Thursday, March 15, 2012

DẤU XƯA CÒN MỘT CHÚT NÀY…

Làng Diên Lộc, nay thuộc xã Quế Minh, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, còn một di tích khá đặc biệt. Đó là nhà thờ tiền hiền. Nhà thờ tuy không lớn, nhưng mang dáng vẻ cổ xưa, đầy rêu phong, cổ kính. Theo truyền khẩu, thời trước, khi ông bà tổ tiên vào khai canh, lập làng lập xóm, Diên Lộc, nay được chia thành hai thôn là Diên Lộc Bắc và Diên Lộc Nam, đã có nhà thờ tiền hiền làng. Có thể nói, đây là di tích văn hóa khá quý giá còn sót lại trên vùng đất này. 
 Cũng như nhiều nhà thờ khác, nhà thờ tiền hiền Diên Lộc ban đầu chỉ bằng tranh tre sơ sài. Vào năm 1932, được sự vận động của các chư tộc phái, bà con trong làng kẻ ít người nhiều đã đóng góp tiền của, công sức, xây dựng nhà thờ thành hình như ngày nay. So với nhiều nhà thờ khác, nhà thờ tiền hiền Diên Lộc khá khiêm tốn với bề ngang khoảng tám mét, ngang độ năm mét, được chia làm ba gian. Gian giữa là bàn thờ chính, thờ tiền hiền, có viết dòng chữ “Tiền hiền nguyên vị”. Hai bên, tả ban hữu ban, thờ các vị hậu hiền. Mái lợp ngói âm dương. Phía trước nhà thờ có bình phong, có cổng. Đặc biệt, ở hai bên trụ cổng có câu đối bằng chữ Hán. Đó là câu “Thử địa thử nhân dân vãng vô bất lợi/ Kỳ thượng kỳ tả hữu hiển nhược hiểu phù”.

                                                 Nhà thờ tiền hiền Diên Lộc. Ảnh Đ.Đ

Hồi trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đây là nơi hàng năm làng tổ chức tế xuân khá linh đình, kéo dài trong ba ngày, từ mười bốn đến mười sáu tháng ba âm lịch. Chính lễ là ngày mười lăm. Trong ngày này, làng tế sống một con heo. Sau khi cúng, người đứng ra làm chánh bái, thường là những bậc cao niên, có uy tín trong làng, ăn một miếng thịt sống và uống một hớp rượu. Tiếp theo, dân làng mới đem con heo tế sống xuống xẻ thịt, làm các món ăn. Trong những ngày tế lễ, mỗi gia đình góp một con gà, một mâm xôi. Riêng làng năm nằo cũng mổ heo, mổ bò… Ngân quỹ tổ chức được trích từ tiền thuế của hơn một mẫu ruộng công dành cho nhà thờ và tiền bán củi của rừng miếu Tam Vị và rừng Sen. 


Nói chung, đây là dịp bà con trong làng, từ người già đến trẻ con tụ tập đông đủ, ôn lại quá khứ của các bậc tiền nhân, thắt chặt sự đoàn kết của bà con các tộc họ trong làng. Hiện nay, người dân vẫn tổ chức tế xuân nhưng không bày biện tốn kém như trước. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, rất may mắn là nhà thờ vẫn không hề bị bom đạn tàn phá như nhiều nhà thờ của các tộc họ khác. Tuy nhiên, trải qua gần thế kỷ, nhà thờ tiền hiền làng Diên Lộc đã xuống cấp trầm trọng. Một số cây cột có dấu hiệu bị mối mọt xâm hại. Mái ngói bị hư không ít… Bức xúc trước thực trạng ấy, người dân đã nhiều lần sửa chữa.


Cổng vào Nhà thờ và bình phong. Ảnh Đ.Đ

 Nhưng đó chỉ là những lần sửa chữa nhỏ, chủ yếu chống đổ sập là chính. Cho nên, nhà thờ gần như vẫn giữ nguyên hình dáng ban đầu, tức từ khi xây dựng quy mô, vào năm 1932. Đặc biệt, cổng và bình phong trước mặt nhà thờ còn gần như nguyên vẹn với những đường nét cổ xưa, thể hiện sinh động nghệ thuật kiến trúc dân gian phổ biến của đất Quảng hồi đầu thế kỷ trước.
Có thể nói, nhà thờ tiền hiền Diên Lộc là một trong những di tích văn hóa đặc sắc của Quảng Nam. Càng quý báu hơn khi hình dáng, kích thước và đường nét tạo hình…của nhà thờ Diên Lộc, một trong những nhà thờ khá tiêu biểu của Quảng Nam hồi đầu thế kỷ XX, vẫn còn gần như nguyên vẹn. Ngắm nhìn ngôi nhà thờ này, ta có thể phần nào liên tưởng đến sinh hoạt văn hoá tinh thần của người dân địa phương lúc bấy giờ. Có thể gọi đó là dấu xưa, ghi đậm nét qua thời gian với bề dài gần một thế kỷ với biết bao vật đổi sao dời[1]


[1] Ông Vũ Văn Thống, sinh năm 1928, làng Diên Lộc, xã Quế Minh, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, kể.

No comments: