Tuesday, June 4, 2013

SỰ TÍCH LĂNG BÀ, CHỢ BÀ


Lăng Bà và chợ Bà, nay thuộc thôn Bình Hòa, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, gắn liền với truyền thuyết dân gian khá hấp dẫn. Theo truyền thuyết, thời xa xưa, làng Bình Hòa chưa có chợ. Rồi, một ngày kia, ngay bên bờ sông Trường Giang chảy qua làng, không biết ở đâu tấp vào xác chết của một phụ nữ. Nghe dân làng báo tin, viên lý trưởng làng, dĩ nhiên, vội ba chân bốn cẳng báo lên trên. Gì thì gì, có người chết, tức có án mạng, không báo quan không được. Quy định là vậy. Lý trưởng phải chấp hành. Sau khi được tin báo, quan xuống khám. Rồi, quan kết luận xác chết là của một phụ nữ người Tàu. Mọi người đoán giá đoán non có lẽ bà này qua tìm chồng, chẳng may bị sóng to, gió lớn làm lật thuyền, tàu chìm nên bị chết chứ không ai giết hại cả. Thế là dân làng đem xác chôn ở cạnh bến sông. Điều kỳ lạ từ khi có mộ của người phụ nữ xấu số này trong làng, ai có việc gì, nếu đến “xin” đều được bà giúp đỡ, phù hộ. Tiếng “lành” đồn xa. Không chỉ người trong làng, người ngoài làng cũng đến khấn vái. Thấy bà quá linh thiêng, dân làng mới góp tiền làm lăng, gọi là Lăng Bà. Hàng năm đều có tổ chức tế lễ.


KHU VỰC TRƯỚC LÀ CHỢ BÀ NẰM ĐỐI DIỆN VỚI LĂNG BÀ. ẢNH Đ.Đ

Có thể nói, từ khi có Lăng Bà, người ta đến “xin” Bà giúp đỡ ngày càng đông. Điều tất nhiên, khi đến “xin” Bà giúp, người ta phải mua sắm tí lễ vật, nhiều thì bánh trái, hoa quả, ít cũng nải chuối, hương đèn… Thế là mấy nhà xung quanh lăng bà có sáng kiến đứng ra bán hương đèn, hoa quả, bánh trái. Mà, Bà càng thiêng thì bánh trái, hoa quả bán càng đắt. Không những vậy, những người ở xa, có khi đi nửa ngày đường mới đến, cần có chỗ ăn. Mấy quán ăn nhờ vậy cũng ra đời. Lý trưởng làng thấy việc buôn bán ở Lăng Bà phát đạt, mới nhân cơ hội đứng ra lập chợ, gọi là chợ Bà. Lăng Bà và chợ Bà đều ở cùng một địa điểm. Chợ Bà ở sát bến sông thì Lăng Bà cũng ngay ở đó. Xưa, chợ Bà là chợ lớn của khu vực. Chợ Được ở gần đó tuy có tiếng tăm nhưng hàng hoá buôn bán còn thua chợ Bà. Chợ thu hút không chỉ ghe thuyền ở Hội An, Duy Xuyên mà còn một số địa phương khác ở Quế Sơn, Tam Kỳ... Là chợ lớn, có tính chất trung chuyển nên chợ “họp” rất sớm, bắt đầu từ bốn giờ sáng, đông nhất 5 giờ, đến 6 giờ sáng chợ bắt đầu “tan”. Lúc này, chợ chủ yếu phục vụ người dân trong và ngoài làng đến mua thức ăn, hàng tiêu dùng hàng ngày. Gần trưa, người ta dọn dẹp, về nhà. Chợ Bà, do vậy, còn có thể gọi là chợ mai.
Xưa, ghe thuyền ghé bến chợ Bà tấp nập, có lúc lên hàng chục chiếc, đậu chật cả bến sông. Hàng mua đi chủ yếu nông sản như khoai lang, đậu phụng. Hàng đến bán là vải vóc, mắm muối, dầu thắp... Đặc biệt, ở Bình Hoà có xóm đánh bắt cá, tôm trên khúc sông Trường Giang chảy qua làng có tên gọi xóm Nò. Thế cho nên, đây cũng là một trong những mặt hàng chính của “thương hiệu” chợ Bà thời trước. Người ta không những mua hàng rồi chuyển xuống ghe đi các nơi mà còn... gánh bộ ra bán các chợ ở Thăng Bình, Quế Sơn, nhất là chợ Hương An. Ở chợ Bà, hồi trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có hai người Tàu. Đó là ông Khách Nấu và ông Bảy Gián. Trong đó, mặt hàng ông khách Nấu kinh doanh mạnh nhất là vải vóc. Riêng ông Bảy Gián chủ yếu kinh doanh rượu. Ngoài hai hiệu buôn người Tàu, số còn lại là người Việt. Buôn bán “bề thế” một chút có bà Đảng, ông Nguyễn A rồi ông Hoàng, ông Tổng Ngự, ông Duyên... Ngoài bà Đảng, ông Nguyễn A bán hàng tạp hoá, về hàng ăn uống có ông Tổng Ngự bán bún thịt bò, bà Diên bán mì Quảng. Mì Quảng là mì có nước nhưn cá. Hàng ăn bán cả ngày.
Trong số những người kinh doanh ở chợ Bà, ông Nguyễn A nổi tiếng là người giàu có, và là một trong số rất ít hộ ở Bình Hoà xây được nhà lầu đầu tiên. Ông còn có cả một chiếc ghe chạy tuyến đường đến Hội An. Sinh thời, ai túng thiếu, ông đều bán, nhưng phải chấp nhận giá cao hơn. Người ta bảo do ông ăn ở “căn ke”, không được hào phóng, rộng rãi nên khi mất, số phận khá hẩm hiu. Riêng ông Hoàng có đến hai bà vợ. Nguyên bà Đảng, người Kim Bồng, vào buôn bán ở chợ Bà. Bà có người con trai tên Tùng. Ông này lấy con gái ông Xoài. Khi ông Tùng mất, vợ ông Hoàng mới thúc giục chồng vào lấy con gái ông Xoài “Ông mà không lấy, hắn về làm dâu họ, tài sản coi như về tay người ta”. Nhờ đó, ông Hoàng vừa có cơ sở kinh doanh ở chợ Bà vừa có cơ sở kinh doanh ở chợ Việt An. Đáng chú ý, bà vợ ở Việt An có thuận lợi trong việc mua một số mặt hàng dùng làm thuốc Bắc như sa nhân, sâm, quế... Bấy giờ, bà con các dân tộc sau khi đào, mang xuống chợ Việt An. Ngay tại đây, vợ ông Hoàng tổ chức cơm ăn, có cả rượu. Ăn uống no say xong, lúc họ về, ông mới bảo “Này, các ông lấy ít nhiều chi chớ?”. Bà con cười, đáp “Thôi mà, mi cho tao ăn, tao cho lại mi mấy thứ đó, tiền nong chi!”. Có thể nói, nhờ lợi thế đó, ông Hoàng phất lên nhanh chóng.

LĂNG BÀ HIỆN NAY. ẢNH Đ.Đ

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, cũng như nhiều chợ khác ở Quảng Nam, chợ Bà phải giải tán. Để tránh máy bay Pháp phát hiện, thả bom, người ta chỉ “họp chợ” nhỏ lẻ, chủ yếu ở các xóm. Sau năm 1954, chợ Bà mới được lập lại. Lúc này, chợ toàn người Việt. Số bà con Hoa kiều đã tản đi các nơi. Có người ra Hội An, có người ra Đà Nẵng. Thời kỳ này, ở chợ Bà, buôn bán nổi nhất có ông Năm Đức. Ông này chuyên buôn thóc gạo, các loại đậu. Kế đến là bà Hoàng bán tạp hoá, bà Bảy Ta bán mì Quảng... Đặc biệt, có ông Lương Năm bán cơm. Nhưng sau, cơm ế nên ông  quay sang bán mì Quảng.  Nhìn chung, trong thời kỳ này, chợ Bà không còn giữ được vị trí là chợ khu vực, đóng vai trò trung chuyển hàng hoá trong vùng nữa. Chợ Bà dần dần trở thành một ngôi chợ quê, như hàng trăm ngôi chợ quê ở xứ Quảng.
Đầu những năm 2000, chính quyền xây dựng chợ mới nằm cách xa địa điểm cũ chừng 500 mét. Vậy là lần đầu tiên, Lăng Bà và chợ Bà nằm cách xa nhau nửa cây số. Nhưng dù xa hay gần, Lăng Bà và chợ Bà ở Bình Hòa mãi mãi lưu giữ trong dân gian những ký ức, những câu chuyện kể lý thú về một thời quá vãng khó phai mờ trong ký ức…




No comments: