Saturday, March 24, 2012

TRÒ CHƠI TẾT Ở HỘI SƠN XƯA


Ở Quảng Nam, Tết xưa, không chỉ có "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bán chưng xanh" mà còn có những hình thức sinh hoạt văn hoá tinh thần khá phong phú từ hát bội, chơi bài chòi, hát sắc bùa đến các trò chơi Tết  Đặc biệt, với các cụ già cao tuổi làng Hội Sơn, nay thuộc xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, trò chơi Tết hồi đầu thế kỷ XX trở thành ký ức Tết khó quên…
 Để chuẩn bị trò chơi Tết, ngay từ tháng chạp âm lịch, làng Hội Sơn đã thành lập ban tổ chức, phân công phân nhiệm rõ ràng. Mỗi người, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh, phụ trách một mặt nào đó. Theo tương truyền, hồi trước năm 1945, Tết nào làng Hội Sơn cũng tổ chức vui Tết với nhiều hình thức phong phú từ trò chơi nấu cơm thi, trò chơi cục bòng, trò chơi đánh đu, trò chơi bịt mắt bắt heo đến trò chơi đốt pháo… Mỗi trò chơi đều thu hút khá đông bà con, nhất là tầng lớp thanh niên nam nữ, rồi đến các em thiếu niên, nhi đồng… Nó trở thành một ón ăn tinh thần bổ ích, không thể thiếu mối khi Tết đến Xuân về. Khán giả không chỉ bà con trong làng mà còn có cả bà con các làng xã lân cận, rồi đến khách vãng lai.

Trò chơi kéo co

Một trong những trò chơi khá thú vị, hấp dẫn là trò chơi "trái bòng". Để tổ chức trò chơi này, người ta treo một trái bòng lên cây, cách mặt đất khoảng mét sáu, sao cho vị trí trái bòng ở ngay trên đầu. Giữa trái bòng, ở phía dưới, họ bôi nhọ nồi thật nhiều rồi đút một đồng tiền vào bên trong, sao cho nó chỉ lòi ra một chút thôi.
 Những ai tham gia trò chơi này đều phải ngửa mặt lên trời, dùng răng cắn để lôi đồng tiền ra. Ai lôi ra được, phần thưởng dĩ nhiên là đồng tiền nọ. Nói thì dễ nhưng thực tế năm, bảy người mới có người thành công. Còn phần đông thì... chỉ tổ dính nhọ nồi. Này nhé, trái bòng treo bằng một sợi dây cho nên khi ngửa mặt, dùng răng cắn đồng tiền, chỉ cần sơ ý một chút, trái bòng sẽ đung đưa, nhọ nồi ngay lập tức dính vào mặt, vào mũi.
Cho nên, không hiếm người, khi lấy được đồng tiền, mặt mũi lấm lem, chỉ còn chừa mỗi... cặp mắt mà thôi. Khi gặp những trường hợp ấy, khán giả là người lợi nhất vì họ được một trận cười vỡ bụng. Nhìn chung, trò chơi thu hút chủ yếu thanh thiếu niên. Nhưng, cũng có không ít người bốn, năm mươi thấy vui quá cũng "tình nguyện" tham gia với mục đích nhằm lấy "hên" nhân những ngày đầu năm mới
Bên cạnh trò chơi "trái bòng" là trò chơi đốt pháo. Người ta trồng một cây tre dài, phía trước, treo một dây pháo. Người chơi phải đi bộ trên cây tre, tay cầm cây hương đã đốt sẵn, cứ thế đi đến đầu cây tre, châm hương vào dây pháo, làm sao để dây pháo nổ thì… thắng. Đi trên cây tre, cây tre cứ rung rung. Đi đoạn ngắn thì rung ít, khoảng hơn mét thì rung nhiều. Càng xa càng rung dữ. Đi không khéo sẽ lăn quay xuống đất. Ấy là chưa kể có nhiều trường hợp ra gần đến nơi thì bỗng nhiên hương bị tắt. Thế là phải xuống, phải thắp lại hương và đi lại từ đầu.

Trò chơi Bịt mắt bắt dê 

Nhưng, dù có cẩn thận, có khéo léo mấy thì mười người chơi, thắng cuộc chỉ khoảng một người. Chín người còn lại đều thua, đều… té lăn quay. Cứ mỗi lần như vậy, bà con được một phen cười thoả thích. Nhưng, khi nghe có tiếng pháo nổ đùng đùng, tất có người đã thắng cuộc. Lúc ấy, tiếng pháo hoà lẫn tiếng hoan hô vang dội của bà con đang xem khiến không khí ngày Tết càng Tết hơn.
Ngoài ra, Hội Sơn còn tổ chức nhiều trò chơi dân dã khác như nấu cơm thi, bịt mắt bắt heo, đánh đu... Nhìn chung, hấu hết những trò chơi "cây nhà lá vườn" này đều thu hút khá đông nam nữ thanh niên tham gia, gây không khí sôi nổi, phấn khởi trong những ngày Tết cổ truyền. Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong bối cảnh tình hình chung của cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ đầy hy sinh và gian khổ, dân làng không có điều kiện để tổ chức. Đó là nguyên nhân khiến trò chơi Tết ở Hội Sơn mai một dần. Đến nay, nó chỉ còn là ký ức trong lớp người cao tuổi mà thôi...[1] 



[1] Ông Huỳnh Huy, sinh năm 1933, làng Hội Sơn, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, kể

No comments: