Tuesday, March 20, 2012

HAI TRĂM NĂM XÓM... LÒ RÈN!


Ở Quảng Nam, có một địa danh nổi tiếng khắp vùng tây Đại Lộc. Đó là xóm lò rèn Phú Nhiêu, nay thuộc thôn Thạnh Phú, xã Đại Chánh. Theo các bô lão, đây là một trong những xóm lò rèn có lịch sử tồn tại ít ra cũng gần hai trăm năm, tính từ thời điểm lò rèn đầu tiên ra đời cho đến nay! 

Nghề nông hồi đầu thế kỷ XX ở Việt Nam. Ảnh tư liệu
 Người đầu tiên hành nghề thợ rèn ở xóm lò rèn Phú Nhiêu là ông Tiết, người họ Nguyễn. Đây là họ có nguồn gốc từ làng Phụng Loan, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Theo ông Nguyễn Xoa, sinh năm 1912, và là cháu gọi ông Nguyễn Tiết bằng ông cố, kể rằng thời ông Nguyễn Tiết, do chiến tranh loạn lạc nên bà nội ông Nguyễn Tiết mới cõng cha ông về quê ngoại, làng Phú Nhiêu, để lánh nạn rồi... ở lại và lập nghiệp.

Khi lớn lên, ông Nguyễn Tiết mới học nghề rèn từ ông anh rể và lập lò rèn, quanh năm suốt tháng rèn dao, mác, rựa, liềm... cho bà con khắp vùng. Tuy ông làm nghề rèn nhưng chỉ làm có...một đời rồi thôi. Lớp con cháu sau này không ai làm thợ rèn. Như vậy, tính từ đời ông Nguyễn Tiết xuống đời ông Nguyễn Xoa đã 4 đời. Trên cơ sở đó, có thể ước đoán lò rèn đầu tiên ở Phú Nhiêu xuất hiện muộn nhất cũng vào nửa đầu thế kỷ XIX, cách nay gần hai trăm năm![1]

Sau khi ông Nguyễn Tiết nghỉ rèn, lại có một thợ rèn khác tên là ông Xú người Ngọc Kinh đến dựng lều hành nghề. Có điều, ông này không lập nghiệp tại Phú Nhiêu nên khi ông nghỉ làm, không có ai là con cháu ông nối nghiệp. Xóm lò rèn Phú Nhiêu chính thức được duy trì và phát triển mạnh bắt đầu từ ông Hề, người tộc Ngô, một tộc được xem như đến sau và là dân ngụ cư ở địa phương.

Chuyện kể rằng vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX, triều đình Huế có quy định gia đình nào có ba con trai thì một người phải sung vào quân ngũ, gọi là chế độ “tam đinh thủ nhất”. Xuất phát từ nguyên nhân đó, ông nội của ông Ngô Văn Hề, vốn người Thanh Hoá, vào định cư ở thôn Tiệm Rượu, huyện Duy Xuyên đã nhiều đời, bèn dẫn một người con đi vào tận Cao Cang Trường Gà ở Quảng Ngãi một thời gian.

Rồi, không biết vì lý do gì, ông lại tiếp tục dẫn người con trai này đi theo chiều ngược lại, tức đến làng Phú Nhiêu lập nghiệp. Do từng học nghề ở thôn Tiệm Rượu nên khai vào Phú Nhiêu, ông Ngô Văn Hề vào làm phụ cho lò rèn của ông Xú, người Ngọc Kinh, đang hành nghề tại đây. Cũng theo tương truyền, cùng chạy một lần với ông Ngô Văn Hề là ông Kính, người tộc Trương. Ông này cũng phụ ở lò rèn ông Xù.[2]

Thông thạo nghề rèn, rèn giỏi nhưng trong bối cảnh những năm 1945 trở về trước, để mở một lò rèn không phải chuyện dễ. Vấn đề là phải có tiền, có bạc để có thể sắm đủ một bộ đồ nghề gồm một đôi bệ bằng gỗ sơn để thổi lửa, một bộ kèm, hai cái búa cái, hai búa con, một bộ nòng để làm cán cuốc... Do không đủ tiền nên trong tình thế bất đắc dĩ, ông Ngô Văn Hề đành phải... xin vào làm công cho ông Xú để kiếm miếng cơm manh áo hàng ngày.

Và, trong quá trình làm công ấy, ông quen biết các ông Thủ Ngữ ở làng Nam Phước, ông Tạo ở làng Thắng Lộc. Hai ông này xuất thân trong gia đình giàu có. Mỗi lần đi rèn nông cụ như cuốc, cày, liềm...các ông đều đi bằng ngựa, phương tiện đi lại dành cho giới lắm tiền nhiều bạc ở vùng nông thôn Quảng Nam hồi bấy giờ. Thấy ông Ngô Văn Hề siêng năng, lại thạo công việc, hai ông thương tình, bèn đứng ra giúp đỡ, cho mượn gạo tiền để mở lò rèn riêng.

Vậy là cả làng Phú Nhiêu lại có một lúc hai lò rèn, một của ông Xú và một cái nữa của ông Ngô Văn Hề. Sinh thời, ông Ngô Văn Hề không những truyền nghề cho con là ông Ngô Văn Quốc mà còn thu nhận con của người bạn chí cốt Trương Kính là ông Trương Nguyên làm học trò. Đồng thời, sau khi lấy bà vợ người tộc Võ trong làng, ông cũng truyền nghề cho ông Võ Đa.

Và, theo cách ấy, nghề rèn Phú Nhiêu phát triển dần. Cho nên, đến đời ông Ngô Văn Quốc, xóm lò rèn đã có tổng cộng 5 lò của các ông Ngô Văn Quốc, Trương Nguyên, Võ Đa, Võ Nhơn và Ngô Thức.

Ấy là lớp thợ rèn hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Còn đến lớp ông Ngô Văn Thành thì đông. Ngoài lò rèn của ông Ngô Văn Thành, còn có lò rèn của các ông Trương Đình Long, Trương Như Sơn, Trương Bảy, Trương Xong, Võ An, Tô Phấn và Phạm Giáo... Dĩ nhiên, sự phân chia thế hệ này, thế hệ khác suy cho cùng cũng chỉ mang tính chất tương đối.

Sản phẩm của xóm lò rèn Phú Nhiêu khá phong phú, từ rựa, rìu, dao đến  liềm, mác... đủ loại to nhỏ, với nhiều kích cỡ khác nhau. Giá tiền cũng theo đó mà ít hay nhiều.

Cảnh thường ngày ở  xóm log rèn Phú Nhiêu. Ảnh Đ.Đ
Trong quá trình duy trì và phát triển, nghề rèn Phú Nhiêu từng bước khẳng định mình. Sản phẩm của các lò rèn ở đây không những được bà con nông dân các làng ở vùng tây Đại Lộc, một số làng ở Duy Xuyên tín nhiệm mà còn được đồng bào người Cơ-tu ở huyện Nam Giang biết tiếng. Hồi ấy, rèn rựa mấu dài, rìu loại nhỏ nhằm cung cấp cho nhu cầu của đồng bào người Cơ-tu tụi tui gọi là rèn “đồ khách”. Còn rèn cho bà con người Kinh gọi là rèn “đồ thường”.

Về thương lái, trong những năm từ 1965 trở về trước, xuất hiện các ông Hai Khiết, ông Ba Tình người làng Hà Nha, nay thuộc xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, chuyên đến đặt hàng đồ khách, chủ yếu là rìu, rựa. Làm xong, khoảng từ hai chục đến ba chục cái, họ vác lên miền ngược đổi đồ về bán lại kiếm lời. Thường mỗi chuyến họ đi chừng nửa tháng rồi về để tiếp tục đi chuyến khác.

Không chỉ xuất hiện thương lái buôn bán miền ngược, số thương lái buôn bán ở miền xuôi cũng không hiếm. Có thể kể ra đây một số thương lái cụ thể như bà Trợ Sanh ở Đại Đồng, ông Khế ở Đại Tân, ông Trương Khôi ở Đại Cường... Họ thường đặt các chủ lò rèn rèn rựa, dao, liềm... rồi gánh bộ đi bán khắp nơi, từ Đại Lộc, Duy Xuyên đến Điện Bàn, Hội An... Tiếng tăm của sản phẩm lò rèn Phú Nhiêu vì thế càng vươn xa hơn[3].

Trong gần hai trăm năm duy trì và phát triển, xóm lò rèn Phú Nhiêu đã sản sinh ra không ít thợ bậc thầy. Tuy nhiên, người nổi tiếng nhất, tài hoa nhất là ông Trương Xong. Ông thuộc lớp thợ trưởng thành những năm 1940. Sản phẩm do ông chế tác độc đáo nhất là rìu. Theo tương truyền, ông Trương Xong làm rìu không những bén ngọt mà điều quan trọng nhất là lưỡi rìu chịu chẳng, tức khi tra vào không hư và nhất là “chịu chẳng”. “Chịu chẳng” ở đây là chỗ khuyết trên lưỡi rìu dùng để tra cái gọng bằng gỗ vào lưỡi rìu... Người thợ làm rìu giỏi là làm sao để khi tra cán rìu vào, lưỡi rìu không phá cán cũng như cán rìu không làm nứt lưỡi rìu.

Để làm thạo, hoàn toàn không phải chuyện dễ. Cho nên, ở xóm lò rèn, làm vật dụng thông thường thì thợ nào cũng làm được nhưng rất ít thợ chế tác rìu điêu luyện như ông Trương Xong.

Sau ông Trương Xong, ông Ngô Văn Thành trở thành người làm lưỡi rìu giỏi nhất Phú Nhiêu. Tuy có thể làm lưỡi rìu, làm ngon và cũng “chịu chẳng” như ông Trương Xong. Nhưng, chính bản thân ông Ngô Văn Thành cũng thú nhận rằng mình không giỏi bằng ông Trương Xong. Sinh thời, ông Trương Xong là người thường xuyên làm rìu loại nhỏ, rựa mấu dài... cho đồng bào dân tộc ở Nam Giang. Sản phẩm ông làm ra bao nhiêu được tiêu thụ hết bấy nhiêu.

Từ sau ngày giải phóng đến nay, nghề rèn Phú Nhiêu vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển. Theo anh Trần Văn Ảnh, thôn trưởng thôn Thạnh Phú, hiện nay cả xóm lò rèn Phú Nhiêu có tổng cộng 13 lò rèn, thu hút 39 lao động, từ thợ chính đến thợ phụ. Bên cạnh thợ chính lớp trước còn hành nghề như các ông Ngô Văn Thành, Phạm Giáo, Trương Bảy thì hầu hết là lớp sau, tuổi đời từ 40 đến 50 như các ông Phạm Đình Thanh, Tô Phương, Tô Mười, Phạm Bảy...Trong đó, thợ trẻ nhất là anh Ngô Văn Bảy, chỉ mới 34 tuổi.

Cũng như trước kia, các lò rèn gần như hoạt động quanh năm. Sản phẩm chính vẫn là các loại cuốc, rựa, dao, rìu...truyền thống.  Thông thường, nghề rèn phải từ tháng tư trở lên mới dần dần đắt khách. Tháng chạp, tháng giáp Tết lại ế... Mà ế đến ra Tết còn... ế!

Về thu nhập, bình quân mỗi thợ, cả thợ chính lẫn thợ phụ, nhìn chung từ xưa đến nay không nhiều, nhưng cũng đủ sống.. Đó là ý kiến của hầu hết thợ xóm lò rèn Phú Nhiêu. Có điều, làm việc gì cũng có cái giá của nó. Thợ rèn không tránh khỏi quy luật ấy. Mùa đắt nhất là mùa nắng. Đã nắng, nóng, họ lại phải thường xuyên phải tiếp xúc với lửa nên người rất mệt mỏi. Đó là chưa kể vì lò rèn lúc nào cũng có bụi nên nhiều người bị bệnh phổi, rồi một số khác bị bệnh về mắt. Thợ rèn nhưng mắt yếu thì hỏng, không thể tiếp tục làm được.

Có một chi tiết khá thú vị là ở Quảng Nam, cứ đến ngày mười bảy tháng hai âm lịch là ngày giỗ... tổ thợ rèn. Lễ giỗ tổ được tổ chức tại làng La Qua, nay thuộc thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn. Đó là ngày mà thợ rèn ở Quảng Nam, Đà Nẵng phải tề tựu để dự lễ.

 Lại nghe nói ông tổ thợ rèn tên là ông Lư Cao Sơn. Ông này chết đúng ngày này nên thợ rèn mới lấy đó làm ngày giỗ tổ. Ấy là chuyện trước năm 1945. Còn nay, mọi chuyện đã thay đổi. Tuy nhiên, ở xóm lò rèn Phú Nhiêu hầu hết thợ rèn chỉ cũng tổ vào đúng ngày mồng một Tết hàng năm, ngay tại nhà. Bàn thờ ông tổ thợ rèn cũng nằm ở ngay bàn thờ tổ tiên, nhưng được làm cao hơn. 





[1] Ông Nguyễn Xoa, sinh năm 1912, làng Phú Nhiêu, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, kể.


[2] Ông Ngô Văn Thành, sinh năm 1927, làng Phú Nhiêu, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, kể.


[3] Ông Trương Như Sơn, sinh năm 1925, làng Phú Nhiêu, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, kể.


No comments: