Sunday, March 11, 2012

CHỢ TRUNG PHƯỚC


 Có thể nói, chợ Trung Phước, nay thuộc xã Quế Trung, huyện mới Nông Sơn, là một trong những chợ có lịch sử khá lâu đời của vùng tây tỉnh Quảng Nam. Theo nguồn tư liệu điền dã, người Việt bắt đầu đến sinh sống ở vùng đất này muộn nhất cũng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, dưới triều Thái Đức nhà Tây Sơn.

Có dân là có chợ. Chợ Trung Phước, chợ lớn nhất và cũng là chợ trung tâm của huyện Nông Sơn, cũng ra đời vào lúc ấy nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân địa phương. Hơn thế nữa, với vị trí đặc biệt, chợ Trung Phước trở thành chợ trung chuyển giữa miền xuôi với miền ngượcNghiên cứu về chợ xưa, người ta rút ra một điều gần như trở thành “quy luật” bất thành văn trong lịch sử hình thành và phát triển của các chợ ở Quảng Nam: hầu hết chợ nguyên thủy đều được lập trên chỗ đất cạnh bến sông. Nguyên nhân rất đơn giản vì thời xưa, việc giao thông đi lại rất khó khăn.
Chợ Hội An xưa. Ảnh tư liệu
Để đi xa, phương tiện thuận lợi nhất là đi ghe. Chuyên chở hàng hóa giữa miền xuôi với miền ngược tất nhiên cũng bằng ghe. Thế cho nên, dọc theo tuyến đường sông Thu Bồn có không biết bao nhiêu là chợ cạnh bến sông từ chợ Hội An đến chợ Bàn Thạch, chợ Thu Bồn… Chợ Trung Phước cũng không ngoài quy luật đó. Đầu tiên, chợ họp ngay ở bến đò, gọi là bến Trung Phước. Bến này nổi tiếng đến mức khách buôn xa gần đều biết. Đặc biệt, hồi nửa đầu thế kỷ XX, bên cạnh người Việt, người Tàu cũng đến kinh doanh từ rất sớm. Họ chủ yếu là bán thuốc Bắc. Có thể kể ra đây ông Phó Ký và bà Tàu, mẹ ông Phó Ký, cũng buôn bán mặt hàng này. Kinh doanh mắm muối có bà Thủ Cang và bà Nhỏ, người địa phương.
Trong chợ, ngoài kinh doanh thuốc Bắc, mắm muối, còn có nhiều người khác buôn bán mặt hàng thịt, cá và một số mặt hàng thiết yếu khác. Hồi ấy, buôn bán nổi nhất ở chợ Trung Phước là mấy tiệm thuốc Bắc của người Tàu. Có thể nói, trong vùng, họ thuộc dạng có máu mặt, nổi tiếng giàu có. Hầu hết họ đều xây nhà, mặt hướng ra chợ, vừa để ở, vừa buôn bán. Nhà xây bằng vôi, lợp ngói. Lại có nhà xây lầu. Riêng bà Tàu, ngoài ngôi nhà xây kháng trang, bề thế, bà còn trồng cả cây cà phê. Tuy nhiên, bà chỉ trồng làm cảnh là chính. Cho nên, bà trồng trong vườn. Khi cà phế ra trái, chin, bà cũng hiếm khi ngó ngàng đến. Bởi cà phê chẳng đem lại lợi lộc gì. Đó là cơ hội để bọn trẻ con trong xóm chợ cứ lẻn vào vườn hái trôm, đem về phơi khô, rang, rồi… giã, hòa với nước sôi, bỏ tí đường đen, gọi là uống cà phê. 

Chợ miền núi Trung Phước. Ảnh Đ.Đ
Nói về nhà xây, không chỉ người Tàu, trong làng còn có một số người Việt giàu có nhờ nhiều ruộng đất như các ông Chánh Bảy, ông Cửu Long, ông Thạnh, ông Rân, ông Kế… Họ cũng xây nhà xây kiên cố như người Tàu. Gắn liền với chợ là đội ngũ những người chuyên chở hàng hóa trên tuyến đường sông. Bấy giờ, có đoàn ghe mạnh nhất là ghe của ông Trùm Đèo, người tộc Trần. Ông ở vạn Quế Trung. Ông sở hữu mấy chiếc ghe. 
Ghe chở hàng hóa, hầu hết đi tuyến đường dài, thong dụng nhất là ghe bầu. Người ta chèo bằng tay. Khi có gió, lại kéo buồm, lợi dụng sức gió tự nhiên mà đi, khỏi phải chèo tay. Mặt hàng chở từ chợ Trung Phước đi về xuôi chủ yếu lâm thổ sản như chuối xanh, thơm, củi… Mặt hàng chở lên có cá, mắm muối, vải, dầu thắp, thuốc men và một số mặt hàng tiêu dung khác. Đặc biệt, ở Trung Phước có bến sông gọi là Bến Tranh. Bến này chuyên bán toàn tranh lợp nhà. Nhu cầu mặt hàng này ở Đà Nẵng rất cao. Thế cho nên, trước năm 1945, nhiều hộ dân ở huyện Nông Sơn lại có nghề… cắt tranh, đánh thành tấm để đem ra Bến Tranh mà bán. 
            Sau Cách mạng Tháng Tám, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Quế Trung nằm ở vùng tự do và là nơi địch hay tiến hành bắn phá ác liệt. Những ngôi nhà xây kiên cố ở chợ Trung Phước trở thành mục tiêu của chúng. Thế nên, cùng với việc cho đập phá những ngôi nhà này, ta cũng tổ chức dời chợ, cách chợ cũ chừng 200 mét. Chợ mới thời chiến không đông đúc như xưa. Đặc biệt, những nhà buôn người Tàu đều ra Đà Nẵng. Lúc này, đội ngũ những người buôn bán ở chợ hầu hết là người địa phương. Là chợ tạm, chợ thời chiến nên cũng như nhiều chợ ở vùng tự do, chợ Trung Phước không đông đúc như trước.
Khi Hiệp định Genève được ký kết, chính quyền Ngô Đình Diệm chia huyện Quế Sơn ra làm nhiều khu. Quế Trung được đổi thành xã Sơn Khương và thuộc khu Sơn Ninh. Chúng cũng tiến hành dời chợ ra vị trí hiện nay. Ban đầu chợ xây toàn bằng nhà tranh. Sau, khi làm ăn khấm khá, bà con buôn bán ở chợ mới xây nhà xây.
Buôn bán mạnh nhất ở chợ Trung Phước bấy giờ là bà Cửu Long với mặt hàng tạp hóa. Buôn bán mắm muối có ông Trình. Ông này là trở thành đại lý, vừa bán sỉ vừa bán lẻ. Nhưng chủ yếu là bán sỉ. Ghe chở mắm từ Hội An hay Đà Nẵng lên đều bỏ mắm chỗ ông. Rồi, bà con buôn bán mắm ở khu Sơn Ninh, tên gọi mấy xã ở huyện Nông Sơn bấy giờ, hều hết đều lấy mắm của ông về bán lại.
Cũng vào thập niên 1960, trong chợ xuất hiện ông Trần Mỹ buôn bán xe đạp. Ban đầu, ông chỉ bán vài chiếc. Sau phát triển thành đại lý lớn, trong nhà có hàng trăm chiếc. Khách hàng chính của ông, ngoài những hộ có của ăn của để, là công chức ngụy, rồi công nhân mỏ than Nông Sơn. Không chỉ bán lấy tiền ngay, ông còn bán… trả góp. Do đó, xe đạp bán rất chạy. Bên cạnh cửa hàng xe đạp của ông Trần Mỹ là cửa hàng xe đạp của ông Phùng Xuân, nhưng nhỏ hơn.
Hiện nay, chợ Trung Phước được đầu tư, xây dựng khang trang. Đội ngũ những người buôn bán ở chợ, cả buôn bán lớn và buôn bán nhỏ kể có hàng trăm người. Mươi năm trở lại đây, nhờ đẩy mạnh xây dựng giao thông đường bộ, hầu hết hàng hóa mua bán trong chợ đều được chở bằng ô tô, nhanh chóng và thuận lợi.
Đặc biệt, với việc ra đời huyện mới Nông Sơn, chợ Trung Phước chắc chắn sẽ khởi sắc, sẽ trở thành chợ trung tâm của huyện. Nó sẽ phát huy hết vị trí, vai trò của mình trong quá trình đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa cũng như kích thích sản xuất, tiêu dùng của nhân dân trong vùng[1]. 



[1] Ông Trần Ý, sinh năm 1938, thôn Trung Phước, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, kể.

No comments: