Saturday, May 11, 2013

SỰ TÍCH MỘT LÀNG HƯƠNG


Ngày Tết, bên cạnh thịt thà, bánh trái, người dân còn phải mua một vài thẻ hương, bó hương thắp ba ngày đầu năm mới. Hơn thế nữa, Tết mà không có hương trầm, hương thơm thì… chả ra làm sao cả. Ở xứ Quảng, có nhiều địa phương làm hương, sản xuất hương phục vụ nhu cầu hương Tết cho bà con. Đặc biệt, làng hương Phú Lộc, nay thuộc khối Trung An, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, là một trong những làng hương truyền thống nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam. Làng hương đã đi vào dòng văn học dân gian với những câu hát mộc mạc, trữ tình “"Phú Lộc ngan ngát hương thơm/ Mời anh ghé lại nghe đồn câu ca". Và, xung quanh sự ra đời của làng hương Phú Lộc, có sự tích khá lý thú và hấp dẫn
Chuyện kể rằng làng Phú Lộc xưa có tên dân dã là Bàu Tròn Châu. Nguyên cạnh làng có một bàu nước được tạo thành bởi một nhánh sông chết tách ra từ sông Vu Gia. Nó trải ra theo chiều dài của làng, ăn sâu xuống, giáp với các làng Ái Nghĩa Nam, Mỹ Tây và Quảng Hóa Phú. Góp công khai phá mảnh đất này là tứ tộc tiền hiền gồm Lê, Đỗ, Trương và Hứa. Họ vừa phát bói dựng nhà làm ruộng vừa trồng bói để giữ phù sa, thúc đẩy quá trình bồi tụ, biến bãi đất bồi ven sông, lau bói um tùm thành xóm làng trù phú, đất ruộng màu mỡ tốt tươi. Về thời điểm ra đời, theo Địa bạ Thái Đức giáp niên, một tài liệu cổ còn ghi lại thì đến năm 1785, làng Phú Lộc đã khai khẩn được 60 mẫu đất hoang, tạo điều kiện định canh định cư, ổn định cuộc sống lâu dài. Như vậy, ước tính ngay nửa đầu thế kỷ XVIII, những cư dân Việt đầu tiên đã đặt chân lên làng Phú Lộc, chọn đây làm nơi lập nghiệp của mình.

Cảnh thường ngày ở làng hương Phú Lộc. Ảnh Đ.Đ

Về nguyên nhân xuất hiện nghề làm hương ở Phú Lộc, lại có câu chuyện kể gắn liền với thời kỳ... mang gươm đi mở cõi. Nguyên, trong tứ tộc tiền hiền, tộc Hứa không có đất ruộng ghi trong sổ bộ của Địa bạ Thái Đức giáp niên. Lúc bấy giờ, tiền hiền của tộc Hứa là ông Hứa Tàu thường đi đây đi đó. Trong những chuyến làm ăn xa, ông có dịp tiếp xúc, học hỏi nhiều. Thế rồi, một ngày kia, dân làng thấy ông bắt tay vào việc sản xuất hương thắp. Tò mò, mọi người kéo đến xem. Hóa ra, ông đã học được nghề làm hương và quyết tâm lấy đó làm nghề sinh sống chính của mình. Từ ngày có nghề mới này, người ta thấy ông chỉ cặm cụi làm hương mà kinh tế gia đình ông khá hơn trước nhiều. Nghĩa là nghề có đất dụng võ, có môi trường hoạt động. Cho nên, dân làng để ý học hỏi làm theo. Làng nghề ra đời. Tính ra, tuổi của làng nghề trùng với tuổi của làng, nghĩa là cách nay đã trên hai trăm năm. Tương truyền, hồi mới tập tò làm hương, ông Hứa Tàu tỏ ra rất công phu, cẩn thận. Nguyên liệu chính để làm là lá bời lời, một loại lá mọc trên rừng. Để bứt lá, ông phải lặn lội lên núi. Lá hái về, ông dùng nước rửa thật sạch, sao cho bụi, đất không còn bám vào lá. Xong xuôi, ông phơi lá cho ráo nước trước khi hong bằng than cho giòn rụm. Tiếp theo, lá được bỏ vào cối giã nhuyễn thành bột mịn, trộn với ít bột lá quế cho thơm rồi nhào với nước thật dẽo để bắt vào que tre đã vót sẵn bằng tay. Cuối cùng, trước khi phơi, que hương được lăn thêm một lần nữa để bột bị ép chặt vào que, không rời ra lúc di chuyển. Cứ thế, làm từ que này đến que khác đến khi hết bột mới thôi.
Thật ra, không chỉ lá bời lời, người dân Phú Lộc còn có thể làm hương bằng nhiều loại lá rừng khác như lá mô, lá trường, lá bướm, lá giỏ giẻ… là những thứ lá có chất dẻo, tạo độ kết dính tốt, thích hợp dùng làm nguyên liệu để sản xuất hương. Ngày xưa, dân làng chỉ làm một loại màu là màu đà vốn sẵn có trong tự nhiên. Còn hiện nay, với đà phát triển của khoa học kỹ thuật, họ có thể dễ dàng làm các gam màu. Chỉ cần bỏ ra chút ít tiền là có thể mua các loại bột màu tùy thích. Bên cạnh bột màu, lại xuất hiện hóa chất tạo mùi. Mấy chục năm trở về trước, cũng như ông Hứa Tàu, muốn có bột, họ phải lên núi bứt lá. Độ ba, bốn giờ sáng, bà con đã thức giấc, í ới gọi nhau, chuẩn bị cơm đùm cơm nắm, nhắm mấy ngọn núi vùng Đại Quang, Đại Nghĩa mà đi. Đến nơi, phần ai người nấy luồn rừng, tìm cây bứt lá. Trưa, họ đã xuống núi, tìm chỗ râm mát nghỉ ngơi, ăn uống cho lại sức rồi tiếp tục về nhà. Sau đó, nếu trời nắng thì trải lá ra phơi. Trời mưa, phải hong lá. Khổ nhất, khi lá hong giòn, là giã ra bột. Cứ chồng một chày, vợ một chày, gĩa hết cối này sang cối khác. Lúc giã, bụi bay lên bám vào mặt, vào người, hòa với mồ hôi túa ra như vẽ rồng, vẽ rắn. Xong xuôi, việc nhào bột, bắt vào que tre và lăn tương đối nhẹ nhàng hơn. Trẻ em mươi tuổi đến cụ già sáu bảy mươi cũng có thể làm. Bởi, nó không đòi hỏi nhiều sức lực. Chỉ cần siêng năng và có chút ít kinh nghiệm mà thôi.
Có thể nói, qua hàng trăm năm với bao vật đổi sao dời nhưng nghề làm hương truyền thống Phú Lộc vẫn được duy trì và phát triển. Ghé thăm làng nghề, đặc biệt vào tháng mười một, tháng chạp âm lịch, thời điểm cận Tết âm lịch hàng năm, du khách gần xa sẽ vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi thấy dọc hai bên đường hương phơi đầy trước sân, ngoài ngõ. Có nhà phơi bằng nong, lại có nhà phơi bằng giàn. Khách như lạc vào thế giới khác, thế giới đầy sắc và hương. Rồi mai đây, những cây hương, bó hương… thơm ngát sẽ theo chân họ đi khắp các nẻo đường, từ quê ra phố, đáp ứng nhu cầu hương Tết của bà con xa gần.

No comments: