Tuesday, July 26, 2011

CHUYỆN MỘT NGÔI ĐỀN...

Tại thôn An Thọ, xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, có di tích khá đặc biệt. Đó là một ngôi đền nằm lọt thỏm giữa những rặng tre râm mát, hướng ra đường quốc lộ số 1. Đền không lớn, bề ngang khoảng ba mét, rộng khoảng hơn hai mét. Bên trong đền có bức trướng bằng gỗ, được sơn màu đỏ, nổi lên dòng chữ Hán màu gụ sắc sảo "Tướng quân tự", được làm từ năm "Tự Đức nhị thập tam niên, cát nguyệt nhật tạo", nghĩa là năm Tự Đức thứ 23, tức năm 1870. Như vậy, có thể ước đoán ngôi đền ra đời muộn nhất cũng vào nửa cuối thế kỷ XIX, cách nay gần 150 năm trong lịch sử!

Đền Tướng quân từ. Ảnh Đ.Đ

Như tên gọi, “Tướng quân tự” là nơi thờ một vị tướng có công với nước, với  dân. Theo lời các bậc cao niên của thôn An Thọ, tương truyền, vị tướng này họ Nhan, tên Văn Sùng, không biết là tướng của vua nào, cũng không rõ sống cụ thể vào thời nào. Tuy nhiên, xung quanh ngôi đền có giai thoại khá lý thú và hấp dẫn về vị tướng này. Giai thoại thuật lại rằng, sau khi thắng trận ở biên ải phía Nam, trên đường trở về, khi đến làng An Thọ, không biết vì lý do gì, vị tướng quân nọ đột nhiên lâm trọng bệnh và qua đời ở đây. Để tưởng nhớ công đức Ngài, dân làng bèn lập đền thờ. Là vùng quê nghèo nên ngôi đền ban đầu cũng chỉ là ngôi nhà tranh tre sơ sài nhưng cũng không kém phần trang nghiêm, trân trọng.
Từ khi có ngôi đền mang tên “Tướng quân tự”, hàng ngày, ngoài việc hương khói cho vị tướng quân, cứ đến ngày mồng năm tháng năm âm lịch hàng năm, gọi là ngày tết Đoan Ngọ, dân làng tổ chức cúng tế. Lễ vật cũng đơn giản, tuỳ vào khả năng kinh tế của từng gia đình. Nhiều thì xôi gà, ít thì nải chuối, hương đèn… Việc cúng tế diễn ra từ năm này sang năm khác. Cũng theo tương truyền, cạnh ngôi đền còn có mả voi. Nguyên, khi vị tướng quân chết, con voi nhiều năm theo ngài chinh chiến, trải qua không biết bao nhiêu trận đánh lẫy lừng, cũng chết theo. Voi cũng được chôn, gọi là mả voi. Theo các cụ già kể lại, mả voi xưa lớn lắm, to bằng cả cái nhà. Sau giải phóng vẫn còn. Đến thập niên 1980, người ta lấn dần để trồng cà, ớt…Rồi khi cải tạo đồng ruộng, người ta ủi luôn. Cho nên, bây giờ di tích mả voi coi như không còn nữa. Nhưng ngôi đền vẫn tồn tại với thời gian.
Bên trong đền. Ảnh Đ.Đ

Chuyện đền thờ “Tướng quân tự” nguyên là đền nhỏ bằng tranh tre biến thành đền có mái bằng gỗ mít khá vững chắc gắn lại liền với truyền thuyết khá ly kỳ. Người ta kể lại rằng  dưới thời Pháp thuộc, ngày nọ, ở An Thọ xuất hiện một phụ nữ đứng tuổi dẫn một người con đi trốn lính. Cả hai vào làng xin tá túc. Một bô lão thương tình, mới bảo người mẹ mua ít hương đèn vào “Tướng quân từ” khấn vái xin ở nhờ. Tiếng là ở nhờ nhưng chỉ ở một bên ngôi đền. Người mẹ nghe theo. Lúc khấn vái, bà buột miệng hứa nếu "Ngài có linh thiêng, xin hãy phù hộ hai mẹ con tai qua nạn khỏi. Nếu được, sau khi về, con nguyện sẽ không quên công ơn". Đặc biệt, trong đó, bà xin ủng hộ một giàn mái bằng gỗ mít. Ở vài ngày, một đêm, đang trong giấc ngủ, bà nghe có tiếng ai đó nói vào tai mình “Thôi, mẹ con lo về đi. Chuyện bắt bớ qua rồi..”. Bà giật mình tỉnh giấc. Giữa đêm khuya vắng lặng, chỉ có bà và con. Có lẽ đó là giấc mơ. Và, giấc mơ ấy, bà nghĩ, là vị tướng quân nọ, thương hoàn cảnh bà, nghe bà khấn vái, đã hiện về, mách bảo.
Thế cho nên, sáng hôm sau, hai mẹ con bà thu dọn đồ đạc, vội vã về lại quê nhà, tại tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng, lời hứa trước ngôi đền bà không bao giờ quên. Do đó, chỉ một thời gian ngắn sau, khi hoàn cảnh và điều kiện tài chính cho phép, bà lùng mua một giàn mái bằng gỗ mít. Tiếp đến, bà lại thuê người vận chuyển ra An Thọ, “hợp đồng” người xây dựng lại ngôi đền. Vậy là, từ tranh tre đơn sơ, giản dị, một ngôi đền mới bằng gỗ mít, tương đối chắc chắn hơn đã thành hình, tạo điều kiện cho bà con tiếp tục hương khói, tế lễ vào ngày Tết Đoan Ngọ. Tuy nhiên, đến năm 1964, trận lụt khủng khiếp năm Thìn đã tàn phá nặng nề. Ngôi đền tan hoang. Lần này, dân làng tổ chức vận động, quên góp tiền của, công sức để trùng tu. Và, đó là cũng lần trùng tu cuối cùng cho đến nay.
Và, trải qua thời gian, sự tàn phá của thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng ngôi đền nhỏ bé, khiêm tốn gần như vẫn giữ được những đường nét kiến trúc cổ, với mái lợp ngói âm dương cổ kính, ẩn mình dưới những rặng tre xanh mát, hướng ra cánh đồng làng… Hơn thế nữa,“Tướng quân tự” không chỉ là một ngôi đền mà còn là một di tích văn hóa, di tích lịch sử, mang  ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Việc lập đền, thờ phụng một vị tướng quân vì nước quên thân rõ ràng đã thể hiện đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của người dân xứ Quảng.

No comments: