Monday, February 6, 2012

HUYỀN THOẠI LỆ BÀ

Hàng năm, cứ đến ngày 12 tháng 2 âm lịch, người dân làng Thu Bồn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên lại tổ chức lễ hội gọi là Lệ Bà. Đặc biệt, xung quanh một trong những lễ hội nổi tiếng nhất, đình đám nhất của Quảng Nam có nhiều câu chuyện kể khá lý thú, hấp dẫn…

Lăng Bà Thu Bồn

1. Về sự tích Bà Thu Bồn, có nhiều truyền thuyết khác nhau. Một truyền thuyết cho rằng Bà là nữ tướng Chăm, bị vua Lê đánh bại, phải chạy về làng Thu Bồn, bị ngã voi và chết. Lại có truyền thuyết kể Bà nguyên là công chúa con ông vua Mây, cháu bà chúa Lồi, khi bị giặc bao vây kinh thành, vua và công chúa cưỡi ngựa chạy lên Phường Rạnh và ngã ngựa mất, xác công chúa trôi về làng Thu Bồn. Một truyền thuyết khác thuật rằng Bà là con của một phú hộ. Khi mới lọt lòng, Bà có một mái tóc dài ngang lưng, hai hàm răng ngọc ngà đẹp như hoa. Lên 5 tuổi, Bà biết dùng các loại lá, rễ cây trong vườn để chữa bệnh cho người và gia súc. Đến 50 tuổi, Bà mất… Có thể nói, đó là những truyền thuyết, huyền thoại được lưu truyền qua nhiều đời. Tuy mất, nhưng Bà rất hiển linh, nhiều lần ra tay cứu nhân độ thế. Bà cai quản một vùng rộng lớn nằm dọc theo sông Thu Bồn, từ Duy Xuyên đến Đại Lộc, kể cả vùng tây huyện Quế Sơn. Lâu Lâu, Bà mới về một lần. “Khi bay về,Bà bay ban đêm, trời lại có quầng sáng như ngọn lửa. Bà bay từ núi Chúa, tức Hòn Đền ở Quế Sơn qua đất Duy Xuyên, đến núi An Định ở vùng tây Đại Lộc. Hình dáng Bà lúc ấy như dải lụa, mềm mại uyển chuyển”. Ông Trịnh Bốn, sinh năm 1931, một trong những người am hiểu chuyện xưa, kể. Nhưng, ngay bản thân ông cũng chỉ nghe kể lại, chứ chưa tận mắt chứng kiến. “Hồi còn sống, cha tui hay kể rằng khi dân Việt từ đất Bắc kéo vào đây vùng ni hoang vu lắm. Hồi đó, chỗ xây lăng Bà Thu Bồn có một cái hang rất sâu. Nghe nói không có nhà. Nhưng có trại lợp bằng lá kè…”. Ông Trịnh Bốn kể tiếp. Đặc biệt, theo lưu truyền, thời xưa, khi mới đến lập nghiệp ở vùng đất này, ông bà thấy cứ đến ngày 12 tháng 2 âm lịch, người Chiêm tổ chức lấy nước từ sông Thu Bồn rước về Trà Kiệu để cúng nên khi đến lễ hội Lệ Bà, họ bắt chước làm theo, tức ngoài lễ vật, cũng tổ chức rước nước để cúng như người Chiêm.

2. Sau khi mất, không những hiển linh, Bà Thu Bồn còn hiện ra ngoài Huế, “bắt” triều đình phải phong chức và xây lăng để thờ. Nếu không, Bà sẽ quậy phá. Mà, bấy giờ, chết dễ lắm. Tự nhiên đau, chết. Rồi bị con ma dú, ma đuốc bắt. Chưa kể sinh các loại bệnh dịch. Thế cho nên triều đình mới phong thần cho Bà, mới đầu hà hạ đẳng thần, tiếp đến trung đẳng thần, rồi thượng đẳng thần. Đồng thời, dân làng Thu Bồn tổ chức xây lăng. Lăng khi xưa đơn sơ, chỉ lợp tranh, chưa lợp ngói. Mãi đầu thế kỷ XX, người ta mới tổ chức trùng tu, xây gạch, lợp ngói tề chỉnh, hình thức giống y hệt lăng hiện nay. “Ba tui bảo Lăng xây hồi ổng mới lên năm tuổi. Mà, ổng mất năm 1988, thọ 86 tuổi. Như vậy, thời gian xây khoảng năm 1907”. Ông Trịnh Bốn cho biết. Khi xây, ông Trịnh Duật được cử làm đốc công, ông Viên Liên, tức ông Trần Liên, làm Trưởng ban. Ông Viên Củng, người họ Nguyễn làm thủ quỹ. Gạch xây được nhặt tại một địa điểm gọi là cầu ván sông Thu Bồn. Tương truyền, đó là gạch của người Chiêm Thành. Riêng vôi được người dân Hội An tự nguyện cho. Thế cho nên, khi khánh thành, dân Hội An kéo đến dự lễ rất đông. Không chỉ dân Hội An, dân các vùng khác cũng đi xem không khác gì ngày hội. Đặc biệt, bây giờ, người ta mới gọi là lễ hội Bà Thu Bồn chứ dân làng xưa nay vẫn thường gọi ngày ấy là Lệ Bà. Mấy cụ già gặp nhau cứ bấm mấy đót ngón tay, nhẩm tính “Làng mình, coi thử, đến bao giờ mới đúng ngày Lệ Bà nhỉ?”. Họ kháo nhau như vậy. Cũng không ai bảo đó là lễ hội. Đơn giản là Lệ, vậy thôi.

3. Xưa, làng Thu Bồn có họ Bà. Họ Bà tập hợp tất cả phụ nữ, đàn bà trong làng. Có họ Bà tất có họ Ông. Đến nay, những người như ông Trịnh Bốn, Trịnh… cũng không biết vì sao có những họ ấy. Họ Bà chuyên lo tiền nong, nấu nướng. Còn họ Ông lo chuyện cúng kính. “Sau đời ông cố tui, mấy ông làng mới họp, bảo trong làng có lệ lớn, răng giao cho họ Bà? Mọi người thấy có lý quá, mới quyết định để họ Ông chủ trì tất!”. Ông Trịnh Huệ, sinh năm 1929, kể. Tứ đó thành lệ, cứ đến ngày 11 tháng 2 âm lịch hàng năm, làng Thu Bồn tổ chức họp, bàn chuyện lễ hội. Lý trưởng, tất nhiên, chịu trách nhiệm chung. Ông hương kiểm lo chuyện dân canh, an ninh trật tự. Riêng anh Tư thơ có trách nhiệm đi mua 3 con trâu gồm 2 trâu cơm và 1 trâu tế. Trâu cơm dọn quan khách. Còn trâu tế để tế Bà. Dân đinh được tập trung phát quang cho sạch, làm trại. Ông thủ sắc chuẩn bị chuyện rước sắc…. Cũng ngày hôm ấy, làng tập trung dân rước sắc. Đây là sắc do vua ban. Trang phục phải tề chỉnh, chủ yếu khăn đen áo dài. Riêng đội ngũ những người khiêng sắc và những người được phân công cầm cờ, lọng phải áo dấu, có thắt lưng, đội nón chóp. Xung quanh chuyện trang phục, đồ dùng làm lễ, có chuyện rằng hồi đầu thế kỷ XX, làng có ông quan tri huyện tên Võ Đình Tiên. Xưa, thời trẻ, ông giữ trâu cho người cô là bà Phước, một gia đình giàu có làng Thu Bồn. Rồi xảy ra chuyện ông bắt nghé làm thịt ăn nên bị bà Phước đánh, bỏ chạy ra ngoài Nghệ An. Không biết trời xui đất khiến thế nào ông đi ở cho một ông tri huyện. Do tiếp xúc nhiều với quan Tây, ông nói tiếng Pháp “bồi” rất giỏi, rồi được Tây đưa lên làm tri huyện một huyện miền núi. Cho nên, người ta mới gọi ông là ông huyện Võ. Do làm tri huyện, ông trở nên giàu có, mua áo quần, trang phục và cả long đình, tức kiệu rồng để rước sắc, mua bộ gươm dáo… tặng cho làng. Nhờ vậy, khi rước sắc, khi làm lễ, làng mới có trang phục tề chỉnh. Cũng  theo ông Trịnh  Huệ  thì “Còn trước đó, trai làng đi khiêng sắc nhiều khi chỉ mặc quần xà lỏn, áo dài tay may cổ hò, tức cổ tròn, dán mấy sọc ở hai tay, đi chân đất”.

4. Đêm ngày 11 tháng 2 âm lịch, ông Trùm trưởng vào Lăng Bà làm lễ. Khi ông vái lạy, người ta cho nổi chiêng trống. Xong, người ta dắt trâu vào. Ông Trùm trưởng bưng ly rượu cúng trong Lăng đổ lên con trâu tế. Xong, mọi người ta xúm lại cột trâu thật chặt để thọc huyết. Rồi đem thui kỹ. Riêng huyết được phết lên đầu con trâu. Có giá đỡ để tế sống đóng bằng cây sen để trâu gác mỏ lên, mình ở dưới giá. Rồi, khiêng trâu vào Lăng Bà. Ngoài trâu sống, còn có nhiều lễ vật khác như bánh tét, bánh rò… Tất cả được hoàn tất trước 1 giố sáng ngày 12 tháng 2 âm lịch. Đến 1 giờ, mới bắt đầu chính lễ. Bấy giờ, hương đèn đã thắp sáng trưng. Không khí đượm màu huyền bí. Khi lễ chính bắt đầu thì chiêng trống đồng thời cũng nổi lên. Như vậy, đêm 11 rạng sáng 12 có hai lễ. Lễ trước gọi là lễ sát sanh. Lễ sau gọi là lễ bái chính. Chủ bái, ngay cả ông Thủ sắc, trong những ngày này, phải giữ gìn thân thể “sạch sẽ”, tức không được ngủ với vợ, sợ ô uế, Bà sẽ quở phạt. Tế xong, người ta dọn tất cả ra nhà tram. Bên cạnh nhà trạm là nhà trù. Nhà trù là nơi người ta chặt thịt, nấu thịt. Hồi đầu thế kỷ XX, dụng cụ dọn ăn gồm có trành, bẹ chuối, au dùa. Tất cả được đan bằng tre, có lót lá chuôi. Riêng “au dùa”. dùng đựng thịt xáo. Trành và bẹ chuối đựng thịt tái. Người ta dọn cả dãy bàn. Mấy vị chức sắc, có vai vế trong làng được ăn trước. Dân làng ăn sau. Xưa, lễ không mời các làng khác, cũng hiếm khi có quan khách, chủ yếu dân làng Thu Bồn. “Tui bấy giờ còn nhỏ, nghe làng tổ chức lễ hội thì mừng lắm, cứ đi coi miết. Đặc biệt, khi họ dọn, mình cũng vô ăn. Tranh thủ mà ăn, không thì hết”. Ông Trịnh Bồn vừa nói vừa bật cười.

5. Xong phần lễ, đến phần hội. Người ta tổ chức đua ghe, rồi hát bội. Sôi nổi nhất là đua ghe. Tuy theo “túi tiền” và tùy theo năm, làng tổ chức đua nhiều hay ít. Đua nhiều thì đua đến… 8 vòng đôi. Ít cũng 6 vòng đôi. Ngoài đội đua ghe ở địa phương, làng còn mời đội đua ghe ở một số địa phương khác như đội đua các vạn Nồi Rang, Bình Yên, Trà Linh, Chợ Được, Hội An… đến tham gia. Giải thưởng có tiền và cờ. Khi đua, có đặt bàn án, có trống lệnh. Không khí nhộn nhịp. Hai bên bờ sông, bên ni là làng Thu Bồn huyện Duy Xuyên, bên kia là làng Phú Thuận huyện Đại Lộc bà con xem đông nghịt, hò reo cổ vũ rầm trời. Hát bội gần như là sinh hoạt không thể thiếu ở lễ hội Bà Thu Bồn hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước. Làng tổ chức hát ban ngày, hiếm khi hát ban đêm. Nhiều khi dưới sông có đua ghe đồng thời trên bờ cũng tổ chức hát bội. Cho nên, mới có câu "Trên bờ hát bội dưói thuyền bơi đua". Lúc ấy, ai muốn “coi” hát bội thì “coi”, ai muốn “coi” đua ghe thì… “coi”.  Thường, chỉ hát vài ba ngày, sau khi hết “hợp đồng” thì thôi. Các gánh hát, ngoài tiền hát theo “hợp đồng”, họ còn có thêm tiền thưởng. Gánh nào hát hay thì được thưởng nhiều. Hình thức thưởng, xưa gọi là “thướn”, cũng khác. Hễ đến đoạn nào thấy quá “tuyệt”, dân mới ném thẻ để “thướn” lên sân khấu. Diễn viên đang hát nhặt thẻ. Thẻ có thẻ con và thẻ cái. Một thẻ cái bằng mười thẻ con. Chỗ hay vừa ném thẻ con, cưc hay mới ném thẻ cái. Người ta tính thẻ con bao nhiều tiền, thẻ cái bao nhiêu, cứ thế bao nhiêu thẻ đổi lấy bao nhiêu tiền. Thỉnh thoảng, cũng có đôi người không ném thẻ mà ném… tiền lên, diễn viên cũng nhặt. Nói chung, khán giả cho gì họ cũng nhận. Cho càng nhiều, chứng tỏ họ hát càng hay, có sao đâu! Ngoài đua ghe, hát bội, còn có  đánh cờ, đánh bài lú và cả đánh xóc dĩa ăn tiền. Nhưng đây là những trò chơi làng không đứng ra tổ chức, chẳng qua, một số người lợi dụng cơ hội bày trò ăn thua mà thôi.

6. Xung quanh Lệ Bà có chuyện lạ. Nguyên đất ruộng công ở làng nhiều. Thế cho nên, tiền hiền làng được tự một mẫu tư đất.  Đến ngày tế tiền hiền, làng lấy số hoa lợi từ mấu tư đất này để chi phí. Trong lúc đó, tiếng là làng có lễ hội Bà Thu Bồn lớn nhưng lại không có đất tự. Rốt cuộc, dân làng phải đóng góp. Mãi sau này, ở làng Phường Chào, có một người lên đồng bảo với người cháu của bà Phường Chào rằng Bà Thu Bồn không có đất tự. Người cháu bèn đem tiền qua mua đất cúng Bà Thu Bồn. Ông này mua mẫu bảy đất để “tí tự” cho Bà Thu Bồn. Đó là nguyên do mà hàng năm, khi tổ chức lễ hội Bà Thu Bồn, làng mới mổ con trâu, lấy một miếng thịt vai to như cái khay với hai đòn bánh tét rồi sai anh Giáp, tức anh chuyên đi rao ở làng, đem qua kỉnh cho người cháu đã mua đất để “tí tự” cho Bà Thu Bồn. Khi đi kỉnh, làng viết một cái phiếu, trên đó ghi miếng thịt ấy dày bao nhiêu, dài bao nhiêu, cân nặng bao nhiêu. Người ta sợ anh giáp “lẻo” mất chút ít. Chuyện kỉnh thịt trâu ngày lễ hội diễn ra hàng mấy chục năm trời, sau này mới bỏ. Lại có truyền thuyết kể rằng xưa trong lăng Bà có hai con tít to bằng bắp vế (!?). Đặc biệt, hai con tít này miệng ngậm hai cục ngọc to như nắm tay. Bấy giờ, có thằng Tây nổi máu tham. Nó quyết lấy cho bằng được. Nó cũng không tin Lăng Bà linh thiêng. Thế là nó đan một cái mủng chai to, đổ nước vào, bắt con gà làm thịt, để con gà lên. Loài tít thấy gà thì bỏ cục ngọc, bò đến ăn. Cục ngọc rớt xuống nước, biến mất tăm. Cặp tít sau đó chết trong lăng. Cũng vào quãng nửa cuối thế kỷ XIX, ở ngoài kinh đô Huế, có phu nhân của vị quan nọ bị bệnh đã lâu, chữa hòai không khỏi. Nghe tiếng lăng Bà Thu Bồn linh thiêng, bà mới lặn lội vào xin thuốc. Vậy mà khỏi. Vị quan nọ mừng quá, đem đôi xuyến vàng với hai cái trang dài thước năm Tây vào cúng lăng Bà. Thường thường, khi làm lễ, trên bàn thờ, người ta mới đem cặp xuyến ra treo lên để cúng. Còn những ngày khác, họ đục lỗ trong cây gỗ trên bàn thờ để cất cặp xuyến. Làng không ai giữ đôi xuyến vàng này. Năm nọ, có hai thằng Tây lên Thu Bồn với một thằng thông ngôn. Cả ba đi bằng ca-nô. Hai thằng Tây đạu ca-nô ngoài gành rồi vào Lăng Bà, lén lấy cặp xuyến vàng. Kỳ lạ thay, khi ra gành, cả hai bị nhào đầu xuống nước mà chết. Làng mới báo lên quan trên. Lúc đó, không ai biết hai thằng này lấy trộm cặp xuyến trong lăng.


No comments: