Monday, March 12, 2012

CỌP… AN BẰNG!



Nằm tiếp giáp với dãy Trường Sơn hùng vĩ, ngay từ thời xa xưa, khi đến khai canh, khai cư, người dân làng An Bằng, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, phải thường xuyên đối phó với nhiều loại thú dữ, nhất là cọp, vị chúa tể sơn lâm. Và, trong thời kỳ gần như “sống chung với thú dữ ấy”, người dân làng An Bằng đã để lại nhiều câu chuyện kể khá lý thú, hấp dẫn về việc bắt cọp, bẫy cọp, bắn voi, rồi cả chuyện bị... cọp bắt hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước! 


Đường làng An Bằng. Ảnh Đ.Đ
Làng An Bằng bấy giờ dân số thưa thớt, chưa đến 60 nóc nhà, lại ở rải rác, nhà nọ cách nhà kia nhiều khi hàng mấy trăm mét, thậm chí tính bằng cây số. Còn cây cối thì um tùm, rậm rạp. Đặc biệt, khi đến rìa làng, đã thấy núi, thấy rừng, có thể nghe cả tiếng chim kêu, vượn hú ở phía xa xa. Còn chuyện thú dữ, đặc biệt chuyện cọp thì... nhiều vô kể. Thỉnh thoảng, lại xảy ra việc trâu, bò của ai đó bị cọp bắt ăn thịt.
Không chỉ trâu, bò, cả người cũng bị chúng làm hại. Thế cho nên, ngày xưa các cụ rất kiêng cữ khi vào rừng. Nhất là không được nói chuyện bậy bạ. Mà hễ nói thì… có, linh thiêng lắm(!?). Người ta còn kể chuyện ông Chánh An, người chuyên đi than, đốt than đổi cơm, bữa nọ, xảy ra việc la lộn với hàng xóm. Trong lúc tức giận, ổng mới nói ổng làm bậy bạ thì vô núi cọp ăn... Thế mà sau đó, ổng bị cọp vồ thật. Cả đoàn đi, cọp không vồ ai cứ nhè ổng mà vồ. May mà ổng tránh được. Bà con sợ quá, phải hộ tống ổng về đến tận nhà. Nhưng về rồi, ông cứ bị ám ảnh hoài, phải bỏ xứ mà đi. Ông không dám ở lại, sợ cọp rình bắt[1].
Hiện nay, trong làng An Bằng vẫn còn một địa danh gọi là Ông Đầu. Nguyên xưa, cọp An Bằng nổi tiếng là nhiều và hung dữ ở vùng tây Đại Lộc. Người ta không biết bầy cọp bao nhiêu con nhưng hễ chúng vồ được hươu, nai hay trâu, bò đều kéo về đây ăn thịt, đầu thú cứ đầy, chỗ nào cũng có. Cho nên, người ta mới bảo đó là địa danh Ông Đầu. Rồi chuyện này nghe mới kinh khủng. Số là bữa nọ, ông Xã Nhược ra ngoài làng mua cây tre vác về nhà.
Đang vác ngon ơ, ông thấy đầu cây sao nặng như chì. Lấy làm lạ, ông nhìn lại và thất kinh khi nhận ra một con cọp đang đu cây tre. Ông sợ lắm nhưng cố giữ bình tĩnh, cố sức vác cây tre, đến ngay trước nhà, ông lớn tiếng hô “Hé cửa lên cái Lộ!”. Lộ là tên con gái ông. Nghe cha gọi, cô con gái vội vàng hé cửa. Nhanh như chớp, ông Xã Nhạn mới quăng cây tre, chạy tọt vào nhà. “Cọp đó! Cọp đó!”. Ông nói với con gái. Ở phía ngoài, con cọp nhảy xuống, bỏ chạy. Lúc này, hai cha con ông mới hoàn hồn. Chuyện thật mà như bịa.
Trong làng, cũng có một cái cửa truông gọi là truông Đò Chìm. Các cụ kể hễ ai bị cọp “bấm”, nói theo ngôn ngữ địa phương, tức bị cọp vồ, mà chết thì được đem về chôn ở truông Đò Chìm. Người ta không dám nói thật, phải nói lái. Hễ truông Đò Chìm có bao nhiêu mả thì có bấy nhiêu trường hợp bị cọp vồ. Đi củi bị vồ, đi than bị vồ, đi lấy mật ông rừng bị vồ... Vồ đủ kiểu, đàn ông có mà đàn bà cũng không ít. Và, không có cái chết nào giống nhau. Thời ấy, bị cọp vồ không phải là chuyện hiếm. Cho nên, trong cuộc sống thường ngày, ngưới ta rất đề cao cảnh giác.
Ngay cả địa danh, ngoài các dịa danh như gò Bòng, gò Lấp Sánh, gò Hóc Niêm... còn có địa danh khá đặc biệt là gò Ông Nhớ...  Gò này cọp thường phục, hễ gặp trâu bắt trâu, gặp bò bắt bò, phát hiện người đi lẻ cũng bắt nốt... Cho nên, dân làng mới đặt tên là gò Ông Nhớ, nghĩa là đến đó phải NHỚ, không nhớ thì chết. Nhớ đây là nhớ có ông cọp. Nhớ để đề phòng. Hễ cùng đi củi, cùng đi than, mà ai cất tiếng “Sắp đến gò Ông Nhớ rồi đó” là y như rằng mọi người đang chuyện trò vui vẻ ngay lập tức im bặt, mắt láo liên vì sợ.
Để phần nào hạn chế cọp vồ, dân làng An Bằng có kinh nghiệm khi vào rừng,  họ có cây chống. Cây này luôn cao quá đầu người. Phần phía trên phải vót thật nhọn. Cọp thấy đầu nhọn ấy sợ, không dám vồ, sợ cọc nhọn đâm. Nhưng, dù cẩn thận mấy, cũng có lúc phải sơ hở. Nên mới có chuyện một ông vào rừng nấu nước chè uống. Khi nước đã sôi sùng sục, ông mới dùng hai khúc cây cặp om chè lên, chẳng may, om chè bị lật úp, đổ hết xuống đất. Ổng bèn xách om xuống dưới khe Đá Nẻ định múc nước khác nấu lại. Đang lom khom múc thì bị cọp rình “bấm”. Bà con nghe tiếng la thất thanh của ông, mới bổ nhau đi tìm, truy đuổi theo dấu chân cọp. Họ không cứu được ông nhưng cũng giành được xác đem về, chôn ở truông Đò Chìm.
Cọp nhiều, lại hung dữ, nên hồi trước Cách mạng Tháng Tám, dân làng An Bằng kiêng kỵ lắm. Người ta thấy gì thì thấy, không nói bậy, không quở, cứ lẳng lặng mà đi. Có một chi tiết khá thú vị rằng xưa, người dân rất nghèo, miếng cơm hàng ngày đã khó nói gì đến các thứ khác. Thế mà, áo quần lúc ấy bằng thứ vải ta, rất xấu. Người nào giỏi giữ, cùng lắm là ba tháng sau vải cũng tự nhiên rạn, rách.
Thế cho nên, hầu hết đàn ông khi đến bìa rừng, chuẩn bị lên núi đốt củi đốt than, làm gỗ, lấy mật ong hoặc khai thác dầu rái... đều cởi truồng, tồng ngồng mà đi. Riêng đàn bà mặc yếm. Nhiều khi trong đoàn có cả đàn ông, đàn bà nhưng người ta cứ tự nhiên... cởi quần mà không cảm thấy ngượng vì từ nhỏ đến lớn, đàn ông ai ai cũng như vậy hết. Để giữ quần áo lâu rách, khi giặt, họ không “vặn” cho ráo nước như bây giờ mà lấy hai tay chập chập lại, rồi bóp mạnh. Chỉ thế thôi.
Về việc cởi truồng, làng An Bằng còn lưu truyền chuyện kể khá lý thú và hấp dẫn. Nguyên thời trước có đôi vợ chồng kia gả con gái cho gia đình nọ ở làng khác, chuyên sống về nông nghiệp, không quen đi núi, đi rừng. Chàng rể lại xin ở rể. Thời xưa, hầu hết gia đình nghèo ở An Bằng đều sống dựa vào rừng. Riêng nhà nọ lại lấy đốn củi, đốt than kiếm cơm.
Thế là, sau đám cưới, cháng rể mới theo ông gia lên rừng hành nghề. Do biết con rể mới chân ướt chân ráo vào “sơn tràng”, tất cả moị chuyện đều bỡ ngỡ nên ông gia dặn rất kỹ. Con rể một dạ hai dạ. Sáng hôm ấy, hai cha con xuất hành. Đây là buổi “ra quân” đầu tiên của chàng rể nên theo thông lệ, phải có lễ cúng “sơn thần”, xin “người khuất mặt” cho phép vào làm ăn.
Khi vào đến khe, người con rể bắc ấm, nấu nước chè rồi đem gói cơm ra, lấy rựa vót đũa, bày tất cả lên một tàng đá to, quỳ lạy, lầm rầm khấn vái. Nội dung đại khái “Hôm nay, ngày.... tháng.... năm, tui tên là....., quê quán ở...... Nay xin vào đốn củi, đốt than, kiếm miếng cơm, manh áo. Theo lệ thường, tui có chút lòng thành, xin làm mâm cơm đạm bạc, xin cô bác ai thấy nấy ăn, phù hộ cho tui vào ra thông suốt, tai qua nạn khỏi, may mắn trăm bề...”.
Khấn xong, người con rể đợi một lát, vái lại, rồi đem cơm xuống, ăn để lấy sức đi tiếp. Đây cũng là lúc hai cha con cởi quần ra, bỏ vào mo cau, lên dốc. Cứ cha đi trước, con rể theo sau. Đi một đoạn, con rể thấy đít ông già vợ sao teo riết, mới buột miệng, hỏi “Cha ơi, răng đít cha beo riết rứa?”. Ông gia nghe đến tiếng “beo” thì sợ điếng hồn. Beo với cọp thì có gì khác?. Đã dặn kỹ, thế mà... Ông gia vừa nghĩ vừa ngoái đầu lại, trừng trừng nhìn con rể, tỏ ý không bằng lòng.
Anh con rể thấy thái độ ông gia, mới nói tiếp “Chi mình nói giỡn mà ổng trở mặt hùm!”. Lần này, ông gia giận lắm nhưng cũng không nói gì. Tối về, ông gia hoàn hồn, kể với gia đình “Tui về rồi mới tỉnh, hết sợ. Thú thật, sáng nay, nghe thằng rể nói nổi da gà. Ai đời nó quở đít tui beo, tui trừng mắt thì nó bảo mới giỡn chút mà tui trở mặt hùm... Nói như rứa có ngày chết như chơi!”.
Có thể nói, cọp trở thành nỗi ám ảnh của dân làng An Bằng thời trước. Và, những người ở tuổi quá “thất thập cổ lai hi” thường nhắc đến một nhân vật bắt cọp giỏi, có tiếng của làng là ông Lê Văn Sính. Ông này rất giỏi võ, có những đòn thế rất hay, đủ sức tay không đấu với cọp. Người ta kể rằng có lần, cọp vồ trâu ông Lê Văn Sính. Ông ta nhảy ra đánh cọp khiến cọp thua, chạy thẳng một hơi.
Nhiều lần cọp vào bắt heo ở làng Lộc Phước kế bên. Mỗi khi nghe dân làng nổi mõ, la làng, ông Lê Văn Sính nhanh chân chạy vào Hóc Lách, đứng rình ngay khu vực Đá Chồng. Theo kinh nghiệm của ông, đây là nơi mỗi lần cọp lẻn vào bắt heo, bò... thường đi ngang.
Đúng y như dự kiến, ngay sau đó, cọp cắp con heo qua. Đợi cọp vừa đi sát, thình lình, ông hét một tiếng thật to, rung chuyển cả góc rừng, rồi nhắm ngay lưng con cọp, quất một roi hết sức bình sinh. Cọp trúng đòn, lại nghe tiếng hét vang dội, hoảng sợ, bỏ heo mà chạy. Ông Lê Văn Sính đem heo về, hễ có ai đến xin thì cho lại. Bằng không, ông xẻ thịt mà ăn.
Không chỉ một lần mà nhiều lần ông đã “hớt tay trên” cọp như thế. Ai bảo loài cọp không tinh khôn, riêng dân làng An Bằng lại nghĩ khác. Bằng chứng là không ít lần, “cắp” heo đến Hóc Lách, cọp thả heo xuống, rồi thình lình vồ ngay đúng lùm cây lần trước ông Lê Văn Sính đứng rình. Nhưng, ông cũng khôn ngoan hơn, hễ lần này núp lùm cây kia thì lần khác núp lùm cây nọ. Cho nên, không lần nào cọp vồ được ông.
Người ta còn kể câu chuyện khá kỳ quặc và cũng rất đáng ngờ là lần nọ, ông Lê Văn Sính ngồi trong bụi rậm quan sát bầy trâu. Bất ngờ, có ông cọp từ đâu xộc tới, ngồi... ngay trên hai bắp đùi ổng. Thế là ổng dùng hai tay đánh khiến cọp chạy thẳng một mạch vô rừng... Chuyện tưởng như đùa.
Nhưng, như người ta nói “sinh nghề tử nghiệp”, cuối cùng, ông Lê Văn Sính cũng chết vì bị cọp “bấm”. Số là hôm nọ, ông thức dậy nấu cơm để chuẩn bị đi núi thì bị cọp rình sẵn, thừa cơ hội ông không phòng bị, vồ chết ngay. Dân làng bảo con cọp vồ ông Lê Văn Sính là con cọp thù dai. Thì có chi, cứ bắt được “con mồi” nào cũng bị ông Lê Văn Sính “hớt tay trên” nên nó tức, ra tay “trả thù”. Cũng nghe kể, sau khi ông chết, chúng kép nhau đến nhà ông, “ăn” cho hết 7 con trâu trong chuồng!
Không bằng ông Lê Văn Sính, nhưng ông Xã Nhược tộc Trần cũng là người giỏi võ. Hôm nọ, có ông Du, người trong làng, bị cọp bấm, tha vào Nà Tre, một khu rừng có rất nhiều tre. Dân làng được tin, báo động, gõ mõ, la làng rầm trời.
Bấy giờ, An Bằng và An Thinh là hai làng riêng, dù mỗi làng chỉ vài mươi nóc nhà, chủ yếu tranh tre sơ sài. Như giao hẹn trước, dân hai làng khi nghe báo động, trai đinh gậy gộc, dáo mác đầy đủ tập hợp lại cứu người. Sau khi xác định nơi cọp tha, ông Xã Nhược tổ chức dân làng bao quanh. Vòng vây cứ thế siết dần lại.
Cọp hình như có linh tính, “biết” ông là người “chỉ huy”, nó rình và bất ngờ vồ ông. Nhanh như chớp, ông Xã Nhược cúi đầu, thụt người lại. Trong thoáng chốc, đầu ông ở dưới đầu cọp, hai tay ông giữ chặt hai chân trước của con cọp. Tình thế rất hiểm nguy.
Thấy thế, ông Xã Trường, con ông Xã Nhược, mới hét lên “Cha cúi đầu xuống! Cúi xuống đi!”. Ngay tức khắc, ông Xã Nhựơc cúi đầu xuống, ông Xã Trường dùng hết sức bình sinh đâm một cái thật mạnh vào họng cọp. Máu từ họng cọp phọt ra. Cọp rống lên và chết ngay tại chỗ. Thật ra, mọi việc diễn biến rất nhanh, chỉ trong tích tắc ngắn ngủi. Dù đâm chết cọp nhưng ông Xã Nhược cũng bị thương nặng và mất sau đó ít lâu.
Suy cho cùng, việc tay không đánh cọp, dùng số lượng người đông đảo để hù dọa, thậm chí rình nơi cọp thường xuyên qua lại khi bắt heo, bò... như ông Lê Văn Sính, ông Xã Nhược chỉ là biện pháp tình thế, sử dụng trong lúc cấp bách nhằm để cứu người hoặc giành lại trâu, bò bị cọp tha đi. Còn biện pháp căn cơ, chủ động hơn bảo vệ vật nuôi là làm bẫy cọp.
Ở An Bằng, ngày nay vẫn còn địa danh là Hóc Chùa, Vũng Chùa đều là nơi xưa dân làng thường xuyên đặt bẫy bẫy cọp dữ. Bẫy ở đây là những cái chòi, được làn bằng ba gốc tre già dựng lại, trong đặt con chó. Họ “thiết kế” sao cho khi cọp nghe tiếng cho sủa, lần mò vào tận nơi, thò đầu vào trong định vồ chó thì bị “dính” vào thòng lọng đã chờ sẵn. Hễ cọp càng vùng vẫy mạnh thì thòng lọng càng siết chặt lại.
Khi đó, dân làng đến, cứ việc nắm hai đầu dây siết chặt lại là xong. Chắc nhất, không bao giờ đứt là loại bằng dây được làm từ cây tre vừa sẫm lá, người ta chặt đi, rồi chẻ ra, thui và “dún” cho thật dẽo thì không bao giờ đứt được. Thường, lúc bắt cọp, dân làng xẻ thịt ra ăn chứ không nấu cao hổ cốt làm thuốc.
Cũng hồi nửa đầu thế kỷ XX, ở An Bằng xuất hiện một con cọp đực hung dữ và khôn ngoan có tiếng. Con cọp này vào bắt không biết bao nhiêu trâu, bò... mà không ai có thể “trị” nổi. Thế cho nên, khi cọp dữ hoành hành, cứ chiều, khoảng bốn giờ, dân làng ai nấy đóng cửa kỹ, không dám ra ngoài, sợ gặp phải con cọp này. Sau, nó mò xuống bắt trâu ông Xã Nhạn. Tức mình vì mất của, ông Xã Nhạn đi rình, biết được chỗ ở của nó.
Ngay lập tức, ông đi báo cho làng. Lý trưởng mới cho người đi vào tận Dùi Chiêng ở vùng cực tây huyện mới Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, mời cho bằng được ông Hội Hồng, một nhân vật nổi tiếng săn bắt cọp khắp Quảng Nam thời bấy giờ. Ông Hội Hồng nhận lời, đến điều tra tình hình, quy luật đi lại của cọp.
Tiếp theo, ông gài bẫy. Gài hôm nay nhưng mãi đến trưa hôm sau, cọp mới mắc bẫy. Đầu tiên, nó mắc một chân. Cọp định mang luôn bẫy đi nhưng bẫy nặng quá, loạng quạng thế nào, lại mắc tiếp bẫy thứ hai. Nó gầm vang, rúng động cả vùng. Dân làng biết tin, kéo đến xem rất đông.
Tương truyền, cọp dữ to như con bò. Hai chân, một chân bên phải, một chân bên trái dính chặt bẫy. Thế mà khi ông Lê Văn Lộc, người làng An Bằng, tò mò, chồm người tới dòm thử, nó gầm lên, định nhảy chồm vào người ông. May mà cú vồ ấy bị hụt. Ông Lê Văn Lộc hoảng sợ, mặt tái dại, không còn hạt máu.
Thường thường, mỗi khi gài, ông Hội Hồng gài nhiều bẫy cho chắc ăn. Hễ không trúng bẫy này thì trúng bẫy kia, không thể thóat được. Hồi ấy, sau khi cọp mắc bẫy, ông Hội Hồng để dân các làng lên thoải mái xem cọp. Sau khi bà con xem “đã thèm”, ông Hội Hồng liền vác khẩu súng hai lòng, xưa gọi là súng “cơ-líp-đu”, đến trước con cọp, nói “Thôi, mi há miệng ra, để tau giải thóat cho”.
Thật tình, ông chỉ nói vậy thôi chứ cọp lúc này vừa khát nước, vừa mệt vì trời nóng nên hai mồm đã há sẵn. Ông nhằm ngay cổ họng cọp, nổ súng. “Đoàng!”. Một tiếng nổ như đinh tai nhức óc vang lên. Cọp chết ngay tại chỗ. 
Không chỉ cọp, voi cũng từng vào phá hoa màu ở An Bằng. Một năm, bỗng từ đâu xuất hiện một con voi dữ thường xuyên vào làng tàn phá hết hoa màu của bà con. Chịu không thấu, dân làng An Bằng buộc phải đi mời ông Hội Hồng nhờ trừ khử giúp. Ông Hội Hồng bám sát voi. Cứ đến chỗ nào thuận lơị, ông leo lên cây, nhắm voi bắn. Nhưng, đã mười một phát súng nhưng voi vẫn không chịu ngã.
Voi cứ đi miết. Ông Hội Hồng lẽo đẽo theo sau. Như đi rình. Khi voi tới Khe Rèn nằm trên địa phần làng Hữu Niên, do máu ra nhiều, voi khát nước, mới lần xuống dưới suối, uống nước. Lần này, ông Hội Hồng leo lên hòn đá to, nhắm ngay lỗ tai voi nã thêm phát súng. Một tiếng nổ chát chúa như xé toang bầu không khí im ắng của khu rừng. Con vọi bật ngửa ra, nằm chết ngay tại chỗ.
Tin voi chết chẳng mấy chốc đồn khắp nhiều làng ở vùng tây Đại Lộc. Người ta ùn ùn kéo đến xem rất đông. Riêng ông Hội Hồng, sau khi bắn chết voi, ông chỉ cắt lấy đầu và cặp ngà voi khiêng đi, còn để lại tất cả phần thịt đùi, thịt mông… cho bà con.
Hồi ấy, chỉ tính thịt voi, người ta cắt đựng đến ba, bốn nong không hết. Thịt voi cũng đỏ tươi. Voi to quá nên lúc cắt, có khi người ta phải đứng vào trong bụng voi. Thế mà đầu cũng không đụng xương sườn phía trên đầu của voi. Đủ biết con voi to như thế nào.
Theo lời kể, mỗi khúc xương sườn voi phải dài đến ba thước tây, to bằng cây kèo nhà, cong cong. Vì vậy, họ phải dùng rìu mà bửa. Cứ người nào cắt thịt cứ cắt, người nào bửa xương sườn... cứ bửa, loạn xạ cả lên. Sau đó, bà con ai muốn lấy bao nhiều thì lấy. Chỉ loáng sau, cả ba nong thịt đều sạch trơn. Của trời cho mà, ai hơi sức đâu phân chia cặn kẽ!





[1] Ông Lê Văn Pháp,  sinh năm 1927, làng An Bằng, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, kể

No comments: