Saturday, February 18, 2012

ĐẤU VỚI... CỌP!




Câu chuyện "Võ Tòng" thứ nhất xuất phát từ truyền thuyết khá hấp dẫn, thú vị. Theo truyền thuyết thì thời xa xưa làng Đồng Dương, nay thuộc xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam là đất của người Chiêm. Khi xảy ra chiến tranh giữa hai nước Chiêm - Việt xảy ra, quân Chiêm thua trận, bị bắt làm tù binh. Trong số đó, có một công chúa xinh đẹp, được gả cho hoàng tử Việt. Lúc ấy, nàng đã có mang. Sau khi theo chồng ra Bắc, công chúa sinh hạ một con trai. Không hiểu chàng trai tên thật là gì. Chỉ biết, khi lớn lên, chàng tìm về Quảng Nam, đến sinh sống tại làng La Huân thuộc huyện Điện Bàn, làm “nghề” pháp sư, dưới cái tên dân dã là ông Hai Lánh. Do thương dân làng ao ước có một ngôi đình ngói, ông Hai Lánh“hoá phép” đổi đình tranh La Huân lấy đình ngói La Qua nên mắc tội và bị giam vào ngục. Nhờ tài giỏi, nhân cơ hội làm "phường môn", ông tìm cách thoát ra, về làng Đồng Dương, lấy vợ, sinh hai người con đặt tên là ông Chóng và ông Đụn. Ông Trà Dúi, năm nay đã 78 tuổi, một trong số ít lão làng nắm giữ kho “tư liệu sống” khá phong phú về lịch sử mảnh đất và con người Đồng Dương nhớ lại "Ông Chóng và ông Đụn tứcTrà Huyền An và Trà Huyền Chân.Chính hai ông này cùng với các ông Châu Văn Tuý và Trịnh Khắc Thiệt là những người đứng bộ thành lập làng Đồng Dương"



Cọp và thợ săn. Ảnh TL.
Sau đó, ông Hai Lánh lại tiếp tục lên Hòn Tàu lập nghiệp. Bấy giờ, Hòn Tàu là nơi nhiều thú dữ, lại là vùng rừng thiêng nước độc, rừng xanh núi thẳm, vắng bóng người. Một lần, trên đường đi, ông gặp một con cọp chặn đường. Bí thế, ông không còn cách náo khác là "đấu" với cọp. Vốn là người mạnh khoẻ, nhanh nhẹn, lại giỏi võ, biết ít nhiều phép thuật nên ông cũng không ngán. Thế nhưng, khốn khổ thay, ông gặp phải con cọp quá to, quá hung dữ. Ông bèn trổ hết tàu nghệ, ngón nghề, đánh nhau với vị chúa tể sơn lâm này. Cọp dữ, những thấy người càng "dữ dằn", cọp vồ không lại, mới bỏ chạy lên tận Trà Linh. Ông Hai Lánh rượt theo, quyết giết cọp, trừ mối hoạ cho dân. Cả hai quần nhau suốt hai ngày hai đêm. Cuối cùng, cọp chết, người cũng kiệt sức chết theo. Người dân địa phương cảm phục sự dũng cảm của ông Hai Lánh, mới tổ chức chôn xác ông cẩn thận. Hiện nay, theo ông Trà Díu, mộ ông Hai Lánh vẫn còn trên Trà Linh, nay thuộc xã Quế Tân, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam.



Dinh ông Trùm Hò. Anh Đ.Đ

Chuyện "Võ Tòng" thứ hai xảy ra ở làng Dùi Chiêng, một ngôi làng đặc biệt vì nằm ở nơi heo hút, cheo leo ngay tại thượng nguồn sông Thu Bồn, nay thuộc xã Quế Phước, một xã vùng cực tây huyện Quế Sơn. Hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, đây có thể được xem như vùng rừng cao núi thẳm của Quảng Nam, nổi tiếng nhiều thú dữ. Ông Nguyễn Tửu, một trong những bậc lão làng ở Dùi Chiêng, kể lắm chuyện sởn tóc gáy. Nhất là chuyện nửa đêm cọp về, lấy chân cạ cạ vào vách phên bằng đất. "Bấy giờ, cọp nhiều, dân lại ít, chúng dạn dĩ lắm, về luôn. Người ta nói rừng động.Tui chẳng biết rừng động hay không. Nhưng nhiều năm không biết răng cọp về nhiều. Ông nội tui, cha tui từng kể, từng chứng kiến…".  Còn "Võ Tòng" ở làng Dùi Chiêng là một người Việt, có tên dân dã là ông Trùm Hò. Không ai biết ông họ chi và từ đâu đến. Ông dáng người cao lớn, vạm vỡ, giỏi võ nghệ, sức địch muôn người. Thế cho nên, dân làng sợ cọp nhưng ông thì không.
Nghề nghiệp chính của ông Trùm Hò, cũng như nhiều người khác ở làng Dùi Chiêng là đốn gỗ đổi cơm. Ngày ngày, ông vác cái rựa, cái rìu, một nình lên núi hành nghề. Ông bà bảo "Đi đêm có ngày gặp ma" quả không sai. Thế nhưng, ông không gặp mà mà gặp... cọp. Số là, ngày hôm đó, ông đang trên đưòng vác cây về thì thấy một con cọp to lù lù chắn ngang đường. Ông nghiêng người, thả cây gỗ xuống, rồi nhanh tay cầm rựa thủ thế. Cọp gầm lêm một tiếng long trời lở đất trước khi nhảy vồ "con mồi".  Ông nhanh nhẹn lách qua bên kia, tránh được. Ngay sau đó, cả hai, cọp và người, quần nhau đánh suốt một ngày ròng rã. Cứ cọp nhảy sang bên trái thì ông nhảy qua bên phải và ngược lại. Ông vừa nhảy vừa lợi dụng thời cơ chém cọp. Chiều dần tắt nắng. Cuối cùng, cả hai vừa khát nước vừa kiệt sức rồi chết. Bấy giờ, khu vực ông Trùm Hò đấu với... cọp sau này trở thành Dinh Ông Trùm là cửa rừng, cây cối rậm rạp, heo hút, vắng bóng người qua lại, xưa nổi tiếng linh thiêng. Hiện nay, di tích Dinh Ông Trùm, tức ông Trùm Hò vẫn còn, nhưng đã bị tàn phá bởi thời gian. Nhưng, hàng năm, vào ngày lễ, nhất là trong những ngày Tết cổ truyền, nhân dân làng Dùi Chiêng vẫn thắp hương, tưởng nhớ đến chiến tích của ông Trùm Hò, một nhân vật kỳ bí, mấy trăm năm trở về trước.

No comments: