Saturday, February 11, 2012

LÀNG SĂN THẮNG LỘC

Nằm ở cực tây huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, làng Thắng Lộc, nay thuộc thôn Thạnh Phú, xã Đại Chánh là vùng giáp với đại ngàn Trường Sơn. Hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, đây là nơi khá hoang vu, nhà cửa thưa thớt, bước ra đầu làng đã thấy núi cao, rừng thẳm, nghe cả tiếng chim kêu, vượn hú, thỉnh thoảng, lại có cả tiếng mang toác, hổ gầm…


Lưới săn. Ảnh Đ.Đ


Theo truyền khẩu, mấy trăm năm trở về trước, trong quá trình vào khai phá đất hoang, lập làng lập xóm, làng đã có nhiều người chết vì thú dữ, nhất là cọp, vị chúa tể sơn lâm. Cũng theo truyền khẩu, hơn trăm năm trước, cọp nhiều nên mới có địa danh Gò Chùa, tức gò có cái “chùa”, tức cái bẫy, để gài cọp. Khi cọp đi vào chùa, mắc bẫy, coi như không thể thoát ra đuợc. Đặc biệt, cũng có chuyện xưa cọp bắt heo ăn bỏ đầu nên có chố chất đầy đầu.[1]
Xuất phát từ địa hình gò đồi, gần núi cao, rừng thẳm nên hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, để bảo vệ hoa màu, người dân trong làng thường tổ chức đi săn bắt thú. Nhưng, muốn đi săn bắt, phải có công cụ, chí ít phải có dáo để đâm, khá hơn chút thì sắm lưới săn, rồi chó săn, rồi còi để “truyền tin”.
Còi xưa được làm bằng sừng trâu hoặc sừng hươu. Loại còi này vang xa, hàng cây số cũng có thể nghe. Đặc biệt, mỗi tiếng còi có độ dài ngắn, kiểu cách khác nhau chứa nội dung khác nhau. Người dân, chỉ cần nghe tiếng còi, đã biết đám thợ săn đang làm gì, hoặc kết quả ra sao. Như khi chuẩn bị đi săn, tiếng còi khác, đang thúc chó đuổi thú, tiếng còi khác, tập trung lại, tiếng còi khác… Đó là phương pháp thông tin rất hữu hiệu trong điều kiện, hoàn cảnh lúc bấy giờ.



Đầu man, chiến tích của thợ săn xưa. Ảnh Đăng Đạt
Lưới được đan bằng cây đay, to ngang chiếc đũa, có loại dài sáu mét và loại mười mét tây, cao khoảng mét rưỡi. Phía trên và dưới lưới đều có dây mây. Lưới khá nặng nên người ta phải khiêng. Mỗi lưới có bốn cây chống, gọi là cây đày, được làm bằng gỗ kiền kiền, dài chừng hai mét rưỡi.
Còn chó, đã gọi chó săn thì cho săn ăn con gì cũng được. Tuy nhiên, chó săn mang, nai, thỏ có khác đôi chút với chó săn heo rừng. Đặc biệt, chó săn heo rừng, nhiều con chó bị heo húc nhiều lần mà thoát thì rất “cừ khôi” . Nó cứ đuổi theo heo rồi sủa. Xong, bỏ qua khỗ khác ngay, heo có lao tới để tấn công cũng như húc vào chỗ trống. Có thể nói chó càng săn nhiều càng tinh khôn, biết lúc nào sửa để đuổi thú, lúc nào nên tránh.
Trên thực tế, có nhiều con chó đánh mùi mang nai rất giỏi. Ví dụ, mang nai tối hôm qua đi ngọn đồi đó nhưng sáng mai chó vẫn đánh hơi được, rồi bám theo. Thế nên, dân làng Thắng Lộc có thói quen khi thả chó thường thả những con thường thường, còn con chó hay người ta cột dây, không cho đuổi. Đợi cho bầy chó đuổi thú lên đồi, xuống đồi nhiều lần thấm mệt, họ mới thả chó hay ra. Lúc này, mang, nai khó mà thoát nổi.
Là làng săn có truyền thống nên phường đi săn cũng có quy định rõ ràng trong việc ăn chia. Cụ thể, chủ nhà và người bao dấu[2] được hưởng một đùi. Chủ lưới, dù ba hay bốn tay lưới cũng vậy, được chia nhau một đùi. Chó săn được hưởng bộ xương. Dáo tiên, tức anh đâm heo đầu tiên, được ăn hai phần của cái nọng. Dáo bồi, tức anh đâm sau, được phần còn lại. Còn hai đùi, tức nửa con còn lại, chia đều cho người đi săn.
Theo quy định, anh khiêng lưới ba phần, anh vác cây đày và vác dáo được hai phần. Riêng những người đi theo tất cả được một phần. Đầu và bộ lòng nấu cháo, trước cúng sau mọi người cùng ăn. Nhìn chung, việc ăn chia rất tỉ mỉ. Săn được con to còn đỡ. Heo hay mang, nai nhỏ quá, mỗi người một chút cũng phải chia. Đáng chú ý, hội săn không bao giờ cho phụ nữ tham gia. Mỗi hội đông nhất có thể lên đến hai mươi người. Ít cũng mười, mười lăm người.
Theo kinh nghiệm của những thợ săn “dày dạn trận mạc” là đã đâm heo, không bao giờ đâm lưng. Bởi lưng heo rất dày. Người ta còn kể heo rừng khi đi ăn, thường cạ cạ lưng vào cây dầu rái nên da lưng dày còn hơn da trâu, cứng như đá. Dáo có sắc, có cứng mấy chăng nữa cũng không chịu nổi, oằn như chơi. Thế nên, người ta thường đâm chỗ ức nằm trên bụng.
Mà, đã đâm dính, một trong những kinh nghiệm xương máu của thợ săn heo là giữ chặt cây dáo. Heo có quậy, có vùng dậy cũng mặc. Bởi, nếu lỏng tay một chút, heo vùng ra được, nó húc thì nguy. Hơn thế nữa, heo bị đâm, dữ lắm. Dân gọi là heo đã “say máu ngà”, cực kỳ hung hãn. Do đó, ông Hai Xưng giữ chặt dáo. Không ngờ, khi heo đã thôi rục rịch, mọi người soi đuốc xem thử thì hỡi ôi, cán dáo đâm quá sâu, từ phía dưới ức ra tận sau mông!
Cũng như những nơi khác, hàng năm, sau Tết nguyên đán, làng săn Thắng Lộc đều tổ chức cúng ông tổ nghề săn. Ngày cúng không nhất định, thường cứ chọn ngày tốt. Lễ vật có xôi, gà, chuối, hương đèn, hoa quả… Cúng tổ phải cúng ngoài sân. Tiền mua đồ cúng do tất cả những người đi săn đóng góp.
Trong hội săn, lại có tục cứ săn 12 con heo phải cúng, gọi là cúng hội, một lần. Cách tính cũng lạ lắm. Ví dụ bắt được con heo mẹ, khi mổ bụng ra, có năm con heo con trong bụng, cũng kể luôn. Tức đã săn được sáu con. Ấy là về heo. Còn săn mang, nai chỉ cúng đầu năm, không cúng hội. Lễ vật có gà, xôi, hương đèn.
Không chỉ săn mấy ngọn đồi, núi giáp quanh địa bàn, một số người ham đi săn, thích đi săn, có máu mê săn bắt cũng thường tổ chức đi xa, từ Tân Đợi Hội Khách thuộc Đại Lộc, qua cả huyện Nam Giang và lắm lúc lên đến Dùi Chiêng ở tận miền tây huyện Nông Sơn, nơi nổi tiếng có nhiều heo rừng, chưa kể mang, nai.
Thật ra, chỉ lớp người sống cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, như các ông Thủ Cang, ông Hương Kiểu, ông Xã Lùng… mới đi xa như thế. Đây là những người có thú đam mê săn bắt. Đến lớp ông Trần Văn Long và các ông như ông Phan Vận, Phan Ni, Nguyễn Chiên… chủ yếu săn bắt ở mấy khu vực quanh làng.
Hội săn Thắng Lộc hết… săn bắt chính thức từ những năm cuối thập kỷ 1980. Nguyên nhân chính là do nạn săn bắt, kể cả săn bắn bằng súng, rồi bẫy thú bằng các loại bẫy hiện đại, diễn ra tràn lan nên thú rừng dần dần cạn kiệt. Hơn thế nữa, bà con cũng dần dần ý thức tác hại của việc tận diệt động vật hoang dã. Thế cho nên, chuyện săn bắt thú rừng với người dân làng Thắng Lộc, xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc, cũng như nhiều vùng khác ở Quảng Nam,  nay chỉ còn là ký ức của một thời!





[1] Ông Trần Văn Long, sinh năm 1930, thôn Thắng Lộc, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, kể.
[2] Người bao dấu tức người theo dõi, phát hiện có heo rừng hay mang, nai ở ngọn đồi nào để báo cho phường đi săn biết mà tổ chức đi săn.

No comments: