Tuesday, February 14, 2012

ÔNG ĐỘI THỨC VÀ TƯỚNG CƯỚP THẰNG RÈN...

Làng Mỹ Nam, nay thuộc xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, hồi đầu thế kỷ XX có người được phong chức đội, một chức nhỏ dưới thời phong kiến. Đó là ông Võ Thức. Chuyện một người được phong chức đội là chuyện rất bình thường nhưng trường hợp ông Võ Thức, sau này gọi là ông Đội Thức, rất đặc biệt bởi ông không phải là lính. Nguyên nhân khá đơn giản: ông có công bắt sống một tên cướp nổi tiếng ở Quảng Nam hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đó là tướng cướp thằng Rèn…



Làng quê Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX. Ảnh tư liệu

Thật ra, gọi tướng cướp là gọi thế thôi chứ tên tướng cướp thằng Rèn này chẳng có... “quân” gì ráo. Hắn chuyên đi cướp một mình. Nhưng hành động hắn rất táo tợn nên người ta mới gọi hắn là tướng cướp. Lai lịch của thằng Rèn ra sao, cha mẹ ở đâu, hình như không ai tỏ tường. Nhưng, theo truyền khẩu, tướng cướp thằng Rèn rất cao lớn, hung hãn, đặc biệt rất giỏi võ nghệ. Khi hành động, hắn như có phép tàng hình, đi lại gần như xuất quỷ nhập thần, không ai đoán định nổi. Bấy giờ, dân lành vô tội hễ nghe đến “uy danh” thằng Rèn là sợ xanh mặt. Mà, nói theo ngôn ngữ của người Quảng Nam là sợ đến mức.... “thốn đái trong quần”. Không chỉ người dân Đại Lộc, Duy Xuyên mà cả bà còn ở Quế Sơn, Điện Bàn... cũng khiếp hắn. Ngoài chuyện ăn cướp, tướng cướp thằng Rèn còn có đặc điểm là háu gái. Hễ thấy anh nào có vợ đẹp, thể nào nửa đêm, thậm chí cả ban ngày, hắn cũng mò đến, dùng uy lực trói anh chồng, rồi buộc cô vợ phải quan hệ với hắn cho bằng được.
Xưa, ở quê, nhà cửa thưa thớt. Cả làng có khi  chỉ mười mấy, hai mươi gia đình. Cứ đi cả mấy trăm mét, thậm chí lưng nửa cây số mới có cái nhà. Cái này khuất với cái kia. Cho nên, gia đình nào gia đình nấy gần như sống biệt lập, không hỗ trợ nhau được. Bọn cướp có cơ hội lộng hành, nhất là những tên lì lợm, giỏi võ nghệ như tướng cướp thằng Rèn. Cho nên, mấy anh chồng có vợ đẹp bị hiếp đành chịu. Kháng cự tất nhiên không nổi rồi, lại bị đánh thương tích, thiệt đơn lẫn thiệt kép chứ chẳng chơi. Đành phải nhắm mắt đưa chân. Dĩ nhiên, chính quyền phong kiến đương thời nắm rất rõ. Phủ và huyện đều có trác xuống các làng thông báo lệnh truy nã tướng cướp thằng Rèn. Nhưng, lệnh là lệnh, còn bắt hắn được hay không là chuyện khác. Vì tiếp cận hắn đã khó, bắt được hắn càng khó hơn, đâu dễ dàng gì. Mà, ngày nào không bắt được hắn, người dân còn ăn không ngon, ngủ không yên. Hắn xuất hiện ở đâu là gây tai hoạ ở đó.
Một lần nọ, tướng cướp thằng Rèn lẻn về ấp Tây, làng Tân Mỹ, nay thuộc thôn Thuận Mỹ, xã Đại Phong. Còn nguyên nhân vì sao hắn đến ấp Tây khá đơn giản, bởi hắn phát hiện tại ấp Tây, làng Tân Mỹ, anh Phòng Tác có cô vợ rất đẹp. Như mọi khi, hắn bắt anh Phòng Tác trói gô lại, để thoả sức mây mưa với cô vợ xinh như mộng này. Lúc đó, ông Võ Thiệt, người ấp Nam, biết được. Vốn hồi nhỏ từng học võ nghệ, lại thấy thằng Rèn tác yêu tác quái dữ quá, ông quyết chí diệt cho bằng được. Nếu không, nó sẽ tiếp tục gây tội ác với dân lành. Là thợ săn, ông có sẵn bầy chó săn “thiện nghệ”. Nhà ông lại có nhiều con cái, rể dâu, sẵn sàng hỗ trợ. Thế là ông dẫn cả đoàn gồm bảy, tám người, vờ săn nai ở Thuận Mỹ. Thời ấy, giữa ban ngày ban mặt, lại là vùng giáp với núi, có nhiều man, nai, chuyện một đoàn người đi săn là thuyền thường tình. Cho nên, tuy bản tính cảnh giác cao, nhưng thằng Rèn cũng bị lầm, không ngờ đám thợ săn “quèn” ở vùng này lại là những kẻ dám tấn công mình.
Trước khi đi, để chắc ăn, ông Võ Thức đã nghiên cứu tường tân và “bày binh bố trận” rõ ràng. Ai ở đâu, mấy người, chuẩn bị ra sao đều rõ ràng, cụ thể từng chi tiết một. Đến nơi, cứ thế lẳng lặng vào vị trí, sẵn sàng đánh thằng Rèn. Riêng ông, ông mang bộ “xỉ”, tức hai miếng lót bằng sắt, lót từ khuỷ tay đến bàn tay. Đầu bộ “xỉ” có mũi nhọn, có thể dùng làm vũ khí được. Khi bị đối phương đâm, chém, cũng có thể giơ tay lên đỡ mà không hề hấn gì. Khi đoàn người ngang qua nhà anh Phòng Tác, tất cả đều nhanh chóng vào vị trí. Riêng ông, chỉ mấy bước ngắn là đứng ngay trước ngôi nhà tranh. Khi ông hé cửa bước vào, thằng Rèn đang đứng trong nhà. Nhận ra ông, hắn thoáng chút ngạc nhiên rồi với linh cảm của một tên cướp dày dạn, hắn chợt hiểu và nhanh chóng rút thanh kiếm ra khỏi vỏ, thủ thế. Hắn nhìn ông Võ Thiệt đăm đăm. Là dân võ, hắn đoan chắc người đàn ông đang đứng trước mặt rất giỏi võ.
Thế rồi, do ý thức được thế yếu, trong ba sáu kế, tên cướp chọn kế thứ ba sáu. Nhanh như chớp, thằng Rèn lao ra ngoài, nhảy qua hàng rào. Chẳng may, trong lúc vội vã, dây lưng hắn bị mắc vào hàng rào. Ngay lập tức, người hắn gần như bị treo, đầu thòng xuống. Ông Xự, người được phân công chặn ngay lối đi này, lấy cây giáo mang theo gõ mạnh vào ống quyển hắn. Rồi, tất cả mọi người xúm vào cột trói thằng Rèn. Tin tướng cướp thằng Rèn bị bắt chẳng mấy chốc loan ra toàn làng Tân Mỹ và cả mấy làng lân cận khiến bà con đến xem rất đông. Rồi, người ta giải hắn lên huyện, rồi lên phủ. Còn ông Võ Thức, do có công bắt được tướng cướp khét tiếng thằng Rèn nên được nhà nước đương thời phong chức đội. Từ đó, danh xưng ông Thức mới được bà con đổi lại là ông Đội Thức. Nhưng, phong chức là phong để lấy “oai” chứ không có tiền bạc gì. Xưa, chức tước rất quan trọng, dù là chức nho nhỏ, chủ yếu để được người ta tôn trọng. Tế xuân, thế thu hoặc ngày hội làng được ăn trên ngồi trước cũng các vị chức sắc, hào mục khác. Riêng tướng cướp thằng Rèn, sau đó bị xử tội chém đầu. Quả là ác giả ác báo!

No comments: