Thursday, January 5, 2012

BÁNH TRÁNG TẾT XỨ QUẢNG

Tết thì có nhiều thứ để sắm. Nào thịt Tết, bánh Tết, áo quần Tết và cả... bánh tráng Tết. Vâng, đã là ngày Tết, nhất là Tết trên đất Quảng Nam mà thiếu bóng dáng của những chiếc bánh tráng nướng dòn trông thật ngon để ăn Tết thì.. chả ra làm sao cả. Cho nên, dù gì thì gì, năm hết, Tết đến, không nhà nào không kiếm ít bánh tráng Tết. Có người, nhất là các mẹ, các chị ở quê, thường tự tay mình tráng ít bánh tráng Tết thật đặc biệt. Cũng có người đặt mua ở chỗ quen biết, có uy tín, ít ràng bánh tráng thượng hảo hạng để dành cho… Tết!

Thật ra, bánh tráng đâu không có. Người Bắc gọi bánh tráng là bánh đa. Bánh đa nướng dĩ nhiên thơm ngon, dòn rụm hết chỗ chê. Còn ở Bình Định, xứ sở của cây dừa, lại có bánh tráng dừa được liệt vào hàng đặc sản. Loại bánh này nướng lên, cứ nhìn chiếc bánh cong phồng, toả mùi thơm ngạt mũi, đã thèm ăn lắm rồi. Riêng bánh tráng Quảng Nam, tuy không nổi tiếng bằng bánh đa ngoài Bắc, bánh tráng dừa Bình Định nhưng là địa phương có nhiều loại bánh tráng, từ bánh tráng gạo đến bánh tráng sắn, bánh tráng bắp, bánh tráng khoai. Trong đó, phổ biến nhất vẫn là bánh tráng làm bằng bột gạo. Bánh tráng bột gạo cũng chia ra làm nhiều loại, từ bánh tráng mỏng đến bánh tráng dày, bánh tráng đường, bánh tráng mè, rồi bánh tráng lề. Riêng loại bánh tráng lề là loại bánh mỏng, chỉ dùng để cuốn bánh tráng thịt heo, món ăn đặc sản của người Quảng. Nhiều người cho rằng bánh tráng dày, ngon nhất nổi tiếng nhất là bánh tráng dày có xuất xứ từ Đại Lộc. Còn bánh lề, không đâu sánh bằng bánh lề Phú Chiêm, một làng nghề tráng bánh lề nổi tiếng nhất của Quảng Nam.
Cảnh làng quê xưa. Ảnh tư liệu

Đã thành lệ, cứ vào cỡ tháng chạp âm lịch hàng năm, khắp các vùng quê Quảng Nam, rồi đến vùng ngoại ô Đà Nẵng, đâu đâu bà con cũng dựng lò tráng bánh.Tết. Người nhà quê xưa nay vốn nghèo, kiếm ra đồng tiền, bát gạo không phải chuyện dễ. Các chị, các mẹ lại khéo tay, muốn tự mình tráng bánh Tết, trước là khỏi phải tốn tiền mua ngoài chợ, hai là dành tiền mua các thứ khác. Thôi thì năm hết, Tết đến, có cả ngàn thứ phải mua sắm, tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy. Cho nên, vào khoảng thời gian này, khi trời hanh nắng, rảo khắp xóm thôn, sẽ thấy khung cảnh khá vui mắt với hình ảnh những vĩ bánh tráng phơi đầy trước sân, ngoài ngõ như báo hiệu mùa xuân mới đã cận kề.
Ngày Tết, người xứ Quảng hay dùng hai loại bánh chính là bánh dày và bánh mỏng. Bánh tráng dày thường được các mẹ, các chị gia thêm chút đường, rắc ít mè để khi nướng lên, chiếc bánh sẽ tăng thêm sự thơm ngon, ngọt. Bánh tráng dày ngày Tết thường được nướng giòn, trông rất hấp dẫn luôn hiện diện ở vị trí trang trọng nhất trên mâm cỗ ngày xuân. Để rồi, khi cúng xong, ngồi vào bàn, công việc đầu tiên là...bẻ những chiếc bánh tráng dòn rụm ấy thành từng miếng nhỏ để cả gia đình, anh em ăn mỗi người vài miếng “khai vị”. Bánh tráng Tết ngon đã đành nhưng âm thanh rào rạo phát ra khiến không khí Tết càng... Tết thêm. Còn bánh mỏng, chủ yếu dùng để cuốn bánh tráng thịt heo, món ăn được liệt vào hàng đặc sản của người xứ Quảng. Ngày thường, lâu lâu người Quảng mới ăn bánh tráng thịt heo nhưng ngày Tết hầu như bữa nào cũng có. Khách ghé nhà, khi gặp bữa, bánh tráng thịt heo là thứ không thể thiếu.
Bánh Tết không chỉ ăn trong Tết. Và, với nhiều người, Tết không chỉ có ba ngày. Cho nên, bánh tráng Tết theo lệ thường bà con tráng khá nhiều. Ra Tết, số bánh còn không ít. Thế là người Quảng cứ ăn... lai rai. Vì chỉ ăn... lai rai nên nhiều gia đình đến hết tháng giêng cũng còn... vài chiếc. Dĩ nhiên, ấy là những chiếc bánh tráng dày. Ngoài chuyện ăn chơi, ăn lúc thèm ăn, cũng không hiếm gia đình dùng loại bánh nướng thơm ngon này kẹp với bánh tổ chiên dòn, loại bánh đặc sản Quảng Nam còn lại trong ngày Tết để ăn thì sự thơm ngon, ý vị càng tăng lên gấp bội lần. Bánh tráng, ngày thường trong nhà có hay không cũng chẳng chết ai. Nhưng ngày Tết, với người Quảng không thể không có. Thế cho nên, đến hẹn lại lên, khi mùa đông rét lạnh bắt đầu chuyển sang tiết xuân ấm áp, báo hiệu năm mới sắp về, người dân xứ Quảng, dù ở đồng bằng, nông thôn hay chốn đô thành nhộn nhịp, gia đình nào cũng chuẩn bị những ràng bánh Tết thật bắt mắt. Để rồi, ngày mồng một, mồng hai… trong mâm cỗ đầu xuân, giữa tiết trời se lạnh, nướng vài chiếc bánh tráng loại đặc biệt sao cho dòn rụm, trước cúng ông bà tổ tiên, sau thưởng thức hương vị đậm đà, thơm ngon giữa không khí hân hoan của những ngày nguyên đán quả thật tuyệt diệu biết nhường nào!


No comments: