Monday, January 16, 2012

HOÀI NIỆM TẾT XƯA…

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo bánh chưng xanh”

Trong ký ức xa mờ của tuổi thơ, Tết, với tôi, đến sớm. Ngay từ hai mươi tháng chạp trở đi, cái làng quê nhỏ của tôi đã sực mùi… Tết. Ấn tượng đầu tiên là pháo Tết. Thỉnh thoảng, lại có vài tiếng pháo nổ đì đẹt. Chỉ là pháp tép, loại pháo nhỏ, rẻ tiền. Quê nghèo, làm gì có pháo to, tiếng nổ giòn? Nhưng, tiếng pháo, dù là loại pháo tép, nổ đì đẹt, lại quan trọng biết nhường nào. Nó là tín hiệu như nhắc nhở, rằng Tết đã cận kề. Nghe pháo Tết, tôi thấy tâm trạng mình sao bồi hồi, háo hức lạ thường. Rồi, vào những hôm trời có nắng, nhà nhà lại rộn ràng tráng bánh tráng. Tôi nhớ như in rằng bánh tráng Tết dĩ nhiên khác với bánh tráng thường. Chiếc bánh dày hơn, lại có thêm mè, chút đường, tí gừng, trông thật đã con mắt. Ngày Tết, mẹ tôi thường nướng loại bánh này. Chỉ nghe cái mùi bánh thơm muốn nứt mũi, tôi đã nghe cồn cào trong bụng. Đó là chưa kể ở khắp làng trên, xóm dưới, người ta lại tất bật chuẩn bị bánh trái Tết. Dọc đường, lại không thiếu người rang… nếp thuê làm bánh nổ, làm những hạt nếp no tròn nhảy múa trong những chiếc chảo to, bung ra như những cánh hoa máu trắng nõn, tỏa mùi thơm lừng trong không gian. Rồi, trong những ngày này, đi đâu tôi cũng nghe các mẹ, các chị hỏi nhau, đại loại “Này, nhà bà làm bánh nổ chưa? Nhà tui năm ni làm sớm lắm…”. Vậy đấy, cái không khí Tết như tràn ngập, như phủ đầy xuống làng tôi, khiến bọn trẻ như tôi luôn có cảm giác chộn rộn khác thường. Tôi mong Tết sao không đến sớm thêm chút nữa, để tôi được ăn ngon, mặc đẹp. Và, thỏa thích đắm mình trong không khí Tết.
Tet que

Càng gần đến hai chín, ba mươi tháng chạp, nhà nhà càng chuẩn bị Tết khẩn trương hơn. Bởi, Tết, nói như mẹ tôi thường nói, đã “đuổi sát đít rồi!”. Đây cũng là thời điểm cứ đôi ba nhà, lại có nhà mổ heo ăn Tết. Mổ heo Tết, chia heo Tết, hớn hở xách rổ thịt heo Tết, xâu thịt heo Tết về nhà trở thành hình ảnh không thể thiếu ở làng tôi mỗi dịp Tết đến, xuân về. Tôi nhớ mỗi sáng, khi vẫn còn chìm trong giấc điệp, tôi thường bị đánh thức sớm bởi tiếng heo bị thọc tiết kêu eng éc khắp đầu trên xóm dưới. Nhà tôi, cũng như nhiều nhà khác, năm nào cũng làm heo ăn Tết. Heo Tết, theo thói thường, được mẹ tôi nuôi để dành từ gữa năm. Mẹ thường bảo “Heo ni là heo Tết”. Trong nhà, tiếng nói của mẹ có “trọng lượng” nhất vì mẹ tay hòm chìa khóa. Mẹ bảo heo Tết tức thị là heo… Tết. Ba tôi, thường chỉ cười, gượng nói, như chữa thẹn “Heo mô chẳng là heo, miễn rằng có heo mà ăn Tết”. Đã gọi là heo Tết nên dù túng bấn mấy, mẹ tôi cũng cương quyết không bán. Tết, không có thịt heo, còn ra thể thống gì. Đặc biệt, khi mổ heo, ba tôi là người “chủ công”. Ông lo chuẩn bị mọi thứ. Dao ngay từ hôm trước ông đã mài sao cho thật bén. Rồi, ông cắt lá chuối để lót trên chiếc nong. Sáng hôm mổ heo, tôi không thể nào ngủ yên vì tôi nghe tiếng ông và chú Bảy bên nhà qua làm giúp bắt heo sau chuồng, rồi tiếng heo kêu nghe kinh tai nhức óc. Nhưng, tôi vẫn nằm lì trên giường. Gần Tết, nhiều năm, trời lạnh như cắt da, tôi thu lu trong chăn, nằm ráng. Và, khi tôi dậy, trời đã sáng tỏ. Nhà tôi bấy giờ đông người lắm. Họ đến để chia thịt heo Tết. Này chú Bảy, rồi chú Bốn, thím Hai… Năm ít, cũng bốn, năm người. Nhiều, có khi lên sáu, bảy người. Cứ heo lớn, cứ ai hỏi chia, mẹ tôi cũng gật. Còn heo nhỏ, không thể chia nhiều.
Không chỉ chia thịt heo Tết, họ còn đến để kể nhiều chuyện thượng vàng hạ cám. Nào là nhà bà Ba năm nay làm con heo mỡ ơi là mỡ, trông phát ngấy. Nào là chú Tám vừa đón thắng con ở xa về, nghe nói làm ăn phát đạt lắm, Tết năm nay chắc ăn Tết to đây… Trong đó, kể hăng say nhất chú Năm Rô, nhà ở bên kia bàu. Chú là người trong tộc, ốm tong teo nhưng có bà vợ mập. Nhà chú có thể nói nghèo… rớt mồng tơi. Ba tôi, lúc vui miệng, kể rằng do không có ruộng đất tư nên nghề nghiệp chính của ông là đi củi, đốt than đổi cơm. “Ổng quanh năm nợ. Cứ nợ chồng nợ, nợ đến mức ngóc đầu không nổi, trỗi đầu không dậy. Đến bữa, cơm cũng không có để  ăn…”.  Tôi nghe nói liền tròn xoe mắt. Ừ, ổng nghèo thế, chia thịt, lấy tiền mô mà trả? Tôi tự vấn nhưng không dám hỏi. Hỏi, không chừng còn bị la. “Con nít biết chi mà hỏi”. Câu này tôi nghe đã nhàm tai rồi. Và, tôi sợ. Còn mẹ tôi, lại bảo nhà chú nghèo một phần cũng vì bà vợ. Bà này hễ không đi chợ thì thôi, mỗi lần đi, làm chi cũng ăn tô mì Quảng. “Đàn bà rứa thì chết”. Mẹ tôi chì chiết. Trong ký ức non nớt của tuổi thơ, tôi không thể hình dung nổi chú Năm Rô nghèo do không có đất ruộng, phải quanh năm suốt tháng đốn củi đốt than hay chủ yếu do bà vợ ăn vặt? Tôi nhớ, trong những người đến chia thịt, chú Năm Rô là người luôn luôn chia… ít nhất. Nhận phần thịt của mình xong, chú te te xách về, khuôn mặt hớn hở trông thấy. Cứ nhìn ánh mắt, thái độ của chú, tôi mường tượng rằng lúc đó, chú như vừa hoàn thành xong một sứ mệnh tuy khó khăn mà có ý nghĩa… trọng đại, sống còn hay sao ấy!
Đã gần bốn mươi năm trôi qua với biết bao vật đổi sao dời. Thế nhưng,  mỗi lần Tết đến, Xuân về, những ký ức, hoài niệm về Tết xưa, Tết ở một làng quê nhỏ của Quảng Nam thương yêu, luôn sống mãi trong tôi. Thảng hoặc, tôi như nghe đâu đây tiếng pháo tép đì đẹt, rồi mùi thơm ngào ngạt của bánh nổ, của bánh tráng Tết nướng giòn… Không khí Tết, bầu không khí rộn ràng, háo hức như trở lại bên tôi, hiện hữu trong tôi. Và, nhất là hình ảnh chú Năm Rô te te xách xâu thịt heo Tết hớn hở về nhà như ghi đậm trong tiềm thức. Mẹ tôi giờ đã già, lụm cụm. Tuy nhiên, khi nhắc đến Tết quê xưa, bà hay nhắc nhiều thứ. Có lần tôi hỏi chuyện chú Năm Rô, bà bảo hồi ấy, nhà chú ấy nghèo quá, chia thịt heo Tết là chia thế, nhưng nhiều lần đi đòi tiền, mới đến nhà, bà không thể mở miệng “Có năm mẹ cho luôn. Rồi, cũng có năm, nhà có việc cần, nhờ chú làm giúp, coi như trả nợ. Ở đời, còn có chữ tình…”.  Bà nói, giọng nhỏ nhẹ, như nhắc nhở tôi về đạo lý muôn thuở của đời người. Bây giờ, dù ở phố, nhưng thỉnh thoảng, tôi có về thăm quê. Điều đáng mừng là chú Năm Rô không còn nghèo… rớt mồng tơi như xưa nữa. Chú không giàu nhưng cũng có của ăn của để. Tết, chú có thể đàng hoàng chia thịt heo Tết và ăn một cái Tết cho ra… Tết!

No comments: