Wednesday, February 22, 2012

THỢ RÈN GIA CÁT



Ở Quảng Nam, có một làng nghề truyền thống với bề dày lịch sử hàng mấy trăm năm. Đó là làng Gia Cát, nay thuộc xã Quế Phong, huyện Quế Sơn. Đây là vùng đất có địa hình bán sơn địa, ruộng lúa nhấp nhô theo hình bậc thang, hoàn toàn nhờ nước trời nên năng suất thấp. Năm được mùa, cao nhất cũng không quá 20 ang mỗi sào. Bình quân chỉ mười bốn, mười lăm ang. “Thế cho nên, hồi mới lập làng, ông bà đã có nghề rèn... Đặc biệt, thợ rèn Gia Cát nổi tiếng khắp trong và ngoài huyện Quế Sơn. Đây là nơi sản sinh ra nhiều thợ rèn có tay nghề cao, được khách hàng tín nhiệm. Trong đó, người rèn giỏi nhất, theo tuơng truyền, là ông Lê Diêm”. Ông Phạm Mô, sinh năm 1924, một trong những bậc cao niên của làng Gia Cát, kể.
Cũng theo ông, xưa, thợ rèn khổ hơn nay nhiều. Muốn có sắt để rèn, họ phải nấu quặng. Đặc biệt, một trong bốn ngọn núi ở làng là Hòn Ngang, Bàn Than, Dương Quánh, Dương Sơn, chỉ có núi Dương Quánh có quặng sắt lẫn quặng đồng. Muốn lấy, người ta phải đào xuống, gánh về. Sau đó, họ đổ quặng vào hầm, có hình thức y như hầm vôi. Rồi họ “thổi” bằng  than củi, làm sao để nhiệt độ càng lúc càng cao, quặng bị nung chảy. Bấy giờ, sắt ra sắt, đất ra đất. Lại còn một thứ có chứa sắt lẫn với đất, người ta gọi là “cứt sắt”, cũng ra “riêng”. Cách lấy đồng cũng tương tự như lấy sắt. Có thể khẳng đình trình độ luyện quặng của thợ rèn Gia Cát khá cao. Tất cả đều từ kinh nghiệm được truyền từ đời này sang đời khác. Và, trải qua thời gian, cứt sắt đổ thành đống, thành... đồi, cứ lớp nọ chồng lên lớp kia,  nhiều không kể xiết. Bây giờ, cứt sắt phế thải, “dấu rích” của một thời luyện sắt, đồng của thợ rèn Gia Cát năm xưa, vẫn còn. “Sau năm 1945, người ta thôi không lấy quặng nữa. Thay vào đó họ chủ yếu làm từ phế liệu”. Ông Võ Xử, sinh năm 1933, cho biết.

Ở làng rèn Gia Cát. Ảnh Đ.Đ

Là làng rèn truyền thống nên từ xưa đến nay, cả làng ít ra cũng có ba, bốn lò rèn trở lên. Hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở Gia Cát có một số lò rèn của các ông Diêm, ông Võ, ông Lạc... Lớp sau, có các ông Chánh, ông Vui, ông Song... Hiện nay, Gia Cát có các lò rèn của các ông Nguyễn Lê Tám, Nguyễn May, Giang Trình, Trần Liên, Trần Đồ, Nguyễn Chánh, Lê Mốt. Họ đều là con, cháu của lớp thợ thế hệ trước và là “học trò” học nghề ngay ở làng, tại những lò rèn nổi tiếng một thời như lò các ông Lê Diêm, Nguyễn Tuất... Nghề rèn không khó cũng chẳng dễ. Tuy nhiên, muốn học, trước tiên phải là người mạnh khỏe, có sức vóc, giỏi chịu đựng. Thứ nữa, phải sáng dạ, tinh ý. Bởi, nghề gần như chẳng có thước tấc, chẳng thể cân đong đo đếm rõ ràng. Học chủ yếu bằng mắt, thấy thầy làm sao bắt chước làm vậy. Làm riết rồi quen tay, thạo việc. Thế nhưng, cũng có người học nghề lâu mà không bao giờ thành thợ, nghĩa là họ không thể một mình mở lò rèn. Cho nên, người học cần có chút thông minh, nhanh nhạy mới thành tài được. Thời gian học khoảng chừng một năm. Sau khi nắm vững tay nghề, tự tin lúc mở lò riêng, họ xem như đã thành thợ.
Có điều, làm thợ đã khó nhưng để trở thành một người thợ giỏi, càng khó gấp bội lần. Tuy vậy, thời nào cũng có thợ giỏi. Trong đó, người giỏi nhất, có tiếng nhất xưa nay ở Gia Cát, theo tương truyền, là ông Lê Diêm. Về ông, có mấy câu chuyện kể khá lý thú về bàn tay tài hoa, khéo léo của ông. Nguyên dưới thời Pháp thuộc, có lần bọn Pháp đi xe ngang qua đây. Chẳng may, xe bị hỏng. Biết ở địa phương này có  ông là thợ rèn giỏi, chúng đến bảo ông sửa giùm. Ông đem bộ phận bị hư về nhà, nhìn kỹ và rèn một cái y chang. Bọn Pháp lắp vào, nổ máy, thật kỳ diệu, xe chạy ngon ơ. Một lần khác, ông nổi hứng, rèn một khẩu súng. Hồi ấy, chính quyền cấm rèn súng. Không chỉ súng, các lò rèn cũng không được rèn gươm, kiếm. Cho nên, ông giấu kỹ. Sau khi rèn xong, ông lắp vào, rồi lén đi mua đạn mà bắn. Ông chỉ dùng súng để bắn cọp, nai, hươu... Nhưng, không hiểu sao, sự việc bại lộ. Ông bị bắt, ở tù mấy năm. Ngoài ra, ông Lê Diêm cũng là người rèn “kẹp” để gài cọp có tiếng ở đất Quế Sơn. Lý do là hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cọp dữ hoành hành nhiều nơi trong tỉnh, nhất là vùng tây các huyện Tiên Phước, Quế Sơn, Nông Sơn, Trà My... Không có kẹp, làm sao có thể “triệt hạ” những con cọp dữ hại dân lành?

Thợ rèn xưa. Ảnh tư liệu

Đặc biệt, hồi trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, cũng nhưy nhiều nơi khác ở tỉnh Quảng Nam, Gia Cát có phong trào rèn gươm, kiếm. Ông Phạm Mô nhớ lại “Bấy giờ, các lò rèn gần như hoạt động suốt ngày đêm. Thường, khi rèn, chính quyền cho người đến theo dõi cẩn thận. Rèn xong, họ đem đi ngay. Kiếm rèn rất công phu. Trong đó, người làm kiếm trường đẹp nhất là ông Chánh. Cây kiếm khi thành hình láng bóng, có thể “soi gương” được. Rèn xong, họ “chùi” kiếm trường bằng đất. Người giỏi rèn kiếm, chùi xong, mặt kiếm không có dấu “sọc”, y như được đúc từ khuôn ra...”.  Nhưng, để cây kiếm thành hình, không thể thiếu bàn tay của thợ mộc. Bấy giờ, thợ mộc từ Duy Xuyên vào có các ông Nhơn, ông Triền... Họ thạo làm vỏ kiếm. Để làm, họ phải vào núi, chọn loại cây thích hợp nhất là loại cây có tên cây sơn tra. Sau khi đốn, họ cưa bằng tay, bào tròn như cán cuốc. Rồi, họ lại rọc một đường dài để tách ra làm hai mặt. Công đoạn tiếp theo là làm “mương” ở giữa. Đến lượt thợ rèn lắp hai mặt gỗ lại bằng những khâu đồng đã chuẩn bị trước. Cứ mỗi đoạn vỏ kiếm, bịt một khâu đồng. Chiếc kiếm khi thành hình rất đẹp, có hình hạt xoài.
Rèn... súng, kẹp hay kiếm chỉ là việc đột xuất. Chủ yếu thợ rèn Gia Cát rèn nông cụ như cuốc, dao, rựa... là chính. Lò rèn nhiều, sản phẩm dĩ nhiên cũng không ít. Cho nên, đã xuất hiện một số người chuyên đi buôn dao, cuốc, rựa, liềm... như ông Luận, ông Sáu Thức. Tùy theo mùa, như mùa gặt, họ mua nhiều liềm, mùa làm đất họ mua lưỡi cuốc, rựa bờ, cận tết mua các loại dao đem đi bán các nơi ở huyện Quế Sơn, Hiệp Đức và đôi khi lên cả Tiên Phước, Trà My, đến tận vùng đồng bào các dân tộc. Nếu đi gần, mỗi tuần đi một chuyến. Đi xa hơn, mươi, mười lăm ngày. Khi bán hết, họ mới về. Bắt đầu từ năm 1980 trở về sau, đồ rèn Gia Cát còn được mua đi bán ở các tỉnh miền Nam và Tây nguyên. Hiện nay, nghề rèn không còn thịnh như xưa. Đặc biệt, thanh niên hiếm ai thích nghề này, dù thu nhập của thợ giỏi mỗi ngày bình quân có thể lên đến 100.000 đồng, một số tiền không nhỏ ở miền quê nghèo khó như Gia Cát.
Thế nhưng, số thợ giỏi, như anh Nguyễn Lê Tám, thật ra, không nhiều. Hơn thế nữa, do lao động nặng nhọc, thợ cần bồi dưỡng. Cho nên, số tiền còn lại dành cho vợ con, gia đình ít hơn. Thêm vào đó, làm thợ rèn, tất nhiên không “danh giá” bằng nhiều nghề khác. Đó là những lý do khiến người theo học nghề ngày càng hiếm. Hệ quả tất yếu không những số lò rèn trong làng có khả năng teo lại mà số thợ trẻ nối nghiệp chủ yếu chỉ là con cái của các chủ lò rèn. Nhưng, nghề sẽ không mất đi một khi người dân còn cần cuốc, liềm, hái, rựa... Rồi các loại dao lớn nhỏ nữa. Ai sẽ cung cấp họ những công cụ tối cần ấy nếu mai này các lò rèn không còn nữa? Và, nghề rèn truyền thống Gia Cát, suy cho cùng, vẫn còn được lớp thợ... giữ lửa, bất chấp những tác động trong thời buổi kinh tế thị trường đầy sôi động!

No comments: