Saturday, January 28, 2012

CÁ THẦN ĐẠI LÃNH

Cách đây gần 50 năm, vào mùa hè năm 1963, ở một cái bàu nằm trên một cái gò thuộc xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, xuất hiện một con cá lớn, dài khoảng 1,2 mét, mình thon như con cá chình, màu đen, trên lưng cá có viền màu đỏ, cả đuôi cá cũng xoè ra, màu đỏ. Không  ai biết nguồn gốc của con cá lạ này. Nó không giống với nhiều con cá khác. Một đồn mười, mười đồn trăm. Dân trong và ngoài làng kéo nhau đi xem cá. Bấy giờ, Đại Lãnh còn thuộc vùng kiểm soát của chính quyền Sài Gòn. Và, trong thanh niên, chúng lập ra cái gọi là “thanh niên chiến đấu”. Chúng trang bị cả súng, lựu đạn. Nghe bà con kháo nhau về cá lạ, bọn thanh niên chiến đấu mới nổi máu, muốn… thịt con cá lạ. Thế là cả tốp thanh niên chiến đấu mới đem lựu đạn đến bàu Quyền, cứ phát hiện cá lạ trồi lên chỗ nào là ném lựu đạn chỗ ấy. Nhưng, kỳ lạ thay, cả mấy chục trái lựu đạn đều ném hết nhưng cá lạ vẫn không… trầy vi tróc vỏ mới lạ. Thỉnh thoảng, cá lạ cứ nổi như khiêu khích đám thanh niên chiến đấu.
Bàu Quyền ở gò Trao nơi có cá thần. Ảnh Đ.Đ

“Chơi” lựu đạn không được thì dùng súng. Đám thanh niên chiến đấu bảo nhau. Thế là cứ ba khẩu súng garant chúng nhắm một chỗ. Mười lăm thanh niên nhắm năm chỗ. Nghĩa là gần như hết cả cái bàu rộng. Mỗi khi cá lờ đờ nổi lên chỗ nào, chúng bắn chỗ ấy. Súng nổ như đinh tai nhức óc. Cá cứ tự nhiên, nổi lên, bơi chừng năm thước, rồi lặn xuống hồ. Mười phút sau lại nổi lên, rồi bơi, rồi lặn… Cuối cùng, đám thanh niên đang “hăng máu vịt” này cũng đành chịu thua, không làm gì được, phải thất thểu bỏ về. Ừ, lạ thật là lạ. Còn dân làng cho rằng  cá mà ném lựu đạn không chết, bắn không  thủng, tất nhiên là cá thần. Chỉ có cá thần mới có khả năng đó. Thế là tiếng đồn thoáng chốc vang xa. Nhiều bà con mới đến bàu Quyền, chờ cá thần lên để “xin” nước về uống trị bệnh. Không rõ tác dụng ra sao nhưng càng ngày, dân kéo đến càng đông. Bấy giờ, không chỉ dân ở nội tỉnh mà có rất nhiều bà con ngoại tỉnh, thậm chí ở ngoài Huế, Quảng Trị, đến tận Sài Gòn cũng có nhiều người lặn lội vào tận Đại Lãnh, tìm đúng bàu Quyền, nơi có con cá họ gọi là cá thần để “xin” nước. Có ngày, khách thập phương đến quá đông, xe cộ để chật đường.
Ngô Đình Diệm dự lễ khánh thành đường Bà Nà  Bạch Mã do Ngô Đình Cẩn chủ xướng xây dựng. Ảnh tư liệu.

Sự việc chẳng mấy chốc đến tai quận trưởng quận Thượng Đức là Lê Trung Hiền. Vốn là người theo Công giáo, nghe bà con bàn tán xôn xao, Lê Trung Hiền không tin, cho là mê tín, bịa đặt, làm sao có chuyện con cá mà ném lựu đạn không chết, bắn không thủng? Hoang đường quá. Chưa kể chuyện người dân đến “xin” nước chữa bệnh tụ tập đông quá, chính quyền không quản lý nổi. Hơn thế nữa, cũng không thiếu những thành phần bất hảo, thừa lúc lộn xộn để móc túi, gây tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự. Thế là quận trưởng Lê Trung Hiền sai lính đem xuống 5 quả mìn làm bằng thuốc nổ TNT, quyết giết chết kỳ được con cá. Mìn nổ long trời lở đất nhưng lạ thay, cá hình như có phép… thần, cứ nhởn nhơ như trêu chọc. Tức quá, Lê Trung Hiền mới lệnh cho bọn lính mượn lưới của bà con quanh vùng đem đến giăng ra mà bắt. Rốt cuộc, bọn lính hì hục giăng, kéo suốt cả buổi, con cá lạ vẫn thoát. Đến nước ấy, Lê Trung Hiền chào thua. Ông ta cũng không thể cấm bà con đến “xin” nước thần từ bàu Quyền. Làm sao cấm nổi?
Chuyện xin nước từ cá thần Đại Lãnh cứ diễn ra hết ngày này sang ngày khác. Có ngày ít, ngày nhiều. Mãi đến tháng 11 năm 1963, mưa như trút nước. Trời lụt khá to. Nước mênh mông. Cá thần cũng biến đi mất. Đó cũng là thời điểm Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Người dân làng Hà Dục nói riêng và Đại Lãnh nói chung bảo đó là điềm báo. Thế cho nên, họ mới đặt cái gò ấy là gò Trao, còn cái bàu ấy là bàu Quyền. Tức là gò Trao bàu Quyền, ghép lại với nhau thành “trao quyền”. Tức khi cá thần xuất hiện ở gò Trao bàu Quyền thì Ngô Đình Diệm phải “trao quyền” lại cho người khác. Và, từ khi cá thần đi mất, không ai còn bén mảng đến gò Trao bàu Quyền “xin” nước thần chữa bệnh nữa. Nhưng, câu chuyện về sự xuất hiện của con cá thần vẫn được các thế hệ người dân Đại Lãnh kể nhau nghe như một câu chuyện mang tính chất huyền thoại từ đời xửa đời xưa nào đó[1]


[1] Ông Trương Tâm Cang, sinh năm 1931, người làng Hà Dục, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, kể.

No comments: