Friday, July 8, 2011

CHUYỆN GHI Ở XÓM ĐẤT CÁT ...

“Hồi tui còn nhỏ, ở đây có trường gà. Cho nên, hễ nói đến Ngô Cang là dân mấy làng xung quanh cứ hỏi đi hỏi lại rằng phải ở Ngô Cang Trường Gà hay không.  Mà, có trường gà thì tết vui vì ở đây có tổ chức đá gà. Không chỉ dân trong làng mà dân các làng lân cận, hay dân ở nhiều nơi khác như ở các xã Quế Trung, Quế Lộc, Quế Phước...thảy đều tập trung đến coi đá gà...Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945  người ta mới dẹp cái trường gà ni. Cho nên, chuyện trường gà chỉ có lờp người như tui biết. Ngoài chuyện trường gà thì Ngô Cang lại có nghề thủ công trưyền thống. Đó là nghề đan lờ....”. Ông Lê Viên, sinh năm 1925, một trong những bậc lão làng ở Cang Đông, nay thuộc thôn Xuân Cang, xã Quế Châu, huyện Quế Sơn, sôi nổi nói với tôi Cho nên từ chuyện đan lờ ấy mà có khối kẻ thích nói đùa mỗi khi có việc đến Ngô Cang lại bảo rằng mình sắp đến làng.... lờ. Rồi bật cười ha hả...

Hình ảnh thường ngày ở làng lờ. Ảnh Đ.Đ

Về sự ra đời của nghề đan lờ, theo ông Lê Viên, ít nhất cũng vào cuối thế kỷ XIX. Bởi vì, khi ông lờn lên, Ngô Cang đã chia làm hai làng là Cang Đông và Cang Tây. Thế  nhưng, khi nhắc đến nghề đan lờ, không ai ở vùng này không biết câu hát cửa miệng “Phước Đức gàu nan/ Ngô Cang đan lờ/ Diên Lộc chằm nón”. Như vậy, nghề đan lờ ra đời từ hồi còn làng cũ Ngô Cang. Hơn thế nữa, nó phải tồn tại khá lâu mới xuất hiện câu hát nói trên.  Còn theo ông Trần Lâm, sinh năm 1927, một người xuất thân từ gia đình có truyền thống nhiều đời đan lờ thì “...từ đời ông cố tui đã hành nghề. Còn trước đó có đan hay chưa thì tui chịu, không rõ nữa...”. Căn cứ vào những dữ liệu trên, chúng ta có thể ước đoán nghề đan lờ Xuân Cang ra đời muộn nhất cũng vào nửa cuối thế kỷ XIX. Nghĩa là cách nay đã trên một thế kỷ. Ngay danh xưng Ngô Cang, rồi Cang Đông cũng không còn tồn tại. Điều đáng chú ý là dù nói làng đan lờ Ngô Cang hay làng đan lờ Cang Đông, thậm chí làng...lờ Xuân Cang thì từ thời xửa thời xưa đến nay, chỉ có cư dân một xóm, tên gọi nôm na là xóm Đất Cát mới hành nghề này.
Theo ký ức của ông Trần Lâm, thì ngay đầu thế kỷ XX, nghề đan lờ phát triển mạnh. Cả xóm Đất Cát có bao nhiêu gia đình là có bấy nhiêu...hộ hành nghề truyền thống. Nhưng, đan nhiều nhất là gia đình các ông như ông Hồng, ông Châu, ông Cân, ông Đỉều, ông Nguyễn Rứa, ông Nguyễn Lại...Từ khoảng  hơn 10 hộ gia đình chuyên đan lờ ở xóm Đất Cát, đến sau Cách mạng Tháng Tám đã tăng lên trên hai chục gia đình. Đặc biệt, sau ngày giải phóng, nghề đan lờ phát triển mạnh nhất vào thời kỳ bao cấp, từ năm 1975 đến 1985. Hồi tưởng về giai đoạn này, ông Lê Viên cho rằng ở làng Xuân Cang lúc bấy giờ không có nghề đan lờ thì “chắc chắn nhiều nhà khốn đốn vì không biết kiếm tiền mô ra để mua gạo, mua mắm mà ăn...Thậm chí, có lúc lờ ế, bán không được, nói chú không tin chứ họ chẳng biết lấy chi mà nấu...”. Trong năm, thời điểm lờ bán chạy nhất là vào lúc giao mùa, giữa mùa nắng với mùa mưa. “Hễ trời đang nắng chang chang mà đột nhiên có trận mưa thì bán sướng lắm. Khi đó, lờ không có mà bán. Còn người đi đặt lờ đông lắm...”. Anh Bùi Tấn Cường kể.
Thời xưa, cứ khoảng tháng ba, tháng tư âm lịch, đã có nhà rục rịch đan lờ. Họ đan rồi để đó, có ai hỏi thì bán. Còn không, cứ dồn lại, chờ đến tháng năm đi bán. Cho nên, lúc bấy giờ, cứ đến nhà nào cũng thấy lờ to lờ nhỏ chất đầy trên gác. Nhà nhiều, lờ kể có hàng mấy trăm cái, chẳng khác gì một xưởng sản xuất nhỏ. Còn thị trường không bó hẹp ở trong làng, trong xã mà chủ yếu ở nhiều địa phương khác, cả trong và ngoài huyện. “Tui nhớ, lúc trước, cả xóm Đất Cát, hễ ai đan lờ thì người nấy tự đem đi mà bán. Họ chủ yếu đến các chợ ở Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên, Tiên Phước và cả Hiệp Đức như chợ Đông Phú, chợ Việt An, chợ Trung Phước, chợ Dùi Chiêng, chợ Hà Lam, chợ Trà Kiệu...Riêng tui, có lần tui gánh hai trăm lờ ra tận chợ Trà Kiệu. Tui bán sướng lắm. Tan buổi chợ là hết trơn”. Ông Trần Lâm kể. Thường, mỗi chuyến đi, tuỳ theo đoạn đường mà họ phải đi một hay hai ngày. Họ gánh lờ bằng cây tre khá dài. Mỗi đầu tre là một trăm lờ. Cứ thế lầm lũi đi. Mãi đến năm 1977, tức sau ngày giải phóng mới xuất hiện hai người đi buôn lờ, mua lờ bán lại kiếm lời. Đó là ông Lê Châu Báu và bà Phạm Thị Án. Trong lúc ộng Lê Châu Báu chuyên đi bán bên kia đèo Le, tức đi bán ở các làng như Trung Phước, Đại Bường, Tí Sé, Dùi Chiêng...thì bà Phạm Thị Án lại mua lờ bán ở các chợ ở Hương An – Bà Rén.

Một góc miền quê xứ Quảng. Ảnh Đ,.Đ

Giống như nhiều làng nghề thủ công khác, ở Xuân Cang cũng xuất hiện nhiều thợ tài hoa, giỏi tay nghề. Thời trước, ở xóm Đất Cát không ai không biết đến tay nghề đan lờ điêu luyện của ông Hồng, ông Triêm, ông Trần Châu...Một chiếc lờ đẹp phải hội tụ nhiều yếu tố như nan vót phải đẹp, không có chỗ to chỗ nhỏ, rồi lổ lờ phải đều, không có lổ to lổ nhỏ...Dù giá của từng loại lờ có khác nhau nhưng cùng một loại, những chiếc lờ đan đẹp bao giờ cũng đắt hơn chút đỉnh so với lờ thường. Về nguyên liệu, tre đan phải chọn tre lóng dài, vỏ mỏng. Đó là thứ tre được trồng nhiều ở Quế Châu cũng như những địa phương lân cận như Quế Minh, Quế Long, Quế Phong...Ngoài việc sử dụng tre nhà, nhiều gia đình phải mua thêm tre. Mua xong, họ cưa ra, cột lại và gánh về nhà để sử dụng. Thường thường, lờ to, thợ giỏi mỗi ngày cũng chỉ đan khoảng chục cái. Riêng lờ nhỏ, vài chục chiếc một ngày công là chuyện bình thường. “Hồi còn nhỏ, buổi chiều tui ngồi đan đến tối, tổng cộng ba mươi chiếc lờ...Tui đan để kiếm tiền đi học. Ở miền quê nghèo khó Quế Châu, kiếm được một đồng thì cha mẹ đỡ một đồng, quý lắm, anh à. Càng quý hơn khi đó là những đồng tiền thời...bao cấp!”. Anh Bùi Tấn Cường bật cười, thổ lộ. Không chỉ anh, thời ấy, nhiều gia đình nhờ bám lấy nghề thủ công truyền thống này làm chỗ dựa để kiếm kế sinh nhai. Đặc biệt, trong làng không ai không biết gia đình ông Thuỳ cả nhà đều đan lờ. Nhờ đó mà ông không những có tiền mua trâu mà còn đủ sức nuôi con ăn học.
Bắt đầu từ cuối thập niên 1980 trở về sau, khi nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, nghề đan lờ dần dần bị thu hẹp. Nguyên nhân chính là thu nhập thấp. Kế đến, nghề đan lờ, suy cho cùng, chỉ là nghề làm theo mùa, chủ yếu từ tháng năm đến tháng mười. Sáu tháng còn lại, thợ đan lờ phải xoay qua làm nhiều việc khác. Cho nên, khi kinh tế phát triển, ngành nghề mở ra thì số người bỏ nghề ngày càng nhiều. Thanh niên, trung niên chủ yếu đi làm ăn xa. Thôi thì họ làm đủ nghề. Từ thợ xây, thợ may đến lao động phổ thông. Riêng nghề đan lờ truyền thống, theo ước tính, cả làng Xuân Cang, chỉ còn khoảng hai mươi hộ duy trì nghề đan lờ truyền thống. Ghé thăm một trong những gia đình còn bám lấy nghề, gia đình chị Võ Thị Trung, năm nay đã bốn mươi tuổi, tôi được biết chị vừa mới ra đồng về. “Mấy năm thì tháng năm, tháng sáu dương lịch tôi đã làm. Còn giờ, ế nên không dám làm sớm. Ít nhất cũng tháng sáu, tháng bảy mới bắt đàu đan lờ...Mà cái nghề ni bạc lắm. Có khi người ta mua nhiều, làm không kịp bán nhưng cũng lắm lúc trời khô hạn, bán không được, phải...chụm lửa thôi. Không lẽ để đến sang năm? Thú thật, đi xa không nói làm gì, chứ ở đây, ngoài đan lờ, tui không biết việc chi để làm. Thôi thì cứ làm đỡ!”. Chị Võ Thị Trung thành thật kể. Cũng theo chị, thu nhập của thợ đan lờ không chừng. Phổ biến khoảng mười lăm ngàn. Ai giỏi lắm cũng không quá hai, ba chục ngàn. Nhưng, để đạt được số tiền ít ỏi ấy, không phải dễ. Cho nên, lớp trẻ hiện nay không mặn mà với nghề thủ công trưyền thống này. Đó là lý do khiến làng nghề ngày càng teo tóp. Tâm trọng của chị Trung cũng là tâm trạng của những gia đình còn hành nghề thủ công truyền thống này như gia đình các ông Đinh Hưởn, Nguyễn Vàng, Lê Bai, Trần Khả...Quả thật, làm sao để gìn giữ và phát triển nghề thủ công truyền thống đan lờ ở xóm Đất Cát thôn Xuân Cang là bài toán gần như không có lời giải...

No comments: