Monday, April 2, 2012

NGHỀ LÀM XE GIÓ Ở THANH ĐƠN


Chuyện kể rằng mấy trăm năm trước, khi từ đất Bắc vào đây khai canh khai cư, lập làng lập xóm, bà con các tộc họ làng Thanh Đơn, nay thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, chủ yếu sinh sống bằng nghề nông. Tuy nhiên, do đất ruộng ít, hầu hết đều tập trung vào tay một số gia đình giàu có như gia đình các ông Như, ông Huyến, ông Xã Thể, ông Xã Liễn nên đại đa số phải làm thuê, làm rẻ và làm đủ các nghề khác để kiếm miếng cơm manh áo hàng ngày.
 Trong những nghề khác ấy, phổ biến nhất là đi cây. Muốn đi cây, họ phải thực dậy từ ba, bốn giờ sáng đã, ăn một bụng… thật no rồi đùm thêm một ít cơm độn toàn khoai, sắn đem theo. Cứ thế, cả đoàn độ bảy, tám người rủ nhau âm thầm đi xuyên bóng đêm, làm sao để trời vừa sáng thì đã đến chân rừng, bắt đầu luồn suối, băng rừng, tìm cây mà chặt, mà hạ. Xong xuôi, nghỉ ngơi ăn uống rồi cứ thế, vác gỗ về.
Thế rồi, vào khoảng giữa thế kỷ XIX, có một người thợ quê gốc Quảng Ngãi được thuê làm xe gió ngay trên khúc sông Vu Gia chảy qua xã Đại Cường. Rồi, không biết lý do gì, ông ở luôn tại Thanh Đơn, truyền nghề cho dân làng. Từ đời ông đến đời ông Hứa Minh, sinh năm 1923 cũng đã ba đời. Còn tính cả thế hệ con cháu nữa thì cũng lên đến năm, sáu đời.
Như vậy, nghề làm xe gió ở Thanh Đơn hình thành cách nay khoảng 150 năm trong lịch sử. Thời gian đầu, còn “lạ nước lạ cái”, trong làng chỉ có đôi người theo nghề làm xe gió. Khi họ làm được, gây chút ít tiếng tăm, thoát khỏi cảnh ngày ngày phải trèo đèo lội suối, sợ cọp rừng, ngại thú dữ rập rình… thì số người tình nguyện gia nhập đội quân “xe gió” mỗi lúc một đông thêm. Tính đến đầu thế kỷ XX, đã có hàng chục thợ làm xe gió.
Thường thường, trong nghề làm xe gió, phải có một ông chuyên nhận thầu, gọi là ông Thủ mực13. Khi ai đến đặt vấn đề, ông Thủ mực sẽ tính toán tiền công một cách rõ ràng, rồi ra giá. Nếu đối tác đồng ý, ông sẽ tập trung thợ lại, phổ biến kế hoạch để bắt tay vào làm.
Tại Thanh Đơn, cũng trong khoảng thời gian ấy, trong làng có ba ông Thủ mực. Đó là các ông Hương Lưỡng, ông Hương Thu và ông Hương Nhứt. Nhiều công trình xe gió được thợ Thanh Đơn thi công và hoàn thành như các công trình xe gió ở Hà Nha, Phước Yên, Bồ Khoan, Tân Đợi, Phúc Hương. Đó là những công trình nằm trên địa bàn huyện, chưa kể nhiều công trình khác ở các huyện chung quanh.

                                  Xe gió hay còn gọi là xe nước xưa. Ảnh tư liệu.
Khoảng nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, cũng như nhiều địa phương khác, khi các vùng nông thôn chưa có máy bơm thì ở Quảng Nam, chuyện sử dụng xe gió để lấy nước tưới các cánh đồng trong mùa khô hạn là một giải pháp hợp lý được nhiều nơi áp dụng. Theo tính toán, để tưới 100 mẫu lúa, xe gió phải có 10 “bánh”. Bình quân, mỗi “bánh” có thể tưới được 10 mẫu. Mỗi người có thể nhận nửa bánh, một bánh hoặc hai bánh, tuỳ theo khả năng  của  mình. Cứ  nhận  nhiều thì trả tiền nhiều. Bấy giờ, xe gió thường bắt đầu chạy vào tháng 2 âm lịch và đến khoảng tháng bảy, tháng tám âm thì tháo ra, nghỉ. Đây cũng là thời điểm bắt đầu mùa mưa, không thiếu nước. Hơn nữa, cũng là mùa lụt lội. Nếu cứ để nguyên, khi xảy ra lũ lụt, dòng nước chảy quá mạnh có khả năng sẽ phá hỏng xe gió.
Những người bỏ tiền ra thuê thợ làm xe gió họp lại bầu ra ban quản trị, chịu trách nhiệm lo việc trông nom xe gió, đắp kênh mương để dẫn nước vào đồng ruộng và… thu thuế nước. Thuế bấy giờ được tính bằng lúa. Cứ quy ra, một mẫu một mùa là bao nhiêu, khi thu hoạch phải trả đủ. Khi thu hoạch, mấy anh bỏ tiền ra làm xe gió cứ canh lấy đủ lúa. Tất cả đều được đổ vào một nơi quy định. Rồi, họ có thể đạp chung rồi chia, theo phần đóng góp của mỗi người.
Bờ xe gió hiếm hoi còn sót lại ở Đại Lộc. Ảnh Đ.Đ
Cũng lắm khi chia theo gánh. Phần ai gánh phần người nấy, về nhà mới đạp ra. Với những người thợ làng Thanh Đơn, sau khi hoàn thành xe gió, thường được ban quản trị thuê túc trực sửa chữa khi hư hỏng, trục trặc trong quá trình vân hành xe gió. Tiền thuê được tính bằng lúa. Cứ mỗi mùa quy định bao nhiêu, khi thu lúa, ban quản trị có bổn phận trả cho thợ đầy đủ.
Vào những năm thập kỷ 1960, 1970, trên các dòng sông Vu Gia, người ta bắt đầu dùng máy bơm bơm nước thay cho xe gió. Hễ máy bơm được lắp đặt đến đầu thì xe gió biến mất đến đó. Rõ ràng, máy bơm tiện lợi hơn xe gió nhiều mặt. Thế cho nên, thay vì làm xe gió, tiện lợi nhất là… mua một chiếc máy bơm, vừa gọn nhẹ, vừa hiệu quả gấp nhiều lần xe gió. Cho nên, chiếc xe gió cuối cùng mà người thợ làm xe gió Thanh Đơn thi công là chiếc xe gió Phúc Hương được làm ngay sau ngày giải phóng, cũng trên mảnh đất Đại Cường. Phụ trách thi công lúc bấy giờ là ông Thê.
Và, sau hàng chục năm vắng bóng, khách đi trên tuyến đường sông Vu Gia qua Đại Cường vào thời kỳ ấy không mấy ai không mục kích chiếc xe gió này. Nhờ nó mà hàng trăm mẫu đất quanh đó được tưới nước đều đặn, góp phần không nhỏ chống hạn hán, tăng năng suất cây lúa lúc bấy giờ. Kể từ khi chiếc xe gió Phúc Hương bị dẹp bỏ, nghề làm xe gió Thanh Đơn cũng thật sự cáo chung. Hình ảnh những chiếc xe gió to đùng trên những dòng sông xứ Quảng giờ chỉ còn là kỷ niệm trong tâm trí của lớp ngưòi cao tuổi mà thôi[1].


[1] Ông Hứa Minh, sinh năm 1923, làng Thanh Đơn, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, kể.

No comments: