Tuesday, June 5, 2012

KHI CỌP VÀO LÀNG

Trong ký ức những cụ cao niên tại vùng tây Đại Lộc, chuyện động rừng và cọp về làng vẫn còn là nỗi ám ảnh đối với cuộc sống bình yên của người dân…

LÀNG Hà Dục Tây nay thuộc xã Đại Lãnh (Đại Lộc) được khai phá từ khá sớm. Theo gia phả tộc Quách, vào thế kỷ XVII có 5 anh em họ Quách từ Thái Thụy (Thái Bình) vào Nam lập nghiệp, định cư tại ngã ba sông Vu Gia và sông Con. Ban đầu làng được đặt tên là là Thái Nguyên ấp, sau đổi thành Hà Dục Tây châu. Là một trong những vùng tiếp giáp với núi rừng, hồi trước Cách mạng Tháng Tám thỉnh thoảng cọp lẻn về làng bắt trâu bò và đe dọa đến đời sống người dân trong vùng. Cho đến nay, nhiều cụ già cao tuổi vẫn còn nhớ lần cuối cùng cọp về làng.


Một con cọp bị giết. Ảnh tư liệu



Bấy giờ, trong làng có ông Quách Đăng Thái là một phú gia. Ông không những có nhiều đất ruộng, chủ một số xe gió mà còn mở truông khai thác gỗ với 32 con trâu kéo và thường đóng trại trâu trong rừng. Đùng một cái, tháng ba âm lịch năm 1945 bỗng dưng trâu nhà ông Thái bị cọp bắt. Ngày xưa, nghe nói chuyện động rừng, ai cũng sợ. Đã động rừng, tất nhiên cọp sẽ về làng. Thế là người đi than không dám đi, kẻ đốn củi cũng chẳng có gan vào rừng. Trước tình hình ấy, ông Thái bảo bọn trai kéo dẫn trâu từ trại trong núi về làng ngay trong chiều ngày mùng 9. Chiều hôm ấy trời lại kéo mây đen, mưa ùn ùn đổ xuống như trút nước. Đường rừng gặp mưa to trơn nhẫy rất khó đi, nên mãi đến 10 giờ đêm bầy trâu kéo của ông mới về tới làng.

Và chuyện không ai ngờ đã xảy ra: một con cọp to đã lẻn đi theo bầy trâu rồi núp ngoài vườn khiến dân làng một phen khiếp hãi. Thời ấy, nhà cửa còn thưa thớt, vườn rộng có khi đến ba, bốn sào ruộng. Sáng sớm hôm sau, vợ ông Thái ra vườn thì phát hiện ra “ông ba mươi” bèn chạy vào nhà báo chồng. Ông Cửu Thái hoảng hồn, gì chứ cọp về làng không phải chuyện đùa, phải báo dân các làng lân cận biết tìm cách đối phó. Sau khi dặn người nhà chốt cửa cẩn thận, ông liền thông báo cho các làng ở chung quanh, chủ yếu dân ở 6 xã lân cận (thường được gọi là vùng sáu xã Lục Bắc). Nghe hung tin, lý trưởng các làng cấp tốc huy động những người khỏe mạnh, nhất là thanh niên trai tráng, ai có gậy dùng gậy, có giáo dùng giáo. Mọi người tổ chức thành từng đoàn, sử dụng tất cả những gì có thể gây tiếng động, từ trống, mõ đến thùng để gõ nhằm làm cho cọp hoảng mà chạy lên rừng.

Bẫy cọp. Ảnh tư liệu



Tuy nghe tiếng trống, mõ, thùng... nhưng cọp cứ lòng vòng trong vườn mà chưa chạy. Người đầu tiên bị cọp tấn công là ông Quách Đăng Phấn (làng Hà Dục Tây), anh ruột ông Quách Đăng Thái. Thấy vậy, ông Thái đang cầm mõ xảy đập vào tai con cọp. Nó đau quá, chạy đi chỗ khác. Từ Hà Dục Tây, cọp qua làng Tịnh Yên Đông Tây, vồ ông Cửu Phùng. Nguyên ông này nghe nói có cọp dữ về làng, vội cầm chiếc dụ (một thứ vũ khí đầu bịt sắt nhọn, dùng để đi săn hươu, nai hoặc heo rừng) đi ra, liền bị cọp vồ. Ở làng Tịnh Yên Đông Tây, ngoài ông Cửu Phùng, cọp còn vồ tiếp ông Hương Bốn, rồi ông Thạnh. Trước tình hình có quá nhiều người bị cọp vồ, dân làng bèn cử người lên báo bọn Nhật nhờ giúp đỡ.

Hồi ấy, sau khi lật đổ Pháp, bọn Nhật có đóng một đồn gọi là đồn Nhật ở Hà Tân (Đại Lãnh). Nói là dân làng báo bọn Nhật, thực ra người đi báo không biết tiếng Nhật nên chỉ dùng tay ra hiệu. Bọn Nhật rốt cuộc cũng hiểu, liền cử 3 tên lính mang theo súng đi đuổi cọp. Lúc đó, cọp từ làng Tịnh Yên Đông Tây đã vòng lại làng Hà Dục Tây, vồ ông Hương A. Nạn nhân kế tiếp là bà Hai Trúc khi đang từ nhà trên xuống nhà dưới thì bị vồ. Mọi người phát hiện kịp thời la lên, cọp mới bỏ đi chỗ khác. Lúc này 3 tên lính Nhật vừa đến làng Hà Dục Tây. Tên thứ nhất biết cọp đang ở góc vườn liền nhảy vào, nhưng chưa kịp bắn đã bị cọp vồ. Tên thứ hai thấy vậy, bắn liền một phát ngay tai cọp. Rồi tên thứ 3 bắn theo, cọp chết tại chỗ.

Khi cọp chết, nhiều người không đến xem được do phải đưa nạn nhân đi cấp cứu. Cũng may hầu hết họ chỉ bị cọp vồ sơ bên ngoài nên không nguy hiểm đến tính mạng. Chuyện cọp về làng với bà con ở vùng giáp ranh núi rừng hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, có thể nói là chuyện thường. Người ta bảo cọp ra là do động rừng. Mà đã động rừng, không chỉ cọp, nhiều khi có cả hươu, nai và voi rừng vào làng. Vì vậy, trong dân gian đến nay vẫn còn lưu truyền chuyện vây cọp được tổ chức vào những ngày xuân như một lễ hội độc đáo. Đây được xem là “hội lạ” mà cố học giả Nguyễn Văn Xuân từng gọi là “Vây Hội” - hội làng vây bắt “ông ba mươi” vào tháng giêng hằng năm…

No comments: