Sunday, July 10, 2011

CHUYỆN KỂ XÓM BÀU...


Danh xưng xóm Bàu, nay thuộc thôn Vân Quật, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, bắt nguồn từ lý do rất đơn giản. Ấy là trong xóm có một... bàu nước. Bàu hiện nay chiều dài gần 2 cây số còn bề ngang trên trăm mét. Theo người dân địa phương cho biết, khi chưa có công trình thuỷ lợi, nhiều năm nắng hạn gay gắt, bàu gần như cạn nước. Đó là thời điểm dân làng rủ nhau đi bắt cá, tát cá. Họ đi bắt nhiều lúc đông như đi trẩy hội. Người lớn có mà con nít cũng có. Cá bấy giờ nhiều vô kể. Bắt để ăn và cũng bắt để... bán. Nhưng, đặc biệt nhất, khi nước cạn, trong bầu lại lòi ra phần trên của một chiếc ghe bầu. Còn phần dưới chôn chặt dưới lớp đất bùn. Chuyện… chiếc ghe bầu, phương tiện chuyên chở hàng hoá, vật dụng xưa  làm các cụ già đồn đoán rằng chắc hẳn cái bàu này mấy trăm năm trước nằm trên tuyến đường giao thông sông nước. Bấy giờ, cũng không ai nghĩ đến chuyện…thử đào ghe bầu, xem thử bên trong có cái gì, chứa cái gì. Hiện nay, do có công trình thuỷ lợi đưa nước vào đồng ruộng nên bàu nước quanh năm đầy nước. Chuyện bắt cá mùa hè khi bàu cạn trở thành chuyện dĩ vãng. Và, chiếc ghe bầu bí ẩn kia vẫn còn nằm sâu dưới đáy bàu quanh năm mênh mông nước.

Bàu nước ở Xóm Bàu. Ảnh Đ.Đ

Lại có chuyện cũng khá lý thú rằng hồi thế kỷ XIX, một phần đất xóm Bàu nguyên là đất của làng Triều Châu thuộc Duy Phước chứ không phải đất của làng Vân Quật thuộc Duy Thành. Còn vì sao xóm Bàu phải "đổi chủ" lại bắt nguồn từ sự tích mà đến nay nhiều bô lão trong xóm vẫn thường hay kể cho con cháu nghe. Số là thời xa xưa, ở làng Triều Châu có một gia đình phú hộ gả con gái cho một chàng thanh niên người tộc Hứa tại làng Vân Quật, xã Duy Thành. Nhưng, điều đáng buồn là cô gái này về nhà chồng đã lâu mà chẳng có con. Gia đình phú hộ thấy vậy, sợ sau này con chết sẽ không có ai thờ tự, lại sẵn có nhiều đất ruộng, bèn nảy ra ý kiến cắt một ít đất ở xóm Bàu cho con gái. Mà con gái phú hộ bấy giờ đang làm dâu trên đất Vân Quật. Thế cho nên, từ đó trở đi, số đất ruộng này đương nhiên thuộc làng Vân Quật xã Duy Thành chứ không còn thuộc làng Triều Châu xã Duy Phước.

Lăng Ông Xóm Bàu. Ảnh Đ.Đ
Riêng bàu nước nằm trên địa phận xóm Bàu và góp phần hình thành danh xưng xóm... Bàu cũng là nguyên nhân gây ra một vụ tranh chấp hồi trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Người xóm Bàu giành bàu nước đã đành nhưng người Triều Châu cũng cho rằng bàu nước này thuộc dân làng Triều Châu. Thế là cả hai làng kiện nhau. Đặc biệt, không bên nào đưa ra được chứng cứ, trên giấy trắng mực đen rằng cái bàu nước "vô tri vô giác" này của mình cả. Quan huyện... bí mà ngay cả quan phú cũng bí theo, chẳng biết phân xử sao cho thấu tình đạt lý. Cho nên, vụ kiện cứ kéo dài, tốn không biết bao nhiêu giấy mực, công sức của dân hai làng Triều Châu, Vân Quật và có lúc tưởng như đi vào ngõ cụt. Thế nhưng, cuối cùng, dân cả hai làng đều nhất trí một cách giải quyết có thể nói là "độc nhất vô nhị". 

Số là không biết từ bao giờ, có một lão ngư, người gốc Quảng Bình, không biết nguyên nhân vì sao môt thân một mình lặn lội vào Vân Quật kiếm sống. Nghề nghiệp chính của ông là đánh cá trên bàu nước này. Do không có vợ, không con nên khi nghe phong phanh chuyện hai làng Triều Châu và Vân Quật tranh bàu, ông bèn hiến kế “Nếu tui chết, tui sẽ chết trên cái bàu ni. Mà khi chết, xác tui trôi về xóm mô thì cái bàu thuộc xóm ấy. Tui chỉ xin một ân huệ cuối cùng là làng mô thắng phải lập miếu thờ…”. Nghe ông trình bày, cả hai bên đều đồng ý. Mà ông chết thật. May mắn thay, xác ông trôi về xóm Bàu, Vân Quật. Kể từ đó, bàu nước thuộc chủ quyền của cư dân xóm Bàu. Và, để thực hiện lợi hứa, người dân địa phương bèn góp tiền của xây một cái miếu nhỏ sát bàu để thờ cúng lão ngư. Người ta gọi đó là lăng Ông. Năm 1964, xảy ra trận lụt khủng khiếp năm Thìn đã cuốn trôi bài vị. Chuyện hi hữu là nó lại trôi dạt vào chùa Vân Quật, nay gọi là Giác Vân tự. Thiên hạ đồn là do Ông thiêng, mới không trôi mất. Thực hư thế nào chẳng rõ. Chỉ biết sau đó, khi nước rút đi, dân làng lại đem bài vị về thờ ngay chỗ cũ cho đến nay...

Thực hư chuyện kể khó ai có thể xác định nổi. Đời cha cứ kể cho con rồi con cứ kể cho cháu.... Riết rồi thành chuyện cổ tích, chuyện của đời xửa đời xưa. Đặc biệt, hiện nay, ở xóm Bàu vẫn di tích. Đó là di tích lăng Ông. Vâng, để hoàn toàn làm chủ bàu nước vô tri vô giác nhưng vô cùng hữu ích kia, quả thật, người dân xóm Bàu phải hàng năm hương khói cho Ông. Âu, đó cũng là điều hợp đạo lý lắm ru![1]


[1] Ông Huỳnh Thông, sinh năm 1927, người Xóm Bàu, thôn Vân Quật, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, kể.

No comments: