy bơm thì ở Quảng Nam, chuyện sử dụng xe gió để lấy nước tưới các cánh đồng trong mùa khô hạn là một giải pháp hợp lý được nhiều nơi áp dụng. Theo tính toán, để tưới 100 mẫu lúa, xe gió phải có 10 “bánh”. Bình quân, mỗi “bánh” có thể tưới được 10 mẫu. Mỗi người có thể nhận nửa bánh, một bánh hoặc hai bánh, tuỳ theo khả năng  của  mình. Cứ  nhận  nhiều thì trả tiền nhiều. Bấy giờ, xe gió thường bắt đầu chạy vào tháng 2 âm lịch và đến khoảng tháng bảy, tháng tám âm thì tháo ra, nghỉ. Đây cũng là thời điểm bắt đầu mùa mưa, không thiếu nước. Hơn nữa, cũng là mùa lụt lội. Nếu cứ để nguyên, khi xảy ra lũ lụt, dòng nước chảy quá mạnh có khả năng sẽ phá hỏng xe gió.
Những người bỏ tiền ra thuê thợ làm xe gió họp lại bầu ra ban quản trị, chịu trách nhiệm lo việc trông nom xe gió, đắp kênh mương để dẫn nước vào đồng ruộng và… thu thuế nước. Thuế bấy giờ được tính bằng lúa. Cứ quy ra, một mẫu một mùa là bao nhiêu, khi thu hoạch phải trả đủ. Khi thu hoạch, mấy anh bỏ tiền ra làm xe gió cứ canh lấy đủ lúa. Tất cả đều được đổ vào một nơi quy định. Rồi, họ có thể đạp chung rồi chia, theo phần đóng góp của mỗi người.
Bờ xe gió hiếm hoi còn sót lại ở Đại Lộc. Ảnh Đ.Đ
Cũng lắm khi chia theo gánh. Phần ai gánh phần người nấy, về nhà mới đạp ra. Với những người thợ làng Thanh Đơn, sau khi hoàn thành xe gió, thường được ban quản trị thuê túc trực sửa chữa khi hư hỏng, trục trặc trong quá trình vân hành xe gió. Tiền thuê được tính bằng lúa. Cứ mỗi mùa quy định bao nhiêu, khi thu lúa, ban quản trị có bổn phận trả cho thợ đầy đủ.
Vào những năm thập kỷ 1960, 1970, trên các dòng sông Vu Gia, người ta bắt đầu dùng máy bơm bơm nước thay cho xe gió. Hễ máy bơm được lắp đặt đến đầu thì xe gió biến mất đến đó. Rõ ràng, máy bơm tiện lợi hơn xe gió nhiều mặt. Thế cho nên, thay vì làm xe gió, tiện lợi nhất là… mua một chiếc máy bơm, vừa gọn nhẹ, vừa hiệu quả gấp nhiều lần xe gió. Cho nên, chiếc xe gió cuối cùng mà người thợ làm xe gió Thanh Đơn thi công là chiếc xe gió Phúc Hương được làm ngay sau ngày giải phóng, cũng trên mảnh đất Đại Cường. Phụ trách thi công lúc bấy giờ là ông Thê.
Và, sau hàng chục năm vắng bóng, khách đi trên tuyến đường sông Vu Gia qua Đại Cường vào thời kỳ ấy không mấy ai không mục kích chiếc xe gió này. Nhờ nó mà hàng trăm mẫu đất quanh đó được tưới nước đều đặn, góp phần không nhỏ chống hạn hán, tăng năng suất cây lúa lúc bấy giờ. Kể từ khi chiếc xe gió Phúc Hương bị dẹp bỏ, nghề làm xe gió Thanh Đơn cũng thật sự cáo chung. Hình ảnh những chiếc xe gió to đùng trên những dòng sông xứ Quảng giờ chỉ còn là kỷ niệm trong tâm trí của lớp ngưòi cao tuổi mà thôi[1].


[1] Ông Hứa Minh, sinh năm 1923, làng Thanh Đơn, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, kể.