Tuesday, May 29, 2012

CHUYỆN GHI Ở MỘT VẠN CHÀI


Đó là vạn chài Nồi Rang, nay thuộc xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Đây là vạn chài có bề dày lịch sử hàng trăm năm. Cũng như nhiều vạn chài khác ở Quảng Nam, vạn chài Nồi Rang có những bước thăng trầm…
Theo các bậc cao niên, vạn chài Nồi Rang hình thành muộn nhất cũng vào nửa đầu thế kỷ XIX. Hầu hết các tộc họ đến vạn Nồi Rang đều là ngư dân ở nhiều địa phương, từ Duy Xuyên, Điện Bàn đến Hội An, Đại Lộc… Như tộc Nguyễn của ông Nguyễn Bụi, sinh năm 1939, nguyên gốc ở làng Thăng lộc, nay thuộc xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên. Ông cho biết “Thật ra, từ đời xửa đời xưa, tổ tiên tui người Thanh Hoá. Khi vào Quảng Nam, mới chọn mảnh đất Thăng Lộc làm nơi sinh sống. Tổ tiên tui cũng là những người góp phần lập nên đình làng Thăng Lộc. Nhưng họ lại sinh sống bằng nghề chươm nò trên sông. Mãi đến đời ông cố tui, thấy nghề chươm nò cực quá, lại không đủ sống, mới qua làng Hội Sơn Nghĩa Lệ làm nghề mói. Đó là nghề lưới trích. Dĩ nhiên, tiếng là qua nhưng cũng như nhiều ngư dân ở vạn chài Nồi Rang lúc bấy giờ đều phải ở trên ghe. Vì đất trên bờ là đất của dân chính cư…”. Có thể nói, đó là bức tranh chung về quá trình tụ cư của ngư dân vạn chài Nồi Rang.



Mot goc lang van Noi Rang.  D.D

Ngư dân phải làm nhiều nghề, từ nghề lưới trích, đến nghề câu, nghề giã cào, nghề rớ… Xưa, chưa có máy nổ nên họ phải gồng sức để chèo. Lưới hồi ấy bằng tơ. Giá tơ đắt nên lưới cũng rất đắt. Trong các nghề thì hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nghề lưới trích là nghề khá phát triển. Mỗi ghe thường đi khoảng năm, bảy người, đem theo chừng ấy tấm lưới. Mỗi tấm dài độ 30 sải tay, rộng 1 sải. Cứ chiều tối, cả đoàn khoảng sáu, bảy chiếc ghe chèo ra biển, cùng thả lưới mà đánh. Thời trước, cá trích ở gần bờ nhiều nên họ không cần phải đi xa. Khi đến nơi, bà con phân nhau thả lưới dày, chặn các lối đi nên cá không mắc lưới này thì mắc lưới khác. Hễ cá dính lưới nào thì chủ lưới hưởng. Ngoài cá trích, nghề lưới trích còn bắt được cả cá trỏng. Con cá này có hình thức gần giống với cá cơm nhưng đầu cá có khác chút ít. Hôm nào cá nhiều, đánh đến nửa khuya, còn không, phải đến 6 giờ sáng hôm sau chèo về cho kịp buổi chợ mai. Bà con thường đánh lưới trích ở Khô Đôi Nghê, một địa điểm gần hòn Khô, mũi Nghê. Đó cũng là đại điểm có nhiều mực, nên mới có danh xưng là Cồn Mực. Ai đánh mực thì hành nghề ở đây.


Tren song Han, Da nang. Anh tu lieu

Khi nghề lưới trích gặp khó khăn, bà con chuyển qua nghề câu. Nghề này đòi hỏi phải có mồi. Mùa nào mồi nấy. Nhưng gần như làm quanh năm, mùa nắng cũng như mùa mưa. Chỉ trừ trường hợp mua to, gió lớn. Ngư dân chủ yếu bủa cau trên biển, hiếm khi bủa sông. Nghề câu bắt nhiều loại cá ngừ, cá rựa, cá đổng, cá hồ, cá mối… Ở Duy Nghĩa, nghề câu tương đối nổi bật nên vạn Nồi Rang còn có danh xưng là vạn câu Nồi Rang. Ngay ở thôn Hồng Triều cũng có không dưới ba chục hộ hành nghề câu. Bên cạnh nghề câu, còn có nghề rớ, nghề giã cào. Nghề rớ bắt nhiều loại cá. Nhưng nghề giã cào chủ yếu bắt tôm vì tôm thường năm im. Trước đây, cá tôm nhiều, tuy đánh bắt thủ công nhưng ngư dân vẫn có ăn. Ở vạn câu Nồi Rang, người bủa câu giỏi nhất là ông Nguyễn Có. Sau đó, là các ông Nguyễn Bưng, Nguyễn Đủ… Cùng với nghề câu, ngư dân địa phương còn phát triển nghề mành. Xưa, nghề mành xưa khi chưa có đèn. Ngư dân phải đánh thầm. Cứ đêm đến, giong thuyền ra biển mà đánh. Mãi đến đầu thế kỷ XX, bà con mới sử dụng đèn măng xông đánh bắt. Sau năm 1975, người ta bắt đầu dùng thêm đèn điện.
Đặc biệt, ở đây cũng có nghề câu cá mập. Lưỡi câu cá mập lớn nhất, có thể bắt được những con nặng hàng trăm ký. Thường, câu cá mập, mỗi ghe đi năm, bảy người. Người đông nhưng lắm lúc gặp con cá to quá kéo cũng không nổi, phải mượn người ghe khác kéo giùm. Xưa câu cá mập câu ban ngày. Sau, không hiểu sao cá mập không ăn mồi ban ngày mà ăn ban đêm nên phải chuyển qua bủa câu vào ban đêm. Chờ đến sáng mới kéo. Có hôm một giàn câu ăn đôi ba con. Nhiều con còn sống quẫy đập rất mạnh. Nó vừa quẫy, vừa cố sức kéo ghe đi. Nhưng ngư dân có cách khống chế nó. Họ dùng một dụng cụ gọi là chằm. Đó là một cây dài hai ba sải, phía trước có lưỡi bằng sắt để bấu vào thân cá, không cho nó quẫy. Chằm có chằm nhứt, chằm nhì, chằm ba. Cứ ba cái chằm này bấu vào thân cá mập, kèm chặt, khiến nó khó có thể quẫy. Càng quẫy mạnh, lưỡi chằm càng “ăn” vào thân, khiến nó đau thắt. Thế là ngư dân mới dần dần đưa nó vào gần ghe, rồi lấy vồ đập cho chết. Ấy là những con cá hàng trung. Gặp cá to quá, phải có thêm người phụ giúp. Xưa, những ngư dân đi câu cá mập thường đem theo cờ. Khi có cá to quá, phất cờ lên, làm dấu. Ghe khác, thấy phất cờ, biết có chuyện, chạy đến giúp. Nay tôi giúp anh, mai anh giúp lại, nên không phải trả tiền công cán gì.
Cá đánh được, nếu cá lớn, thường là cá biển, bán cho chủ các lò kho. Nguyên những đầu thập kỷ 1960 trở về trước, ngư dân đánh bắt ngoài Cửa Đại. Họ chèo ghe ra. Ghe là ghe lớn nên đi rất lâu. Cá đánh được rồi, nếu chèo về Duy Nghĩa, sẽ ươn mất. Bởi làm gì có đá để ướp. Và, chì có nước… đổ đi. Cũng may không biết từ bao giờ, ở làng Nhân Bồi, nay thuộc xã Duy Thành, có nhiều gia đình làm lò để… kho cá, đem lên cung cấp cho dân ở các làng, xã miền núi. Thế cho nên, làng Nhân Bồi còn có tên dân dã là… Làng Kho. Cứ mỗi lò kho ngày ngày cử hai người đi mua cá. Họ đi ghe con con, dùng mái chèo nhỏ mà chèo. Người ta gọi là “bơi”. Ghe đi nhanh lắm. Cứ men theo hai bên bờ sông lướt đi thoăn thoắt. Đến nơi, họ mua các chủ ghe quen. Tươi ươn gì cũng mua. Xong, quay đầu ghe “bơi” về. Ở nhà, chủ lò kho đã nhen lửa sẵn, chỉ việc bỏ cá vào… hấp cách thủy. Nhưng, trong nồi nước hấp, họ bỏ muối. Cho nên, hơi nước đã mang theo muối. Vậy là cá cứng ngắt. Con ươn cũng cứng. Cá sẽ để được lâu. “Kho” rồi, ngay sáng sơm ngày mai sẽ có bạn hàng mua cá lên cung cấp cho bà con ở miền núi. Từ sau năm 1975, những lò kho cá ở làng Nhân Bồi không còn hoạt động. Riêng cá tươi, chủ yếu cá nhỏ, đánh bắt trên sông, được bà con bán ở chợ Nồi Rang. Có một chi tiết khá đặc biệt. Bất cứ mùa nào, nếu là cá nhỏ, còn tươi, người dân có một cách để “ướp” cá mà không cần đá. Đó là muối đất. Cứ trải một lớp cá, phủ lên lớp đất. Coi như đất thay đá. Theo bà con, muối như vậy có thể giữ cá khỏi ương qua đêm. Sáng mai, rửa sạch cá, con cá vẫn còn tươi, dù không được đẹp
Cũng như nhiều làng cá khác, nghề cá hiếm ai giàu có, chủ yếu đắp đổi qua ngày là chính. Số hộ khá lên chỉ đém trên đầu ngón tay. Cho nên, hồi nửa đầu thế ký XX, cả vạn Nồi Rang, không có ai đủ sức mua đất làm nhà. Tất cả đều ở dưới ghe. Nhà kha khá một chút, có ba bốn chiếc ghe. Nhà nghèo, cũng hai, ba chiếc. Tùy theo túi tiền mà sắm ghe to, ghe nhỏ. Rồi, cả gia đình, vợ con… chen chúc trên ghe. Đám cưới, đám hỏi, tiệc tùng, giỗ chạp cũng ở trên ghe. Bấy giờ, cứ đến vạn Nồi Rang, sẽ thấy ghe đậu chật cả bến sông. Thời trước, ngư dân làm đến tháng 7 thì nghỉ vì mưa bão. Đồ nghề họ cất đi, năm sau làm tiếp. Thời gian chủ yếu họ tán dóc. Còn vợ con đi thu hoạch khoai mùa tháng tám giùm cho gia chủ rồi họ cho bao nhiêu thì cho. Cũng có người đi mót khoai mụt, khoai chạc còn sót lại để ăn hoặc bán. “Xưa cực đắng chứ không phải như bây giờ”. Ông Nguyễn Bụi vừa vá lưới vừa kể. Cho nên, mãi đến năm  1954, trong làng vạn mới có người mua đất lên bờ. Trong đó, người đầu tiên là ông Nguyễn Thơm. Ông này mua đất được là nhờ bà vợ đi buôn bán ở vạn Nồi Rang. Kế đến là các ông Đinh Trải, Đinh Xây và một số gia đình khác.
 Từ sau ngày giải phóng, bà con làng vạn lần lượt lên bờ, chấm dứt cuộc sống dưới ghe. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ về nhiều mặt của chính quyền các cấp, đời sống của bà con từng bước được cải thiện. Hầu hết bà con đều xây được nhà kiên cố. Trong hàng trăm hộ ngư dân ở làng cá Duy Nghĩa, đã có trên 30 hộ sắm tàu lớn, có khả năng đi đánh bắt cá xa bờ. Những hộ còn lại làm nhiều nghề, từ nghề câu, nghề rớ, giã cào đến nghề mành… Và, cũng khác xưa, họ áp dụng nhiều phương tiện đánh bắt cá tiên tiến. Sản lượng khai thác cũng nhiều hơn. Đặc biệt, bà con gần như làm quanh năm. Trời yên, biển lặng thì ra khơi. Không thì làm những nghề ven bờ. Hoặc đánh bắt cá trên sông. Nói như ông Nguyễn Bụi, chỉ trừ những khi trời mưa to, gió lớn, sóng biển dữ dội, còn những ngày còn lại, phải bám biển, bám sông mà sống. Như ông chẳng hạn, dù không có tàu lớn đi xa, nhưng mỗi ngày đi câu, cũng kiếm bình quân ba, bốn trăm ngàn. Còn, với những hộ đánh bắt cá xa bờ, mỗi chuyến đi kiếm vài triệu là chuyện thường. Cũng theo ông, nhờ vậy mà“đời sống dân làng chài chúng tôi so với trước đỡ hơn nhiều….”

No comments: