Monday, July 11, 2011

NGẬM NGÃI TÌM TRẦM!

Ở Quảng Nam, có một làng chuyên ngậm ngãi tìm... trầm. Đó là làng Bàng Tân thuộc xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc. Có thể nói, Bàng Tân là một trong những làng có truyền thống đi trầm lâu đời nhất…


Anh Võ Văn Tĩnh một thợ trầm lão luyện. Ảnh Đ.Đ


Không ai có thể xác định nghề trầm Bàng Tân xuất hiện từ bao giờ. Điều chắc chắn nó ra đời từ rất lâu. Cứ đời cha truyền lại cho đời con, đời con lại tiếp tục truyền lại cho đời cháu… và trở thành truyền thống. Điều đáng chú ý không chỉ người Bàng Tân đi trầm mà chính ở Bàng Tân cũng có không ít người buôn trầm, gọi là chủ trầm. Hồi nửa đầu thế kỷ XX, chủ trầm có tiếng ở Bàng Tân là ông Thủ Nghĩa, ông Chánh Phong, bà Nghè Chín, bà Đoàn Thị Cường, bà Mai Thị Mỹ…Những người này thường mua trầm của bà con trong cũng như ngoài làng chuyên đi trầm. Tuy gọi là chủ trầm nhưng họ cũng chỉ là chủ trầm hạng…vừa. Nhiệm vụ chính của họ chỉ là làm đại lý thu mua trầm cho các thương nhân Hoa Kiều ở Đà Nẵng và ở Hội An. Nghĩa là họ cũng chỉ là tầng lớp buôn trung gian, mua tận ngọn nhưng bán không phải tận gốc. Phải qua tay Hoa Kiều. Và, dĩ nhiên, mối lợi lớn từ sản phẩm trầm nổi tiếng ở vùng Đại Lộc rơi vào tay họ.
Hồi tưởng về giai đoạn này, ông Phạm Trinh, một trong những láo làng, nhớ lại “Bấy giờ những người trực tiếp tìm trầm gọi là phu trầm. Trong làng lúc nào cũng có độ ba, bốn chục người như thế. Phu thì…khó có thể giàu. May lắm là có dư chút đỉnh. Riêng chủ trầm, tiêu chuẩn đàu tiên là phải giàu. Có giàu mới làn chủ trầm nổi. Đã giàu, làm chủ trầm dĩ nhiên sẽ giàu hơn. Cho nên, chủ trầm đều có nhà ngói, có trai cày, có đất ruộng thẳng cánh cò bay…Trong đó, giàu nhất là bà Nghè Chín. Gọi là bà nghè vì chồng bà làm đến chức chánh tổng. Nhưng, bà giàu nhờ nghề buôn trầm chứ không phải nhờ chức tước của ông chồng. Chú biết không, bà giàu đến mức đất ruộng mô mô cũng có. Trong Đại Lộc có mà ngoài Đại Lộc cũng có”. Ngoài bà Nghè Chín, những chủ trầm còn lại cũng đều có nhà ngói khang trang, có của ăn của để. Trong nhà lúc nào cũng có trai cày, có kẻ hầu người hạ. Cuộc sống quanh năm nhàn hạ, sung túc hơn người.
Dù gọi là phu trầm như trước Cách mạng Tháng Tám hay dân đi trầm theo cách gọi như hiện nay đều là những người trai tráng khoẻ mạnh, chịu được cực, khổ, giỏi luồn rừng, lội suối. Được biết, ngày xưa, phu trầm Bàng Tân thường vay vốn của các chủ trầm, một phần để lại cho gia đình tiêu dùng, phần còn lại để mua sắm những vật dụng cần thiết cho chuyến đi “ngậm ngãi tìm trầm”. Đó là các loại rìu lớn, rìu nhỏ, rồi đục, đũm…chuyên để hạ cây, đẻo vỏ lấy trầm. Ngoài ra, họ còn phải mang theo cả những đồ dùng cá nhân. Theo thông lệ, các chủ trầm tổ chức một lượt nhiều xâu, tức các phu trầm. Mỗi xâu chừng năm, bảy người và có một người gọi là điệu, chuyên mang theo lương thực, làm những việc lặt vặt giúp các xâu, tức các phu trầm. Chủ trầm không chỉ tạm ứng tiền bạc, thuê người làm điệu mà còn có bổn phận phải liên hệ với các già làng, các trưởng bản ớ những vùng heo hút, nơi phu trầm sẽ tìm trầm, để mua bao nhiêu ngày, gọi là mấy “hẹn gạo”, tức khoảng thời gian phu trầm và điệu ăn hết sô gạo mang theo và phải trở ra gặp chủ để giao trầm, lấy tiền và lương thực cần dùng trong thời gian đến. Riêng các già làng, trưởng bản lấy muối, trâu, rượu…tuỳ ý, theo đúng thoả thuận với các chủ trầm. Nói chung, mỗi chủ trầm có số phu trầm riêng. Phu trầm ứng tiền, bạc…của chủ trầm nào thì về giao lại trầm cho chủ ấy. Tuỳ theo chất lượng, số lượng  trầm mà họ được trả tiền ít hay nhiều. Dĩ nhiên, phu trầm phải trả tiền ứng trước cho các chủ trầm. Còn thừa bao nhiêu mới đem về cho gia đình, vợ con.
Từ những năm cuối thập kỷ 1970 đến những năm đầu thế kỷ XXI, làng trầm Bàng Tân cũng sốt theo những đợt sốt trầm ở Quảng Nam. Theo anh Mai Xuân Quang, trong mấy chục năm qua, Bàng Tân năm nào cũng có hàng mấy chục thanh niên, tráng niên toả đi khắp nhiều tỉnh miền Trung để tìm trầm, từ vùng núi Quảng Nam đến  Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Phú Yên… Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt. Ông Phạm Trinh đúc kết  “Chuyện đi trầm, trúng trầm xưa nay chẳng khác chi chuyện…trúng số, nghĩa là người trúng phải có số trúng mới trúng được. Mà, như chú biết, người mua số thì nhiều nhưng trúng số thì có bao nhiêu…Làng trầm Bàng Tân cũng không khác là mấy…”. Cho nên, trong mấy chục năm trở lại đây, theo anh Mai Xuân Quang, chỉ có một người ở làng trúng đậm, được đâu cỡ nửa tỷ bạc. Đó là anh Nguyễn Đức Tân. Sau chuyến trầm ấy, anh xây được ngôi nhà ba tầng và…thôi kiếp “phu trầm” với nhiều rủi ro khó tránh khỏi.

Bên kia là dãy Trường Sơn. Ảnh Đ.Đ

Nhắc chuyện rủi ro thì có cả hàng khối chuyện rủi ro. Ngoài việc bị sốt rét, nhất là sốt rét ác tính hành hạ thân xác, thậm chí có lúc phải bỏ mạng giữa nơi rừng thiêng nước độc thì chuyện bị cọp vồ ngày xưa, chuyện bị bọn cướp rình rập tước đoạt mạng sống để lấy trầm những năm về sau này  không phải không xảy ra giữa chốn núi rừng âm u, không một bóng người qua lại. “Cách đây khoảng mười năm, từng xảy ra trường hợp một thanh niên đi trầm là anh Nguyễn Văn Dũng phải bỏ mạng vì sốt rét ác tính. Rồi anh Trần Bốn cũng bị đánh chết…”. Anh Mai Xuân Quang thổ lộ. Đó là những trường hợp anh còn nhớ. Còn chuyện anh đã quên, thật ra, cũng rất nhiều, rất phong phú.Và, ngay cả chuyện ông Phòng Thiệt hồi đầu thế kỷ XX, tuy trúng trầm và trở nên giàu có nhưng ông cũng đã từng bị một “tai nạn” suýt chết. Nguyên trong một chuyến làm phu trầm, không biết vì lý do gì, ông bị một tốp người dân tộc bao vây, quyết đâm cho chết. Những phu trầm khác thấy ông lâm nguy, bèn lén ném vô cho ông một “cây bả đậu”. Nhờ giỏi võ, ông đánh tốp thanh niên dân tộc chạy trối chết. Việc ông Phòng Thiệt dùng “cây bả đậu”, tức cây đậu mềm xèo ấy để đánh lại cả mười thanh niên dân tộc ngày ấy không biết có đúng không, hay là có bao nhiêu phần trăm sự thật. Nhưng, chắc chắn, chuyện ông thoát thân và sau này trúng trầm, trở nên giàu có là chuyện thật một trăm phần trăm.
Được biết, hiện nay, toàn thôn Bàng Tân có tổng cộng 220 hộ. Thế nhưng, đã có trên 50 người đi trầm quanh năm, chưa kể số đi không thường xuyên. “Nghề trầm bây giờ càng đi xa càng có nhiều hy vọng. Càng rúc vào những vùng rừng thiêng nước độc, ít dấu chân người càng có hy vọng trúng trầm, hy vọng đổi đời…”. Anh Mai Xuân Quang bảo. Dù trầm ít đi, đã khai thác gần như cạn kiệt nhưng không vì thế mà dân làng trầm bỏ nghề. Bởi có đi là có hy vọng. “Ai cũng bảo biết mô trời thương, trời cho trúng số. Như vụ mấy thanh niên ở Mỹ Hảo, xã Đại Phong từng trúng kỳ nam hương, nghe nói trúng cả mấy chục tỷ đồng…”. Vẫn lời anh Mai Xuân Quang. Tiếp sau vụ trúng kỳ nam ở Mỹ Hảo là vụ trúng kỳ nam hương của thợ trầm thôn Song Bình, xã Đại Quang, mấy năm trước đây phần nào kích thích dân đi trầm. Giấc mơ đổi đời lại bùng cháy hợn bao giờ hết. Theo anh Võ Văn Tĩnh, một thợ trầm kỳ cựu, người từng có thâm niên hàng chục năm đi trầm thì những vụ trúng kỳ nam như thế cực hiếm. “Tui biết chắc ở địa bàn Quảng Nam – Đà Nẵng không bao giờ có kỳ nam. Bọn họ đều trúng ở miền núi các tỉnh Nam Trung bộ...”. Và, đó là nguyên nhân khiến những người đi trầm ở làng trầm Bàng Tân, cũng như các làng trầm khác ở Quảng Nam, có cái để mà nuôi hy vọng, tiếp bước theo nghề đã có bề dày hàng mấy trăm năm trong lịch sử.

No comments: