Friday, February 10, 2012

KHI QUAN XỬ KIỆN

"Miếng ăn là miếng tồi tàn
Mất ăn một miếng ruột gan lên đầu"

Nghề nông hồi đầu thế lỷ XX. Ảnh tư liệu

Hồi trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, làng Thu Bồn, nay thuộc xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam có mấy vụ kiện tương đối nổi bật. Vụ kiện thứ nhất là vụ kiện đòi làm tiền hiền làng. Nguyên bấy giờ,  làng có ba tộc tiền hiền theo thứ tự là các tộc Trịnh, Võ và Nguyễn. Đây là ba tộc đầu tiên có công vào khai phá đất hoàng, lập làng, lập xóm. Theo quy định đã nhiều đời, khi làng tổ chức tế lễ, đầu heo phải kỉnh cho ông vào trước, tức ông họ Trịnh, còn nọng kỉnh cho hai ông vô sau, tức ông Võ và ông Nguyễn. Mãi đến đời vua Thành Thái, ba tộc Trần, Thái và Nguyễn xuất hiện một số nhân tài, nắm nhiều chức vụ chủ chốt trong làng. Nhận thấy đây là thời cơ chín muồi, ba tộc này với làm đơn kiện, đòi được làm.... tộc tiền hiền.
Quan tri huyện bấy giờ là ông Lê Thanh Đào, vốn quen biết cá chức sắc, thường qua lại với họ nên xử cho ba tộc này được làm tiền hiền. Tuy nhiên, quan huyện cũng không thể trắng trợn đổi trắng thay đen. Có lẽ quan nghĩ thôi cứ để... cả 6 tộc làm tiền hiền thì cũng chẳng mất chi. Thế cho nên, quan mới xử, bằng văn bản hẳn hoi, ghi rõ ràng trên giấy trắng mực đen rằng "Nhứt, Trịnh tộc tiền hiền; Nhứt, Võ tộc tiền hiền; Nhứt, Nguyễn tộc tiền hiền; Nhứt, Trần tộc tiền hiền; Nhứt, Thái tộc tiền hiền; Nhứt, Nguyễn tộc tiền hiền". Đó là lý do xuất hiện câu "Tiền tam, hậu lục". Có một điều khá trớ trêu tuy văn bản ghi tốc nào cũng là "Nhứt tộc tiền hiền" nhưng quyền lợi, cụ thể là "miếng thịt làng" khác nhau. Nghĩa là làng đẻ thêm "lệ" khi tế lễ tộc Trịnh vẫn hưởng cái đầu heo, hai tộc Võ và Nguyễn nọng chia đôi; Riêng ba tộc mới vào tiền hiền là Trần, Thái và Nguyễn được kỉnh miếng thịt nhưng là thịt bả vai, tức chỗ người địa phương gọi là "cổ kỉnh". Kết cuộc, vụ kiện đã đem kết quả khá mỹ mãn đối với các tộc Trần, Thái và Nguyễn. Dù sau, họ cũng được gọi là tộc tiền hiền, cũng được chia phần khi tế lễ, vinh dự chán!
Bắt đầu từ đó, lệ kỉnh lục tộc tiền hiền diễn ra suôn sẻ suốt mấy chục năm liền. Mãi đến đầu những năm 1940, người đại diện cho tộc Trịnh là ông Trịnh Truyền chẳng may qua đời. Dĩ nhiên, người thay mặt nhận "miếng thịt làng" là vợ ông, tức bà Trùm Truyền. Lý trưởng làng Thu Bồn bấy giờ là ông Xã Tuân, nhân một lần tổ chức tế lễ, mới bảo rằng "Làng mình có cái đầu heo. Mà nghĩ vô lý thật. Đầu heo không kỉnh cho ai lại kỉnh cho bà goá. Thôi, không kỉnh nữa!". Khi làng tế lễ xong, bà Trùm Trình đợi mãi không thấy người ta đêm đầu heo đến kỉnh, mới đi hỏi, biết được, bèn lên tận nhà lý trưởng làm rùm beng. Ông Xã Tuân nói luôn "Bà có giỏi thì đi kiện đi!". Bà Trùm Trình cũng không chịu thua, lên tận tổng, rồi huyện kêu kiện. Quan huyện Duy Xuyên hồi ấy là ông Nguyễn Trường Kỉnh hỏi bằng chứng. Thế là bà Trùm Trình quay về, đến nhà ông Trịnh Đệ, nhờ sao tờ "Bảo tín" đem lên nộp cho quan huyện. Xem xong, biết rõ sự tình, qun bèn lệnh cho lý trưởng làng Thu Bồn đến nạt "Người ta đã xử, đã tính chuyện kỉnh cái đầu heo rồi, lại có giấy tờ hẳn hoi, răng ông cả gan dám làm chuyện tày trời ni? Tầm bậy tầm bạ. Thôi, ông về mua trầu rượu, chịu khó đến nhà bả xin lỗi". Coi như chuyện này bà Trùm Trình là kẻ thắng cuộc.
Thế nhưng, mấy chuyện kiện tụng ấy cũng chẳng nhằm nhò chi so với một vụ kiện gây chấn động cả huyện, hầu hết dân làng đều tham gia. Họ đấu tranh bằng cách... bỏ cả một mùa vụ trên cánh đồng của làng. Thế mới khiếp, mới gọi là vụ kiện "nổi đình nổi đám" nhất ở làng Thu Bồn hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước. Thời điểm xảy ra vụ kiện là năm 1940, lúc Nhật qua xâm chiếm Việt Nam. Không rõ lý do vì sao làng tổ chức đo đạc lại diện tích ruộng đất. Các vị chức sắc bấy giờ muốn "ăn" bớt đất của dân nên cứ mỗi hộ đo thiếu 4 thước. Dân không chịu, mới hè nhau ra phản đối, cãi cọ, đánh lý trưởng và những bọn tuỳ tùng chạy thục mạng. Do đất đai chưa đo đạc xong, dân cả làng nhất tề... bỏ cấy vụ lúa năm ấy, cùng nhau xách đơn lên kiện tổng, rồi huyện. Trong đó, người đứng đơn đại diện cho dân kiện là ông Võ Tùng. Bấy giờ, quan tri huyện Duy Xuyên thấy tình hình quá căng thẳng, mới đưa ông Thất Hoanh, xuống đo lại ruộng đất. Ông này chặt một cây tre thật thẳng, lấy thước ngoài Huế chặt đúng thước, đúng tất, rồi cứ thế mà đo. Lý trưởng và cả bà con thấy ông Thất Hoanh làm đúng quá, không ai có ý kiến gì. Đặc biệt, nếu người lý trưởng đo dân mất 4 tất, lần này, ông Thất Hoanh đo, dân lại lời ra đúng... 4 tất!
Nhân vụ kiện này, ông Phạm Khôi, một người hay chữ, đặt bài vè khá nổi tiếng rằng "Chuyên tùng, dám kiện, quấy ơi anh?/ Thức cóc giá cao ruộng bỏ đành / Ưng cắt năm sào liền một bọc/ Giựt quằn bốn thước xé đồng canh/ Đề mô sổ cấp làm cao lý/ Mực đặc đồng dân ký thuận tình". Bài vè này, ông vận dụng toàn cách nói ngược "Truyền thống"  của dân Quảng Nam. Câu đầu, "Chuyên tùng, dám kiện, quấy ơi anh?". Ở đây  ý nói "Chuyên tùng" tức "Chung tiền" để đi kiện và đi kiện thì chẳng phải chuyện sai quấy gì hết. "Thức cóc giá cao ruộng bỏ đành".  "Thức cóc" tức "Thóc cức", ông muốn ám chỉ bọn cường hào làm bậy, làm những chuyện thối tha, khiến dân làng đành phải bỏ cả ruộng đất, không thể cày cấy được. Do đó, ông chửi khéo "Ưng cắt năm sào liền một bọc". "Ưng cắt"  ở đây rõ ràng ông ám chỉ bọn làm chuyện xấu ấy đều đáng "ăn cức". Đến câu "Giựt quằn bốn thước xé đồng canh" nghĩa "Giựt quằn" tức "Giặt quần", còn bốn thước xé đồng canh tức mấy ổng lấy bốn thước để mà chia nhau. "Đề mô sổ cấp làm cao lý"  tức "Đề mô" nói ngược lại là "Đồ mê", tiếng chửi khéo bọn tham lam, ngu muội mới làm chuyện bậy bạ như thế. "Mực đặc đồng dân ký thuận tình" ở đây "Mực đặc" tức "mặt đực" chỉ bọn người làm việc trái đạo lý này là những người không biết phải trái, cứ thấy lợi là làm. Thế cho nên, dân phải đồng lòng mà ký đơn đi kiện!

No comments: