Sunday, May 13, 2012

SẮC BÙA NGÀY TẾT


Mỗi khi Tết đến, Xuân về, hình ảnh đội sắc bùa với khăn đóng áo dài, đem theo trống cơm, sinh tiền, phách tre, phía trước có một người xách chiếc lồng đèn bằng giấy, hình tam giác, thắp bằng dầu phụng, dưới có bốn tua đủ màu sắc, đi chúc Tết khắp làng trên xóm dưới trở thành hình ảnh quen thuộc với người dân ở làng Chấn Sơn: "Sắc bùa là sắc bùa âu/ Mong cho năm mới ăn xôi với chè/ Sắc bùa là sắc bùa hoè/ Mong cho năm mới ăn chè với xôi!".

Không chỉ làng Đại Sơn, hồi trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hát sắc bùa còn là loại hình sinh hoạt văn hoá văn nghệ dân gian khá phổ biến ở ở nhiều làng xã ở Đại Lộc, Quế Sơn, Điện Bàn, Duy Xuyên, nhất là tại Giảng Hoà, Cổ Tháp, Thanh Châu, Bảo An, Đại Bình.... Có làng có một đội nhưng cũng có làng có đến... hai đội hắt sắc bùa. Môĩ đội ít cũng 5 người, nhiều có khi trên mười thành viên. Trong đó,  làng Chấn Sơn, nay thuộc xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, là một trong những địa phương có truyền thống lâu đời về hát sắc bùa.

Tết cuối cùng làng Chấn Sơn còn hát sắc bùa là Tết năm 1953[1]. Lúc đó, ông Lê Nhì còn trẻ lắm, chỉ hai mưới tám tuổi. Hồi ấy, ông nghe các cụ thuật lại rằng  trong cuộc hành trình từ Bắc vào Nam, ông bà tổ tiên làng Chấn Sơn đã mang theo loại hình sinh hoạt văn nghệ truyền thống này. Và, từ đó, hát sắc bùa được lưu truyền qua nhiều đời. Lớp trước dạy lớp sau. Mãi đến đầu thế kỷ XX thì đến thế hệ của ông Lê Nhì, thế hệ cuối cùng còn  duy trì hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc này.

Hat bai chuc mung gia chu. Anh D.D


Hát sắc bùa xưa thình hành vì nó có “đất sống”, được người dân yêu thích. Cho nên, Tết đến, người ta cứ háo hức trông chờ đội đi hát. Người lớn trông một thì đám con nít trông mười. Bấy giờ, tiếng trống cơm, tiếng sinh tiền, tiếng phách tre hoà lẫn tiếng hát của cả đôi sắc bùa.... có sức lôi cuốn diệu kỳ, trở thành một hình thức sinh hoạt văn hoá văn nghệ dân gian phổ biến không chỉ trong mà còn ở ngoài làng, ngoài tổng.
Không vui sao được khi những bài hát kháng chiến, có sức động viên, cổ vũ, nhưng cũng có sự lôi cuốn mạnh mẽ nhờ nhịp điệu sôi nổi, hào hứng, phù hợp với không khí rộn ràng của những ngày đầu năm mới“Ngoại hoá ngoại hoá/ Thứ gì xa lạ/ Vải ú hồng mao/ Vải phin hồng đào/ Những hàng xa xỉ/ Xà bông lược Mỹ/ Phấn sáp nước hoa/ Kẹp tóc sáng loà/ Xì gà thuốc điếu/ Thứ gì không thiếu/ Bán hết khắp nơi/ Xanh đỏ rợp trời/ Cũng đồ vải địch/ Trong lúc ham thích/ Chẳng biết rèn mình/ Vì đã vô tình/ Làm giàu cho giặc...”.
Doi sac bua Le Trach. Anh D.D


Nhưng, đó chỉ là bài trong chín năm chống Pháp. Riêng những bài hát xưa nhiều lắm. Nào là bài hát chúc nghề làm ruộng, nghề dệt, nghề mộc, nghề rèn, nghề buôn... Trong đó, nhiều bài hát hay đến mức dù đã hơn năm mươi năm nhưng ông vẫn còn nhớ một số đoạn, như bài chúc người trồng thuốc lá “Ngày xưa hái một nhắm bông hoa/ Tháng chín vãi ra/ Hột còn lút chút/ Tháng mười hết lụt/ Thuốc đã mọc lên/ Kêu trai đắp nền/ Nhổ ra mà cấy/ Thuốc xanh dẫy dẫy/ Thuốc xanh dầy dầy/ Ông trở đất này/ Kêu trai trồng thuốc/ Trồng thuốc trồng thuốc/ Kẻ thời đất cuốc/ Người lại đất cày/ Kẻ thời no may/ Người thời no rủi...”.
Đến hẹn lại lên, năm nào, đội sắc bùa cũng tập trung khoảng hai mươi tháng chạp để luyện tập, ôn bài cũ, học bài mới. Thế nhưng, trong quá trình biểu diễn, họ cũng không thể tránh được vài "tai nạn" nho nhỏ. Điển hình vào Tết năm 1938, đội của ông Lê Nhì được ông Hội Mẹo, người làng An Mỹ, mời đến hát. Bấy giờ, ông Hội Mẹo giàu có tiếng ở tổng Đức Thượng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ổng không những đất ruộng nhiều mà còn có trâu bầy, nhà ngói. Đêm hội sắc bùa biểu diễn là đêm mồng hai Tết. Sau khi hát bài “Mở ngõ”, “Mở cửa”… đến phần hát chúc gia chủ, không hiểu sao đội lại hát bài “…Thợ rèn thợ rèn/ Nghề nghiệp đã quen/ Lưu truyền con cháu/ Rèn gươm rèn giáo/ Rèn mác rèn chàng / Của để ngàn trùng/ Rèn riều rèn rựa/ Nào ai khéo nữa/ Đánh cuốc đánh cưa...”.
Mới hát nửa chừng, ông Hội Mẹo bỗng đứng lên, cao giọng “Mời các ông ra cho!”. Cả hội kinh ngạc, nhao nhao hỏi “Ủa, làm răng ông lại đuổi tụi tui?Tụi tui có làm chi sai mô mà đuổi”. Ông Hội Mẹo “Nhà tui đâu phải mạt đến mức gia đình phải đi làm thợ rèn mà các ông chúc. Bộ các ông muốn tui làm thợ rèn hay răng ?”. Đến lúc này, đội sắc bùa mới hiểu ra, vội vàng xin lỗi và xin chuyển sang bài khác. Kỳ thực, ông Hội Mẹo bắt bẻ chủ yếu để hội rút kinh nghiệm chứ không hề có ác ý gì. Cho nên, ông giảng giải một hồi để anh em hiểu và bỏ qua lỗi, cho tiếp tục hát, bồi dưỡng đầy đủ.
Điều đáng tiếc là từ năm 1954, do ảnh hưởng của chiếu tranh, đội sắc bùa Chấn Sơn phải giải tán. Những người nằm trong đội hát sắc bùa mỗi người mỗi nơi. Sau ngày giải phóng, do cuộc sống khó khăn, không ai nghĩ đến chuyện lập lại đội hát sắc bùa. Hình thức sinh hoạt văn hoá văn nghệ dân gian khá sặc sắc này từng bước mai một dần.
Và, đã mấy chục năm qua, mỗi khi Tết đến, Xuân về, những người ở lớp tuổi lại nhớ đến hát sắc bùa xưa. Không khí sôi động trên các ngả đường làng, nơi đội sắc bùa đi qua như hiển hiện trong tâm trí họ: "Sắc bùa là sắc bùa âu/ Mong cho năm mới ăn xôi với chè/ Sắc bùa là sắc bùa hoè/ Mong cho năm mới ăn chè với xôi!". Nó trở thành những kỷ niệm không thể nào quên.


[1] Theo ông Lê Nhì, sinh năm 1923, làng Chấn Sơn, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, kể.

No comments: