Tuesday, February 21, 2012

CHUYỆN XƯA PHƯỜNG RẠNH…



Mấy chục năm trở về trước, khách thương hồ quanh năm suốt tháng xuôi ngược trên sông Thu Bồn mấy ai không biết địa danh Phường Rạnh, miền đất ở vùng cực tây Quảng Nam, bấy giờ còn hoang vu, núi đồi trùng điệp.
Phường Rạnh có tên chính thức là làng Trung An, nằm trên địa bàn xã Quế Trung, huyện mới Nông Sơn. Về nguồn gốc danh xưng Trung An, có câu chuyện kể khá lý thú và hấp dẫn rằng thời trước, khi người Việt đến lập nghiệp, ở đây đã có Dinh Bà Phường Rạnh, rất linh thiêng. Ngày nọ, trong làng có ông gọi là ông Trùm Tuất, người họ Nguyễn, khá giàu, nhà có của ăn của để, bị mất mấy con trâu. Tiếc của, ông mới quyết chí đi tìm cho bằng được. Nhưng, ông chưa kịp bước ra khỏi bìa làng thì Bà đã “đạp đầu ngang”, tức mượn xác người sống, hiện lên, nạt nộ: “Nhà người đi mô? Nhà ngươi đừng có dại, chết như chơi. Bọn cướp đã chuẩn bị sẵn dao kiếm, nhà ngươi đến chỉ thiệt thân. Nhà ngươi về đi. Còn về phần bọn cướp, nhà ngươi đừng lo. Hễ kẻ nào trung thì được an mà ai ngang bướng, đi trộm cướp, sẽ không ra chi”. Từ câu chuyện này, người dân mới lấy tên Trung An đặt tên cho làng với mong muốn bà con sống ở vùng đất này luôn là những người“trung thực” nên được hưởng sự “an lành”.

Làng Phường Rạnh nằm bên bờ sông Thu Bồn. Ảnh Đ.Đ

Danh xưng Trung An gần như chỉ tồn tại trên mặt giấy tờ, khế ước. Còn tên bình dân là Phường Rạnh. Ông Trịnh Thanh Long, sinh năm 1928, cho biết chữ “Rạnh” xuất phát từ con trạnh, một loại động vật có hình dáng như con rùa nhưng rất to, có con to bằng cái nong, sông dưới nước. Nguyên hồi nửa đầu thế kỷ XIX trở về trước, du khách lẫn tầng lớp thương hồ ngược lên thượng nguồn sông Thu Bồn khi đi ngang đoạn sông chảy qua làng Trung An thỉnh thoảng hay bắt gặp con trạnh trồi lên, có lúc nhiều đến mức đặc kín sông, khiến ghe thuyền phải tránh. Thế cho nên, người ta mới gọi làng ven sông này là Phường Trạnh. Lâu ngày, họ mới đọc “chệch” là Phường Rạnh. Phường (坊), trong chữ Hán, còn có nghĩa là “làng”. Riêng “Rạnh”, tức từ trạnh mà ra. Cũng theo bà con, hiện nay, con trạnh tuy không còn nhiều như trước nhưng thỉnh thoảng dân làng có người cũng phát hiện chúng trồi lên, lặn xuống trên khúc sông Thu Bồn chảy qua làng. Lại có quan niệm cho rằng, lúc trời đang nắng chang chang mà trạnh từ dưới nước sâu tự nhiên trồi lên thì thể nào trời cũng chuyển mưa. Ngược lại, trời đang mưa tầm tã, dầm dề nhưng đột nhiên nó trồi lên, nhất định trời sẽ hết mưa (!?)
Dinh Ba Phường Rạnh. Ảnh Đ.Đ


Ở Trung An có ba tộc tiền hiền là các tộc Nguyễn, Trần và Trịnh. Đặc biệt, tộc Nguyễn đến đầu tiên nhưng do nhiều nguyên nhân hiện nay không còn con cháu nối dõi. Riêng hai tộc đến sau là Trần và Trịnh đều đến lập nghiệp từ thời Tây Sơn. Tộc Trần theo vua vào Nam. Đầu tiên, họ vào Bình Định lập nghiệp. Khi phong trào nông dân Tây Sơn bùng nổ, không biết vì sao, có ba cha con tộc Trần là Trần Văn Tam, Trần Văn Hiền và Trần Văn Huấn lại quay ra Quảng Nam, lên tận vùng đất này sinh sống. Anh Trần Nam, sinh năm 1948, kể “Nghe truyền khẩu lại là họ đi theo lệnh của bà vợ ông Trần Văn Tam... Không biết bà ni răng có quyền hành to như rứa. Cũng nghe nói hồi đó, người cha Trần Văn Tam già rồi, còn người anh Trần Văn Hiền lại quá hiền. Cho nên, em là Trần Văn Huấn mới đứng ra làm giấy tờ. Kết cuộc, sau này chính người em đứng tên tiền hiền làng cùng với các tộc Nguyễn và Trịnh!”. Khác với tộc Trần, tộc Trịnh vào bằng đường biển. Khi đi, có ba anh em. Đầu tiên, họ lập nghiệp ở làng Hòa Mỹ nay thuộc quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Sau đó, không biết vì lý do gì, họ đi tiếp vào Quảng Nam. Một ông chọn mảnh đất nay là xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc; một ông đến làng Thu Bồn, nay thuộc xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên còn ông thứ ba vào tận Phường Rạnh, lập nghiệp.
Hồi nửa cuối thế kỷ XIX, làng Trung An cũng như các xã, thôn nằm bên kia đèo Le, là vùng căn cứ địa trong phong trào Cần Vương của lãnh tụ Nguyễn Duy Hiệu. Thế nên, mới có câu chuyện khá lý thú rằng hồi nửa cuối thế kỷ XIX, tộc Trần có một người tham gia nghĩa quân. Đó là ông Trần Tịch. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, thực dân Pháp tổ chức lùng bắt. Ông Trần Tịch biết được, trốn mất. Bọn lính không biết, mới bắt nhầm ông em. “Ông em bị ngọng, nói không rõ, cứ ú a ú ớ, bị đánh dữ… Tuy sau đó, bọn Pháp biết bắt lầm người nhưng dù sao, chuyện cũng đã muộn”. Ông Trần Chức, người gọi ông Trần Tịch bằng ông cố, nhớ lại. Cũng theo lời bà con, mươi năm trước, Phường Rạnh là nơi vẫn còn một số “hiện vật” của cuộc khởi nghĩa Nguyễn Duy Hiệu như nòng súng và đạn to cỡ bằng trái bòng. Sau, có người đem bán.
Phường Rạnh còn nổi tiếng với cọp. Các bô lão thuật lại xưa cọp cứ đi “nghêng ngang, chẳng sợ người là gì!”. Cứ chiều đến, người ta không dám qua lại. Tối, phải đóng kín cửa. Đi tiểu cũng phải cắt bẹ chuối, lót từ trong nhà ra ngoài để đi. Ra ngoài lớ ngờ bị cọp rình, bắt như trở bàn tay. Còn cọp bắt heo, bò xảy ra thường xuyên. Nếu biết đầu trên cọp xuất hiện và nghe tiếng gõ mõ thì cả làng gõ mõ theo để xua đuổi cọp. Hồi cuối thế kỷ XIX, trong làng có người làm đến phó tổng. Đó là ông Phó Thiện, người tộc Trần, phó tổng tổng Quảng Đại Thượng, huyện Quế Sơn, phủ Thăng Ba. Cọp Phường Rạnh nhiều đến mức, hễ đi đâu xa, ông sợ, phải huy động dân đinh đi theo. Khi đi, có đánh chiêng, đánh trống rầm trời. Chuyện đến tai quan huyện. Có một lần, quan huyện hỏi “Chớ ông chỉ làm phó tổng, răng đi mô cũng chiêng trống dữ rứa?”. Ông Phó Thiện thật thà nói “Bẩm quan, do đường truông nhiều cọp quá. nếu không có chiêng trống đuổi cọp, ai dám đi?”. Quan huyện mới chợt nhớ khi đi, phó tổng phải qua truông Ba Gò, nơi cọp nhất nhì đất Quế Sơn. Cho nên, quan mới cho qua.
Cọp nhiều, chuyện người bị cọp bắt không hiếm. Lại có chuyện hai anh em, là ông Trùm Niên và ông Trùm Cẩn cùng đi núi. Ông Trùm Cẩn người cao to, có tí võ nghệ. Cọp vồ người em. Ông Trùm Cẩn sẵn tay cầm rựa, phóng người đuổi theo, quên cả hiểm nguy. Vừa đuổi, ông vừa la hét đến mức cọp hoảng, phải bỏ xác lại. Sau đó, nước nắt giàn giụa, ông vừa khóc vừa cõng xác em về chôn. Rồi chuyện ông Hồ Kiệm rủ ông Tri, trước có đi lính cho Pháp, đem khẩu súng đi săn. Hai người vào rừng, định bụng kiếm con nai, con mang “cải thiện” một bữa. Đến ngọn núi kia, ông Hồ Kiệm phát hiện ngay bụi rậm phía trước có tiếng sột soạt. Ông  nhắm ngay chỗ ấy, bóp cò. “Đoàng”. Một tiếng nổ chát chúa như xé toạc sự tĩnh lặng giữa bốn bề rừng núi thâm u. Đồng thời, ngay liền sau đó, có tiếng vật gì lao đến với tộc độ kinh khủng. “Á!”. Ông Hồ Kiệm la lên. Hóa ra, không phải con mang hay con nai mà là… cọp. Thế mới khiếp. Nhưng khi ông Hồ Kiệm biết thì sự việc đã rồi. Không còn cách nào khác, ông dùng tay đánh cọp. Dĩ nhiên, tay không đánh cọp thì… thua là cái chắc. May nhờ ông Tri nhanh tay chụp khẩu súng, bắn chết cọp. Ông Hồ Kiệm thóat chết nhưng bị đau một trận thập tử nhất sinh. Tương truyền, ông “ăn” hết bảy nong tằm mới thóat khỏi lưỡi hái của tử thần.


No comments: